Monthly Archives: January 2016

Đồng Phục Học Sinh

Hoàng Hữu Phước, MIB

Có một chân lý ở Việt Nam rằng khi học đường quan tâm tạo dáng cho đồng phục của học sinh như cách để tạo sự khác biệt đặc trưng thì đó là nơi chốn không bao giờ là của nguồn nhân lực tương lai hùng mạnh của quốc gia.

Có trường thì các cấp lớp tự tranh nhau tạo sự khác biệt thí dụ như tại một trường nọ ở Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh trang phục thể dục khác nhau do có lớp quyết định chọn màu tím cho cả nam sinh và nữ sinh, có lớp lại chọn màu hồng hay màu vàng, và tất nhiên các lớp khác chọn những màu sắc chưa được chọn để khỏi “đụng hàng”.

Nhưng tất cả các trường ở Thành phố Hồ Chí Minh đều có các kiểu gọi là “đồng phục” riêng, chẳng hạn như tại trường dưới đây ở Quận Phú Nhuận:

 Dong Phuc

thay vì dạy học sinh cách thắt cra-vat vốn cực kỳ cần thiết do có rất nhiều “người lớn” ở thành thị và tại tất cả các công ty lớn cũng như nhỏ vẫn chưa biết thắt cra-vat cho chính mình, nhà trường lại “bán” cho học sinh cả nam và nữ sợi dây đeo trước cổ như trong ảnh trên. Gọi là dây đeo cổ vì không phải thắt mà là một sợi dây may dính vào cái lưỡi thè dài nhìn xa giống như một cra-vat nhưng luôn được buông lã lơi một cách diễu hề không nghiêm túc, bất lịch sự, vô văn hóa, cực kỳ nhếch nhác. Nếu như ban giám hiệu và giáo viên nam nữ của trường trung học trên vẫn không có ý kiến gì về cái kiểu “thời trang” như thế thì rõ là cái danh xưng nhà giáo dục của họ rõ là có vấn đề nghiêm trọng.

Tôi không phải người bảo thủ trong lĩnh vực thời trang vì tôi luôn “đa sắc màu” ngay cả tại nghị trường Quốc Hội cũng vận áo sơ mi từ tím than đến tím…hoa sim hay mọi màu sắc khác thay vì lẽ ra nên luôn là màu trắng trang trọng

 Dongphuc2

cũng như luôn thoải mái khuyến khích vợ tôi khi chúng tôi vừa mới lập gia đình thích đi đó đi đây chu du thiên hạ cách nay 30 năm hãy tự nhiên ăn mặc “sexy” dù bộ áo tắm có “hở hang” thế nào cũng được khi tắm biển Vũng Tàu hay Nha Trang (dù chính vợ tôi lúc nào cũng ngượng ngùng, kín đáo, cứ tự ý kiếm voan may thêm vào áo tắm để che bới đùi, mông) tôi vẫn cho rằng cái gọi là “đồng phục” của học sinh thời Việt Nam Cộng Hòa mới là duy nhất đúng. Thủa ấy, nữ sinh bất kỳ trường học nào cũng mặc áo dài trắng; còn nam sinh bất kỳ trường học nào cũng mặc áo sơ mi trắng (hoặc dài tay hoặc dài tay hoặc ngắn tay) bỏ trong quần dài ka-ki xanh dương đậm, đi giày vải hoặc giày xăng-đan – nói chung là “có quai hậu”.

 Dongphuc3

Sự phân biệt học sinh trường này với trường khác chỉ dựa vào huy hiệu bằng vải có tên trường, thứ duy nhất mà phụ huynh mua của trường để về tự may vào trên túi áo trái của con mình. Tất nhiên, có trường – thiểu số cực kỳ hiếm hoi – như trường Nguyễn Bá Tòng chế ra huy hiệu hình chiếc lá bằng kim loại màu vàng có nền nhựa trong màu đỏ như trong ảnh dưới đây:

 Dongphuc4

Điều thuận lợi ở đây là (a) người mẹ trong gia đình hoặc tự may áo dài cho con gái, áo sơ mi cho con trai, tự đính huy hiệu vào áo cho con; (b) do áo chất lượng tốt nên áo của anh chị có thể được sử dụng tiếp bởi các em, chỉ cần người mẹ trong gia đình tháo huy hiệu ra và đính huy hiệu mới vào nếu các con nhỏ tuổi hơn theo học trường khác với anh chị; (c) ngay cả huy hiệu như của Nguyễn Bá Tòng lại càng dễ sử dụng và tiết kiệm do có kim gài mà anh chị nếu học khác buổi với các em đều có thể cùng sử dụng chung – đặc biệt cơ chế tổ chức cực kỳ khoa học của nhà trường Việt Nam Cộng Hòa khiến dù học 6 ngày mỗi tuần tức kể cả Thứ Bảy, dù học rất nhiều môn, dù môn nào cũng phải thi cuối năm, cuối cấp, và tú tài, thì vẫn chỉ học một buổi duy nhất trong ngày tức học toàn bộ các buổi sáng hoặc toàn bộ các buổi chiều; (d) học sinh chỉ lo chăm học chứ không lo đua đòi vì mọi đua đòi bị triệt tiêu nơi chốn học đường, còn nhà trường không ai bị mang tiếng tranh thủ bòn rút kiếm chác tiền của phụ huynh qua việc bày trò “kiểu đồng phục riêng” hầu cơ sở may mặc của gia đình các vị chức sắc trong ban giám hiệu có dịp “độc quyền kiếm ăn” quanh năm suốt tháng; và (e) nữ sinh dù không bao giờ được hướng dẫn phải tu dưỡng ra sao vẫn tự nhiên hình thành nếp tư thế khoan thai, sang trọng, cẩn trọng, thướt tha, với chiếc áo dài đồng phục của mình do không thể chạy giỡn, phá phách, thét gào teen teen tửng tửng tứng từng tưng.

Mỗi khi tan trường, học sinh trung học của Việt Nam Cộng Hòa chỉ cần kéo áo sơ mi ra để “thoải mái” dù nhếch nhác

 Dongphuc5Dongphuc6

thì học sinh tại trường đã nói ở trên tại Quận Phú Nhuận lại “nhếch nhác” toàn bộ thời gian từ nhà đến trường, trong trường, và từ trường về nhà chỉ vì cái kiểu đeo toòn teng cái “thè lưỡi” nhái nhái cra-vat chẳng giống ai đó.

Học đường là nơi nghiêm túc vì đào tạo nguồn nhân lực cao cho xã hội. Chốn tu hành là nơi nghiêm túc vì là nơi xuất phát của các bậc cao tăng. Học đường không thể thi nhau bày ra đồng phục riêng với phụ tùng riêng để tạo sự riêng biệt trong ngoại hình đối với trường học khác trong quận nhà hay quận khác. Chốn tu hành không thể bày ra đồng phục riêng với phụ tùng riêng để tạo sự riêng biệt trong ngoại hình đối với cơ sở tôn giáo khác trong quận nhà hay quận khác. Cái tự do về tạo hình trong trang phục chỉ có đối với học sinh đã bước chân vào đại học hay vào đời. Cái tự do về tạo hình trong trang phục chỉ có đối với nhà tu hành đã hoàn tục hoặc tu xuất. Thậm chí cái tự do về tạo hình trong trang phục có khi cũng không được tồn tại đối với những “người lớn” nào làm việc cho những công ty “lớn” có Dress Code tức quy định về trang phục hay đồng phục, khiến cái tự do về tạo hình trong trang phục chỉ có thật đối với đời sống cá nhân bên ngoài nơi làm việc. Chỉ cần hiểu biết về điều này, nhà trường tất nhiên sẽ phải quy định như các trường học – dù công lập hay tư thục – của Việt Nam Cộng Hòa để chuẩn bị cho những học sinh làm quen với “dress code” để tiến từ học đường ra xí nghiệp, cơ quan, lực lượng vũ trang, v.v., phù hợp với kỷ cương chung, quy định chung, ngay từ thủa nhỏ.

Một khi đầu óc chỉ nghĩ đến sự tranh đua về độ nổi bật của trang phục, sẽ không bao giờ có chỗ cho tri thức, mà học đường là nơi cung cấp tri thức, hướng dẫn hình thành trí thức, càng không thể nào là nơi bày ra “thời trang” hoặc mặc cho học trò bày ra “thời trang”.

Thật bình thường khi tại trung học vào giờ ra chơi nam sinh tụ năm tụ ba bàn tán với nhau về một hoa khôi, còn nữ sinh tụ năm tụ ba bàn tán với nhau về một nam khôi. Đây là điều chứng tỏ sự phát triển tư duy thẩm mỹ lành mạnh, phát triển tâm sinh lý lành mạnh, và phát triển nhân cách lành mạnh. Thật đáng thương hại nếu vào giờ ra chơi các học sinh trung học lại bàn với nhau về màu trang phục nên mua sắm hay đặt may cho môn thể dục của lớp, bàn với nhau về giày Adidas, về xe phân khối lớn và cách dấu xe phân khối lớn ấy tại nhà dân gần trường, v.v.

Thật đáng thương hại khi tại trường trung học hay đại học có tổ chức thi hoa khôi hoặc thi hoa hậu, thi thời trang. Đây là điều chứng tỏ trường trung học ấy, trường đại học ấy đã không còn ở bậc thang lành mạnh.

Đồng phục là công cụ hình thành nhân cách học sinh chứ không phải là thứ tạo sự khác biệt giữa trường này với trường khác, vì sự khác biệt – nếu có – luôn chỉ là trình độ cao đến đâu của thầy cô cũng như của học trò so với các trường khác.

Đồng phục là công cụ hình thành giềng mối gắn kết của gia đình khi (a) mẹ và chị may áo và thêu thùa gắn đính dãi băng huy hiệu lên áo ấy cho con em, và (b) tiết kiệm là gia sách (so với quốc sách).

Trường học không hiểu gì về tầm quan trọng của đồng phục thì e là giới con buôn đã tràn ngập chốn học đường mất rồi!

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tầm Nhìn Của Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước

Hoàng Hữu Phước, MIB

 Tam Nhin1

Tầm nhìn là thứ luôn có nơi mỗi người. Vấn đề là nhìn vào gì hay vào những gì và thấy gì hay thấy những gì trong vô số những gì; nhìn đến đâu: ở gần, ở xa, ở rất xa, ở đường chân trời, ở phía sau đường chân trời; nhìn phía nào của trên dưới trái phải; và quan trọng nhất là bản thân người nhìn có thiên hướng như thế nào sau khi nhìn và thấy, đồng thời có diễn giải được bằng ngôn ngữ để phổ biến cái đã nhìn đã thấy được ấy cũng như luôn kèm theo đó là những đánh giá, những phê phán, những phân tích, những tổng hợp, những đề nghị, và các đề xuất hay không. Chính những khác biệt này mà cái gọi là tầm nhìn của một người mới được xem là sự thấu thị mang tính tiên tri chiêm nghiệm – gọi tắt là tiên tri thấu thị mà tiếng Anh gọi người có khả năng như thế là man of vision – hay chỉ là khả năng cơ học của đôi mắt chưa đến lúc phải đeo kính cận, kính viễn, kính loạn, hay kính lão, có gọng vàng, gọng nhựa, gọng dây thun, hay loại áp tròng.

Thủa ấu thơ tôi rất kính nể các cụ chơi cờ tướng vì tầm nhìn của các cụ đối với các nước cờ mà đối thủ sẽ đi sau tối thiểu dăm ba nước đi, thậm chí chính các cụ đã biến thành ngữ “thí chốt” trở thành lạc hậu khi các cụ thí cả xe – pháo – mã để bảo vệ các quân chốt đang lừ đừ từ đồ dần dà tiến bước vây hãm tướng soái của đối phương. Tôi vốn người minh bạch, nên sau thời gian dài từ lúc chưa có cái gọi là vi tính viễn thông cho đến ngày nay đã làm gì khi nhìn thấy gì, muốn ghi lại dăm ba nội dung nào mà tôi còn nhớ được, vừa để sẻ chia với mọi người về cái tầm nhìn của mình, vừa để mong có ngày sẽ được vài người rộng lượng nhìn nhận đó là tầm nhìn, để tôi tự an ủi rằng ít ra mình xứng đáng với vai trò một nghị sĩ trong một nhiệm kỳ qua, do nghị viện chính trường là nơi chỉ dành riêng cho những người luôn có tầm nhìn. Không có tầm nhìn thì chỉ đơn giản là người lạc lối chốn bàn đào, không đủ lực đứng ra tham gia lo chuyện quốc gia đại sự, quốc kế đại minh, vì quốc dân đại phát trong quốc tế đại hỗn mang.

A- Tầm Nhìn Học Thuật

1- Đế chế Kinh Tài Chindia

Còn khi thế giới học thuật hàn lâm bắt đầu nói về toàn cầu hóa và hí hửng đem thuật ngữ “Chindia” vào chương trình thạc sĩ kinh doanh quốc tế để nói về sự hình thành một đại siêu cường kinh tài của tương lai gồm sự cộng sinh tương hổ của hai thị trường khổng lồ của China – công xưởng của thế giới – và Ấn Độ – văn phòng của thế giới – sẽ thống trị toàn cầu, thì tôi đã tận dụng tính tự do trong nghiên cứu hàn lâm để một mặt viết khóa luận cho Đại Học Curtin (Australia), một mặt viết trên Yahoo!3600 một bài tiếng Anh mang tựa đề “People Say Chindia. I Say Vietnam” với nội dung rằng thật là sai lầm hoang tưởng bậy xằng khi đánh bóng về Chindia do không bao giờ có sự hình thành của cái gọi là Chindia ấy. Tôi đã phân tích về thế mạnh của Ấn Độ. Tôi đã phân tích về thế mạnh của Tàu. Tôi đã phân tích vì sao sẽ là sự kém khôn ngoan khi đầu tư vào Ấn Độ chỉ vì Chindia. Tôi đã phân tích vì sao sẽ là sự tự sát nếu đầu tư vào Tàu chỉ vì Chindia. Tôi đã phân tích vì sao không bao giờ có Chindia. Kết luận của bài viết ấy là: một nhà tư bản nếu thật sự khôn ngoan sẽ chọn Việt Nam làm nơi đổ tiền vào thay vì vào Ấn Độ và Trung Quốc bởi vì cái hình ảnh hào nhoáng từ cái tên Chindia vớ vẩn ấy. Thế rồi quả nhiên Chindia biến mất một cách nhục nhã khỏi diễn đàn hàn lâm. Thế rồi quả nhiên các đại gia sau khi đã đổ xô đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở Trung Quốc dẫn đến việc biết bao bí mật phát minh kỹ thuật bị ăn cắp, công ty bị đập phá đốt phá tan tành bởi những đám đông người Tàu xuống đường biểu thị lòng “yêu nước, chống xâm lược” mỗi khi có căng thẳng ở Biển Hoa Đông rốt cuộc cũng phải bỏ chạy khỏi Trung Quốc và dời nhà máy sang Việt Nam. Đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa như thế về số phận Chindia!

 TamNhin

2- Phát kiến BoP

Án binh bất động là căn bệnh trầm kha của giới thức giả Việt Nam, còn dệt thêu là căn bệnh kinh niên của giới thức giả Âu Mỹ. Cũng vì vậy, Việt Nam chớ có công trình nghiên cứu nào làm thế giới phải ghi danh, còn Âu Mỹ mới có vô số công trình tầm cỡ Nobel cùng lắm tác phẩm cưc kỳ vớ vẩn. Một trong những cái vớ vẩn đó là việc rặn ra cái gọi là BoP (Bottom of the Pyramid – đáy kim tự tháp – ví von nơi có đông dân nghèo nhất ) xem như phát kiến vĩ đại về một nơi mà giới tư bản có thể đổ quân đến thu hốt lợi nhuận cao nhờ bán cho số đông (đơn giản: cứ mỗi 1 tỷ người nghèo thì chỉ cần moi của mỗi người 1 USD thôi là sẽ có ngay 1 tỷ USD), cho đến khi tôi phản bác trong bài tiểu luận ở Đại Học Curtin rằng nào có hay ho gì việc đại gia tư bản chen chân vào vừa vơ vét tiền xu của người cùng khổ vừa lấy thịt đè người tiêu diệt luôn ngành tiểu thủ công nghiệp ở nước sở tại chẳng hạn như công ty đại gia tư bản thế giới rao ra rả trên tivi Ấn bán cà-rem giá rẻ mạt cho trẻ em cùng khổ rồi trên tivi Việt quảng cáo gói bột giặt hay dầu gội đầu nhỏ xíu giá rẻ mạt hai trăm đồng. Rốt cuộc, đại gia tư bản tuy vẫn cứ tiếp tục moi móc từng xu lẻ của dân nghèo các nước nhưng câm miệng lại không dám tung hê BoP như nền tảng hàn lâm cho sự lấn chiếm tổng lục của họ nữa khiến BoP lặng lẽ biến mất khỏi tháp ngà hàn lâm. Đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa như thế về số phận hèn hạ của BoP!

B- Tầm Nhìn Kinh Tế

1- Hàng Trung Quốc

Từ nửa cuối những năm 1990 của thế kỷ trước tôi đã yêu cầu cô thư ký của tôi là Phan Nguyễn Tường Uyên không được mua văn phòng phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc vì chúng có chất lượng tồi tệ so với văn phòng phẩm Nhật Bản mà tôi đã quen dùng từ trước 1975, và khẳng định với các nhân viên thuộc quyền rằng chất lượng hàng Trung Quốc sẽ tồi tệ hơn theo năm tháng. Mà quả thật, ngày nay hàng Trung Quốc toàn là thứ vất đi, độc hại, rẻ mạt, ngay cả việc xây dựng kỹ thuật hiện đại hơn như đường sắt cao tốc trên cao ở Hà Nội do Trung Quốc xây dựng cũng là một thứ đường sét thấp tốc với thời gian xây dựng cực kỳ cao. Đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa như thế về nơi đến của hàng hóa cùng dịch vụ Tàu, từ miếng dán sticker khiến trẻ em gái Việt Nam lao vọt như tên bắn đến tuổi dậy thì, cho đến hàng không mẫu hạm của lĩnh vực quốc phòng, v.v. Nơi đến là các thùng rác.

2- Slogan cho Việt Nam

Như đã đăng lại trong bài Chí Phèo mới đây trên blog này, tôi có nói về chuyện tôi khai phát pháo đầu tiên về khẩu hiệu của Việt Nam ngày 10-9-2008 trên báo Sài Gòn Tiếp Thị phê phán chê bai cái slogan kém cỏi vô lý “Sử Dụng Hàng Việt Nam Là Yêu Nước”, đồng thời đề xuất 3 khẩu hiệu mới để thay thế, trong đó có khẩu hiệu “Người Việt Nam Ưu Tiên Sử Dụng Hàng Cao Cấp Của Việt Nam”. Ở Việt Nam sau đó xuất hiện khẩu hiệu này, chỉ thiếu có chữ “Cao Cấp”, biến thành hướng kêu gọi của Đảng và Chính Phủ hơn nửa thập niên nay – tất nhiên chưa hề có ai nói chuyện với tôi về … tác quyền vốn là điều quan trọng thuộc sở hữu trí tuệ mà các định chế song phương và đa phương thường nêu lên như điều kiện tiên quyết với Việt Nam, ắt tại thiên hạ biết tôi ưa tư vấn miễn phí. Đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn như thế về khẩu hiệu đàng hoàng nên có của Việt Nam.

3- Thương hiệu quốc gia cho Việt Nam

Trong bài viết song ngữ Việt–Anh đăng trên Yahoo!3600 năm 2007 mang tên Đề Xuất Một Thương Hiệu Quốc Gia Cho Việt Nam, tôi đã phê phán cái sai của tất cả các báo khi không ai hiểu nội dung thuyết trình của giáo sư Philip Kotler nên đã tập trung diễn giải sai về cụm từ “Nhà Bếp Của Thế Giới” khiến tràn ngập trên báo chí suốt tháng ca ngợi món Phở, phỏng vấn anh Phở, hí hửng hí ha về chuyện Việt Nam sẽ có thương hiệu Nhà Bếp Của Thế Giới đầy vinh diệu ấy. Tôi phán phê rằng Philip Kotler là nhà chuyên nghiệp nên không bao giờ nói cụ thể tại một buổi thuyết trình công chúng, nghĩa là nếu muốn ông cho ra một thương hiệu quốc gia thì phải ký hợp đồng nhiều triệu USD với ông, rằng Phở thì có ra chi mà chỉ với nó Việt Nam lại dám kỳ vọng sẽ đè bẹp ngay món pizza vĩ đại để có ngay thương hiệu ấy, rằng anh Phở thì biết quái gì về ẩm thực và thương hiệu quốc gia, và rằng không bao giờ cái thương hiệu Nhà Bếp Của Thế Giới thuộc về Việt Nam. Thế mà quả thực đến tận ngày nay sau 10 năm thì chí ít mọi người chứng kiến chuyện anh Phở bán luôn thương hiệu Phở để chấm dứt kinh doanh món Phở nhạt thếch của anh ta, cũng như chuyện Việt Nam đâu có thành cái bếp ăn điên khùng ấy.

Như mọi nhà tư vấn chuyên nghiệp Âu Mỹ, tôi phân tích vì sao không bất kỳ quốc gia nào sở hữu thương hiệu nhà bếp ấy.

Như mọi nhà tư vấn chuyên nghiệp Âu Mỹ, tôi đề xuất ý kiến chiến lược về một thương hiệu quốc gia cho Việt Nam, gọi là Campus of the World, tức Trường Đại Học Của Thế Giới, với các sách lược mở cửa cấp đất cho các trường đại học danh tiếng nước ngoài vào xây dựng các trường đại học và các làng đại học thay vì xây các sân golf. Nay thì sau một thập niên, mọi người đang chứng kiến việc hết tỉnh này đến tỉnh kia bắt đầu tạo điều kiện cho các trường đại học nước ngoài vào mở trường. Lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, và Chính Phủ khi tiếp nguyên thủ các cường quốc Âu Mỹ đã luôn có bàn đến các đề án mở các làng đại học ở Việt Nam.

Đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn chiến lược xa như thế về một thương hiệu quốc gia đẳng cấp cao, thực tiễn, thực tế, thực dụng, và thực lợi cho Việt Nam!

4- Cà phê Việt Nam

Ngày 22 Tháng 01 Năm 2009 trong bài “Cà Phê – Một Chuyện Nhỏ Và Hai Chuyện Lớn” đăng trên Emotino, tôi có viết: …Thay vì tung tiền tung hô “xây” thiên đường cà phê hay “tặng” hàng triệu ly sữa từ tiền lời có được do khai thác “thời cơ” cái khổ ải nghèo bấn của nông dân, họ có thể dùng số tiền ấy biến nông dân thành “người” của họ, hàng tháng có thu nhập cố định, còn nguyên liệu “cống nạp” cho họ theo tỷ lệ và thời giá xuống hay lên, để họ chiếm “thời cơ” thành đại gia thực thụ khi là chủ nhân nguồn nguyên liệu đầy ắp kho lẫm, thống lĩnh thương trường xuất khẩu và sản xuất nội địa, điều tiết giá cả giúp chính phủ ổn định kinh tế, còn họ hưởng lợi hoàn toàn và tuyệt đối khi tung hàng ra thị trường hải ngoại. Giả như một công ty nước ngoài nào đó đột nhiên “tin tưởng tuyệt đối” vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thì với tài lực của họ, thử tưởng tượng xem họ thực hiện việc trên để nắm nguồn nguyên liệu cà phê của Việt Nam dễ dàng như thế nào, và đừng nói chi tất cả các đại gia là nhà sản xuất cà phê thành phẩm của Việt Nam mà đến các nhà buôn nước ngoài cũng sẽ mua lại nguyên liệu cà phê Việt Nam từ công ty nước ngoài “nhìn xa trông rộng” ấy…

Tháng 6 Năm 2011 vị đại gia “xây thiên đường” cà phê trả lời phỏng vấn trên VTV nói đại ý rằng chính phủ phải làm gì đấy để trả lại sự công bằng cho doanh nghiệp xuất khẩu vì họ “đầu tư cho nông dân “vay” để rồi công ty nước ngoài vào Việt Nam chẳng “đầu tư” gì hết mà lại tung tiền mua gom hết cà phê trực tiếp của nông dân khiến doanh nghiệp kinh doanh cà phê gặp khó khăn về nguồn hàng phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Cho vay mà gọi là đầu tư! Cho vay thì phải tính lời, và nông dân bán giá cao cho công ty nước ngoài để có dư tiền trả nợ đầu tư nào phải là chuyện sai quấy vì đã trả cả vốn vay lẫn tiền lãi vay sòng phẳng. Và rồi ngày 20 Tháng 7 Năm 2011 một chức sắc ngành cà phê trả lời phỏng vấn trên đài InfoTV nói rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lỡ k‎ý hợp đồng giá thấp với khách hàng nước ngoài nên bây giờ để giữ uy tín phải tìm đến các công ty nước ngoài ở Việt Nam để mua lại cà phê với giá cao thực hiện cho bằng được chuyến giao hàng.

Tôi đã từng viết rằng kinh doanh cà phê mà không có tâm với cà phê thì hỏng bét, vì nếu có tâm với cà phê ắt đã không xây thiên đường cà phê hay làm cái tách cà phê khổng lồ cẩu bằng trực thăng để ghi vào Kỹ Lục Guiness rồi đổ bỏ làm chết bao thảm thực vật, mà quan tâm đến những người trồng nên cà phê, chăm lo giúp họ làm giàu từ công sức canh tác của họ – cũng như nếu thực sự yêu một cô gái thì phải chăm sóc cha mẹ của cô gái ấy mới đúng là có cái tâm đúng của đấng nam nhi đoan chính, có giáo dục; rằng kinh doanh cà phê mà không có tầm nhìn dành cho cà phê, vì nếu có tầm nhìn với cà phê ắt đã biết cà phê là thứ hàng quý hiếm để đầu tư xây dựng chuỗi silo làm kho lẫm lưu trữ cà phê trước khi cà phê rơi vào tay người khác – cũng như nếu thực sự yêu một cô gái thì phải biết cô gái ấy hấp dẫn đối với bao người để chăm sóc cô gái ấy thật nhiều để cô gái ấy không hướng về sự chăm sóc đeo bám của chàng trai lịch lãm khác; và rằng mọi sự trên đời đều đơn giản như thế, cái sự đời là thế, và chỉ cần sống theo thế là anh đại gia đã giữ được nàng cà phê đen tuyền kiều diễm mà không phải phát biểu với chính phủ kiểu em bé khóc nhè méc mẹ thế kia.

Vậy là phải mất hai năm sáu tháng tức 910 ngày các đại gia cà phê mới thấy được cái tầm nhìn của tôi; mà đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa đến như thế về chuyện đại gia cà phê sẽ mất nguồn cung cà phê và đại gia ấy sẽ chẳng bao giờ xây được cái gọi là thiên đường cà phê trẻ con trẻ nít trẻ người non dạ tức cười ấy.

5- Gạo Việt Nam

Là người thực hiện chuyến xuất khẩu gạo đầu tiên có giá trị thương mại của Việt Nam năm 1989, tôi cực kỳ quan tâm đến phát triển hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong số những bài viết về gạo đăng trên Emotino, bài “Tư Vấn Phát Triển Ngành Kỹ Nghệ Gạo Việt Nam” đăng năm 2010 có nội dung sau:

 Tam Nhin2

đặc biệt có nói đến sự thật thứ nhất là có những trái khoáy được bộc lộ trong quy trình hoạch định chính sách và thực hiện chính sách đã hoạch định, khiến gạo Việt Nam lâm vào tình thế lục đầu thọ địch khi (1) nông dân vẫn là mắc xích yếu ớt dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi giá trị gạo; (2) đất nông nghiệp dành cho canh tác lúa bị thu hẹp; (3) biến đổi khí hậu và sự dâng cao của nước biển làm ngập mặn diện tích lớn vùng đồng bằng Sông Cửu Long; (4) thiên tai lũ lụt gây thất bát mùa màng; (5) sự non yếu của hiệp hội lúa gạo trong vai trò phân tích sâu sắc, tổng hợp đáng tin cậy, đánh giá chính xác cao về thông tin thị trường gạo thế giới, và tư vấn hiệu quả sách lược giá bán; và (6) lề lối làm việc của các nhà hoạch định chính sách hay những quan chức chỉ giỏi phát biểu về chính sách; còn sự thật thứ hai là khi đề ra cơ sở Tam Nông trong kế hoạch phát triển nông nghiệp nước nhà, không bất kỳ quan chức nào nhận thức được vị trí quan trọng của silo như sợi liên kết vật chất cụ thể cho nền tảng nông dân – nông thôn – nông nghiệp. Và dù đã gắng sức viết tư vấn hết kế sách này đến kế sách khác thì tôi vẫn không tác động được vào guồng máy chiến lược an ninh lương thực quốc gia và phát triển tam nông, khiến nhiều chục năm qua, Việt Nam vẫn không có hệ thống silo bảo quản chất lượng gạo sau thu hoạch, còn gạo Việt Nam thì chất lượng thấp giá bán thấp lại càng phải phập phồng rớt giá do sự non yếu của cái gọi là Hiệp Hội Lúa Gạo. Rất nhiều năm trước, khi tôi lúc tham dự hội nghị lúa gạo quốc tế có đề nghị Việt Nam nên có hệ thống silo hiện đại thì một chức sắc cao cấp của VCCI đã nhắc khéo tôi rằng tôi lo bò trắng răng vì Việt Nam đâu có thiếu gạo bao giờ đâu mà phải phí tiền nhập silo. Và chỉ cần một câu nói như thế của vị chức sắc ấy là tôi đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa đến như thế về chuyện gạo Việt Nam vẫn mãi ở thứ hạng chiếu dưới so với Ấn Độ, Thái Lan, v.v., và thậm chí hiện nay nhiều người Việt Nam thi nhau mua gạo Campuchia vì có hương thơm hơn, hương bền hơn, và vị ngon hơn.

 Tam Nhin2a

Ngoài ra, phần kết luận của bài viết trên tôi phê phán cách dùng cụm từ “đi tắt đón đầu” hoàn toàn sai do muốn đi tắt đón đầu phải là cường quốc kinh tài, chứ hành động duy nhất đúng của Việt Nam phải là cụm từ “lao nhanh, bắt kịp, chặn đầu, tạo thế”. Và nhiều năm nay hầu như không ai còn dám buộc miệng nói ra các chữ “đi tắt đón đầu”.

6- Sản xuất và Môi trường

Trong những năm 1980 khi giảng dạy tại các trường Cao Đẳng Sư Phạm Tp Hồ Chí Minh và các trường đại học khác, chỉ với khát vọng học trò của mình ngày sau sẽ giúp Đảng và Nhà Nước hiệu quả hơn, tôi đã luôn thẳng thắn trao đổi với sinh viên về những chủ đề mà thời ấy thuộc lọai nhạy cảm và dễ bị chụp mũ vì “đi trước thời đại”, nói ngược lại chủ trương, chẳng hạn theo tôi: Việt Nam nên ưu tiên dựa vào nông nghiệp để trở thành cường quốc, chứ ngợi ca phát triển công nghiệp nặng chỉ đưa đến hủy phá tàn tạ môi sinh do tâm, tầm, thế của lãnh đạo phát triển công nghiệp hoàn toàn là con số không. Trong thời điểm cơn sốt của chính sách “ưu tiên công nghiệp hóa” dựa vào sự ưu ái mang tính chính trị và lý tưởng học thuật dành cho giai cấp công nhân, đã có công trình xây dựng nhà máy sản xuất máy kéo (tractor) từ vốn vay hay viện trợ của Liên Xô và các nước khối Xã Hội Chủ Nghĩa ở Đông Âu, để rồi xây xong bỏ đó, mang nợ ân tình và tiền nong, xây mà không biết rằng một nhà máy công nghiệp nhất thiết phải hoạt động sản xuất liên tục 24/24 và sản phẩm nhất thiết phải có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đặc biệt tổ chức đồng ruông bị cắt nhỏ như ở Việt Nam sẽ không thể sử dụng được tractor. Thêm vào đó, những khẩu hiệu tuy tốt đẹp như “sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu” đã không màng đến cái thực tế phũ phàng của phát trỉển những ngành công nghiệp không-thuộc-thế-mạnh-chuyên-biệt-tiềm-năng-của-nước-nhà. Tôi đã đưa ra dẫn chứng bài học thương đau của Ấn Độ khi nỗ lực thu hút các công ty hóa chất nước ngoài đến mở biết bao nhà máy sản xuất nhằm “thay thế xuất khẩu tiết kiệm ngoại tệ”, nhưng chưa kịp thành Khu Chế Xuất Của Thế Giới (The SEPZONE of the World) thì đã phải trả một giá quá đắt khi môi trường bị tàn phá nghiêm trọng và vụ cháy nổ rò rỉ 27 tấn khí độc methyl isocyanate từ nhà máy hóa chất Union Carbide của Công Ty Dow Chemical Hoa Kỳ gây thảm họa kinh hoàng chấn động địa cầu cho thành phố Bhopal cuối năm 1984, giết chết 20.000 cư dân, khiến 120.000 người vương phải bệnh ung thư, bại não, sinh quái thai, và làm hơn nửa triệu dân chịu ảnh hưởng khí độc cho đến tận ngày nay còn ẩn chứa nguy cơ bệnh tật cũng như chưa thể làm sạch môi trường sống. Số lượng các công ty quốc doanh ở Việt Nam rồi sẽ dần trở thành thiểu số, khiến sẽ có sự chuyển hướng cơ bản và thực chất của lực lượng công nhân sang khu vực tư nhân và tư bản, trong nước hoặc nước ngoài, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của khu vực và toàn cầu của các ngành công nghiệp, khiến người công nhân sẽ đối mặt nhiều hơn và dày hơn với sự chèn ép quyền lợi từ giới chủ, dẫn đến các cuộc đình công hợp pháp xảy ra nhiều hơn, cũng như khiến giai cấp công nhân không còn mang ý nghĩa duy nhất chủ lực trong phát triển kinh tế nước nhà; và trong điều kiện đa số trong các ngành sản xuất công nghiệp tham gia tích cực vào quá trình gia tăng ô nhiễm nghiêm trọng với môi trường sống của cộng đồng, thì sự tập trung đưa nền kinh tế dựa vào phát triển nông nghiệp và nông sản sẽ là một chiến lược khôn ngoan. Và rồi biết bao vụ việc xả thải tàn diệt bao dòng sông, triệt nguồn sống của bao cư dân, gieo rắc mầm bệnh nhãn tiền cho người dân đã được phát hiện, gây nên những chấn động xã hội, khiến đâu cần phải có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa đến như thế về chuyện môi trường sẽ bị hủy hoại ở Việt Nam.

7- Hợp Tác Bốn Nhà

Ngay khi nghe kế sách quốc gia về “hợp tác bốn nhà giữa Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, và nhà khoa học”, tôi đã viết ngay trên Emotino một bài mang tên “Hợp Tác Bốn Nhà Hay Năm, Sáu, Bảy, Tám Vạn Nhà” để khẳng định rằng kế sách ấy sẽ thất bại vì chỉ có hai nhà là Nhà nước và nhà nông mới là động lực duy nhất của phát triển tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân). Tôi đã lập luận và đưa ra dẫn chứng với số liệu và chi tiết của các cường quốc Âu Mỹ –đặc biệt là Anh Quốc và Hoa Kỳ – để chứng minh cho lập luận của mình. Tôi cho rằng không bao giờ ở Việt Nam có nhà khoa học tự nghiên cứu về nông lâm thủy hải sản để rồi đi kiếm nông dân để rao bán công trình, mà chỉ có mấy anh được gọi là nhà khoa học ở các viện khoa học hưởng lương Nhà nước ngồi chờ Nhà nước rót tiền để thực hiện các công trình nghiên cứu rồi đúc kết in vi tính nộp Nhà nước lưu cất tàng thư. Nếu các doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu khoa học thì họ là doanh nhân đi cung cấp dịch vụ cho nông dân để lấy tiền chứ không phải với tư cách nhà khoa học đi hợp tác với nông dân. Thậm chí tầm nhìn cũng là vấn đề nghiêm trọng nơi các “nhà khoa học” của Việt Nam, chẳng hạn có vị giáo sư tiến sĩ lừng danh tên VTX ở Miền Tây chuyên tạo ra các giống lúa cho Việt Nam, nhưng Ông không có tầm nhìn chiến lược nên gạo Việt Nam của Ông có thể kháng rầy tốt, có thể vươn cao theo đà nước dâng, v.v. và v.v., chứ tuyệt đối không thơm hơn, không thơm lâu hơn, không ngon hơn, không có giá trị cao hơn, không đáp ứng nhu cầu chất lượng cao hơn của thế giới, hoặc Ông không thể giúp gì được cho việc bảo tồn giống cây ăn quả khiến cây trái Miền Nam gần như thoái hóa gần hết. Còn doanh nghiệp nếu hiểu như là doanh nghiệp thu mua nông sản thì hoặc họ là quốc doanh thu mua theo lịnh của Nhà nước và dùng tiền Nhà nước để mua, hoặc họ là tư nhân thì thu mua theo thương thảo giá cả với nông dân mà trong trường hợp này nông dân ở vai trò đối tác của một thương vụ nên do đó cũng được gọi là doanh nhân. Rốt cuộc chỉ có Nhà nước đứng ra hợp tác với nông dân mới nên đại cuộc mà thôi, chẳng hạn Nhà nước đặt hàng cho các viện nghiên cứu của Nhà nước hoặc các công ty ứng dụng khoa học tư nhân thực hiện các nghiên cứu theo chủ đề của Nhà nước – thí dụ qua đề xuất cụ thể và chi tiết của Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn – hoặc xuất tiền mua bản quyền nghiên cứu của nước ngoài rồi Nhà nước thông qua các tổng công ty Nhà Nước cung cấp các giải pháp đã nghiên cứu hay đã ứng tiền mua cho nông dân dưới hinh thức các công ty này ký hợp đồng với nông dân để khấu trừ vào lượng sản phẩm thu mua mùa thu hoạch, v.v. Tuy tôi có hí hước trong bài viết rằng nếu liệt kê ra 4 thì còn thiếu vì ngay cả nhà tu hành cũng đứng ra thành hợp tác 5 nhà do có công cầu cho mưa thuận gió hòa giúp nông dân được mùa, và kể thêm nhiều nghề khác cũng đóng góp thành “hợp tác vạn nhà”, tôi vẫn nhằm nêu lên một vấn nạn là các nhà hoạch định chính sách hay cho ra các cụm từ giống như để thỏa thú chơi chữ chứ hoàn toàn không có tính khả thi, khiến “phát triển tam nông” vẫn không phát triển được cho đến tận ngày nay. Và đâu cần phải có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa đến như thế về chuyện “hợp tác bốn nhà” sẽ chẳng bao giờ tồn tại trên thực tế.

C- Tầm Nhìn Giáo Dục & Đào Tạo

1- Sự xuống cấp

Tình trạng này tôi đã nói và viết nhiều trong mấy chục năm qua. Sự xuống cấp về trình độ học sinh sinh viên đến từ sự xuống cấp của nhà trường và giáo viên, của lề lối suy nghĩ và nội dung hoạch định của ngành giáo dục. Đây là việc hiển nhiên đối với học lực thực chất, kỹ năng mềm thực chất, giảng dạy thực chất, mà đâu cần phải có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa đến như thế về sự đi xuống của giáo dục và đào tạo của nước nhà.

2- Tiếng Anh

Lĩnh vực này tôi cũng đã nói và viết rất nhiều trong mấy chục năm qua – và sẽ còn viết mãi – rằng cách dạy và học ở Việt Nam hoàn toàn sai do chỉ áp dụng các phương pháp của Âu Mỹ một cách vừa máy móc vừa nông cạn đến độ bày ra việc cho trẻ em học tiếng Anh từ nhỏ, mà không quan tâm đến thế mạnh của người Việt. Việc 40 năm qua dù đã trải qua bao lần cải cách giáo dục đầy tốn kém mà xã hội Việt Nam cứ mãi băn khoăn về trình độ tiếng Anh bất-khả-sử-dụng của học sinh và sinh viên Việt Nam, và đây là việc hiển nhiên đến độ đâu cần phải có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa đến như thế về chuyện sau gần nửa thế kỷ áp dụng các điều “tân tiến” từ phương pháp đến giáo trình giáo cụ mà người Việt vẫn cứ lẹt đẹt sau thiên hạ về tiếng Anh.

3- Phát triển IT

Khi công nghệ thông tin (gọi tắt là IT hay Aitee) bùng phát, thiên hạ ở Việt Nam thi nhau cho con cái học Aitee, còn chính phủ thì ưu ái phát triển Aitee, rót ngân sách dồi dào cho toàn bộ hệ thống giáo dục để xây dựng phòng Aitee. Ngay chính thời điểm đó, tôi đã ra sức can ngăn các bậc phụ huynh mà tôi quen biết không cho con em du học về Aitee, thậm chí còn tận dụng các buổi phỏng vấn tuyển dụng để “tuyên truyền giáo dục” người dân hiểu đúng hơn. Tôi cho rằng Aitee sẽ không bao giờ phát triển ở Việt Nam vì (a) người đi học Aitee không vì có năng khiếu về Aitee, không vì có đam mê làm một chuyên viên Aitee hay kỹ sư Aitee, mà chỉ vì muốn trở thành tỷ phú như Bill Gate; (b) Aitee là hands-on cầm tay chỉ việc trong đào tạo nên việc bỏ phí 4 năm đại học để học Aitee là việc không khôn ngoan; (c) học xong về chỉ ôm mộng mở công ty hoặc viết phần mềm hoặc mua bán laptop điện thoại di động vậy sao không chịu bỏ tiền ra ngay – nếu có tiền – khỏi đi học, mở công ty thuê người về viết phần mềm hoặc cứ tham gia mua đi bán lại laptop và điện thoại di động; và (d) sẽ không thể mở công ty vì không thuê được người do tất cả những ai học Aitee đều chỉ muốn làm ông chủ doanh nghiệp. Thực tế hiện nay các đại gia Aitee thế giới đã xây dựng các dự án khổng lồ về vốn đầu tư ở Việt Nam nhưng vấn đề đau đầu của họ luôn là không thể tuyển đủ số “thợ Aitee” cho các nhà máy của họ ở Việt Nam. Chỉ cần biết lối suy nghĩ của người Việt là đã có thể biết ngay Aitee có thể phát triển mạnh ở Việt Nam hay không, chứ đâu cần phải có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa đến như thế.

