Việt Nam Cần Một Bức Tường Biên Giới

Nhà Sử Học Hoàng Hữu Phước, MIB

25-11-2016

border-walls-8

C) Kết Luận: Chỉ Có Bậc Đại Trí Mới Muốn Xây Bức Tường Biên Giới

 2- Tính Cách Bậc Đại Trí Nơi Học Sinh & Sinh Viên

30 năm trước, tác giả bài viết này thường dặn dò sinh viên của ông ta rằng đừng bao giờ chỉ tra từ điển khi gặp từ ngữ đáng sợ đầy khiếp sợ quá ư là kinh sợ kiểu “counterrevolutionary” của sách báo cách mạng nước ta, kiểu “honorificabilitudinitatibus” của Shakespeare trong môn Văn Học Anh British Literature, hoặc kiểu “antidisestablishmentarianism” của lịch sử cận đại Anh Quốc trong môn Văn Minh Anh British Civilization, vì những từ ngữ trông hoành tráng nguy nga đồ sộ đó (a) chẳng mấy ai dùng, (b) chẳng mấy ai trong dân chúng Anh Mỹ biết hay nhớ hoặc viết đúng về chúng, (c) vẫn có thể đoán mò được ý nghĩa của chúng bằng cách xẻ chúng trở lại các thành tố nguyên thủy cấu thành, và (d) không ai mà không tránh dùng chúng trong văn nói vì sợ bị cà lăm. Ngược lại, ông căn dặn học trò ông tuyệt đối đề cao cảnh giác trước những bẫy rập đầy đơn giản, lắm thơ ngây, quá thân thương của ngôn từ, vì rằng chỉ cần tự tin vững chắc 1.000% rằng ta đây đã biết “under” là “ở dưới” và “table” là “chiếc bàn” để rồi vô tư  dịch “under the table” thành “ở phía dưới bàn” chứ chẳng thèm quan tâm tra từ điển thành ngữ “under the table” xem nó nghĩa gì, ghê gớm đến đâu thì coi như sập bẫy.

Được giáo huấn như thế nên 30 năm sau, học trò của tác giả bài viết này hiểu ngay lập tức cụm từ “dân trí cao hơn” khi ông ta phát ngôn gì đó tại Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về cái dường như gọi là “Luật Biểu Tình” mà do các nhà báo chính thống do thiếu hiểu biết luật pháp (chứ không vì ác ý) đã diễn giải thành “dân trí thấp” trong khi tại tất cả các nước văn minh tiên tiến tự do dân chủ pháp quyền trên toàn thế giới thì chỉ cần tự tiện tường thuật “xấu” trong khi người phát biểu nói chính xác là “không đẹp” thôi thì kẻ viết đã phải đối mặt với kiện tụng chốn pháp đình mà phần thua dứt khoát là ở phía tự tiện diễn giải bằng từ ngữ họ chủ quan cho là “đồng nghĩa”. Theo học trò của ông thì “dân trí cao hơn” là do có thực tế mà lịch sử rồi sẽ chứng minh rằng (a) Quốc Hội Việt Nam không bao giờ có thể sản xuất ra luật ấy trong thời gian chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm, và (b) ngay cả các nghị sĩ xuất thân “luật sư” tích cực lên tiếng ủng hộ “luật biểu tình” bày tỏ sự nằm trăn qua trở lại đắn đo sầu khổ vì cục nợ với nhân dân sau đó cũng đều bó tay suốt hơn nửa thập kỷ không thể sử dụng sáng quyền lập pháp để tự soạn dự thảo luật ấy nộp Quốc Hội. Thế nên, từ ngữ “cao hơn” hóa ra lại mang hàm ý của bao sự nhiêu khê gian khổ gian nan về đầu tư thời gian có thể đến một thập kỷ, tiền bạc có thể đến nhiêu tỷ đồng nghiên cứu, và trí tuệ của biết bao các bậc tài anh đấu trí với gian tà gian giảo và gian trá.

