Monthly Archives: April 2014

Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước Báo Cáo Với Nhân Dân Công Tác Nửa Đầu Nhiệm Kỳ 2011-2016

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 4 năm 2014

Kính thưa Quốc dân, Đồng bào:

Tôi là Hoàng Hữu Phước, Đại biểu Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIII, Nhiệm kỳ 2011-2016;

Do báo cáo với nhân dân là phần việc cần có của mỗi Đại biểu Quốc hội Việt Nam; nhưng trong thời gian qua phần việc này tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được thực hiện dưới hình thức bản báo cáo chung toàn đoàn được soạn sẵn để phát cho tất cả các Tổ Đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đạt được sự thống nhất cao và đồng nhất cao của các nội dung do một đại diện mỗi Tổ trình bày tại các buổi tiếp xúc cử tri sau mỗi Kỳ họp Quốc hội, khiến truyền thông đại chúng đạt yêu cầu tuyên truyền chính trị tập trung cao nhờ theo một kiểu thông cáo báo chí giống nhau thay vì là những bài viết chính luận mang bản sắc riêng của mỗi tờ báo cho từng luận điểm riêng mà riêng cá nhân Đại biểu Quốc hội nào đó có thể đề ra đặc thù hay có giá trị tranh luận hoặc đột phá;

Sau thời gian nửa đầu nhiệm kỳ phục vụ nhân dân tại Quốc hội;

Để thực hiện nghiêm túc một việc chưa từng có tiền lệ tại Quốc hội;

Tôi nay qua phương tiện blog cá nhân trên internet xin tự nguyện báo cáo cùng Quốc dân Đồng bào về những phần việc cá nhân tôi đã thực hiện tại Quốc hội như sau.

Trước hết, tôi xin nói rõ hơn rằng trách nhiệm một Đại biểu Quốc hội dân cử là đối với và trước toàn dân, trong đó có cả các thành phần nhi đồng, thiếu niên, thanh niên vừa đến tuổi bầu cử luật định, những người vừa được trả lại quyền công dân, những người vừa được nhập quốc tịch Việt Nam, v.v., chứ không chỉ với “cử tri” bao gồm duy chỉ những người đủ điều kiện luật định trong năm 2011 đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Khóa XIII cho cá nhân người Đại biểu Quốc hội, và không chỉ tại địa phương hoạch định khu vực bầu cử cho từng tổ Đại biểu Quốc hội. Do đó, từ ngữ “Quốc dân Đồng bào” được dùng trong báo cáo này vì tính chính danh chính đạo của ngôn từ về vai trò thực thụ của người Đại biểu Quốc hội, và của yêu cầu cao của thực tế đời sống chính trị quốc gia.

Báo cáo này gồm có các nội dung chính sau:

Image

I) Giai Đoạn Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội

 Image

Là ứng cử viên tự do, tôi đã tự tìm đến văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký nhận chỉ một bộ hồ sơ ứng cử quốc hội khóa XIII, không đăng ký ứng cử cùng lúc Quốc hội và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tại tất cả các buổi tiếp xúc cử tri để đọc các chương trình hành động, tôi đã thực hiện một việc chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam: in hàng ngàn tập tài liệu phát cho cử tri ngay tại cửa vào các hội trường:

 Image

Những tài liệu này do tôi tự soạn, không phải xin phép vì luật pháp bầu cử không cấm, không phải trình ủy ban bầu cử duyệt nội dung vì quy định bầu cử không yêu cầu, và trên tất cả là vì tôi là một công dân đoan chính. Tập tài liệu này có mục lục gồm: lý lịch chi tiết, chương trình hành động, bản photocopy một số trang báo có đăng bài phỏng vấn tôi hay viết về tôi nhân kỷ niệm 20 năm ngày tôi giúp thực hiện chuyến xuất khẩu gạo đầu tiên của Việt Nam, những hình ảnh tôi tại các hội nghị trong 10 năm trước đó, bản in tám bài viết blog nổi bật của tôi về các vấn đề lớn của đất nước – trong đó có bài phân tích hoàn chỉnh về nội dung bô-xít đang gây tranh cãi, v.v., mục đích để cử tri biết rõ hơn về tâm, tầm, và thế của tôi, một ứng cử viên tự do, không đảng tịch, và không nằm trong hệ thống chính quyền các cấp, nhằm tạo ra vị thế khác biệt rõ nét giữa tôi so với tất cả các ứng cử viên khác vốn được chuẩn định rằng nội dung lý lịch và chương trình hoạt động được thể hiện trên duy chỉ hai mặt trang của một tờ giấy khổ A4, mà chất lượng nội dung của các ứng cử viên giàu thành tích dày quá trình cống hiến cách mạng sẽ nổi trội lấn lướt làm lu mờ những ứng cử viên như bản thân tôi có ít hơn hoặc không có quá trình cống hiến cách mạng tương tự.

Với tâm huyết vì đất nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nhận thức đúng đắn về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự trường tồn của quốc gia, dân tộc, sau bao năm tháng sống và làm việc cùng trên tinh thần như vậy, tôi đã luôn phát biểu với báo giới và trước cử tri trong thời gian tranh cử rằng bản thân luôn biết lo trước cái lo của người dân và luôn bảo vệ đất nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam[1]và trong thời gian qua đã luôn theo đúng các tâm nguyện này theo sự kỳ vọng mà lá phiếu tín thác của cử tri đã dành cho.

II) Tại Quốc Hội

 

A- Các Đóng Góp Ý Kiến Bằng Văn Bản

1) Với Quốc Hội

Tôi đã viết và gởi các văn bản sau đến Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội:

a- Thư ngày 07-9-2013 với nội dung góp ý về “một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội liên quan đến Khoản 2, Điều 12, tại Công văn số 755/VPQH-KHTC ngày 24-4-2013 của Văn phòng Quốc hội về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13”.

b- Thư ngày 03-10-2013 với nội dung góp ý về “Danh Thiếp của Đại Biểu Quốc Hội”

c- Thư ngày 03-10-2013 với nội dung góp ý về “Truyền Đơn”

d- Thư ngày 27-10-2013 với nội dung góp ý về “Phát Biểu Tại Hội Trường Quốc Hội Trong Các Kỳ Họ­p­­­” [2]

e- Thư ngày 27-10-2013 với nội dung góp ý về “Cách Đánh Số Trong Các Đạo Luật”.