D- Tầm Nhìn Chính Trị

1- Quốc Hội Khóa XIII

Khi nhận thức được các thách thức hết sức quan trọng và đặc biệt nghiêm trọng sẽ ập đến nước nhà khiến Quốc Hội ắt rất cần có những nghị sĩ sáng suốt, cương quyết để phục vụ Khóa XIII làm thất bại tất cả các mưu toan “diễn biến hòa bình” cũng như hoàn thành sứ mệnh lịch sử trước dân tộc bảo vệ được đất nước, tôi quyết định tự ra ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII. Dần dà có các thách thức gồm sự tấn công của các thế lực thù địch vào dự thảo sửa đổi Hiến Pháp Việt Nam nhằm đạt được những thay đổi mang tính tấn công vào thể chế chính trị như đổi tên nước, đổi lời quốc ca, v.v.; sự phức tạp của bộ đại luật Đất Đai; diễn biến phức tạp ở Biển Đông với các hành vi gây hấn của Trung Quốc; cũng như sự việc Luật Biển phải được thảo luận trong bí mật và được thông qua trong tình hình đe dọa của Trung Quốc; v.v. Với sự sáng suốt và cương quyết như thế, tôi phát biểu ngăn chặn sự vô tư hồn nhiên ngây thơ của một hai nghị sĩ nêu yêu cầu phải có cái gọi là Luật Biểu Tình để “trả xong món nợ với nhân dân”. Tôi ngăn chặn vì (a) Khóa XIII sẽ đầy ắp những biến động đại sự liên quan đến sự tồn vong của đất nước đối với chiến tranh – hòa bình cũng như những thời cơ ngập tràn từ các định chế kinh tế song phương và đa phương mà Việt Nam phải gặt hái cho bằng được để phát triển kinh tế nước nhà, và vì (b) ngay cả vị nghị sĩ “luật sư” của Thành phố Hồ Chí Minh lớn tiếng ủng hộ việc có cái gọi là “Luật Biểu Tình” cũng không biết mình dại dột khi nói với báo chí rằng “chúng ta chưa có kinh nghiệm nên phải ra Luật Biểu Tình để học tập” mà không hiểu rằng chính vì những người tay mơ chưa có kinh nghiệm như ông ta mà tôi phải cản ngăn để tôi có thời gian truyền các kinh nghiệm của tôi về “biểu tình” qua các nghiên cứu sâu sắc nhất và đầy đủ nhất với các bài viết đăng blog không những về ngữ nguyên mà còn về luật pháp cùng thực tế hành xử của các cường quốc tư bản Âu Mỹ và các thực tế lịch sử cận đại và hiện đâị của “biểu tình”. Chỉ cần có tầm nhìn chiến lược đối với quốc gia đại sự mà tôi nêu vấn đề khiến Quốc Hội nhận ra sự thật, ủng hộ, rồi quyết định không lập dự thảo cái gọi là Luật Biểu Tình trong toàn khóa XIII (2011-2016) còn tôi đã hoàn thành sứ mệnh cung cấp các lập luận, tư liệu, kể cả chiến thuật và chiến lược, cho cơ quan sẽ được phân công thảo dự án ấy cho Khóa XIV (2016-2021), khiến đâu cần phải có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa đến như thế về chuyện Quốc Hội Khóa XIII vừa chưa rõ gì cả về “biểu tình” do chưa ai từng nghiên cứu thấu đáo để công khai công bố về “biểu tình” vừa phải đương đầu với các lấn xâm của Trung Quốc nên không thể cho ra dự thảo “Luật Biểu Tình”.

2- Đề Án Chính Quyền Đô Thị Thành Phố Hồ Chí Minh

Ngay khi lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lập đề án Chính Quyền Đô Thị trình Bộ Chính Trị xin chủ trương để có cư sở trình Quốc Hội, tôi đã viết ngay bản thảo mang tựa đề “Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về Nguyên Nhân Thất Bại Của Đề Án Chính Quyền Đô Thị Thành phố Hồ Chí Minh” có nội dung mục lục như sau:

 Tam Nhin3

nhưng đã quyết định không đăng trên WordPress vì những lý do tế nhị. Tôi đã nêu trong bản thảo ấy rằng (a) việc bỏ Hội Đồng Nhân Dân sẽ không bao giờ được thực hiện, rằng (b) khái niệm “thành phố trong thành phố” là tùy tiện và sai hoàn toàn vì khi diễn giải ra tiếng Anh thì “Thành Phố Bắc thuộc Thành Phố Hồ Chí Minh” sẽ viết ra sao, rằng (c) Thành phố Hồ Chí Minh sẽ co rúm lại trong vòng 10 năm sắp đến vì diện tích đất bị ngập mặn do sự cố nước biển dâng thì sao lại cắm đầu phân chia thành các thành phố bị ngập nước bên trong thành phố bị nước lấn xâm, rằng (d) phục vụ người dân thì cứ phục vụ người dân sao lại phải đòi xây dựng “thành phố trong thành phố” mới phục vụ dân “tốt hơn”, rằng (e) xây cái megacity đó rồi ai là lớp người quản lý vì hiện nay có lực lượng công chức nào đang tận tụy phục vụ nhân dân hiệu quả đâu mà mong làm nòng cốt cho tầng lớp lãnh đạo đó, và rằng (f) tiền đâu mà xây. Và rồi sau thời gian “thí điểm” thì Hội Đồng Nhân Dân được tái lập như một đặc thù tổ chức chính quyền Việt Nam, còn cái megacity trên dự án trở thành núi giấy tờ ngốn tiền tỷ nghiên cứu và phác thảo chìm vào quên lãng, khiến đâu cần phải có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn xa đến như thế về chuyện “Thành phố trong Thành phố” sẽ không bao giờ biến thành hện thực.

E- Tầm Nhìn Địa Chính Trị

1- Hậu quả từ sự biến mất của Saddam Hussein và Muamar Gadafi

Trong bài viết “Tôi và Saddam Hussein” đăng trên Emotino tôi có nói về sự liên lạc bằng thư và bằng điện tín của tôi gởi Tổng Thống Saddam Hussein trong thời gian tôi công tác tại CIMMCO International, với nội dung đề nghị Ông theo cách liên hoành để liên kết với Iran và Bắc Triều Tiên nhằm tạo thế sinh tồn, giúp thế giới ổn định như vốn có về chiến lược, vì nếu Ông đơn thương độc mã đương cự với Hoa Kỳ thì Ông sẽ bị tiêu diệt, đến phiên Iran bị đàn áp kiệt quệ, còn Bắc Triều Tiên bị vây hãm chỉ ngẫu hứng một mình một cõi không cài vào thế chiến lược quan trọng hơn cho chính sự sinh tồn của nước ấy, theo kiểu từng chiếc đũa bị vô hiệu hóa, nhưng lại dẫn đến việc không phải là thế giới có một nước Hoa Kỳ hùng mạnh bậc nhất mà làm cho nước Mỹ suy yếu hơn, tiền đề cho sự bùng phát không bao giờ còn có thể chế ngự được của chủ nghĩa khủng bố. Còn trong bài “Hậu Muammar Gaddafi” cũng đăng trên Emotino, tôi cũng nêu ra lập luận tương tự rằng Âu Mỹ sẽ đại ngu nếu tấn công triệt hạ Gaddafi vì cũng như Saddam Hussein, Gaddafi có năng lực dìm đầu khống chế chủ nghĩa khủng bố. Chuyện đã cũ, nhưng với sự thật như đang xảy ra trên toàn cầu thì đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn như thế về sự vùng lên hơn nấm không bao giờ còn có thể được chế ngự của chủ nghĩa khủng bố.

2- Ngày tàn của Bắc Kinh

Thật nhiều năm trước, khi Trung Quốc điên rồ phát triển công nghiệp luyện kim bằng khẩu hiểu “nhà nhà luyện kim, người người luyện kim” khiến cả tỷ người suốt ngày ngồi chổng mông quạt lửa nấu chảy vài cục sắt để nộp cho hợp tác xã, tôi đã phì cười, nói với thân hữu rằng cái đất nước ấy rồi sẽ thành hỏa ngục với khói bụi đậm đặc và ô nhiễm môi sinh (từ ngữ của Việt Nam Cộng Hòa, có nghĩa: môi trường sinh sống). Rồi khi đến thời hiện đại, lúc Trung Quốc hồ hởi phấn khởi với danh xưng Công Xưởng Của Thế Giới, thì tôi – với tư cách cảm tình viên của Hòa Bình Xanh – càng tin tưởng vững chắc rằng ngày tàn của Bắc Kinh đã đến. Đây thuần túy không là một nhận xét chính trị mang tính định kiến chống Trung Quốc, mà hiện đã có thực tế về mức độ ô nhiễm khủng khiếp về môi sinh ở Bắc Kinh, khiến đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn như thế về ngày tàn của Bắc Kinh.

3- Ngày tàn của EU

Tôi vốn tin tưởng vào một thế giới đại đồng trong đó các quốc gia riêng rẻ chung sống hòa hợp với nhau, tôi đã luôn cho rằng (a) dân tộc tính là điểm bất khả triệt tiêu nên xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ không bao giờ được xây dựng nên; rằng (b) việc hình thành các khối thuần kinh tế là mô hình duy nhất đúng để sống nương tựa vào nhau; và rằng (c) việc hình thành các khối thành một “đại quốc gia” với đồng tiền chung, nghị viện chung, tự do đi lại chung sẽ dẫn đến việc bị kẻ thù của khối lợi dụng, lạm dụng, khiến cả khối bị đe dọa về an ninh, còn chính điểm a về dân tộc tính sẽ đe dọa sự kết liên vững bền của khối khiến EU sẽ phải đối mặt với sự tan rã mà hậu quả là từng quốc gia tách ra từ sự tan rã đó sẽ yếu ớt hơn là chúng đã là trước khi gia nhập mà hậu quả ấy lại sẽ gây ra sự suy vong sụp đổ của các quốc gia từng là cường quốc này. Hết thành viên này đến thành viên khác trong cái “đại quốc gia” EU ấy đã tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý về việc có tách ra khỏi EU hay không, còn hiện nay sau khi đã dấn thân với NATO gây hấn với Nga rồi gánh chịu sức nặng của sóng người di cư tị nạn từ Syria và các nước Châu Phi, giềng mối gắn kết EU đang bị rung lắc dữ dội với các chính phủ thực hiện “bế quan tỏa cảng” ngăn chặn làn sóng di cư tị nạn đồng thời hủy phá tinh thần tự do đi lại trong toàn khối, mà gần đây nhất là việc Đan Mạch ra luật cho tịch thu tài sản người di cư tị nạn đã xo sập hoàn toàn bức tường ý thức hệ đầy kiêu hãnh của EU. Còn vụ thảm sát ở Na Uy vài năm trước gióng lên hồi chuông báo động của chủ nghĩa bài Hồi Giáo, bài ngoại, và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đường hướng Quốc Xã bài chủng tộc.

Xây dựng một khối để chơi riêng với nhau dành cho nhau nhưng ưu ái về kinh tế kinh doanh là chuyện bình thường nên làm. Xây dựng mối giao hảo xóm giềng hòa thuận, hỗ tương, đầy tính nhân văn là chuyện bình thường nên làm.

Xây dựng một khối để hình thành một “đại quốc gia”; xóa nhòa ranh giới văn hóa, chủng tộc, quốc gia, dưới chiêu bài “tự do”, là việc của những kẻ rồ dại. Xây dựng xóm giềng thành một “đại gia đình” để ai muốn qua nhà người khác ở chung đụng thì cứ tự do, là việc của những kẻ muốn đi thụt lùi về thủa hồng hoang ăn lông ở lổ.

Cứ luận việc xóm giềng ăn ở luôn tuồng sẽ dẫn đến sự vô luân vô đạo ra sao thì có thể biết ngay số phận của EU, khiến đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn như thế về ngày tàn của EU.

4- Vấn nạn ASEAN

Tương tự, mấy năm trước tôi có viết bài trên Emotino cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc Hóa đối với một khối ASEAN mà tất cả các thành viên đều ngó lơ chấp nhận sự tồn tại của một Con Ngựa Thành Troy. Khi Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, chính Con Ngựa Thành Troy ấy đã phản phúc như đặc tính cố hữu của nó tuyên bố đó không phải là chuyện của nó vì tuy nó là thành viên ASEAN đất nước nó chẳng có biển nào mang tên Biển Đông, thậm chí nó còn làm nhục cả Hoa Kỳ trong công khai ủng hộ Trung Quốc đối đầu với Mỹ. ASEAN không có cùng văn hóa. ASEAN không có cùng bản chất dân tộc. ASEAN không có cùng bất kỳ điểm tương đồng nào, kể cả về màu da hay lịch sử. ASEAN không cùng nhìn về một hướng. Thành ngữ “Đồng Sàn Dị Mộng” là một bi kịch của hai người nằm ngủ chung giường, đắp chung chăn, nhưng mỗi người mơ tưởng đến một việc – hay một người – hoàn toàn khác nhau. Song, ASEAN là tổ chức “Dị Sàn Dị Mộng” tức là một thảm họa khi hai người nằm khác giường, đắp khác chăn, mỗi mỗi người mơ tưởng đến một việc – hay một người – hoàn toàn khác nhau, những vẫn nói với người ngoài rằng đó là gia đình đầm ấm. Gần đây cac vụ khủng bố rộ lên ở Indonesia và Malaysia, trong khi các quan chức an ninh ASEAN bàn đến chuyện một khi một người đã qua sự kiểm tra giấy tờ ở một nước ASEAN thì có quyền sang các nước khác của ASEAN mà các nước ấy không có quyền kiểm tra lại giấy tờ cá nhân. Sẽ ra sao nếu trong một phường người ta có quyền sang nhà hàng xóm ngủ? Sẽ ra sao nếu một quan chức an ninh là cảm tình viên của mạng lưới khủng bố đóng dấu kiểm tra xong đối với một đối tượng khủng bố để tạo điều kiện cho đối tượng này ra vào các nước còn lại để thực hiện các vụ khủng bố?

Sự hỗn loạn hỗn mang như ASEAN đang phải đương đầu thì đâu cần có kính viễn vọng mới có được tầm nhìn như thế về sự rung lắc tương tự EU của ASEAN trong một vài năm sắp đến.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tài liệu tham khảo :

1) Hoàng Hữu Phước. Đề Xuất Một Thương Hiệu Quốc Gia Cho Việt Nam. Bản song ngữ Việt & Anh. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/01/14/de-xuat-mot-thuong-hieu-quoc-gia-cho-viet-nam-bilingual-writing-vietnamese-english/ ; bản tiếng Anh đăng ngày 05-11-2007 tại http://uk.360.yahoo.com/hoanghuuphuoc; và bản tiếng Việt đăng ngày 07-8-2008 tại http://www.emotino.com/bai-viet/16874/de-xuat-mot-thuong-hieu-quoc-gia-cho-viet-nam. Bài viết này đã được báo Tuổi Trẻ đăng lại ở dạng rút ngắn. (Bài viết thứ hai đề nghị một thương hiệu thứ nhì cho Việt Nam liên quan đến gạo được tạp chí Thương Hiệu Việt, Diễn Đàn Nghiên Cứu Ứng Dụng Phát Triển Thương Hiệu Việt của Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Và Kỹ Thuật Việt Nam đăng lại nguyên văn trên hai số 02 ngày 01-11-2008 trang 18-19, và số 03 ngày 22-11-2008 trang 18-19).

2) Hoàng Hữu Phước. 23-10-2010. Những Phân Tích Mới L‎ý Giải Vấn Nạn Bất Tương Thích Giữa Đào Tạo & Sử Dụng Nhân Lực Tình Độ Đại Học và Các Biện Pháp Cách Tân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2013/08/04/nhung-phan-tich-moi-l%E2%80%8Ey-giai-van-nan-bat-tuong-thich-giua-dao-tao-su-dung-nhan-luc-trinh-do-dai-hoc-va-cac-bien-phap-cach-tan/

3) Hoàng Hữu Phước. 22-01-2009. Cà Phê – Một Chuyện Nhỏ Và Hai Chuyện Lớn. http://www.emotino.com/bai-viet/17393/ca-phe-mot-chuyen-nho-va-hai-lon. Sẽ được đăng lại trên blog này.

4) Hoàng Hữu Phước. 26-12-2010. 15.000 Tấn Gạo = 1 Xấp Vải Quần. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/01/09/15-000-tan-gao-1-xap-vai-quan/

5) Hoàng Hữu Phước. 2009. Hành Trình Hạt Gạo Việt: Gạo Việt Ra Chợ Quốc Tế . http://www.emotino.com/m.php?p=18302

6) Hoàng Hữu Phước. 2009. Người Đầu Tiên Góp Phần Đưa Hạt Gạo Đi Xa. http://www.emotino.com/m.php?p=17638

7) Hoàng Hữu Phước. 08-01-2016. Gạo Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/01/08/gao-viet-nam/

8) Hoàng Hữu Phước. 04-12-2015. Chí Phèo. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/04/chi-pheo/

9) Hoàng Hữu Phước. 14-4-2015. Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về Khía Cạnh Pháp Luật Của Luật Biểu Tình. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/04/14/nghi%CC%A3-si%CC%83-hoang-hu%CC%83u-phuoc-noi-ve-lua%CC%A3t-bie%CC%89u-tinh-2/

Nguyễn Thị Quyết Tâm

Hoàng Hữu Phước, MIB

22-01-2016

 HHP 22Jan2016

Nguyễn Thị Quyết Tâm là Nghị sĩ Quốc Hội Khóa XIII (2011-2016), Tân Phó Bí Thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà đương nhiên không là người khéo léo, hoàn toàn thiếu nữ tính, tuyệt đối thích phô trương quyền lực hoàn toàn không đúng lúc, hoàn toàn chẳng đúng nơi, tuyệt đối chớ đúng người.

Khi HTV9 đang trực tiếp truyền hình phiên họp Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh nơi Bà đảm trách chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bà đã quát bảo Đại Biểu Từ Minh Thiện ngồi xuống không được tiếp tục phát biểu. Đó là sự phô trương quyền lực không đúng lúc dễ khiến đồng bào Thành phố Hồ Chí Minh liên tưởng rằng những cuộc họp không có trực tiếp truyền hình thì ắt Bà còn ra uy khủng khiếp đến đâu, vì ngay cả Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh do nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bầu nên mà Bà còn ra tay chẹn họng, tước quyền phát biểu, thì số phận người dân ắt phải cứ cam chịu kiếp dân đen do Bà từ chối cho họ làm con đỏ.

Khi nghị sĩ Hoàng Hữu Phước trong thời gian tham dự kỳ họp Quốc Hội có đăng một bài blog chỉ trích chê bai Trương Trọng Nghĩa là Đại biểu Quốc hội Khóa XIII nghe đâu có bằng cấp “luật”, nghe đâu đã từng có thời gian hành nghề luật sư, và nghe đâu là chức sắc của Hội Luật Gia hay Liên Đoàn Luật Sư gì đó, tất nhiên ngay lập tức Nghị sĩ Phước bị thế giới quyền lực phe nhóm có sự tiếp tay của báo chí ra tay đàn áp. Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phải tổ chức buổi họp Tổ để nghe Trương Trọng Nghĩa phát biểu “bức xúc” và nghe Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước “giải trình”. Cuộc họp đã không có sự tham dự của hai vị Ủy Viên Bộ Chính Trị là các Nghị sĩ Trương Tấn Sang và Nghị Sĩ Lê Thanh Hải đều của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi Trương Trọng Nghĩa phát biểu xong, Trưởng Đoàn Huỳnh Thành Lập mời Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước cho biết ý kiến. Nghị sĩ này vừa mở miệng nói có một câu thì Nguyễn Thị Quyết Tâm hét vào mặt Trưởng Đoàn Huỳnh Thành Lập rằng “Anh Tư Lập! Nếu cứ tiếp tục như vầy thì tui sẽ bỏ đi về ngay!”. Vì lịch sự khi thấy vẻ mặt ngượng ngùng của Trưởng Đoàn Huỳnh Thành Lập, Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước tự động ngồi xuống, kéo phẹc-ma-tuya mồm lại, không nói gì thêm. Và Trưởng Đoàn Huỳnh Thành Lập cho phát một văn bản đã soạn in sẵn cho mọi người có mặt ký tên và mọi người im lặng ký tên, kể cả Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước cũng ký tên mà không thèm đọc – dường như đó là “biên bản cuộc họp xử lý Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước.”

Nguyễn Thị Quyết Tâm, do đó, đã ra uy quyền một đảng viên cao cấp hơn các Nghị sĩ khác toàn là đảng viên – trừ Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước – để quát bắt mọi người không được phép nghe những lời mà Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước sắp trình bày.

Nguyễn Thị Quyết Tâm, do đó, đã khiến Nhiệm Kỳ XIII của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh có một văn bản pháp quy mang tính chất của một tờ giấy hốt rác do không có giá trị pháp lý vì được sáng tạo ra từ đầu, vì do không bất kỳ nghị sĩ nào cùng ký tên xác nhận vào đấy hiểu biết ất giáp gì cả, và vì đấy là hành động lén lút sau lưng Thường Vụ Quốc Hội Khóa XIII của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Nguyễn Thị Quyết Tâm, do đó, đã phạm một lỗi ngu xuẩn khi dám hỗn láo với Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước là người chưa bao giờ tha thứ bất kỳ cường quyền nào dám động đến sự đoan chính vì nước vì dân của Nghị sĩ này.

Một phụ nữ thiếu nữ tính, thiếu khôn khéo, thiếu khôn ngoan như Nguyễn Thị Quyết Tâm mà là chức sắc cao cấp của Đảng Cộng Sản Việt Nam là một sai lầm lớn của Đảng Bộ Thành phố Hồ Chí Minh vì không bao giờ có thể đặt sự lãnh đạo Nhà nước hay lãnh đạo chính trị vào tay người như Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh không nên vì bài viết này mà phí công tổ chức buổi họp mời tôi đến trình bày để rồi yêu cầu tôi gỡ bỏ bài này trên WordPress vì tôi sẽ không đến dự cũng như không gỡ bỏ. Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phải lấy làm xấu hổ vì đã sáng tạo ra tờ giấy biên bản “xử lý” rác rưởi đó, và vì đã để một Đại biểu Quốc hội tầm thường như Nguyễn Thị Quyết Tâm khuynh đảo.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Anh Ba Nguyễn Văn Huấn

Phó Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Hoàng Hữu Phước, MIB

22-01-2016

 QH Ky7 June2014 (33)

Ủy Viên Bộ Chính Trị Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân là Phó Chủ Tịch Quốc Hội Khóa XIII (2011-2016)

Bà là nữ lãnh đạo xinh đẹp, duyên dáng, có khả năng hùng biện thu hút và tài lãnh đạo, đặc biệt sở hữu cái gọi là “excellent sense of humour” tức vũ khí vừa chứng tỏ người sở hữu nó có sức mạnh tinh thần lạc quan vừa phô diễn khả năng thu phục nhân tâm hóa giải những vấn đề quan trọng nhất là ở tầm vĩ mô. Tất cả những ưu thế vượt trôi thiên phú này dường như khó thể bắt gặp tương đồng tương tự nơi các nữ lãnh đạo khác của nước nhà.

Thật không dễ nói chuyện được với Bà. Có lần Bà tiến đến vừa chìa tay ra cho tôi ngoài hành lang hội trường Quốc hội vừa nói “Chào Phước. Anh khỏe không?”, tôi mừng vui với cơ hội bằng vàng này để trao đổi cùng Bà một ý kiến của tôi đối với nội dung phiên họp do Bà vừa chủ trì, nhưng tôi chỉ kịp nói “Dạ chào Chị. Cảm ơn Chị. Em khỏe. Chị ơi, em…” thì đã nghe tiếng ồn ào của nhiều vị nghị sĩ tiến đến vây quanh với những câu nói dồn dập “Chị Ngân ơi, chụp hình chung với chúng em nhé?” thế là tôi buộc phải ngưng nói, quay ra nhìn họ để lịch sự chào họ dù họ không lịch sự chen vào không cho tôi được trình bày ý kiến với Bà (khiến phóng viên chụp được tấm hình trên), rồi tôi lịch sự lùi bước tránh đám đông. Nhưng dường như không ai được trò chuyện với Bà vì mỗi khi Bà thay vì vào phòng nghĩ trong thời gian giải lao, lại bước ra hành lanh để gần gũi với mọi người, thì ngay lập tức mọi người bị cuốn hút lao đến bên Bà để xin chụp hình với Bà, khiến ngoài lần được cất tiếng cảm ơn lời hỏi thăm của Bà, tôi hoàn toàn không thể nói chuyện được với Bà ngoài hành lang Quốc Hội trong suốt nhiệm kỳ XIII.

Người dân theo dõi các phiên họp Quốc Hội do Bà chủ trì có trực tiếp truyền hình ắt dễ công nhận năng lực quản lý điều hành cuộc họp của Bà cũng như tác phong chuyên nghiệp, nắm vững đa vấn đề, khai thác xoay chuyển tình thế cuộc họp của Bà vốn luôn trong sự hòa quyện cùng lúc của tính dứt khoát, sự khéo léo, và “excellent sense of humour” thuộc bản lĩnh thuần Tây Phương.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là điển hình của một nữ chính khách tuyệt vời của một nước Việt Nam hùng mạnh.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc: https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/29/pho-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc/

Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ: https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/01/18/dai-tuong-do-ba-ty/

Thế Nào Là “Khôi Hài” – Người Việt Chưa Hiểu Về “Sense of Humor”

Tình Yêu

Các Loại Tình Yêu – Tôi Và Những Cuộc Tình

Hoàng Hữu Phước, MIB

20-01-2016

Có lần tôi viết blog rằng các bạn nên trau giồi tiếng Anh cho khá để có thể biến nguồn tư liệu của Wikipedia thành kho tàng kiến thức khổng lồ cho riêng bạn. Song, tại sao phải là tiếng Anh trong khi Wikipedia có cả phần tiếng Việt? Phải là tiếng Anh vì nếu Wikipedia cứ có mỗi 10.000 tài liệu cực kỳ dồi dào thông tin thì có ai đó là người Việt (không phải người nước ngoài giỏi tiếng Việt) tham gia “dịch” sang tiếng Việt võn vẹn 01 tài liệu chắc để nhận thù lao vài xu của Wikipedia, mà các “công trình dịch” này (a) hoặc ngắn ngủn dăm ba đoạn của nguyên tác tiếng Anh, (b) hoặc né không dám “dịch” các tài liệu hàn lâm học thuật hay khoa học, (c) hoặc gặp các tài liệu liên quan đến chính trị là lập tức “sáng tạo” toàn những ý tứ giải thích để chống lại ý thức hệ cộng sản mà ác tâm là chỉa vào Nhà nước Việt Nam cùng thể chế chính trị Việt Nam trong khi nguyên tác tiếng Anh rất công tâm thuần học thuyết hàn lâm không hề viết thế, và (d) hoặc gặp những tài liệu chung chung thì be ra, tán ra, theo hiểu biết nông cạn của cá nhân mình chứ không dịch từ nguyên bản.

Mới đây tình cờ tôi xem thử bản tiếng Việt về “tình yêu” trên Wikipedia thì hết hồn nhận thấy “nó” thuộc loại “be tán” chứ không phải là bản dịch nghiêm túc từ nguyên bản tiếng Anh về Love, khi kẻ ấy “be tán” ra nào là Tình Yêu Nước, tình yêu này nọ, thậm chí còn khủng khiếp dịch Unrequited LoveThất Tình, trong khi cái gọi là Tình Yêu Nước là Lòng Ái Quốc chứ không dính dáng gì đến Love, còn Unrequited Love có thể dẫn đến Thất Tình chứ bản thân nó không phải Thất Tình. Hơn 30 năm trước, tôi đã dạy sinh viên của tôi về các loại Love chính trong tiếng Anh, nay xin lập lại như sau – kèm với những chuyện tình có thật của tôi để minh họa – để giúp các bạn hiểu rõ hơn chứ các bạn sinh viên sẽ không bao giờ có thể học tập gì được nơi phần tiếng Việt của Wikipedia vĩ đại cả đâu, cũng như sẽ không có bất kỳ giảng viên Anh văn nào dù là người Việt hay người nước ngoài có thể giải thích tường tận và chính xác tương tự.

Các Loại Tình Yêu

Dù về phương diện ngôn ngữ thì Love của tiếng Anh thua kém các từ tương đương trong tiếng Việt, do người ta nói anh love em, anh love mẹ, anh love cà rem, anh love cà ri, v.v., còn tiếng Việt thì anh yêu em, anh thương em, anh yêu cha mẹ, anh thương cha mẹ, anh thích cà rem, anh khoái cà ri, v.v., trong đó thậm chí chữ thương lại dễ…thương hơn chữ yêu. Ở đây xin nói về tình yêu trai gái theo ý tứ chính quy từ ngàn xưa dành cho hai người khác phái chứ không vì cái gọi là “phân biệt đối xử”, và theo đúng tài liệu về Love của Wikipedia tiếng Anh.

1) Unrequited Love:

Đây là tình yêu đơn phương (tức one-sided love) khi bạn yêu một người mà không được đáp lại. Nếu sự đáp lại sở dĩ không có là do bạn yêu mà không dám tỏ nên đối tượng không biết để đáp hoặc không đáp, thì Unrequited Love sẽ được dịch thành thầm thương trộm nhớ, hoặc tình yêu thầm lặng. Nếu sự thầm lặng này làm bạn ưu sầu, khổ đau, héo úa, mà tất cả do bạn tự chuốc lấy thì có thể bạn sẽ tương tư tức lovesick. Nếu sự thầm lặng này không làm bạn héo hon vì bạn là người bản lĩnh thì xem như bạn có một mối tình đẹp thuần khiết để nhớ trong đời. Còn nếu bạn tỏ tình mà người ấy không đáp lại, khiến bạn khổ sầu héo hắt thì lúc ấy bạn có thể xem như mình thất tình tức lovelorn (chứ không phải được yêu rồi bị….”đá” mới là thất tình đâu bạn ạ, mà là “tình phụ” hay “phụ tình”, mà ngữ này thì tiếng Anh không có, vì Âu Mỹ cứ theo hợp đồng hôn nhân để “love” rồi “hết love” trong pháp luật).

2) Puppy Love: Tình Yêu Thơ Trẻ

Đây là từ thường được dịch thành Mối Tình Đầu, nhưng nếu bạn trên 18 tuổi mới có mối tình đầu tiên thì đó gọi là First Love chứ không phải Puppy Love, vì Puppy Love là khi bạn yêu ai lúc bạn còn ở tuổi ấu thơ hay tuổi thiếu niên hoặc vị thành niên. Puppy là “cún con” nên không dành cho loại..bẹc-giê.

3) Platonic Love: Tình Yêu Cao Thượng

Bài viết này như đã nói rõ ở trên là về tình yêu trai gái, do đó Platonic Love là tình yêu cao thượng khi cả hai không dụng mưu hoặc không để cuốn theo đòi hỏi tình dục trước ngày cưới, nghĩa là không để vấn đề tình dục xen vào như điều kiện tiên quyết nằng nặc phải có trong quan hệ gọi là “tình yêu” của hai người.

4) Compassionate Love: Tình Yêu Trắc Ẩn

Khi tình yêu được một người dành cho một người khác xuất phát từ lòng vị tha hay sự trắc ẩn, chỉ quan tâm đến việc làm điều tốt hơn cho người ấy, thì đó là compassionate love. Có thể liên tưởng đến những cuộc hôn nhân mà một trong hai người là người chịu thiệt thòi do yếu thế hoặc vì khuyết tật.

5) Conjugal Love: Tình Yêu Chung Thủy

Khi hai người yêu nhau và trở thành vợ chồng gắn bó keo sơn với nhau đến trọn đời thì đó là conjugal love, với ý nghĩa “tình yêu” là đẹp và cao trọng. Cảm xúc nhất thời, hoặc ngắn hạn, không thể được gọi là “tình yêu” tức tiền đề cho một tình yêu keo sơn gắn bó. Báo chí thường đưa tin diễn viên này chia tay người mẫu kia sau 9 năm yêu nhau mà lẽ ra họ nên viết chính xác là: sau 9 năm chung sống với nhau. Đã là tình yêu thì chỉ luôn hướng đến chuyện lâu dài mà chỉ có sự ngang trái bất ngờ ngoài ý muốn của cả hai mới khiến không thành ước nguyện song tình yêu vẫn còn trong tâm khảm nhung nhớ đến trọn đời.

6) Love at First Sight: Tình Yêu Sét Đánh

Tình yêu sét đánh (tiếng Pháp gọi là coup de foudre) là tình yêu bùng phát ngay từ cái nhìn đầu tiên với người lạ mặt. Đã là sét đánh thì cực kỳ dữ dội, cực kỳ chấn động, cực kỳ dài lâu, cực kỳ lãng mạn. Đã là sét đánh thì ngoài thực tế đời sống không ai có thể sống sót, vì vậy trong “tình yêu” mà bạn cứ gặp ai cũng yêu ngay từ cái nhìn đầu nghĩa là bị sét đánh đi đánh lại vô số lần thì thứ tình cảm của bạn không thể gọi đó là yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên tức tình yêu sét đánh mà cũng không thể nói đó là “tình yêu” bất kỳ mà là một kiểu lệch lạc cần sự giúp đỡ của bác sĩ phân tâm do bạn đã bị sét đánh đen thui tóc dựng đứng và bốc khói.

7) Star-Crossed Love: Tình Yêu Ngang Trái

Star-Crossed Love do chính tôi đặt ra (bạn không thể thấy có trong tự điển bất kỳ) từ nhóm chữ Star-Crossed Lovers của William Shakespeare gọi đôi tình nhân Romeo và Juliet. Đây là loại tình yêu có thể xảy ra không ít trong xã hội Việt Nam do sự can thiệp của mẹ cha vì vấn đề tôn giáo hoặc gia thế.

Ngoài ra, còn những thứ “Love” khác xin được kể ra sau đây, không với dụng ý xem đó là những loại “tình yêu”, mà chỉ đơn giản muốn nói rằng từ “Love” đã rất yếu kém và được sử dụng quá thoải mái vô tư cho những phạm trù khó thể gọi là “tình yêu”:

1) Free Love: Tình Yêu Không Giá Thú

Đây là thứ “love” theo trào lưu Âu Mỹ, theo đó nam nữ sống với nhau không muốn có sự ràng buộc về hôn thú, không bị bó buộc bởi các quy định kế hoạch hóa gia đình, và thậm chí cả hai đều có quyền tự do ngoại tình với bất kỳ ai khác trong thời gian chung sống với nhau, kể cả theo kiểu đăng báo kiếm “đối tác” để đổi vợ đổi chồng vài ngày để thay đổi không khí.

2) Infatuated Love: Tình Yêu Cuồng Si

Cái tên cuồng si ắt cho bạn biết sự si dại, mê cuồng, đắm đuối ghê gớm của ngôn từ nên ắt bạn cũng hiểu là thứ tình yêu này khó thể là lành mạnh vì nó khống chế toàn bộ hành vi của con người, dễ dẫn đến các hành vi manh động, dữ dội, và do đó ắt chỉ có thể thấy trong miêu tả các nhân vật trong các quyển tiểu thuyết. Do “tình yêu” thì mang ý nghĩa tốt đẹp, trong khi “love” được dùng thoải mái trong tiếng Anh nên Infatuated Love tốt nhất nên chỉ dịch thành sự si mê cuồng dại một người khác phái, chứ yêu đương gì mà giống mafia như thế thì rõ ràng không thể nào là yêu mà chỉ là sự ra tay chiếm đoạt, sở hữu mà thôi.

3) Love Triangle:

Tình Tay Ba (còn gọi là Romance Triangle hay Romantic Love Triangle tức “love” lãng mạn…tam giác), mà nếu trên cơ sở Phim Hàn Quốc hàng trăm tập thì hoặc gồm hai anh yêu một cô, hoặc hai cô yêu một anh. Thật ra thì đây là cách gọi chơi cho vui vì dù cho trên thực tế có sự cố “tay ba” như vậy thì cũng chỉ có hai người yêu nhau thôi, chứ nếu một anh yêu hai cô hoặc một cô yêu hai anh thì không gọi là tình tay ba mà phải gọi là tình khùng chạy vì hai cô sẽ bỏ chạy cùng với hai anh kia cũng đang bỏ chạy.

4) Obsessive Love: Tình Chiếm Đoạt

Đây cũng là thí dụ về sự kém cỏi của từ Love trong tiếng Anh, vì Obsessive Love nói về một cảm xúc mang tính bịnh lý tâm thần, hỗn loạn nhân cách, nơi người thèm khát chiếm đoạt một người khác phái cho bằng được mà không chấp nhận bị thất bại hay bị khước từ kể cả để thỏa mãn tình dục. Do Obsessive Love tồn tại trong tiếng Anh nên cực chẳng đã được nêu lên trong bài viết này chứ bản thân tính cách ấy không thể gọi là “tình yêu”.

5) Unconditional Love: Tình Yêu Thần Tượng

Unconditional love tức Tình Yêu Vô Điều Kiện có thể được hiểu như một thứ “love” phát sinh từ lòng vị tha thương người, hoặc từ một thứ “love” tuyệt đối, mà người có thứ “love” này dâng tặng tất tần tật cho đối tượng mình xem như thần tượng mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện hay sự đền đáp tương xứng nào, vì xem tình yêu mình dành cho người mình yêu mới là duy nhất quan trọng với cuộc đời mình. Loại “love” này cũng không được xem như lành mạnh vì có thể có lấn cấn vấn đề tâm lý bất bình thường hoặc trẻ dại nơi người hiến tặng, trừ phi đó là tính cách cao thượng nơi những nữ tu, nhưng ngay cả trong trường hợp này thì “love” cũng không phải là “love” vì không phải là “tình yêu trai gái”.

Tôi Và Những Cuộc Tình

Tất nhiên, tôi sẽ không nói gì về 5 loại tình yêu khác thường không phải tình yêu mà chỉ là Love. Trong 7 loại tình yêu bình thường thì tôi đã có những trải nghiệm tình yêu chính như kể dưới đây. Dù tôi và những người con gái ấy nay ai cũng đã trên 50 tuổi, có những trường hợp tôi sẽ không nêu tên thật do những vấn đề tế nhị khác – chứ toàn bộ sự thật tôi đều đã “khôn ngoan” kể hết cho vợ tôi từ trước ngày cưới như đã ghi trong bài blog khác.

1) Tôi và Unrequited Love:

Dù tôi luôn được nhiều nữ sinh (tôi từ lớp 1 đến lớp 10 học ở các lớp nam sinh, và lớp 11 trở lên mới học lớp nam nữ học chung) mến thương gởi thư tỏ tình trước, tôi khi vào đại học vẫn có những tình yêu thầm lặngtình yêu đơn phương do những năm đầu sau giải phóng ai cũng “thủ thế”: Thầy Cô không nói chuyện với học trò vì sợ “lỡ lời” và vì giữ an toàn chờ ngày vượt biên, còn sinh viên thì không trò chuyện với nhau cũng do sợ “lỡ lời” và cũng vì giữ an toàn cho bản thân chờ ngày vượt biển. Tôi yêu say đắm Nguyễn Thị Hồng Loan ở Khoa Pháp Văn, một cô gái đẹp xinh, trầm lặng, khỏe mạnh, quý phái, và sáng tác bài thơ tiếng Anh tựa đề Bạch Hồng Riêng Tặng Hồng Loan The Rhododendrons for Hong Loan trao tặng nàng. Song, nàng lặng thinh không trả lời, nhìn tôi với ánh nhìn buồn bã, để rồi vài tuần sau nàng biến mất. Cứ vài tháng tôi vờ dọ hỏi các sinh viên Khoa Pháp về Hồng Loan nhưng chẳng ai biết gì, và tôi chỉ mong Loan không là nạn nhân của hải tặc ngoài biển khơi. Rồi khi trong hội trường giờ học Lịch Sử Đảng, tôi nhận được nụ cười tuyệt đẹp của một búp bê tên Lệ Thủy cũng của Khoa Pháp, tôi xao xuyến ngồi sau nàng hai dãy bàn vẽ tranh nàng, cô gái xinh đẹp có mái tóc ngắn chạm vai, rồi nhờ các bạn chuyển lên để tôi lại được nàng quay lại tặng tôi thêm một nụ cười đẹp tuyệt não nùng. Vài bạn hỏi tôi sao hôm trước làm bài thơ Autumnal Dew tức Sương Thu Dành Tặng Nguyễn Thị Thu Sương ở Khoa Anh trong giờ Kinh Tế Chính Trị Mác-Lê Nin trong khi Sương tóc dài tuyệt đẹp lại không vẽ nay lại vẽ mái tóc ngắn của Thủy, thì tôi trả lời do không làm thơ tiếng Pháp được nên vẽ tranh. Và rồi Lệ Thủy lại biến mất theo làn sóng vượt biên mà không ai nhận được tin tức gì sau đó. Tôi yêu Hồng Loan vì nét đẹp quý phái nghiêm trang. Tôi yêu Lệ Thủy vì nét đẹp thanh tú quyến rũ hơn tranh vẽ của nàng nhất là nụ cười Liêu Trai đẹp hơn cả nụ cười bừng sáng của Catherine Jeta-Jones. Gọi là tình yêu đơn phương thầm thương trộm nhớ hoặc tình yêu thầm lặng của tôi vì tôi chưa từng tỏ tình bằng lời nói mà chỉ qua một bài thơ và một bức tranh gởi tặng thay lời muốn nói. Tất nhiên, sự thầm lặng này không làm tôi héo hon héo hắt héo úa, mà xem như tôi đã có hai lần cảm nhận được sự thương yêu mình dành cho hai người con gái vào hai thời điểm khác nhau thật thuần khiết để mãi nhớ trong đời.