Rầm rộ đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên viên nguyên tử lực gần xong vậy mà còn phải stop việc xây dựng Nhà Máy Điện Hạt Nhân Ninh Thuận, huống hồ chỉ râm ran múa mép nói dóc rằng “luật biểu tìn là món nợ với nhân dân” thì cách chi mà có nổi “Luật Biểu Tình” cơ chứ.

1- Tính Cách Bậc Đại Trí Nơi…Bậc Đại Trí

Tóm lại, bậc đại trí là người

c) Không vội vàng nói ngay 1 với 1 là 2, nghĩa là không bao giờ cho rằng chất xám con người là thứ không nên phí phạm cho sự nghĩ suy về điều gì đó quá rõ nét quá dễ dàng quá đơn giản quá chân phương, vì biết hậu quả của sự vội vàng này luôn khôn lường trong thế giới học thuật/kinh doanh/công nghệ thông tin toàn cầu hóa, do 1 và 01 hoàn toàn khác biệt với nhau về mục đích sử dụng và mức độ an toàn trong văn bản và hợp đồng kinh tế, v.v;

b) Không bao giờ hấp tấp cho rằng lời phát ngôn quá rõ nét quá dễ hiểu quá chân phương của người khác là chẳng đáng để mình phải phí phạm chất xám để nghĩ suy nghiền ngẫm, vì biết hậu quả của sự hấp tấp này cũng luôn khôn lường trong thế giới học thuật/kinh doanh/đối ngoại/công nghệ thông tin toàn cầu hóa; và

a) Không bao giờ cho rằng bom nguyên tử được hình thành từ những thứ vật chất lóng lánh châu ngọc không có sẵn trên Địa Cầu, vì biết rõ là từ những thứ vật chất sẵn có mà người ta tạo nên các chuỗi phản ứng phân hạch bên trong các nhân “trời sinh” bé nhỏ li ti của các vật chất ấy để tạo nên sức hủy diệt mạnh hơn cả sức tàn phá của Tạo Hóa, cũng như từ đó mà phải luôn thận trọng khi một bậc kỳ tài phát ngôn hoặc viết về, vì vị ấy có khả năng tạo phản ứng phân hạch từ những từ ngữ có sẵn trong ngôn ngữ hàng ngày để gây địa chấn vùi chôn tất cả.

“Bức tường” là một từ ngữ bình thường, chỉ một hình thái vật chất mang tính bảo bọc phân định quyền tư hữu dù là tường nhà, tường rào, hay bờ giậu sân vườn.

“Bức tường” có thể là một hình thái vật chất rộng lớn hơn mang tính cương thổ quốc gia như các dẫn dụ ở trên tại biên giới các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, khi một vị ứng cử viên tổng thống siêu cường Hoa Kỳ như Donald Trump nói sẽ xây một “bức tường” ở biên giới Mỹ-Mê, thì (a) những người hoàn toàn kém hiểu biết sẽ bật cười châm chọc châm biếm cái phát ngôn “tửng tửng” của ông ta và gọi ông ta là “thằng khùng”, (b) những “nhà sử học” thực thụ sẽ điềm nhiên bảo đó là việc những quốc gia văn minh giàu có hoặc trường kỳ lâm cảnh xung đột vũ trang thường hay xây dựng tại biên giới của họ để minh định chủ quyền cương thổ trên bộ của quốc gia, còn (c) những người thâm thúy sẽ nghĩ đến nội hàm lấn lướt của chủ nghĩa bảo hộ cực đoan và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Mỹ mà tác động của nó đối với kinh tế toàn cầu sẽ là không bao giờ nhỏ, dẫn đến đại cuộc điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế của từng quốc gia.

“Bức tường” của đại gia Trump, do đó là một ẩn ngữ của giới thượng lưu trí hóa cao hơn “bức tường”, và có thể nói rằng “bức tường” ấy không phải chỉ là “bức tường” mà chính là “bức tường” vậy.