2)Với Nhà Nước và Chính Phủ

Tôi đã viết và gởi các văn bản sau đến Nhà nước và Chính phủ:

a- Thư ngày 19-7-2013 gởi Bộ trưởng Bộ Công An, Đại tướng Trần Đại Quang, với nội dung “Truyền Đơn Của Bọn Phản Loạn”.

b- Thư ngày 24-7-2013 gởi Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, với nội dung “đề xuất cách xử lý việc khiếu kiện nhiều năm của công dân Hoàng Hữu Hiệp”.

c- Thư ngày 02/08/2013 gởi Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Phạm Vũ Luận, với nội dung chuyển bài tham luận “Những Phân Tích Mới Lý Giải Vấn Nạn Bất Tương Thích Giữa Đào Tạo & Sử Dụng Nhân Lực Trình Độ Đại Học và Các Biện Pháp Cách Tân” của tôi tại Hội Thảo “Hợp Tác Đào Tạo Nhân Lực Chất Lượng Cao” của Hoàng Hữu Phước tại hội thảo do Viện Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Người Lao Động tổ chức ngày 23-10-2010 tại Đại Học Bách Khoa Tp Hồ Chí Minh [3]

d- Thư ngày 04-08-2013 gởi Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan với nội dung về khâu quản lý thi cử và quản lý chất lượng người thầy.

e- Thư ngày 08/08/2013 gởi Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát, với nội dung chuyển bài tham luận “Cụm Ngành Nông-Lâm Trong Chiến Lược Phát Triển Tam Nông” của Hoàng Hữu Phước tại Hội nghị “Bốn Nhà Hợp Tác Phát Triển Sản Xuất Kinh Doanh Các Mặt Hàng Nông Nghiệp” do Quỹ Phát Triển Nông Nghiệp Quốc Tế Liên Hợp Quốc IFAD, Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn, Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư, và Phòng Thương Mại & Công Nghiệp VCCI phối hợp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29 và 30 tháng 11 năm 2010 [4]

f- Thư ngày 08/08/2013 gởi Bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch Hoàng Tuấn Anh với nội dung chuyển sáu bài viết của Hoàng Hữu Phước về chủ đề phát triển du lịch Việt Nam như: (1) Nền Cũ Lâu Đài Bóng Tịch Dương – Luận về Bảo Tồn & Bảo Tàng, (2) Tư Vấn Đầu Xuân: Phát Triển Du Lịch Việt Nam, (3) Vấn Đề Logo Và Slogan Cho Du Lịch Việt Nam, (4) Lại Nói Về Logo Du Lịch Việt Nam, (5) Quốc Nhục, và (6) Quốc Hoa: Từ Ý Kiến Của Ông Đặng Thành Tâm [5]

g- Thư ngày 08-8-2013 gởi Bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Son  với nội dung chuyển sáu bài viết của Hoàng Hữu Phước về chủ đề phát triển du lịch Việt Nam như: (1) 12 Ý Kiến Tư Vấn Dành Cho Giới Quảng Cáo, (2) Quảng Cáo Truyền Hình: Giải Quyết Một Mâu Thuẫn, (3) Sự Vô Tư Khỏa Thân, (4) Tư Vấn Phát Triển Điện Ảnh Việt Nam, (5) Điện Ảnh Việt Nam Đa Tá Lả, và (6) Tư Vấn Đổi Mới Hình Thức Báo Chí[6]

h- Thư ngày 20-10-2013 gởi Thủ Tướng với nội dung “Góp ý về Dự Toán Chi Lĩnh Vực Giáo Dục – Đào Tạo – Dạy Nghề trong  Báo Cáo Phân Bổ Ngân Sách Trung Ương Năm 2014 của Chính Phủ”.[7]

3)Với Người Đồng Cấp

Tôi đã viết và gởi các văn bản sau đến những người đồng cấp trong Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh:

a- Thư ngày 27-7-2013 gởi ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP HCM, với nội dung về “Thuốc nhập khẩu và sự bất minh trong kê đơn thuốc tại bịnh viện lớn ở Tp Hồ Chí Minh” [8]

b- Thư ngày 18-7-2013 gởi ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh, Đoàn ĐBQH TP HCM, với nội dung về “Vụ án Số 470/2010 TLST-ST ngày 01-11-2010 của Tòa Án Nhân Dân Thành phố liên quan đến nguyên đơn Lý Vĩnh Bá” [9]

B- Các Phát Biểu Ở Nghị Trường:

 Image

1- Về nội dung Giáo dục – Đào tạo như được nêu trong Báo cáo của Chính phủ về Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Năm 2013, Kế Hoạch Phát Triển Kinh Tế – Xã Hội Năm 2014, Kết Quả 3 Năm Thực Hiện Kế Hoạch 5 Năm 2011-2015 và Nhiệm Vụ Năm 2014-2015

2- Về Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp Năm 1992 [10]

3- Về Dự Án Luật Xây Dựng [11]

4- Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn [12]

5- Bài phát biểu về báo cáo “Kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện” của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, và Môi trường [13]

6- Về Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 [14]

7- Về Luật Biểu Tình [15]

8- Về Luật Giáo Dục Đại Học [16]

9- Về Luật Biểu Tình & Luật Lập Hội [17]

 Image

C- Chuyển Tải Các Góp Ý Của Công Dân Đến Lãnh Đạo

Tôi đã giúp chuyển tải các tài liệu sau của công dân:

1- Công trình nghiên cứu Góp Ý Về Luật Đất Đai ngày 23-11-2013 của cử tri Ngô Long Minh (Quận 1, Tp Hồ Chí Minh) gởi đến Thường Vụ Quốc Hội.

2- Thông tin của một cử tri Hà Nội gởi đến tôi nhờ chuyển đến Chủ tịch Nước liên quan đến hành vi tiêu cực của một cựu Chủ nhiệm một Ủy Ban của Quốc hội Khóa XI & XII đối với họ tộc và đối với an ninh trật tự quốc gia.

D- Giúp Hoàn Thiện Các Góp Ý Của Nhân Viên Đến Lãnh Đạo

Tôi đã động viên, khuyến khích nhân viên trong công ty của tôi tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đất nước, và đã giúp xem lại nội dung, tư vấn thêm về kết cấu bố cục chuyên nghiệp cho các bản hiến kế sau:

1- “Ý Kiến Về Tái Cấu Trúc Nền Kinh Tế Việt Nam” ngày 16-5-2012 của Lại Thu Trúc. [18]

2- “Ý Kiến Về Dự Thảo Sửa Đổi Luật Đất Đai” ngày 28-10-2012 của Lại Thu Trúc. [19]

3- Bản “Đề Xuất Giải Pháp Phát Triển Kinh Tế-Xã Hội và Tiến Cử Người Giỏi Giúp Nước” ngày 20-04-2013 của Lại Thu Trúc.

4- Bản “Góp Ý Đề Án Thí Điểm Mô Hình Chính Quyền Đô Thị Thành Phố Hồ Chí Minh và Quyết Định Lựa Chọn Thành Phố Nào Thí Điểm Mô Hình Này” ngày 26-09-2013 của Lại Thu Trúc.

5- Bản “Góp Ý Những Vấn Đề Cần Làm Rõ Trước Khi Cơ Quan Chức Năng Đệ Trình Bộ Chính Trị, Quốc Hội và Chính Phủ Đề Án Thí Điểm Mô Hình Chính Quyền Đô Thị Thành Phố Hồ Chí Minh” ngày 20-02-2014 của Lại Thu Trúc.

E- Công Tác Báo Chí

Ngoài các bài viết đăng trên các trang blog cá nhân mang tính giáo dục nhắm đến giới trẻ, tôi còn tích cực viết bài tuyên truyền với tư cách nghị sĩ qua kênh truyền thông chính luận chính yếu cụ thể như sau:

1- Bài “Về Thực Quyền, Thực Uy”, đăng trên báo Đại Biểu Nhân Dân số ra ngày 26/11/2013 [20]

2- Bài “Cần Giải Quyết Dứt Điểm Những Khiếu Nại, Tố Cáo Của Công Dân”, đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ, số ra ngày 24-11-2013 [21]

III) Công Tác Ủy Ban Đối Ngoại

 

Trong thời gian qua, với tư cách Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tôi đã có những hoạt động như tham gia đoàn giám sát các tỉnh biên giới Tây Nam, thăm và làm việc với Quốc hội Vương quốc Campuchia, dự Hội nghị Việt Nam – Lào – Campuchia tại Nghệ An, tiếp đoàn Quốc hội Trung Quốc, thay mặt Ủy ban Đối ngoại công tác với Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong tiếp đón các đoàn Quốc hội Thái Lan và Ba Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh; và tham gia các hội thảo các dự án luật có liên quan đến công tác đối ngoại và ngoại giao.

