Phim Truyền Hình Hàn Quốc

Bài Học Cho Phim Truyền Hình Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

31-10-2016

Ở đây không nói về điện ảnh Hàn Quốc chính thống (tức phim ciné tức phim chiếp rạp mà Sài Gòn trước 1975 gọi là phim “đại vĩ tuyến”) vốn luôn vượt trội qua mặt  Hollywood, chẳng hạn zombie trong phim Mỹ rất hoang đường vô lý, đi cà khật cà khưỡng (walking dead – xác chết biết đi / “xác sống”) từng nhóm một cá thể hoặc mười cá thể để nhát ma và người bị nhát cứ vừa đi chậm rãi vừa giơ súng lên bắn đùng đoàng là giải quyết xong rốt ráo, dư thời gian để thoát nạn, còn trong phim Train to Busan (Chuyến Tàu Hỏa Đến Busan) của Hàn Quốc thì zombie rất hợp lý do có dịch virus lan tràn, chạy nhanh ào ạt hơn cả vận động viên điền kinh Olympic (nên gọi là…racing dead) lúc nhúc hàng trăm hàng ngàn người cùng lúc khiến người còn sống chạy “ná thở” với tốc độ xe đua Thể Thức Một mới thoát được, khiến Hollywood chợt tỉnh cơn mê phải bỏ tiền mua lại bản quyền để làm phim zombie mới, chắc sẽ mang tên…Express Train to Los Angeles (chuyến tàu cao tốc đến Los Angeles) chăng.

Ở đây xin chỉ nói về phim truyền hình (không kể đến phim cổ trang, dù phim cổ trang Hàn hay gấp tỷ lần phim cổ trang Tàu toàn bọn gióc tóc và toàn theo các cốt truyện mà người Việt đã biết rất rõ) tràng giang đại hải hàng trăm tập của Hàn Quốc vốn luôn hay hơn phim truyền hình Tàu vốn rất nhàm chán về lời thoại, diện mạo, cảnh quang, cùng cốt truyện, và tất nhiên hay hơn tất cả các phim truyền hình còn lại (của Hong Kong, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Ấn Độ ) đã và đang được chiếu trên tivi Việt đều thuộc hạng đáng thương hại, đáng vất đi, không đáng để bàn đến, hạng sơ mít (phim Hồng Công thì sơ sài, phim Thái Lan thì sơ đẳng, phim Phi Luật Tân thì sơ sinh, phim Việt Nam thì sơ sót, phim Ấn Độ thì sơ hở). Đặc biệt khi phim truyền hình Hàn Quốc đa số thiên về đối tượng khán giả “nội trợ” nên đặc biệt được ưa chuộng khắp thế giới Châu Á và Châu Nam Mỹ. Tại Việt Nam, đài truyền hình nào phát phim truyền hình ngoại như của Hong Kong, Tàu, Thái, Phi, Ấn thì đều đáng thương hại như các bộ phim ấy. Còn chiếu phim truyền hình Việt Nam thì đúng là chuyện bất cẩn vô cùng.

Những điều kỳ lạ luôn có trong phim truyền hình Hàn Quốc

1- Không có sự đối đầu giữa người tốt khôn với người gian khôn hơn, mà luôn là sự đối đầu giữa người tốt ngu hết biết, ngu dài hạn, ngu “bền vững”, với người gian khôn hết chỗ, khôn trường kỳ. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì nhân vật cũng ngu cũng khôn nhưng chẳng bao giờ hay cả.)

2- Thường có nhân vật bị sự cố khiến phải phẫu thuật và mất trí. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì thỉnh thoảng có nhân vật mất trí, nhưng dù còn trí hay mất trí cũng chẳng bao giờ hay cả.)