B) Thân Bài: Sự Thật Chứng Minh Bức Tường Biên Giới Quốc Gia Hiện Diện Khắp Thế Giới

3- Tân Hiện Đại

Vào giữa thập kỷ thứ nhì của Thế Kỷ XXI này, thế giới chứng kiến không phải lời tuyên bố sẽ  dựng xây bức tường biên giới Mỹ-Mê mà là đòn “hồi mã thương” gậy ông đập lưng ông của Châu Âu khi sự lớn tiếng lớn lối lớn mồm rao giảng về tự do và nhân quyền cùng bao thế kỷ họ sử dụng chiến tranh chà đạp tự do và nhân quyền của các nước nhược tiểu đã dẫn đến (a) làn sóng di cư ồ ạt từ toàn vùng chiến sự Trung Đông như những cơn sóng thần di dân Immigration Tsunamis hung hãn cuốn phăng sự vững bền thống nhất của Tây Âu; (b) sự cố Brexit làm rạn nứt Khối EU; (c) nguy cơ nhãn tiền của sự trà trộn của các phiến quân IS tràn ngập Châu Âu; và (d) sự rung lắc các chính phủ, dẫn đến những “bức tường đớn nhục chề ê” của thời kỳ Tân Hiện Đại, thậm chí còn dẫn đến sự nhạo báng rằng Đức, Anh và Pháp đã thi nhau qua mặt Tổng thống Hoa Kỳ Đắc Cử Donald Trump để giành giật việc ra tay xây dựng trước ông các bức tường biên giới mà điển hình là:

c) Đức Quốc:

Với chính sách của Thủ Tướng Angela Merkel khiến hơn 1 triệu người nhập sư đã đổ bộ vào Đức Quốc, sau khi 17.000 dân tỵ nạn thành công trong việc kiện Chính Phủ Đức đã không cấp cho họ quy chế tỵ nạn đầy đủ, và hàng trăm ngàn dân tỵ nạn khác phải được cho tá túc tạm thời tại nhà các công dân Đức, đã xảy ra việc Thẩm phán Thành phố Munich kiên quyết cho phép dựng xây bức tường cao 4 mét (tức cao hơn cả Bức Tường Bá Linh Berlin Wall trước đây ngăn cách phần thủ đô của Đông Đức và Tây Đức) để ngăn cách người di cư với cư dân địa phương, mà có người ví bức tường mới này khi hoàn thành năm 2017 sẽ như một con quái vật.

b) Anh Quốc & Pháp Quốc:

Trong khi Đức cho xây tường ngăn cách đối với những dân tỵ nạn đã vào được Đức, đồng thời đón bắt từ ngoài biển khơi để chủ động ngăn cản không cho người tỵ nạn vào bờ và đưa họ quay ngay về nơi xuất phát, thì Anh Quốc cho triển khai việc dựng xây một bức tường cao 4 mét ở Calais để ngăn chặn làn sóng di cư vượt Eo Biển English  rộng có 30 km từ Pháp đến Anh đổ vào vương quốc này, trước sự bất lực của hàng rào kẽm gai đã dựng lên trước đó. Trong khi miệt thị gọi khu vực dân tỵ nạn đang tạm thời tá túc là “Rừng Rú” (jungle), người dân Pháp và Anh thậm chí còn diễu cợt gọi dự án bức tường là Vạn Lý Trường Thành Calais (The Great Wall of Calais) như nhái theo Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc (The Great Wall of China) để ngăn chặn quân xâm lược vậy.

a) Sự Nối Đuôi Lẩn Quẩn Toàn Khối Hiệp Ước Schengen

Tiếp nối Đức, Anh và Pháp, các nước sau đã tuyên bố dựng xây “bức tường biên giới” bất kể bản thân là quốc gia thành viên khối Hiệp Ước Schengen: Áo (tại biên giới Áo-Slovania), Na-Uy (tại biên giới Na Uy- Thụy Điển),  Thụy Điển (tại biên giới Thụy Điển-Đan Mạch), Đan Mạch (tại biên giới Đan Mạch-Đức), Hungary (tại biên giới Hungary-Croatia), Slovenia (tại biên giới Slovenia-Croatia), Pháp (tại biên giới Pháp-Bỉ), v.v., và khu vực hiệp ước Schengen đã trở nên suy đồi suy sụp suy vi suy tàn, dẫn đến một sự thật mang tính chân lý rằng chỉ và luôn chỉ có sự tồn tại của chủ nghĩa dân tộc mà thôi.