 Image

 Image

 

IV) Công Tác Địa Phương

 

 Image

A- Tiếp Dân

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi tiếp công dân theo lịch phân công của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để lắng nghe và nhận đơn thư khiếu nại – tố cáo của công dân. Thay vì nhanh chóng chuyển ngay đến các cơ quan hữu quan các đơn thư khiếu nại – tố cáo thuộc những hồ sơ đã kéo dài nhiều năm của công dân, tôi dành ra nhiều thời gian hơn luật định để nghiên cứu thật kỹ các hồ sơ. Khi nhận ra rằng những vụ việc kéo dài hàng chục năm dù đã luôn được các Đại biểu Quốc hội các khóa tiền nhiệm tích cực chuyển ngay đến các cơ quan có thẩm quyền cũng như tích cực đôn đốc các cơ quan này giải quyết vẫn không làm tình hình khả quan hơn, tôi đã

– tư vấn và giúp công dân viết lại đơn thư cho có tính tập trung cao và mạnh mẽ hơn (thí dụ: đơn thư khiếu nại nhiều năm của Cụ ông Lý Vĩnh Bá ở Thành phố Hồ Chí Minh viết dài nhiều chục trang gởi nhiều chục nơi, được tôi giúp viết cô đọng lại thành hai trang và gợi ý cho công dân gởi đến một quan chức cụ thể, v.v.);

– thay vì đơn giản viết ngay phiếu chuyển như các Đại biểu Quốc hội thường làm trong nhiều chục năm qua, tôi viết thư đề nghị hướng giải quyết cụ thể với sự tham gia của tôi (thí dụ: đơn thư khiếu nại hàng chục năm của công dân Hoàng Hữu Hiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh được tôi viết thư gởi Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, đề nghị tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân với sự có mặt của tôi, và tôi cam kết chịu trách nhiệm về hành vi của công dân này tại buổi tiếp xúc cũng như chịu trách nhiệm đối với việc chấm dứt vụ khiếu nại dai dẳng nhiều năm này trên cơ sở Tòa án Nhân dân Tối cao phải cung cấp cho tôi đầy đủ các bằng chứng phản bác có hiệu lực pháp lý);

– thay vì đơn giản viết ngay phiếu chuyển như các Đại biểu Quốc hội thường làm trong nhiều chục năm qua, đối với trường hợp công dân nào không những cố tình liên tục khiếu nại (dù Nhà nước đã rất nhiều năm qua giải quyết tối đa đúng theo luật định có tính đến sự hợp tình hợp lý), mà lại còn đưa nội dung chống đối lên blog và lớn tiếng đe dọa sẽ đưa vụ việc đến Đại Sứ Quán và Tổng Lãnh Sự Quán nước ngoài, tôi đã nghiêm khắc cho công dân ấy biết cơ quan Nhà nước đã đúng trong xử lý cụ thể nội dung khiếu nại – tố cáo do đó tôi từ chối chuyển tiếp đơn, đồng thời nêu cái sai của công dân ấy khi bôi nhọ chính quyền và cho rằng ngoại bang có quyền xen vào chuyện nội bộ nước Việt Nam; và

– viết bài trên blog hướng dẫn công dân về khiếu nại – tố cáo.[22]

Hiệu quả việc tôi giúp giải quyết các khiếu nại – tố cáo của công dân chưa cụ thể, chưa cao, do các cơ quan có liên đới trách nhiệm đã chưa tích cực xử lý. Trong thời gian qua, ngoài sự can thiệp của tôi đối với trường hợp công dân Trương Thị Nhỏ ở Quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh (là bị đơn của một vụ kiện phức tạp tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa nhiều bên từ năm 1976 khiếu nại bản án dân sự phúc thẩm số 03/2010/DSPT ngày 07-01-2010 của Tòa Phúc Thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh) đã có kết quả (khi Tòa Án Nhân Dân Tối Cao ra Quyết định số 535/2012/KN-DS ngày 27-12-2012 kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và tạm đình chỉ thi hành bản án cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm) thì các trường hợp khác đều chưa có chuyển biến gì dù tôi đã gởi tiếp các công văn đôn đốc và có các đề xuất cách giải quyết.

B- Họp Đoàn Đại biểu Quốc hội

Ngoài những buổi họp sơ kết hay tổng kết hoạt động có sự tham dự của nhiều Đại biểu Quốc hội trong đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, những buổi hội thảo do Đoàn tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu các dự án luật thường chỉ có một hay tối đa ba Đại biểu Quốc hội tham dự – ngoài Trưởng và các Phó Đoàn.

Lý do của việc có quá ít Đại biểu Quốc hội tham dự như sau:

– Đoàn tổ chức các buổi hội thảo có sự tham dự của các khách mời gồm các luật sư, luật gia, các quan chức các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, để lắng nghe các góp ý của các vị này;

– Các góp ý được “đúc kết” thành biên bản gởi Thường vụ Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn;

– Các góp ý ấy hoàn toàn không phải để các Đại biểu Quốc hội nắm rồi “chuyển tải” bằng cách phát biểu lại tại nghị trường Quốc hội;

– Khi dự kỳ họp tại Hà Nội, các Đoàn lại tổ chức họp thảo luận ở Tổ về các dự án luật ấy, và các Đại biểu Quốc hội không lập lại các ý kiến đã được “đúc kết” trước đó tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi các chuyên viên của các Ủy ban Quốc hội và các Bộ cùng tham dự để ghi chép các ý kiến mới được phát biểu này tại Tổ, mà chính các nội dung góp ý này cũng sẽ được “đúc kết” bằng văn bản gởi tiếp đến Thường vụ Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham khảo, chứ không phải để các Đại biểu Quốc hội chuyển tải qua việc nhấn nút phát biểu lại tại nghị trường Quốc hội.

Như vậy, việc tham dự các buổi hội thảo về các dự án luật do Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã không có ý nghĩa thực tế đối với các Đại biểu Quốc hội trong đoàn nên tỷ lệ tham dự rất thấp, thường không quá 1/7 tổng số Đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh vì những thực tế nêu trên.

Tuy trên thực tế đa số các bài phát biểu của nhiều Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh theo thông lệ phải qua sự duyệt nội dung của Trưởng Đoàn, tôi không bao giờ đưa bài phát biểu hay chất vấn của tôi cho bất kỳ ai duyệt trước nội dung, vì đó là tâm huyết và trách nhiệm của tôi đối với từng vấn đề trọng đại của quốc gia, mà không là sự lập lại bất kỳ ý kiến đóng góp của người khác tại các hội thảo hoặc viết theo gợi ý của lãnh đạo bất kỳ.