Love (2)Autumnal Dew

2) Tôi và Puppy Love: Tình Yêu Thơ Trẻ

Do đây là từ của văn hóa Âu Mỹ, nhưng vì tôi đã trải qua, cũng xin kể lại vào năm học lớp 4 tiểu học (lúc ấy gọi là “lớp nhì”) tôi có thương cô bé Lê Thị Cẩm Hà học lớp 3. Cẩm Hà ở gần nhà tôi nên khi chúng tôi đi bộ đến trường Phan Đình Phùng (nay vẫn là trường Phan Đình Phùng ở Quận 3), tôi cứ mãi ngắm nhìn cô bé trắng mũm mĩm có đôi môi hồng dễ thương ấy. Gọi là “Love” vì khi đi học về là tôi nằm ôm chiếc gối ôm, nghĩ đến chuyện ngày sau sẽ cưới Cẩm Hà làm vợ. Khi biết chuyện tôi thương nàng (qua cái nhìn say đắm say mê của tôi), “bé” Cẩm Hà cứ gặp tôi trên đường là bẽn lẽn, gò má thêm ửng hồng, nụ cười thêm e ấp, còn những ngày không đi học thì hay đứng nép bên cửa nhìn tôi đắm đuối tương tự. Rồi vài năm sau, gia đình Cẩm Hà dọn về Miền Tây nên “đôi trẻ” không còn dịp gặp nhau mỗi ngày trên đường đi học. Vài chục năm sau, có người hàng xóm thuật cho Má tôi nghe chuyện Cẩm Hà lấy chồng và sống rất cơ cực ở miền quê. Lúc ấy – và cho đến tận bây giờ – tôi vẫn còn nhớ đến ánh mắt long lanh, đôi môi hồng, nụ cười thật đẹp và gương mặt sang trọng nghiêm nghị của cô bé Cẩm Hà của ngày xa xưa ấy.

3) Tôi và Platonic Love: Tình Yêu Cao Thượng

Tôi có thể nói rằng giáo dục gia phong và tinh thần trách nhiệm đã cho tôi sự tự hào để bảo rằng tất cả những tình yêu đã đến với tôi đều là Platonic Love.

4) Tôi và Love at First Sight: Tình Yêu Sét Đánh

Đinh Thị Mai Trâm có thể là tình yêu sét đánh (tiếng Pháp hay dùng là coup de foudre) bùng phát bùng nổ ngay từ cái nhìn đầu tiên của tôi. Là lớp trưởng lớp 9 ở trường Nguyễn Bá Tòng, mỗi khi chào cờ tại sân trường, tôi phải luôn đứng đầu hàng ngũ của lớp nam sinh của tôi. Và trong rừng nữ sinh áo dài trắng đứng đối diện, một hôm tôi chợt tình cờ nhìn thấy Mai Trâm cũng đứng đầu hàng ngũ lớp 9 nữ sinh của nàng ngay trước mặt tôi. Từ hôm đó, tôi mất ăn mất ngủ, luôn có hình ảnh Mai Trâm trong ý nghĩ, ước mơ, nhung nhớ. Nhưng tuy sét đánh làm tôi chấn động, tôi vẫn không nghĩ đến việc tỏ tình vì rất sợ các linh mục mà chúng tôi gọi là “hiệp sĩ áo đen” với cây roi mây đầy chất khủng bố bạo hành trẻ em. Rồi một hôm nọ, một bé gái ở học khu tiểu học đã chạy qua học khu nam sinh để trao tôi một phong thư màu xanh biển, vừa nói “của chị kia kêu em đưa cho anh” vừa chỉ tay về Mai Trâm đang nhìn tôi cười bẻn lẻn bên kia hàng rào kẽm gai điện tử MacNamara phân chia học khu nam sinh và học khu nữ sinh. Nàng nói rằng nàng rất mến thương tôi vì tôi là lớp trưởng gương mẫu toàn trường mà lớp của nàng cùng các lớp khác hạ quyết tâm sẽ tranh nhau làm quen cho bằng được, nhưng vì tôi nghiêm quá nên dù nàng không là lớp trưởng vẫn cố dàn xếp cho lớp trưởng mượn các tiểu thuyết của Quỳnh Dao để được nhường chỗ đứng đầu hàng mà tôi cũng cứ như linh hồn tượng đá chẳng chịu nhìn nàng trong nhiều tháng, nay nàng thấy tôi đã chịu nhìn nàng với bộ tịch ngất ngây như say rượu dáng đứng loạng choạng như đang động đất, hơi thở dập dồn, không cất tiếng hát quốc ca hào hùng dậy sấm như mọi lần khác, và không nghe cả lời của linh mục Phạm Minh Công đang xướng tên tôi xuất sắc, nên nàng yên tâm tôi có trái tim đang thổn thức để tự tin gởi thư tỏ tình cho tôi để dứt điểm ghi bàn toàn trường. Tôi hơi đoảng nên sau này mới biết hóa ra lớp tôi gọi nàng là hoa khôi và họ cũng cùng các lớp nam sinh khác quyết tâm tranh nhau làm quen với nàng cho bằng được với bao chàng công tử chạy xe Cady lạng qua lạng lại trên đường nàng đi bộ đến trường. Thảo nào vừa nhìn thấy nàng tôi đã bị sét quất trúng làm bốc khói khét lẹt, nên đến nay vẫn còn nhớ như in gương mặt tuyệt đẹp của nàng (và do vẫn đang còn giữ một bức ảnh học sinh của nàng), bàn tay thon mịn ấm áp của nàng mà tôi đã nâng niu hôn trong tối Giáng Sinh ở sân trường, và đôi môi của nàng vì nàng là người con gái đầu tiên tôi hôn trong đời mỗi khi hẹn hò tại vườn Tao Đàn ngồi trên thảm cỏ nói chuyện tương lai chồng vợ, cùng nhau đặt tên trước thật đẹp thật văn hoa cho các đứa con của ngày sau gồm 6 gái 6 trai dù chúng tôi chỉ mới học lớp 9. Nếu như tình yêu thời tiểu học của tôi với Cẩm Hà là Puppy Love thì tình yêu của tôi với Mai Trâm thời trung học cũng là Puppy Love vì chúng tôi còn ở tuổi thiếu niên của thời niên thiếu. Nàng thuộc gia đình công giáo người Bắc di cư, với Bố của nàng là bác sĩ quân y Hoa Kỳ, nhưng nàng yêu tôi là kẻ ngoại đạo, thậm chí khi tôi bịnh nàng lập tức đòi Bố kê toa mua thuốc và nhờ linh mục làm phép lên sợi dây chuyền thánh giá đem đến cho tôi. Đến khi lên lớp 11 tôi phải thôi học trường Nguyễn Bá Tòng ở Gia Định do nhà trường không mở được lớp Ban C (thiên hạ sợ chuyên khoa ngoại ngữ và triết học) để chuyển qua Tân Việt ở Quận 3, nàng vẫn mỗi trưa chạy xe Honda PC từ đường Chi Lăng đến chờ đợi tôi ngoài cổng vì sợ tôi có bạn gái mới ở Tân Việt, vậy mà tôi vẫn lâm vào tình huống của Phim truyện Hàn Quốc khi tin lời một cô bạn học chung lớp với Mai Trâm tự nhiên một hôm đến tìm tôi tỉ tê với tôi những chuyện tệ hại của Mai Trâm sau khi tôi chuyển trường – chỉ vì cô bạn tên Tuyết này là dân công giáo nên tôi tin không thể nói điêu ngoa – nên đã giận dữ cắt đứt quan hệ với Mai Trâm, cố tình chấp nhận ngay tình cảm của một nữ sinh khác ở Tân Việt tên B.K.H. Rồi tôi “dạy học” tại Tân Việt khi giải phóng đến lúc tôi đã học xong lớp 12 tú tài (do giáo viên tan rã bỏ đi mất khiến cán bộ giải phóng là Anh Ba Châu tiếp quản Quận 3 nhờ tôi giúp dạy Anh Văn cho mấy lớp đàn em để giữ trường, giữ lớp, giữ học sinh cho cách mạng), sau đó đậu vào đại học năm 1976. Có lần đang nắm tay N.T.K.K. nữ sinh Đại Học Văn Khoa tuyệt đẹp với mái tóc dài đến dưới thắt lưng học cùng lớp Anh Văn với tôi đi bộ trên đường Lê Duẩn, tôi thấy một cô gái chạy xe lên ngoáy đầu lại nhìn, thậm chí còn quay xe lại để nhìn tôi thêm một lần nữa. Đó là Mai Trâm và cũng là lần cuối tôi gặp nàng. Giá như không đang nắm tay đi cùng N.T.K.K., tôi đã chạy theo xe Mai Trâm để xin nàng tha lỗi, cho tôi được cùng nàng hoàn tất bức tranh gia đình đã phác thảo từ lớp 9. Đinh Thị Mai Trâm là người con gái tôi mãi yêu và ánh mắt u buồn của nàng trong bức ảnh tôi còn cất giữ cứ làm tôi lo lắng, mong sao cuộc đời của nàng an bình, an vui, an nhàn, không lận đận khổ đau như Lê Thị Cẩm Hà. Và giá như nàng biết tôi nhớ thương nàng biết bao.

Love (1)

5) Tôi và Star-Crossed Love: Tình Yêu Ngang Trái

Mỵ là nữ sinh đã khóc khi thấy tôi vì cứu người mà bị công an do tin lời vu cáo mà quất một báng súng vào gáy làm tôi té đập mặt xuống đất quần áo lấm lem bị giải đi giơ hai tay lên trời vào giam ở Phòng Giáo Viên, câu truyện mà tôi đã kể trong một bài blog gần đây. Xin chỉ tạm gọi nàng là Mỵ (vì trong bài thơ tiếng Việt Hiên Mi tặng nàng tôi có ví von đôi hàng mi của nàng cong dài mà tôi áp đầu vào ngực nàng để núp dưới hàng mi ấy chở che như mái hiên, và để mộng mỵ về hạnh phúc gia đình), thay vì ghi ra tên của nàng. Mỵ hôm ấy mặc áo dài trắng, đứng khóc suốt ngoài cửa sổ phòng “tạm giam”, làm tôi xúc động, sau đó làm một bài thơ tiếng Anh tặng nàng, và thậm chí viết tặng nàng cả một thi tập sau đó. Chúng tôi yêu nhau, và gia đình hai bên đều đánh giá cao chàng rể tương lai cùng cô dâu tương lai. Thế rồi toàn bộ đại gia đình của nàng được bảo lãnh xuất ngoại nhờ có một người chị ở nước ngoài làm vợ một quan chức ngoại giao Phương Tây khiến thủ tục giấy tờ can thiệp với Chính phủ Việt Nam được ưu tiên giải quyết nhanh cấp kỳ. Vì tôi không chịu nghe theo lời gia đình nàng làm hôn thú để nàng sẽ bảo lãnh tôi “qua bển” nên chúng tôi phải chia tay, và nơi Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt người tôi và nàng hôn nhau quấn quýt không rời, nước mắt ràn rụa, mặc cho cha nàng và các anh chị thúc giục nàng vào phòng cách ly. Nhiều lần tôi nhận được giấy báo của bưu điện và tôi ra đúng theo lịch hẹn, để chờ đến phiên kết nối được đường truyền để vào ô nói chuyện điện thoại với Mỵ do Mỵ đăng ký từ nước ấy. Để rồi khi tôi trở ra quầy để ký xác nhận thời gian điện đàm bao nhiêu chục phút để bưu điện thành phố tính tiền “bên bển”, cô thu ngân hỏi “anh có sao không vì em thấy anh với chị chỉ khóc mà không nói gì cả”, lúc ấy tôi mới biết là ở trong ô kính kín đáo ấy mình nói gì bưu điện cũng nghe hết! Cô gái tên Mỵ ấy đã làm việc rất tốt ở hải ngoại, ắt do đã có thời gian làm học trò của tôi vì Mỵ thuộc Khoa Nga Văn, nên khi đã yêu nhau, mỗi tối khi đã dạy xong ở các trung tâm lúc 21 giờ, tôi đến dạy kèm Mỵ tiếng Anh và dạy xong đến 23 giờ là chúng tôi ngồi hôn nhau suốt cả nửa tiếng đồng hồ, không nói lời nào vì đã nói quá nhiều tiếng Anh trong hai tiếng đồng hồ, tôi mới đạp xe về chong đèn soạn bài cho cả ngày mai dạy tiếp, khiến đấy là điều tôi nhớ nhất về Mỵ yêu quý và trong trắng ngây thơ của tôi trong cuộc tình ngang trái.

Love

Hien Mi

Trước đây trên blog Emotino tôi có đăng bài “Chuyện Tình Tự Kể” viết về lúc tôi học lớp 12 ở Tân Việt trước 1975 có thương một nữ sinh tên N.T.H. Ngày nọ, cùng đạp xe song song với nàng đến thăm nhà nàng ở con đường sau này gọi là Cách Mạng Tháng 8, tôi thấy có treo hình đen trắng thật to anh của nàng là một sĩ quan cao cấp (vì có cầm gậy chỉ huy) chụp chung với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời tôi thấy một phụ nữ gầy gò mặc áo nâu sồng ẩn sau rèm cửa đứng nhìn tôi. Nàng cho biết đó là Mẹ của nàng. Mẹ xuống tóc đi tu sau khi đi thăm Cha của nàng ở tiền đồn về, do kinh hoàng thấy Cha của nàng hễ hành quân bắt được Việt Cộng nào là lôi về cho mổ bụng rồi đem vất ruột gan lên nóc trại khiến cả trại bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mẹ nàng sợ “con gái hưởng đức cha” mà cha ở ác quá nên bà đi tu để nguyện xin bớt tội cho chồng và cầu xin chút đức cho đứa con gái út ngoan hiền xinh như thiên thần của bà. Nghe xong, tôi vì kinh sợ đã từ bỏ ý định tiến xa hơn với người con gái ấy. Ắt nàng không hiểu vì sao sự không gian dối của nàng lại khiến nàng phải gánh chịu thiệt thòi từ tôi như vậy. Tôi thì không xem đó là cuộc tình ngang trái vì tôi định hôm ấy đến nhà nàng sẽ nói nàng biết tôi yêu thương nàng đến dường nào sau một thời gian im lặng dành cho nàng những chăm sóc ân cần; mà do đã chưa thốt ra, chưa thể gọi đó là tình yêu để mà ngang trái. Tôi đã viết lời kết rằng tôi không mong nàng đọc được bài viết ấy của tôi vì tôi cứ bị ám ảnh bởi niềm tin rằng nàng ắt đã theo mẹ bình lặng quy y nơi cửa Phật vì tội ác của người cha.

 IM000125.JPG

Trên đây là những “tình yêu” chính mà tôi chọn lựa cho tương hợp với các tên gọi các loại “love” chủ yếu của tiếng Anh. Tất cả những nhân vật trên đều được vợ tôi hoặc đã nghe kể về hoặc chính vợ tôi làm nhân chứng do đã học chung với tôi ở đại học và dạy chung với tôi sau khi tốt nghiệp, thậm chí có khi còn chọc ghẹo tôi mỗi khi có những cô gái ấy chờ đợi tôi ở cổng trường hoặc khi thấy tôi đạp xe song song với “người ta” được “người ta” nhí nhảnh chồm qua đút ăn ô mai ngoài đường ngoài sá. Song, khi nói về vợ tôi, tôi muốn nêu sự khác biệt giữa “love” và “tình yêu” vì “love” thuần túy mô tả thực tế thực dụng, trong khi “tình yêu” nhiều khi đượm tính nghĩa tình nghĩa ơn sâu đậm, do đó “tình yêu” của tôi dành cho vợ tôi khó được diễn tả tương hợp với bất kỳ loại “love” nào đã kể ở trên theo tinh thần ngôn ngữ Anh và thực tế đời sống Anh Mỹ. Vợ tôi đã chứng kiến những năm dài “đoan chính” của tôi tại Đại Học Văn Khoa, từng là “cánh chim đưa thư” của tôi gởi tặng những bài thơ tiếng Anh cho bạn học chung lớp của nàng và những bạn học của nàng tại các khoa khác, sau đó thậm chí chứng kiến những cuộc tình của tôi với các nữ sinh của lớp tôi chủ nhiệm, của lớp nàng chủ nhiệm và của lớp thuộc giáo viên chủ nhiệm khác. Đó là khía cạnh “luôn luôn thấu hiểu” nơi nàng. Còn khi nàng đơn độc “hoa lạc giữa rừng gươm” đấu tranh chống lại cường quyền để bảo vệ tôi khi tôi bị xử bức, bị đình chỉ công tác phải đi quét rác tại Khoa Ngoại Ngữ, bị bôi nhọ, bị vu khống, để rồi chính nàng bị vạ lây, bị tước hết các danh hiệu “thi đua” hay “dạy giỏi”, bị tước bỏ khỏi danh sách cùng tôi du học thạc sĩ Anh văn ở Úc, nhưng vẫn điềm nhiên cười khẩy rồi mỗi khi trên đường dạy thêm vì kế sinh nhai vẫn đến thăm tôi, động viên với câu nói giản đơn giản dị mang chiều hướng tâm linh rằng “ở hiền như anh sẽ gặp lành”, rằng “Trời Phật biết hết về anh mà, lo gì”, rằng “em cũng bị xử bức như anh, có sao đâu”, rằng vân vân và vân vân. Và khi nàng và tôi nên nghĩa vợ chồng với sự thương phục ủng hộ giúp đỡ thật cao nơi cha và mẹ của nàng (trừ câu nói nhẹ nhàng của mẹ nàng rằng mẹ rất lo lắng vì “nó cứng đầu không chịu luồn cúi ai thì khó ngóc đầu lên lắm con ơi”) thì tôi vẫn chưa thấy tiếng Anh có loại “love” nào thích hợp mang cả nội hàm bao trọn ý của nghĩa tình, nghĩa ơn của tôi đối với nghĩa cử nghĩa vụ nghĩa khí cùng sự hiểu biết, hiểu thấu, phục nết phục tài và sẵn sàng…phục vụ của nàng. Khi nào sáng tạo ra từ ngữ “love” thích hợp, tôi sẽ phổ biến tiếp trên blog này.

Tôi tin rằng các bạn sinh viên từ nay có thể gọi tên những cuộc tình của mình thật đúng khi viết hồi ký những ngày xưa năm cũ đầy ắp những yêu thương nồng cháy của đời mình.

Thương chúc các bạn có những tình yêu thật đẹp, thật bền vững, hữu thủy hữu chung đúng nghĩa keo sơn.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo;

Hoàng Hữu Phước. 09-12-2015. Đám Cưới

Hoàng Hữu Phước. 18-12-2015. Tôi Dạy Vợ

Hoàng Hữu Phước. 09-10-2014. Bài Thơ Về Đinh Thị Mai Trâm: Thơ Cùng Bạn Hữu Trên Không Gian Mạng. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/10/09/tho-cung-ban-huu-tren-khong-gian-mang/

Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ

Hoàng Hữu Phước, MIB

18-01-2016

 Army1

Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, là vị tướng lĩnh rất dễ mến. Đại Tướng rất giống Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ở dáng người, sự tươi tắn thân tình, và ánh mắt sáng quắc của bản lĩnh mưu lược. Tôi thường trò chuyện với Đại Tướng ngoài hành lang Quốc Hội vào giờ giải lao, và có lần Đại Tướng bảo “Để anh chụp chung với em một ảnh nhé” rồi lấy điện thoại ra gọi các phóng viên đến chụp hình tôi cùng Đại Tướng. Qua buổi họp hôm sau, do tôi tắt điện thoại vì bên trong nghị trường có thiết bị chặn sóng (khiến các điện thoại di động – trừ điện thoại của các lãnh đạo – đều không sử dụng được, có thể làm hỏng pin nếu không tắt điện thoại do điện thoại sẽ tự động cố gắng trong nhiều giờ dò kiếm tìm sóng), Đại Tướng khi thấy tôi bước vào đã kêu tên tôi và khi tôi đến, Đại Tướng đưa tặng tôi bức ảnh trên.

Khi tôi nói với Đại Tướng về nhận định của tôi nhân chuyến thăm vừa qua của Đại Tướng đến Hoa Kỳ, Đại Tướng chăm chú lắng nghe với phong cách lịch lãm khiến người đối diện có ấn tượng rằng Đại Tướng không những gần gũi, thân thiện, mà còn giỏi ngoại giao hùng biện thu phục nhân tâm.

Nếu vị Đại Tướng tầm thước Võ Nguyên Giáp đã mưu lược chiến thắng các tướng lĩnh cao to của Pháp và Mỹ vì đại cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thì hậu duệ của Người là vị Đại Tướng tầm thước Đỗ Bá Tỵ đã sánh vai cùng các tướng lĩnh Mỹ cao to tại Ngũ Giác Đài để bàn chuyện quốc gia đại sự cho một chiến lược an ninh quốc phòng Mỹ–Việt vì đại cuộc duy trì cũng như bảo vệ hòa bình của Châu Á–Thái Bình Dương và thế giới.

 Army2Army3Army4

Uy thế và bản lĩnh mưu lược của các vị tướng quân của Việt Nam là kết tinh rõ nét nhất từ sự hun đúc của tinh thần quật khởi mang đậm dấu ấn dân tộc Lạc Hồng, được phô diễn thị uy hiệu quả, thành công, khi nền độc lập dân tộc, sự thống nhất đất nước, và sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là những điều kiện tiên quyết, không thể tách rời, cho tổ quốc quyết sinh.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước. 26-10-2013. Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Luận Về Trang Phục Và Trang Bị Cảnh Sát Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

17-01-2016

 CS

Trong bài Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về “Luật Biểu Tình”, tôi có nêu về vấn đề trang bị vũ khí xe chuyên dùng cho lực lượng cảnh sát để chống bạo động, cùng các chiến thuật tác chiến chống bạo động của cảnh sát như một chuẩn bị phải có để sau suốt nhiệm kỳ Quốc Hội Khóa XIII (2011-2016) phải đình chỉ tất cả các việc liên quan đến soạn thảo dự án luật “Biểu Tình” do tôi đã thuyết phục thành công để Quốc Hội chưa cho bàn thêm về nội dung luật này, Quốc Hội Khóa XIV (2016-2021) sẽ có đủ điều kiện vật chất, tư duy, ngôn ngữ, thời gian nghiên cứu để bắt đầu chấp bút. Và mới đây, trên báo chí đã đăng tải hình ảnh các xe chuyên dùng chống bạo loạn có trang bị cả trung liên để bảo vệ tuyệt đối thành công Đại hội Đảng. Tất nhiên, thử thách vẫn còn nhiêu khê trước mắt đối với lực lượng cảnh sát do hỏa lực mạnh được trang bị cho các xe chuyên dùng, song liệu cảnh sát có dám xả súng trung liên vào đám đông lợi dụng “biểu tình” để gây bạo loạn hay không lại là vấn đề chưa ai tính đến, mà nếu không dám xả súng thì liệu có bảo vệ “an toàn tuyệt đối” hay không. Thử thách này do chính ngành công an tự chuốc lấy, khi lột lon chiến sĩ công an nào tát “dân” hay đánh “dân”, nghĩa là vô hình chung tự dưng trộn lẫn “người dân lương thiện” với “kẻ gây rối” chỉ vì cả hai cùng có thẻ Chứng Minh Nhân Dân, thậm chí cảnh sát cực kỳ run sợ nếu bị người đi đường quay phim thảy lên mạng chùa. Cần rút từ bài viết trên của tôi và bài viết gần đây để biết rằng cảnh sát Mỹ đánh đập người Mỹ, bắn hạ người Mỹ bất tuân hiệu lệnh, và tự do có nghĩa là người dân có quyền “tự do biểu tình” theo sự thông báo với cơ quan chức năng theo luật định, trong khi chỉ huy cảnh sát địa phương có toàn quyền yêu cầu đoàn “biểu tình” phải giải tán khi cho rằng có thể sẽ xảy ra bạo động, và nếu người “biểu tình” bất tuân sẽ bị “tự do đánh đập hoặc tự do bắn hạ”.

CS1

Còn trong năm 2011 tôi có viết blog bài mang tên Luận Về Trang Phục Và Trang Bị Cảnh Sát Việt Nam nói về bản thân người công an – ở đây xin gọi chung là “cảnh sát” cho đúng thông lệ quốc tế đối với chữ “Police”. Mới đây thấy Cô Rebecca Volent viết trên mạng Những Câu Chuyện Về Đồng Phục có viết cạnh bức hình này

 CS2

rằng người nước ngoài bảo trang phục của cảnh sát Việt Nam “không giống ai”, khiến du khách nước ngoài thêm rối rắm chẳng biết tin vào ai để mà cậy nhờ, cầu cứu, tôi mới sực nhớ bài luận nêu trên mà nội dung tôi có nêu tại một trong mười bài tư vấn ứng viên tự do cho cuộc bầu cử Quốc Hội Khóa XIV (2016-2021) rằng khi tôi đặt vấn đề tại buổi “giám sát” ở Sở Công An Thành phố Hồ Chí Minh, vị Trưởng Đoàn Giám Sát lập tức bảo tôi đã hết thời gian phát biểu, do sợ mếch lòng Sở Công An. Nay xin đăng lại bài trên để biết nếu xe cứu thương của thế giới có hình dấu thập đỏ (hoặc xanh lá) để mọi người luôn dễ hiểu dễ nhận ra, mà xe cứu thương của Việt Nam có hình trái táo cắn dỡ hoặc trái dưa hấu bổ đôi đỏ hườm chẳng hạn thì sẽ không ai hiểu nó là gì trừ người Việt Nam; và tương tự, cảnh sát Việt Nam mặc trang phục hoàn toàn đứng ngoài khả năng nhận diện của phần còn lại của nhân loại.

Luận Về Trang Phục Và Trang Bị Cảnh Sát Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

CS3

A) Dẫn Nhập: Từ Hai Mẩu Tin Cảnh Sát Giao Thông Thành Phố Hồ Chí Minh Bị Sát Thương

Đêm 10/9/2011 Trung úy Cảnh Sát Giao Thông Lê Trọng Tuấn và Thượng sĩ Cảnh Sát Cơ Động  Phan Thanh Nhơn trên xe mô-tô 51A1- 0161 tuần tra trên đường phố phát hiện hai thanh niên đi xe máy vượt đèn đỏ bèn rượt theo truy bắt qua các đường Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu đến góc Phan Liêm – Điện Biên Phủ thì áp sát được xe vi phạm nhưng ngay sau đó đã bị hai đối tượng dùng chân đạp hai anh ngã xuống đường bị trọng thương và vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình.

Hai ngày sau,  Thượng sĩ Lương Khánh Việt và Thượng sĩ Trần Võ Hoài Thanh thuộc đội Cảnh Sát Giao Thông Bến Thành tuần tra trên xe mô tô 51A1-0448 phát hiện một nhóm thanh niên tu tập đua xe trái phép nên truy đuổi đến đường Nguyễn Trãi, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, thì xe trượt húc vào tường rào trường Mầm Non khiến Thượng sĩ Việt tử vong, còn Thượng sĩ Thanh bị trọng thương hiện đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Hai tai nạn xảy ra bởi vì cảnh sát giao thông Việt Nam đã được trang bị quá đơn giản, quá thiếu thốn, và không thể chấp nhận được cảnh xảy ra quá nhiều năm nay khi chiếc xe mô tô cảnh sát – tức loại mô tô dùng để rượt bắt chứ không là mô tô chạy đường trường – lại được sử dụng chở hai chiến sĩ, cảnh này chứng tỏ cảnh sát giao thông Việt Nam đã không hiểu biết về chức năng chiếc mô tô cảnh sát và nếu ở nước nào một mô tô cảnh sát chở hai cảnh sát tuần tra ắt nước đó cực kỳ nhược tiểu.

 CS4

 B) Những Hình Ảnh Về Trang Phục Và Trang Bị Cảnh Sát Giao Thông Việt Nam

Phiên xử hai kẻ thủ ác giết chết Bà Bí Thư Quận Ủy Quận Phú Nhuận vẫn còn là tin nóng hổi, và hình ảnh sau trên báo Tuổi Trẻ cho ta thấy những điều sau về cảnh sát giao thông:

 CS5

Các chiến sĩ chỉ được trang bị mũ bảo hiểm loại thường, súng ngắn, và chiếc còng. Ngoài ra, chiếc đai da trắng cũ kỹ là thứ vô dụng của cảnh sát mô tô chế độ Sài Gòn trước 1975 nay đầy vết cáu bẩn không hiểu sao vẫn tiếp tục được sử dụng trông rất phản cảm vì không tôn được thế của dáng dấp người chiến sĩ.

C) So Sánh Trang Phục Và Trang Bị Cảnh Sát Nước Ngoài

Trước khi có các đề xuất hợp lý hóa trang phục và hiện đại hóa trang bị của cảnh sát giao thông Việt Nam, thiết nghĩ những tư liệu hình ảnh sau có thể cho ta cái nhìn khái quát về lực lượng cảnh sát nói chung ở các nước khác, từ cường quốc đến các nước phát triển và đang phát triển.

1-HOA KỲ:

Chẳng hạn cảnh sát giao thông Mỹ:

 CS6

Mỗi chiến sĩ một xe mô tô, mũ chuyên dùng có gắn thiết bị micro truyền tin, mặc trang phục đen, đi ủng chuyên dùng cho sử dụng xe mô tô phân khối lớn, đeo găng tay bảo vệ, đeo kính bảo vệ, và xe mô tô có gắn máy ghi hình.

Còn đối với lực lượng cảnh sát tuần tra ô tô hay địa phương, trang phục của họ qua các ảnh minh họa sau cho thấy màu chủ đạo là đen, giày bốt chuyên dùng, tác phong “trấn áp chuyên nghiệp” qua các hình xâm dữ dội hay đầu trọc, trang bị đầy đủ,

 CS7CS8

đặc biệt luôn có gậy trấn áp (tonfa hay side-handle baton) và một số lực lượng sử dụng hỏa lực tiêu diệt (súng tiểu liên), v.v.

 CS9

  2-VƯƠNG QUỐC ANH:

 CS10

Cảnh sát ở thủ đô London cả nam lẫn nữ đều mặc sơ mi trắng (hoặc đen), khoác áo giáp đen, trang bị cùng lúc súng ngắn và tiểu liên MP5. Điểm khác biệt duy nhất là nam đội mũ lưỡi trai hoặc mũ cổ điển, còn nữ đội mũ nồi bowler duyên dáng (Ở Mỹ và Canada không có phân biệt trang phục cảnh sát nam và nữ). Thường thì cảnh sát Anh theo truyền thống ít khi mang vũ khí, nhưng an ninh đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với Vương Quốc Thống Nhất Đại Anh Và Bác Ái Nhĩ Lan đến độ sự trang bị “tận răng” ngày nay đã trở thành nét đẹp mới trên đường phố.

3-THÁI LAN:

 CS11

 4-ÚC:

 CS12

5- NA UY:

 CS13

6- PAKISTAN:

 CS14

7- THỤY ĐIỂN:

 CS15

8- PHÁP:

Cảnh sát Pháp thì tùy chức năng nhiệm vụ riêng mà sắc phục có màu sậm hoặc màu trắng, nhưng trang bị đầy đủ, và thường dùng giày bốt chuyên dùng.

 CS16

9-TÂY BAN NHA:

Cảnh sát mặc trang phục màu tối, trang bị súng ngắn và gậy trấn áp.

 CS17

10- ĐAN MẠCH:

Cảnh sát nước này phân biệt trang phục không những theo giới tính mà còn theo mùa trong năm, nhưng sắc đen là màu chủ đạo.

 CS18

11- MEXICO:

 CS19

12- HÀN QUỐC:

 CS20

13- NHẬT BẢN:

 CS21CS22

14- NGA:

 CS23CS24

15- HÀ LAN:

 CS25

16- UKRAINE:

 CS26

17-BỈ:

 CS27

18- JORDAN:

 CS28

19- TRUNG QUỐC:

 CS29

20- ẤN ĐỘ:

Ngay cả khi cảnh sát Ấn Độ có trang phục như sau:

 CS30

thì họ cũng sang nghiên cứu tại Sở Cảnh Sát New York Hoa Kỳ vì rất quan tâm đến kiểu trang phục mới này cho đúng với thế giới:

CS31CS32

D) Những Ý Kiến Đề Xuất

1) Quân Phục:

Trang phục của cảnh sát nên là màu đen hoặc xanh đen hay xám đen, phải nổi bật giữa đám đông. Đây không chỉ là lý do thẩm mỹ mà còn là yếu tố tâm lý vì rằng (a) chiến sĩ áo sậm rất nổi bật giữa đám đông nên có tác dụng dễ nhận diện bởi người dân có nhu cầu cứu giúp hoặc bởi kẻ định làm việc xấu khiến hắn có cái gọi là “second thought” tức chần chừ, chùn tay, suy nghĩ lại, không gây án, triệt tiêu một nguy cơ tiềm tàng cho một nạn nhân nào đó; (b) đồng thời màu đen có tính nghiêm khắc, dữ dội, tạo tâm lý sợ hãi nơi người nào định phạm tội; và (c) màu đen lạnh lùng khiến người vi phạm không thể nổi nóng manh động. Trang phục hiện nay của cảnh sát giao thông màu vàng rất (a) dễ hòa lẫn với cảnh quang chung của bụi bặm và nóng bức, (b) kém thẩm mỹ, (c) dễ gây tâm lý nóng bức nơi người vi phạm khiến có to tiếng hoặc manh động; còn trang phục công an màu xanh lá lại không tôn được sắc thái uy dũng rất cần có nơi lực lượng mà công việc quan trong nhất là trấn áp tiêu diệt tội phạm chứ không phải mang hào quang nhũn mềm của “bảo vệ nhân dân”. Chưa kể ngoài màu vàng kỳ dị gây cảm giác nóng bức bực bội tại một nước miền nhiệt đới ngày càng nóng bức hơn thì màu xanh của áo công an lại làm người nước ngoài hiểu lầm đó là chiến sĩ quân đội chứ không phải công an viên. Đâu cần phải sợ mang tiếng “bắt chước” màu đen của “tư bản” mà xài màu vàng nóng nực và đấu cần phải gán cho bằng được tính “nhân dân” để chế ra trang phục màu xanh lá đầy lẫn lộn.

2) Phương Tiện:

Phương tiện chủ yếu của cảnh sát giao thông Việt Nam là mô-tô do ô-tô cảnh sát ở Việt Nam không thể được dùng để truy bắt rượt đuổi đối tượng mà chỉ đùng để mở đường cho đoàn xe yếu nhân. Nhất thiết phải trang bị mỗi chiến sĩ một mô tô, chấm dứt nạn hai người đèo trên một mô-tô; đặc biệt mô-tô phải có lắp thiết bị ghi hình gắn phía trước mô-tô giống mô-tô cảnh sát Mỹ và các mô-tô đua giải quốc tế để truyền hình ảnh đối tượng (và số xe của phương tiện) đang bị rượt đuổi, nơi chốn đang rượt đuổi ngay về trung tâm để được trung tâm điều viện binh chận đầu đón bắt hoặc có băng hình làm bằng chứng bảo vệ chiến sĩ trong trường hợp chủ xe vi phạm ngừng phía trước trình giấy tờ sau đó nộp đơn vu cáo chiến sĩ đánh đập hay chìa tay nhận hối lộ.

Nếu chỉ vì lý do phòng chống tham nhũng mà phải cử hai chiến sĩ đi với nhau thì hai người trên hai chiếc mô tô lại càng tốt, nhất là trong việc cùng nhau rượt đuổi truy bắt tội phạm, mà vẫn giám sát nhau để tránh các hành vi tiêu cực.

Ở nước ngoài, người dân sử dụng xe mô tô đều phải dùng giày bốt chuyên dùng cho mô tô, mang leg cover bảo vệ đầu gối và cẳng chân, mang elbow cover để bảo vệ khuỷu tay, mang găng tay chuyên dùng để bảo vệ bàn tay nếu xảy ra té ngã. Cảnh sát giao thông Việt Nam sử dụng mô-tô thực hiện chức năng nguy hiểm của rượt đuổi truy bắt tội phạm mà lại ăn vận chỉ với áo ngắn tay, quần vải thường, giày tây cột dây bình thường như nhân viên văn phòng, mũ bảo hiểm thường, thì rõ là không đáp ứng đúng yêu cầu của nhà sản xuất mô-tô cảnh sát và công việc cảnh sát.

 CS33

3) Vũ Khí:

 CS34

Ngoài súng ngắn, cảnh sát giao thông Việt Nam còn được trang bị một gậy chỉ đường dường như bằng gỗ hay nhựa màu trắng bị tróc sơn nham nhở. Hơn hai mươi năm trước, thậm chí Việt Nam còn học theo Cộng Hòa Dân Chủ Đức trang bị dụng cụ như chiếc muỗng dài 25cm có kính nhựa tròn màu đỏ phản quang để chỉ đường, trong khi lẽ ra phải là gậy trấn áp bằng nhựa cứng màu đen như của cảnh sát Mỹ để tự vệ hữu hiệu (nắm thanh ngang để thanh dọc bảo vệ cánh tay khi đối tượng vung đao chém) và trấn áp đối tượng (đánh trọng thương để vô hiệu hóa đối tượng) hay để cứu người dân (đập cửa kiếng nhà bị hỏa hoạn, đập kính ô tô, v.v.). Cảnh sát Mỹ còn được trang bị đèn pin chiến thuật, tức là loại đèn nhỏ sử dụng hai pin điện tử tròn theo cơ chế hội tụ cao chỉ cần chiếu vào mắt đối tượng gây hấn là vô hiệu hóa hắn trong vài giây đủ để chiến sĩ áp sát tước vũ khí và còng tay bắt giữ.

4) Quy Định:

Ngay tại Anh Quốc vốn tự hào về sự uy nghiêm của cảnh sát đến độ trước đây không bao giờ mang vũ khí (kẻ phạm tội gặp cảnh sát chỉ còn nước cố chạy cho thoát, không dám đánh cảnh sát, càng không dám giết cảnh sát vì nếu có phạm tội gì đó tày trời cách mấy vẫn không sao chứ động đến cảnh sát là bị tử hình), ấy vậy mà hiện nay họ trang bị tận răng như minh họa ở trên, đồng thời với sự đe dọa từ tai họa khủng bố, họ đã có  “shoot to kill” cho phép bắn hạ ngay kẻ nào có hành vi tình nghi khủng bố để bảo vệ người dân vô tội ở gần đấy. Phim ảnh Holywood còn cho thấy cảnh sát Mỹ đánh đập phạm nhân ngoan cố để lấy khẩu cung. Việt Nam không theo kiểu “tự do” của Mỹ, chính vì vậy nhất thiết phải cẩn trọng với những biện pháp phòng vệ cực kỳ hữu hiệu để phạm nhân không thể lờn mặt pháp luật.

Ở Việt Nam không hiểu sao lại muốn cảnh sát công an là những “ông bụt”, khiến nhiều tên tội phạm lờn mặt, khai báo rồi phản cung, nói bị công an đánh đập ép cung, v.v., trong khi chỉ cần bổ sung máy quay phim lúc lấy cung để có bằng chứng bổ sung vào vụ án, vừa để kẻ cung khai không thể phản cung, vừa để bảo vệ nghiêm phép nước rằng điều tra viên đã không nhục mạ hay dùng nhục hình khi tra vấn phạm nhân. Ngoài ra còn cần xem lại các quy định kỳ lạ về sử dụng vũ khí (quy trình nhiều bước buộc phải theo trước khi nổ súng trực diện đối tượng).

E) Kết Luận: Thanh Bảo Kiếm Của Nhân Dân

Chiến sĩ công an là “thanh bảo kiếm của nhân dân”. Nhân dân dùng thanh bảo kiếm ấy để trấn áp, tiêu diệt kẻ gian. Nhân dân không dùng thanh kiếm ấy để lật từng trang sách tiểu thuyết hay quơ mạng nhện. Vì vậy, các chiến sĩ cảnh sát giao thông Hà Nội đã sai khi nói với phóng viên VTV rằng họ không phạt những trường hợp đi xe máy không đội mũ bảo hiểm mà chỉ nhắc nhở giáo dục người dân. Việc “giáo dục” bằng lời không phải là chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát, công an. Vì làm sai chức năng nên họ khiến người dân lờn mặt, và cho đến ngày nay ở Hà Nội vẫn có bao người không đội mũ bảo hiểm, và đến phiên nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng vin vào đó mà không đội mũ bảo hiểm. Việc giáo dục của cảnh sát công an dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ bao gồm việc truy bắt tiêu diệt kẻ gian và thực thi luật pháp. Tiêu diệt kẻ gian nhằm giáo dục người dân hoặc làm lành lánh dữ, hoặc chùn tay không dám gây án. Thực thi pháp luật để sử dụng các hình phạt luật định giáo dục người dân kiêng sợ phép nước.

Để thanh bảo kiếm ấy luôn sắc bén, nhất thiết phải thường xuyên mài dũa bằng thứ đá mài tốt nhất. Để lực lượng cảnh sát giao thông không trở thành sự đàm tiếu của quốc tế về tệ tham nhũng ở Việt Nam, nhất thiết phải có những tưởng thưởng thật cao cùng những biện pháp chế tài khắc nghiệt nhất. Tưởng thưởng bằng các chế độ chính sách dành thật nhiều vinh dự cho gia đình các chiến sĩ để trường hợp họ hy sinh hay thương tật thì ngay cả cha mẹ của họ, vợ hay chồng của họ cũng được nuôi dưỡng đầy đủ trọn đời, con cái của họ được chu cấp học hành theo khả năng và ưu tiên có việc làm phù hợp trong cơ quan công quyền, v.v.. Trừng trị thật nghiêm khắc khi chiến sĩ phạm tội, tước bỏ tất cả các chế độ chính sách của gia đình, và phạt tiền thật nặng hoặc tịch thu tài sản.

Để thanh bảo kiếm ấy đúng là bảo kiếm, nhất thiết phải có vỏ kiếm tuyệt hảo. Để cảnh sát/công an là thanh bảo kiếm, nhất thiết phải có các trang bị đầy đủ, trang bị hảo hạng, trang bị tối tân. Thiếu những trang bị này nghĩa là Nhà Nước đã không xem trọng người cánh sát/công an, và từ đó đã không xem trọng sự an nguy của người dân.

Khi một cô gái không được dạy dỗ nên người đã hung hãn tát vào mặt một cảnh sát giao thông, thanh bảo kiếm rõ là đã cùn nhụt. Khi một tên say (sau mới rõ là thanh tra viên) xông đến đánh một cảnh sát giao thông làm cảnh sát này lùi lại né vào nhà dân, thanh bảo kiếm rõ là đã cùn nhụt. Vậy cái trọng trách bảo vệ lương dân thì cảnh sát/công an có đảm nổi hay chăng? Người dân lương thiện sẽ yên tâm nếu thấy viên cảnh sát phản ứng nhanh nhẹn, quyết đoán chụp tay cô gái hung hãn ấy, bẻ quặt ra sau lưng và vừa còng vừa dõng dạc nói lớn cho mọi người nghe rằng cô ta đã phạm vào điều nào, luật nào, quyền lợi của cô ta sẽ như thế nào, rồi gọi công an địa phương hỗ trợ. Người dân lương thiện sẽ yên tâm nếu thấy viên cảnh sát phản ứng nhanh nhẹn, rút gậy trấn áp đánh gảy khúc côn của tên say, đánh mạnh vào chân để y khuỵu xuống nhằm vô hiệu hóa sự điên cuồng của y  trước khi bẻ quặt tay hắn ra sau rồi còng lại. Họ yên tâm vì tin rằng anh cảnh sát khống chế hữu hiệu một tên say điên cuồng ắt có khả năng vô hiệu hóa một tên côn đồ, một gã  khủng bố.

Chỉ cần ngành công an hiểu rõ ý nghĩa của “thanh bảo kiếm của nhân dân”, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn với cộng đồng: Nhà Nước trang bị đầy đủ cho cảnh sát/công an không những về vũ trí, phương tiện mà còn về chính sách đãi ngộ; còn cảnh sát/công an thực hiện vai trò trừ gian, diệt bạo, thực thi pháp luật, xứng đáng với sự hy sinh của quân đội gian khổ ngoài hải đảo, biên cương, và sự kỳ vọng của người dân lương thiện.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước. 14-4-2015. Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về “Luật Biểu Tình” Bài 2: Vấn Đề Pháp Luật. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/04/14/nghi%CC%A3-si%CC%83-hoang-hu%CC%83u-phuoc-noi-ve-lua%CC%A3t-bie%CC%89u-tinh-2/

Chính Trị

Hoàng Hữu Phước, MIB

14-01-2016

Ở Việt Nam luôn có sự khó khăn đối với ý nghĩa từ vựng của các từ ngữ hàn lâm do có khoảng cách quá lớn giữa từ đề xuất tiếng Việt cho từ gốc tiếng nước ngoài – mà ở đây xin nói quy về tiếng Anh để tránh sự miên man tản mạn qua các ngôn ngữ khác – với bản thân ý nghĩa thực sự của từ tiếng nước ngoài ấy. Một vài thí dụ như Democracy có nghĩa chính là về một thể chế theo đó người dân có quyền bỏ phiếu của mình để bầu các nhà lãnh đạo đất nước, trong khi từ dịch thuật thành Dân Chủ ở tiếng Việt lại dễ khiến tập trung vào nghĩa người dân làm chủ; còn FreedomLiberty có sự phân biệt rõ ràng khi Freedom là nguyên tắc hình thành nước Hoa Kỳ với ý nghĩa không có vua chúa và giới quý tộc còn Liberty mang luôn ý nghĩa người dân có quyền tối thượng sở hữu mọi thứ của cải trong đó có nô lệ mà đến năm 1866 người da màu mới có Freedom còn phụ nữ Mỹ phải đợi đến thế kỷ XX vào năm 1920 mới được quyền này, khiến Liberty mang nghĩa Freedom được giới hạn bởi các quyền luật định mà do đó không ai được lạm dụng, trong khi từ dịch thuật thành Tự Do ở tiếng Việt cho cả hai từ FreedomLiberty lại không tài nào nêu bật được ý nghĩa tinh tế này và do đó lại chỉ đơn thuần là từ nhập nhằng luôn bị lạm dụng để mang ý nghĩa chõi lại với cộng sản mà họ gán ghép ý nghĩa “độc tài” vốn sai bét, chẳng dính dáng gì đến FreedomLiberty nhất là chẳng ai rõ cái Freedom Liberty của nhóm chống cộng có kèm quyền tự do chiếm hữu nô lệ và tự do chà đạp nữ quyền hay không.

Tương tự, có sự khác biệt giữa PoliticsChính Trị mà đa số người Việt chưa thông hiểu. Vì vậy, mỗi khi có ai đó phỏng vấn tôi mà câu hỏi có liên quan đến phạm trù hàn lâm ngữ nghĩa thì tôi luôn tùy vào đối tượng đặt câu hỏi để có câu trả lời thích hợp. Chẳng hạn khi tôi tự ra ứng cử năm 2011 ngoài những người đã gởi tôi tin nhắn động viên như:

Kính chào Ông. Tôi đã đọc rất nhiều bài viết của Ông trên trang Emotino, blog và từ đó tôi bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chính trị. Những bài viết của Ông rất hay, ý nghĩa và luận bàn sâu sắc về những vấn đề của đất nước. Tôi muốn gửi tới Ông sự kính trọng về tài, đức, tâm của Ông. Chúc Ông và gia đình Ông sức khỏe để Ông và những người như Ông sẽ là luồng sinh khí mới cho đất nước cùng Ông Vương Đình Huệ và Trương Tấn Sang. Trân trọng.

 Chnh Tri

thì cũng có người nêu câu hỏi:

Chào Ông anh! Ông anh có thể cho biết vì sao Ông anh quan tâm đến chính trị và muốn làm chính trị từ bao giờ không?

và tôi đã trả lời bằng email như sau (có post trên Emotino ngày 17-10-2011)

****

Kính chào Ông Anh/Bà Chị.

Chính trị là điều mọi người đang sống với tư cách đầy đủ một công dân thực thụ đều quan tâm, có ý thức hay từ trong vô thức. Đây là một sự thật mà nhiều bạn không biết đó thôi. Thường thấy ở nước mình có nhiều người tụ năm tụ ba trà dư tửu hậu nói đủ thứ trên đời về các yếu kém của “mấy ông” Nhà nước, “mấy ông” Chính phủ, nhưng khi có ai nói chỏi lại, khen “mấy ông” Cộng sản Việt Nam là hầu như ai cũng phát âm cùng một câu có ngữ nghĩa “thôi tui không thích nghe chính trị.” Như vậy với một bộ phận người dư thời gian, chính trị chỉ có một nghĩa duy nhất là nói cái gì đó, phân tích cái gì đó, tổng hợp cái gì đó từ các nguồn tin không “thân Cộng”. Và bạn thấy đấy: họ quan tâm đến chính trị đó chứ, dù có mở miệng nói không thích chính trị.

Tôi cho rằng khi bạn là một công dân thực thụ của một nước, bạn đương nhiên quan tâm đến chính trị. Công dân thực thụ là người có lao động – tất nhiên khi điều kiện sức khỏe và tuổi tác cho phép – đóng góp xây dựng đất nước, vì có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, cộng đồng, nên luôn biết phần đóng thuế thu nhập của mình ra sao, theo các điều luật nào, cũng như thực hiện quyền bầu cử lựa chọn nghị sĩ, theo dõi giá xăng dầu, tăng trưởng kinh tế hay giảm phát, tình hình đối ngoại của nước nhà, v.v., ra sao, mà tất cả đều liên quan đến thể chế và sự sinh tồn chính trị của quốc gia. Công dân không thực thụ là người tuy có quốc tịch, có chứng minh nhân dân, không quan tâm đến việc làm hay làm việc vì có nguồn cung cấp sự sống từ sự lao động của người thân, có rất nhiều thời gian đóng góp những lời rỉ tai dè bỉu chê bai hay tung tin đồn nhảm, và họ tất nhiên quan tâm đến chính trị một cách cực kỳ khủng khiếp. Như vậy ai cũng quan tâm đến chính trị, và tôi không thể là một ngoại lệ. Tôi quan tâm đến chính trị từ nhỏ, vì tôi…lớn trước tuổi, và vì tôi bị chinh phục bởi câu nói của một tổng thống Mỹ rằng bạn đừng hỏi tổ quốc đã cho bạn những gì mà hãy tự hỏi bạn đã làm được những gì cho tổ quốc. Đó là chưa kể tôi quan tâm đến chính trị từ nhỏ vì…thời Việt Nam Cộng Hòa tự nhiên ra rả mỗi ngày tuyên truyền chiến tranh chính trị hay tâm lý chiến về Cộng sản Bắc Việt xấu xa, về đặc công Việt Cộng tàn ác, về đồng minh Hoa Kỳ hùng mạnh, về Sư đoàn Mãnh Hổ Hàn Quốc tinh nhuệ, về chiến công của đoàn oanh tạc cơ Skyraider đánh sập tất cả các cầu ở sông ngòi Miền Bắc và bắn hạ tất cả các chiến đấu cơ MIG của Cộng sản Bắc Việt mà không bị tổn hại bất kỳ trừ Phạm Phú Quốc người được Pham Duy tung hê trong bài ca mang tên “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” mà sau này mới rõ sở dĩ không có Skyraider nào bị bắn hạ mà chỉ có máy bay Mỹ rơi như sung rụng là vì Skyraider của Việt Nam Cộng Hòa mới bay qua khỏi vĩ tuyến 17 là trút hết bom xuống đồng trống rồi quay trở lại ngay vì sợ cao xạ Hà Nội còn phi công Quốc thì không ai dám nêu chi tiết vì sao thành…huyền sử ca và “bị” ở ngoài Bắc hay lúc vẫn còn trên bầu trời trong Nam, về “đại thắng” Đường 9 Nam Lào vẻ vang rút về một cách vội vã đầy nghi vấn, về Sư Đoàn Dù anh dũng bận rộn đi giải cứu hết tiền đồn này đến tiền đồn nọ đang thi nhau rơi vào tay Cộng quân, về truyền đơn Việt Cộng bay hơn lá mùa thu, về vụ bắt sinh viên phản chiến Huỳnh Tấn Mẫm về Tổng Nha Cảnh Sát đánh cho bể hàm gảy hết răng cửa, về Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ở Cục R, về việc Ủy Ban Ngân Sách Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua khoản viện trợ dồi dào cho Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, về thương vong lớn của Cộng quân mỗi ngày có đến vài chục ngàn người bị quân đội Cộng Hòa loại khỏi vòng chiến khiến người nghe tưởng chỉ cần một năm là Bắc Việt hết sạch 7 triệu quân, về chiến công đánh bắt tàu Việt Cộng chở vũ khí ở Vũng Rô rồi ắt do gom hết vũ khí thu được trên chiến trường khắp nước về chụp hình khoe chiến công nên bị phóng viên Mỹ đặt câu hỏi ngắc ngứ đầy khủng khiếp rằng chỉ có một tàu nhỏ xíu như thế mà chở ngần ấy vũ khí vậy thì hàng ngàn chiếc khác đi trót lọt ắt đã đưa vào Miền Nam đủ cho mỗi người tối thiểu một khẩu trung liên, về nhà thầu Mỹ RMK xây dựng cơ sở hạ tầng hạ đất sập tầng bị chộ là Rên Mặc Kệ, về Sài Gòn Thủy Cục CEE chuyên cấp nước tịt vòi nhỏ tỏn tỏn nên bị chộ thành Sở Chảy Êm Êm, về việc vừa mới có tin sắp tăng lương là giá thị trường tăng trước gấp ba lần, về việc Linh Mục Thanh chống chính phủ Thiệu-Kỳ tham nhũng, về việc hai nhà báo Pháp bj cảnh sát đánh bể mặt vì dám treo cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trên bức tượng Biệt Động Quân quay mông về Hạ Nghị Viện, về việc Đệ nhất Phu nhân Nguyễn Văn Thiệu chủ trì khai mạc Đại Nhạc Hội Trẻ ở Sở Thú nên ma cô đỉ điếm chen vô bán dâm như thú nằm làm tình tại chỗ lềnh khênh trên cỏ ngoài trời nắng sáng trưng giữa tiếng vỗ tay reo hò của “giới trẻ yêu nhạc” và tiếng thét gào ầm ỉ của ban nhạc Chó Dại “The Mad Dogs”, về việc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tin thầy bói nên bắt con gái ruột phải hy sinh đi mổ bụng lôi thai nhi là cháu nội của Tổng giám đốc Air Vietnam Nguyễn Tấn Trung ra dù mới mang bầu có năm hay sáu tháng để xả xui hầu không bị… Việt Cộng đánh bại, v.v., khiến ý đồ “chính trị” bị nhét nằm trong nội dung thông tin thượng vàng hạ cám tự nhiên được cung cấp cho mọi người ở mọi lứa tuổi thuộc mọi giới tính và ở mọi tôn giáo, để ai cũng tự nhiên biết tình hình chính trị nước nhà một cách tự nhiên, rồi thành nhà chính trị…bẩm sinh.

Về vấn đề “muốn làm chính trị”, tôi e là ý nghĩ của riêng tôi lại khác khi nhiều người phỏng vấn tôi hỏi tôi nghĩ gì khi nay đã là một chính khách. Tôi không nghĩ đến việc “làm chính trị”. Tôi chỉ nghĩ đến việc phục vụ đất nước. Tôi không là chính khách. Tôi chỉ là một đại biểu dân cử. Người lính vào quân đội để phục vụ tổ quốc suốt đời vì một lý tưởng chính trị. Người đầy bản lĩnh và có trình độ cực cao vào ngành giáo dục để phục vụ tổ quốc suốt đời vì một lý tưởng chính trị. Người đáp ứng yêu cầu luật định, có thể thu xếp thời gian, và đặc biệt là được cử tri lựa chọn để vào Quốc hội làm “nghị sĩ” thực hiện các phần việc theo những chức năng luật định cũng để phục vụ tổ quốc suốt nhiệm kỳ vì một lý tưởng chính trị. Đơn giản là thế chứ tôi không cho là tôi đang “làm chính trị”. Thế nên tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi của bạn theo cách rất thật lòng của tôi như thế. Đơn giản tôi là một công dân thực thụ của Việt Nam, đang cố gắng để mình đừng thua kém quá xa những người lính cùng bao người dân khác đang thầm lặng hy sinh cho đất nước này.

Ngoài ra, bạn cũng rõ là tôi ở ngưỡng cửa “hưu trí” và ở ngoài Đảng nên rõ ràng việc tôi ra ứng cử vào thời điểm này không phải để tôi làm một bộ trưởng hay thứ trưởng để có thể gọi là “theo đuổi một tham vọng chính trị” hay “làm chính trị” gì cả. Chưa kể tôi chỉ định ra ứng cử một lần này vì tôi nhận định Khóa Quốc Hội này sẽ có nhiều việc hệ trọng mà tôi có thể góp sức hóa giải. Tất cả để chứng tỏ tôi hoàn toàn minh bạch, trong sáng, để người dân biết rõ về cái tâm phục vụ đất nước và dân tộc của tôi, cũng như để những kẻ thù của chế độ không thể bôi nhọ được cái tâm ấy của tôi.

Trân trọng.

****

Câu trả lời tôi rất muốn nói đầy đủ nhất lại chưa hề được nêu lên do ý tứ hàn lâm của ngôn từ Politics trong tiếng Anh và Chính Trị của tiếng Việt lại như sau:

PoliticsChính Trị giống nhau ở chỗ cả hai luôn tồn tại trong đời sống mỗi một con người, song ý nghĩ của người Việt không đầy đủ bằng.

Người Việt ắt biết câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng ắt chỉ có thể giải thích nôm na rằng “đấng nam nhi” nhất thiết phải theo tuần tự bốn bước gồm đại khái rằng trước hết phải làm sao cho bản thân có đạo đức tốt đẹp, kế đến phải xây dựng gia đình mình sao cho có đạo đức tốt đẹp, để rồi trên cơ sở đó mà ra giúp vua trị quốc, nhờ vậy mà khiến thiên hạ thái bình, với hàm ý bước thứ ba và thứ tư là “làm chính trị”, thậm chí có người còn cho là chính ta đây phải làm “tổng thống” tức làm vua chúa để trị quốcbình thiên hạ, khiến hủy phá hoàn toàn ý nghĩa của Freedom, Liberty Democracy vì mấy thứ này tối kỵ “thiên tử”. Thật ra, theo ý nghĩa của Politics thì tu thân là chính trị, tề gia là chính trị, trị quốc là chính trị, và bình thiên hạ là chính trị, chưa kể Politics hiện hữu nơi mọi người ở mọi nơi chứ không phải chỉ ở đấng nam nhi và ở chốn “triều đình”. Politics mang nghĩa chính là thuật gây ảnh hưởng hay tác động đến số đông, đến tập thể, đến cộng đồng.

Tu thân trong thời hiện đại bao gồm – song không chỉ giới hạn bởi – đạo đức con người, kiến thức, học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng quản trị “mềm”, v.v., tất cả là Politics để gây tác động đến giới chủ nhân trên bước đường tìm việc cho một kế sinh nhai và phát triển bản thân trong hay từ công việc đó.

Tề gia trong thời hiện đại bao gồm – song không chỉ giới hạn bởi – xây dựng được nếp sống văn hóa mới trong gia đình, duy trì và phát triển những nền tảng đạo đức gia phong trong sự hiếu thuận, hòa thuận, truyền thống tốt đẹp của gia đình mà trong đó mọi thành viên đều đạt tất cả các nội dung trên của tu thân, từ đó gây ảnh hưởng hay tác động đến khu phố, cộng đồng dân cư, để hình thành sự tốt đẹp chung ngoài xã hội. Đó chính là Politics.

Trị quốc trong thời hiện đại bao gồm – song không chỉ giới hạn bởi – việc làm cán bộ, công chức, v.v., để làm “đầy tớ của nhân dân”, phục vụ người dân, trên cơ sở của sự tu thân tức đã có đủ đức tài, và trên cở sở của tề gia tức không bao giờ trở thành tội phạm ghê tởm của tham nhũng, hối lộ, từ đó gây ảnh hưởng hay tác động đến lòng tin của nhân dân vào Chính Phủ, vào Nhà Nước, từ đó tin vào Đảng, hình thành sự tốt đẹp chung trên bình diện quốc thể, quốc gia. Đó chính là Politics.

Bình thiên hạ trong thời hiện đại bao gồm – song không chỉ giới hạn bởi – việc làm cho đất nước hùng mạnh hùng cường dù ở cương vị công chức, quản lý doanh nghiệp, hay bất kỳ công việc nào khác trên cơ sở của các nội dung tu thân, tề giatrị quốc ở trên, để đất nước bước vào các trận địa chiến lược đa phương khu vực hay thế giới như Cộng Đồng ASEAN, WTO, hay TPP, v.v., với tư thế được kính trọng, từ đó giúp sự an ninh chính trị của đất nước được bảo vệ tốt hơn, duy trì dài lâu nền hòa bình thịnh trị của nước nhà để toàn khu vực tránh được các hiểm họa chiến tranh. Đó chính là Politics. Bình thiên hạ không phải là công việc của Tổng Thống Hoa Kỳ.

Tóm lại, khái niệm tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ khi áp dụng cho bản thân từng người trong xã hội làm tốt nhất bổn phận của mình hầu đem lại các tác động và ảnh hưởng tích cực cho bản thân, cho gia đình, cho cơ quan nơi làm việc, cho cộng đồng chung thì chính là Informal Politics tức một thứ everyday politics gắn với cuộc sống hàng ngày mọi lúc mọi nơi với mọi người.

Còn khi lệch lạc với tư tưởng tàn dư thiên tử của Trung Quốc, xem trị quốcbình thiên hạ là việc riêng chỉ của các đấng quân vương thì thiên hạ ắt muốn nói đến những thứ khác của Politics như State Politics tức Formal Politics tức là thứ Chính Trị của các “chính khách” lãnh đạo quốc gia của một “Đảng Chính Trị” nào đó. Chưa kể tổ chức này tổ chức nọ cũng là một thứ Global Politics Chính Trị Toàn Cầu như Liên Hợp Quốc hoặc NATO (vì dù NATO là Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương nhưng cũng kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làn thành viên chính thức dù nước này không có dính với biển Đại Tây Dương, thậm chí nhận luôn nhiều nước xa lắc xa lơ như Thái Lan vào làm thành viên không chính thức).

Thế là dù có nhận ra hay không thì bất kỳ ai, từ cháu học sinh học “tư tưởng chính trị” ở trường, bà nội trợ quan tâm đến giá cả vàng bạc đô la thịt cá xăng dầu điện nước phí giao thông đường bộ, kẻ rỗi việc chuyên tìm đọc tin giật gân bôi nhọ lãnh đạo Đảng, người chê bai nước nhà vẫn thua kém Nhật Hàn, vị luật sư tâm thần đòi làm Bộ Trưởng Bô Thông Tin & Truyền Thông, đứa thậm thà thậm thụt hoặc qua Thái Lan họp để cho ra Tia Sét (Chấn) hoặc in các sứ điệp vì nước vì dân để gởi spam tức thư rác đến những người không xin nhận, kể cả người tuyên bố không muốn nghe chuyện chính trị, v.v., cũng đều quan tâm đến chính trị và … làm chính trị.

Thế nên, nếu bạn là người biết ngoại ngữ, tôi sẽ trả lời rằng tôi quan tâm đến việc làm chính trị từ lúc ấu thơ, vì mọi người ai mà không như thế. Còn nếu bạn là người khác, tôi sẽ nói rằng tôi có làm chính trị đâu, vì tôi đâu phải trưởng bộ, trưởng vụ, trưởng cục gì đâu?

Từ Chính Trị của tiếng Việt, do đó không đủ sức truyền tải được nội hàm sâu sắc và phong phú bao trùm của Politics.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước. 24-3-2014. Thế nào là Tự Do – Dân Chủ

Ẩm Thực Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

13-01-2016

Thân nhân của tôi ai cũng thích ăn món Nhật và thường xuyên đăng ký đến ăn tại nhà hàng Nhật như Tokyo Deli – “đăng ký” vì nếu không sẽ gặp phải rắc rối do các nhà hàng này luôn đông nghẹt thực khách mà đa số là người Việt.

Tôi rất thích ăn món Hàn và thường xuyên dẫn nhân viên đến ăn tại các nhà hàng Hàn – và do rút kinh nghiệm tại các nhà hàng Nhật nên tôi cũng phải phone đăng ký giữ chỗ trước ở các nhà hàng Hàn.

Tôi rất thích ăn các món Việt do chính Má tôi nấu như thịt kho trứng, trứng chiên óc heo, thịt bò lá lốt, cá lóc kho, thịt kho tiêu đậm đặc, hay bánh xèo, các món chay với “mì căng”, v.v.

Tôi rất thích các gameshow như Master Chef trên đài tivi nước ngoài vì tất cả các món dù được chế tác bởi người lớn hay trẻ em đều rất hấp dẫn đối với tôi – “chế tác” vì toàn là món mới lạ do các giám khảo ai cũng là đầu bếp nổi tiếng thế giới làm chủ nhân ông của các chuỗi nhà hàng kinh doanh ẩm thực lừng danh đánh giá và thậm chí tuyên bố “xin” được chọn món nào của các đầu bếp “tài tử” người lớn hay trẻ em dự thi làm nên ấy bổ sung vào thực đơn tại chuỗi nhà hàng của mình; và “hấp dẫn” vì sự dồi dào của nguyên liệu cùng màu sắc.

Vì tất cả những điều trên, tôi dị ứng với

1- Các gameshow mô phỏng ở Việt Nam do chẳng giám khảo nào là dân đẳng cấp tương tự Master Chef chấm điểm, chẳng món ăn nào thuộc loại “chế tác hấp dẫn”.

2- Các chương trình dạy nấu ăn Việt trên tivi Việt không do “đầu bếp tài tử” đẳng cấp Master Chef mà do toàn là nghệ sĩ này nghệ sĩ nọ – tức “tay mơ nấu ăn” chứ không phải “đầu bếp tài tử” – thực hiện, mà đa số thời gian để nói láp giáp quàng xiên đa lĩnh vực, còn món ăn thì là những thứ quen thuộc người nội trợ nào cũng nấu được, trong khi màu sắc thì đa số màu xám xịt, xám nâu tẻ nhạt. Việc này chẳng khác nào mời tay mơ lên nói về y học, mời tay mơ lên nói về cách dạy tiếng Anh, mời tay mơ lên nói về ngân sách ngân hàng ngân quỹ ngân nga tiếng chuông chùa vây.

Như đã nêu trong bài Giá Như Còn Đó Những Người Nghèo Xưa, những người buôn gánh bán bưng hàng xén ngày xưa toàn là dân ẩm thực chuyên nghiệp vì họ theo nghề cha truyền con nối với sự am hiểu về nguyên liệu, công thức pha chế gia truyền, đạo đức ẩm thực (tức vệ sinh an toàn thực phẩm và tất cả vì phục vụ sự sành điệu của khách hàng, vì danh dự của nghề nghiệp cũng như danh dự ẩm thực nước nhà).

Trước 1975 ở Sài Gòn tôi thích uống trà mà cứ vài ngày một lần tôi chạy sang tiệm Chú Hai Tiều người Tàu mua một gói trà quấn trong giấy có in nhãn hiệu gì đó về cho Ba tôi pha. Hai hay ba năm nay tôi loại bỏ hẳn trà (tức là “chè” theo tiếng Bắc) trong thực phẩm hàng ngày của mình, dù tôi nghiện trà rất nặng – như đã từng nói trong một bài blog rằng tôi có “gu” uống cà phê rất lạ khi đến Trung Nguyên: yêu cầu pha cho tôi một ly cối từ 4 đến 6 phin cà phê nhưng pha trong bếp đừng để tôi thấy bản mặt mấy cái phin do tôi rất ghét cái tỏn tỏn từng giọt của phin mà nếu tự pha thì toàn là pha bằng vợt vải như đã nói trong bài Hành Trang Nghị Sĩ, kèm theo một bình trà thật đậm mà ngay cả các cụ ông miền Bắc cũng khó thể uống nổi, để tôi pha hai thứ vào ly đá trước khi vừa uống cái hỗn hợp không đường ấy vừa thưởng thức ít nhất 5 chiếc bánh “su kem” ngọt lịm. Lý do tôi không bao giờ uống trà nữa vì nghe tin có một tên nào đó đã nhúng trà vào bùn đất theo sự dặt mua của bọn Tàu, khiến tôi tởm lợm đối với trà. Mấy năm nay tôi uống trà-không-trà của nước ngoài, tức là uống loại trà thảo dược túi lọc với toàn kỳ hoa dị thảo mà không có chút lá trà (lá chè) nào. Còn nếu muốn uống trà (tức chè) thì tôi uống trà xanh sang trọng của Nhật Bản hay Hàn Quốc, hay trà đen sang trọng của Nga hay Ấn Độ, Anh Quốc, Bangladesh, hay của bất kỳ quốc gia nào mua trà của Việt Nam về chế thành thương hiệu của riêng họ. Tôi sẽ không bao giờ uống trà Việt Nam mua tại Việt Nam.

Trước 1975 ở Sài Gòn tôi hay mua bánh mì thịt ở tiệm Chú Hai Tiều kể trên do Thím Tư Tiều bán. Ổ bánh mì thủa ấy ốm nhom, dài cả cánh tay. Bánh mì thịt được cắt ra từ ổ bánh mì dài ngoằng ấy (mỗi ổ bán được cho 6 người), xẻ dọc, rồi cho vào vài miếng thịt nguội mỏng dính, một chút đồ chua tuyệt diệu từ củ cà rốt và củ cải trắng, rồi hoặc rắc một tí muối tiêu thơm lừng hoặc “xịt” một ít nước tương cực ngon dù chẳng ai quan tâm đến “thương hiệu”. Sau 1975, khi những người nghèo xưa biến mất, người ta bán bánh mì thịt theo kiểu ổ bánh mì nhỏ, xẻ dọc, trét vào đấy ba-tê chèm nhẹp khả nghi, rồi phết bơ nhẹp chèm nghi khả, gắp vào đấy vào miếng thịt nguội khả nghi, và ít đồ chua không thơm, rôi cũng rắc ít muối tiêu không mùi, hoặc “xịt” ít nước tương khả nghi. Tôi không thể nào nhai nuốt thứ bánh mì thịt hổ lốn ấy vì ba-tê và bơ phá tan nát khẩu vị bánh mì thịt đúng nghĩa, nhất là sau khi tivi đưa tin có kẻ bán bánh mì thịt mà ba-tê lúc nhúc giòi bọ. Tất nhiên, tôi thấy cũng là tin mừng khi một số người nước ngoài thích bánh mì thịt kiểu Việt; song, tôi từ nay chỉ ăn hoặc bánh mì thịt kiểu…Thổ Nhĩ Kỳ đang được bán rộng rãi tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc tự mua bánh mì không để về nhà ăn với hoặc ba-tê hộp của Hạ Long hay của nước ngoài, hoặc với thịt nguội của Vissan, hoặc với cá hộp của Hạ Long hay của Nga, hoặc đơn giản chấm nước tương Phú Sĩ ăn ngon lành với mấy trái ớt hiểm mà không cần bất kỳ thịt thà gì cả. Tôi cũng thà ăn mấy chiếc hamburger to đùng cao tầng tầng lớp lớp đầy tràn rau thịt của Mỹ mà vẫn cho đó là thức ăn thanh lịch trọng sang ngon tuyệt chứ không cho nhân viên xếp hàng dài chờ mua ổ bánh mì mập ú nhét đầy tràn rau thịt rất không thanh lịch quá bình dân chẳng thể gọi là ngon như đang bán ở một số nơi tại Quận 1 hay Quận 3.

Trước 1975 ở Sài Gòn tôi nghiện cơm tấm vì sự thơm của hạt gạo tấm, vì những thức “đặc thù” chỉ có ở món này như chả và nước mắm cay. Hiện nay tôi không ăn sáng với cơm tấm vì cơm tấm được nấu bằng gạo thường, không phải “tấm”, và không có hương thơm của “tấm đặc sản”; còn nước mắm cay được pha quái gở đồng bộ khắp nơi nơi với sự sền sệt cứ như được chế với nước đường thắng để xài được lâu hơn, không phải đổ bỏ mỗi ngày theo kiểu pha chế ngày xưa, khiến ăn mất hẳn vị thơm ngon của nước mắm và sự quyến rũ của cách pha chế bí truyền (thậm chí người sành ẩm thực còn cho rằng việc “ai thắng ai” là nhờ ở nước mắm) mà chỉ còn là sự pha chế tạp nham ngọt lịm. Khi thấy có quán cơm tấm của Việt Kiều từ California về “mần ăn”, tôi vội vàng ủng hộ vì ngỡ sẽ được gặp lại cơm tấm trước 1975, không ngờ cũng y chang cơm tấm xuống cấp lề đường ngày nay, chỉ khác một điều là giá bán cao hơn chất lượng ắt tại có xài máy lạnh và có kèm chén canh như thứ phụ thêm kỳ dị, khiến tôi xem như cơm tấm vĩnh viễn đã không còn tồn tại.

Trước 1975 ở Sài Gòn tôi như mọi người dân miền Nam nghiện các món xôi ngọt, từ xôi vò, xôi gấc, đến xôi lá cẩm màu tím có rắc dừa bào, v.v. Sau 1975 tôi không thể nào ăn xôi do kiểu miền Bắc là xôi mặn ăn với thịt gà (!) trong khi tôi chỉ ăn đồ mặn với cơm, và tôi cũng không thể ăn xôi kiểu miền Nam vì xôi không được nấu với nguyên liệu thơm ngon đặc sản như trước, thậm chí xôi ở các chùa phát cho thiện nam tín nữ mà vợ tôi đem về cũng làm tôi nổi giận vì không thể ăn được do sự nấu xôi cẩu thả của các chùa bằng nguyên liệu rẻ tiền, lúc nào cũng chỉ có món xôi đậu xanh nhạt nhẽo vô duyên, phí tiền, phí của.

Tôi yêu Việt Nam, nhưng tôi thích dùng tiếng Anh để viết lách để khỏi bị kẻ ác tâm “ném đá” vì họ chỉ có thể dùng đá nội chứ không biết dùng đá ngoại.

Tôi yêu Việt Nam, nhưng tôi thích ăn các món ăn ngoại để khỏi bị kẻ ác tâm biến thành nạn nhân của vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tôi yêu Việt Nam, nhưng kết bạn với nhiều người ngoại dù họ là quan chức Mỹ tại Mỹ hay sinh viên Iran chống Mỹ, hoặc doanh nhân Pháp ở Việt Nam, v.v., vì những người này lắng nghe ý kiến “trái chiều” của tôi và cho đó là những ý kiến đầy thú vị, “không đụng hàng”, biến tôi thành người mà họ cho rằng không thể gặp được một nhân vật thứ hai tương tự bất kỳ tại đất nước này; thậm chí họ nhận các trả lời bằng thư của tôi đối với các vấn đề hóc búa họ nêu ra để rồi hoặc cảm ơn với lời khen là độc đáo, hoặc xin tôi cho họ sử dụng các ý kiến ấy trên báo chí ở nước họ, chứ chẳng bao giờ phán phê rằng thư của tôi phức tạp, khó hiểu.

Ẩm thực Việt Nam rốt cuộc chỉ lẩn quẩn quanh món Phở mà nguyên liệu luôn bị đe dọa bởi bò điên lở mồm long móng và gà nhiễm dịch “hát mấy en nờ mấy” cũng như xua đuổi tất cả các du khách ăn chay trường trên thế giới; hoặc các món tầm phào do các nghệ sĩ ca sĩ kịch sĩ và đóng-phim-sĩ thực hiện trên tivi mà thôi.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước. 17-9-2014. Hành Trang Nghị Sĩ

Hoàng Hữu Phước. 17-11-2015. Giá Như Còn Đó Những Người Nghèo Xưa

Viết Phức Tạp

Hoàng Hữu Phước, MIB

11-01-2016

Có người cho rằng tôi viết các bài tiếng Việt câu cú phức tạp, đọc khó hiểu. Thật ra người ấy không sai vì ngay cả chính những thạc sĩ/tiến sĩ dạy tiếng Anh chuyên khoa ở đại học cũng không biết thế nào là một câu đơn giản (simple sentence) thật sự trong tiếng Anh mà chỉ bị ảnh hưởng bởi tiếng Việt nên câu đơn giản tức là đơn giảncâu phức tạp tức là phức tạp. Nếu người ấy giỏi tiếng Anh hoặc đã là học trò của học trò tôi thì người ấy đã thay vì nói các bài viết tiếng Việt của tôi phức tạp sẽ bảo rằng chúng được viết đơn giản một cách cực kỳ văn vẻ cầu kỳ.

Tôi là giảng viên Anh Văn đại học duy nhất ở Việt Nam dạy rõ ràng rằng trong tiếng Anh, câu đơn giản là câu không có quan hệ chính-phụ, còn câu phức tạp thì có quan hệ ấy; cũng như câu đơn giản không bao giờ được mặc định là câu ngắn gọn ngắn ngủn, còn câu phức tạp không bao giờ được mặc định là câu dài lượt thượt lê thê. Để chứng minh cái đáng sợ đầy bẫy rập của câu đơn giản nhằm giúp sinh viên nhận chân giá trị của câu đơn giản nơi các đại văn hào, tôi viết kiểu impromptu ứng khẩu lên bảng các thí dụ đại khái như sau (“đại khái” vì ở mỗi lớp khác nhau tôi “ứng khẩu” các thí dụ hoàn toàn khác nhau mà tôi chỉ còn nhớ “đại khái”):

Câu phức tạp: I went there where I met her. (Tôi đến đấy, nơi tôi gặp nàng). Câu này thuộc loại câu phức tạp, có 7 từ trong 1 mệnh đề chính main clause và 1 mệnh đề phụ adverbial subordinate clause, mỗi mệnh đề có 1 chủ từ và 1 động từ chia finite verb.

Câu đơn giản: Wearily trudging on the winding narrow dusty path leading to an old ramshackle pagoda built halfway on the slant slope of the barren hill, the rickety old man smilingly thought of his heyday embellished with laughter from his beloved folks and close acquaintances gathering around him at times to enjoy whatsoever blessings bestowed so generously by the Almighty God to all. (Mệt nhọc lê bước trên con đường đất đầy bụi bặm nhỏ hẹp ngoằn nghoèo dẫn lên một ngôi cùa cổ xiêu vẹo được xây ở lưng chừng đồi trọc thoai thoải, ông lão khập khiễng nghĩ suy về thủa vàng son xưa cũ của đời mình đầy ắp những tiếng cười của những người thân thương và bạn hữu quây quần quanh ông để vui hưởng những điều tốt đẹp mà Trời đã ban tặng mọi người). Câu này thuộc loại câu đơn giản với 61 từ, không có mệnh đề chính, không có mệnh đề phụ, chỉ có 1 chủ từ duy nhất là man và chỉ có một động từ chia duy nhất là thought.

Như vậy, thí dụ trên cho thấy không bất kỳ giảng viên Anh Văn nào (dù là người Việt Nam hay người nước ngoài) ở tất cả các trường đại học ở Việt Nam (của Việt Nam hay của nước ngoài) có thể cho được những thí dụ đầy sức thuyết phục như trên để giảng dạy và do đó không thể đào tạo được những sinh viên thực sự giỏi tiếng Anh, có khả năng đọc hiểu các văn bản cực kỳ phức tạp của luật pháp hay văn học bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cũng như có khả năng thưởng thức từ bài văn câu cú lúc ngắn lúc dài của tác giả cận đại vĩ đại Ernest Hemingway đến truyện ngắn câu cú cực kỳ cầu kỳ của tác giả truyện kinh dị lừng danh Edgar Poe.

Mỗi khi đến mùa Giáng Sinh, rất nhiều người gởi nhau những cánh thiệp thật đẹp, thật đa dạng, mừng đón Noel, đa số bằng tiếng Anh, bất kể người gởi và người nhận có sử dụng tiếng Anh trong đời sống thường nhật hay không, và có tôn thờ Đức Chúa hay không, đơn giản vì đó là ngày lễ của công chúng chứ không của riêng tôn giáo. Ngày lễ ấy tuyệt diệu vì vào thời điểm tại hầu hết các nơi trên thế giới tiết trời đẹp hơn và Năm Mới đã rất cận kề, khiến ngày Noel thành ngày vui chào đón Tân Niên.

Khi thời đại internet đến, sự tất bật của sinh nhai đã được giải cứu khi người ta thay vì lang thang từng góc phố con đường tìm chọn mua thiệp rồi len lỏi luồn lách giữa giao thông chen chúc để tìm đến một bưu cục tốn tiền gởi xe vào mua tem dán gửi đi, đó là chưa kể phải canh thời gian nhiều ngày trước đó với mong muốn thiệp mừng đến được tay người nhận ở đâu đó trên thế giới bao la hoang dã này kịp lúc, nay lại đơn giản ngồi vào bàn gởi email những giòng chữ do mình sáng tác, những thiệp điện tử do mình sưu tầm, hoặc những thông điệp ai đó đã chuyển đến mình và mình đơn giản chuyển tiếp đi cho hàng trăm người bạn dân cư mạng toàn cầu khác.

Văn ôn võ luyện là việc cực kỳ bình thường của những con người nhận thức đầy đủ được thế mạnh vô song và giá trị vượt bậc của văn và võ trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Với quyết tâm phải là người giỏi tiếng Anh nhất – chứ không phải là người kiếm nhiều tiền nhất – tôi đã luôn sửa sai và hoàn thiện tất cả văn thơ của bất kỳ bậc kỳ tài nào của văn học Anh Mỹ, cũng như tất cả những “thiệp điện tử” eCard mà học trò và bạn hữu bốn phương gởi tặng trong những dịp lễ Noel tương tự. Bạn hữu và học trò tôi ở nước ngoài đã hình thành một thói quen tốt là ngoài việc chuyển đến tôi những “sứ điệp chống Cộng” (để qua các bút chiến phân tích phản biện của tôi họ hiểu biết thêm về thực tế Việt Nam thay vì đọc các bài trên trang web của các cơ quan truyền thông cộng sản mà họ không tin tưởng), còn gởi tôi những thiệp mừng lễ mà họ cho là tuyệt hảo để xem tôi có biến cái tuyệt hảo đó của dân Anh Mỹ thành đồ chơi trẻ nít hay không, mà sau đây là ví dụ.

Từ một Cây Thông Noel một tầng trong chậu bằng tiếng Anh do Cô Lê Tâm Hạnh ở ngân hàng Deustche Bank nhận được từ internet gởi tôi mùa Giáng Sinh 2000 có nội dung nguyên văn như sau mà tôi đã phân tích các yêu điểm ở phần ghi chú: PineTreeXmas1

tôi đã sáng tác ngay một cây thông khác với bốn tằng trên mặt đất bằng tiếng Anh có nội dung và ghi chú đặc điểm như sau: Xmas2Pine Tree (1)

Như vậy, nhảy múa theo điệu nhạc rất tốt trên bình diện luyện tập thể dục kèm hưởng thụ nghệ thuật âm nhạc, còn nhảy múa với ngôn từ rất tốt trên bình diện luyện tập trí nhớ kèm hưởng thụ văn học văn vẻ văn chương, nghĩa là tất cả đều vì lợi ích của bản thân và của người khác vì việc nhảy múa theo âm nhạc góp phần sinh động vào tập thể đang nhảy múa kể cả tập thể ngồi nghe nhạc ngắm nhìn sự nhảy múa của nam thanh nữ tú dập dìu, trong khi việc nhảy múa với ngôn từ góp phần sinh động vào tập thể các nhà viết lách kể cả tập thể ngồi đọc blog và thưởng thức sự nhảy múa ấy của ngôn từ.

Tương tự những kiến trúc có thật trong đời, từ cung điện đến căn hộ liền kề hay song lập, từ khu phố đến khu đô thị mới, sự cầu kỳ hoặc giản đơn đều có những cái hay của nó tùy vào sự thăng hoa của các nhà sáng tạo, và đương nhiên môi trường sống sẽ khó thể gọi là bình thường nếu mọi nơi đều chỉ có những kiến trúc đơn giản đơn điệu đơn sơ; cách hành văn cũng mang cái đẹp đến với văn chương chữ nghĩa vì không bao giờ có cái mặc định rằng phải chỉ được viết đon giản. Tùy túi tiền của mỗi người mà việc đầu tư lựa chọn một kiến trúc căn nhà được tiến hành. Tùy mức độ tư duy cảm thụ của mỗi người mà việc quan tâm lựa chọn kiểu hành văn thích hợp được thực hiện.

Song vẫn có một điều duy nhất đúng, tuyệt đối đúng là chỉ những ai viết – và nói – tiếng Anh đơn giản một cách cầu kỳ chặt chẽ về cú pháp mới có thể được gọi là người thực sự giỏi tiếng Anh được người Anh nể trọng.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Vấn Nạn Yếu Kém Tiếng Anh Ở Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

11-01-2016

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày giải phóng 30-4-1975, thế mà thiên hạ vẫn cứ nói về trình độ yếu kém tiếng Anh của lực lượng lao động Việt Nam dù đã bao phen cải cách giáo dục. Như tôi đã khẳng định với sinh viên của tôi cách nay hơn 30 năm rằng cách dạy và học ở Việt Nam hoàn toàn sai do không biết đâu là ưu thế sẵn có của người Việt nên sẽ mãi mãi không thể nào có chuyện người Việt Nam sẽ giỏi tiếng Anh, và rằng các sinh viên của tôi muốn giỏi tiếng Anh – kể cả muốn giỏi tiếng Anh hơn tôi – hãy áp dụng phương pháp của tôi. Bảy chứng bịnh trầm kha ở Việt Nam rất rõ nét như sau:

1) Rập khuôn bài bản nước ngoài chú trọng đến khâu nói, trong khi không hiểu gì về các cái khuôn ấy, nên dù có thay đổi tăng cường xoành xoạch, lớp có trang bị wifi, máy vi tính, overhead projector, micro, phục vụ việc dạy và học tiếng Anh thì chẳng học sinh nào “giỏi” được tiếng Anh.

2) Sử dụng sai người theo cách từ chương: giao một người phụ trách ban khảo thí tiếng Anh ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ vì đó là một nữ tiến sĩ dạy đại học để rồi đề thi Tú Tài môn tiếng Anh mà các câu hỏi lại phải ghi bằng tiếng Việt ở các tiêu đề (thí dụ: “hãy điền vào chỗ trống một trong các từ cho sẵn ở a, b, c, và d”; hoặc “hãy dịch đoạn sau đây ra tiếng Anh”) còn Báo Tuổi Trẻ thịnh trọng đăng bài của nữ tiến sĩ ấy dạy cách học giỏi tiếng Anh bằng cách hãy vào trang web nọ để kiểm tra từ vựng.

3) Dạy tiếng Anh mà khư khư tự ái dân tộc nên sách tiếng Anh phải do người Việt của cách mạng soạn nên giáo trình thuộc cấp thấp, không như thời Việt Nam Cộng Hòa sử dụng bộ English for Today của Nhà xuất bản McGraw Hills của Hoa Kỳ rất đạt yêu cầu dạy và học.

4) Dạy tiếng Anh ở trung học mà cứ khư khư phải nhét cho bằng được tinh hoa Việt Nam nên nay thì soạn sách giáo khoa tiếng Anh có mời một người nước ngoài tham gia biên soạn chung với bốn người Việt Nam, in ấn màu sắc công phu, nhưng khi học trò tôi đưa tôi xem qua sách tiếng Anh cải cách ấy mà các em đang phải dạy thì tôi nói ngay với các em là sách chỉ đáng ở trong sọt rác do có bài “Phở”. Tôi bảo các em rằng đó là sự ngu xuẩn của người soạn vì (a) “phở” không là cái thá gì của tiếng Anh để viết về nó, và (b) thầy giáo cô giáo bị đặt vào vị thế nguy hiểm khi dạy do sẽ lúng túng cà lăm nếu học sinh cắc cớ yêu cầu thầy cô nói và viết bài luận mẫu về bánh xèo, bánh cóng, bánh cuốn, bánh canh cua, bún bò Huế, bò nướng lá lốt, v.v.

5) Phí tiền của để tạo các chương trình “dạy tiếng Anh” trên tivi VTV Hà Nội do một thạc sĩ (MA) tên Hùng học ở Anh Quốc về phụ trách, nhưng ông Hùng MA này luôn luôn ngồi thừ ra trước máy thu hình, giọng nói buồn ngủ, tiến hành dạy ca mấy bài hát tiếng Anh cho bốn nữ sinh mà bốn cô bé này cũng ngồi thừ như mông bị ngấm keo vạn năng hiệu Con Voi dính khắng vào mặt ghế – nghĩa là không thấy cái sinh động hoạt bát hoạt náo của cả “thầy” và “trò”.

6) Toàn bộ các chức sắc phụ trách môn học tiếng Anh trung học ở Việt Nam đều sai bét do không hiểu được tầm quan trọng của viết tiếng Anh và văn phạm tiếng Anh trong tương hỗ tương tác với nói tiếng Anh.

7) Các trường đại học ở Việt Nam đã dùng sai người trong đội ngũ giảng huấn tiếng Anh, khiến sinh viên tốt nghiệp ngay cả của chuyên khoa tiếng Anh cũng không thể đạt yêu cầu về Tiếng Anh. Một nhân viên của tôi ở CIMMCO International thuộc lớp đàn em của tôi ở Khoa Anh Văn Đại Học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh sang định cư ở Mỹ, lấy bằng thạc sĩ toán học, dạy học ở nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ (chủ yếu ở Texas và California), sang dạy cả ở Canada, sau 20 năm ở hải ngoại nay mới hồi hương trở về định cư ở Việt Nam, có về thăm trường xưa (nay là Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn), và đã nổi giận đùng đùng xin gặp lãnh đạo trường để chất vấn vì sao toàn bộ lãnh đạo Khoa Anh lại là thạc sĩ / tiến sĩ ngành “giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai” ở Philippines vì như thế thì số người này cách chi có trình độ để dạy văn chương Anh, văn chương Mỹ, v.v., là các môn cao cấp của ngôn ngữ Anh. Tất nhiên, không lãnh đạo nào ưa thích các câu hỏi đó do không có câu trả lời, và em Việt Kiều Mỹ này đến thăm tôi để nói lên bức xúc của em, tức giận của em trước sự xuống cấp của trình độ dạy và học ở đại học từng lừng danh ấy mà em tự hào là lớp đàn em xứng đáng của tôi, đồng thời trách tôi sao làm nghị sĩ mà thờ ơ để cho cớ sự đó xảy ra cho tiền đồ tiếng Anh của Việt Nam. Thấy em có cái trực tính của nhà chuyên nghiệp Âu Mỹ, tôi phải giải thích với em rõ (a) tôi đâu có quyền hạn gì đối với ngành giáo dục, (b) tôi ngoài Đảng nên có đóng góp ý kiến cũng chẳng quan chức nào của ngành quan tâm, và (c) chẳng đại học nào dại dột mời tôi đến giúp do các giáo sư Anh Văn ở đấy không muốn vừa bị tôi vạch mặt chỉ tên là dạy sai dạy dỏm dạy tầm bậy tầm bạ vừa bị tôi thu hút hết sinh viên của họ, thậm chí cái trường Cao Đẳng Sư Phạm nay là Đại Học Sài Gòn cũng bỏ luôn vài môn sau khi làm tôi phải thôi việc do không ai dạy nổi nên sinh viên đâu được học các phân môn đặc thù ấy để có đẳng cấp tiếng Anh như kỳ vọng của các nhà tuyển dụng và của xã hội.

Tôi từng định viết trên Emotino một loạt 7 bài theo yêu cầu của một số giáo viên Anh Văn ở Hà Nội (ưa thích các bài viết tiếng Anh của tôi trên Aspiration và Emotino) và Thành phố Hồ Chí Minh (học trò cũ của tôi), gồm các tựa đề soạn sẵn như:

– Bài 1: Chuẩn bị hành quân: Ngoảnh nhìn chân lý, Vất bỏ hoang đường

– Bài 2: Chuẩn bị hành quân: She Don’t và You Is

– Bài 3: Vào trận: Quy trình duy nhất đúng để học giỏi một ngoại ngữ

– Bài 4: Vào trận: Tiếng Anh Formal

– Bài 5: Vào trận: Nói giỏi tiếng Anh

– Bài 6: Cắm cờ chiến dịch: Sa trường

– Bài 7: Bí kíp trận mạc

Tuy nhiên, sau khi đăng được hai bài thì xảy ra sự việc bọn đạo tặc chui vào Emotino xóa bài của tôi vì tôi chưởi mắng Đài BBC, đồng thời bày đặt viết liung tung bằng tiếng Việt chê bai trình độ tiếng Anh của tôi sau khi đã gởi hàng trăm tin nhắn đe dọa ném lựu đạn vào văn phòng tôi, khiến tôi nổi giận không viết thêm, đồng thời từ bỏ Emotino, tự lập ra blog mới. Nay xin đăng lại hai bài ấy để qua đó các bạn có thể sơ lược nắm được hành trạng tư duy của tôi đối với việc làm thế nào học tiếng Anh thực sự giỏi ở Việt Nam.

Để Học Giỏi Tiếng Anh

Bài 1

Chuẩn Bị Hành Quân: Ngoảnh Nhìn Chân Lý, Vất Bỏ Hoang Đường

Hoàng Hữu Phước, MIB

KHÚC DẠO ĐẦU

Để đáp ứng yêu cầu của rất nhiều người (học trò, đồng nghiệp, phụ huynh, nhân viên, và bạn hữu) trong vài chục năm qua – ngay cả trước khi có internet và Emotino – về cách học giỏi tiếng Anh, sau thời gian suy nghĩ đắn đo vì rằng nếu viết “thật” thì hóa ra tôi ở vị trí cao để bài xích, phản bác tất cả mọi điều đã và đang áp dụng ở Việt Nam do những chức sắc cao nhất về Tiếng Anh đề xuất và thực hiện; mà nếu làm lơ, viện cớ bận rộn để tránh né việc viết lách về chủ đề này thì chỉ sợ tuy được một hay hai bậc thầy trong thiên hạ tắc lưỡi cảm thông ngậm ngùi đồng cảm thương cho thân phận thất thời thất thế của mình không đất dụng võ phục vụ sự nghiệp giáo dục nước nhà, nhưng lại bị đa số sẽ cho rằng mình dấu nghề y như cung cách tổ tiên bọn Tàu luôn dấu bớt tuyệt chiêu vì sợ học trò làm đảo chính chiếm môn phái hay dành mối khách hàng khiến võ nghệ bọn Tàu dần bị triệt tiêu (bị phương Tây đánh chiếm dễ dàng chỉ với một cái phất tay, chỉ còn một tên dở hơi là Lý Tiểu Long chạy tóe khói sang Mỹ trốn) còn Đông Y bọn Tàu thì bây giờ toàn thuốc gây bá bịnh, tôi quyết định giữ lời hứa với loạt bài này để chứng minh mình là người Việt, có nghĩa là đương nhiên còn đủ tuyệt chiêu. Tất cả là sự thật, không gì khác hơn ngoài sự thật.

Đây là bài thứ nhất của loạt bài nói về cách học giỏi tiếng Anh. Muốn tiến tới mặt trận “giỏi tiếng Anh”, nhất thiết phải chuẩn bị quân trang, quân dụng, hậu cần, kể cả nghiên cứu sa bàn trận địa đối phương, công tác chính trị tư tưởng, và tâm lý chiến. Chúng ta hãy bắt đầu từ việc cốt lõi là: Ngoảnh Nhìn Chân Lý & Vất Bỏ Hoang Đường, giống như tắm gội sạch sẽ tinh tươm trước một lễ nghi.

NGOẢNH NHÌN CHÂN LÝ & VẤT BỎ HOANG ĐƯỜNG

Đã là chân lý thì luôn đúng. Đã là ngoảnh nhìn thì ắt đã là quá khứ. Nhưng phải chăng chân lý đã không còn nên phải ngoảnh nhìn? Không phải vậy, ngoảnh nhìn vì đã ngộ nhận trong thời gian dài; ngoảnh nhìn để tôn vinh chân lý vì không thể tìm ra cái gì khác khi đã lao tới trước quá xa nên phải quay lại nơi xuất phát; và ngoảnh nhìn để thấy con đường lãng phí đã dẫn đến việc đến nay đã mấy chục năm sau giải phóng mà Việt Nam vẫn còn nói rằng học sinh Việt Nam không nói được Tiếng Anh. Đây là một tuyên bố hay nhận xét hoàn toàn sai, dựa trên các nhận xét phân tích sau về những hoang đường bấy lâu nay ấy và 8 Chân Lý đúc rút được:

1) Chỉ luôn mồm cho rằng học sinh Việt Nam không nói được tiếng Anh, sinh viên Việt Nam không nói được tiếng Anh, nhân viên Việt Nam không nói được tiếng Anh, vậy phải chăng muốn ám chỉ rằng học sinh Việt Nam viết giỏi tiếng Anh, sinh viên Việt Nam viết giỏi tiếng Anh, nhân viên Việt Nam viết giỏi tiếng Anh; và phải chăng muốn nói rằng học sinh Việt Nam dịch giỏi Anh-Việt/Việt Anh, sinh viên Việt Nam dịch giỏi Anh-Việt/Việt Anh, nhân viên Việt Nam dịch giỏi Anh-Việt/Việt Anh?

Hoàn toàn sai vì học sinh Việt Nam cũng không viết giỏi tiếng Anh, sinh viên Việt Nam không viết giỏi tiếng Anh, nhân viên Việt Nam không viết giỏi tiếng Anh; và học sinh Việt Nam cũng không dịch giỏi Anh-Việt/Việt-Anh, sinh viên Việt Nam không dịch giỏi Anh-Việt/Việt-Anh, đa số nhân viên Việt Nam không dịch giỏi Anh-Việt/Việt-Anh. Nhưng hai thế kỷ nay ở Việt Nam mãi than thở về chuyện học trò Việt không nói được tiếng Anh rồi đổ lỗi cho cái gọi là “từ chương” dù “từ chương” chẳng dính dáng gì đến việc “nói tiếng Anh” cả, vì viết tiếng Anh còn không được nừa là. Cái căn cơ của chứng bịnh hoang tưởng này bắt nguồn từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi những kẻ mông muội phương Tây đề ra cái gọi là “Direct Method” tức cách học tiếng Anh trực tiếp mà tôi ngay lúc còn nhỏ đã nhún vai xem thường, và khi nhà xuất bản McGraw Hill phát hành phiên bản mới của bộ English for Today vào cuối thập kỷ 1960 theo hướng gia tăng phần “nói” thì tôi đã khẳng định ngay với bạn học là ngày tàn của bộ sách ấy đã đến (hiện tôi còn giữ nguyên bộ English for Today nguyên thủy, và đã vất bỏ sọt rác bộ English for Today phiên bản mới sau ngày 30/4/1975).

Chân lý 1: Chúng ta cần phải đồng ý với nội dung rằng học sinh Việt Nam học kém tiếng Anh nói chung chứ không chỉ là “không nói được tiếng Anh”, và rằng học sinh Việt Nam sở dĩ không nói được tiếng Anh vì học sinh Việt Nam…không viết được tiếng Anh, không giỏi dịch thuật Anh-Việt/Việt-Anh, không có sách giáo khoa “đúng”, chứ hoàn toàn không tại bị vì bỡi Việt Nam không xem trọng thực hành nói tiếng Anh!

2) Nói sai về “từ chương”

Trong một bài viết khác, tôi sẽ nói thật rõ về “từ chương”, về việc đổ lỗi sai cho “từ chương”, hiểu sai về “học thuộc lòng”, và đề xuất nhầm về việc đả phá “từ chương”.

Trước tiên, cần phải làm rõ một điều là không nhất thiết phải ra nước ngoài mới học tốt một ngoại ngữ. Trước 1975 ở Miền Nam có vô số người du học ở Mỹ, nhưng chỉ một ít thực sự tài giỏi về tiếng Anh để trở thành các giáo sư hay giảng sư Anh văn (trước 1975 ở Việt Nam Cộng Hòa: danh từ “giáo sư” được dùng cho người dạy trung học, “giáo viên” dùng cho người dạy tiểu học, và “giảng sư” dành cho người dạy đại học, chính vì vậy nên nhà giáo rất tự hào và lấy làm danh dự với danh xưng ấy, trước đây luôn cố gắng tự sống tốt, tự dạy tốt, tự gương mẫu, tự thành đạt, tự thành công, tự chịu trách nhiệm về cuộc sống sinh nhai của bản thân và gia đình, khiến nhiều học trò bị hấp dẫn dấn thân theo nghề giáo), và chỉ cần được học các vị giảng sư này tại các trường đại học Việt Nam (không có trường đại học 100% vốn nước ngoài, chẳng có hình thức “liên kết đào tạo” với nước ngoài), sinh viên Việt Nam đã có thể tham gia các cuộc thi hùng biện tiếng Anh, đoạt học bổng du học Mỹ/Anh ngay (không như hiện nay có tình trạng du học nhưng phải bỏ ra khối tiền cả năm rèn lại tiếng Anh nếu đạt mới được học ở nước ngoài hay được cho … thiếu nợ nếu “liên kết” học…song ngữ ở Việt Nam). Từ sau 1975 Việt Nam có vô số người du học Âu Mỹ, và nhiều người trong số “vô số” này hoặc giữ chức vụ cao về Anh Văn trong các trường đại học ở Việt Nam hoặc giảng dạy Anh Văn tại các trường đại học ở Việt Nam, nhưng họ cho ra lò toàn những “sản phẩm” đầy tì vết, luôn có vấn đề như được thể hiện qua các nhận xét của nhà tuyển dụng nước ngoài là ứng viên có bằng cấp cử nhân Anh văn nhưng không nói được tiếng Anh.

Như vậy, chương trình học chắc chắn có bài tập, chắc chắn có thực tập, chắc chắn có thuyết trình (bằng chứng là hiện có sự sử dụng thường xuyên một cách đáng sợ công cụ PowerPoint© của sinh viên), được dạy bởi các thạc sĩ/tiến sĩ có bằng cấp của đại học nước ngoài, vậy thì có dính dáng gì đến “từ chương” đâu mà vẫn không đào tạo ra người “nói/viết được tiếng Anh” rồi đổ thừa cho “từ chương”?

Cái sai ở đây xuất phát từ trình độ người dạy, vì không phải cứ là tiến sĩ vật lý là tự động thành nhà bác học đào tạo được các nhà vật lý kiệt xuất, cứ là cử nhân thể dục thể thao là tự động thành nhà vô địch …đô lực sĩ quyền anh hạng nặng đào tạo được các tuyển thủ Việt Nam mà tất cả các câu lạc bộ Châu Âu phải đánh đấm nhau để giành chữ ký, và cứ là thạc sĩ/tiến sĩ Anh văn là tự động thành nhà giáo kiệt xuất có thể đào tạo những sinh viên giỏi tiếng Anh. Mặc định theo kiểu văn bằng như thế rồi trao trọng trách là đích thị “từ chương”, tất nhiên kết quả sẽ không bao giờ là như ý.

Chân lý 2:

Tóm lại, ở Việt Nam từ rất lâu đã không còn cách học “từ chương”.

Tóm lại, ở Việt Nam từ rất lâu đã không còn cách dạy “từ chương”.

Tóm lại, ở Việt Nam từ bấy lâu nay chỉ đang tồn tại cách bố trí/bổ nhiệm kiểu “từ chương” của Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Tóm lại, ở Việt Nam từ bấy lâu nay chỉ đang tồn tại các hành vi “từ chương” của các giáo viên đối với học sinh/sinh viên (cho thực tập, cho thảo luận, cho thuyết trình, nhưng cho điểm theo cách tiêu cực tùy vào trọng lượng quà cáp từ phụ huynh hay sự biết điều của sinh viên đối với các gợi ý bóng gió không khó hiểu chút nào của thầy/cô).

Tóm lại, ở Việt Nam từ bấy lâu nay chỉ đang tồn tại tấm mộc có khắc chữ “từ chương” để những kẻ vô lương tâm, vô trách nhiệm, và vô hạnh được chở che, đỡ đạn trước các công kích của công luận và báo chí về thực trạng chất lượng đào tạo ở Việt Nam, trong đó có đào tạo về tiếng Anh.

3) Nói sai về “thực học”

Ở Mỹ, học sinh tất nhiên học tiếng Anh với đầy đủ các môn văn chương, thơ ca, kim văn (văn học hiện đại), cổ văn (văn học cổ), kịch nghệ, luận văn, chính tả, văn phạm, v.v. Có học như vậy mới làm chủ ngôn ngữ Anh, thương yêu ngôn ngữ Anh, thưởng thức ngôn ngữ Anh, sử dụng ngôn ngữ Anh thật đầy đủ và hiệu quả trong đời sống/việc làm/thụ hưởng văn hóa cực kỳ phức tạp, đa dạng, đa chiều, đa tùy biến.

Ở Pháp, học sinh tất nhiên học tiếng Pháp với đầy đủ các môn văn chương, thơ ca, kim văn (văn học hiện đại), cổ văn (văn học cổ), kịch nghệ, luận văn, chính tả, văn phạm, v.v. Có học như vậy mới làm chủ ngôn ngữ Pháp, thương yêu ngôn ngữ Pháp, thưởng thức ngôn ngữ Pháp, sử dụng ngôn ngữ Pháp thật đầy đủ và hiệu quả trong đời sống/việc làm/thụ hưởng văn hóa cực kỳ phức tạp, đa dạng, đa chiều, đa tùy biến.

Ở Việt Nam, học sinh tất nhiên học tiếng Việt với đầy đủ các môn văn chương, thơ ca, kim văn (văn học hiện đại), cổ văn (văn học cổ), kịch nghệ, luận văn, chính tả, văn phạm, v.v. Có học như vậy mới làm chủ ngôn ngữ Việt, thương yêu ngôn ngữ Việt, thưởng thức ngôn ngữ Việt, sử dụng ngôn ngữ Việt thật đầy đủ và hiệu quả trong đời sống/việc làm/thụ hưởng văn hóa cực kỳ phức tạp, đa dạng, đa chiều, đa tùy biến.

Ấy vậy mà khi nói về “học tiếng Anh”, những kẻ kém hiểu biết nhất ở Việt Nam lại lớn tiếng nhất trong hô hào cuộc “tổng nổi dậy” nhằm lật đổ các môn “văn phạm” và “luận văn” cứ như thể sẽ nói giỏi tiếng Anh ngay khi bỏ các môn “thực học” không-phải-nói này! Đây là việc hoàn toàn sai, như hậu quả nhãn tiền là dù họ đã nhiều chục năm qua tập trung cho “nói” thì học sinh/sinh viên Việt Nam vẫn không nói giỏi tiếng Anh. Nếu bị tiêm nhiễm ý nghĩ bậy bạ rằng văn phạm Anh văn giết chết khả năng nói tiếng Anh, thì học trò cứ tự nhiên đừng thèm học văn phạm tiếng Anh nữa, thầy/cô dạy văn phạm thì mặc thầy/cô, thầy/cô dạy viết thì mặc thầy/cô, rồi xem mình có nói giỏi tiếng Anh không.

Chân lý 3: Muốn giỏi “nói” tiếng Anh, học sinh/sinh viên phải học giỏi tất cả các nội dung nêu trên về tiếng Anh. Làm gì có chuyện học trò Mỹ học đủ thứ, còn học trò Việt Nam đi đường tắt, xem thường văn phạm, lại giỏi y như học trò Mỹ! Các giáo viên Việt Nam dạy tiếng Anh cần phải thấu hiểu điều cực kỳ căn bản này.

4) Nói sai về vai trò của “viết” trong tiếng Anh

Viết là thể hiện mức độ sâu sắc cao cấp thượng đẳng của tư duy con người. Từ khả năng viết, người ta có thể thu xếp để việc nói trở nên chỉnh chu, ngắn gọn súc tích hoặc dài đầy đủ như ý, tăng sức thuyết phục, gia cố biện luận, lèo lái phản biện, phù hợp hoàn cảnh bình dân hay cung đình, thích hợp nội dung chuyện phiếm hay đề tài nghiêm túc, v.v.

Giá trị của “viết giỏi” trong “thực học” còn ở chỗ mặc cho có các nội dung thuyết trình nhóm, thực tập thực tế, v.v, thì điểm số quan trọng của các chương trình thạc sĩ vẫn đến từ các bài viết nghiên cứu nhóm, bài viết nghiên cứu cá nhân, và bài thi viết.

Giá trị của “viết giỏi” trong “thực hành” còn ở chỗ chỉ những đơn xin việc được viết chỉnh chu, ngắn gọn súc tích hoặc dài đầy đủ như ý, tăng sức thuyết phục, phù hợp hoàn cảnh, thích hợp nội dung, v.v. mới được nhà tuyển dụng quan tâm, mời đến phỏng vấn mà tại buổi phỏng vấn đó ứng viên “nói giỏi” mới có cơ hội “nói giỏi”, nghĩa là “viết giỏi” quyết định số phận của “nói giỏi”; song, nhất thiết cần lưu ý rằng ứng viên có đơn xin việc “viết giỏi” nhưng không “nói giỏi” vẫn có cơ may trúng tuyển đối với các vị trí cao vì “viết giỏi” là điểm ưu việt cần có nơi các chức sắc cấp cao, những người luôn phải đối mặt với các yêu cầu hoạch định chiến lược, sách lược, kế hoạch, chỉ thị, và các báo cáo mật, nhạy cảm chỉ được soạn bởi và lưu hành trong nội bộ ban lãnh đạo.

Kinh nghiệm thực tế của người viết bài này đã luôn ở vị trí lãnh đạo ở các công ty nước ngoài nhờ biết xem trọng việc ưu tiên trau giồi viết tiếng Anh sao cho thật giỏi ngay từ nhỏ, cũng như việc viết giỏi ấy đã tác động thành công đến ban lãnh đạo ở nước ngoài trong việc nhiều lần “cứu nguy” nhân viên Việt Nam hoặc đã gây sức mạnh thuyết phục công ty mẹ sa thải gần chục lãnh đạo cấp cao – kể cà Tổng Giám Đốc và 3 Phó Tổng Giám Đốc tiêu cực – tất cả đều là người nước ngoài ở chi nhánh Việt Nam.

Chân lý 4: Viết tiếng Anh chính là một thể hiện trước, hoặc một chuẩn bị thích hợp cho nói tiếng Anh, chứ không là phần độc lập, đối chọi với nói tiếng Anh. Viết tiếng Anh giúp hoàn thiện nói tiếng Anh. Trong cả học tập cấp cao ở nước ngoài – dù đó là về ngôn ngữ Anh hay khoa học kỹ thuật hoặc kinh tế tài chính – thì viết tiếng Anh giỏi quyết định số phận của văn bằng. Người có hiểu biết, có thực sự học “cao”, luôn nhận thức được tầm quan trọng của viết giỏi tiếng Anh, cũng như hiểu rằng rất khó đạt đến trình độ viết giỏi chứ còn nói giỏi đâu phải là kỳ công.

5) Nói sai về… “nói” trong tiếng Anh

Nhiều người cho rằng “nói” là “nói” mà không chịu hiểu rằng “nói” phải gắn chặt vào nghĩa “nói cái gì, với ai, tại đâu, và với mục đích gì”.

Nếu nói để … “thoát hiểm” thì phi công Mỹ có tờ giấy ghi vài câu để khi bị bắn hạ trên vùng trời Miền Bắc Việt Nam sẽ dùng để nói với người dân Việt Nam như: “xin cho tôi ăn, xin giúp che dấu tôi, chính phủ Hoa Kỳ sẽ cứu tôi và đền ơn, v.v.”

Nếu nói để… “thoát hiểm” thì người Việt chỉ cần biết hỏi thăm đường sá, v.v.

Quá nhiều người không hiểu biết gì mới cho rằng văn viết khác văn nói, rằng văn nói đi vào đời sống còn văn viết ở trên trời, v.v. Tất nhiên có sự khác nhau vì khi viết người ta có nhiều thời gian hơn để trau chuốt lời văn, còn chỉ có người cực giỏi mới trong tích tắc trau chuốt lời nói kịp ngay trước khi bật ra âm thanh. Thật sai lầm khi cho rằng nói dễ hơn viết vì không bị ràng buộc bởi văn phạm. Thật sai lầm khi cho rằng dựng túp lều tranh dễ hơn xây tòa nhà chọc trời vì không bị ràng buộc bởi công thức thiết kế và quy định kiến trúc hay cấu trúc vật liệu. Khi không bị ràng buộc về văn phạm, đấy sẽ không là câu nói giữa các đại gia kinh tế hay các chính khách nguyên thủ tại Liên Hợp Quốc. Khi không bị ràng buộc bởi thiết kế, túp lều tranh không bao giờ là nơi cho hai quả tim vàng vì gió có thể thổi bay bất cứ lúc nào. Sự ràng buộc kỹ thuật văn phạm cực kỳ rõ nét khi đó là phát biểu của một luật sư, một giảng viên, hay một chính khách. Vì vậy, dựa vào mức độ văn phạm bạn đang sử dụng, người ta biết bạn ở đẳng cấp nào, thuộc giới chuyên môn nào, đang ở cộng đồng nào, và cũng biết ngay bạn sẽ đấu khẩu thắng hay thua.

Chân lý 5: Muốn nói giỏi hãy tìm đọc tác phẩm của những người…viết giỏi để có thêm thông tin, kiến thức, bổ sung chất lượng cho tài “nói giỏi” của mình. Đặc biệt lưu ý rằng “nói giỏi” tiếng Anh không đồng nghĩa với “hùng biện” tiếng Anh, vì hùng biện là năng khiếu bẩm sinh hoặc là kết quả rèn luyện thực tập hiệu quả nhằm luôn đạt thế thượng phong khi sử dụng khẩu ngữ hoặc văn viết, còn nói giỏi chỉ là sử dụng được ngôn ngữ ấy bằng khẩu ngữ và sử dụng đúng việc, đúng người, đúng chỗ, thường bị giới hạn về thời gian (đối tượng xua tay không muốn nghe tiếp hoặc quay mặt bỏ đi hoặc bảo gia nhân… “tiễn khách”).

6) Hoang đường huyễn hoặc về… “rửa chén” để “nói” giỏi tiếng Anh

Nhiều người du học Âu Mỹ về hay khoe rằng mình đã tích cực thực tập “nói” tiếng Anh bằng cách xin việc rửa chén ở các nhà hàng ở gần trường. Đây là điều hoang đường vì mục đích rửa chén là để kiếm tiền, only this and nothing more (chỉ có thế thôi chứ làm gì còn lý do nào khác). Điều dễ nhận ra là việc rửa chén xảy ra về đêm, giữa những người nghèo khổ – đa số là dân nhập cư Mễ hay Đông Âu – luôn sử dụng tiếng lóng, tiếng sai, tiếng tục, tiếng địa phương, giọng thổ ngữ, chưa kể làm việc tất bật làm gì có thời gian (và ai cho phép cà-khịa tại nơi làm việc) để nói chuyện phiếm hầu “thực tập” nói tiếng Anh để bị ông chủ tống cổ ra khỏi quán. Ngay cả khi làm những việc lao động tay chân khác thì cũng bảo đảm rằng khi về Việt Nam người ấy không thể dạy học trò nói giỏi tiếng Anh được với kiểu ăn nói quàng xiên của tầng lớp thấp ấy. Ngoài ra, việc trắng đêm rửa chén sẽ không bao giờ bảo đảm du học sinh có thể tỉnh táo, tinh anh, tiếp thu bài vở tuyệt hảo trong các tiết học buổi sáng-chiều, và kết quả học tập – dù có được văn bằng – cũng không bao giờ có đủ chất lượng để làm “thầy/cô” cho học sinh/sinh viên ở quê nhà. Đó là lý do chất lượng đào tạo tại Việt Nam luôn có vấn đề, mà đào tạo Anh văn không là một ngoại lệ.

Chân lý 6: Chất lượng nói (và viết) tiếng Anh chỉ có được qua sự tập trung học tập cao độ với người thực sự có trình độ giỏi, và nhất thiết tránh xa – chí ít là trong giai đoạn chưa học thành tài – những cộng đồng cư dân bản địa có văn hóa thấp, học thức thấp, hay cách sử dụng văn nói không chính quy để vốn từ, cách phát âm, và cách sử dụng cấu trúc câu trong văn nói không bị bình dân hóa, địa phương hóa, hay hạn hẹp hóa (mà chính người Mỹ “đẳng cấp” cũng xem thường), và bị hỏng hóa cả khẩu ngữ và phong cách.

7) Hoang Đường Về Giọng Mỹ Giọng Anh

Trong một bài viết trên báo Người Lao Động cách nay gần 20 năm (sẽ đăng lại sau khi…kiếm lại được) tôi có viết rằng không tồn tại trong đời sống thực cái gọi là nói tiếng Anh giọng Mỹ và nói tiếng Anh giọng Anh, và rằng bạn hãy nói tiếng Anh bằng giọng của bạn, với điều cần nhớ là người Việt có nhiều lợi thế hơn nhiều dân tộc khác ở Châu Á vì sắc điệu của tiếng Việt giúp người Việt nói tiếng Anh hay hơn hẳn phần còn lại của Châu Á. Ấn Độ dùng tiếng Anh làm quốc ngữ và vài trăm năm dưới sự đô hộ của Vương Quốc Anh cũng chỉ giúp họ viết báo hay hơn người Anh chứ họ vẫn nói tiếng Anh với giọng Ấn. Ông Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói tiếng Tiếng Anh với giọng Hàn. Các CEO công ty Đài Loan ở Việt Nam nói tiếng Anh với giọng Tàu. Các nhà tài phiệt người Hong Kong và Nhật Bản nói tiếng Anh rất tệ. Vì vậy, vấn đề là bạn là ai và tiếng Anh mà bạn nói đang truyền tải thông điệp gì, với mục đích gì, nhắm vào đối tượng nghe nào, chứ không phải có kiểu phát âm Mỹ hay Anh. Bất kỳ “giáo viên” Anh văn nào nói với bạn rằng sẽ dạy bạn nói giọng Mỹ hay Anh, bạn hãy tự tin nói với người đó rằng chính tôi nói họ có trình độ rất khả nghi về tiếng Anh.

Chân lý 7: Học sinh/sinh viên chỉ nên tập trung xây dựng bản thân thành người có kiến thức sâu rộng và học đủ giỏi tiếng Anh để hiểu người nói nói gì, người viết viết gì, và để người nghe hiểu mình nói gì hay viết gì. Chú mục xem ai đó nói giọng gì, hoặc luyện cho mình nói theo giọng gì chỉ tiết lộ mình là điệp viên của Việt Nam, hoặc khiến mình trở thành người duy nhất trên thế gian này làm điều vô bổ.

8) Hoang đường về việc muốn giỏi tiếng Anh phải học từ nhỏ

Điều hoang đường cuối cùng được nêu trong bài viết này (vì còn những 10 điểm khác, thiết nghĩ sẽ tốt hơn nếu để dành khi thuyết trình đầy đủ trước một hội nghị cấp quốc gia về chấn chỉnh việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả cao cho người Việt ở Việt Nam) là khi cho rằng người ta sẽ học giỏi tiếng Anh hơn nếu được cha mẹ cho học tiếng Anh từ rất sớm, việc mà tôi đã có một bài viết dài phản bác trên báo Tuổi Trẻ cách nay 20 năm (sẽ đăng lại sau khi…kiếm lại được), với bằng chứng là sau 20 năm thì chẳng thấy các cháu bé “học tiếng Anh từ sớm” ấy có gì nổi đình nổi đám về tiếng Anh trong hay ngoài nước cả. Tất cả đều do trình độ tiếng Anh yếu kém của dịch giả người Việt khi dịch một tác phẩm của Noam Chomsky và của độc giả người Việt khi đọc nguyên tác hay bản dịch tiếng Việt ấy, mà sự thể là như sau:

Noam Chomsky là giáo sư tiến sĩ và nhà ngôn ngữ học người Mỹ. Ông đặc biệt ủng hộ chính nghĩa của nhà nước Cộng sản Việt Nam (và thậm chí dũng cảm đến thăm Hà Nội trong khi cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam đang ở giai đoạn khốc liệt, cũng như đứng đầu ủy ban các giáo sư tiến sĩ và phóng viên chiến trường Mỹ cùng bác sĩ quân y Mỹ vạch trần tội ác của Mỹ và quân đội Cộng Hòa trong cuộc thảm sát người dân Huế “đối lập” với Thiệu và phật tử Huế trong Tết Mậu Thân 1968 rồi đổ cho “Việt cộng”). Theo ông, người ta (tức người Mỹ) nên cho con mình (tức trẻ em Mỹ) học tập sớm để phát triển ngôn ngữ (tức tiếng Mỹ tức tiếng Anh) sớm, nắm bắt ngôn ngữ (tức tiếng Mỹ tức tiếng Anh) sớm, từ đó phát triển trí tuệ sớm. Thế mà nội dung dịch “người ta nên cho con mình học tiếng Anh sớm để phát triển tiếng Anh sớm, nắm bắt tiếng Anh sớm, từ đó phát triển trí tuệ sớm” thay vì phải hiểu như “người Việt nên cho con mình học tiếng Việt sớm để phát triển tiếng Việt sớm, nắm bắt tiếng Việt sớm, từ đó phát triển trí tuệ sớm”, hoặc “người ta nên cho con mình học tiếng mẹ đẻ sớm để phát triển tiếng mẹ đẻ sớm, nắm bắt tiếng mẹ đẻ sớm, từ đó phát triển trí tuệ sớm”, người ta nhao nhao lên rằng người Việt nên cho con em học tiếng Anh từ nhỏ để giỏi tiếng Anh. Đây là một điều sai hoàn toàn về phương diện khoa học và tinh thần nghiên cứu của Noah Chomsky! Những người Mỹ ở Trung Ương Cục Tình Báo Mỹ CIA nói tiếng Việt như gió, phải chăng đã học tiếng Việt từ năm lên 4 ở Mỹ? Alenxandre de Rhode soạn tự điển tiếng Việt ắt nhờ học tiếng Việt lúc lọt lòng mẹ và được đưa vào nhà thờ? Nội dung đơn giản chỉ là: thay vì chờ đợi lúc con đến tuổi đến trường theo luật định mới cho con học chữ, các bậc cha mẹ nên tích cực tập con nói chuyện, nói chuyện với con ngay từ lúc con còn nằm nôi (có nhà khoa học còn đề nghị cha mẹ nói chuyên với con qua…da bụng của người mẹ, lúc con còn là bào thai), và kể chuyện cho con, tập cho con nhận diện chữ cái, màu sắc từ trước khi con đến tuổi đến trường, vì rằng việc kích thích trí não của bé vào thời điểm này rất thích hợp giúp bé nhớ nhanh hơn, dễ hơn, tạo đà cho hoạt động học tập khi đến tuổi vào trường, chứ không khuyên cha mẹ cho con học “ngoại ngữ” từ trong bụng mẹ! Việc cha mẹ người Việt cho con học tiếng Anh từ nhỏ sẽ vướng phải các tai hại sau:

– Nhiễu loạn: (a) môi trường xung quanh nói toàn tiếng Việt đa số thời gian nên không thể “giỏi” tiếng Anh, (b) học tiếng Việt ở lớp thiểu số thời gian nên không thể “giỏi” tiếng Việt, còn (c) người dạy tiếng Anh ở nhà trẻ Việt Nam khó thể nào là người có trình độ cử nhân hay thạc sĩ Anh văn nên việc dạy sai là nguy cơ đương nhiên đối với hệ thống phát âm luyện tiếng của trẻ.

– Bất phân định: không thể hiểu được đâu là “tiếng mẹ đẻ” và đâu là “ngoại ngữ” vì không phải cứ sinh ra tại Việt Nam, có khai sinh Việt Nam thì đương nhiên “tiếng mẹ đẻ” là tiếng Việt Nam, đương nhiên “giỏi” tiếng Việt Nam. Khái niệm “tiếng mẹ đẻ” chỉ liên quan đến ngôn ngữ chính của một người, được người ấy học từ nhỏ, dùng từ nhỏ đến suốt cuộc đời mà không cần có văn bằng chứng chỉ về “tiếng mẹ đẻ”. Trong khi đó, “ngoại ngữ” là ngôn ngữ khác mà một người học thêm theo phương pháp thích hợp và chương trình bài bản, mà kết quả học tập không dựa theo chủ quan, nghĩa là có thể thành công (sử dụng nhuần nhuyễn, có văn bằng chứng chỉ chứng nhận), hoặc có thể thất bại do năng khiếu thiên về lĩnh vực khác. Một đưa bé Việt Nam ngay cả khi chỉ ở Việt Nam, học tiếng Anh từ nhỏ và chỉ học tiếng Anh, đến độ “giỏi” tiếng Anh thì có nghĩa đứa bé Việt Nam ấy có “tiếng mẹ đẻ” là tiếng Anh tức ngôn ngữ chính và tiếng Việt có khi trở thành “ngoại ngữ”, nhất thiết phải rời Việt Nam do khó thể đấu tranh sinh tồn trong môi trường sống tại Việt Nam.

Chân lý 8: Người Việt Nam càng trưởng thành càng dễ học giỏi tiếng Anh, viết giỏi tiếng Anh, nói giỏi tiếng Anh. “Trưởng thành” có nghĩa là có năng lực hành vi, năng lực trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tính tự chủ, sáng tạo, siêng năng, bản lĩnh, tự quyết, kiên trì và độc lập. Còn bị chi phối bởi ngoại cảnh, luôn cho mình là “teen”, không làm chủ được bản thân, dựa dẫm vào người khác, v.v. thì chỉ là đứa trẻ, và không thể học giỏi được tiếng Anh (hay bất kỳ ngoại ngữ nào), đó là chưa kể ngay cả tiếng Việt cũng chưa chắc sử dụng được hiệu quả cho cuộc sinh tồn và sinh nhai. Tiếng mẹ đẻ dành cho trẻ em; còn ngoại ngữ dành cho người không còn là trẻ nít.

ĐOẠN KẾT

Tóm lại, chân lý mà ta cần ngoảnh lại nhìn trước khi dấn bước vào tiến trình “nói giỏi tiếng Anh” là: không bao giờ có sự tách bạch độc lập giữa nói và viết. Viết càng giỏi thì nói càng có chất lượng tốt hơn. Khi một người được phong tước Hiệp Sĩ để được có chữ Sir ngay trước tên họ của mình, người đó được hướng dẫn các nghi lễ hành vi và lời nói khi vào hoàng cung Anh Quốc, lúc quỳ trước Nữ Hoàng để được người đặt lưỡi kiếm trên vai trái và vai phải. Người dân Mỹ xem phát biểu ứng khẩu của Tổng Thống Abraham Lincoln tại Gettysburgh là kiệt tác. Người dân Anh xem phát biểu của Nữ Hoàng Anh là mẫu mực của sự kiệt tác ngôn từ. Tiếng Việt bạn nói trực tiếp với Ông Trương Tấn Sang sẽ không là tiếng Việt bạn dùng trực tiếp với các bạn của bạn trong quán cà phê. Tiếng Anh khi bạn dùng “Mr President!” khiến người nghe nghĩ rằng bạn hoặc là người trình độ đang phỏng vấn Ông Obama hoặc bạn là nhân vật quan trọng được ở gần vị tổng thống ấy. Tiếng Anh khi bạn dùng “Ê President!” khiến người ta nghĩ rằng bạn đang réo một người hàng xóm tên President thường hay chỉ trích chê bai bạn. Vì thế, văn nói cũng là loại văn cần được bạn trau chuốt, học tập, thực hành nghiêm túc giống như điều tất cả những học sinh gia giáo của những gia đình giàu có qu‎ý phái tại các cường quốc Âu Mỹ đều làm, mà nếu cần thí dụ, bạn hãy theo dõi gameshow Người Tập Sự Của Donald Trump để nghe cậu con trai Don và cô con gái Ivanka của Trump ăn nói ra sao, tác phong khi nói ra sao, và để biết rằng chính Donald Trump mới là người giàu nhất thế giới vì chỉ có Trump mới có những đứa con tuyệt vời, đẳng cấp cao, chưa bị dính vào những scandal làm tổn hại thanh danh bản thân và uy danh người Bố. Hãy học theo những người như vậy, và bạn sẽ hiểu ra rằng chỉ có việc học hành nghiêm túc, kiến thức rộng, bạn mới giỏi tiếng Anh, và khi giỏi tiếng Anh, bạn viết giỏi tiếng Anh và không còn có tên trong danh sách những học sinh/sinh viên/nhân viên có bằng cử nhân Anh văn nhưng không nói được tiếng Anh.

Tiếng Anh như một “ngoại ngữ” là tiếng Anh dạy theo bài bản chuyên nghiệp, khoa học, đầy đủ, thực dụng cả về viết và nói, theo từng cấp độ, và có các loại sát hạch cho những người cần chứng chỉ, văn bằng, nhằm phục vụ việc mưu sinh hay đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.

Nếu bạn là người trưởng thành, hãy yên tâm nếu bạn muốn giỏi tiếng Anh như một “ngoại ngữ” theo cách lành mạnh, bình thường, khoa học, và nghiêm chỉnh.

Để Học Giỏi Tiếng Anh (Bài 2)

Chuẩn Bị Hành Quân: She Don’t, You Is, D’Passion, I and You, Th’ Universe, Emotino, Anh Văn Hoàng Tộc

KHÚC DẠO ĐẦU

Đây là bài thứ nhì của loạt bài nói về cách học giỏi tiếng Anh. Muốn tiến tới mặt trận “giỏi tiếng Anh”, nhất thiết phải chuẩn bị quân trang, quân dụng, hậu cần, kể cả nghiên cứu sa bàn trận địa đối phương, công tác chính trị tư tưởng, và tâm lý chiến. Chúng ta hãy bắt đầu từ việc thứ nhì: học đẳng cấp cao của She don’tYou is để hiểu thấu đáo thế nào là chân giá trị của ngôn từ và ai có thẩm quyền tối cao đối với thứ ngôn ngữ đang thống trị thiên hạ.

D’PASSION EMOTINO

Cách nay vài năm được một bạn – rất tiếc tôi không thể nhớ tên – gởi email giới thiệu “phát hiện một trang web” lý thú tên Emotino vào thời điểm tôi chán ngấy cái anh Yahoo! 360 mà tôi đã báo trước sự suy tàn của nó qua một số bài viết, tôi vào xem và tuy mừng vì đó là trang web cực kỳ nghiêm túc của “những người trong cuộc” của giới kinh doanh, nhưng vẫn lo vì ở Yahoo!360 tôi chỉ viết toàn tiếng Anh nay vào Emotino mà viết tiếng Anh thì rất không an tâm vì tôi biết quá rõ có những người Việt Nam sẽ nhao nhao lên rằng tôi “khoe khoang” ngoại ngữ, mà nếu viết tiếng Việt thì chỉ giỏi văn chương thi phú thời còn học về Nguyễn Công Trứ, Lục Vân Tiên, hay Sãi Vãi, v.v., hồi xửa hồi xưa, chứ về các vấn đề học thuật mới tinh của thế kỷ XXI thì thật là run tay. Song, tôi bắt đầu tập viết tiếng Việt, nhờ vợ tôi hay nhân viên công ty tôi giúp sửa các dấu hỏi dấu ngã trước khi post lên Emotino. Vậy Emotino có dính gì đến bài nói về Học Tiếng Anh ở đây? Xin thưa, từ cái ngày đầu đến với Emotino và biết D’Passion lập nên Emotino, cho đến tận ngày hôm nay tôi chưa bao giờ gọi phone, gởi email hay tin nhắn bất kỳ để bảo Ông Chủ của Emotino và D’Passion rằng Emotino sai rồi vì phải là Emotion, và D’Passion sai rồi vì trong tiếng Pháp chữ De chỉ khi ở trước nguyên âm mới biến thành D’. Tôi không bảo hay hỏi hoặc mách vị chủ nhân ấy, vì tôi biết chỉ những người thật giỏi ngoại ngữ mới có hai quyền tối thượng là đặt ra từ mới và phá cách từ cũ. Chỉ cần nhìn chữ Emotino và D’Passion, tôi lặng thinh…trầm trồ thán phục. Tôi cũng có sáng tác một bài thơ tiếng Anh lúc còn ở đại học năm 1977, trong đó lập đi lập lại từ th’Universe, nay ngẫm lại thấy mình thậm chí còn táo bạo hơn cả chủ nhân D’Passion vì nhiều người sẽ bảo tiếng Anh làm quái gì có kiểu the trước nguyên âm được viết tắt thành th’.

Như vậy, phải chăng chăng ông chủ của D’Passion và ông Hoàng Hữu Phước viết sai chính tả lung tung, thua xa người mới học tiếng Anh hoặc đã học xong căn bản của tiếng Anh? Xin đọc hồi sau sẽ rõ.

SHE DON’T YOU IS

Bất kỳ ai mới học tiếng Anh đều biết phần sơ đẳng nhất là chia động từ TO BE và TO DO, để biết luôn là She does not hay She doesn’t nghĩa là “nàng ấy đâu có (làm việc ấy)” và You are nghĩa là “ngươi là…” hay “ngài thì…”.

Thế nhưng:

1- Nữ ca sĩ LeToya Luckett trong album phát hành năm 2006 mang tên cô đã hát bài She Don’t theo thể loại R&B của hai nhạc sĩ nổi tiếng Walter Milsap and Candice Nelson, với phần điệp khúc thú vị:

     She don’t even touch you like this

     She don’t even kis you like this

     She don’t even treat you like I do

         Boy you know that

     She don’t even touch you like this

     She don’t even kis you like this

     She don’t even treat you like I do

         Boy you know that

2- Ban nhạc The Beatles lừng danh thì có bài She’s a Woman trong đó từ don’t được dùng cho ngôi thứ ba số ít:

     …My love don’t give me presents,

     I know that she’s no peasant.

     Only ever has to give me forever and forever;

     My love don’t give me presents.

     ………

     She don’t give boys the eye.

     She hates to see me cry.

     She is happy just to hear me

     Say that I will never leave her,

     She don’t give boys the eye…..

3- Trong khi đó ca sĩ nhạc rock huyền thoại Frank Zappa có album phát hành năm 1981 mang tên You Are What You Is cũng là tên một ca khúc thể loại pop rock trong album ấy, với lời ca rất dài mà chỉ trong một đoạn ngắn sau đã có những phá cách dữ dội như you is và thậm chí you am:

     ….. Do you know what you are?

     You are what you is

     You is what you am

     A cow don’t make ham…

   You ain’t what you’re not

     So see what you got

     You are what you is

     An’ that’s all it ‘tis

…….

Như vậy, phải chăng chăng các ca sĩ Anh và Mỹ lừng danh này thất học, không biết văn phạm, và thậm chí trình độ tiếng Anh thua xa người Việt mới học tiếng Anh? Xin đọc hồi sau sẽ rõ.

I AND YOU

Trở lại phần bọn bị bịnh thần kinh chống đối tôi đã la toáng trên mạng rằng tôi sai tiếng Anh khi dùng I and You (chẳng hạn như tiêu đề các bài viết tiếng Anh của tôi trên Yahoo!360 như I and Dr Le Van Diem, I and Mr Nguyen Quang To, v.v.), một ca sĩ nổi tiếng khác là Lobo ắt cũng bị la toáng lên như thế do đã dám viết bài ca tuyệt diệu hàng đầu loại “top hit” mang tên Me and You and the Dog Named Boo (Anh và Em cùng Chú Cún Tên Boo) thay vì phải viết You and Me theo điều sơ đẳng mà con nít và bọn tâm thần ấy được dạy.

Như vậy, phải chăng chăng ca sĩ Mỹ lừng danh Lobo thất học, không biết văn phạm, và thậm chí trình độ tiếng Anh thua xa người Việt mới học tiếng Anh? Xin đọc hồi sau sẽ rõ.

ANH VĂN HOÀNG TỘC

Các bạn ắt biết tác phẩm điện ảnh gần đây mang tên The King’s Speech (Diễn Văn của Nhà Vua, hoặc Nhà Vua Cà Lăm ) đoạt nhiều giải thưởng lớn, nói về Vua George Đệ Lục của Anh Quốc thời Đệ Nhị Thế Chiến đã phải nỗ lực ra sao để khắc phục tật nói lắp của mình, từ đó có các hiệu triệu quốc dân đồng tâm hiệp lực chống Đức Quốc Xã. Tôi chưa xem phim The King’s Speech, nhưng lúc học lớp 12 năm 1974 tôi đã được đọc quyển The King’s English tức Tiếng Anh Hoàng Tộc của anh em nhà Fowler, dày 383 trang, ấn bản năm 1906 của Đại học Oxford, mua tại Nhà Sách Khai Trí, Sài Gòn, và đây là lý do vì sao tôi “cứng và vững” văn phạm và luận văn Anh hơn mọi người đồng trang lứa, vì khi tất cả các tác giả văn học vĩ đại của nước Anh, tất cả các báo và tạp chí lừng danh (còn tồn tại cho đến ngày nay hàng trăm năm tuổi) đều bị lôi ra vô số các trích đoạn để chứng minh các điểm sai về văn phạm, từ ngữ, ngôn phong, v.v., chẳng hạn như:

1) …Mrs. Downe Wright had not forgiven the indignity of her son having been refused by Mary…       FERRIER

2) …Hurried reading results in the learner forgetting half of what he reads, or in his forming vague conceptions….         SWEET

3) …As to the audience, we imagine that a large part of it, certainly all that part of it whose sympathies it was desired to enlist, …        TIMES

thì tôi đã được tiếp cận các câu văn vẻ tiêu biểu được chọn lọc, học được vô số điều từ các phê bình đẳng cấp cung đình, những điều mà tất cả các sách vở và thầy cô ở Việt Nam không hề (hoặc không thể) nói đến ở tầm cao tương tự.

(Ghi chú về ba câu tiếng Anh có “ngoại hình” rất cao cấp ở trên:

– Phê bình (luôn ngắn gọn, chỉ ghi tên gọi của lỗi, không giải thích) ghi trong sách The King’s English: Câu 1 và 2 sai ở sở hữu cách

– Tôi giải thích với sinh viên khi đem vốn liếng The King’s English của tôi ra dạy sinh viên: Chữ her son trong Câu 1 nếu là her son’s và chữ the learner trong câu 2 nếu là the learner’s mới đúng. Trong câu 1, đối tượng liên quan đến indignity là “cái việc” having been refused by Mary của her son, chứ không phải bản thân her son, nếu viết như S. Ferrier thì hóa ra having been refused by Mary không còn là “cái việc” tức là một danh từ/nhóm từ danh từ noun phrase mà trở thành một tính từ loại perfect participle. Còn ở câu 2 thì rất rõ vì xuất hiện yêu cầu đối xứng của tiêu chí parallelism khi viết văn: từ OR liên kết 2 phần cân xứng y như nhau, do đó, nếu vế sau OR có IN HIS với HIS ở sỡ hửu cách thì vế trước OR buộc phải có sở hữu cách nên phải là IN THE LEARNER’S. Còn câu 3 có phần sau phải viết lại thành whose sympathies were enlisted mới đúng tiếng Anh.

ĐOẠN KẾT

Các thi sĩ, nhạc sĩ có đặc quyền áp dụng các phá cách mà không cần giải thích, và những người hiểu biết không bao giờ đặt câu hỏi, càng chẳng bao giờ tung email không chỉ vì muốn khoe các phát hiện của mình mà có khi vì những lý do xấu khác, chẳng hạn như nhằm chê bai hay bôi nhọ đối thủ cạnh tranh.

Lý do của các phá cách như She don’t rất đơn giản: nhà thơ hay nhạc sĩ đều giống nhau ở điểm họ cần số lượng âm nhất định cho một khổ thơ hay một đoạn nhạc. Nếu ở một đoạn đặc thù chỉ còn trống chỗ cho 2 âm tiết thì She doesn’t đúng văn phạm nhưng có 3 âm tiết, và She don’t trở thành một giải pháp 2 âm tiết tuyệt hảo được các fan hâm mộ tán dương, khen ngợi, thần phục. The cow don’t (thay vì the cow doesn’t) cũng là trường hợp tương tự.

Lý do của You IsYou Am lại nhằm mục đích khác, có thể mang tính triết lý sâu sắc sâu xa, hoặc diễu cợt, hoặc “chơi chữ” của tác giả, chứ không vì giới hạn của số lượng âm tiết, chẳng hạn muốn hàm ý “anh chỉ là số ít, anh chỉ là cái tôi của anh”. Và cũng như việc không ai đến viện bảo tàng nghệ thuật đứng ngắm nhìn các bức họa kiệt tác lại mở miệng nói linh tinh hoặc hỏi lung tung – thậm chí ngay cả khi bức họa là một tấm giấy trắng khổ lớn như đang có tại một viện bảo tàng hình như ở New York nghe đâu được mua với giá vài trăm ngàn USD – độc giả và khán giả cũng sẽ thưởng thức các cái “sai cố tình” và tán thưởng vì đó là sự độc đáo độc quyền trong lĩnh vực nghệ thuật, mỹ thuật, chẳng khác nào tranh truyền thần và tranh trừu tượng đều vẽ về người phụ nữ nhưng theo cách khác nhau và giá tiền của tranh trừu tượng của Picasso luôn đắt hơn tranh truyền thần thời hiện đại.

Về I and You / Me and You thì rất đơn giản:

– Lobo muốn Me and YouYou đồng âm với Boo, nên khi hát Me and You and the Dog Named Boo sẽ tạo tác dụng ngữ âm hợp vận tuyệt hảo theo ngắt đoạn: Me and You…. and the Dog Named Boo.

– Tôi không kiếm tìm sụ hợp vận như Lobo mà chỉ thực hiện cái quyền sử dụng tiếng Anh cho mục đích của riêng tôi, người ở vị trí cao hơn tất cả mọi người ở Việt Nam (dù là người Việt Nam hay người nước ngoài làm việc ở Việt Nam) về tiếng Anh nên có cái đặc quyền này, và nếu văn phạm tiếng Anh chưa ai giải thích thì tôi sẽ lấy làm vinh dự giải thích rằng: khi tôi viết I and Professor Le Văn Diem, tức theo kiểu I and You, thì tôi ngụ ý rằng từ I trở thành nhân vật chính và duy nhất, với nhân vật You ở vị trí phụ trợ, biến chữ and mang ý tương tự của together with cho một tình huống tương tự của nhu cầu 1 âm tiết của and mà không là 4 âm tiết của together with hoặc thậm chí chỉ một từ with với chỉ một âm tiết tôi cũng không muốn sử dụng vì with thuộc âm vực lên cao rất chỏi với các âm trước và/hay sau nó, trong khi and lại là một trầm bình thanh, đáp ứng dụng ý vần điệu cho thơ ca hoặc âm điệu cho văn xuôi. Nói đơn giản hơn, bạn dùng đúng văn phạm tiếng Anh thí dụ như You and I will go to the market để nói lên một sự thật là cả hai cùng đi chợ, nhưng khi tôi viết I and you will go to the market, tôi muốn nói tôi buộc bạn là cấp dưới của tôi phải đi với tôi ra chợ và khi phát âm tôi sẽ nhấn mạnh chữ and you cùng với việc chỉ ngón tay vào bạn. Khi tôi viết Professor Le Van Diem and I, ý nghĩa sẽ là thực sự Thầy Diệm và tôi cùng nhau thực hiện một công việc gì đó, chẳng hạn cùng đóng góp tư liệu và hiệu đính cho giáo trình văn học Anh Mỹ cho Đại Học Boston. Nhưng khi tôi viết I and Mr Nguyen Quang To, tôi và Thầy Tô là hai cá nhân riêng biệt vì chỉ có tôi nói về Thầy chứ không phải cùng Thầy cùng nói về nhau.

Nói tóm lại, trước khi bắt đầu cuộc chinh phục tiếng Anh để nói giỏi tiếng Anh và viết giỏi tiếng Anh, bạn cần quan tâm đến những điều sau:

1- Đừng dùng tiếng Việt viết phê phán chất lượng tiếng Anh của tôi trong khi bản thân bạn chỉ mới nắm phần sơ đẳng của tiếng Anh. Muốn biết bạn đã vượt qua phần sơ đẳng hay chưa, khi “phát hiện” điều mà bạn cho là “kém” của tôi, bạn hãy viết một bức thư thật dài bằng tiếng Anh để gởi tôi, trong thư bạn nêu rõ điểm hay các điểm sai, đưa ra các dẫn chứng hàn lâm mà bạn có để chứng minh đó đúng là các điểm sai, và bạn đề nghị các sửa sai. Khi bạn nhận được thư cảm ơn của tôi – dù tôi rối rít cảm ơn bạn hay trình bày bạn rõ các dụng ý của tôi – bạn sẽ biết chắc chắn rằng bạn đã giỏi tiếng Anh.

2- Đừng bắt chước việc phá cách của các thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, và những người giỏi tiếng Anh, vì đó là quyền lực của riêng họ. Bạn là người đi học, và bài làm của bạn phải đúng theo đáp án; thậm chí bạn có là giảng viên dạy tiếng Anh kiệt xuất, bạn cũng không có quyền phá cách. Phá cách là phạm vi privacy (riêng tư), ego (cái tôi), meditation (hành trạng tư duy), creation (sáng tạo), experience (trải nghiệm), và talent (tài năng) mà bạn chưa chắc đã có đủ.

3- Đừng bắt chước việc tạo từ của các thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, và những người giỏi tiếng Anh, vì đó là quyền lực của riêng họ. Bạn là người đi học, và bài làm của bạn phải đúng theo đáp án; thậm chí bạn có là giảng viên dạy tiếng Anh kiệt xuất, bạn cũng không có quyền tạo từ. Tạo từ là phạm vi privacy (riêng tư), ego (cái tôi), meditation (hành trạng tư duy), creation (sáng tạo), experience (trải nghiệm), và talent (tài năng). Tạo từ cũng là quyền của giới học thuật và truyền thông, chẳng hạn Liên Xô chê từ astronaut (phi hành gia) của Mỹ thuộc đẳng cấp thấp (vì astro có ngữ nguyên tiếng Ai Cập nghĩa là ngôi sao) nên chế ra từ mới cosmonaut (nhà du hành vũ trụ) cho “vĩ đại hơn (chơi chữ: tạo từ có cùng ngữ nguyên Ai Cập, nhưng cosmo nghĩa vũ trụ nên bao trùm hơn và rộng lớn vĩ đại hơn astro); hay vào những năm đầu sau Giải Phóng Miền Nam, các đài phát thanh tiếng Việt và tiếng Anh của Mỹ và Anh chế tạo ra từ mới tiếng Việt “thuyền nhân” và “boat people” gọi những người vượt biên, vì việc vượt biên không mang ý nghĩa chính trị do không có bằng chứng về các ngược đãi nên không thể dùng từ refugee tức người tỵ nạn đã dùng thời Thế Chiến II.

Khi bạn biết bạn đang ở bậc thang nào của tiếng Anh và biết giữ theo ba lời khuyên trên, xem như bạn đã chuẩn bị kỹ càng cho tư thế một chiến binh chinh phạt và chinh phục ngôn ngữ ấy vậy.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Kính mời bạn tham khảo thêm:

Hoàng Hữu Phước. 25-11-2015. Thế Nào Là “Từ Chương”

Các bài cùng chủ đề tiếng Anh:

1) Hoàng Hữu Phước. 07-12-2011. Phường có đúng là Ward? http://www.emotino.com/bai-viet/19422/phuong-co-dung-la-ward

2) Hoàng Hữu Phước. 13-5-2011. Kinh Nghiệm Về Việc Học Ngoại Ngữ . http://www.emotino.com/bai-viet/19112/kinh-nghiem-ve-viec-hoc-ngoai-ngu

3) Hoàng Hữu Phước. 20-6-2011. Chia Sẻ Kinh Nghiệm Về “Học Giỏi” Tiếng Anh. http://www.emotino.com/bai-viet/19153/chia-se-kinh-nghiem-ve-hoc-gioi-tieng-anh

4) Hoàng Hữu Phước. 14-04-2011. Don’t Ever Talk Nonsense against vietnam, You Expatriate Businessmen. http://www.emotino.com/bai-viet/19087/dont-ever-talk-nonsense-against-vietnam-you-expatriate-businessmen

5) Hoàng Hữu Phước. 05-06-2010. Tips for Excellent Learners of Excellent English. http://www.emotino.com/bai-viet/18651/tips-for-excellent-learners-of-english

6) Hoàng Hữu Phước. 03-06-2010. The Three Important P’s in a Seven-Sentence Writing. http://www.emotino.com/bai-viet/18642/the-three-important-ps-in-a-sevensentence-writing

7) Hoàng Hữu Phước. 08-03-2010. Kịch: Thorns of Life. http://www.emotino.com/bai-viet/18458/kich-thorns-of-life

8) Hoàng Hữu Phước. 17-9-2008. Anh Văn Bằng A, B, C Hay Cử Nhân? http://www.emotino.com/bai-viet/17025/anh-van-bang-a-b-c-hay-cu-nhan

Hãy Ủng Hộ Ứng Cử Viên Tự Do Cho Quốc Hội Khóa XIV (2016-2021)

Hoàng Hữu Phước, MIB

09-01-2016

Khi tự ra ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII (2011-2016) tôi có trả lời phỏng vấn của báo chí nội địa và hải ngoại rằng tôi có tư tưởng rất tích cực: nếu tôi đắc cử có nghĩa là người dân ban cho tôi một cơ hội để thi thố khả năng giúp Đảng, giúp nước, giúp dân; còn nếu tôi không đắc cử thì điều này giúp củng cố một ý rất tích cực rằng người dân tin tưởng nhiều hơn vào các đảng viên chức sắc. Tôi đã không dùng những từ ngữ như “trúng cử”, “cử tri”, và “tín nhiệm” trong những lần trả lời phỏng vấn ấy, đơn giản vì tôi quen dùng từ “đắc cử” của Miền Nam trước 1975, đơn giản vì tôi cho rằng “cử tri” chỉ hạn hẹp trong ý nghĩa người trong hạn tuổi bỏ phiếu bầu và đáp ứng các quy định của luật pháp để được bỏ phiếu chứ không phải toàn dân, cũng như đơn giản vì tôi cho rằng nếu phải có sự “tín nhiệm” của cử tri mới ra ứng cử thì rất khôi hài vì chẳng khác nào nói trường đại học ABC nào đó phải cho một thí sinh biết trước là sẽ đậu 100% thì người ấy mới nộp đơn thi tuyển sinh vậy.

Sự Tin Cậy Vào Các Ứng Cử Viên Là Đảng Viên Chức Sắc

Người dân hoàn toàn đúng khi cậy tin vào các ứng cử viên là Đảng viên chức sắc vì bốn lý do sau:

1- Vị ứng cử viên ấy có quá trình tham gia cách mạng dài lâu đã được đa số người dân ở địa phương biết đến;

2- Vị ứng cử viên ấy có quá trình lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, dài lâu đã được nhiều người dân ở địa phương biết đến;

3- Vị ứng cử viên ấy nếu do Trung Ương cử vào tham gia ứng cử tại địa phương nếu đắc cử sẽ là một lợi thế cho địa phương; và

4- Khi các vị ứng cử viên là Đảng viên chức sắc đắc cử Đại biểu Quốc hội sẽ có điều kiện tranh đấu chốn nghị trường chuẩn xác hơn theo mặc định đối với các dự án luật có liên quan đến lĩnh vực chuyên trách của mình và khi luật được ban hành sẽ có thể chỉ đạo áp dụng nhanh chóng, nhuần nhuyễn, hiệu quả tại địa phương.

Ba Yếu Điểm Bộc Lộ Từ Quốc Hội Khóa XIII

Tuy nhiên, Quốc Hội Khóa XIII đã cho thấy có sự bộc lộ các yếu điểm sau:

1- Rất nhiều Đảng viên chức sắc tại tất cả các Kỳ Họp của Quốc Hội đã buộc phải bỏ họp nhiều lần để trở về địa phương họp hành Đảng bộ, để đi công tác nước ngoài, và để chủ trì những lễ lộc hay hội nghị của ban, ngành, đoàn thể, cơ quan hành chính công quyền mà mình phụ trách, khiến Chủ Tịch Quốc Hội luôn phải nhắc nhở trong vô vọng khi kêu gọi các nghị sĩ phải chủ động thu xếp công việc ở địa phương thậm chí phải điều chỉnh lịch từ đầu năm các chuyến đi nước ngoài trùng vào thời gian các kỳ họp. Như vậy, dẫn đến thực tế là các nghị sĩ là đảng viên chức sắc có khó khăn đối với trách nhiệm rất cao và quan trọng ở địa phương khiến không bao giờ có thể dự họp 100% thời gian mà không phải trở về địa phương một số lần làm (a) hạn chế khả năng đóng góp xây dựng các dự án luật tại các buổi họp Tổ và tại nghị trường Quốc Hội, cũng như (b) gây gia tăng phí tổn nặng hơn cho ngân sách Quốc Hội, và (c) không còn thời gian để tiếp dân hầu trực tiếp xử lý các khiếu tố của dân như trường hợp của Thành phố Hồ Chí Minh

2- Mỗi khi một dự án luật được phát thảo, bản dự thảo luôn được gởi về tất cả các địa phương trên toàn quốc để lấy ý kiến của (a) các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan có liên quan; (b) các hội luật gia ở địa phương; (c) và nhân dân. Như vậy, dẫn đến thực tế là không nhất thiết phải có đảng viên chức sắc các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan – kể cả Hội Luật Gia – trong đội ngũ các nghị sĩ, như đã được chứng minh rằng có những bộ Luật vừa được ban hành đã phải đối mặt với yêu cầu tu chỉnh khẩn cấp dù việc chuẩn bị cho sự thông qua một dự án luật được tiến hành cực kỳ công phu, cực kỳ rộng khắp, và cực kỳ tốn kém.

3- Đảng quản lý tất cả các ban, ngành, doàn thể, cơ quan; trong khi Quốc Hội có những Ủy Ban chuyên trách về Luật Pháp và Tư Pháp; còn các Bộ của Chính Phủ như Bộ Tư Pháp, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, các Tổng Cục, v.v., thường “đứng mũi chịu sào” trong hình thành các dự án luật có liên quan. Như vậy, dẫn đến thực tế là không nhất thiết phải có các đảng viên chức sắc các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan – kể cả Hội Luật Gia – trong đội ngũ các nghị sĩ.

Từ ba thực tế trên, việc đề cử các đảng viên chức sắc các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan – kể cả Hội Luật Gia – ra ứng cử Đại biểu Quốc hội và một số đông các vị này đắc cử trở thành nghị sĩ sẽ là sự phí phạm nguồn nhân lực, phí phạm tài lực, phí phạm thời gian, phí phạm uy tín của Đảng, và phí phạm tính hiệu quả của tứ đại cuộc của (a) cải cách hành chính quốc gia, (b) phục vụ nhân dân hiệu quả, (c) chống tham nhũng, và (d) xây dựng phát triển kinh tế địa phương, như đã được chứng minh qua việc tồn đọng các vụ việc không thể được giải quyết thỏa đáng trong thời gian dài khiến gây bức xúc trong nhân dân địa phương có khi dẫn đến những manh động.

Quốc Hội Khóa XIV (2016-2021)

Để các quan chức địa phương có thời gian làm việc hiệu quả hơn tại địa phương; và trong trường hợp địa phương có những ứng cử viên tự do, ngoài Đảng, đáp ứng đầy đủ các quy định của luật pháp đối với ứng cử viên; người dân nên ban cho những ứng cử viên này cơ hội (a) phục vụ đất nước, nhân dân, và (b) giúp các đảng viên chức sắc địa phương có thể dành trọn thời gian phục vụ địa phương.

Một điểm son cần ghi nhận nơi các ứng viên tự do, ngoài Đảng, không làm chức sắc cơ quan công quyền là nếu đắc cử họ chấp nhận phải hy sinh tối thiểu 1/3 thời gian trong năm để công tác tại Quốc Hội đồng nghĩa với việc họ phải hy sinh thu nhập tại nơi làm việc trong thời gian được cho nghỉ việc không lương để phục vụ Quốc Hội, so với các nghị sĩ là Đảng viên chức sắc các cơ quan hành chính công quyền không những được hưởng lương và phúc lợi đầy đủ trong 1/3 thời gian mỗi năm phải ra họp Quốc Hội, mà còn được tiêu chuẩn chi phí trở về địa phương họp hành nội bộ (trong khi các nghị sĩ tự do ngoài Đảng ngoài hệ thống lãnh đạo công quyền không được hưởng tiêu chuẩn này vì nếu buộc phải xin phép về địa phương thì đó là nhu cầu thuần túy cá nhân).

Trong môi trường sinh hoạt chính trị dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, người dân sẽ bớt phần quan ngại về sự phục vụ của các nghị sĩ tự do, ngoài Đảng, không là chức sắc của hệ thống hành chính công quyền, từ đó sẽ yên tâm hơn trong quyết định về lá phiếu của mình dành cơ hội cho các ứng cử viên này được phép thay mặt nhân dân phục vụ cho quốc gia và dân tộc.

Người dân cũng có thể yên tâm hơn do các ứng cử viên tự do, ngoài Đảng, không là chức sắc của hệ thống hành chính công quyền đã được tư vấn thích hợp về những khó khăn thực tế thực sự tại Quốc Hội và tại Đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương qua 10 bài tư vấn của tôi trên blog này mà chưa từng được bất kỳ nghị sĩ nào khác nêu ra trong hàng chục Khóa Quốc Hội đã qua, để nếu quyết định vẫn ra ứng cử, sẽ có nghĩa là tất cả những khó khăn đã được giải tỏa bằng bản lĩnh, sự hiểu biết đầy đủ, và sự quyết chí vì nước vì dân của họ.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước. 21-12-2014. Bài Số 1: Ra Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/12/21/ra-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi/

Hoàng Hữu Phước. 24-12-2014. Bài Số 2: Phát Biểu Tại Nghị Trường Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/12/24/phat-bieu-tai-nghi-truong-viet-nam/

Hoàng Hữu Phước. 20-01-2015. Bài số 3: Cách Soạn Bài Phát Biểu Và Thực Hiện Việc Phát Biểu Tại Quốc Hội Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/01/20/cach-soan-bai-phat-bieu-va-thuc-hien-viec-phat-bieu-tai-quoc-hoi-viet-nam/

Hoàng Hữu Phước. 05-02-2015. Bài số 4: Những Vấn Đề Gặp Phải Trong Sinh Hoạt Đoàn Đại Biểu Quốc Hội. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/02/05/nhung-van-de-gap-phai-trong-sinh-hoat-doan-dai-bieu-quoc-hoi/

Hoàng Hữu Phước. 24-02-2015. Bài số 5: Xử Lý‎ Đơn Thư Khiếu Nại – Tố Cáo Của Người Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/02/24/xu-ly-don-thu-khieu-to-cua-nguoi-dan/

Hoàng Hữu Phước. 27-12-2015. Bài số 6: Đối Phó Với Đám Nhà Báo “Hai Mang”. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/27/doi-pho-voi-dam-nha-bao-hai-mang/

Hoàng Hữu Phước. 28-12-2015. Bài số 7: Đối Phó Với Sự Xơ Cứng Vô Cảm Của Chức Sắc Xử Lý Đơn Thư Khiếu Tố Của Người Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/28/doi-pho-voi-su-xo-cung-vo-cam-cua-chuc-sac-xu-ly-don-thu-khieu-to-cua-nguoi-dan/

Hoàng Hữu Phước. 02-01-2016. Bài số 8: Công Tác Tiếp Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/01/02/cong-tac-tiep-dan/

Hoàng Hữu Phước. 03-01-2016. Bài số 9: Công Tác Giám Sát. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/01/03/cong-tac-giam-sat-cua-nghi-si/

Hoàng Hữu Phước. 04-01-2016. Bài số 10: Công Tác Ủy Ban Quốc Hội. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/01/04/cong-tac-uy-ban-quoc-hoi/

Gạo Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

08-01-2016

 HHP_FBNC

Là người thực hiện thành công chuyến xuất khẩu gạo đầu tiên có giá trị thương mại của Việt Nam (tức nước nhập khẩu có mở tín dụng thư có bảo lãnh quốc tế, có điều tàu vào nhận hàng, giám định chất lượng xuất khẩu VINACONTROL, có hoàn tất tất cả các yêu cầu về hầm hàng, kiểm kiện, phun trùng, v.v.), tôi tích cực tham dự các hội nghị quốc tế về gạo với khát vọng góp phần biến gạo thành thương hiệu quốc gia như trong bài viết Đề xuất thêm một thương hiệu quốc gia cho Việt Nam: Việt Nam, Vựa Lúa Của Thế Giới đăng trên Emotino. Tuy nhiên, khi nhận thấy các lãnh đạo ngành gạo chỉ lo tập trung mỗi hai việc là (a) khẳng định Việt Nam sau 1975 đã xuất khẩu gạo trước khi Ông Hoàng Hữu Phước xuất khẩu gạo năm 1989, và (b) ý kiến của Ông Hoàng Hữu Phước về Việt Nam nên khẩn trương đầu tư hệ thống silo là viễn vông vì Việt Nam có thiếu gì gạo mà phải lo, tôi cảm thấy tức giận và giận dữ nên nhiều năm nay không đoái hoài đến việc có mặt tại các hội nghị ấy. Tức giận vì họ là chức sắc được chính phủ ban cho ghế lãnh đạo ngành gạo mà không phân biệt được chuyện chở gạo ra khỏi Việt Nam sang cứu trợ Cuba hay Triều Tiên hoàn toàn không phải xuất khẩu có giá trị thương mại tức theo sự ràng buộc hợp đồng giữa bên bán và bên mua có kèm các điều khoản phạt và bồi thường, lại phí thời gian chỉ để tước lấy từ tôi cái danh “người đầu tiên xuất khẩu gạo” luôn thuộc về tôi. Giận dữ vì không ai trong các chức sắc chính phủ ấy có tầm nhìn đủ xa để thấy được silo sẽ làm tăng giá trị hạt gạo chứ không phải các chiến lược do các vị ấy đề ra nhảm nhí như về cái gọi là gạo phải xây dựng thương hiệu, chất lượng gạo phải cao, cũng như không thấy được rằng sẽ có lúc Việt Nam sẽ thiếu gạo và các silo mới là hệ thống chiến lược đảm bảo nuôi sống quốc dân. Cách nay vài tháng, một vị chức sắc ngành gạo lại được tivi phỏng vấn và cũng vẫn các lãi nhãi vô dụng được lập lại trước sự tồn tại miên viễn của vấn đề cái nghèo của nông dân Việt Nam và cái giá rẻ của hạt gạo Việt Nam. Chưa kể, ngày nay Việt Nam không những phải gánh chịu hậu quả của sự ấm lên toàn cầu làm nước biển dâng cao khiến sẽ mất đi phần lớn vùng lúa gạo đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, mà còn của các đập thủy điện liên hoàn trên toàn hệ thống sông Mekong triệt tiêu hoàn toàn sự bồi đắp phù sa khiến kiệt quệ độ màu mỡ của đất đai. Điều này làm tôi nhớ lại buổi phỏng vấn tôi của Đài FBNC đầu năm 2011 nghĩa là sau vài năm bỏ hẵn các hội nghị về gạo, tôi vẫn được phóng viên tìm gặp để hỏi han về các nhận định của tôi đối với gạo Việt Nam trước các thử thách mới, mà các nội dung trả lời của tôi năm xưa ắt vẫn còn nóng hổi; song biết làm thế nào được khi người phụ trách chiến lược về gạo chẳng phải là người có kinh nghiệm về xuất khẩu gạo và tầm nhìn chiến lược, mà người lẽ ra đã có thể làm nên đại sự vì đại cuộc gạo của Việt Nam chỉ còn biết đăng lại nội dung sau để cùng chiêm nghiệm:

*********

Xuân Tân Mão 2011 Trả Lời Phỏng Vấn Đài FBNC

FBNC:  Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu gần 6,8 triệu tấn gạo, liên tiếp lập kỷ lục 2 năm liền. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo lại không bằng năm 2009. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

ThS Hoàng Hữu Phước: Nói về tổng sản lượng gạo năm 2010 thì trên thế giới thu hoạch được 452,4 triệu tấn gạo, trong đó Việt Nam đứng hàng thứ 5 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và trên Thái Lan – với Trung Quốc 140 triệu tấn, Việt Nam 25 triệu tấn, Thái Lan 20,5 triệu tấn, và M‎ỹ 7,5 triệu tấn hạng 11. Điều cần ghi nhận là hầu như năm sau sản lượng gạo thu hoạch ở các nước luôn cao hơn năm trước.

Nếu lấy giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan làm chuẩn – do Thái Lan là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới và gạo có chất lượng cao – thì chúng ta sẽ thấy giá xuất khẩu gạo FOB/tấn của họ cũng lên xuống thất thường, thí dụ như tháng 3/1981 là USD505, tháng 4/2001 chỉ có USD162.1 và tháng 5/2006 là USD301.26.

Còn theo dõi số liệu hàng tháng của 3 năm 2008, 2009, và 2010 của gạo Thái 5% tấm, chúng ta sẽ thấy biến động giá cao nhất vào hai tháng 4 và 5 của năm 2008 khi giá trên USD1000 tác động đến giá cao của các tháng còn lại của năm 2008 như USD722, USD737, USD799, và USD834, thì trong toàn bộ 12 tháng của năm 2009 giá cao nhất chỉ là USD634 trong tháng 2. Tương tự, giá bán mỗi tháng của năm 2010 thấp hơn của năm 2009, với mức cao nhất là USD598 của tháng 1.

Như vậy, có thể nói giá gạo Thái dần trở lại mức độ cao bình thường và hợp l‎ý sau thời gian khủng hoảng giá lương thực toàn cầu 2008, chứ không thể nói gạo họ mất giá trong năm 2010. Nếu trong tháng 5/2008 giá gạo 5% tấm của Việt Nam là USD1,000 so với USD1,015.21 của Thái Lan, thì đó không là mốc để nói hiện gạo Việt Nam mất giá. Khi giá gạo Thái trong tình hình trở lại bình thường như vậy, ảnh hưởng đến giá gạo Việt Nam sẽ là điều đương nhiên. Cuối qu‎ý III năm 2010 thiên tai tại các nước như Pakistan, Trung Quốc, Philippines, Úc, Nga, và một số nước khác, gây thất mùa khiến tăng nguy cơ thiếu lương thực dẫn đến sự tăng nhu cầu về dự trữ gạo và tăng giá gạo, nhưng cũng không thể tăng đến mức kỳ khủng hoảng 2008.

Nói theo chiều hướng tích cực thì khi nói về giá gạo, chúng ta không theo hướng biến thiên lên mà theo quy luật thị trường, do đó, hai điều mang tính thực tiễn là nhu cầu về gạo đã và sẽ tăng và giá gạo xuất khẩu của ta đã tốt tính trong thời điểm đã và sẽ xuất. Vấn đề duy nhất quan ngại là vì sao giá xuất của chúng ta không thể tốt hơn nữa so với giá của gạo Thái, thí dụ cùng vào thời điểm tháng 1 năm 2010, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức USD440 – USD445 trong khi gạo Thái là USD598 tức chênh nhau mỗi tấn thường là đến USD160.

 

FBNC:   Giá gạo Việt Nam nhiều năm liền vẫn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan, đôi khi không đủ bù chi phí, nông dân vẫn nghèo. Theo ông, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này là gì?

ThS Hoàng Hữu Phước: Thật ra có những thời điểm trong năm 2010 giá gạo Việt Nam bằng với gạo đồng cấp của Thái Lan, nhưng vấn nạn ở đây là trường hợp ấy là không thường xuyên. Gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn có giá thấp hơn hẳn khiến nông dân Việt Nam rất khó thoát nghèo, do năm lý do sau:

Tính chất cá thể trong sản xuất: chất lượng gạo Việt Nam không đồng đều do nông dân Việt Nam làm ăn cá thể mạnh ai nấy làm, cho nên những cánh đồng liền kề nhau lại trồng nhiều giống lúa khác nhau và hay được tư thương gộp chung vào nhau. Có người nói chất lượng gạo 5% tấm của Việt Nam ngang ngửa với gạo đồng cấp của Thái Lan. Tôi không cho đó là nhận xét nghiêm túc vì mang đầy tính định kiến dân tộc chủ nghĩa.

Vấn đề giá trị hạt gạo: Gạo thơm của Việt Nam không thể có giá cao do không có đặc tính gì nổi trội so với 9 loại gạo thơm hàng đầu thế giới như gạo thơm Arbino của Ý; bốn loại gạo thơm California, Della, Texamati, và Louisiana Pecan của Mỹ; gạo thơm Basmati của Ấn Độ; gạo thơm Jasmine của Thái Lan; và hai loại gạo thơm của Nhật là Mochi Sushi. Đã vậy, gạo thơm Việt Nam rất dễ mất hương thơm. Nghĩa là ngoài sự phó mặc cho sự phát triển các giống lúa gọi là “đặc sản” của mỗi địa phương, đã không có chiến lược phát triển cấp vĩ mô nào cho thương hiệu gạo Việt Nam, khiến gạo Việt Nam và ngay cả “gạo thơm” của Việt Nam vẫn dường như bị đồng nghĩa với gạo bình dân cho người không có thu nhập cao, hoặc phục vụ cứu trợ hay cứu đói.

Vấn nạn bảo quản sau thu hoạch: Từ vấn đề tăng giá trị hạt gạo, chúng ta thấy dẫn đến yêu cầu cao của bảo quản sau thu hoạch. Đã rất nhiều năm qua nhiều quan chức Việt Nam vẫn không cho việc xây dựng các chuỗi silo liên hoàn là việc cần làm, với lý do Việt Nam không thể thiếu gạo, vô hình trung đã tầm thường hóa vai trò tứ diện cực kỳ quan trọng của silo như (a) bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, (b) bảo quản hiệu quả lương thực sau thu hoạch, gia tăng chất lượng hàng hóa, gia tăng giá trị hạt gạo, và gia tăng uy tín thương hiệu gạo Việt Nam, (c) phát triển Tam Nông khi chủ động thu mua gạo của nông dân, không để nông dân vì không có phương tiện kho trữ mà bán tháo bán đổ cho thương lái, và (d) khống chế, kiểm soát lượng xuất để có giá bán cao nhất có thể được ra thị trường nước ngoài.

Một vấn nạn liên quan đến silo là những cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam vẫn đơn giản nghĩ rằng silo là nhà kho, trong khi silo gồm một hệ thống hiện đại có thể giúp giảm thất thu sau thu hoạch đến trên 3% nghĩa là chỉ riêng phần tránh thất thoát đã là hàng trăm triệu USD mỗi niên vụ gạo, chưa kể còn duy trì chất lượng gạo để giá bán tốt hơn. Còn “nhà kho” chỉ có thể giảm thất thoát số lượng từ 1 đến 2% chứ hoàn toàn không bảo đảm được chất lượng gạo trữ.

Tác động của chiến lược quốc gia: Thái Lan luôn có lượng tồn kho gạo khổng lồ vì chính phủ Thái Lan muốn kềm giữ giá gạo ở mức cao nhất có thể được. Nông dân Việt Nam bán ngay cho thương lái do họ gần như là những người mua sẵn sàng mua, so với các doanh nghiệp nhà nước phải có mệnh lệnh từ chính phủ và phải có được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi mới tổ chức mua trữ của nông dân.

Tư lợi cục bộ: điển hình là việc thành lập liên doanh xuất khẩu gạo với Cambodia để xuất khẩu gạo giá rẻ của Cambodia vào Việt Nam.

 

FBNC:  Theo lộ trình WTO, năm nay Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp nước ngoài vào tham gia xuất khẩu trực tiếp. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế và khó khăn gì trong trường hợp này?

ThS Hoàng Hữu Phước: Tôi nghĩ Nghị Định 109 của Chính Phủ về tổ chức kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ năm 2011 là điều tuyệt vời lẽ ra đã nên được ban hành từ nhiều năm trước như quy định doanh nghiệp phải có kho chứa tối thiểu 5000 tấn gạo, có thiết bị xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ, và có trữ lượng gạo tương đương 10% tổng số lượng gạo đã xuất trong 6 tháng trước đó để đáp ứng hoạt động xuất gạo tiếp theo, v.v., để không vướng phải tất cả những vấn đề và vấn nạn tôi đã vừa nêu, và nếu vậy thì vào thời điểm thực thi các cam kết WTO về mở cửa thị trường xuất khẩu gạo như hiện nay thì chúng ta lẽ ra đã có các doanh nghiệp tầm cỡ để kinh doanh xuất nhập khẩu gạo ngang sức với các doanh nghiệp nước ngoài. Do trễ nên tất nhiên các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo sẽ có các bất lợi về vốn tiền có thể không đủ mạnh để đầu tư vào hệ thống silo / kho chứa và trang thiết bị, còn vốn thời gian thì không khác các doanh nghiệp nước ngoài vì tất cả đều ở vạch xuất phát đối với yêu cầu silo/kho chứa và trang thiết bị.

Nhưng các quan chức cũng đã nêu nhiều về những thuận lợi và khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo khi Việt Nam mở cửa thị trường xuất khẩu gạo. Theo tôi, bất kỳ ai, dù là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, xuất khẩu được nhiều gạo Việt Nam với giá tốt nhất cũng là làm lợi cho Việt Nam, làm giàu cho Việt Nam, có đóng thuế cho Việt Nam, nên tôi xin công bằng mà lái câu hỏi của Cô sang một đối tượng khác, đó là nông dân, những người đã luôn chịu thiệt thòi ngay từ khi Việt Nam xuất khẩu lô gạo đầu tiên có giá trị thương mại cách nay 22 năm, để xem với việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo này họ sẽ có thuận lợi gì và khó khăn gì.

Tôi nghĩ người nông dân chỉ có lợi mà không có khó khăn nào phải đương đầu cả, vì rằng do các doanh nghiệp phải có lượng trữ theo quy định, người nông dân có thể bán gạo tốt hơn với giá tốt hơn theo sự lựa chọn tốt hơn của họ, thậm chí họ còn có thể nhận các khoản tạm ứng từ các doanh nghiệp muốn tạo thế cạnh tranh về nguồn cung ứng gạo; và thậm chí yêu cầu gắt gao của doanh nghiệp xuất khẩu – nhất là của nước ngoài – đối với quy trình canh tác, bón phân, thu hoạch, v.v. cũng là điều hoàn toàn có lợi cho người nông dân chân chính vì giúp họ vừa nhận thức được giá trị hạt gạo thương mại vừa có được kỹ năng quản lý canh tác nông nghiệp chuyên nghiệp có thể giúp họ nhanh chóng trở thành các nông chủ, tiền đề cho tầng lớp phú nông quyết định sự thành công của sự nghiệp phát triển Tam Nông.

*******HHP Rice Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Âm Mưu Thế Giới Đại Chiến III

Hoàng Hữu Phước, MIB

07-01-2016

Trong một bài viết trước, tôi ghi rằng có một việc Nga nên làm nhưng đã không thực hiện đó là khai hỏa từ các hạm đội Biển Caspian, Hắc Hải và Địa Trung Hải các hỏa tiễn hành trình Sizzler ồ ạt tấn công tiêu diệt tất cả các căn cứ quân sự trên đất của Thổ Nhĩ Kỳ. Nên làm để trừng trị một tên giặc cỏ đã hèn nhát cho hai chiến đấu cơ F16 bắn hạ một máy bay ném bom SU24 của Nga với lý do xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 17 giây, trong khi trên thực tế thì SU của Nga bị bắn rơi trên lãnh thổ Syria còn trong thực hành quốc tế thì thời gian 17 giây nếu có chỉ sẽ khiến phi cơ vi phạm đối mặt với việc các chiến đầu cơ nước chủ nhà sẽ áp sát để áp tải hộ tống dẫn đường trở lại hành lang đường bay chính của nó, nhất là khi hai bên không đang trong một cuộc chiến tranh với nhau có tuyên bố. Không thực hiện vì Nga không muốn vì việc nhỏ “giết ruồi” (trừng trị Thổ Nhĩ Kỳ) mà sập bẫy Thổ Nhĩ Kỳ cho một Đệ Tam Thế Chiến mà kẻ chiến thắng cuối cùng của nhân loại là “bạn chí cốt” của Thổ Nhĩ Kỳ tức IS.

Ngược dòng lịch sử, nhận thấy Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu Eo Biển Bosphorus (dài 30km, rộng 4500m, sâu 200m) và Eo Biển Dardanelles (dài 68km) thông Hắc Hải ra Biển Marmara và Biển Aegean để vào Địa Trung Hải, có thể phong tỏa giam cầm hạm đội Hắc Hải của Liên Xô không thể tung hoành thế giới, NATO đã kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào tổ chức này năm 1952. Thế nhưng Nga vẫn có thể sử dụng Bosphorus và Dardanelles như tuyến thông thương hàng hải cho cả các chiến hạm do trước đó đã có Hiệp Ước Montreux ký tại Montreux, Thụy Sĩ, ngày 20-7-1936 giữa 10 nước gồm Vua Bulgary, Tổng Thống Pháp, Vua Anh, Hoàng Đế Ấn Độ, Vua Hellenes, Hoàng Đế Nhật, Vua Romania, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô, và Vua Nam Tư; trong khi đó Hiệp Ước Montreux lại giới hạn các chiến hạm các nước không thuộc vùng Hắc Hải được vào Hắc Hải khiến các chiến hạm Mỹ phải mang danh nghĩa như cứu trợ nhân đạo Ukraine để tiến từ Địa Trung Hải vào Hắc Hải dưới sự giám sát của hạm đội Liên Xô, nay là Nga. Hiệp ước cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa Bosphorus và Dardanelles chỉ trong trường hợp có xảy ra chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ.

 Turkey (2)

Việc Thổ Nhĩ Kỳ như con ngựa thành Troy chui được vào NATO ẩn mình hơn 60 năm qua để rồi ra tay bắn hạ SU24 của Nga đã khiến NATO bị lúng túng trước thực tế là Điều Khoản Số 5 của Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương đã bị lạm dụng, theo đó bất kỳ một nước thành viên nào của NATO bị tấn công vũ trang thì xem như cả khối NATO bị tấn công và toàn khối sẽ ra tay bảo vệ nước thành viên đó – tất nhiên Hiệp Ước đã không quy định NATO sẽ xử trí ra sao nếu một nước thành viên NATO tấn công vũ trang một nước không phải thành viên NATO và bị nước ấy đánh trả đũa. Thổ Nhĩ Kỳ đã như một tên lưu manh đột kích Nga theo mô thức Win-Win mà chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng: hoặc (a) Nga không dám đánh trả Thổ Nhĩ Kỳ trong khi sự lấn cấn giữa NATO và Nga đối với hành động gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ khiến Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng trong việc giải nguy cho IS đang bị Nga không kích gây thiệt hại lớn, hoặc (b) Nga đánh trả Thổ Nhĩ Kỳ buộc NATO phải ra tay theo Điều 5 của Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương đồng loạt tấn công Nga khiến gây nên Đệ Tam Thế Chiến và Thổ Nhĩ Kỳ chiến thắng trong việc tiêu diệt toàn bộ Mỹ, Âu, và Nga để IS thống trị toàn cầu.

Ngoài việc làm NATO bối rối, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm vài quốc gia thành viên NATO khác bị liên lụy khi trong nội tình các nước NATO đã xuất hiện dư luận hồ nghi những con ngựa thành Troy khác như Estonia và ngay cả Ba Lan mà NATO đã quá nhanh nhảu kết nạp hầu đối phó với Liên Xô và Nga, không biết khi nào sẽ lại gây ra sự cố đẩy NATO và nhân loại vào Thế Giới Đại Chiến III.

Truyền thông phương Tây đã cho rằng sau hơn 60 năm gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành gánh nặng cho Mỹ và Phương Tây vì (a) Liên Xô đã không còn hơn một phần tư thế kỷ nay nên không còn cơ sở cho một sự đe dọa mang tính ý thức hệ cộng sản để phải cần đến sự ngăn chặn của Thổ Nhĩ Kỳ không cho thế giới Ả Rập bị tràn ngập bởi chủ nghĩa ấy, (b) Trung Đông trở thành lò lửa chiến tranh chứ không được như kỳ vọng của NATO biến vùng này thành thành lũy chống sự Nam Tiến của Liên Xô với sự tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ, (c) nhà nước thế tục Ataturk mà NATO kỳ vọng đã sụp đổ từ lâu trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hiện đang dần dần thiết lập một nhà nước ngày càng thiên về Hồi Giáo cực đoan hơn, (d) sự chia sẻ hòa hợp các giá trị văn hóa giữa các nước thành viên NATO với Thổ Nhĩ Kỳ như từng được lý tưởng hóa ban đầu đã hoàn toàn biến mất, (e) các vi phạm nhân quyền trầm trọng kéo dài có hệ thống của Thổ Nhĩ Kỳ đã khó thể tiếp tục ghi tên Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng ngũ các quốc gia mang danh tự do, và (f) Hiệp Ước Montreaux đã giúp hải quân Nga không bị giam hảm trong Hắc Hải trước cửa ngõ Bosphorus. Thậm chí người ta còn đặt lại vấn đề tại sao NATO lại kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia không dính dáng gì về địa lý với vùng Bắc Đại Tây Dương, chưa kể 40 năm trước khi gia nhập NATO thì Thổ Nhĩ Kỳ đã khét tiếng với các tội ác diệt chủng trong đó có vụ giết 1 triệu rưỡi người Armenia.

Như kẻ thèm khát đẩy nhân loại đến bờ vực một cuộc thế chiến tàn khốc để đưa Hồi giáo cực đoan lên ngôi bá chủ hoàn cầu, Thổ Nhĩ Kỳ đã một mặt giúp IS, một mặt gây hấn với Nga với hy vọng Nga sẽ đánh trả. Tất nhiên, NATO đã giữ thể diện bằng cách lập lại Điều Khoản số 5 của Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương khi trấn an Thổ Nhĩ Kỳ lúc Thổ Nhĩ Kỳ cầu cứu NATO sau khi bắn rơi xong SU24 của Nga. Nhưng chính Thổ Nhĩ Kỳ đã tự gây khó cho mình khi (a) làm Mỹ phải rút một phi đội chiến đấu cơ ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, (b) sự tồn tại của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO đã trở thành vấn đề lớn sau hơn 60 năm gia nhập, và (c) sự kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU mà Thổ Nhĩ Kỳ đã cất công theo đuổi nhiều chục năm qua sẽ bị ách lại.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Việt Nam Hưởng Lợi Từ Lịnh Cấm Vận Của Hoa Kỳ

Ngô Diệu Kế

Hoàng Hữu Phước, MIB

06-01-2016

Khi Việt Nam thay trời hành đạo đem đại binh đánh đuổi quân xâm lược Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và truy bức truy đuổi truy sát Khmer Đỏ đến tận thủ đô Phnom Penh đến tận cùng biên giới Campuchia với nước khác, tiêu diệt con quái thú ghê tởm điên loạn Khmer Đỏ do Trung Quốc dưỡng nuôi, trong khi toàn thế giới Âu Mỹ lặng thinh chiêm ngưỡng dân tộc Campuchia bị diệt vong chỉ vì Khmer Đỏ có đại công đánh phá Việt Nam, thì Mỹ lập tức nguyền rủa Việt Nam xâm lược Campuchia rồi áp đặt lịnh cấm vận kinh tế chống Việt Nam.

Cấm vận kinh tế nghĩa là mọi giao dịch giữa Việt Nam và các nước hoặc giữa các nước với Việt Nam nếu được tiến hành trên cơ sở thanh toán bằng đồng Mỹ Kim (tức USD) sẽ bị Mỹ tịch thu, và không bất kỳ việc mua bán nguyên vật liệu chiến lược nào được phép thực hiện với Việt Nam. Giống như khi một công ty lớn tuyên bố phá sản thì đây sẽ là tin mừng trọng đại của các nhà tư bản vì chỉ có vậy họ mới có thể mua được công ty ấy (tất nhiên không bao giờ với giá rẻ hơn mà chỉ vì nếu không có vụ phá sản thì họ sẽ không bao giờ mua được dù thòm thèm sở hữu từ lâu), việc Việt Nam bị Mỹ cấm vận trở thành cơ hội kinh doanh bằng vàng của các nhà đại tư bản không-phải-Mỹ để làm giàu trước sự bực tức của các nhà đại tư bản Mỹ. Thế là các nước quây quần quanh Việt Nam để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp của Việt Nam trên cơ sở thanh toán bằng dồng Bảng Anh, đồng Đức Mã, đồng Yên Nhật, và đồng Franc Pháp hay Thụy Sĩ. Thậm chí khi tôi ở Công ty CIMMCO International Ấn Độ còn có thể nhận các thanh toán chuyển khoản bằng đồng Mỹ Kim từ Việt Nam trả thanh toán cho CIMMCO (do đã xây dựng các nhà máy ở Việt Nam) thông qua một đại ngân hàng Tây Âu (tôi xin được dấu tên) hoạt động ở Singapore. Thế là hàng hóa Nhật, thiết bị Mỹ, phụ tùng Mỹ, nguyên liệu vật tư từ các nước Tây Âu vẫn tiếp tục tràn về Việt Nam và Việt Nam vẫn có thể thanh toán bằng đồng Mỹ Kim mà chưa từng có số tiền nào bị Mỹ tịch thu cả.

 CIMMCO 1

Trước khi làm việc tại CIMMCO International, tôi có phụ trách văn phòng đại diện TICO Ltd của Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên tôi không chịu tiếp tay mà đứng ra tố cáo lãnh đạo trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh gian lận thi cử tuyển sinh nên bị đình chỉ giảng dạy, bị hạ tầng công tác làm nhân viên tạp vụ quét dọn phòng thính thị, rồi bị tống qua làm giáo viên Khoa Sử để mai sau biết đâu được gọi là nhà sử học, nên buộc phải làm đơn xin thôi việc nếu không muốn tiếp tục bị chuyển qua dạy Toán-Lý-Hóa-Sinh là những khoa tôi chẳng thuộc lòng bảng cửu chương để dạy dỗ gì được, hoặc bị chuyển qua dạy thể dục thể thao cho bộ môn đua xe thể thức 1 hoặc thể dục nhịp điệu aerobics (việc này có vợ tôi và các sinh viên của tôi làm nhân chứng). Tuy nhiên, tôi vẫn là giáo viên “đắt show” tại các trung tâm ngoại ngữ nên mỗi tối vẫn đi dạy Anh Văn như thường. Lúc ấy tôi gặp anh Ngô Diệu Kế, tiến sĩ Việt Kiều Nhật.

Ngô Diệu Kế là du học sinh của Việt Nam Cộng Hòa tại Nhật Bản, hoạt động Việt Kiều Yêu Nước, thường xuyên tham gia xuống đường trước Đại Sứ Quán Việt Nam Cộng Hòa và Đại Sứ Quán Mỹ ở Tokyo để cắn tay lấy máu viết huyết thư chống Mỹ và chống Thiệu. Chiến tranh đã làm gia đình anh ở Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt vì anh ruột của anh là Ngô Thiết Thạch, thứ trưởng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Sau 30-4-1975, anh làm việc cho Hitachi và chế tạo ra sợi cáp quang (optic fiber cable), thứ nguyên vật liệu mà lúc còn những 20 năm mới hết Thế Kỷ XX thì thế giới đã đặt tên cho nó là thứ nguyên vật liệu của Thế Kỷ XXI. Nắm bắt được thời cơ kinh doanh, anh lập công ty TICO Ltd (công ty công nghệ quốc tế trách nhiệm hữu hạn) và về Việt Nam xin mở văn phòng đại diện lúc Việt Nam chưa có Luật Đầu Tư và Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân. Sau khi tìm kiếm khắp nơi không ra người quản lý cho sự nghiệp của mình tại Việt Nam dù đã tiếp cận các giảng viên đại học hay các chuyên viên xuất nhập khẩu của các cơ quan xí nghiệp công ty nhà nước, anh đến các lớp đêm ở các trung tâm ngoại ngữ để đứng trong bóng tối ngoài các cửa sổ ngắm nhìn các giáo viên đang giảng dạy, và anh đã mời tôi khi tôi dắt chiếc xe đạp mini ra cổng định phóng đến trung tâm khác để đón vợ tôi. Công việc của tôi tại TICO Ltd (đường Hùng Vương, Quận 5) chủ yếu là thực hiện các giao dịch về xây dựng các nhà máy công nghiệp nhỏ theo mô thức chìa-khóa-trao-tay, đưa các đoàn khoa học gia Nhật Bản thăm các cơ sở giống-cây-trồng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt, ký kết các hợp đồng với các tổng công ty xuất nhập khẩu các tỉnh thành để nhập khẩu với số lượng rất lớn và thường xuyên hàng hóa Nhật Bản như radio-casette, tivi, xe máy second-hand (đã qua sử dụng), ô-tô mới, ô-tô second-hand, và ô-tô tay lái nghịch. Đặc biệt xe máy Honda second-hand thì chất nhiều ngàn chiếc tại các kho nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh (các Việt Kiều ở Mỹ thanh toán tiền cho TICO Ltd Nhật Bản để TICO Ltd gởi vận đơn và hóa đơn về tôi ở TICO Ltd Việt Nam, còn thân nhân của các Việt Kiều sẽ từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đến nhận để nhận xe đúng số sườn và số máy ghi trên vận đơn tại các kho). Công việc rất đang thuận lợi thì tôi bỏ việc do một ông anh khác của Ngô Diệu Kế là Ngô Văn Phương, chức sắc của cái gọi là Công Ty Dịch Vụ Kiều Hối Và Xuất Khẩu Tại Chỗ Thành phố Hồ Chí Minh, cứ đến đưa tôi các hóa đơn yêu cầu tôi ký thanh toán cho các buổi yến tiệc do ông ta tự tổ chức chiêu đãi các quan chức thành phố, cùng các thứ như vợt tennis và trang phục với giày Adidas mua tặng các đại quan, v.v., và khi tôi dứt khoát từ chối do ông ta chẳng giữ chức vụ gì trong TICO Ltd và cũng chẳng đảm trách việc xài tiền như nước vô tội vạ, ông ta rống lên rằng đó là công ty và tiền của em trai ông ta mà ông ta đã có công gởi qua Nhật học tập trước 1975 nên ông ta có quyền đòi hỏi đáp đền. Thế là tôi đập bàn mắng ông ấy một trận rồi viết thư, đến Hội Việt Kiều ở Nguyễn Đình Chiểu nhờ gởi telex sang cho Tiến sĩ Ngô Diệu Kế báo tin thôi việc và lý do thôi việc. Sau đó, tôi được mời về CIMMCO International như đã nói ở trên.

 TICO1

Sự tường thuật dông dài ở trên nhằm nói lên sự thật rằng cuộc cấm vận của Hoa Kỳ đã giúp cho thế giới bu vào Việt Nam hoạt động kinh doanh sôi nổi, cho Việt Nam vay tiền bằng đồng bạc của nước họ, và cho Việt Nam các khoản vay không hoàn lại, kể cả thanh toán chậm trả, vì nếu không có cấm vận của Mỹ thì chính Việt Nam phải cất công tự tìm đến các chủ hàng một cách không chút dễ dàng gì. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên có mặt hàng chiến lược của Thế Kỷ XXI: sợi cáp quang, trong khi các con tiểu long tiểu hổ của Đông Nam Á và các nước Âu Mỹ không thể có được (không vì không có tiền mà vì đã đầu tư quá lớn cho hệ thống viễn thông, cung cấp dịch vụ cho dân với giá hạ, khiến thậm chí chỉ thu hồi hòa vốn sau những 90 năm, nên không thể nào đập bỏ tất cả để xây mới trạm và hệ thống dây cáp mới. Lịnh cấm vận của Mỹ không hiệu lực đối với sợi cáp quang vì không phải Nhật Bản bán cho Việt Nam mà do chủ nhân tác quyền của sợi cáp quang là Ngô Diệu Kế quyết định cung cấp, nghĩa là nếu Mỹ cấm chuyển giao sợi cáp quang cho Việt Nam thì Ngô Diệu Kế sẽ không cho phép Hitachi bán cho Mỹ sản phẩm ấy. Đây là lý do ngay từ thời cấm vận, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống viễn thông hiện đại tiên tiến của mình để phục vụ an ninh quốc phòng. Chưa kể, do cấm vận dài lâu nên khi cấm vận bị bãi bỏ, Việt Nam tiếp cận với toàn công nghệ tiên tiến tối tân do công nghệ kỹ thuật thế giới đã tiến nhanh hơn vũ bão trong ngần ấy năm cấm vận của Hoa Kỳ.

Cuối cùng, song không kém phần quan trọng, là cuộc cấm vận của Hoa Kỳ chống Việt Nam đã trở thành bài toán khó để các nhà quản trị cộng sản trổ tài về kinh tế như bằng chứng hiển nhiên qua mức lạm phát những ba con số (nhiều trăm phần trăm) được kéo xuống còn một con số (vài phần trăm), tự động biến cộng sản Việt Nam thành những nhà kinh tế thành công dù thế giới phải giữ thể diện bằng cách không công nhận nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; chưa kể cuối cùng thì Âu Mỹ cũng buộc phải tổ chức cái gọi là Tòa Án Quốc Tế Xử Tội Ác Diệt Chủng Của Khmer Đỏ, tự động biến Việt Nam xâm lược thành Việt Nam nghĩa hiệp dù thế giới chẳng dám ghi công trạng hiển hách này so với các đoàn quân “thánh chiến” Crusades nhớp nhơ bẩn thỉu của Châu Âu bao phen xâm lược Constantinople của thế giới Hồi Giáo để cướp bóc, hãm hiếp, và bắt nô lệ.

Mỹ và EU đang cấm vận Nga mà không biết rằng cấm vận không còn là thứ vũ khí trị trừng thiên hạ mà chỉ còn là chiếc mặt nạ nhằm đậy che sự mất thể diện quốc gia. Thậm chí một nước “hề” như Ukraine cũng tuyên bố “cấm vận” Nga do bị lây bịnh của Mỹ và EU hoặc do không biết mình chỉ là “hề”. Nga bị cấm vận nghĩa là cơ hội quý hơn vàng sẽ thuộc về các nước không phải là Mỹ và EU. Chưa kể Mỹ đang tạo đà cho đồng “Nhân Dân Tệ” của Trung Quốc không những trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi trên thị trường tài chính tiền tệ quốc tế mà còn trở thành nguồn dự trữ chiến lược của nhiều quốc gia như Nga, vì rằng núi tiền USD trong quỹ dự trữ của những nước này sẽ lâm nguy nếu Mỹ dỡ trò cấm vận. Giỏ tiền của các quốc gia “cứng đầu” sẽ đa dạng, khiến đồng Mỹ Kim mất dần ưu thế trị vì độc tôn cố hữu.

Mỹ đang ngập ngụa trong bế tắc. Và câu chuyện trên về Tiến sĩ Ngô Diệu Kế chỉ là một trong những điều cho thấy vòng vây cấm vận của Hoa Kỳ đã bị xuyên thủng ra sao bởi không những các Việt Kiều Yêu Nước mà còn của các nước tư bản, đặc biệt là những nước thuộc Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á SEATO (cách gọi của Việt Nam Cộng Hòa, cũng như cái tên Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương NATO) do Mỹ dựng nên (để ngăn chặn đà tiến xâm lược của cộng sản Việt Nam ra toàn khu vực) đã tự động biến mất không kèn không trống ngay khi đoàn xe tăng T54 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, để rồi những nước này chụp cơ hội cấm vận để “làm ăn” với Việt Nam, nhờ đó trở thành những tiểu long tiểu hổ tự xây dựng nên cái đế chế ASEAN (mà người Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại ắt gọi là … Tổ Chức Liên Minh Mần Ăn Đông Nam Á) mới toanh để thịnh trọng mời ân nhân Việt Nam vào cùng ngự trị mà không cần xin phép Hoa Kỳ.

Cấm vận đúng là cách để minh họa cho sự cắt nghĩa (tức giải nghĩa, hoặc cắt cái nghĩa ra làm đôi) của từ nguy cơ, trong cái nguy có cả cái hội may vậy.

Mỹ xem cấm vận chống nước này nước nọ là một diệu kế.

Mỹ đã chưa từng nhận ra rằng Việt Nam do có excellent sense of humor nên cũng xem sự cấm vận của Hoa Kỳ áp đặt chống Việt Nam là một diệu kế.

 CIMMCO 2

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước. 30-11-2015. Excellent Sense of Humor – Thế Nào Là Khôi Hài. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/11/30/the-nao-la-khoi-hai-nguoi-viet-chua-hieu-ve-sense-of-humor/

Hoàng Hữu Phước. 09-12-2015. Đám Cưới. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/09/dam-cuoi/

Hoàng Hữu Phước. 01-2016. Tôi Ủng Hộ Donald Trump.  https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/01/01/toi-ung-ho-donald-trump/

Sự Mất Dạy Của Một Tên Ngoại Giao Đức

Em gái tôi và Helmut Kohl, Tôi và Sigurd Schmitt

Hoàng Hữu Phước, MIB

05-01-2016

ái Nghe đâu có một thằng Đức phụ trách cái gọi là “nhân quyền” ở Đại Sứ Quán Đức lên tiếng yêu cầu Việt Nam phải thả ngay một ai đó là công dân Việt Nam bị bắt theo các quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam.

Thằng ngoại giao Đức mất dạy này làm tôi nhớ đến hai người Đức đàng hoàng và một Tổng Lãnh Sự Quán Đức bầy hầy chẳng ra chi ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyên em gái út của tôi trở thành giảng viên Đức Ngữ của trường đại học mà tiền thân là Đại Học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh khi chỉ mới học năm thứ hai do năng khiếu ngoại ngữ của em ấy. Là sinh viên, nhưng khi nghe tin bọn quốc xã đầu trọc kỳ thị chủng tộc ở Đức đã ra tay sát hại và đánh đập một số Việt Kiều, em tôi đã gởi thư cho Thủ Tướng Đức là Helmut Kohl để lên tiếng phản đối, yêu cầu Ông là Thủ Tướng một nước từng là cái nôi của nền triết học tư duy toàn nhân loại không được để cho những việc tồi tệ phi nhân như thế xảy ra và phải bảo vệ các công dân nhập cư trong đó có cộng đồng người Việt. Sau đó, Tổng Lảnh Sự Quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm đến ngôi nhà nhỏ cũ kỹ của Ba Má tôi ở Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, để trao “công hàm…cá nhân”. Đó là thư tay của Thủ Tướng Helmut Kohl, mà do em tôi giữ như báu vật trong tàng thư cá nhân nên tôi không thể có bản chụp để post lên đây hầu chứng tỏ tất cả những gì tôi nói đều là sự thật. Trong thư, Ông nói Ông không thể tưởng tượng rằng có thể nhận được một bức thư được viết bằng tiếng Đức tuyệt hảo như thế từ một người nước ngoài, rằng người nước ngoài ấy chỉ là một nữ sinh viên Đức Ngữ, rằng người nữ sinh viên ấy làm Ông xúc động vì lòng yêu giống nòi dân tộc của Cô dù Ông biết rằng những người Đức gốc Việt bị đánh đạp dã man đó chẳng ai ưa thích gì đất nước Việt Nam của Cô, rằng Ông cảm kích trước đánh giá cao của Cô đối với kho tàng trí tuệ của dân tộc Đức, và rằng Ông đã lịnh cho Đại Sứ Quán Đức ở Hà Nội phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của em gái út của tôi, kể cả khi đó là yêu cầu sang Đức thăm Ông. Và khi Thủ Tướng Helmut Kohl sang thăm Thành phố Hồ Chí Minh, em gái tôi nhận được thư mời dự yến tiệc tại New World Hotel, trở thành “dân đen” duy nhất tại bửa tiệc chỉ có các quan chức Bộ Ngoại Giao và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Hôm đó, tôi chở em tôi bằng xe hai bánh và phải ngừng lại do cảnh sát chận đường toàn khu vực trong công tác bảo vệ yếu nhân, nên em tôi phải đi bộ một đoạn đường Lê Lai dài để đến New World Hotel vốn là nơi duy nhất đẳng cấp 5 sao vào thời điểm đó. Đây là sự việc mà báo chí hoàn toàn không biết đến. Cũng như việc tôi được nhà giáo lừng danh Nguyễn Quang Tô của Việt Nam Cộng Hòa viết khen tặng hai chữ đức tài mà tôi giữ kỹ như báu vật, chỉ khi bị bọn mất dạy tấn công bôi nhọ trên mạng, tôi mới buộc lòng phải trưng ra trên blog, nay trước sự mất dạy của thằng Đức ở Đại Sứ Quán Đức tôi mới phải kể lại chuyện này của em gái tôi. Nếu Đại Sứ Đức có ngờ vực về tính chính xác của thông tin trên, hãy kiểm tra lại tàng thư của Đại Sứ Quán để kiếm tìm “công hàm cá nhân” ấy của Thủ Tướng Helmut Kohl để biết thế nào là lễ độ, ngưng ngay mấy cái việc bá láp cứ như thể Đức là cường quốc muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam thì cứ việc có cái quyền đó vậy!

Ngoài ra, các nhân viên Đại Sứ Quán Đức tại Việt Nam nếu có khả năng Đức Ngữ tốt, hãy dịch bài sau đây ra tiếng Đức cho các quan chức Đại Sứ Quán biết là tôi, anh ruột của cô gái mà Helmut Kohl viết thư cảm ơn, đã từng mắng Tổng Lãnh Sự Quán Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh ra sao.

Thêm Một Câu Chuyện Có Thật: Nhà Đầu Tư Tài Chính Sigurd Schmitt Tại Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

Năm 1999 lúc đang làm giám đốc điều hành một công ty Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi hay đến Oasis Bar ở Super Bowl gần Sân bay Tân Sơn Nhất nhâm nhi thứ rượu tôi thích nhất trên đời là Vodka Nga với mấy doanh nhân Tây Âu (chủ nhân bar là một người Ý có chiếc bụng chứa đầy rượu bia). Tại đấy, tôi tình cờ quen Tiến Sĩ Sigurd Schmitt, người Đức, 66 tuổi, là giám đốc một công ty chứng khoán tại Thái Lan, có nhà và văn phòng tại số 337bis/12 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh (nay không rõ ở đâu, sau khi khu vực này được mở rộng theo đường Cộng Hòa quận Tân Bình). Và câu chuyện thương tâm có thật về Sigurd Schmitt, người không gặp đúng thời cơ, như sau.

Sigurd cô đơn vò võ một mình trên trái đất này, không còn ai thân thích. Đầu những năm 1990 nghe tin Việt Nam bắt đầu xây dựng thị trường chứng khoán, Sigurd vội vàng bán công ty của mình ở Bang Kok và vào Việt Nam, muốn trở thành nhà tài chính đầu tiên ngự trị thị trường chứng khoán tại đây với sự lão luyện, tinh tường, kinh nghiệm, và quá trình kinh doanh tài chính thành công ở Thái Lan. Ông đã cầu kỳ xây nhà tại địa chỉ trên với tất cả trang thiết bị hiện đại nhất mà thời ấy người Việt chỉ có thể thấy trên phim ảnh Holywood mà thôi. Lúc trên xe ô-tô đón tôi về nhà Ông dùng bửa tối, Ông dùng remote control từ ngoài đầu ngõ để mở cửa garage! Trong nhà Ông, mọi thứ đều bình thường, lạnh lùng, đơn điệu, không góc cạnh phá cách hay hoa văn, nhưng thật ngạc nhiên khi qua hồ sơ giao hàng kèm bản vẽ thiết kế, tôi tá hỏa tam tinh biết rằng chiếc ghế gỗ trông rất bình thường này là của một công ty tầm cỡ của Ý chế tác với giá CIF HCMC là 12.700 USD, chiếc bàn ăn nhỏ cũng bình thường nọ là của Tây Ban Nha với giá rẻ mạt 8.000 USD, còn toàn bộ gạch ống xây nhà được chở qua từ …Pháp, vân vân và vân vân. Sigurd cho tôi xem hồ sơ shipment của vật liệu và trang bị toàn ngôi nhà vì Ông đang kỳ vọng tôi, một … “đại gia” (thủa ấy chưa xuất hiện “đại gia” nào cả, trừ mấy tay khét tiếng bịp bợm kiểu Nước Hoa Thanh Hương) có uy tín rất cao trong giới doanh nhân tư bản thời ấy có thể mua lại hoặc giúp bán căn nhà xịn ấy của Ông. Cần nói thêm là Sigurd khi vào Việt Nam mua nhà và xây nhà đã nhờ một người Việt Nam ở Phan Rang đứng tên làm chủ.

Thế nhưng cuộc đời có những khúc quanh không phải lúc nào cũng cho thấy những cảnh tươi tắn xinh đẹp và rực rỡ hơn, và tia sáng cuối đường hầm có khi là bầu trời bao la xanh đẹp nhưng chỗ đứng của người bước ra từ đường hầm tăm tối lại là vực sâu muôn trượng, không cây cối, không dây leo, và người ấy chỉ còn lão đão trên mép vực trơn trợt rêu phủ phong sương không còn đuờng quay lại rồi rơi xuống vực thẳm của ngàn đời hư mất. Thị trường chứng khoán tại Việt Nam sau nhiều năm vẫn chưa thấy hình thành. Ông ăn dần vào tài sản đang có. Và nhiều cô gái chân dài (kể cả chân không dài chút nào) cũng giúp Ông thanh lý nhanh gọn cái tài sản kếch sù của Ông, để rồi khi gặp tôi, Ông chỉ còn căn nhà, đồ đạc, chiếc ô-tô, và sự đau yếu triền miên, với nợ nần bủa giăng tứ phía. Tôi phải dùng các mối quan hệ thân quen ra sức liên hệ với cộng đồng Việt Kiều ở San Jose, California, để nhờ đăng báo giới thiệu cho Ông bán nhà lấy tiền trả nợ về Đức chữa bệnh (Ông hút thuốc nhiều quá nên hầu như các huyết khối hiện diện khắp nơi, chẽn tắt sự lưu thông của máu, và Bác Sĩ Ngươn, Trưởng Khoa Thần Kinh Bệnh Viện Chợ Rẫy, nhân vật có tên trong bài Nhân Tài Y Khoa Miền Nam, cho tôi biết trong cuộc giải phẩu lần thứ tám đã phải luồn cắt một mạch máu hai bên hông của Sigurd để kéo nối xuống đầu gối vì đoạn chính giữa nghẹt cứng không còn lưu thông máu được để nuôi đôi chân).

Tôi cũng vì bản tính anh hùng Hoàng Ngọc Ẩn (nhân vật trong tiểu thuyết Châu Về Hợp Phố của Phú Đức, thời Việt Nam Cộng Hòa) muốn cứu Ông mà tìm đến một nữ tỷ phú ở đường Kỳ Đồng, Quận 3, TP.HCM, để dùng tài hùng biện cùng tính cách có nơi Phan An-Tống Ngọc của thời trung đại Trung Hoa lay động trái tim cứng rắn của người phụ nữ 40 tuổi ấy, cuối cùng trở nên nhân hậu đồng ý đình lại việc khởi kiện, cho Sigurd có thời gian 3 tháng bán nhà. Trở về nhà mệt nhoài vì công việc và vì buổi tối trò chuyện quá lâu với nữ tỷ phú địa ốc này, tôi lại nhận phone của anh Nhi là tài xế của Sigurd báo tin vừa chở Sigurd trở lại Chợ Rẫy và Sigurd đang thều thào muốn gặp tôi để giao phó chuyện cơ mật. Vì đã bao lần vào bệnh viện thăm Sigurd, tôi quá quen thuộc với bệnh tình của Sigurd (cấp cứu rồi ra viện chứ chẳng thể nặng hơn) nên bảo Nhi là ngày mai tôi sẽ đến. Nhưng vào lúc nửa đêm, Nhi phone báo tin Sigurd đã mất. Tôi vội đi taxi đến ngay nhà xác bệnh viện Chợ Rẫy trên đường Thuận Kiều. Nhìn hai nhân viên trung thành là Nhi và cô thư ký khóc lóc hôn lên gương mặt người chết giá lạnh trắng bệt hốc hác trong hộc tủ đựng xác, tôi vừa thấy rùng mình vừa thương cảm. Tôi gởi hai người một số tiền để họ xoay sở sống tạm trong thời gian vài tháng mất việc sắp tới, và một số tiền khác lo tống táng ma chay hoả thiêu cho Sigurd. Tôi không quên chi tiền cho người quản lý nhà xác, căn dặn Ông phải nhang đèn hoa quả giấy tiền vàng bạc cung phụng đầy đủ cho người quá cố, rồi ra về. Tôi phone ngay trong đêm đến Tổng Lãnh Sự Quán Đức nhưng không ai bắt máy (tất nhiên rồi), còn thư thoại thì xổ một tràng tiếng Đức. Tôi phải viết thông tin bằng tiếng Anh (kèm theo lời dạy nghiêm khắc đầy giận dữ bảo họ đừng có làm tàng đem cái chủng tộc thượng đẳng Arien vớ vẩn của họ ra hù thiên hạ mà phải biết nhập gia tùy tục, phải có dùng tiếng Việt, hoặc chí ít phải có tiếng Anh kèm theo để hướng dẫn thư thoại) rồi fax cho họ từ nhà của tôi.

Tôi đã không đưa Sigurd đến lò hoả táng vì tôi không thích kiểu bày tỏ cảm tình rơi nước mắt ở chốn đông người, nhất là gặp lại những bộ mặt lũ ký sinh mặc váy ngắn ngủn y như có áo không quần từng hay bâu vào bàn ăn của tôi và Sigurd ở Oasis Bar để được ăn uống nhồm nhoàm miễn phí và vòi vĩnh tiền của Sigurd để chạy bộ qua cửa hàng thời trang kế đó mua sắm (toàn đồ nam giới chắc để tặng mấy tên “bồ” trẻ). Vài ngày sau, anh Nhi đến nhà tôi cho hay Tổng Lãnh Sự Quán Đức khi nhận fax báo tin của tôi đã đổ quân ngay lập tức đến nhà Sigurd lấy tivi, máy móc, trang bị nhà bếp như máy rửa chén, đồ đạc, v.v. và đòi giấy chủ quyền nhà. Vì ở Việt Nam người nước ngoài không được làm chủ bất động sản, nên Sigurd có nhờ một người tên Thanh ở Phan Rang đứng tên làm chủ, do đó Tổng Lãnh Sự Quán Đức không làm gì được, chỉ có thể chở đồ đi không phải để trao lại cho người nhà vì Sigurd chẳng có ai thân thích trên đời. Họ cũng không …dại dột hỏi gì về chi phí an táng, dù họ biết rõ là công dân Đức Sigurd Schmitt qua đời mà chỉ có tôi là công dân Việt Nam cưu mang hậu sự cho Ông. Anh Nhi trao cho tôi chiếc đồng hồ Rolex nạm ngọc và chiếc máy ghi âm nhỏ xíu Sigurd đã trao cho Nhi nhờ đưa cho tôi vì tôi đã không đến gặp Ông. Tôi bảo Nhi và cô thư ký hãy bán đi chiếc đồng hồ giá trị cả gia tài ấy rồi hai người chia nhau để dùng trong thời gian đi tìm công việc mới. Còn chiếc máy ghi âm thì để tôi nghe xem ông dặn dò gì trong phút lâm chung, nhưng tiếc là tiếng Anh của Ông bình thường nghe đã khó, nay lại thều thào, khản đặc, và thở thoi thóp thì tôi chịu thua. Tôi bảo anh Nhi bán luôn chiếc máy, nhưng anh bảo Sigurd trăn trối với cô thư ký muốn tặng tài sản gì đó cho tôi vì tôi đã là người bạn mà Ông tiếc đã gặp quá muộn màng trong cuộc sống này song định mạng cản ngăn Ông không còn kịp làm gì nữa. Thế nên hai người trung tín này muốn trao lại tôi hai vật duy nhất trên mà họ còn cất giữ trước khi thấy quân đoàn dũng mãnh của Tổng Lãnh Sự Quán Đức tiến đến. Do tôi quyết tặng lại họ món đồ quá đắt tiền nên họ xin tôi hãy giữ chiếc máy ghi âm để tôi còn chút kỷ vật của người đã khuất. Tôi nghe theo ý của mấy nhân viên này và đến nay vẫn còn giữ chiếc máy ghi âm nhỏ xíu cùng cuộn băng nhỏ xíu có ghi lời thì thào nhỏ xíu của Tiến sĩ Sigurd Schmitt.

Mấy tuần sau là thời gian cực nhọc của tôi vì anh Thanh đứng tên chủ nhà, nghiễm nhiên thành chủ của tòa nhà hàng triệu đô-la đó, liên tục phone hỏi xem tôi có muốn mua căn nhà ấy không vì anh ta sẽ để lại với giá phải chăng. Tất nhiên, tôi từ chối mua, chỉ yêu cầu anh hãy hứa rằng khi bán được nhà sẽ trả nợ (và lãi) cho vị nữ tỷ phú kia để Ông Sigurd không ra đi như một con nợ trốn tránh chủ nợ và để tôi có thể đường hoàng gặp lại người phụ nữ đẹp người đẹp tính đó; đồng thời phải giúp luôn anh Nhi cùng cô thư ký mỗi người vài tháng lương để họ đỡ vất vả vì sau gần mười năm tận tụy làm việc cho Sigurd, họ lại phải đi tìm việc mới nuôi cả gia đình. Hy vọng anh Thanh thừa hưởng một gia sản khổng lồ tự trên trời rơi xuống là do anh là người nhân hậu và tổ tiên của anh thật dồi dào phúc đức, nên anh sẽ làm thêm nhiều điều phước thiện khác cho xã hội.

Thế đấy các bạn, có khi một lúc nào đó định mạng dun rủi cho ta gặp người tri kỷ, và niềm vui nhỏ bé nơi người lại là sự tự hào đã làm hết sức mình để cưu mang một người bất hạnh lạ xa. Hiện anh Nhi (số phone trước đây là 8425554) và cô thư ký đã có việc làm ở hai đơn vị khác nhau. Thỉnh thoảng họ phone hỏi thăm sức khỏe của tôi khi tôi chưa thay các số phone mới, và chỉ những lúc ấy, ông lão người Đức gầy gò nghiêm nghị khắc khổ, tiến sĩ Sigurd Schmitt, con người vô phúc trên đường sự nghiệp đã chọn Việt Nam gởi nắm xương tàn với tư cách một người hữu phúc khi có sự tâm giao với một người bạn Việt Nam đầu tiên và cuối cùng, mới lại là bóng ma hiện về từ quá khứ .

Hoàng Hữu Phước, Thạc Sĩ Kinh Doanh Quốc Tế

*******

Nào có ra chi mấy thằng nhãi ranh mất dạy hậu duệ của Adolf Hitler! Tư cách gì nói về nhân quyền hỡi bọn đã đưa hàng triệu người Do Thái vào lò thiêu và hơi ngạt!

 Hitler (3)

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước: 

Công Tác Ủy Ban Quốc Hội

(Bài thứ 10 trong chuỗi 10 bài tư vấn phục vụ các ứng cử viên tự do ra tranh cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV 2016-2021)

Hoàng Hữu Phước, MIB, Nghị Sĩ Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIII, Ủy Viên Ủy Ban Đối Ngoại Của Quốc Hội

04-01-2016

6Biển Hồ

Tiếp theo mạch 9 bài [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] đã viết phục vụ người dân muốn hiểu thấu đáo về sinh hoạt ở Quốc Hội và đặc biệt phục vụ các công dân – nhất là người ngoài Đảng – có mong muốn tự ra ứng cử Quốc Hội kể từ Khóa XIV (2016-2021) trở đi, hôm nay tôi xin khẩn trương nói tiếp về những vấn đề các bạn cần biết khi công tác tại ủy ban quốc hội vì tính cấp bách của thời gian do đã cận kề kỳ bầu cử.

Là nghị sĩ, bạn sẽ được mời làm ủy viên của một trong nhiều ủy ban của Quốc Hội như Ủy Ban Tư Pháp, Ủy Ban Pháp Luật, Ủy Ban Giáo Dục, Ủy Ban Các Vấn Đề Xã Hội, Ủy Ban Quốc Phòng – An Ninh, Ủy Ban Kinh Tế, v.v. Tôi là Ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội. Việc trở thành ủy viên của một ủy ban của Quốc hội không do nguyện vọng tham gia của bạn mà do sự lựa chọn của các lãnh đạo dựa theo nghiên cứu hồ sơ cá nhân và quá trình hoạt động của bạn. Rất có thể tôi được chọn mời vào Ủy Ban Đối Ngoại do yếu tố ngoại ngữ, quá trình tích cực nhiều năm tham dự các hội nghị quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, cũng như kinh nghiệm làm việc với và ở cấp quản trị tại các doanh nghiệp nước ngoài.

Nghi nghe nói đến “Đối Ngoại” ắt nhiều người nghĩ ngay đến vô số các chuyến đi nước ngoài, từ Tây Âu sang Bắc Mỹ, từ Nam Mỹ sang Đông Bắc Á, từ Trung Đông đến Đông Âu. Tất nhiên là có vô số các chuyến đi như thế vì tầm quan trọng của “đối ngoại” và vì công việc thực tế của Ủy Ban Đối Ngoại đối với ngoại giao nghị viện và ngoại giao quốc gia. Nhưng các Ủy Viên Ủy Ban Đối Ngoại thì không tham gia các chuyến đi vì đại sự quốc gia ấy, trong khi ủy viên các ủy ban khác của Quốc Hội thì dự nhiều chuyến đi nước ngoài hơn, mà mục đích chính nổi bật luôn là giao lưu hữu hảo. Công việc của một nghị sĩ làm ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại bao gồm các phần chính như tham gia nghiên cứu thảo luận các văn kiện quan trọng có liên quan trực tiếp đến “đối ngoại” như Luật Biển và các Nghị Định Thư hay Công Ước Quốc Tế mà Việt Nam sắp tham gia hoặc đang trong tiến trình cần đưa ra Quốc Hội để báo cáo chuẩn bị cho giai đoạn phê chuẩn, v.v., hoặc tất cả các dự thảo đạo luật khác mà tất cả các ủy ban của Quốc Hội đều tham gia đóng góp ý kiến; đón tiếp các phái bộ ngoại giao; tham dự các hội nghị quốc tế; và các buổi họp thường kỳ của Ủy Ban Đối Ngoại, v.v.

Khi nói nghị sĩ là Ủy Viên Ủy Ban Đối Ngoại không xuất ngoại nhiều như mọi người thường cho là như vậy, điều này có nghĩa khi chuẩn bị cho một chuyến công du sắp đến của lãnh đạo Quốc Hội hay lãnh đạo Đảng, Chính Phủ, Nhà Nước, đội ngũ chuyên viên hùng hậu của Ủy Ban Đối Ngoại ra quân xuất ngoại đi tiền trạm, lo toan mọi việc, kể cả phiên dịch và chuẩn bị các văn kiện bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài có liên quan để lãnh đạo hai nước có thể ký kết. Do tầm quan trọng của các chuyến công du của các lãnh đạo, Chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại và nhiều Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại tháp tùng đoàn công du cấp cao, còn đội ngũ chuyên viên làm việc cật lực để phục vụ, và do đó sẽ là gánh nặng chi phí quốc gia nếu có sự tham gia cùng đi của các Ủy Viên Ủy Ban Đối Ngoại, và đây là một điều đúng đắn, chưa kể còn phải tính đến chi phí cho những lãnh đạo các Ủy ban khác của Quốc Hội sẽ cùng tháp tùng do lĩnh vực ký kết có liên quan đến chức năng của các Ủy ban đó.

Nội dung liên quan trực tiếp đến các chuyến giám sát của Ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại thường là khi có liên quan đến kiều bào Việt Nam và công tác lãnh sự tại các Đại Sứ Quán và Tổng Lãnh Sự Quán của Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt khi có vấn đề quan trọng hoặc nghiêm trọng nhất thiết phải đưa vấn đề bảo vệ kiều bào lên hàng đầu trên bàn nghị sự.

Trên đây là những công việc của một nghị sĩ là Ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội. Từ đó, các bạn có thể hình dung được công việc của nghị sĩ là ủy viên của các ủy ban khác của Quốc hội.

Nếu có quan tâm đến nội dung tư vấn nào khác có liên quan đến việc ra ứng cử và trở thành Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, xin các bạn vui lòng gởi thư về tôi tại MYA 399B Trường Chinh, Phường 14, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, để tôi kịp thời viết bài đăng sớm trên blog này. Nếu muốn bảo mật danh tính, xin ghi rõ yêu cầu này trong thư. Nếu muốn bảo mật cả nội dung câu hỏi và danh tính, xin cung cấp địa chỉ email (hoặc số phone Viber) trong thư để nhận được trả lời riêng bằng file PDF hoặc JPG.

Kính chúc các bạn thành công trên bước đường phục vụ quốc gia dân tộc chốn nghị trường Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIV (2016-2021).

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nghị-sĩ Quốc-hội Nước Cộng-Hòa Xã-Hội-Chủ-Nghĩa Việt-Nam Khóa XIII (2011-2016), Ủy-viên Ủy-ban Đối-Ngoại Của Quốc-hội

Ghi chú:

[1] Hoàng Hữu Phước. 21-12-2014. Bài Số 1: Ra Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/12/21/ra-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi/

[2] Hoàng Hữu Phước. 24-12-2014. Bài Số 2: Phát Biểu Tại Nghị Trường Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/12/24/phat-bieu-tai-nghi-truong-viet-nam/

[3] Hoàng Hữu Phước. 20-01-2015. Bài số 3: Cách Soạn Bài Phát Biểu Và Thực Hiện Việc Phát Biểu Tại Quốc Hội Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/01/20/cach-soan-bai-phat-bieu-va-thuc-hien-viec-phat-bieu-tai-quoc-hoi-viet-nam/

[4] Hoàng Hữu Phước. 05-02-2015. Bài số 4: Những Vấn Đề Gặp Phải Trong Sinh Hoạt Đoàn Đại Biểu Quốc Hội. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/02/05/nhung-van-de-gap-phai-trong-sinh-hoat-doan-dai-bieu-quoc-hoi/

[5] Hoàng Hữu Phước. 24-02-2015. Bài số 5: Xử Lý‎ Đơn Thư Khiếu Nại – Tố Cáo Của Người Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/02/24/xu-ly-don-thu-khieu-to-cua-nguoi-dan/

[6] Hoàng Hữu Phước. 27-12-2015. Bài số 6: Đối Phó Với Đám Nhà Báo “Hai Mang”. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/27/doi-pho-voi-dam-nha-bao-hai-mang/

[7] Hoàng Hữu Phước. 28-12-2015. Bài số 7: Đối Phó Với Sự Xơ Cứng Vô Cảm Của Chức Sắc Xử Lý Đơn Thư Khiếu Tố Của Người Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/28/doi-pho-voi-su-xo-cung-vo-cam-cua-chuc-sac-xu-ly-don-thu-khieu-to-cua-nguoi-dan/

[8] Hoàng Hữu Phước. 02-01-2016. Bài số 8: Công Tác Tiếp Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/01/02/cong-tac-tiep-dan/

[9] Hoàng Hữu Phước. 03-01-2016. Bài số 9: Công Tác Giám Sát. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/01/03/cong-tac-giam-sat-cua-nghi-si/

Tham khảo thêm:

Hoàng Hữu Phước. 29-4-2014. Đại Biểu Hoàng Hữu Phước Báo Cáo Với Nhân Dân Công Tác Nửa Đầu Nhiệm Kỳ 2011-2016. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/04/29/dai-bieu-quoc-hoi-hoang-huu-phuoc-bao-cao-voi-nhan-dan-cong-tac-nua-dau-nhiem-ky-2011-2016/ hoặc http://hhphuoc.blog.com/?p=342

Hoàng Hữu Phước. Báo cáo Việc Thực Hiện Chương Trình Hành Động Suốt Nhiệm Kỳ Quốc Hội Khóa XIII 2011-2016 Của Đại Biểu Hoàng Hữu Phước

Công Tác Giám Sát Của Nghị Sĩ

(Bài thứ 9 trong chuỗi 10 bài tư vấn phục vụ các ứng cử viên tự do ra tranh cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV 2016-2021)

Hoàng Hữu Phước, MIB, Nghị Sĩ Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIII

Tiếp theo mạch 8 bài [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8] đã viết phục vụ người dân muốn hiểu thấu đáo về sinh hoạt ở Quốc Hội và đặc biệt phục vụ các công dân – nhất là người ngoài Đảng – có mong muốn tự ra ứng cử Quốc Hội kể từ Khóa XIV (2016-2021) trở đi, hôm nay tôi xin khẩn trương nói tiếp về những vấn đề các bạn cần biết khi thực hiện công tác giám sát vì tính cấp bách của thời gian do đã cận kề kỳ bầu cử.

Là nghị sĩ, bạn sẽ có những chuyến giám sát theo đoàn Quốc Hội trung ương hoặc địa phương. Giám sát cấp trung ương sẽ theo chương trình được thông qua tại Kỳ họp Quốc Hội trước đó của năm; còn giám sát cấp địa phương do chương trình của Đoàn Đại biểu Quốc hội đề ra trong nội dung kế hoạch thường niên. Ở cấp trung ương, bạn được mời tham gia các đoàn giám sát theo chương trình của Ủy Ban mà bạn là thành viên hoặc theo lời mời của các ủy ban khác.

Trong nhiệm kỳ XIII, tôi là ủy viên Ủy Ban Đối Ngoại Của Quốc Hội, và trong các chuyến giám sát chẳng hạn như ở các tỉnh biên giới

 47

hay chuyến thăm quốc hội nước ngoài

 39

do Ủy Ban Đối Ngoại tổ chức, đều có sự tham gia của các Đại biểu Quốc hội là ủy viên các ủy ban khác.

Ngược lại, tôi cũng được mời tham gia các đoàn giám sát của các ủy ban khác của Quốc Hội.

Đối với các cuộc giám sát tại địa phương Thành phố Hồ Chí Minh do Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì theo kế hoạch thường niên với trọng tâm các cơ quan và lĩnh vực khác nhau, bạn có thể được mời tham gia một số cuộc.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể gặp một vài khó khăn do tư duy giới lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn thủ cựu, luôn muốn duy trì tình thân ái giữa các ban ngành đoàn thể cơ quan nhà nước trong thành phố nhằm bảo đảm có sự thống nhất ý chí cao trong các báo cáo kết quả giám sát tốt đẹp trình Thường Vụ Quốc Hội. Khi tôi lần đầu tham gia giám sát ngay sau khi trở thành nghị sĩ, đối với hoạt động của cảnh sát tại buổi làm việc tại Sở Công An Thành phố Hồ Chí Minh, tôi phát biểu về những yếu điểm về cơ chế trang bị kỳ lạ so với cảnh sát các nước trên thế giới, dẫn đến sự yếu kém của ngành cảnh sát. Và vị lãnh đạo đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh lập tức cắt lời tôi do lo sợ cơ quan cảnh sát sẽ buồn lòng, tuyên bố với toàn thể tôi chỉ là nghị sĩ mới, chưa có kinh nghiệm giám sát, chưa có đẳng cấp nghị sĩ vì nêu toàn những vấn đề không thuộc đẳng cấp cao, và vì tôi chưa bảo đảm thời gian phát biểu 7 phút mà Quốc Hội Việt Nam quy định nên yêu cầu tôi phải ngưng phát biểu để nhường sự phát biểu cho các thành viên khác. Tất nhiên, tôi ngưng phát biểu, ngồi xuống lắng nghe chăm chú những phát biểu đẳng cấp cao của người khác, mà những phát biểu cao cấp ấy tôi biết rõ là sẽ không có giá trị thực tế xây dựng được một ngành cảnh sát thực sự là lực lượng trấn áp hùng mạnh, hiệu quả của Thành phố Hồ Chí Minh như thực tế đã chứng minh cho đến tận ngày nay. Và tất nhiên, tôi chẳng tranh luận gây căng thẳng làm gì về cái 7 phút quái quỷ ấy vì không có bất kỳ điều luật hay quy định nào ấn định thời gian 7 phút trong phát biểu bên ngoài tòa nhà Quốc Hội Việt Nam hoặc bên ngoài phòng họp tại trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Những khó khăn nhỏ trên sẽ bị triệt tiêu, đơn giản vì đã được tôi nêu lên trong bài viết này; do đó, các bạn sẽ làm tốt vai trò nghị sĩ của bạn trong phát biểu trong đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội ở địa phương của bạn.

Nếu có quan tâm đến nội dung tư vấn nào khác có liên quan đến việc ra ứng cử và trở thành Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, xin các bạn vui lòng gởi thư về tôi tại MYA 399B Trường Chinh, Phường 14, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, để tôi kịp thời viết bài đăng sớm trên blog này. Nếu muốn bảo mật danh tính, xin ghi rõ yêu cầu này trong thư. Nếu muốn bảo mật cả nội dung câu hỏi và danh tính, xin cung cấp địa chỉ email (hoặc số phone Viber) trong thư để nhận được trả lời riêng bằng file PDF hoặc JPG.

Kính chúc các bạn thành công trên bước đường phục vụ quốc gia dân tộc chốn nghị trường Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIV (2016-2021).

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nghị sĩ Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIII (2011-2016)

Ghi chú:

[1] Hoàng Hữu Phước. 21-12-2014. Bài Số 1: Ra Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/12/21/ra-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi/

[2] Hoàng Hữu Phước. 24-12-2014. Bài Số 2: Phát Biểu Tại Nghị Trường Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/12/24/phat-bieu-tai-nghi-truong-viet-nam/

[3] Hoàng Hữu Phước. 20-01-2015. Bài số 3: Cách Soạn Bài Phát Biểu Và Thực Hiện Việc Phát Biểu Tại Quốc Hội Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/01/20/cach-soan-bai-phat-bieu-va-thuc-hien-viec-phat-bieu-tai-quoc-hoi-viet-nam/

[4] Hoàng Hữu Phước. 05-02-2015. Bài số 4: Những Vấn Đề Gặp Phải Trong Sinh Hoạt Đoàn Đại Biểu Quốc Hội. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/02/05/nhung-van-de-gap-phai-trong-sinh-hoat-doan-dai-bieu-quoc-hoi/

[5] Hoàng Hữu Phước. 24-02-2015. Bài số 5: Xử Lý‎ Đơn Thư Khiếu Nại – Tố Cáo Của Người Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/02/24/xu-ly-don-thu-khieu-to-cua-nguoi-dan/

[6] Hoàng Hữu Phước. 27-12-2015. Bài số 6: Đối Phó Với Đám Nhà Báo “Hai Mang”. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/27/doi-pho-voi-dam-nha-bao-hai-mang/

[7] Hoàng Hữu Phước. 28-12-2015. Bài số 7: Đối Phó Với Sự Xơ Cứng Vô Cảm Của Chức Sắc Xử Lý Đơn Thư Khiếu Tố Của Người Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/28/doi-pho-voi-su-xo-cung-vo-cam-cua-chuc-sac-xu-ly-don-thu-khieu-to-cua-nguoi-dan/

[8] Hoàng Hữu Phước. 02-01-2016. Bài số 8: Công Tác Tiếp Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/01/02/cong-tac-tiep-dan/

Tham khảo thêm:

Hoàng Hữu Phước. 29-4-2014. Đại Biểu Hoàng Hữu Phước Báo Cáo Với Nhân Dân Công Tác Nửa Đầu Nhiệm Kỳ 2011-2016. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/04/29/dai-bieu-quoc-hoi-hoang-huu-phuoc-bao-cao-voi-nhan-dan-cong-tac-nua-dau-nhiem-ky-2011-2016/ hoặc http://hhphuoc.blog.com/?p=342

Hoàng Hữu Phước. Báo cáo Việc Thực Hiện Chương Trình Hành Động Suốt Nhiệm Kỳ Quốc Hội Khóa XIII 2011-2016 Của Đại Biểu Hoàng Hữu Phước

Công Tác Tiếp Dân

(Bài thứ 8 trong chuỗi bài tư vấn phục vụ các ứng cử viên tự do ra tranh cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV 2016-2021)

Hoàng Hữu Phước, MIB, Nghị Sĩ Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIII

 Tiepdan

Tiếp theo mạch 7 bài [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] đã viết phục vụ người dân muốn hiểu thấu đáo về sinh hoạt ở Quốc Hội và đặc biệt phục vụ các công dân – nhất là người ngoài Đảng – có mong muốn tự ra ứng cử Quốc Hội kể từ Khóa XIV (2016-2021) trở đi, hôm nay tôi xin khẩn trương nói tiếp về những vấn đề các bạn cần biết khi tiếp công dân vì tính cấp bách của thời gian do đã cận kề kỳ bầu cử.

Là nghị sĩ, bạn sẽ có những buổi tiếp dân tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương Tỉnh hay Thành phố nơi bạn thuộc về. Những lần tiếp dân này do Văn phòng Đoàn tự sắp xếp, tự phân bố thời gian theo lịch làm việc hàng tuần (thí dụ hai buổi mỗi tuần), hoặc thu xếp theo ý muốn của người dân yêu cầu gặp một nghị sĩ đặc biệt nào đó.

Số lần tiếp dân trong toàn nhiệm kỳ không nhiều. Đơn cử thí dụ tại Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thì với tổng số 30 nghị sĩ, trong nhiệm kỳ 2011-2016 đến ngày tổng kết 15-11-2015 thì:

Tiep Dan

Tôi là nghị sĩ được xếp tiếp dân trong 7 buổi trong toàn nhiệm kỳ. Những vị Trưởng và Phó Đoàn do là chuyên trách thường trực tại Văn Phòng Đoàn nên trực tiếp tiêp dân nhiều buổi nhất. Như vậy, việc tiếp dân không đòi hỏi bạn phải thu xếp nhiều thời gian.

Tại buổi tiếp dân nơi phòng tiếp công dân, bạn sẽ có sự trợ giúp của một thư ký biên bản do Văn phòng Đoàn Đại Biểu phân công.

Người dân trước đó có đến Văn Phòng đăng ký gặp Đại biểu Quốc hội sẽ nhận được thư báo cho biết ngày, giờ, địa điểm, và tên nghị sĩ sẽ tiếp mình. Vào buổi tiếp, người dân sẽ ngồi chờ tại điểm tập trung để lần lượt được mời vào trong gặp vị nghị sĩ ấy.

Nội dung người dân đem đến buổi tiếp luôn là các khiếu nại mà đa số là phức tạp do kéo dài chưa đạt được sự đồng thuận giữa người dân và cơ quan chức năng có liên quan. Có những vụ việc có thể đã có quyết định cuối cùng; song, người dân vẫn tiếp tục thực hiện quyền khiếu nại của mình theo luật định hiện hành. Bạn sẽ là người lắng nghe, đặt câu hỏi, tiếp nhận hồ sơ, và khi cần có thể yêu cầu thư ký giúp bổ sung các thông tin mà bạn cần do các thư ký này đã hoặc nắm vững nội dung khiếu nại thời gian dài, hoặc đã nghiên cứu hồ sơ kỹ từ trước để trợ giúp bạn hiệu quả.

Bạn phải chuẩn bị tinh thần tiếp nhận cả sự giận dữ to tiếng của người dân do bức xúc vì vụ việc của người dân ấy kéo dài hoặc gây bất lợi cho người ấy. Dù bàn làm việc của bạn có lắp đặt camera quan sát cùng với nút bấm báo nguy ngay tầm tay của bạn trong trường hợp bạn cho là bạn có thể bị đe dọa, tôi khuyên bạn hãy bình tỉnh, đồng cảm với sự bức xúc ấy của người dân, để buổi tiếp dân kết thúc bằng lời dặn dò của bạn và lời cảm ơn của người dân. Trong 7 buổi tiếp dân, tôi đã có 3 buổi lắng nghe sự mắng nhiếc của người dân dành cho tôi do họ cho rằng các khiếu tố của họ đã không được các vị tiền nhiệm xử lý hợp lý thì tôi cũng sẽ “phủ binh phủ, huyện binh huyện” tiếp tục chẳng làm gì cả mà thôi. Tôi đã dịu dàng kiên nhẩn lắng nghe với sự thông cảm và an ủi, giúp làm các buổi tiếp dân kết thúc trong thân tình, xây dựng, cảm thông. Chỉ có một lần khi một người khiếu nại la hét mắng chưởi chế độ, đe dọa chạy đến Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ gần đó để nằm lăn ra ăn vạ tố cáo làm nhục Nhà Nước Việt Nam cướp đất của dân bức hại gia đình liệt sĩ, tôi đã gầm lên nói to cái xằng bậy của lời đe dọa ấy, làm lấn át hoàn toàn tiếng gào mắng của người khiếu nại khiến lực lượng an ninh chạy ùa vào dù tôi không nhấn nút, vì tôi muốn ngăn chặn sự thiếu kềm chế của người ấy có thể làm người ấy phạm phải những lỗi tai hại hơn trước pháp luật do nội dung chống đối đe dọa đã được ghi âm, và tôi đã khiến người khiếu nại sau đó phải chấm dứt sự thóa mạ Nhà Nước, bắt đầu uống nước do tôi mời để nói chuyện đàng hoàng với tôi.

Trong lúc tiếp dân, có thể bạn sẽ tiếp người dân chưa có tên trong danh sách do người dân tìm đến Văn Phòng Đoàn lúc ấy với yêu cầu gặp khẩn, mà bạn lại có thể còn thời gian nhận tiếp thêm. Vì chưa có trước bản sao hồ sơ khiếu nại nên chưa thể nghiên cứu trước, bạn khi nhận hồ sơ trực tiếp từ người dân, nên vừa đọc nhanh vừa lắng nghe người dân trình bày, để có thể đặt thêm câu hỏi, và ghi nhận sự việc.

Sau khi kết thúc buổi tiếp các công dân, bạn có thể bàn ngay – hoặc bàn sau – với thư ký về cách xử lý các trường hợp trong ngày. Các thư ký có thể giúp soạn các thư chuyển hồ sơ để bạn ký tên sau đó. Khi đã quen việc, bạn có thể tự soạn công văn và Văn Phòng Đoàn sẽ đóng dấu để gởi đi, sau khi chụp các bản sao gởi bạn để lưu và gời người dân để thay cho “phiếu báo chuyển”. Tuy Quốc Hội có cấp cho mỗi nghị sĩ khoảng 100 tờ phiếu chuyển (đến cơ quan chức năng) và giấy báo tin (cho người dân) in trên giấy dày thật tốt có hình màu huy hiệu Quốc Hội, tôi khuyên bạn nên soạn công văn in vi tính trên giấy trắng A4 như các ảnh chụp minh họa các công văn của tôi trong các bài trước, vì việc bạn ghi tay điền vào chỗ trống sẽ gặp ít nhất ba khó khăn như (a) chữ viết của bạn không chắc có thủ bút đẹp, (b) bạn khó thể tóm tắt vụ việc trong những dòng chấm chỗ chừa trống, và (c) khi nhận công văn “giấy báo chuyển”, người dân thấy rõ bạn đã chuyển đi theo cách tống khứ cứ như thể bạn là “ông bưu điện” chứ không theo cách có ghi tóm tắt vụ việc và có ghi ý kiến riêng nào của bạn đề nghị hướng giải quyết, khiến sự tôn kính của người dân khó thể mặc định tự động dành cho bạn.

Nếu có quan tâm đến nội dung tư vấn nào khác có liên quan đến việc ra ứng cử và trở thành Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, xin các bạn vui lòng gởi thư về tôi tại MYA 399B Trường Chinh, Phường 14, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, để tôi kịp thời viết bài đăng sớm trên blog này. Nếu muốn bảo mật danh tính, xin ghi rõ yêu cầu này trong thư. Nếu muốn bảo mật cả nội dung câu hỏi và danh tính, xin cung cấp địa chỉ email (hoặc số phone Viber) trong thư để nhận được trả lời riêng bằng file PDF hoặc JPG.

Kính chúc các bạn thành công trên bước đường phục vụ quốc gia dân tộc chốn nghị trường Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIV (2016-2021).

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nghị sĩ Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Khóa XIII (2011-2016)

Ghi chú:

[1] Hoàng Hữu Phước. 21-12-2014. Bài Số 1: Ra Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/12/21/ra-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi/

[2] Hoàng Hữu Phước. 24-12-2014. Bài Số 2: Phát Biểu Tại Nghị Trường Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/12/24/phat-bieu-tai-nghi-truong-viet-nam/

[3] Hoàng Hữu Phước. 20-01-2015. Bài số 3: Cách Soạn Bài Phát Biểu Và Thực Hiện Việc Phát Biểu Tại Quốc Hội Việt Nam. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/01/20/cach-soan-bai-phat-bieu-va-thuc-hien-viec-phat-bieu-tai-quoc-hoi-viet-nam/

[4] Hoàng Hữu Phước. 05-02-2015. Bài số 4: Những Vấn Đề Gặp Phải Trong Sinh Hoạt Đoàn Đại Biểu Quốc Hội. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/02/05/nhung-van-de-gap-phai-trong-sinh-hoat-doan-dai-bieu-quoc-hoi/

[5] Hoàng Hữu Phước. 24-02-2015. Bài số 5: Xử Lý‎ Đơn Thư Khiếu Nại – Tố Cáo Của Người Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/02/24/xu-ly-don-thu-khieu-to-cua-nguoi-dan/

[6] Hoàng Hữu Phước. 27-12-2015. Bài số 6: Đối Phó Với Đám Nhà Báo “Hai Mang”. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/27/doi-pho-voi-dam-nha-bao-hai-mang/

[7] Hoàng Hữu Phước. 28-12-2015. Bài số 7: Đối Phó Với Sự Xơ Cứng Vô Cảm Của Chức Sắc Xử Lý Đơn Thư Khiếu Tố Của Người Dân. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/12/28/doi-pho-voi-su-xo-cung-vo-cam-cua-chuc-sac-xu-ly-don-thu-khieu-to-cua-nguoi-dan/

Tham khảo thêm:

Hoàng Hữu Phước. 29-4-2014. Đại Biểu Hoàng Hữu Phước Báo Cáo Với Nhân Dân Công Tác Nửa Đầu Nhiệm Kỳ 2011-2016. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2014/04/29/dai-bieu-quoc-hoi-hoang-huu-phuoc-bao-cao-voi-nhan-dan-cong-tac-nua-dau-nhiem-ky-2011-2016/ hoặc http://hhphuoc.blog.com/?p=342

Hoàng Hữu Phước. Báo cáo Việc Thực Hiện Chương Trình Hành Động Suốt Nhiệm Kỳ Quốc Hội Khóa XIII 2011-2016 Của Đại Biểu Hoàng Hữu Phước

Tôi Ủng Hộ Donald Trump

Hoàng Hữu Phước, MIB

01-01-2016

SANYO DIGITAL CAMERA

SANYO DIGITAL CAMERA

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 được nói đến nhiều với sự chạy đua giữa Bà Hillary Clinton của Đảng Dân Chủ và Ông Donald Trump của Đảng Cộng Hòa.

Ai cũng cho rằng Hillary Clinton chắc chắn nắm chiếc vé ứng cử viên của Đảng Dân chủ và có triển vọng lớn nhất để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.

Ai cũng cho rằng Donald Trump sẽ kém thế vì tính cách “nổi loạn” hoặc “hỗn loạn” hoặc “kỳ cục” hoặc “thù địch” hoặc bất kỳ từ ngữ tiêu cực nào khác mà người ta có thể tìm ra được nhằm hạ giá trị của Donald Trump.

Tôi từng dành ra hơn một năm để theo dõi các buổi truyền hình The Apprentice của Donald Trump và từng viết trên một bài blog rằng trên thế giới này chỉ có Donald Trump là “đại gia” thực thụ vì Ông có cùng lúc chín tài sản vĩ đại mà không bất kỳ ai có được tương tự như:

(a) sức mạnh tài chính,

(b) sức mạnh trí lực phát triển kinh doanh,

(c) sức mạnh hùng biện tích cực trước công chúng,

(d) súc mạnh truyền thông khi chưa có điều tiếng gì phương hại đến tên tuổi của Ông,

(e) sức mạnh cá tính thể hiện qua tính năng nổ và cả quyết tự tin cao nhất vào bản thân,

(f) sức mạnh truyền thống gia đình qua sự thành đạt cả trên bình diện kinh doanh và quản trị kinh doanh của các đứa con trai tài gái sắc nhất là cô con gái cực kỳ bản lĩnh Ivanka cùng cha làm nổi bật danh tiếng thương hiệu dòng họ Trump,

(g) sức mạnh thể chất sung mãn qua việc có thêm đứa con với người vợ trẻ nhằm gia tăng lực lượng quản trị cơ nghiệp nhà Trump,

(h) sức mạnh thần uy thiên bẩm qua diện mạo và phong cách, và

(i) sức mạnh ý chí tham chính qua việc tranh cử tổng thống lấn sân các chính khách gạo cội đầy kinh nghiệm của Đảng Cộng Hòa. Ngay cả Bill Gates cũng chỉ có mỗi một sức mạnh duy nhất ở khâu tài chính mà thôi.

Đối với tôi, nhân loại chỉ có một cầu thủ bóng đá duy nhất tài ba là Eric Cantona.

 Trump1

Đối với tôi, nhân loại chỉ có một huấn luyện viên bóng đá duy nhất tài ba là José Mourinho.

 Trump2

Và đối với tôi nhân dân Mỹ sẽ chỉ có một vị tổng thống duy nhất tài ba có thể làm Hoa Kỳ cường thịnh thật sự là Donald Trump.

 TRump3

Donald Trump là người duy nhất vì là nhà tài phiệt duy nhất đạt đủ 9 tiêu chuẩn cao nhất, trong khi hầu như tổng thống nào của Mỹ cũng xuất thân từ ngành luật, và chính vì xuất thân từ ngành luật mà các vị này đều biết cách chà đạp luật pháp quốc tế và đủ ma giáo để lách luật dù nội địa hay đối ngoại trong khi Hoa Kỳ thì cứ dẫm chân tại chỗ về sức mạnh kinh tế để Trung Quốc lấn sân.

Dân Mỹ sẽ sai lầm hoàn toàn nếu không dồn phiếu cho Donald Trump, cơ hội cuối cùng cứu vãn vị thế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

Dân Mỹ cần nhớ rằng năm thói quen như

(a) thích nghe tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống của hai đảng nên dễ đánh giá sai lầm trước sự lỡ lời của người lẽ ra đã có thể trở thành vĩ nhân nước Mỹ,

(b) thích nghiêng theo mức độ chi tiền của mỗi vị ứng cử viên cho các chuyến đi vận động mà không cần biết nguồn tài chính từ tiền túi hay từ tiền của những tập đoàn “mua quyền” và những cá nhân “mua chức”,

(c) thích tham khảo các thống kê của báo chí về tỷ lệ ủng hộ của mối ứng cử viên nên dễ bị bịp bởi truyền thông,

(d) thích sự “chuẩn mực” mặc định về thể hiện nên dễ sa vào sự bị ru ngủ bởi ngọai hình rô-bô phi cá tính, và

(e) thích thiên về cái gọi là kinh nghiệm tham chính đã có của mỗi ứng cử viên

nên mãi sa vào tình thế niềm tin luôn sụt giảm ngay sau khi người mình chọn đắc cử tổng thống vì người đó luôn là công cụ của giới tài phiệt ở hậu trường.

Donald Trump là nhà tài phiệt dấn thân, đầy cá tính, nhiều kinh nghiệm, lắm thành công trong xây dựng đế chế quyền lực của riêng mình. Do đó, chính Donald Trump chứ không là bất kỳ ai khác có khả năng xây dựng Hoa Kỳ từ một đế chế hình nộm nhát quạ trở thành đế chế quyền lực thật sự thống trị toàn cầu.

Vì quyền lợi kinh tế của Việt Nam, tôi muốn tổng thống mới của Hoa Kỳ là Bà Hilary Clinton hoặc bất kỳ đảng viên nào khác của Đảng Dân Chủ, dù nước Mỹ sẽ suy tàn vì Hilary Clinton giống y hệt bao đời tổng thống trước đây nên không thể là gương mặt thích hợp cho nước Mỹ trong bối cảnh toàn cầu mới hoàn toàn bất lợi cho nước Mỹ.

Với tư cách nhà nghiên cứu chiến lược đánh bại Trung Quốc về kinh tế, tôi muốn tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ là Ông Donald Trump mà không quan tâm Ông thuộc đảng nào.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế