Monthly Archives: October 2014

Doanh Nghiệp Mang Tên Danh Nhân Ư?

Hoàng Hữu Phước, MIB

Thông tư mới đây của Bộ Văn Hóa, Thể Thao, và Du Lịch quy định không cho doanh nghiệp đặt tên theo tên của danh nhân là rất đúng. Dư luận “xôn xao” là do báo chí không rõ tình hình thực tế của luật pháp, thậm chí còn đăng nội dung phỏng vấn một người không hiểu biết gì cả dù vị này cũng là một nghị sĩ, nên làm rối tung cả lên [*].

Việc nhiều hay rất nhiều trường học, rất nhiều bịnh viện, lấy tên của danh nhân thì đó là việc bình thường.

Việc tất cả các trường học (công lập) và bịnh viện (công lập) có “trộn” nội dung kinh doanh vào hoạt động của cơ sở giáo dục hay y tế của mình thì đó cũng không bao giờ khiến cơ sở ấy tương đương với một doanh nghiệp vì doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của những bộ luật khác hoàn toàn.

Khi một doanh nghiệp lấy tên một danh nhân đặt cho doanh nghiệp của mình và xin phép thành lập doanh nghiệp, khi nhận được giấy phép của Sở Kế Hoạch – Đầu Tư, doanh nghiệp ấy trở thành doanh nghiệp duy nhất trên toàn quốc sở hữu tên của danh nhân ấy, được cơ quan Sở Hữu Trí Tuệ bảo hộ tên doanh nghiệp, không cho phép bất kỳ doanh nghiệp nào khác được dùng tên danh nhân ấy, thậm chí không cho phép đặt tên “gần giống” với tên danh nhân ấy.

Đối với vị doanh chủ nào có tên giống với tên danh nhân, thí dụ một ông tên trên khai sinh và giấy căn cước là Nguyễn Huệ, làm đơn xin mở Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nguyễn Huệ chẳng hạn, thì Quy định của Luật nên cho phép doanh chủ này được ưu tiên “chiếm hữu” từ ngữ Nguyễn Huệ – tất nhiên với điều kiện là trên toàn lãnh thổ Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đã đăng ký‎ tên Nguyễn Huệ và đã được cấp giấy phép kinh doanh.

Tôi đã nói chuyện với Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch để ông yên tâm là Bộ đã làm đúng, và Chính phủ hoàn toàn đúng.

Vấn đề duy nhất cần làm là Bộ lập danh sách những danh nhân nước nhà, đồng thời đề ra nội dung các chuẩn mực thế nào là danh nhân để điều chỉnh trong trường hợp danh sách ấy không đầy đủ.

Việt Nam ngày nay là Việt Nam với hệ thống luật pháp đầy đủ, điều chỉnh mọi hoạt động của tất cả các lĩnh vực. Việc ví von trước đây trong chiến tranh có nhà máy ấy tên ấy, hoặc ngày nay có trường học ấy tên ấy, v.v., là việc đã không còn là thực tế của đời sống pháp luật hiện hành.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú:

[*] Lâm Nguyên. Quy Định Không Phù Hợp Thì Phải Sửa. Báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 30-10-2014, trang 5.

Trăm Trứng

 – l‎ý giải mới cho một tích cũ –

Hoàng Hữu Phước, MIB

(bài đăng ngày 22-7-2010 trên emotino.com http://www.emotino.com/m.php?p=18733)

A1

Có lần đang ngồi chờ người quen tại Cà phê Zenta trên đường Mạc Đỉnh Chi, Quận 1, tôi tình cờ nghe vài bạn trẻ “thuần Việt” tụ năm tụ ba ở bàn bên cạnh nói chuyện ỏm tỏi xằng bậy. Gọi là “thuần Việt” vì những đặc trưng không thể lẫn lộn cầu âu với các giống dân khác là: đầu tóc bắt chước style Hàn Quốc, handphone hàng hiệu cùng laptop cao cấp bày chật mặt bàn, thích nhơi đi nhơi lại những lẩm ca lẩm cẩm mà thiểu số chống Cộng hay khạc ra, chê bai tất tần tật những gì của Việt Nam, từ Chính phủ cho đến cả lịch sử giống nòi của chính mình, đặc biệt khi cà khịa nói rằng tích Mẹ Tiên Âu Cơ lấy Cha Rồng Lạc Long Quân sinh ra trăm trứng nở ra trăm con, rồi chia tay mỗi người một ngả, mạnh ai nấy dẫn theo tài sản 50 đứa con cho thấy cái sự vừa chia rẽ sâu sắc vừa mất đoàn kết nghiêm trọng vừa thích “chơi ăn gian” ngay từ khởi thủy của nòi giống Tiên Rồng vì Cha dành đi về vùng đồng bằng cho sung sướng kiếp Dân Kinh, đẩy Mẹ lên chốn núi non hiểm trở gian nguy thành Người Thượng.

Ở đây sẽ không lạm bàn về nội dung cố tình muốn xúc xiểm có ác ý hay vô tình từ văn hóa thấp của những người nói động đến nguồn gốc tổ tiên Việt, nhưng không thể không đưa ra vấn đề ghi lại lịch sử theo chiều hướng cách tân và logic. Lịch sử không là tôn giáo nên không thể kêu gọi một thứ đức tin mà bất kỳ sự nói nghịch lại đều mang tội báng bổ tày đình. Tôn giáo pháp đình đưa bao người lên giàn hỏa hoặc xử tử bằng hình phạt khét tiếng man rợ “đóng nõ đít” tức đóng ngập súc cây tròn vuốt nhọn vào hậu môn kẻ bị kết tội báng bổ Thượng Đế và Kinh Thánh, và chỉ có đức tin mới làm cho người theo đạo không bao giờ dám tự đặt câu hỏi: nếu thượng đế ban đầu chỉ tạo ra mỗi một nam tên Adam và một nữ tên Eva thì cách chi có được nhân loại như ngày nay vì con cái của hai người ấy vừa phạm tội loạn luân nếu lấy nhau rồi sinh con đẻ cái, vừa phản khoa học vì sự phối hợp đồng huyết thống ấy sẽ chỉ sinh ra những trẻ em bị chứng loãng máu èo uột không thể sống còn để duy trì nòi giống, ăn thịt khủng long, hình thành nhân loại. Nhưng lịch sử thì khác, nhất thiết phải được chỉnh sửa hoặc lý giải theo cách đã loại bỏ các nội dung mà tư duy duy lý ngày nay không thể chấp nhận được.

Vốn tôn trọng hậu duệ, mà tuổi trẻ ngày nay tư duy logic nhanh nhạy, thiên nhiều về duy lý, tôi đã từng giải thích cho cháu con truyền thuyết Việt Nam theo một logic mới, nhằm gia tăng sự tự hào nơi con trẻ đối với tổ tiên dân tộc Việt Nam, vừa giúp con trẻ tin rằng người lớn không xem nó là trẻ con để nói chuyện hoang đường, từ đó không còn chán chường những tình tiết thô thiển phi lý của truyền thuyết dã sử, triệt tiêu các mầm mống nhen nhúm trong tư duy những ý nghĩ tiêu cực đối với tổ tiên dân tộc. Chẳng hạn khi nói về tích “Con Rồng, Cháu Tiên”, tôi đã kể nội dung cách tân như sau:

Mẹ Việt Nam tên gọi Âu Cơ hiền thục xinh đẹp như Tiên, còn Cha Việt Nam là Lạc Long Quân dũng mãnh sức vóc bệ vệ cường tráng uy nghi như Rồng. Thủa xa xưa khi thế gian này còn trong lành tuyệt đối, chưa bị ô nhiễm khói xe cộ đe dọa, tổ tiên ta mạnh khỏe, lập gia đình từ rất sớm, sống hạnh phúc, có thật nhiều con, và tất nhiên có những năm Mẹ Âu Cơ sinh đôi, sinh năm, sinh mười, và điều đúng với khoa học là nếu người đàn ông không rượu bia, không thuốc lá, không chơi bời trác táng yến tiệc thâu đêm, thì khả năng sinh con trai là rất lớn, nên hai ông bà đã có với nhau đến 100 đứa con trai trong hai mươi năm chung sống là chuyện bình thường. Thế nhưng hiểm họa muôn đời đối với người Việt luôn đến từ bọn giặc Tàu phương Bắc, mà tổ tiên người Việt phải không được mất cảnh giác để còn bảo vệ và lưu truyền dòng giống Việt cho đến tận mai sau, nên chờ đến khi những đứa con út cứng cáp, Âu Cơ và Lạc Long Quân thực hiện kế hoạch vạn l‎ý trường di vĩ đại đã bàn từ trước: buộc phải rơi nước mắt bịn rịn chia tay. Âu Cơ tình nguyện hy sinh cùng 50 người con trai trưởng khéo léo bám trụ chốn núi thẳm rừng sâu, nếm mật nằm gai, quán xuyến hậu cần, lo tạo quân nhu, chế tạo cung nõ, dựng vợ cho 50 dũng tướng, điều động hàng trăm con dâu chăm sóc cháu con, gia tăng dân số, hình thành các bộ tộc hùng cứ núi non, đánh chặn bước chân xâm lược của tổ tiên Trung Quốc, sáng tạo binh pháp (mà sau này Tôn Tử của Trung Quốc với kinh nghiệm thất bại của tiền nhân cũng buộc phải học tập mô phỏng theo mà cóp nhặt ghi vào sách dụng binh lưu truyền hậu thế, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp áp dụng tiêu diệt quân đội viễn chinh Pháp): chiếm cứ vùng cao tập kích tấn công giặc dưới vùng thung lủng trũng thấp, và đã thành công.  Trong khi đó, Cha Lạc Long Quân sức vóc mạnh mẽ, trí tuệ tài cao, uy dũng hơn Rồng, chỉ đạo các con đứa lớn ẵm bồng đứa bé dưới trường côn và tầm vông vạt nhọn bảo vệ của Cha, dần tiến xa hơn về phương Nam, tổ chức hiệu quả các đơn vị hành chánh và quân sự cộng đồng để các con được an toàn hơn, không bao giờ bị truy sát bởi giặc Tàu, nhờ ở thật xa đàng sau chân trời có ơn cao của Mẹ và nghĩa cả của các anh hy sinh gan óc văng tóe lầy trùng điệp núi non, máu tươi phun nhuộm đỏ nước suối ngàn, thân thể rách trần muôn mảnh bón xanh tươi rừng rậm, mắt đầu lâu dù bị giặc Tàu bêu ngọn giáo không thể nhắm nghiền vì còn dõi ngóng bóng dáng uy dũng Cha hiền biền biệt phương Nam, hồn phách lạc chỉ biết dật dờ phiêu linh dõi lần tìm về nhà Việt. Hạnh phúc của tổ tiên ta ngay từ khởi thủy đã phải buộc không toàn vẹn, chấp nhận chia ly đau thương uất hận vì sự sinh tồn của dân tộc, và tất cả đã toát lên tình phu thê, tình phụ tử, tình mẫu tử, tình huynh đệ tuyệt vời nhất của dòng giống Lạc Hồng mà không có bất kỳ dân tộc nào trên thế gian này có được: tất cả hy sinh vì mục đích cao cả, với sự đoàn kết vĩ đại và cao thượng, để đạt mục đích tối thượng: dân tộc Việt Nam phải trường sinh, đất nước Việt Nam phải trường tồn.

Đó là l‎ý do ở Việt Nam, Kinh-Thượng một nhà là một thực tế lịch sử hào hùng, bi tráng.

Đó là l‎ý do Việt Nam dù có ở cùng vĩ độ địa dư hay cùng khu vực địa lý với nhiều nước khác, vẫn được xem là có người dân có hình thể và sắc vóc xinh đẹp hơn nhiều so với dân tộc ở các quốc gia ấy. Mẹ Âu Cơ của dân tộc Việt hiền thục xinh đẹp như Tiên, và Cha Lạc Long Quân của dân tộc Việt Nam khỏe mạnh cường tráng uy dũng như Rồng: đó là kết hợp tinh túy tạo nên dòng giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam vĩ đại.

Một l‎ý giải mới trên nền khoa học, logic, đầy tự hào, cho một tích cũ của Việt Nam.

Giá như lý giải trên được kể lại truyền lưu chốn học đường.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Nhân Quyền và Phẩm Giá

– Người Khuyết Tật –

Hoàng Hữu Phước, MIB

CongUoc

 CongUoc (1)

A- Sự Kiện Phê Chuẩn Công Ước Liên Hợp Quốc

Ngày 23-10-2014 tại Kỳ họp Thứ 8 Quốc Hội Khóa XIII, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã đọc Tờ Trình trước Quốc Hội đề nghị Quốc Hội xem xét phê chuẩn Công Ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người Khuyết Tật [1].

Theo chương trình Kỳ họp Thứ 8 này, sau khi các nghị sĩ thảo luận ở các Tổ chiều ngày 04-11-2014 về những điểm còn cần làm rõ đối với các điều khoản chi tiết của Công ước, Quốc Hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn Công ước này trong sáng Thứ Sáu 28-11-2014. Quyết tâm chính trị cao độ và cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính Phủ Việt Nam đối với Công ước về Quyền của Người Khuyết Tật được thể hiện qua kiến nghị Quốc hội phê chuẩn công ước mà không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào của công ước, nghĩa là tuân thủ toàn bộ 50 điều khoản mà không viện dẫn bất cứ lý do mang tính hoàn cảnh nào để bảo lưu – tức loại trừ hẳn, không thực hiện, hoặc để thực hiện sau vào một thời gian thích hợp bất định – một hay nhiều hơn một điều khoản nào của công ước.

Trước sự thật hiển nhiên là bản thân sự kiện phê chuẩn công ước này không được báo chí xem như chủ đề đủ “nóng” hay đáng quan tâm cho việc tập trung đưa tin, tôi với tư cách nghị sĩ thực hiện vai trò tham gia giáo dục pháp luật xin đóng góp các nội dung sau nhân sự kiện trọng đại này để giúp người dân – nhất là các học sinh – tìm hiểu cặn kẽ các điểm quan trọng không những về Công ước mà còn về tư duy phản biện mới đối với vấn đề rất cũ tính định kiến không đúng về “nhân đạo”, “từ thiện”, và “nhân quả”, đặc biệt trong tình hình đấu tranh chính trị sống còn của đất nước đang diễn ra với thù trong và giặc ngoài chực chờ gây hại cho sự phát triển quốc gia và hạnh phúc của quốc dân, trong đó có người khuyết tật.

B- Tại Sao?

1) Gia Nhập và Phê Chuẩn

Câu hỏi có thể thường được đặt ra là vì sao Việt Nam chính thức k‎ý công ước này ngày 22-10-2007 – tức chỉ chưa đầy một năm kể từ khi Công ước được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua (13-12-2006) – đến nay mãi sau 7 năm mới trình Quốc hội phê chuẩn để hoàn tất thủ tục cho Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công Ước.

Với thực trạng theo số liệu thống kê năm 2009, Việt Nam có 6,7 triệu người khuyết tật chiếm 7% dân số, trong đó có 3,6 triệu người là nữ, hơn 5 triệu người sống ở vùng nông thôn, và 1,2 triệu trẻ em, thuộc hai dạng khuyết tật chiếm tỷ lệ cao nhất là khuyết tật vận độngkhuyết tật liên quan đến thần kinh, tiếp đến là khuyết tật về thị giác, thính giác, v.v., mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng khuyết tật không những do khiếm khuyết bẩm sinh mà còn do cả hậu quả của chiến tranh kéo dài nhiều năm, thiên tai, và tai nạn giao thông, v.v., Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng nhiều pháp lệnh, nghị định, nghị quyết và chính sách đối với người khuyết tật, chứng minh từ rất sớm tư tưởng về tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đã được quy định trong pháp luật Việt Nam và trở thành nguyên tắc hiến định được cụ thể hóa bằng pháp luật, chẳng hạn như trong Luật Hình Sự 1999, Luật Hôn Nhân và Gia Đình 2000, Luật Giáo Dục 2005, Luật Thể Dục – Thể Thao 2006, Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2006, v.v. Chính phủ Việt Nam còn cam kết thực hiện Khuôn Khổ Hành Động Thiên Niên Kỷ Biwako 2003 hướng tới một xã hội hòa nhập, không vật cản và vì quyền của người khuyết tật khu vực Châu Á–Thái Bình Dương. Tất cả đã cho thấy: là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn theo nguyên tắc tuân thủ nghiêm túc các điều ước đã cam‎ kết, và đối với Công Ước về Quyền của Người Khuyết Tật, sau khi k‎ý kết năm 2007, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo Hiểm Y Tế 2008, Luật Người Khuyết Tật 2010, Luật Lao Động 2012, và Hiến Pháp 2013, v.v., hiến định và luật định các quyền của người khuyết tật, cũng như cam kết thực hiện Chiến Lược Incheon 2012 với chủ đề “Hãy Hành Động Để Mang Đến Những Quyền Thực Sự Cho Người Khuyết Tật”. Tất cả làm tiền đề cho sự phê chuẩn trong thời gian thích hợp.

Ngoài ra, Việt Nam còn đã tham gia 13 trong tổng số 17 văn kiện của Liên Hợp Quốc về quyền con người và đã có kinh nghiệm thực tế trong thực thi Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự – Chính Trị; Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội, và Văn Hóa; Công Ước Quốc Tế Về Xóa Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Đối Xử Với Phụ Nữ; và Công Ước Quốc Tế Về Quyền Trẻ Em. Nay với tư cách và tư thế thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam tiến hành việc phê chuẩn Công Ước Quyền Của Người Khuyết Tật vốn là một trong những điều ước quốc tế về nhân quyền, hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà Nước Việt Nam nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của nhân dân, thực hiện dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

2) Bảo Lưu

Bảo lưu là ý kiến mong muốn chủ quan của một quốc gia khi phê chuẩn việc tham gia một công ước quốc tế đối với một hay nhiều hơn một điểm trong công ước mà quốc gia ấy hoặc không muốn bó buộc phải thực hiện hoặc do có khác biệt bản địa về tập tục, văn hóa, truyền thống, tôn giáo, và/hay luật pháp hiện hành. Song, các quốc gia đã là thành viên chính thức của công ước có quyền xem xét và cho ra ý kiến phản đối các bảo lưu ấy trên cở sở phản biện mà các thí dụ sau là để minh họa:

a- Bảo lưu của Israel: “Nhà nước Israel đưa ý kiến bảo lưu liên quan đến các điều khoản về kết hôn trong Điều 23(1)(a) của Công ước, ở mức độ mà luật pháp quy định về tình trạng cá nhân có tính bắt buộc trong nhiều cộng đồng tôn giáo ở Israel không phù hợp với điều khoản này.”

b- Bảo lưu của Ba Lan: “Cộng Hòa Ba Lan hiểu rằng các điều 23.1(b) và 25(a) sẽ không được diễn giải theo cách cho phép một cá nhân có quyền phá thai, hoặc bắt buộc quốc gia thành viên phải tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ liên quan.”

c- Bảo lưu của Vương Quốc Thống Nhất Đại Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan đối với điều 24.2(a) và 24.2(b): “Vương Quốc Anh bảo lưu quyền của trẻ khuyết tật được giáo dục tại các cơ sở không thuộc khu dân cư của các em, tại các cơ sở giáo dục phù hợp với nhu cầu của các em hơn. Tuy nhiên, phụ huynh của trẻ khuyết tật có quyền, giống như những phụ huynh khác, được bày tỏ mong muốn con mình được theo học tại cơ sở giáo dục nào.”

d- Phản đối của Bồ Đào Nha: “Chính phủ nước Cộng Hòa Bồ Đào Nha đã xem xét tuyên bố diễn giải của Vương Quốc Thái Lan liên quan đến điều 18 khi phê chuẩn Công ước về Quyền của Người Khuyết Tật….Vương quốc Thái Lan đã đưa ra một bảo lưu thiếu rõ ràng về mức độ cam kết tuân thủ điều 18 của Công ước, và điều này làm dấy lên những nghi vấn về mức độ cam kết của Vương Quốc Thái Lan đối với mục đích và mục tiêu của Công ước đối với các quyền liên quan tới tự do đi lại và quốc tịch. Chính phủ nước Cộng Hòa Bồ Đào Nha xin nhắc lại: theo Điều 46, đoạn 1 của Công ước, các bảo lưu không phù hợp với mục đích và mục tiêu của Công ước sẽ không được chấp thuận. Do vậy, Chính phủ nước Cộng Hòa Bồ Đào Nha phản đối tuyên bố diễn giải của Vương Quốc Thái Lan liên quan đến Điều 18 của Công ước về Quyền của Người Khuyết Tật…..”

e- Phản đối của Thụy Điển: “Chính phủ Thụy Điển đã xem xét tuyên bố diễn giải của Chính phủ Vương Quốc Thái Lan….Chính phủ Thụy Điển lưu ý rằng Thái Lan coi trọng việc áp dụng các nội luật, quy định, và tập quán tại Thái Lan hơn là áp dụng điều 18 của Công ước. Chính phủ Thụy Điển cho rằng một bảo lưu mà không thể hiện rõ phạm vi bảo lưu làm dấy lên những quan ngại lớn về mức độ cam kết của Thái Lan đối với mục đích và mục tiêu của Công ước. Chính phủ Thụy Điển do đó  phản đối bảo lưu trên của Chính phủ Vương Quốc Thái Lan về Công ước về Quyền của Người Khuyết Tật và xem bảo lưu ấy vô giá trị và vô hiệu lực….”.

Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn Công ước mà không có bất kỳ một bảo lưu nào, thể hiện quyết tâm chính trị cực cao vì việc thực hiện các cam kết đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ và sẽ phải được báo cáo định kỳ cho Liên Hợp Quốc dưới sự kiểm tra và giám sát của chính tổ chức này.

C- Những Vấn Đề Ý Thức

1) Nhân Quyền

Những phe nhóm chống Việt Nam (cần nhắc lại rằng trên thực tế hùng biện hàn lâm không hề có cái gọi là “chống Cộng”, giống như lâu nay chỉ tồn tại cái gọi là “chống Nga” vì Nga đang là quốc gia tư bản, vì “cộng” là một triết thuyết và chỉ có triết thuyết mới hơn “cộng”, vĩ đại y như “cộng”, và đối nghịch tư duy với “cộng” mới có thể mang danh “chống cộng”) luôn gào thét rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền, trong khi chúng không hề biết thế nào là nhân quyền. Đối với bọn đã, đang, và sẽ mãi rên rỉ về nhân quyền thì các “quyền” sau mới là nhân quyền: tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do biểu tình, với cái thứ nhất để hòng được tự do thoải mái nói và viết những điều bá láp chống lại chính phủ Việt Nam, tức sử dụng cái biện pháp bằng mồm và bằng tay do cái biện pháp đối đầu quân sự đã hoàn toàn thất bại thảm hại dẫn đến sự tan rả tháo chạy tán loạn của toàn bộ quân đội và chính quyền Sài Gòn ngày 30-4-1975 lịch sử, nay hy vọng bàn tay gỏ bàn phím có thể che khuất được bầu trời chính nghĩa và cái mồm ăn vạ tru tréo bôi nhọ có thể xô ngã chế độ; cái thứ nhì để mong thành lập được đảng phái chính trị núp bóng “hội” để hy vọng có ngày được tham chính đa đảng [2] xóa sổ “độc đảng” [3] Cộng Sản, tàn sát đảng viên Cộng sản và gia đình của họ, rồi lên làm Tổng Thống; và cái thứ ba nhằm gây náo loạn làm ô danh Việt Nam như đất nước ổn định chính trị duy nhất trên thế giới, và qua đó xô sụp nền kinh tế do giảm sút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tiến đến bần cùng hóa đất nước, giúp có cơ hội dè bỉu hô hào về sự thất bại và bất tài vô dụng của Cộng sản Việt Nam trong xây dựng kinh tế.

Nhân quyền là phạm trù bao trùm, không bó rọ như cái chuồng tư duy tư tưởng chật hẹp của những kẻ chống Việt. Thực thi việc bảo vệ và bảo đảm sự đúng đắn, đầy đủ các quyền của người dân, đặc biệt là các nhóm cộng đồng yếu thế như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ, người nghèo, và người khuyết tật, với các thành quả cụ thể trong xóa đói, giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, v.v., tạo cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn, tốt hơn, cho người dân, v.v., mới là những trụ cột chính của nhân quyền – và đây là l‎ý do Việt Nam dược bầu với tỷ lệ cực cao vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc. Phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền của Người Khuyết Tật, nhận thêm trách nhiệm nặng nề trong hoàn cảnh kinh tế nước nhà chưa phải là đã khả quan để quyết tâm chăm lo cho công dân là người khuyết tật, tự đặt mình dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc trong thực thi Công ước, Chính phủ Việt Nam đã tiến xa thêm trên con đường bảo vệ và tôn trọng nhân quyền ở mức độ cao nhất vì đó là trách nhiệm với dân tộc, với cộng đồng người khuyết tật, dồng thời cũng chính là quốc thể trong bảo đảm công bằng, bác ái, như dân tộc tính đặc thù của dân tộc Việt Nam.

Nhân quyền, do đó, chính là qua sự thể hiện trách nhiệm của nhà cầm quyền đối với các quyền cao trọng của toàn dân, trong đó có các cộng đồng những người yếu thế mà điển hình là người khuyết tật, mà việc tôn trọng phẩm giá của họ là ý nghĩa cao nhất của các cam kết đối với công ước.

2) Dân Quyền

Người khuyết tật Việt Nam là công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và do đó trên nguyên tắc hiến định đương nhiên có các quyền công dân được chế định trong hiến pháp và theo sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Các đạo luật- do đó, phải có các điều khoản về người khuyết tật – trường hợp có liên quan trực tiếp; điều này cũng có nghĩa rằng các đạo luật hiện hành sẽ phải được điều chỉnh thích hợp sau khi Quốc hội phê chuẩn công ước này.

3) Công Bằng và Bình Đẳng: “Tội Tổ Tông Truyền”

Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật – đó là điều đơn giản mang tính lý tưởng và lý thuyết không phải luôn dễ thực hiện thực thi trong cuộc sống thực của xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Sự không công bằng thậm chí còn xảy ra ngay trong tư duy lối mòn mang tính xúc phạm và phi nhân bản khi xem người khuyết tật như kẻ gánh chịu sự trừng phạt “công minh” của thượng đế cho những cái gọi là “tội ác” trong tiền kiếp của bản thân người khuyết tật hay của tổ tiên của họ. Tôn trọng nhân phẩm người khuyết tật và thông cảm cho hoàn cảnh khiếm khuyết mang tính tai nạn và tai họa họ phải gánh chịu ngoài ý muốn, đó mới chính là cách xử sự văn hóa, văn minh, của con người thực sự có văn hóa, văn minh.

4) Công Bằng và Bình Đẳng: “Kinh Doanh” Từ Thiện

Sẽ là sự vô văn hóa và phản văn minh nếu luôn xem người khuyết tật như những đối tượng đáng thương hại, những đối tượng đói nghèo thất học, và là đối tượng được sử dụng để đánh bóng thương hiệu cho những công ty trong những buổi trực tiếp truyền hình “hoành tráng” mà số tiền “hoành tráng” thu được sẽ được dùng để chi trả cát-xê “hoành tráng” cho các ngôi sao ca nhạc, chi phí “hoành tráng” cho hội trường hay sân khấu rạp hát hoành tráng, lợi nhuận “hoành tráng” của đơn vị tổ chức sự kiện, và tiền mặt còn lại từ số thu “hoành tráng” là dành cho một cơ sở nào đó của người khuyết tật. Đưa người khuyết tật ra để mời gọi lòng thương, lòng từ thiện, của công chúng, rồi ăn bám ăn bớt từ khoản tiền thu được, dứt khoát đó không bao giờ là việc làm đúng đắn, đã vậy còn ở tư thế người trên trước ban ân làm phúc cho người khuyết tật. Đó là sự bất lương. Bảo vệ và bảo đảm sự công bằng đối với các công dân người khuyết tật nghĩa là nâng cao phẩm giá vốn có và luôn có của họ, không được sử dụng họ làm đối tượng phục vụ cho hai mục đích (a) quảng cáo cho doanh nghiệp và (b) tự thỏa mãn rằng bản thân mình đã làm được điều đại phúc để phước lại cho con cháu của mình cũng như để chính mình ghi điểm với Trời với Phật như một cách đầu tư hữu hiệu cho một chỗ cao trọng chốn Niết Bàn.

D- Kết Luận: Phẩm Giá Người Khuyết Tật

Khi bạn giúp một trẻ em vói lấy một quyển sách trên kệ cao nơi thư viện, bạn không đang làm phúc, bạn không đang tích phước, bạn không đang quảng cáo cho bản thân hay doanh nghiệp. Bạn giúp em bé ấy vì bạn là một con người có hiểu biết thế nào là con người.

Khi bạn giúp một phụ nữ bụng mang dạ chữa vói lấy một món đồ trên kệ cao nơi siêu thị, bạn không đang làm phúc, bạn không đang tích phước, bạn không đang quảng cáo cho bản thân hay doanh nghiệp. Bạn giúp sản phụ ấy vì bạn là một con người có hiểu biết thế nào là con người.

Khi bạn giúp một cụ già băng qua đường, bạn không đang làm phúc, bạn không đang tích phước, bạn không đang quảng cáo cho bản thân hay doanh nghiệp. Bạn giúp người cao tuổi ấy vì bạn là một con người có hiểu biết thế nào là làm một con người.

Khi bạn giúp một lực sĩ cử tạ đầy hộ một trong ba xe đẩy hành lý của người ấy tại sân bay, bạn không đang làm phúc, bạn không đang tích phước, bạn không đang quảng cáo cho bản thân hay doanh nghiệp. Bạn giúp vận động viên ấy vì bạn là một con người có hiểu biết thế nào là làm một con người.

Và khi bạn giúp một người khuyết tật trong bất kỳ hoàn cảnh cụ thể nào đó, bạn không đang làm phúc, bạn không đang tích phước, bạn không đang quảng cáo cho bản thân hay doanh nghiệp. Bạn giúp người ấy vì bạn là một con người có hiểu biết thế nào là làm một con người.

Trước Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh một ngày giữa tháng 10 năm nay trước khi ra Hà Nội dự Kỳ họp Thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, khi tôi nhường đường cho một người khuyết tật đi xe máy ba bánh đặc chế có chở một bé trai khoảng 6 tuổi phía sau, tôi không đang làm phúc, tôi không đang tích phước, tôi cũng không đang quảng cáo cho bản thân hay doanh nghiệp, mà vì tôi là một con người có hiểu biết thế nào là làm một con người; còn khi người khuyết tật ấy cười đôn hậu, bóp thắng xe, bào tôi hãy vào cổng cơ quan trước đi, đừng ngừng lại, người khuyết tật ấy không đang làm phúc, không đang tích phước, không đang quảng cáo cho bản thân hay doanh nghiệp, mà đơn giản vì thấy tôi đeo huy hiệu Quốc hội nên muốn nhường đường để tỏ lòng kính trọng một vị đại biểu dân cử. Hai người nhường đường cho nhau: tôi nhường đường vì trên xe máy ba bánh tự chế ấy có một em bé mà sự tránh đường cho tôi có thể khiến xe va vào lề đường cao gây mất an toàn cho em bé không có dây đai dính vào ghế sau xe, người đàn ông khuyết tật nhường đường cho tôi vì cho rằng đó là điều đương nhiên của một người dân tốt bụng, có hiểu biết, có giáo dục, phải làm khi ngáng đường một vị trên ngực áo có huy hiệu lá cờ đỏ sao vàng tôn kính. Tôi không có sự tự tôn để xem anh ta là người khuyết tật thấp hèn. Anh ấy không có sự tự ti để thấy mình là kẻ thấp kém. Tôi tôn trọng anh ấy vì tôi luôn học làm người tốt, còn anh ấy tôn trọng tôi vì anh ấy là người tốt. Đây nào phải là điều đội đá vá trời đòi phải có sức cử đỉnh bạt sơn trước một nhiệm vụ bất khả thi!

Khi xã hội có nhiều người không có bất kỳ một khuyết tật cơ thể nào trừ khuyết tật tâm hồn nên chây lười lao động, tự mình bần cùng hóa chính mình do bài bạc bê tha, bắt con trẻ đi xin hoặc bản thân hóa trang thành hành khất để đi xin ăn, thậm chí là dân ăn mặc sang trọng như dân cổ cồn trắng [4] lại sử dụng chiêu trò bẩn để ăn xin, thì người ta vẫn có thói quen nhìn người khuyết tật như những người mà mình cần phải bố thí. Bạn giúp lấy một quyển sách khoa học vạn vật trên kệ cao cho một em bé, nhờ đó mà em bé có cơ may trở thành một nhà bác học. Bạn lấy giúp một món hàng trên kệ cao cho phụ nữ đang bụng mang dạ chữa, nhờ đó mà chị ấy giữ được an toàn cho thai nhi cho một hạnh phúc gia đình của riêng chị. Bạn giúp một cụ già băng qua đường để xã hội có thêm một người cao tuổi được an toàn, tiếp tục làm cây cao bóng cả cho gia đình, cũng như tiếp tục đem kinh nghiệm phục vụ cho xã hội trong những công việc mà sức khỏe người cao tuổi ấy còn cho phép và luật pháp về lao động của nước nhà bảo hộ quyền lợi.

Người khuyết tật thuộc cộng đồng những người yếu thế. Một vận động viên bơi lội hay cử tạ người khuyết tật có thể lập nên kỳ tích và kỷ lục thể thao đem vinh dự về cho tổ quốc mà những người không khuyết tật chưa chắc đã làm được điều tương tự. Tất nhiên, luôn có cơ chế hỗ trợ thích hợp chẳng hạn như các vận động viên khuyết tật môn cử tạ không nâng tạ trong tư thế đứng, và lúc nằm ngữa sẽ được người đặt tạ lên đôi bàn tay để vận động viên này tự sức nâng lên. Tương tự như vậy, các cơ chế trong đời sống được tạo nên để hỗ trợ người khuyết tật tự nâng được các gánh nặng trong đời sống của người ấy. Không ai bắt buộc người khuyết tật chỉ được ngồi xem các trận thi đấu thể thao. Càng không ai buộc người khuyết tật phải ngồi chờ những bố thí từ lòng thương hại của người khác.

Người khuyết tật có quyền tham dự các tranh tài thể dục thể thao để tự mình đem vinh quang về cho đất nước.

Người khuyết tật có quyền làm việc để tự mình đem danh dự của người có đầy đủ phẩm giá và lòng tự trọng cùng khả năng trong sinh nhai về làm niềm tự hào cho gia đình của họ, con cái của họ.

Người khuyết tật – cùng với những người dân thuộc lớp yêu thế như người cao tuổi, phụ nữ, và trẻ em – luôn được xã hội và quốc gia dành cho những ưu tiên đặc biệt khi đất nước lâm vào biến động kinh tế, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, hay tình trạng chiến tranh; song, ngay cả trong thời chiến, người khuyết tật vẫn có quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm là từ bỏ quyền ưu tiên của chính mình để gia nhập quân đội, phục vụ đại cuộc cứu nước bằng trí óc và sức lực cơ thể mặc cho có những khiếm khuyết và giới hạn. Đó là quyền được sống trong danh dự, quyền được cống hiến trong vinh dự, quyền ái quốc, và quyền được hy sinh trong niềm tự hào là công dân hữu ích.

Đoàn Ngọc Hoài Phong là một nhân viên khuyết tật hệ vận động chi dưới. Anh sử dụng vi tính để ghi biên bản các buổi họp cho Mặt Trận Tổ Quốc Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Và từ khi bắt đầu làm nghị sĩ năm 2011, tôi đã được tiếp xúc với anh, để biết kính trọng anh, người thiết tha với cuộc sống, tận tụy với công việc, tích cực với tư duy trăn trở về đất nước. Anh thường bày tỏ cho tôi biết những ý nghĩ của anh về những vấn đề mà anh muốn thố lộ để giúp nước nhà tốt hơn, xã hội tốt hơn, để mọi người dân sống tốt hơn. Anh chưa từng nói gì về quyền lợi nên có thêm cho người khuyết tật. Anh chưa từng nói gì về những khó khăn của anh hay của những người khuyết tật như anh. Có lẽ anh đơn giản cho rằng anh đang được làm việc và cách để tri ân cuộc sống là cống hiến cho đời dù chỉ bằng sức lực của trí óc trong cơ thể mà đôi tay của anh phải luôn tì lên đôi nạng để lê đi. Anh làm tôi nhận ra rằng  anh là một công dân bình thường với điều quý trọng nơi anh là sự quan tâm anh dành cho người dân nước này, mà đại đa số là những người không khuyết tật. Giống như sự hỗ trợ chuyên nghiệp cho từng bộ môn thi đấu luôn có trên đấu trường thể thao thê giới dành cho người khuyết tật, nếu cơ quan nơi anh Đoàn Ngọc Hoài Phong đang công tác dành cho anh sự hỗ trợ thích hợp chẳng hạn như đồng ý cho anh mỗi năm được vắng mặt hai kỳ, mỗi kỳ tối đa 6 tuần, vẫn được hưởng đủ lương, để anh có cơ hội tự ra ứng cử và trở thành nghị sĩ [5] – nếu được người dân dồn phiếu tín nhiệm – thì những trăn trở và hiến kế của anh có cơ may trở thành những lời tâm huyết trực tiếp tỏ bày tại cơ quan quyền lực nhất đất nước chứ không chỉ là những tâm tư gởi gắm  cho tôi trong những lần gặp mặt.

 CongUoc (2)

Người khuyết tật có phẩm giá của người khuyết tật. Hãy giúp đỡ người khuyết tật với sự tôn trọng phẩm giá của họ. Làm được điều này, bạn thực hiện được điều vĩ đại hơn cả việc bạn cho là lòng từ thiện hay lòng nhân đạo: bạn có trái tim một con người đúng nghĩa.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú:

[1] Convention on the Rights of Persons with Disabilities. http://www.un.org/disabilities/convention/conventionfull.shtml

[2] Hoàng Hữu Phước. 18-5-2013. Mỹ Có Đa Đảng Không? Việt Nam Cộng Hòa Có Đa Đảng Không? https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2013/05/18/viet-nam-cong-hoa-co-da-dang-khong-my-co-da-dang-khong/

[3] Hoàng Hữu Phước. 13-02-2011. Luận Về Đa Đảng. http://hhphuoc.blog.com/?p=167

[4] Hoàng Hữu Phước. 11-10-2014. Bọn Xin Đểu Cổ Cồn Trắng. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/10/11/bon-xin-deu-co-con-trang/

[5] Hoàng Hữu Phước. 07-9-2014. Nghị Sĩ Người Khuyết Tật: Tại Sao Không? https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/09/07/nghi-si-nguoi-khuyet-tat-tai-sao-khong/

Biển Đông – Vì Sao Việt Nam Không Khởi Kiện

Hoàng Hữu Phước, MIB

 Hinh HHP (2)

Hoàng Sa – Trường Sa: đây là những cái tên quen thuộc đối với người dân Việt Nam vì đó là những phần không thể tách rời của lãnh thổ và lãnh hải nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Hoàng Sa – Trường Sa: đây là những cái tên quen thuộc đối với kẻ thù của đất nước Việt Nam vì đó là những phần lãnh thổ và lãnh hải mang các dấu ấn lịch sử của những bốn bên: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa  người đại thắng, Việt Nam Cộng Hòa kẻ đại bại, Mỹ kẻ thất bại, và Trung Quốc thằng hôi của, mà kẻ thù của Việt Nam gồm tổ hợp phân tử không gắn kết chặc chẽ của kẻ đại bại, kẻ thất bại, và thằng hôi của.

Kẻ đại bại mang nỗi nhục đớn hèn muôn kiếp không phai nên sử dụng những cái tên quen thuộc ấy để tự gắn hào quang cho chính mình như “hải chiến Hoàng Sa[1] không có chút vinh quang nào thật sự hoặc “công thư Phạm Văn Đồngchẳng dính dáng gì đến những cái tên gọi là quen thuộc ấy để ra rả bôi nhọ người đại thắng.

Kẻ thất bại nhận ra sự tối cần thiết phải có của một Việt Nam cộng sản để ghìm chân Trung Quốc không cho xâm lấn xuống Đông Nam Á uy hiếp Châu Đại Dương nên chụp lấy tất cả các cơ hội có được, từ chủ trương ôn hòa, chính sách thân thiện, dân tộc tính không hận thù của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam để công nhận Việt Nam, giao hảo với Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam, tiến tới chiến lược Hướng Đông trở lại tích cực ngăn chặn sự gây hấn của Trung Quốc và xóa bỏ dần các cấm đoán bán vũ khí tối tân cho Việt Nam.

Thằng hôi của nhận ra cái “của” mà nó giựt được của anh nhà giàu Việt Nam không giúp gì được để nó có thể cứu đói hàng tỷ dân của nó nên hùng hổ hung hăng hối hả hừng hực khí thế lấn lướt ở Biển Đông toan giành ngôi bá chủ.

Và lập luận sau hay được kêu gào sử dụng bởi những kẻ đại bại đã chạy ra nước ngoài, những con ngựa thành Troy nhận tiền của kẻ đại bại, và những kẻ phản loạn, hoặc được nêu thành thắc mắc bởi những người dân hiền lành chưa rõ việc quốc gia đại sự: Tại Sao Đảng Cộng Sản Việt Nam Im Lặng Và Tại Sao Chính Phủ Việt Nam Không Khởi Kiện Trung Quốc Ra Tòa Án Quốc Tế. Bài viết này, do đó, để đánh bại kẻ đại bạikẻ phản loạn, đồng thời cung cấp thông tin chính quy cho người-dân-Việt-Nam-yêu-nước để từ đó tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo anh minh của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Về Vấn Đề Tranh Chấp Lãnh Thổ Và Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Biện Pháp Hòa Bình, chúng ta cần lưu ý rằng áp dụng nguyên tắc hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế là nghĩa vụ được quy định tại Điều 2.3 trong Hiến Chương Liên Hợp Quốc [2] mà Việt Nam là một nước thành viên luôn chứng minh tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc này với danh nghĩa một thành viên tích cực và có trách nhiệm. Hiến Chương Liên Hợp Quốc còn đề ra tại Điều 33.1 ở Chương VI những biện pháp dùng để giải quyết hòa bình các tranh chấp gồm ba nhóm như: ngoại giao (đàm phán, trung gian hòa giải), pháp lý (trọng tài, tòa án), và cơ chế điều ước quốc tế (giải quyết tranh chấp thông qua các tổ chức quốc tế). Đây là những biện pháp gợi ý và tùy sự lựa chọn của các bên liên quan đến tranh chấp, thậm chí có thể áp dụng những biện pháp khác không có trong danh sách gợi ý miễn sao đó cũng là những biện pháp hòa bình.

1- Nhóm Biện Pháp Ngoại Giao

a) Đàm Phán: Đây là biện pháp chủ động giữa các bên liên quan trực tiếp với nội dung tranh chấp; nhưng do lệ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của các bên mà nếu có sự khác biệt quá lớn trong quan điểm của mỗi bên sẽ vô hiệu hóa nổ lực đàm phán. Đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc cho khu vực Vịnh Bắc Bộ đã không đạt được tiến triển do Việt Nam muốn gộp chung đàm phán về Hoàng Sa cùng phân định các vùng biển chồng lấn, trong khi Trung Quốc làm ngơ và chỉ nói về nội dung cùng khai thác tài nguyên biển Vịnh Bắc Bộ.

b) Trung Gian – Hòa Giải: Đây là hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba (cá nhân, tổ chức, hoặc một quốc gia) làm môi giới giúp các bên tranh chấp gặp gở, cùng tham gia các cuộc đối thoại đàm phán và đề xuất các giải pháp cho hai bên tham khảo, lựa chọn. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của bên thứ ba chỉ có giá trị tham khảo, không mang tính pháp lý ràng buộc các bên tranh chấp phải tuân thủ. Trong tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, Mỹ và Indonesia đưa ra những đề xuất trung gian hòa giải nhưng đã không được Trung Quốc quan tâm.

2- Nhóm Biện Pháp Pháp Lý

a) Tòa Án Công Lý Quốc Tế: (International Court of Justice ICJ) [3]

Trên nguyên tắc, ICJ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ, nhưng với điều kiện tất cả các bên có liên quan trực tiếp đến việc tranh chấp phải cùng chấp nhận đưa tranh chấp ra ICJ phân xử. Campuchia và Thái Lan đã cùng đồng  ý đưa tranh chấp về ngôi đền Vihear ra ICJ xét ra phán quyết, còn Malaysia và Indonesia đồng ý để ICJ phán quyết về tranh chấp hai hòn đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan năm 2002, sau đó Malaysia và Singapore nhất trí để ICJ phán quyết xử lý tranh chấp chủ quyền đối với hòn đảo Pedra Blanca năm 2008. Đối với Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam không thể đơn phương đưa vụ việc ra ICJ do Trung Quốc vừa ngang ngược khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với cả Hoàng Sa và Trường Sa, vừa phủ nhận thẩm quyền của ICJ.

Do phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế ICJ chỉ mang ý nghĩa chính trị hơn là có hiệu lực thi hành, vì tất cả tùy thuộc vào thiện chí của các nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp cũng như nhất trí tuân thủ phán quyết cuối cùng của ICJ. Trường hợp các bên liên quan trực tiếp chấp thuận trao cho ICJ quyền phán quyết nhưng cuối cùng lại không tuân thủ phán quyết của ICJ thì sự việc sẽ được chuyển đến Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc xử lý. Tuy nhiên, kết quả sẽ khó lường vì cả năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An đều có thể dùng quyền phủ quyết để can thiệp vào một phán quyết cuối cùng không có lợi cho bên tranh chấp nào có quan hệ riêng với quốc gia có quyền phủ quyết. Ngay cả khi việc không tưởng là Trung Quốc chấp thuận cùng Việt Nam đưa tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa ra Tòa án Công lý Quốc tế ICJ và tòa án này ra phán quyết công nhận chủ quyền của Việt Nam thì Trung Quốc vẫn có thể phản đối phán quyết, không tuân thủ phán quyết, và khi ICJ đưa vụ việc ra Hội Đồng Bảo An thì Trung Quốc sẽ dùng quyền phủ quyết để vô hiệu hóa sự can thiệp của Hội Đồng Bảo An.

b) Tòa Luật Biển Quốc Tế (International Tribunal for the Law of the Sea ITLOS) [4]

ITLOS được thành lập theo Công Ước Luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công Ước Luật Biển 1982. Do Công ước không có quy định về nội hàm của “chủ quyền lãnh thổ” nên ITLOS chỉ có khả năng giải quyết các tranh chấp trên biển, không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ. Ngoài ra, tương tự như Tòa Án Công Lý ICJ, thẩm quyền của ITLOS chỉ được xác lập qua sự chấp thuận của tất cả các bên có liên quan trực tiếp đến tranh chap.

c) Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế [5] (Permanent Court of Arbitration PCA)

Tương tự như Tòa Án Công Lý Quốc Tế ICJ, tổ chức Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế PCA có khả năng xét xử về tranh chấp lãnh thổ, song cũng với điều kiện tất cả các bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp cùng chấp thuận thẩm quyền của PCA để đưa vụ việc ra PCA.

3- Nhóm Biện Pháp Điều Ước Khu Vực/Quốc Tế

Mỗi tổ chức quốc tế (như ASEAN hay EU, v.v.) đều có những quy định các biện pháp áp dụng riêng khi phát sinh tranh chấp giữa các nước thành viên của tổ chức ấy. Tuy nhiên, các biện pháp thường thuộc nhóm ngoại giao, chủ yếu gồm đàm phán và  trung gian, hòa giải. Tranh chấp ở Biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc do đó khó có kết quả tích cực khi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền và không đồng thuận đàm phán hay chấp nhận vai trò trung gian hòa giải của bên thứ ba.

Nói tóm lại, không có bất kỳ một cơ chế hữu hiệu nào để Việt Nam “đòi lại sự công bằng và công lý” cho vùng lãnh thổ và lãnh hải bị Trung Quốc xâm lấn. Đảng Cộng Sản Việt Nam, Quốc Hội Việt Nam, và Chính Phủ Việt Nam đã sáng suốt, chủ động bày thiên la, giăng địa võng, để đạt năm điều quan trọng sau: (a) từng bước cô lập Trung Quốc về ngoại giao trên trường quốc tế, (b) nêu cao chính nghĩa của Việt Nam như thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc trong tuân thủ nguyên tắc mang tính nghĩa vụ trong giải quyết hòa bình các tranh chấp theo những biện pháp đề nghị trong Hiến Chương, (c) nêu cao chính nghĩa của Việt Nam như thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc đối với hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới, (d) được quốc tế ủng hộ ngay đối với tranh chấp ở Biển Đông, và (e) duy trì hòa bình để tiếp tục xây dựng đất nước vì sự ấm no, hạnh phúc, an toàn của nhân dân và hậu duệ của dân tộc Việt Nam.

Và khi mọi cơ quan pháp lý quốc tế đều không bao giờ có thể là nơi hữu hiệu có ý nghĩa và giá trị thực tế để giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, con đường duy nhất để thu hồi tất cả các phần lãnh thổ và biển đảo bị Trung Quốc chiếm đóng là sử dụng vũ lực cho một cuộc chiến tranh có tuyên bố trên quy mô tổng lực. Vấn đề là cuộc chiến tranh ấy có giải quyết được vấn đề khi Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc và của ASEAN cũng như tất cả các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, lại sử dụng điều trái với nghĩa vụ để làm trầm trọng thêm tình hình khu vực vầ thế giới, phủ nhận và xúc phạm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đang dành cho một Việt Nam chính nghĩa.

Ủng hộ các kế sách của Đảng và Nhà Nước – những hậu duệ chiến thắng của dân tộc Việt Nam chiến thắng – để xây dựng đất nước hùng cường, với các nội dung dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, phồn thịnh, hạnh phúc, tất cả tạo nên sức mạnh thể chất, tinh thần, tiềm năng, tiềm lực, từ đó thực hiện đại cuộc thu hồi toàn bộ biển đảo và lãnh thổ từ tay Trung Quốc – đó là đại cuộc của tương lai mà chính hôm nay đã khởi đầu bằng sự tỉnh táo mưu trí của các lãnh đạo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong xử lý tranh chấp ở Biển Đông.

Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc tế

Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Ủy viên Hội Hữu Nghị Nghị Sĩ Việt Nam – Philippines

Ghi chú:  Dựa theo tài liệu của Học Viện Ngoại Giao, Bộ Ngoại Giao Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Tham khảo:

[1] Hoàng Hữu Phước. 28-7-2014. Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về Hải Chiến Hoàng Sa. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/07/28/hoang-sa/

[2] Charter of the United Nations. http://www.un.org/en/documents/charter/intro.shtml

[3] http://www.icj-cij.org

[4] https://www.itlos.org

[5] http://www.pca-cpa.org

Về Một Ý Kiến Trên Báo Tuổi Trẻ

Hoàng Hữu Phước, MIB

Một cử tri bức xúc gởi tin nhắn cho tôi nói về một phát biểu của một nghị sĩ trên báo Tuổi Trẻ về tình trạng “gánh nhiều vai” của Đại biểu Quốc hội và cái gọi là “lương tâm” nên có nơi những Đại biểu Quốc hội nên “từ nhiệm” nếu không thể “gánh nhiều vai” ấy. Tôi tìm xem phát biểu ấy của vị nghị sĩ này và xin có nhận xét sau:

Việt Nam có luật pháp của Việt Nam. Quốc Hội Việt Nam hoạt động trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp của Việt Nam. Khi nói Đại biểu Quốc hội Việt Nam “gánh nhiều vai” nên khó thể toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, rồi so sánh với nghị sĩ nước ngoài (ắt là so sánh với nghị sĩ Hoa Kỳ) chỉ gánh có một vai nên suy ra toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, vị nghị sĩ trên sẽ dễ bị hiểu lầm là muốn nêu lên sự hồ nghi đối với chất lượng chuyên nghiệp, cái tâm, cái tầm, cái bản lĩnh, và cái quyết tâm vì nước vì dân của đại đa số Đại biểu Quốc hội Việt Nam vốn không là đại biểu chuyên trách.

Thố lộ sự trăn trở về việc “gánh nhiều vai”, vị nghị sĩ ấy có thể đã lo lắng rằng đa số các nghị sĩ Việt Nam là các chức sắc lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở 64 tỉnh thành, nên (a) các vị này rất có thể sẽ “đá lộn sân” giữa hành pháp với lập pháp hoặc sẽ dính đến lợi ích nhóm nếu người thuộc tư pháp lại tham gia lập pháp, (b) các vị này bận lo trọng trách ở cơ quan nên ắt sẽ không toàn tâm lo việc Quốc hội, và (c) có thể các vị này không mong muốn làm Đại biểu Quốc hội do không tự ra ứng cử. Ông nghị này do đó đề xuất rằng vị nào không cáng đáng nổi thì hãy xin “từ nhiệm để cho người khác làm”. Đề xuất này rất lạ lùng vì:

1) Đại biểu Quốc hội do dân bầu lên theo Hiến Pháp và luật pháp về bầu cử Quốc hội nê không thể có việc hễ có một Đại biểu Quốc hội nào đó từ nhiệm là có người khác  vào làm Đại biểu Quốc hội thay thế.

2) Lãnh đạo các cơ quan trọng yếu của nhà nước hoặc do Chính Phủ bổ nhiệm (được Quốc hội chuẩn y) hoặc do Ủy Ban Nhân Dân bổ nhiệm (được Hội đồng Nhân dân chuẩn y) theo hiến định và pháp định, nên càng không thể có việc hễ có một vị Đại biểu Quốc hội từ bỏ chức vụ trong hệ thống hành chính công quyền (để tập trung cho công việc Đại biểu Quốc hội dù thuộc diện không chuyên trách) là có người nào đó từ ngoài vào làm chức sắc hành chính công quyền thay thế.

3) Khi trăn trở về số lượng đại biểu chuyên trách quá ít, Ông nghị sĩ dễ gây hiểu lầm rằng đại đa số Đại biểu Quốc hội toàn là kiêm nhiệm nên khó thể làm tròn trách nhiệm đại biểu dân cử trong Quốc hội. Việc gia tăng số lượng đại biểu chuyên trách là việc rất bình thường và tất yếu vì để đáp ứng yêu cầu cao của đất nước Việt Nam ngày càng phát triển cao. Chưa kể thực tế là Quốc Hội khóa nào cũng có các đại biểu chuyên trách và các ủy ban chuyên môn, song kết quả công việc không khả quan đồng bộ y như nhau, thí dụ như an ninh quốc phòng thì hiệu quả, tài chính ngân hàng thì tiến chậm, còn giáo dục thì thất bại, v.v., nghĩa là nhất thiết phải có lộ trình để gia tăng dần dần số lượng đại biểu chuyên trách do chưa thể đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc hiệu quả cao cho hình thái lý tưởng của 100% chuyên trách, chưa kể cái gọi là “nguồn nhân lực” ấy có uy tín cá nhân về đạo đức, thành quả, và hiệu suất công tác cao để được người dân bầu vào cơ quan quyền lực nhất nước này để trở thành đại biểu chuyên trách hay không. Ngoài ra,  ngân sách Nhà Nước Việt Nam chưa thể “trả lương” cho các Đại biểu Quốc hội khi 100% các vị này là “chuyên trách”.

4) Khi dùng từ “vai” trong “gánh nhiều vai”, Ông nghị sĩ đã thiếu cẩn trọng trong sử dụng ngôn từ vì vai trò rất khác với vai diễn. Trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài rình rập đánh phá bằng vũ khí truyền thông thì sự bất cẩn trong từ ngữ dùng để nói về những điều trọng đại mang tính quốc gia và quốc thể sẽ nhanh chóng được lợi dụng bởi các kẻ thù của chế độ.

5) Và cuối cùng Ông nghị sĩ đã dùng chữ “lương tâm” trong khi không thể vạch mặt chỉ tên ai hoặc những ai đang không làm được việc do “gánh nhiều vai” để người dân biết ai là Đại biểu Quốc hội không có lương tâm nên từ nhiệm.

Ở Mỹ, khi đắc cử nghị sĩ, các vị đại gia tư bản từ chức vì (a) hiến định, (b) lương nghị sĩ rất cao, (c) phục vụ lợi ích nhóm hiệu quả hơn, (d) được bố trí làm lãnh đạo cấp cao của tập đoàn nếu phải từ chức lúc đương nhiệm do “nhận trách nhiệm trước một sự cố” hoặc do “bãi nhiệm” vì bị phát hiện tích cực phục vụ lợi ích nhóm. Trò chơi chính trị ở đây là: thí dụ như Đảng của Ông Obama muốn thân mật với Việt Nam, tất dẫn đến các sự việc tuần tự trước sau như sau:

– Đảng phải chiếm nhiều ghế tại Hạ Viện hay Thượng Viện – cả hai viện càng tuyệt – để dễ dàng ủng hộ thông qua tất cả các quyết sách của Obama.

– Các ứng cử viên Quốc Hội của Đảng thi nhau lấy lòng cử tri, chẳng hạn nữ nghị sĩ X muốn thu nhiều phiếu của cộng đồng người Việt ở California sẽ luôn mồm hô hào chống Cộng sản Việt Nam, luôn miệng sủa Việt Nam vi phạm nhân quyền; còn nam nghị sĩ Y muốn thu nhiều phiếu của người Mỹ gốc Mễ sẽ đến diễn thuyết kêu gào rằng y sẽ đòi Chính Phủ Liên Bang không được trục xuất người Mễ vượt biên vào đất Mỹ.

– Các ứng cử viên của Đảng đắc cử nên phải làm hài lòng cử tri: Nữ nghị sĩ X qua Việt Nam, chẳng cần đi đến vùng sâu vùng xa làm gì mà ở hotel ngắm phố phường Hà Nội rồi về Cali tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

– Việt Nam phản ứng chiếu lệ vì Việt Nam biết trò chơi chính trị rằng phải ủng hộ Đảng của Obama, nên phải lên tiếng phàn nàn để các cử tri chống Cộng đã dồn phiếu cho Bà Nghị sĩ X hả hê khi thấy bà ấy làm được việc khiến Việt Nam mất mặt phải phát ngôn này nọ than phiền.

– Bà Nghị sĩ X trở thành người sẽ biểu quyết ủng hộ tất cả các kế sách của Obama, kể cả kế sách tiến gần hữu hảo với Việt Nam hay viện trợ này nọ cho Việt Nam, v.v.

Đó là cái zigzag của trò chơi chính trị ở Mỹ của các nghị sĩ chỉ gánh một vai.

Ở Việt Nam, điểm đặc biệt là các nghị sĩ – đa số là kiêm nhiệm tức không hưởng lương của Quốc Hội – phải vừa thực sự phục vụ nhân dân trực tiếp qua các gánh vác trách nhiệm công quyền (trừ vài vị nghị sĩ thường dân tự ứng cử), vừa gián tiếp phục vụ nhân dân qua các kỳ họp Quốc hội, tại những Ủy ban mà họ là thành viên, và ở những khoản thời gian hiến định mà họ dành cho công tác người đại biểu dân cử.

******

Báo Tuổi Trẻ đăng ý kiến của vị nghị sĩ ấy mà không để ‎ý đến những nội hàm tế nhị từ nội dung phát biểu của ông. Cái khó của báo chí là hầu như không thể kiểm tra chi li tất cả những nội dung trước khi lên khuôn, nhất là khi nội dung ấy của những vị có tiếng tăm thường hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là lý do gần đây trên Báo Tuổi Trẻ có những sai sót thí dụ như:

1) Số Tuổi Trẻ Cuối Tuần cận Tết ra ngày 19-01-2014 tại trang 11 có bài mang tựa đề Nhảy Với Sói của tác giả có cái tên Lê Nguyễn Minh, nói về cái gọi là “lợi thế ẩm thực Việt Nam” và ghi rằng Giáo sư Michael E. Porter lúc đến Việt Nam năm 2008 dự hội nghị về “cạnh tranh toàn cầu và thế mạnh Việt Nam” đã “gợi ý Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới”. Đây là điều sai hoàn toàn vì nội dung “bếp ăn của thế giới” là ở sự kiện tháng 8 năm 2007 mà diễn giả là Giáo sư Philip Kotler.

 TT2

2) Ngoài ra, cách chọn từ ngữ của Tuổi Trẻ rất không đúng khi thay vì dùng Người Việt Gốc Hoa lại dùng từ “Người Hoa”.

 ScreenShot416ScreenShot417

Những nhân vật được nói đến trong các bài báo trên của Tuổi Trẻ đều là Người Việt Nam, và họ được chính phủ giúp đỡ vì họ là Người Việt Nam, và tất nhiên họ thuộc một trong những dân tộc hoặc đa số hoặc thiểu số hoặc mới nhập tịch ở Việt Nam, mà ngôn ngữ chính thức gọi là Người Việt Gốc Hoa, Người Việt Gốc Khmer, Người Việt Gốc Pháp, Người Việt Gốc Hoa Kỳ, v.v. Trong khi Chính phủ Việt Nam ra sức yêu cầu Chính Phủ Campuchia có các biện pháp hành chính đúng đắn đối với những “người Campuchia gốc Việt” đã sống có khi đến cả đời hay nửa thế kỷ ở Campuchia không còn liên hệ huyết thống gia tộc gì với bất kỳ ai ở Việt Nam và không có bất cứ giấy tờ tùy thân hay tài liệu nào chứng minh họ trước đây là dân Việt Nam vậy mà vẫn không được Campuchia công nhận, không bao giờ được cấp giấy tờ, giấy hôn thú, giấy khai sinh, không được đi làm, không được đi học, không được hưởng bất kỳ phúc lợi nào từ đất nước Campuchia của họ, thậm chí bị đuổi xua và đối xử tàn tệ, v.v., thì báo chí viết bài giật tít “đồng bào”, “kiều bào ở Campuchia”, “người Việt ở Campuchia” , v.v. rất là tai hại.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Mai Trọng Tuấn: Ý Kiến Lạ Kỳ

Hoàng Hữu Phước, MIB

Tôi mới biết tin Mai Trọng Tuấn lại nói linh tinh về cái gọi là “xây dựng tuyến đại lộ xuyên suốt qua 3 nước Đông Dương: Việt Nam – Lào – Campuchia”, cái mà Mai Trọng Tuấn gọi là Đại Lộ Xương Sống mà nếu được thực hiện sẽ tăng sự phát triển vững mạnh về kinh tế, văn hóa và đời sống cho nhân dân 3 nước, theo kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới [1].

Trước khi phân tích cái quái gở trong ý kiến của Mai Trọng Tuấn, tôi thấy trang web của cơ quan giao thông vận tải năm 2013[2] có cho biết Mai Trọng Tuấn đã có đề xuất bỏ hết các ghế ngồi trên máy bay để chở được nhiều hành khách hơn. Tôi cho rằng rất có thể tấm lòng vì nước vì dân của Mai Trọng Tuấn đã đạt đỉnh với ý kiến của ông ta về Đường Bay Thẳng Kẻ Chỉ Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh Qua Không Phận Lào Và Campuchia (“đường bay thẳng” của Mai Trọng Tuấn là đường thẳng kẻ chỉ bằng thước kẻ tức straight line, còn đường bay thẳng của ngành hàng không là non-stop tức không đáp xuống ghé cảng nào khác trên đường bay), nghĩa là sẽ lợi biết bao cho ngành hàng không nước nhà nếu trên thực tế có đường bay thẳng như kẻ chỉ ấy và bên trong các máy bay có các dây lòng thòng trên trần giống như trên xe bus để hành khách đi máy bay đứng đu bám vào dây do máy bay không có ghế, và mỗi chuyến thay vì có 200 hành khách ngồi ghế như thiết kế của hãng chế tạo máy bay nay sẽ có 600 hành khách đứng níu dây theo thiết kế mà Mai Trọng Tuấn rất có thể đã hoặc ắt rồi sẽ đăng k‎ý tác quyền trên toàn thế giới, hình thành 3 loại hoạt động hàng không dân dụng gồm hàng không, hàng không giá rẻ, và hàng không ba gác.

Ngoài ra, cần nói thêm rằng tác giả của bài viết về “xây dựng tuyến đại lộ” ắt có lẽ đã “chơi xỏ” Mai Trọng Tuấn khi viết đó là “đề xuất táo bạo” chứ không phải vì khâm phục ông ta. Tại sao là chơi xỏ? Vì rằng:

– Ai có đủ quyền để xây dựng con đường đại lộ ấy? Tự tung tự tác tự tiện muốn xây là xây à? Xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của người ta à? Chắc Mai Trọng Tuấn có quyền này sao?

– Ai có đủ tiền để xây dựng con đường đại lộ ấy? Tự tung tự tác tự tiện muốn lấy toàn bộ ngân sách quốc gia để xây cái con đường đại lộ bá láp cho thiên hạ xài chung à? Chắc Mai Trọng Tuấn bỏ tiền túi ra xây sao?

– Ai có đủ điên để xây dựng con đường đại lộ ấy? Tự tung tự tác tự tiện xây một con đường mà chỉ có 30km nằm trên lãnh thổ Việt Nam còn 560km thuộc Lào và 410km thuộc Campuchia để làm giàu cho thiên hạ. Chắc Mai Trọng Tuấn có đủ và có dư sự điên rồ khi mồm eng éc về cái đại lộ vàng này.

Sự học hỏi là điều phải được khuyến khích. Lenin đã có câu nói tuyệt vời nhất cho toàn nhân loại từ khai thiên lập địa cho đến ngày tận thế: “Phải học. Phải học thêm. Học thêm mãi”.

Sự phát biểu là thuộc phạm trù tự do ngôn luận của nội dung nhân quyền mà Hiến pháp Việt Nam khẳng định, tôn trọng, khuyến khích.

Không học hỏi, lại vừa toa rập với một tên tiến sĩ giả danh để thổi phồng một ý kiến dở hơi về “đường bay vàng” vừa bù lu bù loa đòi chính phủ phải tiến hành đo đạc kiểm chứng công khai (trong khi nguyên tắc hàn lâm toàn thế giới là ai đặt vấn đề phải tự tiến hành nghiên cứu, chứng minh, hoàn thành báo cáo theo đúng quy trình hàn lâm theo quy tắc thực hành tốt best practice của hoạt động đặt vấn đề) thì không bao giờ là việc được ngợi ca, được khuyến khích, được tôn trọng, và được cho rằng tuân thủ nghiêm túc lời phán của Lenin.

Nêu vấn đề linh tinh bằng biện pháp linh tinh, lại phát biểu ra vẻ như bản thân bị xử ép và bị chính phủ phủ nhận đại công thì đâu phải là thực thi quyền tự do ngôn luận mà đang lợi dụng tự do ngôn luận để xúc xiểm chính phủ.

Khi nêu vấn đề mang tính “quốc kế” nhất thiết phải có cái trí, cái tâm, cái tầm. Cả ba hòa quyện vào nhau thành một, nghĩa là phải luôn có tính đến giá trị thực tế của kinh tế – chính trị – an ninh – quốc phòng vì không bao giờ có cái kinh tế đứng lơ lửng lòng thòng giữa không trung như cái đai tòong teeng trên trần xe bus (và trần máy bay của phi công Mai Trọng Tuấn). Trong bài viết sau [3] trên mạng Emotino.com năm 2010 (vào thời điểm có tranh luận nóng tại Quốc Hội Khóa XII về đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam) tôi đã nêu trước 4 việc (a) phải xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, (b) mua sắm vũ khí của Hoa Kỳ, (c) đối phó với Trung Quốc bá quyền, và (d) nguy cơ của các tuyến đường bộ cao tốc đối với an ninh quốc phòng. Nay xin đăng lại một phần để các bạn đọc tham khảo:

Công Chúa Bà Cố Nội Đi Tắt Đón Đầu Đường Sắt Cao Tốc Việt Nam

Nói Thật Của Thạc Sĩ Hoàng Hữu Phước

1- Công Chúa Bà Cố Nội Đi Tắt Đón Đầu: Vấn Nạn Ví Von Đẳng Cấp Thấp

Do bộ môn ngôn ngữ học Tiếng Việt chủ yếu dựa trên các đề mục quen thuộc (như danh từ, tính từ, v.v.) và cao cấp nhưng cực kỳ dễ dàng (như từ vựng học, từ vựng ngữ nghĩa học) của hệ thống văn phạm tiếng nước ngoài, trong khi tránh né sự phân định rạch ròi giữa ngôn ngữ trang nhã học thuật formal và bình dân informal nên yếu điểm thường gặp của rất nhiều người Việt là sử dụng ngôn từ không phù hợp trong văn bản chính quy, phát biểu chính thức, và không còn khả năng phân biệt formalinformal trong sử dụng các ví von khiến các ví dụ không tương thích, bất tương hợp, chẳng ai còn quan tâm đến ngữ cảnh, ngữ nghĩa, đẳng cấp và chất lượng ngôn từ.

Để ủng hộ dự án Tuyến Đướng Sắt Cao Tốc Việt Nam (gọi tắt là TĐSCTVN) có Đại Biểu Quốc Hội ví von rằng đường sắt cao tốc chạy xuyên suốt các tỉnh nhất là Miền Trung nghèo khó sẽ đánh thức các nàng công chúa còn say ngủ, giúp vực dậy nền kinh tế các địa phương này – một kiểu ví von dân dã, non nớt, đầy khinh xuất, có thể dễ dàng dẫn đến các phản bác sau:

– Theo các báo cáo tổng kết hàng năm, tỉnh thành nào cũng có các thành tựu kinh tế, có các thị trấn và các tòa nhà hành chính công quyền nguy nga, được các lãnh đạo Đảng và Chính Phủ đến thăm và chỉ đạo thực hiện các kế sách phát triển kinh tế trong suốt 35 năm qua. Vậy “tiềm lực” nào là nàng công chúa vẫn còn “say ngủ” để được đánh thức? Bộ óc lãnh đạo các địa phương phải chăng vẫn còn bó tay không biết tiềm lực đó là gì, không biết phải làm sao để đánh thức tiềm lực đó, đến độ phải nhờ tiếng động ồn ào của xe lửa cao tốc chạy ào qua địa phương mình để đánh thức các ả công chúa đang sống đời thực vật đó hay sao?

–  Nếu công chúa đang ngủ say đó tên là Du Lịch, e rằng đó là ý kiến quá đỗi thơ ngây và bình dân, chưa kể nó không những xúc phạm đến các đại công ty du lịch từ trung ương đến địa phương – vì lẽ nào 35 năm qua họ vẫn còn bỏ sót, chưa khai thác hết cái đẹp của non sông gấm vóc để đưa lên bản đồ du lịch thế giới – mà lại còn đụng chạm đến những khách hàng tương lai của Dự Án TĐSCTVN, những người bỏ tiền nhiều ra không phải để tàu cao tốc lâu lâu lại dừng ở mỗi địa phương nó “vù” qua, để dân địa phương ào lên, đu theo bán nước suối ướp lạnh, bắp luộc, bánh tráng phơi sương, kẹo chewinggum, v.v. – đó là chưa kể tuyến cao tốc này phải ở cung đường riêng biệt, không bao giờ “ào ạt” chạy xuyên qua nội đô các tỉnh thành để “phát triển kinh tế địa phương”.

– Nơi nào còn có các công chúa đang ngủ say, nơi đó nên lấy đó làm mừng, vì phát triển du lịch vươn đến đâu, sự tàn tạ thiên nhiên đổ ập đến đó. Hãy để các nàng công chúa mang các tên Việt Nam như Nguyễn Thị Du Lịch, Trần Thị Khoáng Sản, hay Lý Thị Lâm Viên được an giấc ngàn thu để con cháu Việt Nam mai sau không mất trắng cảnh quang thiên cổ, đồng thời tránh xa các công chúa lai (vợ của các Hoàng Tử Lai kiểu Harry Potter) như Hoang Thi Golf  và  Le Thi Casino để con cháu Việt Nam hiện nay không bị tước bỏ đất sống, còn tinh thần thì băng hoại.

– Điều cuối cùng song không kém phần quan trọng là ngay cả trong truyện cổ tích, nàng công chúa ngủ giấc vài trăm năm, khi được tên hoàng tử đáng tuổi thằng cháu chắt chít chụt chịt hôn chùn chụt để sống lại, liệu cuộc hôn nhân giữa hai người có tuổi tác cách những ngàn thu ấy có phù hợp chăng, liệu nàng công chúa ấy có thích nghi trước cái mới đầy xa lạ và quái gở đối với nàng không (theo tài liệu về giới qu‎ý tộc Phương Tây thời Trung Cổ thì họ rất ít khi tắm gội, xem “ghét” ở các kẽ tay chân là dấu hiệu có phân bón cho cơ thể khỏe mạnh, còn công chúa thì mặc áo nhiều lớp, cột dây chằng chéo phức tạp, muốn “động phòng” luôn phải có cả tá cung nữ phục dịch giúp cởi bỏ xiêm y trong những vài chục phút khiến phò mã ngủ khò), liệu hơi thở của nàng do nhiều trăm năm không đánh răng và mình đầy bụi bặm có gây ô nhiễm cho cư dân hiện đại không, và nhất là nàng có thực sự muốn bị đánh thức không? Cần lưu ý rằng trong Thánh Kinh Cựu Ước (Genesis 19) có ghi các thiên thần bay vào thị trấn Sodom và Gomorrah giết sạch nam phụ lão ấu, vậy ai chắc rằng nàng công chúa đẹp tựa thiên thần lạ hoắc đang ngủ mê man trong rừng ấy không là ác phụ, và nếu mụ ác tiên của vài thế kỷ trước đã để lại bùa chú cùng phép thuật lại cho nàng, thì khi bị đánh thức, nàng ý có sẽ như Medusa của thần thoại Cổ La-Hy hay như nhân vật trong phim Xác Ướp Ai Cập giết chóc tưng bừng, gây họa cho nhân dân?

Đánh thức Công Chúa Bà Cố Nội đang yên giấc ngàn thu, lột trần cởi truồng Công Chúa Bà Cố Nội cho lõa lồ – mà tiếng Việt cớt nhã không nghiêm túc gọi là “nuy” – dưới tên gọi khai thác tiềm năng là điều báng bổ thiên nhiên, lại còn lạm dụng ý nghĩa của đi tắt đón đầu, e rằng ý tứ dù cho có thật sự vì nước vì dân và xứng tầm quốc sách vĩ đại cũng bị làm hoen ố bởi kiểu cách phát biểu ví von không nghiêm túc của mấy vị Đại biểu Quốc hội đang hứng chí ăn chơi đó.

2- Chính Danh Hai Tiếng Nhu Cầu

Một l‎ý do viện dẫn khác để ủng hộ đầu tư vào Dự Án TĐSCTVN là nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế, v.v. và v.v. Song, không phải cứ đó là nhu cầu là phải “vì dân” mà đáp ứng, thậm chí 90 triệu người dân Việt có biểu quyết phải xây cho bằng được TĐSCTVN cũng không có nghĩa là Chính Phủ phải răm rắp tuân theo. Ở một đất nước đất hẹp, dân đông, việc phí phạm đất đai để dành riêng cho TĐSCTVN là điều khó thể gọi là chính đáng. Ngoài các nhu cầu vật chất như điện-đầy-đủ, nước-sạch-lành, đường-thông-thoáng, gường-bệnh-dư, thuốc-men-tốt, v.v., còn có các nhu cầu phi-vật-chất như luật-nghiêm-minh, công-chức-hầu-dân, v.v., mà tất cả đều vẫn còn là những nhu cầu trong mơ, thì việc làm ngơ không tập trung đáp ứng các nguyện vọng chính đáng hiện có này của dân, trong khi tập trung lo cho 5 hay 10 năm nữa con cháu Việt Nam có TĐSCTVN để – như lời một đại biểu quốc hội đã mạnh mồm phát biểu – “sáng ăn cơm Hà Nội, chiều ăn cơm Sài Gòn” là việc thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm, đáng thương hại, và thiếu cả văn hóa văn minh.

3- Chính Danh Hai Từ Góp Ý

Cái chứng bệnh “Thiếu Formal” (người viết bài này xin tạm sáng tạo ra từ “y học” là …Hypoformalremia tức … Crucial Formal-Lingual Deficiancy Syndrome, hay… Hội Chứng Khiếm Khuyết Nghiêm Trọng Ngôn Ngữ Formal) không những được thể hiện nơi cách dùng từ và kiểu ví von của vài đại biểu quốc hội mà còn nhan nhản ở các mục “góp ý” trên diễn đàn online, nơi có những kẻ chưa bao giờ nhìn thấy bậc thềm của cung điện hàn lâm lại gọi Bà Phạm Chi Lan là “bà già” nên “rụt rè”, không dám ủng hộ dự án TĐSCTVN. Góp ý hô hào ủng hộ việc vung tay vay mượn gánh nặng nợ nần cho một công trình đang không thiết thực khi Việt Nam đang chưa giàu, vẫn sẽ không thiết thực khi Việt Nam đã giàu, thậm chí không bao giờ thiết thực ngay cả lúc Việt Nam nằm trong danh sách đại siêu cường quốc, trong khi bản thân người góp ý chưa chắc đã thuộc hàng ngũ những người dân có đóng thuế thu nhập cá nhân, chỉ cho thấy một dự án lớn đang có nguy cơ chỉ được ủng hộ bởi một số rất ít những người có đầy đủ trình độ tư duy đúng đắn có tầm nhìn đúng, đủ, đầy, và đạt.

4- Quốc Nạn Dân Trí: Mất Độc Lập, Mất Tự Do, Mất Dân Chủ

Từ cách viện dẫn những con số có được từ các nước khác để minh chứng hùng hồn cho sự thành công sau này của Dự Án TĐSCTVN, chúng ta thấy trí hóa của những người đại diện cho cử tri đã không có sự độc lập, tự do, và dân chủ. Những con số của các nước sở dĩ có được nhờ nhiều yếu tố của Thiên, Địa và Nhân. Họ có bị thù trong, giặc ngoài bủa vây tứ phía như Việt Nam không? Người dân của họ tận tụy, lao động tích cực, lao động hiệu quả, trình độ chuyên môn cao đúng yêu cầu, triệt để tuân thủ luật pháp, có cách hành sử thích hợp văn minh cao nơi công cộng, và thậm chí như người Nhật một lòng một dạ thắt lưng buộc bụng răm rắp tuân theo yêu cầu của Chính phủ ngay cả khi Chính phủ không được chứng minh là đúng. Người Việt Nam có được tất cả những đức tính cùng các điều kiện cần và đủ tương thích cho một môi trường văn minh cao, hiện đại cao, kỹ thuật cao, kỹ luật cao như thế chưa – đó là câu hỏi mà câu trả lời sẽ không bao giờ được nghe thấy do tính tế nhị và lịch sự đầy e ngại và run sợ của vấn đề. Một dự án cỏn con như tuyến cao tốc Trung Lương hay Cầu Cần Thơ còn bị nơi thì dân vô tư gở bỏ rào sắt chắn hai bên, nơi tự do xả rác vấy bẩn ngay từ ngày đầu khánh thành, thì liệu TĐSCTVN xuyên suốt Việt Nam ấy có sẽ bị những người dân có trí hóa chưa cao gở bỏ các thanh ray lấy đi các đinh ốc mà họ tin là được làm bằng kim loại quý hiếm rồi gây ra thảm họa tồi tệ nhất hành tinh hay không, trong khi các chuyến xe hỏa bình thường vẫn bị dân hai bên đường quốc lộ ném đá vỡ kính cửa sổ thường xuyên? Một dự án lớn như TĐSCTVN khó thể được xây dựng như một ưu tiên đặt trên cả việc đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất khác và nhất là xây dựng con người Việt Nam phù hợp. Sử dụng quyền dân chủ để tự do nêu các ý kiến chưa chắc của đa số cử tri lại dựa dẫm hoàn toàn vào số liệu vô hồn của nước ngoài thay vì nghiên cứu dày công trong nhiều ngày tháng với kết quả cụ thể được in ấn chỉnh chu thay vì cầm đôi ba tờ giấy đọc thì sao mà độc lập, khi dự án là gánh nặng thực sự của hiện tại và tương lai, có hiệu quả kinh tế mơ hồ trong tương lai, chỉ có hiệu quả thỏa mãn tâm l‎ý trong hiện tại, và không có trách nhiệm cả cá nhân và tập thể rõ nét với tương lai, e rằng đang hủy phá ý nghĩa cao vời của độc lập, tự do, và dân chủ trong tư duy nghiêm túc.

Kết Luận: Vì Dân & Vì Trí

Trong khái niệm vì dân, việc đầu tư cho TĐSCTVN là hoàn toàn đúng đắn; song, chỉ khi người dân Việt còn tồn tại thì việc đầu tư ấy mới có ý nghĩa. Và để bảo vệ hậu duệ Việt Nam được tồn tại, mọi sự đầu tư nên ưu tiên dồn cho an ninh quốc phòng, hiện đại hóa quân đội và xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh. Các khoản vay lớn mà người dân Việt có thể nhất trí cho con cháu ngày sau gánh nợ nên là các khoản vay dành cho hiện đại hóa quân đội, thậm chí ngay cả khi các khoản ấy từ Hoa Kỳ hay bất kỳ cường quốc nào – trừ Trung Quốc – và cho việc mua sắm khí tài quân sự của Hoa Kỳ hay bất kỳ cường quốc nào – trừ Trung Quốc. Đó mới chính là vì dân.

Còn khi trí được đưa ra làm nền tảng cho mọi kế sách, tất cả các tuyến cao tốc đều nên được loại trừ vĩnh viễn khỏi tất cả các kế sách quốc gia của Việt Nam, vì rằng đối với một đất nước triền miên đối phó với nguy cơ gây hấn từ một Trung Quốc bá quyền, việc thiết lập các tuyến cao tốc – kể cả đường bộ – đều cực kỳ nguy hiểm trường hợp có xảy ra xung đột vũ trang, như trường hợp Quốc Xã Hitler đã xua quân thần tốc chiếm các nước Châu Âu nhờ có các tuyến giao thông huyết mạch cao tốc đầy khoa học và thuận tiện của các quốc gia giàu có này. Chưa kể ngay cả khi có “dân trí cao” mà chưa có luật lệ hà khắc đối với vệ sinh dịch tể, an toàn y tế, thì TĐSCTVN sẽ chính là phương tiện giúp lây lan dịch bệnh trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong vòng võn vẹn vài tiếng đồng hồ. Sự đe dọa an ninh còn phải tính trong cả trường hợp hành khách đi xe lửa của TĐSCTVN không bị kiểm tra khám xét gắt gao về giấy tờ và hành lý như đối với phương tiện máy bay của ngành hàng không, nên không loại trừ sự tận dụng của bọn phá hoại hay bọn khủng bố. Chỉ cần trí để nhìn vấn đề thật toàn cục, người ta dễ dàng nhận ra rằng cái Việt Nam cần để có TĐSCTVN không phải là tiền mà là dân trí. Chưa có dân trí cực cao đồng bộ, chưa thể động đến những vấn đề kỹ thuật cao nào có tính xuyên suốt lãnh thổ quốc gia một cách vật chất cụ thể được (materially materialized throughout the country).

Luôn định vị được quốc gia đang ở đâu trên bản đồ an toàn an ninh quốc phòng, không pha loãng với hoặc lẫn lộn với an toàn an ninh chính trị cùng an ninh kinh tế, chúng ta mới nhận ra được con đường đúng nhất phục vụ cho an ninh kinh tế trên nền an ninh chính trị, vốn thuộc các phạm trù hoàn toàn khác với an ninh quốc phòng.

*********

Quốc hội Việt Nam đang cố gắng phân bổ ngân sách để xây dựng Đường Tuần Tra Biên Giới suốt chiều dài đất nước, con đường mà ngay Canada là đất nước có địa hình thuộc loại phức tạp nhất thế giới với vô số uốn khúc, ghềnh thác, sông ngòi, núi cao, vực sâu, cực kỳ kinh khủng và hiểm trở vẫn xây dựng đường tuần tra biến giới để thường xuyên cảnh giới và cảnh giác với nước bạn đồng minh hữu hảo Hoa Kỳ.

Phát biểu vô tư vô tâm về đại lộ vàng, phải chăng Mai Trọng Tuấn là con ngựa thành Troy ước ao có được con đường ấy để Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương từ kẻ thù bên kia biên giới, hoặc phải chăng Mai Trọng Tuấn vẫn mãi là đứa trẻ tửng tửng teen-teen [4]?

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú:

[1] Nguyễn Quỳnh. 29-9-2014. Tác Giả Đường Bay Thẳng Đề Xuất Làm Đại Lộ Nối 3 Nước Đông Dương.  http://vov.vn/kinh-te/tac-gia-duong-bay-thang-de-xuat-lam-dai-lo-noi-3-nuoc-dong-duong-354711.vov

[2] Thanh Thúy–Phú Thanh. 12-9-2013. Những Đề Xuất Lạ Đời Của Ông Mai Trọng Tuấn. http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/dien-dan/201309/nhung-de-xuat-la-doi-cua-ong-mai-trong-tuan-341259/

[3] Hoàng Hữu Phước. 12-6-2010. Công Chúa Bà Cố Nội Đi Tắt Đón Đầu Đường Sắt Cao Tốc Việt Nam. http://www.emotino.com/bai-viet/18663/cong-chua-ba-co-noi-di-tat-don-dau-duong-sat-cao-toc-viet-nam. Trang mạng emotino.com đã ngưng hoạt động từ Qu‎ý II năm 2014. Trích đoạn trong bài này là toàn bộ thân bài và một phần của kết luận.

[4] Hoàng Hữu Phước. 06-10-2014. Tuổi Teen Không Bao Giờ Có Thật. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/10/06/tuoi-teen-khong-bao-gio-co-that/

Bọn Xin Đểu Cổ Cồn Trắng

Mạo Uy Danh Quốc Hội

Hoàng Hữu Phước, MIB

 ggg

Trong bài Thực Quyền Và Thực Uy [1] tôi đã đặt vấn đề thực chất của thực quyền và thực uy mà một nghị sĩ Quốc hội Việt Nam bắt buộc phải có theo Hiến định “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, phải được Quốc Hội trao để nghị sĩ phải có, và phải do chính nghị sĩ ra tay tích cực dành lấy, tích cực tạo nên, tích cực đấu tranh sống còn để phải có cho bằng được để hành sử quyền uy của nghị sĩ đối với các quyền năng tín thác hiến định. Điều này đồng nghĩa với việc các động thái, hành vi, hành động ngụy tạo thông tin, tự tung tự tác sử dụng thông tin rác, qua các phương tiện chính quy chính thức của các cơ quan nhà nước hay tư nhân của giới báo chí – truyền thông để trực tiếp hay gián tiếp chống lại hoặc trực tiếp hay gián tiếp quấy rầy cá nhân một nghị sĩ phải bị trừng trị ở mức độ cao nhất của luật pháp.

Mới đây tôi bị quấy rầy bởi một tên ăn mày xin đểu cổ cồn trắng. Đặc điểm của “cổ cồn trắng” là có tên cơ quan và có văn bản dù chưa xác định văn bản ấy là giả hay thật; song, trước khi nói đến cái giả-như-thật ấy, tôi xin đăng nguyên văn bức thư sau mà nội dung sẽ tự giải thích sự việc liên quan đến một tên ăn mày không rõ màu sắc của cổ cồn:

*********

Ngày 19-01-2013

Kính gởi Chủ Nhiệm Ủy Ban Về Các Vấn Đề Xã Hội Của Quốc Hội

Đồng kính gởi: Chủ Tịch Quốc Hội

Trưởng Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tp Hồ Chí Minh

Tổ Đại biểu Số 1

Đồng chuyển đến: Cô Lại Thu Trúc, Công ty Doanh Thương Mỹ Á

Kính thưa Ban Chủ Nhiệm:

Tôi ký tên dưới đây là Hoàng Hữu Phước, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, kính lời chào trân trọng đến ban Chủ Nhiệm và kính phản ảnh nội dung sau:

Nguyên vào lúc 11g56 ngày 15-01-2013 tôi có nhận cuộc gọi từ số điện thoại 0913948822 của người tự xung là ở Quốc hội gọi đến để đề nghị tôi đóng góp ủng hộ chương trình từ thiện của Quốc hội. tôi có trả lời là tôi sẽ trình xin ý kiến của Hội Đồng Quản Trị Công Ty rồi sẽ trả lời sau.

Vào lúc 15g18 ngày Thứ Sáu 18-01-2013, tôi nhận được tin nhắn sau cũng từ số phone trên vào phone của tôi với nội dung:

 ScreenShot558

Tôi có trả lời ngay bằng tin nhắn là rất tiếc không hỗ trợ được vì không được sự cho phép của Hội đồng Quản trị Công ty. Sáng nay, lúc 08g40 Thứ Bảy 19-01-2013, tôi nhận được tin nhắn sau cũng từ số điện thoại trên với nội dung sau:

 ScreenShot560

Với sự trân trọng Ủy Ban, tôi có trả lời ngay bằng tin nhắn rằng do là công ty cổ phần nên mọi thứ phải xin ý kiến của Hội đồng Quản trị chứ không như công ty trách nhiệm hữu hạn.  Nhưng người tự xưng là của Ủy Ban này lại “đốp chát” với nội dung sau qua tin nhắn gởi từ cùng số điện thoại lúc 09g18 ngày Thứ Bảy 19-01-2013:

 ScreenShot561

Sau khi nhận tin nhắn trên, tôi quyết định không gởi thêm bất kỳ câu trả lời nào khác, và thay vào đó viết thư này kính gởi Ban Chủ Nhiệm.

Tôi kính đề nghị Ban Chủ Nhiệm

1) Cho kiểm tra xem có thật là Ủy Ban đang có một nhân viên tên Nam đang sử dụng điện thoại số 0913948822 hay không. Nếu đúng đây là người của Ủy ban, tôi kính mong hoặc Ủy Ban có biện pháp xử lý thích hợp theo đúng tinh thần nghị quyết TW4 để những công chức thiếu phẩm chức đạo đức như vậy không có thêm cơ hội nhũng nhiễu các doanh nghiệp khác tạo dư luận rất xấu trong cộng đồng doanh nghiệp đối với hệ thống công chức. Ngoài ra, tôi yêu cầu người tên Nam này cần phải có lời xin lỗi chính thức bằng văn bản đến tôi vì đã có thái độ giao tiếp kiểu bất nhã với tôi.

2) Nếu hắn ta là kẻ giả mạo, tôi kính đề nghị Ban Chủ Nhiệm hoặc trực tiếp báo cho cơ quan an ninh điều tra làm rõ, hoặc cho ý kiến để tôi thực hiện việc này. Tôi đồng thời sẽ nêu vụ việc lừa bịp này lên blog để cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và để giữ gìn uy tín của Ủy Ban Về Các Vấn Đề Xã Hội Của Quốc Hội.

Xin nói thêm là theo báo cáo của Cô Lại Thu Trúc, nhân viên ở công ty tôi, thì từ khi tôi trở thành Đại Biểu Quốc Hội Cô cũng đã nhận được điện thoại của một số người tự xưng là người của các Cơ Quan Nhà Nước, Quốc Hội, yêu cầu chúng tôi hỗ trợ kinh phí tổ chức ca hát từ thiện hoặc tổ chức lễ hội, v.v.

Kèm theo email này, tôi kính gởi kèm bản Word Document có ảnh chụp nội dung các tin nhắn hiện trên màn ảnh điện thoại của tôi để làm bằng chứng.

Kính biết ơn sự giúp đỡ của Ban Chủ Nhiệm.

Trân trọng,

Hoàng Hữu Phước

Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh

Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Khóa XIII

*********

Tôi đã nhận được thư trả lời của Bà Trương Thị Mai khẳng định cơ quan không có ai tên như vậy, sử dụng số điện thoại như vậy, và nhất là cơ quan không có cái chương trình như vậy; đồng thời đề nghị tôi báo cho bên an ninh.

Rút kinh nghiệm từ sự việc trên, tôi biết tôi phải làm gi khi nhận được sự tiếp cận kiểu mất dạy như của tên tự xưng là Nam ở trên: không báo cho cơ quan bị nêu danh mà đưa ngay cảnh báo lên blog rồi yêu cầu nhân viên của tôi gởi đường link đến bất kỳ cơ quan nào mà nhân viên ấy nghĩ là thích hợp.

Trở về sự việc “mới nhất”, tôi vừa nhận được các văn bản in trên giấy có màu sắc rất đồng bóng teen teen tửng tửng [2] mà do tôi là người yêu ngôn ngữ formal tức trang trọng hàn lâm, luôn thể hiện phong cách trang trọng hàn lâm nên ngay khi nhận được tôi đã định cho ngay vào nơi cùng đẳng cấp với nó là cái sọt rác. Nhưng do luôn lấy cái lợi ích chung làm trọng, tôi buộc phải giữ lại để cảnh báo các doanh nghiệp để ngay khi nhận được các thư mời gọi tương tự có danh “Quốc hội”, xin hãy lập tức chuyển đến tôi qua đường bưu điện (đến Văn Phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, số  2bis Lê Duẩn, Thành phố Hồ Chí Minh):

 Scan10017Scan10016Scan10018

Chưa kể kẻ tên Khải có tên nêu trong các trang màu hồng trên đã liên tục quấy rầy tôi và nhân viên của tôi bằng cách gọi điện và gởi tin nhắn liên tục với số điện thoại của y là 0906254998 mỗi khi nhận được trả lời lịch sự từ chối của chúng tôi – xin lưu ý bọn xin đểu này luôn xem tiền của người khác như rác rất dễ xuất chi bố thí cho chúng ắt do thói quen bươi bới ở đống rác là thấy ngay rác vậy:

 OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Tôi khẳng định: các cơ quan của Quốc Hội không bao giờ đi xin tiền các doanh nghiệp.

Tôi khẳng định Thường Vụ Quốc Hội không bao giờ có “kế hoạch” in lịch tặng mỗi nghị sĩ 10 quyển cũng như không bao giờ để bị nhân dân đàm tiếu về sự hoang phí nhất là hoang phí trên cơ sở đi ăn xin hoặc gây áp lực buộc doanh nghiệp phải đóng góp.

Tôi khẳng định cơ quan hay doanh nghiệp – dù nhà nước, quốc doanh, hay tư nhân) không bao giờ tự bôi tro trát trấu vào mặt mình qua việc sử dụng những tên “cò mồi ăn hoa hồng” đẳng cấp thấp như anh chàng xưng tên Khải trong công văn nêu trên vì nếu sử dụng đám “ăn mày cổ cồn trắng xin đểu giống bọn lưu manh” sẽ trở thành cơ quan/doanh nghiệp thuộc hạng vất đi.

Hãy biết kinh sợ và kính sợ quyền uy của Nghị sĩ Việt Nam. Không có quyền uy ấy, Nghị sĩ chỉ là kẻ bất tài vô dụng, không bảo vệ được đất nước, bảo vệ được nhân dân, và bảo vệ được chế độ – mà tất cả đồng nghĩa với việc bảo vệ chân lý và công lý.

Hoàng Hữu Phước, Nghị sĩ Quốc hội Việt Nam Khóa XIII

Ghi chú:

[1] Hoàng Hữu Phước. 26-11-2013. Về Thực Quyền, Thực Uy. Báo Đại Biểu Nhân Dân, số ra ngày 26-11-2013, trang 3 và trên trang điện tử http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=299444 , hoặc tại https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2013/11/26/ve-thuc-quyen-thuc-uy-2/ hay http://hhphuoc.blog.com/?p=257

[2] Hoàng Hữu Phước. 06-10-2014. Tuổi Teen Không Bao Giờ Có Thật – Nhìn Ngón Chân Cái. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/10/06/tuoi-teen-khong-bao-gio-co-that/

Thơ Cùng Bạn Hữu Trên Không Gian Mạng

Hoàng Hữu Phước, MIB

Bài “Thơ Ca và Tâm Thế Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp[1] tôi viết trên Emotino có dẫn chứng nhiều ví dụ từ kinh nghiệm của tôi qua nhiều công việc lãnh đạo tại các công ty khác nhau. Nay nhân bài viết mới đây [2] có nhắc đến Luật sư Vũ Ngọc Dũng, CEO của Bắc Việt Luật, tôi nhớ đến có lần tôi đã xướng họa thơ ca với vị luật sư này, dù thực ra cho đến tận hôm nay tôi vẫn chưa từng gặp mặt vị ấy để bắt tay, trò chuyện, bên chén rượu, chung trà.

Tôi xin lập lại dưới đây nội dung những trao đổi giữa chúng tôi với nhau trên Emotino; đặc biệt, nếu bài thơ của Luật sư Vũ Ngọc Dũng [3] tặng tôi đã khơi nguồn cảm hứng cho tôi họa lại bằng một bài thơ khác cùng tên [4], thì bài thơ này của tôi lại tạo nguồn sáng tạo cho viên trợ l‎ý của tôi là Cô Lại Thu Trúc viết nên một bài thơ khác cũng có cùng tên [5] như một chuỗi cảm tác dây chuyền, để tặng các bạn trong thế giới mạng..

 Vu Ngoc DungHoang Huu PhuocLai Thu TrucLai Thu Truc (2)1 VND

Poem HHPPOEM HHP (2)

2 LTT

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tê

Ghi chú:

[1]   Hoàng Hữu Phước. 11-4-2012. Thơ Ca và Tâm Thế Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp. Emotino hiện đã đóng cửa trong Qu‎ý II năm 2014. Bài viết này vẫn còn đang được lưu tại  http://hoanghuuphuocvietnam.blog.com/2012/04/11/th%C6%A1-ca-va-tam-th%E1%BA%BF-nha-lanh-d%E1%BA%A1o-doanh-nghi%E1%BB%87p/

[2]  Hoàng Hữu Phước. 24-9-2014. Tôi Và Các Luật Sư. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/09/24/toi-va-cac-luat-su/

[3]  Vũ Ngọc Dũng. 11-5-2012. Chân Và Đá. http://www.emotino.com/bai-viet/19597/bai-tho-chan-va-da. Trang Emotino hiện đã đóng cửa trong Qu‎ý II năm 2014. .

[4]  Hoàng Hữu Phước. 29-5-2012. Nhân Đọc Bài Thơ Chân Và Đá Của Luật Sư Vũ Ngọc Dũng. http://www.emotino.com/bai-viet/19612/nhan-doc-bai-tho-chan-va-da-cua-luat-su-vu-ngoc-dung. Trang Emotino hiện đã đóng cửa trong Qu‎ý II năm 2014.

[5]  Lại Thu Trúc. 03-6-2012. Nhân Đọc Bài Thơ Chân Và Đá Của Ông Hoàng Hữu Phước. http://www.emotino.com/bai-viet/19613/nhan-doc-tho-chanda-cua-ong-hoang-huu-phuoc. Trang Emotino hiện đã đóng cửa trong Qu‎ý II năm 2014.

Đứng Trên Đỉnh Núi

Hoàng Hữu Phước, MIB

 P1a

Khi có tin tôi tự ra ứng cử Quốc hội năm 2011 và đắc cử (tiếng Việt sau 1975 gọi là “trúng cử”), Tổng Giám Đốc của Công ty Win-Win có viết một bài chúc mừng tôi trên trang mạng Emotino.com, nói rằng tôi “đứng trên đỉnh núi”. Người khác mà đọc bài ấy rất có thể cho rằng vị CEO ấy ám chỉ tôi đã trở thành thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ khác. Sự sâu sắc về ý nghĩa của việc đứng trên đỉnh núi hàm chứa ẩn ý của sự cô đơn đối mặt với cuồng phong lạnh giá quất rát mặt thịt da, ánh nắng gắt gay uốn xoắn cong queo từng lọn tóc, chân trần rách toát trên đá sắc trợt phủ rêu phong, lòng bỏ lại sau lưng những gì còn dang dở dưới triền núi thấp. Tất nhiên, đó chỉ là điều tôi nghĩ đến trong lúc thư nhàn, chứ thật tình thì ngay khi đọc nhóm từ đứng trên đỉnh núi, tôi chỉ nhớ đến Không Lộ Thiền Sư và đã viết ngay bài sau để đăng lên Emotino với cảm hứng thơ ca kính đáp tặng người đã có lòng tốt chúc mừng:

*********

Hoàng Hữu Phước, MIB

Emotino 04-6-2011

Có hai hình ảnh “đứng trên đỉnh núi” đã để lại trong tôi hai cảm nhận đối nghịch nhau: một tích cực, và một ở về phía ngược lại.

Với Không Lộ Thiền Sư, đứng trên đỉnh núi hét lên một tiếng làm lạnh cả bầu trời, lại là một lời hùng tráng, thâm thúy, ung dung tự tại, trong bài kệ Ngôn Hoài:

Trạch đắc long xà địa khả cư,

Dã tình chung nhật lạc vô dư.

Hữu thời trực thướng cô phong đảnh,

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Bản dịch của Thục Điểu Ngô Tất Tố:

   Lựa nơi rồng rắn đất ưa người,

    Cả buổi tình quê những mảng vui.

    Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm,

    Một hơi sáo miệng, lạnh bầu trời.

Bản dịch của Lăng Tần Hoàng Hữu Phước:

    Địa rắn thế rồng cuộc bình an

    Thiên nhiên tận hưởng thú thế gian.

    Đỉnh núi xông pha mình cô lẻ,

    Thét vang trời đất hóa băng hàn.

Còn với một nhà sư khác tại Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm trước ông đã hào hứng kể tôi nghe kế hoạch vĩ đại của ông đối với ngôi chùa ông đang trụ trì, và tổng chi phí khổng lồ dự kiến dành cho dự án kiến trúc đồ sộ ấy. Ông nói rằng sẽ cho phá chùa và xây lại theo bản vẽ ông chìa ra cho tôi xem, đó là một kiến trúc kỳ quái giống núi non hiểm trở. Ông nói ông sẽ mỗi ngày lên đứng trên đỉnh núi đó – tức tầng cao nhất của chùa – và sẽ thành một vị tiên, đơn giản vì núi là sơn, người là nhân, mà theo chữ Hán thì chữ nhân viết đè phía trên chữ sơn thành chữ tiên. Tôi ngậm ngùi ra về, không quay lại hào phóng tài trợ cho công trình thần tiên ấy. Sau đó vài năm, khi trở lại tôi thấy ngôi chùa giản dị thanh thoát ngày xưa đã thành một kiến trúc kỳ quái với đầy núi non xám xịt xi măng bê tông cốt thép, lắm hang động xịt xám cốt thép bê tông, lởm chởm thạch nhủ, nhiều tượng thần tiên và linh thú to lớn bằng cốt sắt xi măng sơn nhiều màu sắc rực rỡ chói chang đồng bóng như các cánh buồm của những con thuyền nơi Thung Lũng Tình Yêu hay Hồ Than Thở ở Đà Lạt, lối đi chật chội tối đen, ẩm ướt, ẩm thấp, bốc mùi ẩm mốc, v.v. Tôi băn khoăn không rõ nhânngười, nhân không phải là nhà sư, và người tu hành ắt phải ở cấp vượt lên cao hơn người, thì liệu nhà sư đứng trên đỉnh núi hoặc cái người-cao-hơn-người mà đứng trên núi, thì có được thành tiên chăng, hay lại thành cái gì khác, chẳng hạn như đại tiên ngang hàng với Thiên Sứ Tổng Quản Thiên Thần, tức cái vị cưỡi ngựa đâm trường thương vào quái thú rồng trong các bức tranh của các họa sĩ tài danh tôn giáo thời Phục Hưng, hay là ngang hàng với thiên thần ác quỷ gọi tắt là thiên quỷ hay ác thần giống trong phim Legion từng được chiếu tại các cinema hoành tráng ở Việt Nam năm 2010? Song, ắt vị sư trụ trì đã toại nguyện vì ông đã có sơn và ắt hài lòng tin tưởng rằng mình đã thành tiên theo chiết tự chữ Hán của ông, một vị sư trụ trì chùa thờ cả trăm vị Phật, La Hán, thần tiên, linh thú rồng rùa phượng hạc; hoặc đã thành đại tiên theo lý sự Hán-Việt của tôi, một Phật tử tu tại gia chỉ thờ mỗi một Phật Bà Quan Âm (do yêu kính sự xăng xái luôn đứng để sẵn sàng chạy đi cứu người chứ không ngồi yên nhắm mắt thiền ung dung hoặc cười khoái trá toét toe như các Phật Ông) và ghét đến chùa chiền.

 P2

Tôi không sao có được cái thần khí đứng trên đỉnh núi của Không Lộ Thiền Sư, và cũng không màng đến cái tham vọng đứng trên đỉnh núi để thành bậc thần tiên như vị sư trụ trì nọ. Song, tôi hiểu rằng cuộc đời như con đường khúc khuỷu gập ghềnh mà mỗi người đều nên cố gắng dấn thân, tiến bước, không chỉ để chứng minh bản thân đã từng một lần tồn tại trên đời mà còn vì bổn phận đối với xã hội, nhân quần; và rằng sẽ không có đỉnh cao nào để mỗi người ngừng lại đứng trên đỉnh núi, mà chỉ có những bờ dốc bên này để người ta cố gắng rướn lên, cùng những sườn thoai thoải phía bên kia để người ta nỗ lực ghìm chậm lại bước chân trước khi ra sức rướn lên dốc đồi khác ở khúc quanh trùng điệp kế tiếp.

 P3

Cuộc sống là tiến trình nổ lực không ngừng nghỉ, và hiểu biết được điều đơn giản này chính là niềm hạnh phúc lớn lao miên viễn vậy.

Nam Mô A-di-đà Phật.

 P4

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Pháp danh An Thiện, Bút hiệu Lăng Tần

Tuổi Teen Không Bao Giờ Có Thật

– Nhìn Ngón Chân Cái –

Hoàng Hữu Phước, MIB

 POST (5)

Vừa mới đây một bạn báo tôi biết báo Tuổi Trẻ tuần trước có đăng một bài vớ vẩn của một nhà báo vớ vẩn ngợi ca vớ vẩn một quyển sách teen teen vớ vẩn về teen teen vớ vẩn của một nhà văn vớ vẩn có cốt chuyện vớ vẩn về một nhân vật chính vớ vẩn có những băn khoăn vớ vẩn mong muốn vớ vẩn rằng thầy giáo nên teen teen vớ vẩn, trong khi bạn này đã đọc bài viết của tôi về teen-teen cách nay nửa thập niên và gợi ý rằng tôi nên làm gì đó để giúp báo Tuổi Trẻ chấn chỉnh lại cách tung hứng tung hê. Nhận thấy ý kiến của bạn ấy đúng ở chỗ nhất thiết cần cho Báo Tuổi Trẻ biết phải cẩn trọng và trách nhiệm đối với từng mẫu tin một, nhất là phải chứng tỏ tư duy của báo phải ở bậc cao, thấu thị, chứ Tuổi Trẻ mà tưởng hễ tuổi trẻ thì đó là teen teen thì Tuổi Trẻ sai hoàn toàn, bậy hoàn toàn, ngây thơ khờ dại hoàn toàn, hoàn toàn không ở tầng lớp thượng đẳng, và có tội lớn với cả dân tộc giống nòi; tôi xin đăng lại bài viết cũ sau về Tuổi Teen. Nếu nghi ngờ giá trị biện luận của bài này, báo Tuổi Trẻ nên bỏ ra vài chục ngàn USD thỉnh một nhà phân tâm học Mỹ bất kỳ nào đấy để đưa nội dung bài này cho vị ấy xem để nghe vị ấy khẳng định xem tôi viết có chính xác hay không về cái mà tôi gọi là vấn nạn teen.

Trân trọng,

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

*********

Tuổi Teen Không Bao Giờ Có Thật

– Nhìn Ngón Chân Cái –

30-12-2009

Đối với người khỏe mạnh theo nghĩa đen và/hay nghĩa bóng, tuổi teen không bao giờ có thật.

Tôi cùng vợ ngày nọ đến một siêu thị điện máy trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Vừa tắp xe vào lề đường, tôi thấy một cặp vợ chồng trẻ cũng vừa phóng ào xe lên lề nhủi ngay vô chỗ trống nhỏ nhoi trước đầu xe tôi như để tranh chỗ gởi xe với tôi hoặc do sợ tôi sẽ mua mất hàng khuyến mãi nào đó bên trong nếu vào trước họ năm giây. Người chồng trẻ măng, cao gầy, trắng trẻo, đeo kính trắng, miệng ngậm một chiếc tăm chắc vừa ăn sáng xong ở đâu đó và muốn khoe với mọi người rằng này-nhé-ta-vừa-có-cái-đút-vào-cái-mồm-to-này-đấy [1], nhảy xuống xe, chạy nhanh đến cầu thang máy cuốn (escalator) nhảy hai bậc một rồi đứng áng ngữ trên đầu thang, ngây người cứng đơ như phỗng, chỉ khác phỗng là đầu của y có khả năng quay qua quay lại được trên chiếc cần cổ đủ rộng để nuốt cái gì đấy mà y đã chứng minh vừa đút lọt vào mồm, ắt để xác định vị trí hàng khuyến mãi nào đấy đang ở cái hóc bà tó nào; bỏ mặc người vợ trẻ măng, cao gầy, trắng trẻo tương tự – nhưng không ngậm tăm và không đep kính cận – cáng đáng việc đem xe vào khu gởi. Và hai vợ chồng “nhiễm hội chứng teen” này có một thiên thần tuyệt đẹp mà người vợ đã vô tư đặt xuống đất vội vàng để vàng vội chạy xe vào bãi tranh với lão tiền bối Lăng Tần. Vì không có đôi cánh bồ câu, cậu bé thiên thần chập chững tiến đến bậc cầu thang máy và được thang cuốn lên. Tôi hét lên kêu anh chồng: “Coi chừng em bé kìa!”. Anh ta nhìn xuống đứa con đang từ từ lên cao tiến đến với Bố thân thương, rồi anh nhe răng cười điệu nghệ hết sức vì chiếc tăm xỉa răng vẫn không rơi khỏi mồm anh, rồi anh tiếp tục nhìn quanh định vị hàng hóa, và rồi… thấy tôi hay nói mà chẳng làm gì sất, vợ tôi cuống quýt‎ chạy bay lên cầu thang, tiếng guốc gỗ kêu lộp cộp – may mà nàng không đi guốc cao gót chứ không thì đã có chuyện rắc lông ngỗng theo Sử Việt hoặc rắc bánh mì theo chuyện ngụ ngôn Pháp hay Đan Mạch rồi – cuối cùng kịp bế bổng thiên thần lên trước khi thiên thần bị máy cuốn kẹt hoặc té lăn xuống từ trên bậc thang cao bốn mét chứ đừng hòng lên được với Bố phỗng. Thấy vợ tôi bế bé trai đến, y nhe răng cười với con, bẹo gò má của con, chứ không thèm đón lấy thiên thần từ tay vợ tôi, đợi vợ y lên đến nơi là mắng như tát nước bằng tiếng Việt Nam rằng thì là mà sao thị ta là mẹ kiểu gì mà bê bối không biết trông con. Người vợ hiền vừa nhận lại đứa con từ tay vợ tôi vừa thổn thức thỏ thẻ thổn thển thở rống họng đốp chát như chùm nho uất hận của John Steinbeck (The Grapes of Wrath). Không một lời cảm ơn nào được vợ tôi nghe thấy từ hai kẻ người và chuột – cũng của John Steinbeck (Of Mice and Men) – mà người là “thằng” chồng – do nó như bậc trưởng thượng nguyền rủa vợ nó – và chuột là “con” vợ – do dám gặm nhấm vào sự dạy bảo của đức lang quân mà thị đã kết tóc xe tơ, đẹp duyên Tần Tấn, hoan lạc nghĩa phu thê những trăm năm hạnh phúc.

Trên thế giới chỉ có hai lớp người có thể bị bắt gặp khi đứng – hoặc ngồi – tập trung cúi nhìn ngón chân cái của chính mình: người già yếu bị tuổi tác và bịnh tật của tuổi già hành hạ làm giảm đi sự minh mẫn, và bịnh nhân tâm thần.

Trong tuyển tập 100 bài thập-tứ-hàng-thi (tức thể loại thơ sonnet mười-bốn-dòng-thơ) của William Shakespeare, có bài The Seven Ages of Men (Bảy Giai Đoạn Của Đời Người) mà vào những năm 1980 tôi đã tự chọn lọc ra để dùng làm bài tập đánh đố các sinh viên của tôi tại những lớp nào tôi có giờ dạy đầu tiên, bảo các em hãy đề nghị những từ tiếng Anh thích hợp gọi tên cho mỗi một giai đoạn. Tôi, người giảng viên 24 tuổi, đã triết l‎ý với học trò rằng chỉ có giai đoạn thứ bảy tức lão niên mới là giai đoạn duy nhất có thật, giai đoạn mà người ta tự thấy mình đúng là đã quá già, đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ sinh-lão để bước qua ranh giới bịnh-tử mong manh, sự lao tới trước đã bị triệt tiêu, và tầm nhìn xa càng lúc càng bị giới hạn đến khi sức khỏe không còn, khiến cái nhìn chỉ còn tới giới hạn không xa hơn vị trí nơi bàn chân đang đặt để lên trên là bao.

Mỗi sáng khi thức giấc và mở mắt, người ta thấy ngay nóc mùng, bốn bức tường, cửa phòng vệ sinh, cửa tủ, cửa ra vào – tức những khoảng cách từ 1 mét trở lên, tùy diện tích căn phòng. Khi bước chân ra khỏi nhà, người ta thấy xa hơn: từ đầu đường góc phố cách đó mười mét hay trăm mét, đến chiếc máy bay cách ngàn cây số trên đầu. Đó là người khỏe mạnh theo nghĩa đen và/hay nghĩa bóng: luôn nhìn ra xa, thấy cảnh xa, đi hoặc chạy chậm hoặc nhanh đến đích đàng xa ấy – để khỏi trể giờ học hay muộn giờ làm việc.

Lao tới trước chính là hành động duy nhất đúng của cuộc sống đích thực. Làm gì có chuyện đứng khựng lại giữa thinh không! Thời xửa thời xưa, chúng tôi ai cũng y như nhau vì theo lẽ tự nhiên: nhìn tới trước, và bắt chước để trở nên đĩnh đạc, đường hoàng, nghiêm túc, trách nhiệm. Bước chân vào lớp đầu trung học là nhìn thấy ngay viễn cảnh của 7 năm trước mắt (từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhất tức là từ lớp 6 đến lớp 12) với các anh chị học lớp 12 đĩnh đạc, đường hoàng, nghiêm túc, trách nhiệm,

 Teen (4)

và thấy luôn cả kỳ thi Tú Tài quan trọng, cam go, cao cấp, học mười hai môn là thi đủ mười hai môn, với cả hai sinh ngữ (ngoại ngữ 1 và 2, thường là Anh Văn và Pháp Văn), nhưng chúng tôi không chút căng thẳng, không biết “stress” là gì, không nghe đến “khủng hoảng thần kinh”, chớ nghe đến “học hành căng thẳng”, chớ có giờ “phụ đạo”, v.v., nhờ luôn sống khỏe mạnh lành lặn: luôn nhìn phía trước, thấy cảnh ở xa và chuẩn bị hành trang dấn bước đi đến hoặc lao đến nơi xa ấy.

 Teen (3)

Nhờ vậy, các cậu các cô bé lớp 6 ai cũng học tư cách đĩnh đạc, đường hoàng, nghiêm túc, trách nhiệm, của các anh chị lớp 9; còn các anh chị lớp 9 ngắm nghía các anh chị lớp 12, những người trước đó khi bước chân vào lớp 10 đã nhìn thấy ngay viễn cảnh có các anh chị sinh viên đại học miệt mài học tập, tư cách đĩnh đạc, đường hoàng, nghiêm túc, trách nhiệm, nên cũng đã làm theo. Còn các anh chị sinh viên khi bước chân vào giảng đường đã thấy ngay viễn cảnh mái ấm gia đình hạnh phúc cá nhân qua hình ảnh các giáo sư thành danh trong học vị, nghề nghiệp, sự nghiệp, gia đình nên cũng đã học hành miệt mài hơn, tư cách công dân đĩnh đạc, tự tin, đường hoàng, nghiêm túc, trách nhiệm, nhắm đến học vị, nghề nghiệp, sự nghiệp, mái ấm gia đình, hạnh phúc cá nhân ngay trong tầm với.

 Teen (2)

Ai cũng sợ bị gọi là trẻ con hỉ mũi chưa sạch tức tuổi teen sống bám gia đình chưa thuộc đẳng cấp trưởng thành. Không ai dừng lại. Ai cũng muốn chứng tỏ ta ở cấp cao hơn. Một giai đoạn của đời người do đó khi đến chỉ mang ý nghĩa tương đương cái bề mặt của khoảnh đất ngay dưới chân một vận động viên đang khom người sẵn sàng tì xuống để rướn lên lao tới trước ngay khi nghe tiếng súng trọng tài, và cũng là thời gian chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, chứ bản thân giai đoạn không bao giờ – và không thể – là để sống cho một trải nghiệm xuyên suốt số lượng năm tháng cơ học mà người ta gán cho mỗi giai đoạn của đời người (thí dụ như tuổi teen là từ 13 đến 19 chẳng hạn).

 New

Vận động viên nào sau tiếng súng lịnh vẫn cúi nhìn mặt đất tự hào mình đang ngự trị ngay tại sân vận động hoành tráng cấp quốc tế, tận hưởng cái khoái lạc từ khung cảnh công trình vĩ đại đang có trực tiếp truyền hình cho tỷ tỷ người theo dõi, vận động viên ấy sẽ vĩnh viễn chôn vùi tên tuổi cùng đẳng cấp vận động viên, trở thành đối tượng của sự nhạo báng, và bị xóa tên khỏi danh sách vận động viên cho kỳ thế vận kế tiếp. Người nào cúi nhìn mặt đất tự hào mình đang ở tuổi teen xinh đẹp, tập trung vui chơi giữa cuộc đời hoa lệ, tận hưởng cái lạc thú hoa mộng của tuổi teen, người ấy sẽ vĩnh viễn chôn vùi hai chữ trưởng thành, không thể có tên trong danh sách những người thành đạt của giai đoạn kế tiếp.

Cuộc sống đích thực của người khỏe mạnh theo nghĩa đen và/hay nghĩa bóng là vậy đấy: luôn lao tới trước, không ngưng nghĩ. Một hài nhi không bao giờ biết nhìn chính mình rồi phán bằng tiếng Việt hay tiếng Anh hay một thứ tiếng nào khác khẳng định chắc nịch rằng “Ta đang ở lứa tuổi thuộc thủa nằm nôi”. Một đứa bé chạy nhảy phá phách tưng bừng khi bị Mẹ Cha mắng rầy, có thể chống chế rằng “Con có phải con nít đâu!”, ý phủ nhận thời thơ ấu. Khi vào trung học, các cô cậu muốn có tình yêu nam nữ mộng mơ giống các anh chị trưởng thành nên bắt chước học đòi tề chỉnh, đĩnh đạc như “người lớn”, đường hoàng, nghiêm túc, chứ không ai nhận ra mình đang ở tuổi teen hãy còn trẻ người non dạ, không ai muốn nghĩ đến cái chữ tuổi teen đầy tai họa vì luôn gắn bó mật thiết với lời rầy ra “nhỏ như hạt mít mà bày đặt yêu đương” của người lớn (như mẹ/cha, thầy/cô, và kinh khủng hơn là…thầy tổng giám thị với chiếc roi mây dài thòn cắp sau đôi mông bự chà bá). Vì vậy, trước đây chúng tôi thường thấy mình và bạn bè mình toàn là những “cặp tình nhân” thật dễ thương tuy học lớp 9 nhưng lịch sự, chững chạc, với “cậu” ở nhà thường lén lấy dao cạo của Bố miệt mài cạo lớp lông măng quanh mép vì nghe đồn nếu thấy mùi dao cạo là lông măng sẽ biến thành ria đen sậm rậm của đấng “đàn ông”, còn “cô” thì không chịu mặc áo yếm lót bên trong áo dài vì trông như con nít mà đòi Mẹ phải cho mặc thêm nịt ngực độn dưới yếm lót để chứng tỏ mình đã nhú ngực hẵn hoi như các chị lớp 11, 12. Lớn trong hình thể. Lớn trong lời ăn tiếng nói lịch sự, không ồn ào chốn đông người. Lớn trong cung cách đường bệ ăn mặc chỉnh chu. Lớn trong chuẩn bị cho tương lai, kiểu “Bốn năm nửa lấy tú tài xong Phước sẽ vào Văn Khoa theo ngành Triết. Trâm vô Sư Phạm thì vô. Nhưng Trâm chờ Phước nhe? Phước sẽ lấy Trâm sau khi trở thành giáo sư Triết. Phước xin thề đó. Phước chỉ yêu một mình Trâm thôi.” Chấp nhận danh “ông cụ non” chứ dãy đành đạch nếu bị gọi là “trẻ con” hay “còn con nít” hay “teen”. Vì rằng thời trước 1975, nữ sinh trung học hay quan tâm đến người nhớn khác phái chứ mấy cậu nhóc tính nết trẻ con cung cách con trẻ thì đừng hòng.

Thế nhưng đó là chuyện của những ngày bước em thênh thang và anh lặng lẽ theo hoài (Phạm Thiên Thư: Ngày Xưa Hoàng Thị). Ngày nay, hãy đến gần một nơi có tiết thể dục của học sinh trung học thí dụ như Sân Vận Động Quân Khu 7 ở đường Phổ Quang, Thành phố Hồ Chí Minh, để nghe những âm thanh và cuồng nộ (William Faulkner: The Sound and the Fury) của Thầy/Cô nói những gì Thầy/Cô cần nói bất kể học sinh có nghe hay không, học sinh nam nữ ai cũng nói cùng lúc bất kể có ai nghe hay không, thậm chí nói lớn tiếng để lấn át tiếng nói người khác, la lối, cười to, xô đẩy, ghẹo phá, đánh mạnh vào vai hay lưng nhau, chạy tuột dép, ngã sóng soài, như trẻ con chưa ở lứa tuổi đến trường. Và cũng ngày nay, hãy thử vào một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh như trên đường Nguyễn Đình Chiểu chẳng hạn, để thấy rất rất nhiều sinh viên dáng người nhỏ thó dù thời ăn bo bo suy dinh dưỡng thời cấm vận đã là chuyện của phim truyện cổ trang, gầy gò, ồn ào, thích tham gia phong trào văn nghệ, thường xuyên tập dợt ca hát hay diễn kịch diễu hề vui chơi, thi đua sắc đẹp thời trang và hội diễn (thậm chí có trường còn bày tiết mục văn nghệ ăn mặc gần như khỏa thân bị bêu rếu nhiều năm trước), ít ai thèm nghiên cứu khóa luận khoa học có liên quan đến ngành học, còn khi đi tìm nơi thực tập lúc sắp tốt nghiệp thì mở miệng những lời quái gở loại immaturity và unfinished tức nửa người nửa ngợm nửa đười ươi không sao chiếm được cảm tình người nghe: “Em học Anh Văn Thương Mại. Có chỗ nào cho em tới thực tập không? Mấy chỗ có mua bán với nước ngoài đó, để em vô dịch hợp đồng và tập phiên dịch đàm phán, để em làm báo cáo tiếng Anh về cho Thầy chấm điểm. Có thì giúp. Không thì thôi. Em không muốn nghe giải thích hay tranh luận”; hoặc “Em học Quản Trị Kinh Doanh. Có chỗ nào cho em tới thực tập làm sếp không để em làm báo cáo về cho Cô chấm điểm. Có thì giúp. Không thì thôi. Em không muốn nghe giải thích hay tranh luận.” Một sự chững lại đầy tai hại như hậu quả của truyền thông quảng cáo bán hàng tập trung về “tuổi teen”, nói quá nhiều về tuổi teen. Khi người ta bị níu lại, bị hét to vào mặt “Này, em đang ở tuổi teen, có nhiều đồ chơi cho em lắm nè, tuổi em đẹp hết sức, đáng yêu hết sức, teen là số một đó em”, người ta xem như đã mất cảnh giác hoặc tự nguyện rời xa tình trạng khỏe mạnh theo nghĩa đen và/hay nghĩa bóng, để cái teen ấy đeo dính suốt đời, dù có đậu vào đại học, có cưới vợ lấy chồng, có sinh con đẻ cái, có công ăn việc làm, và thậm chí có tuổi có tác rồi mà vẫn teen teen tửng tửng như trẻ nít chứ không phải trẻ trung, mà cặp vợ chồng có con có cái trong truyện kể ở đầu bài viết này là một minh họa bi hài có thật.

Theo lẽ thường, chỉ lúc ở giai đoạn thứ 7 tức lão niên, người ta do sức mõi hơi tàn, mắt phải trở nên mờ, chân phải trở nên yếu, trí nhớ có khi trở nên bớt minh mẫn, huyết áp nhiều khi trở nên trầm trọng, nên có khi sẽ hay ngồi yên một chỗ, đầu cúi gầm do sức nặng thời gian, và lúc nhận ra mình chỉ còn nhìn thấy khoảnh đất nhỏ dưới chân mà nổi bật trên đó là bàn chân, thì đến khoảnh khắc ấy người ta mới ngậm ngùi nhận ra mình đang ở tuổi già, bị buộc phải dừng lại hẳn, không còn nhìn xa để đi hay lao tới trước. Ấy vậy mà nhiều người nay bước vào giai đoạn teen đã lập tức nhận ra mình đang ở tuổi teen. Đó là điều còn tệ hơn cả một sự khủng khiếp, vì khi đã cúi gằm mặt xuống nhìn khoảnh đất nhỏ dưới chân có dán nhãn “tuổi teen”, nhận ra mình đang ở tuổi teen, người ta sẽ bị buộc dừng lại hẳn, không còn có thể ngước lên để nhìn xa và thấy ở đàng xa cái đích người ta lẽ ra đã đi chậm hay bước nhanh hoặc chạy đua đến đó từ lâu. Đó là lý do ngày càng có nhiều hơn những người xử sự như teen dù đã qua khỏi tuổi teen [3].

Người ta chỉ hồi tưởng lại thời thơ ấu khi chẳng còn ở thời thơ ấu. Người ta chi nhớ lại thời trưởng thành sau khi đã bỏ lại sau lưng thời trưởng thành. Người ta kể lại hay viết hồi k‎ý về những năm tháng ở tuổi trung niên sau khi đã qua khỏi giai đoạn này vì lúc ở tuổi trung niên người ta tập trung làm việc với làm giàu. Tích cực như thế và theo lẽ tự nhiên như thế nên làm gì có việc 6 giai đoạn đầu của đời người là có thật ngay thời điểm của từng giai đoạn ấy! Sá gì cái gọi là tuổi teen! “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”  (“Cogito, ergo sum” của René Descartes) chính là câu nói lừng danh thuộc phạm trù triết học, mà chính câu này chứng minh các giai đoạn không thể có thật do người khỏe mạnh thể chất và/hay tinh thần chưa bao giờ tư duy về giai đoạn khi đang ở trong giai đoạn đó. Thậm chí có người còn nói khi đến tuổi bảy mươi xưa nay hiếm vẫn phủ nhận sự tồn tại của hai chữ “nghĩ hưu” trong quyển tự điển đời mình, biến toàn bộ bảy giai đoạn của đời người mà bài sonnet của Shakespeare có thể liệt kê trở nên chưa bao giờ có thật. Đó là những người có cuộc sống luôn tích cực. Họ không cảm nhận mình đang ở giai đoạn nào, vì lúc còn bé luôn chối bỏ sự thật mình còn bé, lúc trưởng thành lại vùi đầu vào sự nghiệp và những tính toan. Những giai đoạn chỉ tồn tại khi đã qua đi. Chỉ có tuổi già là có thể tồn tại trong thời hiện tại. Quảng cáo hàng hóa đã chứng tỏ sức mạnh dữ dội của nó trong uốn gảy tự nhiên, xóa sạch quá khứ, khóa cổng tương lai, tạo nên lớp thứ ba mang “hội chứng teen” mà biểu hiện đặc thù là tửng tửng, vui vẻ, vô tâm, vô tư, biết mình là teen, trung tâm của vũ trụ vui thú. Khi có đủ thứ vui chơi từ màu son môi cho teen cho đến cả Hoa Hậu Tuổi Teen, người ta cần chi phải nghĩ đến tuổi trưởng thành và trách nhiệm công dân. Cứ thế, lâu lâu vài tin tức tình hình này nọ đang gia tăng đáng báo động ở Phụ Sản đủ cho thấy hội chứng teen đã biến teen thành giai đoạn cuối cùng của cả đời người của không ít người teen (teenagers).

Lẽ ra tuổi teen nên tiếp tục như đã chưa bao giờ có thật trong tâm tưởng và nhận thức của những con người khỏe mạnh theo nghĩa đen và/hay nghĩa bóng.

 HHP_7yearsold

Hoàng Hữu Phước, Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế

Ghi chú:

[1] Đây là loại mẫu câu (sử dụng dấu gạch nối để biến một dãy hàng chục từ thành một cụm từ duy nhất mà đa số là cụm tù danh từ tức noun phrase) do Hoàng Hữu Phước mô phỏng theo Tiếng Anh, và áp dụng đầu tiên tại Việt Nam trong tất cả các bài viết tiếng Anh từ năm 1976, cũng như trong tất cả các bài viết tiếng Việt từ năm 1988, đặc biệt trên các blog từ năm 2007 đến nay. Hiện kiểu viết này được giới truyền thông sử dụng rộng khắp trên phạm vi toàn quốc.

[2]  Từ năm 1981 tôi đã giải thích với tất cả các sinh viên Khoa Anh rằng Đại Học Sư Phạm đã dùng tiếng Anh sai hoàn toàn khi tự gọi họ (hoặc do Nhà Nước áp đặt tên) là University of Pedagogy, rằng Cao Đẳng Sư Phạm đã sai hoàn toàn khi tự gọi họ(hoặc do Nhà Nước áp đặt tên) là Teacher Training College, vì cả hai đều là “đại học” trong tiếng Việt ở Sài Gòn trước 1975 và đều là “faculty”(tương đương “college”) trong tiếng Anh ở Sài Gòn trước 1975. University là “viện đại học” mang tính quản lý, bao gồm nhiều đại học chuyên ngành tức “college”. Đồng thời tôi là “giáo sư” vì hai lý do như (a) trước 1975 ở Sài Gòn người dạy trung học đương nhiên được gọi là giáo sư, người dạy đại học đương nhiên được gọi là giảng sư, và (b) tất cả các sinh viên trong nước và người nước ngoài đều gọi tôi là Professor, do đó tôi buộc phải chọn từ “giáo sư” trong tiếng Việt để tránh từ “giảng sư”, và cũng không chờ Nhà Nước phong “giáo sư” vì không muốn bị hiểu lầm trình độ tôi tương đương các vị mà đa số thuộc nhóm hư danh ấy.

[3] Hoàng Hữu Phước. 12-9-2014. Định Tính Và Định Lượng Tuổi Trẻ. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/09/12/dinh-tinh-va-dinh-luong-tuoi-tre/

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước. 02-10-2014. Lời Khuyên Dành Cho Học Sinh. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/10/02/loi-khuyen-danh-cho-hoc-sinh/

Hoàng Hữu Phước. 03-8-2011. Lời Ngỏ Cùng Học Sinh. http://hoanghuuphuocteachers.blog.com/2013/03/12/l%e1%bb%9di-ng%e1%bb%8f-cung-h%e1%bb%8dc-sinh/

Hoàng Hữu Phước. 30-10-2011. Thầy Như Thế Nào, Trò Như Thế Ấy. http://hoanghuuphuocteachers.blog.com/2013/03/12/th%e1%ba%a7y-nh%c6%b0-th%e1%ba%bf-nao-tro-nh%c6%b0-th%e1%ba%bf-%e1%ba%a4y/

Hoàng Hữu Phước. 30-11-2011. Phong Cách Người Thầy. http://hoanghuuphuocteachers.blog.com/2013/03/12/phong-cach-ng%c6%b0%e1%bb%9di-th%e1%ba%a7y/

Hoàng Hữu Phước. 07-9-2012. Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai. http://hoanghuuphuocteachers.blog.com/2013/03/12/c%e1%bb%b1u-nha-giao-hoang-h%e1%bb%afu-ph%c6%b0%e1%bb%9bc-vi%e1%ba%bft-b%e1%bb%a9c-tam-th%c6%b0-g%e1%bb%adi-nha-giao-hi%e1%bb%87n-t%e1%ba%a1i-va-t%c6%b0%c6%a1ng-lai/

Sử Liệu Nghị Viện Việt Nam

Nhà Sử Học Nghị Viện Hoàng Hữu Phước, MIB

 ScreenShot457

Do có nhiều nhà sử học mà việc làm của họ y như của người dạy môn Việt Sử cấp trung học và người học môn Việt Sử cấp trung học, nghĩa là chỉ nói về những gì của Việt Sử mà người dạy ở trung học và người học ở trung học đều có trong tay qua các sách giáo khoa, mà các sách này đều dựa theo mấy pho Sử Việt cực kỳ quen thuộc, xưa, và có sẵn;

Do những định nghĩa đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam – tính đến ngày post bài viết này – đối với danh xưng “nhà sử học” [1] cho thấy tại Việt Nam thì “nhà sử học” không phải là một “nghề nghiệp” tức là nghề của người hành nghề chuyên nghiệp mà toàn là tự phong (bản thân tự phong hay đàn em tự phong hộ hoặc báo chí tự phong giúp cho gà nhà cùng phe lợi ích nhóm);

Do gần như tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay không còn là nguồn cung cấp sử liệu cho hậu thế vì bị lấn lướt lấn áp bởi khuynh hướng thương mại đòi hỏi phải “câu view”, chạy theo thị hiếu số đông chứ không tuân theo thị hiếu giới trưởng thượng đoan chính dù cho sĩ số của giới này có ít đến đâu chăng nữa cũng như dù ai cũng biết trên thế gian này có mặc định thiểu số phục tùng đa số trong biểu quyết một vấn đề cụ thể chứ không bao giờ có cái mặc định vô duyên rằng đa số đương nhiên đúng trong nêu ý kiến, dẫn đến ngay cả việc đưa tin tức nghị trường cũng chỉ lo lượm lặt cái lặt vặt, phỏng vấn người cùng phe (thí dụ nhà sử học này hay luật sư nọ) để ôm ấp hy vọng có tin tức theo đúng bài bản lợi ích nhóm, hoặc phỏng vấn người không chịu nhập phe để ôm ấp hy vọng hắn ta lỡ lời gì đó để có cái mà chụp lấy phục vụ “câu view” và ngay cả nếu hắn không lỡ lời gì cả thì cũng ra tay xào nấu chế biến thí dụ như tự tung tự tác biến nguyên tác “dân trí cao hơn” thành dị bản “dân trí thấp[2] để kích động trò ném đá dấu tay hèn hạ bỉ ổi trên quy mô cả nước trong và nước ngoài.

 2

Đáp ứng tất cả những “đòi hỏi” từ những cái “do” trên, người viết bài này yêu sự công bằng nên thấy mình có toàn quyền tự xưng là “nhà sử học”, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trong bài viết có liên quan [3] trong nổ lực làm giới sử học thế giới biết tôn trọng sự chuyên nghiệp đỉnh cao các nhà sử học ở Việt Nam, người viết bài này tự xưng mình là Nhà Sử Học Nghị Viện đầu tiên của Việt Nam để vừa cho biết nội dung chùm và chụm của lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, vừa qua đó truyền đi tín  hiệu rằng người viết cũng đang chuẩn bị tài liệu chùm và chụm khác để trở thành Nhà Sử Học Việt Nam Cộng Hòa hay Nhà Sử Học Đa Đảng, hoặc Nhà Sử Học Biểu Tình, v.v., để giúp mọi người có quan tâm có được tư liệu đúng, đủ, đạt, đỉnh, ngõ hầu tránh việc xăng xái tuyên bố, xăng xái phát biểu, xăng xái viết báo mà không có gì trong tay hay trong đầu để biện luận đúng, đủ, đạt, đỉnh cả.

Trước tiên, tôi xin nêu các sử liệu chính xác, chính quy, chính đạo, chính nghĩa, chính danh sau, liên quan đến Quốc Hội Khóa XIII của Việt Nam. Cần lưu ‎ý rằng có rất nhiều những tin tức nghị trường thuộc loại vất sọt rác mà vài nhà báo dùng cái móc bươi rác để móc ra và tải đăng không có giá trị gì cả đối vởi sử liệu, chẳng hạn như nào là Nghị sĩ ABC nói rằng cử tri tỉnh nhà nói “các đại biểu quốc hội sao mà ngu thế” (báo chí không hiểu rằng khi báo chí quái-dị-ứng với Tứ Đại Ngu [4] dù Tứ Đại Ngu công kích việc ăn nói bá láp của chỉ 01 nghị sĩ, thì báo chí lại hân-hoan-hỉ với phát biểu ấy của Nghị sĩ ABC, dù chi tiết ấy chỉ cho thấy 2 điều rằng 01 cử tri nói thế vì nghị sĩ ABC ắt có thể đã ăn nói ngô nghê hoặc bất lực bất tài bất trí không giải thích được câu hỏi bình thường của cử tri ấy về vấn đề tên gọi các phiếu tín nhiệm, và rằng cử tri ấy đã nhục mạ toàn quốc hội ngu chứ không phải chỉ 01 nghị sĩ ngu như trong Tứ Đại Ngu, mà Quốc hội có toàn các nghị sĩ do dân bầu chọn, nên phát biểu ấy được hiểu như xúc phạm toàn dân), nào là như Nghị sĩ DEF đòi Quốc hội ra Nghị quyết về Biển Đông[5], nào là…, nào là…, nào là….

Những chi tiết quan trọng cần ghi nhớ về Quốc hội Việt Nam khóa XIII tính từ 2011 đến ngày 04 tháng 10 năm 2014, được liệt kê như khung chuẩn như dưới đây để các nhà sử học và các nhà báo dựa theo, tìm tòi thêm tư liệu để hoặc điều chỉnh hoặc bổ sung, làm đầy-đủ-đúng-đỉnh hơn kho tàng tham khảo cho hậu thế, mà không cần phải xin phép tác giả bài viết này bằng văn bản:

1) Hiến Pháp 2013:

Việc thông qua Hiến Pháp 2013 đã chứng tỏ sức mạnh chính nghĩa của quốc dân đồng bào (tín thác cho các nghị sĩ dân cử) khi đánh bại hoàn toàn, đánh tan triệt để, đánh sập những kêu gào thống thiết thảm thê sau của bọn phản loạn chống Việt Nam và chống Cộng:

– Đòi đổi quốc hiệu, bỏ chữ Xã Hội Chủ Nghĩa (ngụy biện rằng trước đây “Bác Hồ” đã dùng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, xem trọng Dân Chủ chứ đâu có xem trọng Xã Hội Chủ Nghĩa!)

– Đòi đổi lời của Quốc Ca Việt Nam (ngụy biện rằng có đoạn quá sắt máu trong khi bây giờ hòa bình mờ!)

– Đòi tước quyền lãnh đạo của Đảng (ngụy biện rằng Đảng chỉ là một tổ chức, không thể chỉ đạo cả chính phủ của dân!)

– Đòi phi chính trị hóa quân đội (ngụy biện rằng ở Mỹ nó như thế, quân đội nó bảo vệ đất nước chớ đâu có bảo vệ Con Lừa hay Con Voi!)

2) Biển Đông:

Ngay hôm khai mạc Kỳ họp 7 ngày 20-5-2014, Quốc hội đã nghe chính phủ (Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh) báo cáo về tình hình Biển Đông với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chủ trương, và giải pháp của Việt Nam – chứng tỏ Quốc hội cực kỳ quan tâm đến tình hình nghiêm trọng này; sau đó các tổ Đại biểu Quốc hội họp thảo luận về nội dung này vào sáng hôm sau tức 21-5-2014, trên cơ sở đó Quốc hội nhanh chóng phát hành thông cáo công bố mạnh mẽ lên án việc sai quấy của Trung Quốc – cần ghi nhớ rằng “thông cáo” là công cụ thích hợp nhất đáp ứng nhanh nhất và hiệu quả nhất đối với yêu cầu phải nêu chính kiến của Quốc hội, đồng thời bảo vệ được uy danh và uy thế của đất nước nếu “nghị quyết” bị Trung Quốc phớt lờ, không “thực hiện” và chà đạp; và rằng Cơ quan của Quốc hội là Ủy ban Đối ngoại đã cực kỳ nhanh chóng, cực kỳ tích cực, cực kỳ hiệu quả khi gởi công hàm đến Liên Nghị Viện Thế Giới, tất cả quốc hội các nước, tất cả các tổ chức quốc tế, v.v., và ngay lập tức nhận được phản hồi ủng hộ của các nơi này, tạo nên thế trận ngoại giao có lợi cho Việt Nam, nhất là khi Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị Liên Nghị Viện Thế Giới của hằng trăm quốc gia vào năm 2015.

Quốc hội Khóa XIII đã đánh bại tất cả các công kích của bọn phản loạn chống Việt và chống Cộng đối với sự bá láp của chúng về tình hình Biển Đông (như bôi nhọ rằng  lãnh đạo Đảng nín thin khiếp nhược, lãnh đạo Đảng “dâng” biển đảo cho giặc, v.v.)

3) Đại Luật:

Trong cả trăm bộ luật phải được tiến hành soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, và ban hành suốt nhiệm kỳ 2011-1016, Quốc hội Khóa XIII tính đến nay đã thông qua và ban hành hai bộ đại luật sau, có giá trị cực lớn về chính trị cũng như sự quan tâm chính của toàn dân tộc và đòi hỏi cấp bách của đời sống toàn dân, cũng như phát triển xã hội – kinh tế Việt Nam:

– Luật Biển

– Luật Đất Đai

4) Sức Mạnh Của Tài Hùng Biện:

Đối với các bêu rếu của bọn phản loạn chống Việt và chống Cộng rằng nghị sĩ Việt Nam là “nghị gật” do Đảng đặt để và sai khiến, thì sự việc sau chưa có tiền lệ lại xảy ra tại Quốc hội Việt Nam Khóa XIII:

Ngay từ Kỳ họp Thứ 2 Quốc hội Khóa XIII năm 2011, Nghị sĩ Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu đề nghị đưa Luật Biểu Tình vào chương trình làm luật. Khi Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước, vị đại biểu quốc hội dân cử, tự ra ứng cử mà không qua giới thiệu của bất kỳ ban ngành đoàn thể tổ chức nào, dù chính phủ hay phi chính phủ, không phải đảng viên Cộng sản, không giữ chức vụ gì trong bất kỳ cơ quan hành chính công quyền nào ở bất kỳ đâu từ trung ương đến địa phương, phát biểu về Luật Biểu Tình­ [6] đã được cả hội trường vỗ tay ủng hộ (tức đại đa số trong toàn dân ủng hộ) khen ngợi tài hùng biện của Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước, biến khả năng hùng biện phản biện và hùng biện thành công, vốn là việc bình thường của tất cả các nghị sĩ tại các cường quốc, lần đầu tiên trở thành yêu cầu hiện thực tại Quốc hội Việt Nam.

Tuy có vết nhơ ngay sau đó mà một số báo đã chủ động tạo ra [7] với khát vọng thèm muốn thèm thuồng “trừng trị” vị nghị sĩ ngoài Đảng dám hùng biện chính trị, nhưng cũng chính Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước đã sau đó trên các blog đánh bại tất cả các lập luận bôi nhọ yếu kém và hạ cấp đó của các nhà báo “hai mang” khiến càng khẳng định năng lực hùng biện phải là một trong những yêu cầu phải có của nghị sĩ Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam một cá nhân nghị sĩ Quốc hội Việt Nam đã thành công trong việc chỉ qua một phát biểu hùng biện đã ngăn chặn thành công (từ năm đầu tiên của Khóa XIII tức 2011 cho đến năm 2015) việc tập trung soạn dự án Luật Biểu Tình – ngay cả khi trước đó đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ Tướng trong soạn thảo dự thảo dự án luật này – để người dân có thời gian chiêm nghiệm thực tế nước nhà và nước ngoài; để các nghị sĩ nghiên cứu thật sâu sắc nhằm giải quyết các phản biện ngôn từ, thực tiễn; và để Quốc Hội dành thời gian cho những công tác cực kỳ vĩ đại của dân tộc như thông qua Hiến Pháp, xử lý sự việc Biển Đông liên quan đến chiến tranh-hòa bình, và soạn thảo để thông qua các đại luật trong hàng trăm luật.

5) Tính Tích Cực Của Nghị Sĩ:

Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước cũng là người đầu tiên xây dựng nhiều blog [8] để nêu chính kiến của mình, cung cấp thông tin cho cử tri [9] [10], giải bày sẻ chia với nhân dân những vấn đề thuộc hành trạng tư duy, và trên hết nêu bật tư cách và tư thế của một nghị sĩ Việt Nam trong thể chế quốc gia Việt Nam xã hội chủ nghĩa [11] nhuần nhuyễn đường hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát triển Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chưa kể, Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước cũng là người đầu tiên báo cáo với toàn dân [12] công tác riêng của bản thân chứ không chỉ với cử tri ở khu vực bầu cử tại Thành phố Hồ Chí Minh mà thông lệ từ xưa luôn được thực hiện là chỉ cần một người đại diện Tổ nghị sĩ lên đọc báo cáo chung.

Việc trên chứng minh nghị sĩ Việt Nam khi là người của dân, do dân, và vì dân, nhất thiết phải là người có trí, có sức, có tâm.

Có trí qua hành trạng tư duy vì nước vì dân.

Có sức qua khả năng giải bày được, giải bày thường xuyên, và giải bày hiệu quả, với nhân dân.

Có tâm qua việc chứng minh bản thân vì sự thái bình an toàn an ninh của đất nước, bởi vì đất nước có an toàn, an bình, an ninh, thì việc xây dựng đất nước giàu mạnh hơn mới thành hiện thực, và dân chúng mới có thể hưởng được các thành quả ấy.

Trí-sức-tâm khi được hiện thực hóa, có thể qua blog, vì nghị sĩ có thể viết mỗi ngày, giữ mạch thông tin được thường xuyên, khác với viết báo vì phải chờ kiểm duyệt cũng như cắt xén và chọn lọc ngày có chủ đề phù hợp chung, chưa kể có sự xen vào của tiền nhuận bút rất có thể hạ thấp phẩm giá của dân, do dân và vì dân của một nghị sĩ, thì lời nhận xét của người dân[13] sẽ gián tiếp đánh giá cụ thể sự quan trọng của chính cái nội hàm của dân, do dân và vì dân ấy.

 

Tất cả các sử liệu nghị viện trên đều có thể được những người quan tâm kiểm tra qua thực tế và qua các câu hỏi đặt ra với bất kỳ nghị sĩ nào tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương hoặc gởi đến nghị sĩ ấy qua đường bưu chính.

Nhà Sử Học Nghị Viện Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú 1: Bài này – và tất cả các bài khác trên blog này hay bất kỳ blog nào khác của Hoàng Hữu Phước – có thể được đăng lại, toàn phần hay một phần, kể cả hình ảnh, bởi bất kỳ ai quan tâm đến, song phải trên tinh thần nhân văn đỉnh cao của bài Thùng Nước Đá và Blog mà người đăng lại được mặc định đã xem tại http://hhphuoc.blog.com/?p=181 và đã nhất trí đồng ý‎ tôn trọng tuyệt đối, vô điều kiện.

Ghi chú 2:

[1] Hoàng Hữu Phước. 06-02-2014. Thế Nào Là Sử Gia. http://hhphuoc.blog.com/?p=289

[2] Hoàng Hữu Phước. 20-11-2011. Chụp Mũ. http://hhphuoc.blog.com/?p=56

[3] Hoàng Hữu Phước.  – đã dẫn ở [1]

[4] Hoàng Hữu Phước. 2013. Tứ Đại Ngu. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/08/05/tu-dai-ngu/

[5] Hoàng Hữu Phước. 08-7-2014. Trình Độ Trương Trọng Nghĩa. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/07/08/trinh-do-truong-trong-nghia/

[6] Hoàng Hữu Phước. 07-11-2011. Phát Biểu Tại Quốc Hội Về Luật Biểu Tình Và Lập Hội. http://hhphuoc.blog.com/?p=52

[7] Hoàng Hữu Phước. – đã dẫn ở [2]

[8] Hoàng Hữu Phước. 21-7-2014. Thông Báo Về Blog Của Hoàng Hữu Phước. http://hhphuoc.blog.com/?p=491 hoặc https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/07/21/thong-bao-ve-blogs-cua-hoang-huu-phuoc/

[9]  Hoàng Hữu Phước. Cần Giải Quyết Dứt Điểm Những Khiếu Nại, Tố Cáo Của Công Dân. Báo Văn Nghệ Trẻ, số ra ngày 24-11-2013. http://hhphuoc.blog.com/?p=253, https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2013/11/22/257/

[10] Hoàng Hữu Phước. Khi Bạn Cần Khiếu Tố, Khiếu Nại. http://hhphuoc.blog.com/?p=97

[11] Hoàng Hữu Phước. 09-4-2009. Việt Nam Đất Nước Kính Yêu. Bản tiếng Việt; http://hhphuoc.blog.com/?p=43. Bản tiếng Anh: http://hhphuoc.blog.com/?p=44

[12] Hoàng Hữu Phước. 20-4-2014. Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Báo Cáo Với Nhân Dân Công Tác Nửa Đầu Nhiệm Kỳ 2011-2016. http://hhphuoc.blog.com/?p=342

[13] Lại Thu Trúc. 23-9-2012. Trách Nhiệm Đối Với Sinh Mạng Người Dân: Tầm Nhìn Và Sự Chính Trực Của Một Nhà Ái Quốc. http://hoanghuuphuocvietnam.blog.com/?p=68

Ghi chú 3: Các tham khảo thêm cho nội dung “Biểu Tình” theo chính kiến kiên định của Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước mà cho đến nay chưa có bất kỳ lập luận nào của bất kỳ ai tại Việt Nam hay trên thế giới phản bác hay dám phản bác trên cơ sở bút chiến luận chính quy chuyên nghiệp đẳng cấp cao và hùng biện thành công:

Hoàng Hữu Phước. 05-6-2013. Phát Biểu Ứng Khẩu Của Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước về Luật Biểu Tình. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2013/06/05/phat-bieu-ung-khau-cua-hoang-huu-phuoc-dai-bieu-tp-ho-chi-minh-ve-luat-bieu-tinh/

Hoàng Hữu Phước. 26-5-2014. Luật Biểu Tình. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/05/26/luat-bieu-tinh/

Hoàng Hữu Phước. 20-5-2014. Biểu Tình Và Ô Danh. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/05/20/bieu-tinh-va-o-danh/

Lời Khuyên Dành Cho Học Sinh

 – Thông Qua Phụ Huynh –

Hoàng Hữu Phước, MIB

 POST (1)POST (2)POST (3)

Phàm khi muốn tỏ ra ta đây như nhà hiền triết, thiên hạ hay nhịp nhịp chân rung rung đùi liêm liếm môi mà phán rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”; song, chưa hẳn sự thật trong đời luôn đã là như vậy. Có kẻ thành công trở thành chủ nhân của hai chữ “đại gia”, song y chỉ luôn mồm nói về thủa hàn vi cơ cực của y (chẳng hạn trường hợp một đại gia ngành “sấy khô” có lần thật thà cho biết được Bố cho vài tỷ Việt Nam Đồng nhưng kinh doanh mất sạch, bị Bố giận dữ ném vô mặt một bao bố đầy vàng thỏi và nhờ y hữu chí cánh thành khiến y tay trắng làm nên nghiệp lớn – mà tay trắng thiệt à nghe, vì có đồng xu cắc bạc nào trong số vốn ít ỏi đó là tiền mồ hôi công sức của y kiếm được khi còn “hàn vi” kiểu ấy đâu) rồi phán vài câu khuyên bảo mang tính ranh ngôn chứ chẳng đời nào nói về những thủ thuật mà y đã xuất chiêu ra sao, với ai, trong hoàn cảnh nào để đánh bại thiên hạ, luồn lách chiếm lĩnh thị trường, trở thành “đại gia” cả. Thế nên, đừng nên mơ tưởng đến chuyện học hỏi kinh nghiệm làm giàu hay làm đại gia của người khác một cách hoặc ngây ngô hoặc trẻ con hoặc láu cá

 POST (4)

và có gần ngọn đèn Led đó thì cũng chẳng sáng được gì đâu vì nó chỉ chiếu ngay tại một điểm nào đó trên quyển bí kíp của y mà thôi. Còn vụ gần mực thì đen cũng không là chân lý, vì rằng nếu bạn sáng thì chẳng phải bạn lọt thỏm trong vùng đen sao? Mặt Trời bắt buộc luôn phải ở trong không gian vũ trụ cúp điện tối thui dù ánh sáng của nó có thể tạo ra điện cho con người. Chẳng hạn như tôi đây thủa nhỏ kề cận toàn những bạn học rất nghèo, học rất kém, thuộc xóm rất “nhà lá”, trong gia đình rất “anh chị bự” nằm sâu trong những hẻm rất “dao búa”, chẳng qua vì cha mẹ của các bạn này khuyên con cái họ gần đèn thì sáng nghĩa là hãy sáp lại tôi, tức là con trai Thầy Hai Cô Hai, cho sáng trong khi tôi có bị họ làm cho đen chút nào đâu. Đó là lý do nhiều ông nam và bà nữ trong xóm nhà Má tôi đến nay vẫn chào tôi kính trọng vui vẻ mỗi khi gặp tôi [1] về thăm Má, và thì thoảng nhắc chuyện ngày xưa đã từng học chung lớp tiểu học với tôi ở trường Phan Đình Phùng (nay ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Tôi không nhớ đã làm các bạn ấy sáng như thế nào, chỉ biết mỗi lần đi học là tôi xòe tay xin Má tôi năm cắc hay một đồng bạc có in nổi hình Ngô Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa để lúc ra chơi thì thò tay qua hàng rào kẻm gai vói mua cà lem (tức cà rem, tức kem) của một ông lão rồi phân chia cho các bạn ấy mút vì thương các bạn ấy nghèo. Có phải cái hiền hậu thương người sẻ chia của tôi làm các bạn ấy hiền hậu theo chăng, nên bây giờ họ là những công dân hiền hậu thương người sẻ chia cực kỳ tốt bụng với Má tôi và các con của Má tôi, chứ cái sự học thì mạnh ai nấy học, không lẽ lại cho copy bài để bị cô giáo quất roi vào đầu các ngón tay chụm lại à? Thôi thì bây giờ với đức khiêm nhường khiêm tốn khiêm cung [2] đã học được từ Đức Phật, tôi tình nguyện đem cái đèn dầu hỏa Huê Kỳ đầy muội khói của tôi

 POST (5)

(không chói chang như đèn pha xe Mercedes-Benz, cũng chẳng tinh tế như đèn led của bút điện tử) ra để kể cho các “bạn” học sinh tiểu học và trung học (vì đại học thì đã muộn rồi, bó tay rồi) – thông qua sự đọc và quyết định có thuật lại cho con em mình hay không của các vị phụ huynh – về tôi, với ước ao có thể soi “sáng” được một hai công dân tương lai của đất nước này vậy. Tùy nam hay nữ mà có sự tham khảo thích hợp cho từng hay tất cả các điểm dưới đây.

Trước hết, tác phong tư thế là thứ phải có từ thủa ấu thơ. Phải đi giày vải hoặc giày da với vớ: đây đã là điều bắt buộc ở tất cả các trường tiểu học công lập ở Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa để học sinh rèn luyện sự nhanh nhẹn trong đi đứng. Thật kỳ lạ khi đến Thế Kỷ XXI rồi mà bậc trung học ở Việt Nam vẫn thấy nhan nhản học sinh đi dép lê hay giày sandal, còn những viên chức công chức nhân viên đi giày không vớ hoặc vào đến nơi làm việc hay phòng họp là cởi giày tuột vớ vì đau chân nóng ngón, né tránh thắt cravat vì ngộp thở nhột cổ, trong khi tâm trí lúc nào cũng mơ mơ màng màng đến chuyện làm việc lương phải cao, ăn mặc phải toàn hàng hiệu, nhà cửa phải sang trọng, bản thân phải có chức trọng quyền cao, đi ô tô phải loại mấy chấm, và nếu xuất ngoại phải đi các nước Âu này Mỹ nọ, v.v. Không ai trong số họ có thể làm người hùng tham gia bắt cướp cứu người hoặc rượt kẻ vừa giật đồ của chính mình hay người yêu của mình, vì chạy bộ đứt quai dép lê hay tuột mất sandal, và không ai thi hành nghĩa vụ công dân tòng quân cứu nước được do không quen với giầy bốt nặng nề nóng bức ẩm thấp của quân đội.

 POST (6)

Nên luôn nhớ: tuổi trẻ chỉ là vị trí ngưỡng tức những bậc thang đầu tiên tiến hoài hoài đến trưởng thành và vượt qua tầng trưởng thành chứ không bao giờ đồng nghĩa với sự thơ dại vô tư vô tâm teen teen[3] tửng tửng đứng hoài trên một bậc thang để nhảy múa; do đó, dù trẻ tuổi vẫn phải biết giữ sự nghiêm túc nghiêm chỉnh như đang bước thận trọng lên những bậc thang, không để bản thân tự làm những hành động hay cử chỉ khiếm nhã, giễu cợt, mà tiếng bình dân gọi là “trò khỉ”, nhất là khi những “trò khỉ” nghịch ngợm lại được thể hiện qua nét mặt và cử chỉ được ghi lại trong những bức hình, cái vật thể mang tính “bằng chứng” mà một người nào đó trong số những người có mặt trong ảnh rất có thể một ngày nào đó trong tương lai thật xa đem ra sử dụng với ác ý nhọ bôi chính bạn. Sự nghiêm túc của đa số các học sinh lớp 9 như trong hình dưới đây có thể là một thí dụ

 POST (7)

Tương tự, nền tảng tư cách hình thành từ trước đó đã được thể hiện trên gương mặt trang nghiêm của tất cả các học sinh trong bức ảnh này:

 POST (8)

Cần lưu ý rằng khi bạn đoan chính, có tư cách cao trọng, thì bạn luôn được kính trọng và tôn trọng đối với những gì riêng tư của bạn, thứ mà ngày nay thiên hạ hay lạm dụng để lãi nhãi rêu rao nhóp nhép ngày đêm: nhân quyền. Chẳng hạn ngay sau ngày 30-4-1975, những mái tóc dài của nam giới và ống quần tây rộng trên 25cm của thanh niên Sài Gòn bị cho là tàn dư của lối sống sa đọa của Mỹ nên không được đón chào, thậm chí bị cấm đoán, bị công an chặn đường sởn tóc, cắt ống quần tại chỗ, và triệt tiêu trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng nam sinh viên này là người duy nhất tự cho mình có quyền để tóc dài dầy và mặc quần tây ống rộng đúng 35cm không hơn không kém, nhưng lại được thế giới quyền lực để yên

 POST (9)

đơn giản vì anh ta là sinh viên xuất sắc của Khoa Anh Văn, người duy nhất được các bậc thầy cô tài hoa duy nhất của Việt Nam về Anh ngữ tôn trọng, thương yêu [4], và là người xung phong hướng dẫn thể dục cho cả 2 lớp Anh Văn ở sân bóng chuyền của trường vào giờ ra chơi, cái việc mà mọi sinh viên khác đều tránh né vì “mắc cở” hoặc biếng lười;

 POST (10)

ngoài ra, anh ta từng hai lần bắt cướp trước cổng trường Đại học Văn Khoa và trước Đài Truyền Hình Thành phố Hồ Chí Minh, dù anh ta cao nhòng 170 xen-ti-mét ốm nhom ốm nhách nặng có 48 ký-lô-gờ-ram đã trừ bì (sau này làm doanh nhân nặng ngược 84 ký net không mặc gì, rồi nay làm nghị sĩ còn 70 ký gross với veston trấn thủ) và cận thị hơn 7 đi-ốp (sau này làm doanh nhân viễn thị 6 đi-ốp và nghị sĩ loạn thị 5 đi-ốp), cái tiêu chuẩn công tử hippie mà quân đội chính quy hùng mạnh của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lịch sự mời anh ta đi chỗ khác chơi ngay từ cái nhìn đầu tiên ở bãi giữ xe (trong khi bọn ngu dốt Chống Cộng hê lên rằng chúng biết anh đã trốn nghĩa vụ quân sự mà không biết rằng vào thời đó trốn nghĩa vụ quân sự đồng nghĩa với việc phải sống ngoài vòng pháp luật);

 POST (11)

còn ở tại địa phương nơi cư trú, sinh viên này chính là Tổ phó An ninh Tổ Dân phố với những thành tích tuần tra nhiều phen bắt trộm cướp giữ gìn an ninh trật tự cho dân chúng trong chu vi tuyến đường vuông vức Nguyễn Thiện Thuật-Nguyễn Đình Chiểu-Cao Thắng-Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)

 POST (12)

 POST (13)

Không những thế, Ba của anh ta cũng có thành tích trong Bảo Vệ An Ninh Tổ Quốc với vai trò Trưởng ban Bảo vệ Khu phố:

 POST (14)

đó cũng là tích hợp quá nhiều những lý do để dù gia đình không “có công với cách mạng”, không có ai là Đảng viên Cộng sản Việt Nam, không có ai là Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sinh viên này được chính quyền làm ngơ cho anh ta tự do để tóc dài, còn gia đình anh ta được một suất  đi du học ngành ngôn ngữ học ở Liên Xô.

Mái tóc dài “tự do, dân chủ, nhân quyền”[5] [6] của sinh viên này có thể được cắt ngắn tí chút khi đến trường Bùi Thị Xuân thực tập giảng dạy vài lớp 11, nhưng anh ta vẫn luôn không cài hai nút áo trên cùng, như để thỏa một cái “tôi” của một cá tính mạnh mẽ bất khuất, của một sự khác biệt thể loại differentiation tức một thứ signature đặc trưng nổi bật “không đụng hàng” (mà ngành kinh tế cùng quản trị kinh doanh quốc tế vài chục năm sau thường hay cổ súy, truyền bá, ngợi ca), và của lòng yêu tự do, kính dân chủ, trọng nhân quyền, cũng như trách nhiệm thực sự thực chất của một công dân gương mẫu đối với tổ quốc [7]: sống trong đạo đức, đạo hạnh, đạo nghĩa, đạo lý, và trách nhiệm đối với công việc tức là luôn luôn hoàn thành trên cả xuất sắc mọi công việc, luôn luôn đạt đẳng cấp cao nhất loại second-to-no-one để có thể đem tài ra thi thố bảo vệ chính nghĩa của Đảng, của chính phủ, của đất nước, của dân tộc, trên bình diện quốc gia và thế giới

 POST (16)

Đó cũng là lý do người sinh viên dám để tóc không những dài mà lại là dài nhất nước trong một xã hội xã hội chủ nghĩa cực kỳ nghiêm khắc triệt để nghiêm cấm các hình thức thể hiện tự do cá nhân theo trường phái hippie lại nhận được bút phê của một chức sắc cộng sản là Thầy Khoa Trưởng Phan Nam ngợi khen về tư cách trong hồ sơ tốt nghiệp sau khi các thầy cô kính yêu [8] thất bại trong nổ lực kiến nghị hãy giữ anh lại làm giảng viên Anh văn của Đại học Tổng hợp

 POST (17)

Và khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng màu xanh lè hạng trung bình vì có điểm thấp lè tè ở những môn không phải tiếng Anh (cô bạn học chung lớp sau này làm vợ của anh thì có bằng đỏ lòm do tốt nghiệp loại giỏi), anh ta là sinh viên duy nhất được Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hùng (nguyên phiên dịch viên tiếng Anh của Tướng Võ Đông Giang và Tướng “độc nhãn” lừng danh Hoàng Anh Tuấn, đại diện Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam trong Ban Liên Hiệp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên ở trại Davis, sân bay Tân Sơn Nhất, trong Ủy ban Quốc tế những năm 1973-1975) “tiến cử nhân tài” [9] cho Đảng để công tác tình báo [10] thuộc Công An Nhân Dân; song, khi đến trình diện Trưởng Phòng Tổ Chức Cán Bộ Sở Lê Văn Toan tại Sở Công An Thành phố Hồ Chí Minh, anh ta lại khẩn khoản xin được theo nghề giáo để rồi lúc Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh tích cực ba lần kiên trì xin anh về cho bằng được, anh được Tổ Chức Chính Quyền Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận phân công về làm cán bộ giảng dạy Anh Văn các bộ môn Năm Thứ Ba mà các giáo viên đương nhiệm tại đó run sợ né tránh đẩy đùn (như Lexicology, Văn Chương Anh British Literature, Văn Minh Anh British Civilization, Thông-Phiên Dịch Translation-Interpretation, và Luyện Viết Văn Composition, v.v.), thì mái tóc anh vẫn không vì thế mà ngắn cho đúng nghĩa “thấy tai thấy gáy”:

POST (18)

Như vậy, sinh viên và nhà giáo trên đã có toàn quyền thể hiện cái tôi và sự làm chủ bản thân đối với những gì thuộc riêng về anh ta, vượt qua cả những định kiến hay quy định, chỉ vì anh ta xuất sắc về chuyên môn, hồng thắm về tư tưởng cách mạng, sống tích cực vì nước vì dân, đạo đức tác phong luôn nghiêm nghị nghiêm túc nghiêm trang, gởi nhiều thư đóng góp ý kiến mạnh mẽ dù về những vấn đề cực kỳ nhạy cảm – mà mọi người khác khiếp sợ không dám nói đến – để xây dựng Đảng và đất nước [11] [12];

 POST (19)POST (20)

còn mái tóc anh ta nếu có ngắn thì không bao giờ tại bị vì bởi bất kỳ sự bắt buộc khuyên lơn áp đặt nào của bất kỳ quyền lực nào của bất kỳ cơ quan nào, mà đơn giản chỉ vì anh ta là người yêu cái đẹp, biết rất rõ rằng mái tóc dài chỉ tạo dáng đẹp kiêu dũng với đúng người kiêu dũng như anh ta, ở đúng tuổi đẹp của người ấy, và vào đúng lúc đẹp của người ấy:

 POST (21)POST (22)

trong khi vài chục năm sau đó trong nước nảy ra cái “mốt” cứ hễ đến (hoặc sắp đến) tuổi về hưu thì mấy cụ ông nào nghề nghiệp có chữ “nhà” (như …nhà sử học, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, v.v.) hay chữ “nghệ” thì đột nhiên can đảm dám bắt đầu để tóc dài tuy không còn tí tẹo cỏn con nào tố chất của thẩm mỹ hùng anh, ắt cho rằng do nhiều chục năm trước vì nhát gan run sợ đến chết khiếp đến độ mái tóc riêng của chính mình cũng không dám để dài hay cạo trọc làm phí cả đời trai nên nay phải để dài như một thứ đền bù kom-păng-xa-xi-ông tự chứng tỏ mình ngon lành chăng.

Khi bắt đầu làm việc tại các công ty, tập đoàn nước ngoài, nhà giáo-doanh nhân này đã trải qua những giai đoạn “tự do”:

 POST (23)

nhưng vẫn không bao giờ quên ngoài đạo đức gia phong, đạo đức mặc định, đạo đức xã hội nhân quần, đạo đức truyền thống dân tộc, và đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh, còn có cả đạo đức cách mạng mà mọi công dân yêu nước thật sự không thể không trau giồi, thứ đạo đức mà nhiều người lầm tưởng thuộc đặc quyền tu dưỡng của riêng chỉ cán bộ đảng viên Cộng sản:

 POST (24)

Tư cách và tư thế ấy luôn phải được thể hiện xuất sắc không vì cá nhân anh ta mà vì quốc thể, để dù đàm phán với một lãnh đạo doanh nghiệp Âu Châu về phát triển kinh doanh tại một hội chợ quốc tế

 IM000230.JPG

hay dự lễ ký kết với ban lãnh đạo Đài Loan của tập đoàn địa ốc Phú Mỹ Hưng

 POST (26)

tham dự hội thảo lúc nước nhà mới vừa thực thi chủ trương “mở cửa”

 POST (27)

hoặc tiếp xúc những chức sắc ngân hàng Phi Châu lúc đất nước trên đà hội nhập rộng sâu

 POST (28)

hay lúc đến Tổng Lãnh Sự Quán Ấn Độ năm 2009 nhận công thư có ấn ký của chính quyền Ấn Độ xác nhận sự ủy quyền của một doanh nghiệp quốc doanh Ấn Độ để đàm phán các giao dịch thương mại nhằm phát triển kinh tế vùng Đông Bắc Ấn

  OLYMPUS DIGITAL CAMERAPOST (30)

khi đến tỉnh Vĩnh Phúc phụ trách các module chuyên đề Chiến Lược Giao Tiếp Trong Kinh DoanhVăn Hóa Doanh Nghiệp & Truyền Thông Nội Bộ dành cho toàn ban lãnh đạo cấp cao của Công ty Xuân Hòa

 POST (31)

kể cả những lúc “hành nghề” làm MC song ngữ Anh-Việt hàn lâm duy nhất ở Việt Nam tại các tiệc cưới sang trọng có yếu tố nước ngoài

 POST (32)

lúc chụp hình xã giao với Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhân Quốc Khánh Hoa Kỳ lần thứ 238 ngày 04-7-2014

 POST (33)

hay trò chuyện thật vui thể hiện một “excellent sense of humour” cùng Tân Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhân Quốc Khánh Hoa Kỳ 2014

 POST (34)

hoặc với các nữ doanh chủ

 OLYMPUS DIGITAL CAMERA

hay các cộng sự trung tín trung thành trung hậu ở văn phòng cơ quan

 POST (36)

hoặc cùng họ thăm các danh thắng quốc gia này hay quốc gia khác

 IM000183.JPG

thì cũng nghiêm túc nghiêm trang nghiêm nghị nghiêm khắc y như thủa còn là sinh viên chụp hình chung với những lớp đàn em, không bao giờ toét toe đú đởn bá cổ quàng vai ôm người bẹo má:

 POST (38)

hoặc như khi xếp hàng chuẩn bị vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 POST (39)

ngay cả khi trong vòng vây tình cảm thân thương của những người dân quê, những người nhiều chục năm nay vẫn luôn nhớ và gọi anh ta là “Thằng Trọng hiếu thảo, cháu ngoại Năm Vinh[13]

 POST (40)

thì sự lịch lãm lịch thiệp lịch sự, tươi trẻ tươi tắn tươi vui, nghiêm nghị nghiêm túc nghiêm trang luôn được thể hiện ở mức độ cao nhất, nhằm một mục đích duy nhất: khiến mọi người được tiếp xúc với anh ta đều phải kính trọng nể trọng tôn trọng quý trọng con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, Chính quyền Việt Nam, phong hóa Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, qua phong thái phong cách phong độ đường bệ đường đường chính chính của anh ta: một công dân Việt Nam bình thường bình dân bình dị, chân thiết chân chất chân tình, cả đời tôn sùng tôn bái tôn vinh đức liêm khiết và liêm chính.

Hãy sống thật bình thường như thế;

Hãy học thật bình thường như thế;

Hãy có sự trưởng thành thật bình thường như thế trong tư duy;

Và hãy làm được những điều thật đơn giản bình thường như thế trong đời sống;

Để bừng tỏ bản thân rằng bạn yêu chuộng tự do đoan chính chứ không là thứ say rượu do bã mèm tự do nô dịch phản loạn phản quốc phản động;

Để chứng minh sự thể hiện cái bản ngã của bạn chỉ xuất phát từ trí tuệ trí hóa trí thông minh chứ không từ bản năng của giống loài nhai lại [14][15] [16] [17] [18] ;

Để không bất kỳ kẻ ác tâm ác ý ác độc nào trên thế gian này – nhất là bọn báo chí hai mang hèn hạ [19] [20], đám truyền thông ba mang bẩn nhơ, lũ mạng xã hội bốn mang thối tha [21] – có thể giở bất kỳ trò đê tiện nào để bôi nhọ được thanh danh của bạn, uy tín của bạn [22] ;

Vì bạn có trong tay những gì mà người sinh viên trong câu chuyện dài dòng trên đã có – chí ít là qua những bức ảnh anh ta đã cung cấp trong bài viết này, những bức ảnh (và tình tiết chi tiết) mà nếu anh ta không cho phép tác giả bài này tải đăng thì không bất kỳ ai trên đời có thể có trước trong tay để hét toáng lên rằng chúng biết rất rõ về anh.

Hãy chuẩn bị cho chính mình thậm chí ngay từ lúc còn là thiếu nhi những thứ làm giá trị cộng thêm sau này cho giá trị bản thân vững vàng của bạn (kể cả cách hành văn đặc sắc đặc trưng riêng của bạn dù bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài mà bọn mất dạy không thể bắt chước được để ngụy tạo các “tác phẩm” gán tên bạn vào) để bảo vệ chính bạn trong cõi ta bà ô trọc đầy bẫy rập gian trá gian xảo gian tà này của thời Mạt Pháp.

 POST (41)POST (42)POST (43)ScreenShot433WOW (1)

Tannhauser-Beowulf-Thor [23] Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú 1: Bài này – và tất cả các bài khác trên blog này của Hoàng Hữu Phước – có thể được đăng lại, toàn phần hay một phần, kể cả hình ảnh, bởi bất kỳ ai quan tâm đến, song phải trên tinh thần nhân văn đỉnh cao của Thùng Nước Đá và Blog mà người đăng lại được mặc định đã xem tại http://hhphuoc.blog.com/?p=181 và đã nhất trí đồng ý tôn trọng tuyệt đối.

Ghi chú 2:

[1] Hoàng Hữu Phước. 29-4-2014. Tôi Và Các Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa. http://hoanghuuphuocvietnam.blog.com/?p=52

[2] Hoàng Hữu Phước. 10-10-2011. Khiêm Tốn. Bài đăng trên Emotino.com (đã ngưng hoạt động). Đăng lại tại http://hoanghuuphuocteachers.blog.com/2013/03/12/khiem-t%e1%bb%91n/

[3] Hoàng Hữu Phước. 2009. Tuổi Teen Không Bao Giờ Có Thật. Bài đăng tháng 12-2009 trên Emotino.com (đã ngưng hoạt động). Sẽ được đăng lại trên các blog khác của Hoàng Hữu Phước.

[4] Hoàng Hữu Phước. Các Thầy Cô Kính Yêu Của Hoàng Hữu Phước. http://hoanghuuphuocteachers.blog.com

[5] Hoàng Hữu Phước. 17-5-2010. Thế Nào Là Tự Do, Dân Chủ. Đăng trên Emotino.com. Đăng lại tại http://hhphuoc.blog.com/?p=326 ngày 24-3-2014.

[6] Lại Thu Trúc. 04-02-2014. Nhân Quyền Việt Nam. http://hhphuoc.blog.com/?p=288

[7] Hoàng Hữu Phước. 09-4-2009. Việt Nam Đất Nước Kính Yêu. Bản tiếng Việt; http://hhphuoc.blog.com/?p=43. Bản tiếng Anh: http://hhphuoc.blog.com/?p=44

[8] Hoàng Hữu Phước.  – đã dẫn ở [4]

[9] Hoàng Hữu Phước. 20-4-2014. Nhân Tài Ư? Thật Hỡi Ơi! https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/04/20/nhan-tai-u-that-hoi-oi/

[10] Hoàng Hữu Phước. Đảng Cộng Sản Việt Nam Và Công Dân Có Năng Lực: Tôi Và Ngành An Ninh Tình Báo. Bài đăng tháng 8-2011 trên Emotino.com (đã ngưng hoạt động). Sẽ được đăng lại trên các blog khác của Hoàng Hữu Phước vào thời điểm thích hợp.

[11] Hoàng Hữu Phước. 21-7-2013. Báo Sài Gòn Giải Phóng. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2013/07/21/bao-sai-gon-giai-phong/

[12] Hoàng Hữu Phước. 14-3-1993. Tôi Gởi Thư Cho Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam. Bài đăng lần đầu bằng tiếng Anh trên Yahoo!3600 ngày 23-8-2008. Đăng lại song ngữ Anh và Việt trên Emotino.com ngày 14-9-2008. Nguyên bản sẽ được đăng lại trên các blog khác của Hoàng Hữu Phước.

[13] Hoàng Hữu Phước. 05-11-2012. Hoa Tàu. http://antichina.blog.com/?p=60

[14] Hoàng Hữu Phước. 08-3-2014. Về Cái Sự Trăn Trở Của Sinh Viên Ngô Di Lân. http://hhphuoc.blog.com/?p=318

[15] Hoàng Hữu Phước. 17-01-2013. Nhân Nghe Về Huy Đức. http://hhphuoc.blog.com/?p=121

[16] Hoàng Hữu Phước. 05-10-2010. Tôi Và Lê Công Định. Bài đăng trên emotino.com (đã ngưng hoạt động). Nguyên bản được đăng lại ngày 22-9-2014 ở https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/09/22/toi-va-le-cong-dinh/. Đăng rút ngắn trên Báo Nhân Dân, trang 8, số ra ngày 07-9-2012: (http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/quocte/phantichnhandinh/la-cong-dan-ph-i-tuan-th-lu-t-phap-qu-c-gia-1.366322) và tại http://hhphuoc.blog.com/?p=92.

[17] Hoàng Hữu Phước. 19-02-2010. Tôi Và Cu Huy Ha Vu. Bài đăng trên Emotino.com (đã ngưng hoạt động). Nguyên bản sẽ được đăng lại trên các blog khác của Hoàng Hữu Phước.

[18] Hoàng Hữu Phước. 08-7-2014. Trình Độ Trương Trọng Nghĩa. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/07/08/trinh-do-truong-trong-nghia/

[19] Hoàng Hữu Phước. 20-8-2014. Quyền Lực Thứ Sáu. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/08/13/quyen-luc-thu-sau-3/ 

[20] Hoàng Hữu Phước. 2013. Tứ Đại Ngu. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/08/05/tu-dai-ngu/

[21] Hoàng Hữu Phước.14-8-2013. Mạng Xã Hội. http://hhphuoc.blog.com/?p=210  hoặc https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2013/08/14/mang-xa-hoi/

[22] Lại Thu Trúc. 23-9-2012. Trách Nhiệm Đối Với Sinh Mạng Người Dân: Tầm Nhìn Và Sự Chính Trực Của Một Nhà Ái Quốc. http://hoanghuuphuocvietnam.blog.com/?p=68

[23] Hoàng Hữu Phước. 28-9-2011. Tại Sao Là Tannhauser Beowulf Thor. Bài đăng trên emotino.com (http://www.emotino.com/bai-viet/19308/vi-sao-la-beowulf-thor). Emotino.com đã ngưng hoạt động từ Qu‎ý II năm 2014. Bài sẽ được đăng lại trên blog này.