C- Góp Ý Với Chính Quyền Địa Phương

Tôi đã viết và gởi văn bản sau đến Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:

– Thư ngày 09-12-2013 gởi Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với nội dung: “Thư góp ý khẩn cấp về Tờ trình số 6015/TTr-UBND ngày 11-11-2013 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Bổ sung Quỹ Tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh và Báo cáo số 790/BC-VHXH ngày 05-12-2013 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thẩm tra tờ trình nói trên” [23]

 

V) Các Đóng Góp Khác Cho Xã Hội

 

A- Tư Cách Và Tư Thế

Để giữ mình luôn liêm chính, liêm khiết, nghiêm minh, xứng đáng với sự kỳ vọng của những đồng bào đoan chính, tôi đã

– chưa bao giờ đến thăm, gởi quà, gởi thiệp, gởi hoa, v.v., cho bất kỳ vị lãnh đạo nào của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, bất kể vào dịp lễ lớn nào của quốc gia hay lễ cá nhân nào của lãnh đạo hay thành viên gia đình của lãnh đạo;

– chưa bao giờ nhận lời “chạy án” hay chịu lắng nghe về nội dung “đền ơn” của bất kỳ công dân nào đối với các khiếu nại – tố cáo của họ;

– chưa bao giờ sử dụng cái uy của thành viên của “cơ quan quyền lực cao nhất nước” trong quan hệ với các cơ quan Nhà nước để phục vụ cho việc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp bản thân hay cho quyền lợi cá nhân và gia đình, người thân, người quen;

– luôn giữ khoảng cách đối với thượng cấp (các lãnh đạo) và người đồng cấp (các Đại biểu Quốc hội) nghĩa là luôn luôn với tinh thần lịch sự, hợp tác, hỗ tương, tận tâm, trung thực, công tâm, thân tình; và

– luôn làm tròn công việc của một Đại biểu Quốc hội.

 Image

 Image

Image

B- Tư Tưởng

1- Bảo Vệ Quốc Dân và Quốc Gia

 Image

Luôn biết lo trước cái lo của người dân, tôi đã tích cực ngăn cản và cản ngăn thành công sự hấp tấp trong tiến hành xây dựng Luật Biểu Tình trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, ngay cả khi sự xách động của những kẻ “hai mang” trong báo giới lợi dụng báo chí để đưa thông tin sai lệch về tôi và tập trung tấn công tôi, dẫn đến việc tôi nhận được hàng trăm tin nhắn từ những kẻ khát khao muốn có Luật Biểu Tình qua vài thí dụ nhỏ dưới đây:

 Image

Ngoài ra, trước sự chống phá của kẻ thù đặc biệt về tư tưởng chính trị, tôi đã tăng cường viết blog tập trung củng cố các kiến thức và hiểu biết cho giới trẻ, cụ thể qua các blog sau:

Blog của tôi dưới danh nghĩa Đại biểu Quốc hội: http://hhphuoc.blog.com

Blog của tôi với danh nghĩa một công dân Việt Nam bảo vệ đất nước Việt Nam: http://hoanghuuphuocvietnam.blog.com

Blog về các thầy cô của tôi như những tấm gương sáng thật sự, đáng được tôn vinh thật sự, trong bối cảnh sa sút về trình độ và tư cách của rất đông các “nhà giáo” hiện nay: http://hoanghuuphuocteachers.blog.com

Blog về các tham luận của tôi tại các hội thảo, hội nghị: http://hoanghuuphuocthamluan.blog.com

Blog chống Bá quyền Bắc Kinh, để nhắn nhủ với các công dân trẻ rằng yêu nước và chống giặc thù bằng văn học và tiểu luận tốt hơn tham gia các cuộc tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự nước nhà dưới sự giật dây lợi dụng của kẻ thù của chế độ: http://antichina.blog.com

Blog đồng hành để đề phòng trường hợp các blogs trên bị đánh phá: https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com

Ngoài ra, tôi đang xây dựng thêm nhiều blog khác trong đó có vài nội dung chủ đề chính như:

Blog về phát triển kinh doanh: blog của tôi với danh nghĩa một doanh nhân thực thụ, một nhà tư vấn thực thụ về phát triển kinh doanh, và một thạc sĩ thực thụ về kinh doanh quốc tế, nhằm thu hút sự quan tâm của công dân trẻ đối với những vấn đề cụ thể trong kinh doanh và phát triển kinh doanh

Blog về tiếng Anh: blog của tôi với tư cách giảng viên Anh Văn đối phó với tình trạng tồi tệ của kết quả đào tạo tiếng Anh ở tất cả các cấp trong hệ thống giáo dục Việt Nam nhiều chục năm qua

Blog các sáng tác thơ văn tiếng Anh: blog của tôi đăng lại các sáng tác văn thơ của tôi bằng tiếng Anh nhằm cung cấp cho học sinh và sinh viên Việt Nam kho tài liệu tham khảo gần như là đầu tiên ở Việt Nam

Blog về sử liệu Việt Nam Cộng Hòa: blog của tôi nhằm cung cấp những chi tiết có thật về đời sống sinh hoạt người dân ở Miền Nam trước 1975, đặc biệt trong hoàn cảnh ở Việt Nam hiện nay có những kẻ tự phong là “nhà sử học” nhưng trình độ thấp kém, bất tài vô hạnh không đóng góp gì cho việc nghiên cứu sử liệu và nâng cao vị thế của Sử học trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

2- Bảo Vệ Quốc Thể

Khi phục vụ công tác đối ngoại – nhất là với các đoàn Quốc hội nước ngoài – tôi luôn giữ  gìn quốc thể qua tác phong, cung cách, ngôn phong, ngôn từ, và nội dung kiến thức.

Khi trả lời phỏng vấn của nước ngoài, tôi luôn đặt danh dự quốc gia và sự cao trọng của quốc thể lên trên hết, không để có sơ xuất nào để bị truyền thông nước ngoài lợi dụng xuyên tạc.[24]

 Image

Đối với tôi, không bao giờ tôi không thành công trong biện luận và tranh luận khi bảo vệ quốc thể và danh dự quốc gia.

3- Bảo Vệ Phong Hóa Quốc Gia Dân Tộc

Để bảo vệ phong hóa của quốc gia và dân tộc, khi thấy có Đại biểu Quốc hội tuyên bố đòi luật hóa mại dâm và sử dụng tự do ngôn luận để nêu những quan điểm sai lệch khác, tôi viết bài châm biếm trên blog nhắm đến một cuộc bút chiến luận như một sinh hoạt văn hóa nhưng bị những kẻ “hai mang” trong báo giới lợi dụng báo chí để tập trung tấn công tôi. Để thi thố khả năng xử lý sự cố của một nhà tư vấn chuyên nghiệp cấp cao, tôi đã tiếp các phóng viên và đã trổ tài hùng biện để bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình; và chỉ khi nhận ra ý đồ của các phóng viên “hai mang” này, tôi đã xử lý tình huống theo cách thuần Việt của tiền nhân Việt, những người đã trong nhiều ngàn năm lịch sử luôn lên tiếng xin lỗi quân thù xâm lược sau khi đánh cho chúng đại bại. Tôi sẽ nói riêng và thật chi tiết về sự việc này trong một bài viết khác để Quốc dân Đồng bào nắm rõ thông tin duy nhất chính xác của sự việc này.

VI) Công Việc Cho Phần Nửa Cuối Nhiệm Kỳ Quốc Hội Khóa XIII

 Image

Sau thành công ở nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XIII, đặc biệt trong việc ngăn chặn đẩy lui được đà hưng phấn chưa trên cơ sở hiểu biết thấu đáo và chín chắn của sự hấp tấp bàn về Luật Biểu Tình, loại bỏ việc đưa dự án Luật này vào chương trình nghị sự trong toàn Khóa XIII, tôi sẽ hoàn tất khung dự án Luật Biểu Tình trước cuối nhiệm kỳ để cùng với dự thảo của Bộ Công An (do Thủ tướng giao nhiệm vụ) cung cấp cho Quốc hội Khóa XIV chi tiết cho một Luật Biểu Tình nhân bản, nhân văn, hiện đại, văn minh, thông minh, thượng tôn luật pháp, và đáp ứng đúng kỳ vọng của tất cả đồng bào công chính và ái quốc. Toàn văn khung chi tiết của dự thảo Luật Biểu Tình sẽ được đăng trên các blog cá nhân của tôi để Quốc dân Đồng bào tham khảo.

Sau nửa nhiệm kỳ tuyệt đối tuân theo sự sắp xếp của Trưởng Đoàn đối với sự phân công trước Đại biểu Quốc hội nào của Đoàn sẽ được ưu tiên phát biểu tại hội trường, tôi ngoài việc tiếp tục viết thêm nhiều kiến nghị gởi lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, và Chính phủ, sẽ tăng cường phát biểu tại hội trường ngay cả khi có ý kiến của lãnh đạo Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phân công Đại biểu Quốc hội khác thay mặt phát biểu. Tất cả các phát biểu của tôi đều sẽ được đăng tải lên các blog cá nhân của tôi, trong khi các thư kiến nghị sẽ được lựa chọn để đăng blogs do tính tế nhị của vấn đề hoặc yêu cầu bảo mật của nội dung.

Đối với hướng xây dựng “mô hình chính quyền đô thị” của Thành phố Hồ Chí Minh, tôi sẽ đóng góp thật tích cực vào việc giải quyết các vụ khiếu nại – tố cáo kéo dài nhiều năm của công dân, vì rằng tôi không thể chấp nhận việc xây dựng một chính quyền đô thị với sự tồn tại của những vụ khiếu nại – tố cáo kéo dài nhiều năm của công dân. Nền tảng thượng tôn luật pháp, hiệu quả thật cao của cải cách hành chính, và năng lực thật cao của nhân sự tại các cơ quan công quyền phải là những yêu cầu tiên quyết phải có đối với chính quyền đô thị, và phải được chứng minh qua việc giải quyết dứt điểm các tồn đọng dù là trong lĩnh vực tư pháp, giáo dục, xây dựng, thương mại, hay đầu tư, v.v., của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên đây là báo cáo hoạt động chuyên nghiệp của tôi với tư cách Đại biểu Quốc hội trong giai đoạn nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII (2011-2016) trình Quốc dân Đồng bào tham khảo, ghi nhận, giám sát, kiểm chứng, và đánh giá.

Trong thời gian nửa cuối nhiệm kỳ này, tôi sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động phục vụ của mình tại Quốc hội và thực hiện tốt hơn nữa lời hứa “luôn biết lo trước cái lo của người dân” và “bảo vệ đất nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” mà cử tri đã đánh giá cao, ủng hộ, dồn phiếu bầu lựa chọn, trao cho tôi sự tín thác, và không ngừng khuyến khích hoàn thành.

 Image

Các yêu cầu được hỗ trợ của Quốc dân Đồng bào trong những trường hợp khiếu nại – tố cáo, xin hãy gởi về tôi tại Văn Phòng Đoàn ĐBQH Tp Hồ Chí Minh, số 2bis Lê Duẩn, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh. Trong thời gian các Kỳ họp Quốc hội (thường từ 20 tháng 5 và 20 tháng 10 hàng năm, và kéo dài đến cuối tháng tiếp theo), đơn từ xin gởi bảo đảm qua đường bưu điện đến tôi tại Nhà Khách Trung Ương Đảng, 8 Chu Văn An, Hà Nội.

Kính chúc Quốc dân Đồng bào sức khỏe, hạnh phúc, vạn an.

Tất cả vì tổ quốc và nhân dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam của chúng ta.

Trân trọng,

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Đại biểu Quốc hội Khóa XIII

Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Ghi chú:

[1] Thế Hùng – Thanh Tuyền. Đại Biểu Quốc Hội Phải Biết Lo Trước Cái Lo Của Người Dân. Bài phỏng vấn ứng cử viên Quốc hội Hoàng Hữu Phước. Báo Pháp Lý, số ra ngày 15-4-2011.

[2] Sẽ được đăng lại toàn văn trên blog này.

[3] Hoàng Hữu Phước. 23-10-2010. http://hoanghuuphuocthamluan.blog.com/

[4]  Hoàng Hữu Phước. 29-11-2010. http://hoanghuuphuocthamluan.blog.com/

[5] Sẽ được đăng lại toàn văn trên blog mới về phát triển kinh doanh.

[6] Sẽ được đăng lại toàn văn trên blog mới về phát triển kinh doanh.

[7] Sẽ được đăng lại toàn văn trên blog này.

[8] Sẽ được trích đăng lại trên blog này.

[9] Sẽ được trích đăng lại trên blog này.

[10] Hoàng Hữu Phước. 05-6-2013. Bài Phát Biểu Về Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp 1992. http://hhphuoc.blog.com/?p=177

[11] Hoàng Hữu Phước. 26-11-2013. Phát Biểu Về Dự Án Luật Xây Dựng. http://hhphuoc.blog.com/?p=256

[12]  Hoàng Hữu Phước. 26-11-2013. Chất Vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. http://hhphuoc.blog.com/?p=255

[13] Hoàng Hữu Phước. 15-11-2013. Phát Biểu Về Thủy Điện. http://hhphuoc.blog.com/?p=250

[14] Hoàng Hữu Phước. 09-11-2013. Phát Biểu Về Tham Nhũng. http://hhphuoc.blog.com/?p=243

[15] Hoàng Hữu Phước. 05-6-2013. Phát Biểu Ứng Khẩu Về Luật Biểu Tình.  http://hhphuoc.blog.com/?p=178

[16] Hoàng Hữu Phước. 19-11-2011. Phát Biểu Tại Tổ Về Luật Giáo Dục Đại Học. http://hhphuoc.blog.com/?p=54

[17]  Hoàng Hữu Phước. 19-11-2011. Bài Phát Biểu Về Luật Biểu Tình & Luật Lập Hội. http://hhphuoc.blog.com/?p=52

[18] Lại Thu Trúc. Ý Kiến Về Tái Cấu Trúc Nền Kinh Tế Việt Nam. 16-5-2012.http://www.emotino.com/bai-viet/19606/de-xuat-tai-cau-truc-nen-kinh-te-viet-nam-da-goi-lanh-dao

[19] Lại Thu Trúc. 28-10-2012. Ý Kiến Về Dự Thảo Sửa Đổi Luật Đất Đai. http://www.emotino.com/bai-viet/19727/gop-y-cho-du-an-luat-dat-dai-sua-doi  

[20] Hoàng Hữu Phước. Về Thực Quyền, Thực Uy. Báo Đại Biểu Nhân Dân số ra ngày 26/11/2013. http://hhphuoc.blog.com/?p=177

[21]  Hoàng Hữu Phước. Cần Giải Quyết Dứt Điểm Những Khiếu Nại, Tố Cáo Của Công Dân. Báo Văn Nghệ Trẻ, số ra ngày 24-11-2013. http://hhphuoc.blog.com/?p=253, https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2013/11/22/257/

[22]Hoàng Hữu Phước. Khi Bạn Cần Khiếu Tố, Khiếu Nại. http://hhphuoc.blog.com/?p=97

[23] Sẽ được đăng lại toàn văn trên blog này.

[24] Lại Thu Trúc. 26-7-2012. Phố Bolsa TV (California, USA) Phỏng Vấn Ông Hoàng Hữu Phước Trước Kỳ Họp Thứ Ba, Quốc Hội Khóa XIII. http://www.emotino.com/bai-viet/19627/phobolsatv-hoa-ky-phong-van-ong-hoang-huu-phuoc &       http://hhphuoc.blog.com/?p=75

Nhân Tài Ư? Thật Hỡi Ơi!

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

 Image

Cách nay mấy tuần tôi có viết bài dưới dạng lá thư gởi sinh viên Ngô Di Lân là chú nhóc mới nhón chân ra ngoài du học đã ngỡ mình vĩ đại đã viết thư cho Bộ trưởng Giáo dục dạy vị này về cái vi diệu của phương pháp giáo dục ở nước ngoài. Hôm nay có bạn báo cho tôi biết đang có hội chứng gọi là Lân Syndrome qua việc lại có một sinh viên khác tên Mai Đức Anh viết thư gởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để giải thích cho vị này biết thế nào là chảy máu chất xám khi đất nước còn lấn cấn mãi việc sử dụng nhân tài. Thấy rằng hội chứng này rất nguy kịch, tôi sực nhớ cách nay nhiều năm có viết hai bài về “Nhân Tài” trên emotino.com, nay buộc lòng phải kiếm tìm đăng lại để các trường học có tài liệu mà dạy dỗ học trò cho chu tất, đừng để các cháu nói nhăng nói cuội miết rồi ở nước ngoài nếu biết nội dung “góp ý” của các cháu sẽ cười chê cả dân tộc Việt Nam không hiểu thế nào là “nhân tài”. Song, trước khi chép lại nguyên văn hai bài này, tôi xin ghi ra sáu ý ngắn sau đây để nhờ bà con cô bác gần xa nếu có biết mấy cháu học sinh – sinh viên (kể cả người nhớn học tiến sĩ) Việt Nam nào sắp du học thì giúp chỉ cho các cháu in ra đem theo làm phương thuốc dấu (như Bố D’Artagnan trao cho anh chàng Ngự Lâm Quân thứ tư này) phòng khi hữu dụng đối phó với Hội Chứng Lân Syndrome.

1) Thứ nhất là…xin đọc bài bức thư gởi sinh viên Ngô Di Lân để biết khi còn đang học tức chưa học xong thì vẫn chưa là cái thá gì cả về đọ dày độ cao độ nặng của tri thức, trí thức, trình độ, năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm, thực hành, ứng dụng, thăng hoa, để cho phép bản thân tự trọng vọng, tự tôn vinh.tự cho mình là hơn thiên hạ còn ở trỏng (tức là còn ở trong nước).

2) Thứ nhì: nếu tốt nghiệp đại học xong ở “bên ấy”, thì nào phải là chuyện không nên nếu được “ở bển” mời công tác vì bao giờ cũng vậy, “học” phải đem ra “hành”, mà chỉ có kết-quả-“hành”-giỏi cộng với tư-cách-đạo-đức-tốt cộng với tiềm-năng-có-thể-khai-thác-nhiều-thêm mới không bị họ tống cổ ra khỏi công ty hay cơ quan của họ sau thời gian thử việc hay sau khi hợp đồng đầu tiên hết hạn. Chỉ có những ai trụ được khi “hành” ở nước ngoài như vậy mới đạt yếu tố đầu tiên cho sự quan tâm có thể có từ nước mà mình là công dân.

3) Thứ ba: từ điều thứ nhì ở trên sẽ cho thấy cái năng lực của người du học vì lẽ nào họ đi du học như người mông muội, không biết mình thích gì, cái mình thích ở quê nhà có đang được khuyến khích tập trung phát triển không, thậm chí nếu quê nhà chưa “nhận ra” cái hay cái ho đó thì bản thân mình phải làm những gì để có sức thuyết phục cực cao khiến Nhà nước phải suy nghĩ lại, làm theo ý mình, để mình với tất cả những thành tựu bề dày kinh nghiệm sáng tạo thành công tại các công ty khổng lồ ở hải ngoại được mời về đảm trách việc gây dựng hình thành cái mới cực hay cực ho đó. Vì rằng, không phải “qua bển” học quản trị kinh doanh rồi vừa tốt nghiệp đã la nhặng lên ta đây là nhân tài, đầu ta có chất xám, nhà nước phải nhanh tay sử dụng kẻo nó chảy đi mất thì đừng trách sao đất nước thiếu người ngồi trên trước làm tổng giám đốc hay chủ tichh tập đoàn.

4) Thứ tư: cụm từ “chảy máu chất xám” chỉ được dùng khi con người kiệt xuất của một quốc gia từ bỏ nơi công tác nội địa để đầu quân cho nước ngoài, bất kể ra hẳn nước ngoài hoặc phục vụ cho công ty nước ngoài ngay trong nước mình. Đang đi học, cách chi đã là “chất xám”! Thi đậu xong, cách chi tự nhiên thành “chất xám”! Đậu xong, “ở bển” làm việc theo lời mời thì lại càng không phải là “chảy máu chất xám” vì chưa hề là người kiệt xuất của quê nhà, có đã là tài sản quốc gia đâu mà gọi là “chảy” ra ngoài, mà phả nói cho đúng hơn là đi du học rồi đi du hí đi du lịch quên mất đường về giống như chiếc lá héo úa rơi xuống dòng suối đục ngầu chảy qua vùng khai thác bô xít vậy.

5) Thứ năm: do “chất xám” liên quan liên hệ liên đới liên kết ý tứ ý nghĩa ý đồ với hai chữ “nhân tài” nên phải chịu khó đọc hai bài viết của Lăng Tần dưới đây đã rồi hãy nói tiếp về “chất xám”.

 Image

6) Và cuối cùng điều thứ sáu: đúng như Lăng Tần đã viết trong bài Thế Nào Là Nhà Trí Thức cái kiểu Nhà nước tự tiện tự động ban danh xưng “nhà trí thức trẻ” cho mấy cô cậu vừa tốt nghiệp đại học về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã vùng sâu vùng xa nên tuần này trong mục Dân Hỏi Bộ Trưởng Trả Lời trên VTV mới có “đại sự” rằng đấng nam nhi trẻ người non dạ hỏi “Thưa Bộ trưởng, tôi là nhà trí thức trẻ được đưa về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã, nhưng lương chỉ có 5 triệu đồng/tháng, sao nuôi được vợ con, sao có tích lũy, và sao sẽ không có chuyện chảy máu chất xám”. Than ôi, trí thức mà không nuôi nổi gia đình mình thì sao gọi là trí thức! Trí thức phải có hiểu biết về bảy thứ gồm (a) năng lực bản thân làm được gì mà không cần ai dạy bảo thêm, (b) kinh nghiệm bản thân dày đến cỡ nào, (c) giá trị bản thân dữ dội ra sao vì khó ai sánh được một mình làm việc bằng tối thiểu mấy chục người, (d) có hay không có cái ý thức quốc gia – quốc dân – quốc thể – cống hiến – dâng hiến, (e) tình hình quốc gia hiện nay, (f) quyền lợi tối đa mà quốc gia có thể chu cấp, và (g) để đáp ứng thêm cho nhu cầu chính đáng của bản thân và gia đình thì mình có thể có thêm thu nhập đoan chính nào từ năng lực đoan chính và thời gian riêng của mình. Trí thức là người khi nhận việc hay từ chối nhận việc đều trong tư thế đường bệ như thế đấy.