3- Phim xã hội luôn có các “chủ tịch”, “giám đốc”, “tập đoàn”, “cổ phần”, “cổ đông”, ngự trong những tòa nhà khổng lồ mấy chục tầng, bất kể đó là công ty sản xuất…canh đuôi bò, hoặc kim chi, hoặc bánh mì, hoặc bánh gạo, hoặc nước tương, hoặc bất cứ món ăn bình dân nào khác ra toàn thế giới. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì không bao giờ có chuyện tập đoàn đại tư bản sản xuất mắm nêm, mắm tôm, mắm Thái, mắm Bà Giáo Thảo, dưa chua, dưa món, dưa mắm, nước mắm, chao, bánh canh giò heo ra toàn thế giới, nhưng chẳng phim nào hay cả.)

4- Luôn có cảnh nấu các món ăn truyền thống thật tinh tế đầy màu sắc, cảnh ăn uống, cảnh suýt xoa khen món ăn ngon, toàn là từ các loại rau củ, và đương nhiên là luôn có kim chi và mì sợi. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì ăn toàn ở nhà hàng sang, món ăn Tây sang, món Việt chỉ với hai màu “đặc trưng” của nâu và xám, nhưng chẳng phim nào hay cả)

5- Luôn có chuyện người tốt nghèo bị hại thế nào cũng hóa ra là con rơi con rớt của “chủ tịch tập đoàn”, còn người gian giàu sang thế nào rốt cuộc cũng bị lột mặt nạ dối lừa khiến mất sạch sành sanh. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì không như vậy vì xã hội Việt Nam chỉ có vài ba “tập đoàn” nên các “chủ tịch” không có con rơi con rớt, nhưng cũng chẳng có phim hay.)

6- Người Hàn không biết xài điện thoại di động vì sản xuất điện thoại chỉ để xuất khẩu: mỗi khi không muốn nhận cuộc gọi thì tất cả các nhân vật dù nhà quê hay celebrity sang trọng đều…giận dữ mở nắp tháo pin. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì không như vậy, ai cũng biết ấn nút tắt nguồn, nhưng cũng chẳng có phim hay.)

7- Người Hàn không biết xài điện thoại di động vì sản xuất điện thoại chỉ để xuất khẩu: mỗi khi không muốn nhận cuộc gọi thì tất cả các nhân vật dù nhà quê hay celebrity đều luôn cho thấy họ không bao giờ biết cách gài mật khẩu password nên tạo vô số điều kiện cho người khác lén đọc tin nhắn hoặc lén dùng gởi tin nhắn mạo danh nhằm hãm hại chủ nhân điện thoại. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì không luôn như vậy nhưng cũng chẳng hay)

8- Người Hàn không biết xài điện thoại di động: màn hình điện thoại lúc có cuộc gọi đến kể cả từ người thân như người yêu hay chồng vợ con cái không bao giờ có kèm hình của người gọi đến, còn nhạc chuông phone của tất cả các diễn viên trong cùng một bộ phim đều nhue nhau. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì cũng như vậy nhưng cũng chẳng hay)

9- Trang phục đương thời của người Hàn luôn tinh tế trang trọng bất kể sang hèn; việc trang hoàng nhà cửa thì luôn gọn gàng ngăn nắp bất kể giàu nghèo. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì trang phục và trang hoàng nhà cửa của nhân vật giàu thì lung tung phi trường phái, còn nhà cửa của nhân vật nghèo thì hoặc luộm thuộm hoặc “rách mồng tơi”, nhưng chẳng phim nào hay)

phim-han

10- Trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn luôn giống nhau về “thiết kế” tức cùng một kiểu, luôn thích hợp cho phong thái phụ nữ Hàn nói chung bất kể diễn viên gầy hay “phì nhiêu”. Ấy vậy mà phim nào cũng hay. (Phim Việt thì mặc sức hủy phá áo dài giống như trong các buổi trình diễn thời trang chỉ dành cho người mẫu, còn nữ diễn viên “phì nhiêu” thì luôn né áo dài. Hàn Quốc và tất cả các nước văn minh văn hóa cao trên toàn thế giới không ai “cách tân” trang phục truyền thống, dù đó là hanbok, kimono, hay đầm hái nho. Mà phim Việt có toàn áo dài thì  cũng chẳng hay)

11- Người Hàn rất “hợp rơ” tức “hòa âm điền dã”: phim nào cũng có ít nhất 10 cảnh một người nắm tay người khác để lôi xềnh xệch ra chỗ khác nói chuyện, và người bị kéo rất “hợp tác” nghĩa là dù miệng mồm ăn nói cứng rắn cưỡng lại nhưng không bao giờ chống cự thành công mỗi khi bị nắm tay kéo đi xềnh xệch như thế. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì không biết có bắt chước lôi xềnh xệch như vậy không, nhưng cũng chẳng hay)

12- Nhân vật chính vai đàn ông Hàn rất khỏe mạnh (vì tất cả nam công dân đều phải thi hành nghĩa vụ quân sự): phim nào cũng có màn nam cõng nữ đi bộ lên dốc.  Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thỉnh thoảng có bắt chước như thế dù đàn ông Việt yếu xìu và vì không bao giờ trong thực tế có màn cõng như vậy đi dạo trên đường phố. Nhưng ngay cả có màn cõng này thì phim Việt cũng chẳng hay)

13- Nhân vật vai nữ Hàn chính luôn là “người cõi ta bà” nghĩa là thấp như “người thiệt” thường thấy ngoài đời, nghĩa là nữ diễn viên tuyệt đại đa số là dân chuyên nghiệp tốt nghiệp trường điện ảnh hẳn hoi, mà vai diễn tùy vào điểm tốt nghiệp chứ không tùy vào ngoại hình. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì nữ vai chính là “cõi trên” vì đa số là người mẫu nên xa lạ và khiến phim nào cũng chẳng hay)

phim-han-5phim-han-4

14- Hai mẫu câu thường xuyên sử dụng đến độ nghe lùng bùng lổ tai, được dịch sang tiếng Việt thành: “Đừng lo lắng quá” và “Dạ tôi biết rồi”. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì cũng bắt chước nói tiếng Việt y như vậy nhưng cũng chẳng hay)

15- Người Hàn không ưa cảnh sát nên mỗi khi phát hiện ra chứng cớ đều ù chạy đến kẻ gian để hỏi “tại sao lại làm thế” hoặc hỏi “có phải đó là sự thật không”, hoặc nhá nhá bằng chứng ra để đe dọa sẽ làm sáng tỏ, khiến kẻ gian biết hết để hoặc hóa giải hoặc giật cướp bằng chứng hủy mất, làm phim dài thêm ít nhất 50 tập. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì không rõ diễn viên có ưa cảnh sát hay không, nhưng chẳng phim nào ra hồn cả)

16- Vũ khí của xã hội đen Hàn Quốc trong phim xã hội luôn là gậy gộc, ắt do tiêu chí giáo dục. Xã hội nào mà chẳng có dân lưu manh, nhưng nếu dùng súng và dao thì bất lợi ở 5 điểm gồm (a) sự “giải quyết” sẽ quá nhanh, không giúp phim kéo dài hơn 30 giây sau tiếng “đùng”; (b) hóa ra sự quản lý “vũ khí nóng” của cảnh sát Hàn Quốc quá yếu kém hay sao; (c) không để trẻ em khán giả xem phim thấy “vũ khí bạo lực”; (d) phim còn quá dài nên nhân vật chính phải “còn sống” dai; và (e) ngẫu nhiên khiến tạo nên một nét đặc thù về giới lưu manh Hàn Quốc hoàn toàn không giống ai trên toàn thế giới. Ấy vậy mà phim nào cũng hấp dẫn. (Phim Việt thì luôn xài dao súng đến độ tức cười chẳng hạn với cảnh hai nhân vật chỉa súng lục vào nhau nhưng hoàn cảnh, lời thoại, diễn xuất chẳng chút căng thẳng, đạo cụ làm súng thì khả nghi, cánh tay giơ súng thì gầy guộc, và tất nhiên chẳng bóp cò nên nói láp giáp vài câu là đường ai nấy đi. Dữ dằn như vậy mà chẳng phim nào ra hồn)

17- Ý thức người Hàn rất cao: tất cả nhãn hiệu bị che mờ trên các chai rượu “xịn” Tây đắt tiền nhập khẩu và trên các logo xe hơi made-in-nước-khác. (Phim Việt luôn chiếu rõ nét nhãn hiệu “xịn” của chai rượu, xe hơi, điện thoại thông minh, giày, xách tay, v.v., để khán giả biết đó là đồ xài của nhân vật “sang”, tức giống y cái phong cách của một số người nghèo khổ đối với “hàng hiệu” made-in-nước-ngoài. Sang trọng là thế nhưng chẳng có phim nào ra hồn.)

18- An toàn: các phim truyền hình trường thiên của Hàn được chiếu trên tivi Việt Nam rất an toàn cho sự sum họp gia đình mỗi tối. Ấy vậy mà phim nào cũng hay và được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt Châu Á và Nam Mỹ. (Phim Việt loại truyền hình tràng giang đại hải vốn dành cho khán giả “gia đình” thế mà khoái có cảnh trần truồng, có cảnh làm tình, có cảnh cưỡng hiếp, có cảnh ăn nói quàng xiêng, có cảnh bạo lực, có cảnh lời nói hung hăng, và nhất là hoàn toàn không có lễ nghĩa trong khi phim xã hội Hàn hiện đại lại luôn có ít nhất một lần diễn viên quỳ lạy khấu đầu trước bậc trưởng thượng bất kể gia cảnh giàu sang hay nghèo khổ. Tóm lại, các gia đình Việt Nam nếu có nhiều thành viên thuộc các thế hệ khác nhau – nghĩa là có chênh lệch cao về tuổi tác – thì không nên quây quần cùng nhau xem phim truyện Việt Nam sau khi ăn tối. Nên phim Việt chẳng ra làm sao cả.)

19- Đẹp: phim truyền hình Hàn có trang phục đẹp để người Việt noi theo, có các cảnh tuyệt đẹp ở …gầm cầu để người Việt noi theo, cảnh ở mọi nơi đều có màu xanh của lá của cây rất tuyệt mỹ, nhân vật có các phong cách trang trọng quý phái uy nghiêm ở tướng đi dáng đứng dù là của đội cận vệ theo hầu…chủ tịch. Ấy vậy mà phim nào cũng hay. (Phim Việt thì không như vậy, diễn viên có mặc đẹp nhưng lại y như trang phục của biểu diễn thời trang chứ không như của đời sống thực của giới thượng lưu, còn gầm cầu là nơi uế tạp, cây lá chẳng xanh rì, v.v. Nên phim Việt chẳng ra làm sao cả.)

phim-han-3

20- Hậu duệ mặt trời: nét đặc biệt của tất cả các phim Hàn là các diễn viên nhi đồng và thiếu nhi cực kỳ dễ thương, diễn xuất cực kỳ giỏi, dễ khóc như mưa khi đạo diễn ra hiệu lệnh, trở thành đội hậu bị đáng tin cậy cho Làn Sóng Hàn mãi ngập tràn cuốn phăng thế giới. (Phim Việt thì không thể được như vậy và do đó phim không ra làm sao cả.)

phim-han-2

21- Phim xã hội truyền hình Hàn luôn làm khán giả Việt Nam bực dọc, và như vậy đã thành công vượt bậc, vì khi biết bực dọc trước cái đại ngu của nhân vật trong phim, khán giả đã biết bản thân mình phải khôn như thế nào nếu gặp phải những chiêu trò ma giáo tương tự của kẻ ác. Đó là lý do sự bực dọc của khán giả Việt biến phim Hàn luôn hấp dẫn vậy.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Both comments and trackbacks are currently closed.