2- Hiện Đại & Cận Đại

Trong kỳ tranh cử chức Tổng Thống Hoa Kỳ 2016, trước tuyên bố của Donald Trump sẽ dựng xây “bức tường” biên giới Mỹ-Mê, cả Bill Clinton và Barack Obama khi dồn hết tàn lực vận động tranh cử cho Hillary Clinton đã vừa thúc đẩy truyền thông nhạo báng gọi ý tưởng của Donald Trump là điên rồ, vừa chỉ trích tuyên bố ấy là của kẻ lỗi thời cũ rích cùng đường vô vọng, đối lập với trào lưu tiến bộ của toàn nhân loại trong giao thoa giao tiếp giao kết giao thương, thậm chí Hillary Clinton còn cười thách Donald Trump có giỏi thì hãy xây bức tường dọc biên giới Mỹ-Ca và xây luôn bức tường biển dọc hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cũng như có giỏi thì xây luôn bức tường trên trời để ngăn cản dân nhập cư sử dụng máy bay đi vào nước Mỹ.

Tuy nhiên, các giễu cợt ấy đã chỉ làm người dân Mỹ cho rằng Hillary vừa ngu vừa diễu vô duyên, vì rằng:

d) Bức tường “vật chất” ở biên giới Mỹ-Mê (gọi là US-Mexico Border Fence ở California) đã tồn tại từ cuối Đệ Nhị Thế Chiến dài 3.360 km

border-walls-7border-walls-6border-walls

c) 51 “bức tường” khác trên thế giới cũng đã và đang tồn tại mà đa số là do các nước có tiềm lực tài chính hùng mạnh dựng nên để ngăn chặn sự xâm nhập bất hợp pháp của người dân những nước nghèo hay của tội phạm, trong đó có các “bức trường thành” có độ dài trên 500km như Israel-Bờ Tây (708km), Saudi Arabia-Yemen (1.800km), Trung Quốc-Triều Tiên (1.416km), Mã Lai-Thái Lan (650km), Ấn-Bangladesh (3.268km), Ấn-Myanmar (1.624km), Iran-Pakistan (700km), Saudi Arabia-Iraq (900km), Turkmen-Uzbekistan (1.700km), Ukraine-Nga (2.000km), Uzbekistan-Kyrgyzstan (870km), v.v.

b) Toàn cầu hóa giúp xóa bớt ranh giới kinh thương, nhưng chính toàn cầu hóa lại gây ra hiệu ứng ngược về nhận thức sâu sắc hơn về sự an nguy an toàn an bình dẫn đến việc kích hoạt sự gia tăng số lượng các “bức tường” trên phạm vi thế giới, khiến từ 16 “bức tường” của thời khắc Bức Tường Bá Linh sụp đổ nay đã có 65 tức một phần ba quốc gia trên thế giới có – hoặc đang xây – “bức tường” biên giới, từ hàng rào 4.000 km biên giới Ấn-Bangladesh, các hàng rào suốt tuyến biên giới Tây Ban Nha-Morocco, Morocco-Tây Sahara, Hungary-Serbia, Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia-Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, v.v.,

border-walls-3border-walls-5border-walls-4

chưa kể có cả “bức tường biên giới tôn giáo” như ở Belfast ngăn cách khu dân cư Thiên Chúa Giáo và Tin Lành vốn thường xuyên xung đột đẫm máu căm thù căm hận căm ghét căm hờn chống nhau vì không bao giờ chịu đội chung trời.

border-walls-2

a) Khi Trump chỉ nói đến “bức tường Mỹ-Mê” nghĩa là Trump có sự chính xác cao độ vì chỉ có “dân nghèo khổ” Mễ đào địa đạo vượt biên giới vào Mỹ nhanh chóng đẻ con để bắt nước Mỹ công nhận quốc tịch Mỹ của các đứa con “thả neo” ấy chứ không có chuyện “dân nghèo khổ” Canada đào địa đạo vượt biên vào Mỹ kiếm ăn.

1- Cổ Đại & Trung Đại

Bức tường nổi tiếng nhất từ thời cổ đại đến nay là Great Wall tức Đại Tường (cái mà Việt Nam theo cách truyền thống cố hữu của sự thán phục trầm trồ nên đã gọi một cách văn vẻ đầy tôn vinh là “Vạn Lý Trường Thành”). Khó có ai không biết đến bức tường vĩ đại dài 8.850 km băng từ Sa Mạc Gobi đến biên cương Triều Tiên ấy vốn đã được Tần Thủy Hoàng khởi xướng từ gần 300 năm trước Công Nguyên. Đại Tường đã giúp thế giới ngày nay có đất nước tên gọi Trung Quốc China cũng như giúp China có nguồn thu nhập cực lớn từ du lịch. Không có Đại Tường, thế giới ngày nay lẽ ra đã hoặc có một nước Mông Cổ bao la hoặc vài chục nước xử dụng chung gốc nguồn ngôn ngữ tượng hình. Từ đó, bức tường đã minh chứng cho sự ổn định, bình định, khẳng định, cố định, cho sự hình thành và vươn lên của một quốc gia hùng mạnh.

Trong vô số bức tường lừng danh khác có thể tạm kể chỉ một vài tên tuổi lớn – dù giá trị hiệu quả đối với đại cuộc bảo vệ giang sơn của các chủ nhân của chúng không thể sánh bằng Đại Tường của Trung Quốc – như các “bức tường”

a) Aurelias bao bọc quanh 7 ngọn đồi của kinh thành La Mã Rome, xây từ Thế Kỷ III, dài 19 km, cao 6 mét, dày 10 mét, có 383 tòa tháp, 7.020 lỗ châu mai, 18 cổng, và 2.066 cửa sổ.

b) Hadrian dài 135 km do La Mã xây ở Anh Quốc vào Thế Kỷ II băng ngang lãnh thổ Anh từ Bắc Hải sang Biển Ái Nhĩ Lan nhằm bảo vệ thuộc địa Britannia của La Mã trước các bộ tộc Tô Cách Lan từ phương Bắc. Tương tự mục đích trên còn có bức tường Antonine dài 63 km, cao 3 mét và dày 5 mét cũng băng ngang lãnh thổ Anh Quốc.

c) Sacsayhuaman thời Đế Chế Inca ở Peru, ở độ cao gần 4.000 mét.

d) Babylon ở Mesopotamia – nay thuộc Iraq – dựng xây từ năm 575 trước Công Nguyên.

e) Amorite dài hàng trăm km băng ngang Iraq từ sông Tigris đến sông Euphrates được xây vào Thế Kỷ 21 trước Công Nguyên – tức trước 2.000 năm trước Công Nguyên.

f) “Trường Tường Nhã ĐiểnLong Walls of Athens ở Hy Lạp được xây vào khoảng năm 461 trước Công Nguyên nhằm chống lại sự xâm lấn của Sparta.

g) Hồng Xà tức Đại Tường Gorgon Great Wall of Gorgon ở Iran, kéo dài từ bờ biển Caspian đến Dãy Elbuz được xây theo lịnh của A Lịch Sơn Đại Đế của La Mã nhằm chống lại các bộ tộc phương Bắc trong đó có Hephthalite Huns.

Nghĩa là: biện pháp bảo vệ giang sơn của các vương triều “cường quốc” ngay từ thời thượng cổ đã luôn là việc dựng xây các “bức tường” mà tiếng Việt gọi sai – nhưng nghe “bùi tai” hơn – bằng chữ “thành” hoặc “trường thành”.

C) Nhập Đề: Việt Nam Cần Một Bức Tường

2- Chỉ có bậc vĩ nhân về cả bốn lĩnh vực chính trị, trị chính, kinh tế-chính trị, và địa-chính trị mới có tầm nhìn sáng suốt quốc gia tầm cỡ bao trùm quốc tế.

Chỉ có tầm nhìn sáng suốt quốc gia tầm cỡ bao trùm quốc tế mới nhận thức được tầm quan trọng tuyệt đối của bức tường biên giới trên bộ của quốc gia.

Việt Nam cần có bức tường xuyên suốt biên giới trên bộ Việt-Trung, Việt-Lào, và Việt-Cam dài 4.639km.

Bức tường buộc phải có, luôn buộc phải có, dứt khoát phải có, dù bằng đá tảng chất chồng, bằng bê tông cốt thép, bằng hàng rào trùng điệp dây thép gai, bằng đường hào thiên nhiên hay nhân tạo.

Bức tường nêu bật vấn đề cốt lõi của đạo đức, đạo lý, đạo nghĩa, và đạo hạnh – vì rằng (a) sự luông tuồng không bao giờ là thể hiện của lòng đoan chính; (b) sự tuồng luông không bao giờ không dẫn đến những rắc rối kiểu mở toang cửa đón rước giặc vào nhà; (c) sự luông tuồng không bao giờ dùng để bảo vệ tài sản của người dân mà trong đó phẩm giá phẩm hạnh cũng là thứ tài sản dứt khoát phải bảo vệ cho bằng được; và (d) sự luông tuồng không bao giờ đại diện cho nền nếp gia quy, hương ước, luật pháp quốc gia và công pháp quốc tế của bất kỳ thời đại nào, thể chế nào.

1- Chỉ có tầm nhìn sáng suốt quốc gia tầm cỡ bao trùm quốc tế mới nhận thức được tầm quan trọng tuyệt đối của bức tường bảo hộ quyền lợi tuyệt đối của quốc gia.

Quan hệ song phương hay đa phương đều phải luôn có những bức tường; chỉ có những kẻ tay mơ về chính trị, trị chính, kinh tế-chính trị, và địa-chính trị mới hùng hồn tuyên bố về cái quỷ quái gọi là “tự do thương mại” vì rõ ràng là các định chế hiệp định song phương và/hay đa phương đều để chế định các bức tường kiên cố ngoại bất nhập cản ngăn người ngoài cuộc outsiders chẳng khác nào một sòng bạc dành riêng cho một ít người chơi bạc mà không bao giờ có chuyện các tay chơi sở hữu tài sản ngang bằng về số lượng, tài năng, và thời cơ.

Chính vì vậy, Việt Nam cứ tham gia các trò chơi đa phương và/hay song phương; song, đừng bao giờ cổ súy nó mang ánh hào quang của tự do thương mại, vì tự do thương mại là cuộc đỏ đen trên chiếu bạc mà phần thắng chỉ thuộc về ba hạng người gồm (a) kinh nghiệm vượt bậc về đen đỏ, (b) tài lực vượt bậc về tài chính, và (c) đầy đủ mưu lược sát tàn tàn diệt những ai vào ngồi cùng chiếu bạc.

Muốn có hòa bình phải chuẫn bị chiến tranh. Muốn giữ gìn chủ quyền lãnh thổ trên bộ của quốc gia phải có bức tường.

Muốn tham gia một ván bài phải minh định phần tài sản riêng và vị trí ngồi riêng của mỗi người chơi. Ngồi trên đùi của nhau là hành vi trụy lạc chứ không là tư thế của các đại gia tại những casino tầm cỡ mà nơi đó các quý ông buộc phải mặc bộ trang phục thịnh trọng Black Tie với áo sơ mi trắng tuxedo kết rua ngực, thắt nơ đen, và đi giày đen Balmoral hoặc Blucher.

Và đó là vấn đề nhất thiết phải có trong sự nhận thức hiểu biết của người chơi.

Sau đây là phần nói về “bức tường biên giới quốc gia” luôn phải có trên toàn thế giới văn minh của nhân loại, mà sự vắng bóng của nó chỉ có thể được chấp nhận vì một lý do duy nhất: nghèo.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Both comments and trackbacks are currently closed.