Đang du học, chớ biết theo ngành nào, ghê gớm đến đâu, mà đem việc Giáo sư Ngô Bảo Châu phải dạy học ở nước ngoài vì ở Việt Nam không có Viện Toán để ví von muốn nước nhà phải dọn cỗ trước cho bản thân mình về xơi như thế! Thật là kiểu mà tiếng bình dân Nam Bộ gọi là “chơi cha”. Thế giới toàn cầu hóa. Anh là dân Mỹ nhưng giỏi về lĩnh vực Việt Nam cần chẳng hạn như cơ khí y sinh hóa thì Việt Nam trải thảm đỏ mời anh. Anh là dân Việt nhưng giỏi về nghiên cứu địa cực và dung nham học thì Việt Nam tự hào với danh dự có anh được Hiệp Hội Hỏa Sơn Địa Cực Thế Giới trải thảm đỏ mời làm chuyên viên chứ làm gì có việc Việt Nam vơ vét tiền thuế của dân mua mười bảy thỏi kim cương đường kính mỗi thỏi 234 cen-ti-mét để khoan trong 456 ngày chọc xuống tận trung tâm địa cầu cho phún thạch hỏa son phụt phun ra ngay tại Dinh Độc Lập để vị nhân tài chất xám được cấp nhà ở đường Lê Duẩn mỗi ngày chạy Lamborghini đến nghiên cứu dung nham cho thuận tiện để dân tộc Việt Nam tự hào, còn Đảng Cộng sản được nức tiếng thơm trọng dụng nhân tài chặn ngăn dòng chảy chất xám!

Than ôi, nghe đâu biết bao sinh viên Nhật sang Mỹ du học, đánh cắp phác thảo công nghệ rồi tự sát để bạn bè phanh thây nhét dấu tài liệu đưa thi hài về xứ sở Phù Tang, giúp Nhật Bản hùng cường đến độ bao học sinh sinh viên Việt Nam vin vào đấy mà dè bỉu nước nhà sao quá dở ẹc. Phải chăng trong tiếng Nhật không có cụm từ “đãi ngộ chất xám”, không có thành ngữ “trọng dụng nhân tài”, và người Nhật không xem trọng tiền lương! Hãy đòi tất cả các quyền lợi như kẻ bán sức lao động thuận mua vừa bán, và đừng bao giờ xem mình là nhà trí thức, là chất xám, là nhân tài. Nhục lắm Mai Đức Anh ạ!

Sau đây là hai bài viết về Nhân Tài, kính trình độc giả thưởng lãm:

Bài 1:  Hỡi Ơi Hai Tiếng Nhân Tài 

Hoàng Hữu Phước, MIB

21-12-2009

Gần đây có rất rất nhiều bàn luận về nhân tài sau khi có một dự thảo luật về thuế thu nhập của người đi du học và giới hạn thời gian được phép ở nước ngoài sau khi du học. Tôi thấy đã có sự nhập nhằng không chuẩn xác khi chữ nhân tài được đem ra …”phản biện” một chủ trương hay chính sách cực kỳ giản đơn của nhà nước.

Trước hết, cần nói rõ là một dự thảo luôn là một dự thảo, tức chất chứa trong nó những điều cần phải bàn thêm, nhiều hạt sạn, hay những điều nên loại bỏ hoặc thêm vào. Việc đóng thuế thì là chuyện hoàn toàn đúng, cực kỳ đúng, vĩnh viễn đúng trên toàn hành tinh này đối với bất kỳ công dân nào cho bất kỳ đất nước nào của họ, chứ nào phải đâu chuyện lạ. Còn chuyện đề nghị mọi du học sinh trở về nước trong ba năm làm việc ở nước ngoài thì đúng là phải bàn lại vì l‎ý không thông; song đây cũng là chuyện mang tựa đề giống như của một vở hài kịch của William Shakespeare – Much Ado about Nothing, tức Chuyện Không Có Gì Mà Ầm Ỉ. Cứ thảo luận phải trở về sau nào 5 năm, 10 năm, hay 60 năm làm việc ở nước ngoài, cũng chẳng chết một “nhân tài” nào vì đã có “nhân tài” nào đâu? Việc có một bằng cấp hay học vị không tự động biến một người trở thành “nhà trí thức”. Việc là tiến sĩ vật l‎ý học không tự động gán cho một người cái danh nhà bác học. Việc có bằng tiến sĩ Anh Văn không tự động đem lại cho người sở hữu văn bằng khả năng hùng biện tiếng Anh hay viết nổi một bài thơ, một truyện ngắn tiếng Anh.

Khi nói nhiều đến du học sinh tự túc rồi bàn quá nhiều về vấn đề “nhân tài”, phải chăng người ta muốn tự động hóa một quy trình hoàn hảo: muốn là nhân tài, hãy lo đủ tiền đi du học, không cần biết học có xong không, mà có học xong thì có dùng được điều đã học không, mà có dùng được thì ở cấp độ nào – lấy bằng dược sĩ về mở phạc-ma-xi hay thành nhà nghiên cứu vaccine vĩ đại tiêu diệt Ebola hay SARS. Thêm vào đó, vấn đề “nhân tài” được đặt ra khi nói về những du học sinh, phải chăng hàm nghĩa học trong nước thì chẳng thể thành “nhân tài”, và các trường đại học trong nước chất lượng có vấn đề hay sao?

Ai đó đã có câu thâm thúy: nhân tài như lá mùa thu, ‎ý nói nước ta có khối nhân tài, nhưng đồng thời còn ‎hàm nghĩa lá có trưởng thành rời khỏi thân cây thì cũng ở đâu đó gần với cội nguồn – tất nhiên trừ phi có mưa gió bão bùng biến cố như hồng thủy New Orleans. Và cần tách bạch một điều thâm thúy trong từ ngữ Tiếng Việt – và chỉ có mỗi trong Tiếng Việt: “người giỏi” hay “người có tài cao” là bất kỳ ai giỏi và có tài cao, nhưng “nhân tài” chỉ được dùng để gọi “người giỏi” hay “người có tài cao” nào thực sự đã có cống hiến nổi bật cho chính đất nước Việt Nam. Anh hãy đi du học, hãy trở thành nhân viên kiệt xuất của Cơ Quan Nghiên Cứu Không Gian NASA của Hoa Kỳ, thuận thì mua, vừa thì bán, hưởng lương cao ngất rồi đóng thuế gần sạch bách cho Hoa Kỳ, nhưng chỉ khi nào anh về Việt Nam thành người hữu dụng thực sự ở quê nhà, lịch sử ngày sau của Việt Nam mới có thể gọi anh là “nhân tài” theo đúng ngữ nghĩa Tiếng Việt. Ai đó đã phỏng vấn anh, và anh trả lời chắc nịch rằng anh đi du học bằng tiền của anh, nếu bắt anh đóng thuế thì không có tác dụng khuyến khích nhân tài – nghĩa là anh đã cho rằng anh là nhân tài ngay khi có đủ tiền đi du học – hay xin được học bổng, và nếu anh về liệu Nhà Nước có tạo điều kiện tìm việc làm cho anh không. Lời nói của kẻ không màng đến nhục quốc thể vì trước khi bước chân ra nước ngoài phải biết thuế là nghĩa vụ thiêng liêng mà dân chúng các quốc gia tiên tiến cực kỳ xem trọng, và là lời nói của người lạc hậu vì làm gì có chuyện đòi hỏi Nhà Nước phải có nghĩa vụ tìm việc cho anh nếu muốn anh về sau ba năm làm việc ở nước ngoài? Những năm chiến tranh, bao người đã nằm xuống hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được dù chỉ một lóng xương để bố mẹ anh được sống và sinh ra anh. Nhiều năm kể từ sau chiến tranh, có nhiều người như tôi làm với nước ngoài nhưng hưởng lương nước trong để những đứa bé như anh được hưởng chăm sóc y tế miễn phí, bố mẹ anh được đi xe máy với giá xăng bao cấp, xài điện nước giá bèo. Và nay anh chưa ra khỏi Việt Nam đã cho rằng đồng tiền anh đem đi du học lớn lắm sao, đồng tiền anh có thể kiếm được ở nước ngoài nhiều lắm sao, và những kẻ như chúng tôi chờ đợi mõi mòn và thèm thuồng ba đồng bạc cắc tiền thuế Nhà Nước có thể sẽ thu được từ anh hay sao mà anh cằn nhằn là thuế không khuyến khích anh, một nhân tài tự phong của nước Việt?

Sống mà không biết mình mang nợ quốc gia, mang nợ dân tộc, mang nợ tiền nhân, mang nợ hậu thế, mang nợ chính cuộc đời, thì nào phải cung cách của một nhân tài.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Bài 2: Luận Thêm Về Hai Chữ Nhân Tài

Hoàng Hữu Phước, MIB

27-6-2010

Nhân nay trong nước hay nói nhiều đến nhân tài (có doanh chủ tự hào lực lượng lao động của tập đoàn của ông toàn nhân tài), còn ngoài nước thì phe chẳng biết phân biệt phải quấy hay dè bỉu Đảng Cộng Sản Việt Nam không xem sử dụng nhân tài là quốc sách (cứ như thể mấy anh chống cộng mới là nhân tài và biết sử dụng nhân tài), tôi ngoài việc cho rằng việc dùng từ “nhân tài” là khinh xuất và không đúng, thấy cũng nên viết rõ thêm về các khái niệm khác, tân tiến hơn, chuẩn mực hơn những gì đã và đang được ghi trong từ điển, vì rằng một ngôn ngữ “sống” nhất thiết phải có các bổ sung, chuẩn hóa, điều chỉnh, hay loại thải – tức vẫn còn lưu trong từ điển nhưng với chú thích “archaic” (nghĩa là “từ cổ”), hay “obsolete” (nghĩa là “hiện không còn sử dụng”) – theo bước đường phát triển vũ bão của đời sống, vốn rất cần thiết để nhận định theo cách nhìn mới, theo đó Vua Nghiêu có thể vẫn là Thánh Đế nhà Đào Đường Trung Quốc thời thượng cổ, song Hứa Do và Sào Phủ không còn trong danh sách hiền tài. Đây là việc nghiêm túc mang tính giáo dục và giáo hóa cao nhất là đối với giới trẻ người Việt để có nhận thức nghiêm túc về tầm cao và sự quan trọng của nhân tài lồng trong bối cảnh toàn cầu hóa với bao chuẩn về trách nhiệm mà tối thiểu là với cộng đồng, quốc gia, dân tộc, và hậu duệ.

Theo tôi, chuẩn mới và đúng đắn nhất nên là: con em nước Việt ta tập trung học tập trau giồi để có tài và tu dưỡng đạo đức để có tâm; tài của người giỏi và tâm của người tốt để có cơ may trở thành người tài; vì rằng trước khi đến được ngưỡng danh vọng một nhân tài, người ta nhất thiết phải là bậc hiền tài, cụm từ đã ôm trọn tự thân bao pho sách dày của trời mây thiên cổ viết về hai nghĩa đức tài.

Có tài cao sẽ có khả năng thành người có món hàng hóa năng lực cao (kiến thức và sức lao động) đem bán với giá cực cao để qua các phương tiện truyền thông đại chúng ai cũng biết đó là người giỏi.

Người giỏi đồng thời có tâm làm người tốt với cộng đồng, đem cái tài cao đóng góp tích cực cho cộng đồng, cho cái chung của xã hội, sẽ đứng vào hàng ngũ đáng tôn kính những người tài.

Khi người tài có năng lực tạo chuyển biến ích quốc lợi dân, chuyển hóa sự việc theo hướng tốt hơn vì cái lợi chung, tác động tích cực với sự phát triển của nước nhà và nêu gương tốt với các lớp đàn em, trở thành niềm danh dự của đất nước, có những công trạng với nước vì dân, làm ngoại bang phải kính phục nước nhà, được nhân dân kính trọng, họ chính là bậc hiền tài.

Và khi những bậc hiền tài đi vào thiên cổ, được lưu danh lịch sử, danh sách những nhân tài nước Việt sẽ dày thêm nhiều trang trân trọng.

Một doanh nghiệp dù lớn đến đâu cũng chỉ có thể thuê mướn được người giỏi, và chỉ khi nào lãnh đạo doanh nghiệp không đem cái giỏi ấy của người giỏi chỉ làm lợi riêng cho doanh nghiệp – như Vedan và những thứ tương cận đã nhờ có những kỹ sư cực kỳ ưu tú mà xây dựng được hệ thống có quy mô cực kỳ tinh xảo để xả nước thải cực kỳ độc hại ra sông ngòi trong nhiều thập kỷ mà cơ quan kiểm tra không thể phát hiện được, giúp Vedan và những thứ tương cận ngày càng hùng mạnh do có siêu lợi nhuận từ nền tàn độc của kẻ cướp hủy phá tương lai của hậu thế với sự góp sức của bao con người ưu tú cực giỏi chuyên môn – mà tạo cơ hội cho người giỏi thể hiện và phát huy được cái tài giỏi, cái tâm tốt với tha nhân, và cái tầm cao trách nhiệm cộng đồng để họ thành người tài thì doanh nghiệp mới có thể hãnh diện đang có những nhân viên là người tài. Hội Tao Đàn không phải là nơi tập trung những người giỏi làm thơ văng tục cuộc đời – hay bươi bới ra rác để mĩa mai “chế độ” – mà là những người tài viết ra những tác phẩm qu‎ý cho Hội, cho hậu thế, và cho kho tàng văn học Việt Nam.  Những “hội” có tên hay và đẹp như Chiêu Anh Các và Quần Anh Hội cũng không phải là nơi nhóm họp của những người giỏi đánh đấm hộc máu xưng hùng, xâm mình xưng bá, mà là nơi các bậc anh tài hoạt động, vừa thỏa sở thích riêng của nghiệp võ nghề văn, vừa làm gương sáng khí tiết hùng anh nhằm giáo hóa người dân tôn sùng điều tốt việc lành, lánh xa cái ngu sự dữ.

Mong sao sớm có ngày các doanh nghiệp ở Việt Nam chịu tạo điều kiện tối ưu để những người giỏi họ chiêu mộ được sẽ trở thành người tài của đất nước, bước cơ bản đầu tiên cần có của chặng đường gian truân tiến đến ngôi cao ngự trị của nhân tài.

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm…

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế