Tết Tây Trộn Tết Ta

Chuyện Vớ Vẩn

Hoàng Hữu Phước, MIB

24-01-2017

Nghe đâu có việc luận tranh về nội dung nên hay không nên “sáp nhập” Tết Dương Lịch với Tết Nguyên Đán.

Xin nói thẳng là những người tham gia đóng góp ý kiến sau khi vấn đề được nêu lên đều rất tích cực bút chiến khi thấy có sự nêu lên một vấn đề.

Xin nói thẳng là người đầu tiên nêu vấn đề để ấy nhằm khuấy động không gian mạng là kẻ dỡ hơi.

Nhiều vị thuộc “giới tinh hoa” (thạc sĩ/tiến sĩ/nhà báo/nhà văn/nhà nghệ sĩ) bắt đầu lên tiếng ủng hộ việc sáp nhập với các dẫn chứng nào là “hội nhập”, nào là “vẫn có thể bảo tồn văn hóa truyền thống”, nào là “khắc phục những đứt đoạn về công việc, giao thương quốc tế, hao tốn của cải vật chất xã hội” nào là “Nhật gộp chung cả hai Tết”, nào là “Mỹ chỉ có 10 ngày lễ quốc gia”, v.v. và v.v.; trong khi cộng đồng khác cũng  trong giới tinh hoa nhưng phản bác việc gộp chung thì nêu tựu trung ý kiến toàn về văn hóa dân tộc cội nguồn đối với tổ tiên.

Cộng đồng không ủng hộ việc “sáp nhập” (tức gộp chung) lẽ ra không cần phải tham gia bút chiến, đơn giản vì

a) Không bao giờ có vụ “sáp nhập” dỡ dỡ ương ương xằng bậy ấy ở Việt Nam, và

b) Vấn đề tổ tiên hay truyền thống hoặc văn hóa là vấn đề đương nhiên đối với tất cả các ngày lễ chính thức của quốc gia chứ không chỉ riêng Tết Nguyên Đán.

Cộng đồng ủng hộ việc “sáp nhập” (tức gộp chung) lẽ ra nên tham khảo đủ đầy, chính xác, trước khi phát biểu, đơn giản vì tất cả những luận điểm quý vị ấy nêu lên thì chưa có bất kỳ lập luận nào đúng cả, chẳng hạn

a) Hoa Kỳ mỗi năm có 10 ngày lễ quốc gia tức cấp liên bang, nhưng có đến 57 ngày nghỉ lễ cấp tiểu bang mà một số ngày lễ cấp tiểu bang ấy được áp dụng luật định tại ít nhất 1 tiểu bang và nhiều nhất tại 39 tiểu bang (Hoa Kỳ có 50 tiểu bang). “Nghỉ lễ” có nghĩa là tất cả các trường học và các cơ quan tiểu bang đều đóng cửa trong ngày nghỉ lễ quốc gia (tức liên bang) và ngày nghỉ lễ tiểu bang. Nếu ngày nghỉ lễ rời vào ngày Thứ Bảy thì được nghỉ bù vào ngày Thứ Sáu trước đó liền kề, và nếu ngày lễ rơi vào ngày Chủ Nhật thì được nghỉ bù vào ngày Thứ Hai sau đó liền kề. Như vậy số ngày thực nghỉ ở cấp độ quốc gia Mỹ có thể nhiều hơn 10 ngày/năm, còn ở mỗi tiểu bang thì tất nhiên nhiều một cách đáng kể.

Như vậy, Việt Nam có những ngày lễ nghỉ “ cấp tỉnh/thành” không (Việt Nam có 63 tỉnh/thành)?

Ví von so sánh mà lôi Mỹ ra thì rõ là “giới tinh hoa” Việt Nam đang có vấn đề về lỗ hổng tri thức nghiêm trọng.

b) Nhật Bản có 16 ngày nghỉ lễ quốc gia trong năm 2017 (không áp dụng ngày nghỉ bù nếu ngày lễ rơi vào ngày Chủ Nhật), nghĩa là Nhật Bản buộc phải bỏ hẳn Tết Nguyên Đán đơn giản vì tổng số ngày nghỉ lễ quốc gia đã quá nhiều dù không có Tết Âm Lịch.

Ví von so sánh mà lôi Nhật ra thì rõ là “giới tinh hoa” Việt Nam đang có vấn đề về lỗ hổng tri thức nghiêm trọng.

c) Việt Nam mỗi năm có 10 ngày nghỉ lễ quốc gia (chưa tính ngày nghỉ bù nếu ngày nghỉ lễ rơi vào ngày Thứ Bảy và/hoặc Chủ Nhật), nghĩa là ai xếp Việt Nam vào hạng thứ năm các quốc gia có nhiều ngày nghỉ lễ quốc gia nhất thế giới cùng với Nhật Bản, Malaysia, Argentina, Lithuania và Thụy Điển thì rõ ràng là đang có vấn đề về lỗ hổng tri thức nghiêm trọng hoặc nhập nhằng đánh lận con đen bằng cách lấy số ngày lễ quốc gia cộng với số ngày nghỉ bù. Cần xem lại các số liệu tham khảo như sau đối với mấy nước mà thiên hạ lôi Việt Nam vô cùng một giuộc ấy:

Malaysia năm 2017 có 49 ngày nghỉ lễ trong đó có 13 ngày lễ quốc gia, một số lễ cấp tiểu bang, và một vài ngày nghỉ bù (tại một số tiểu bang xem ngày nghỉ cuối tuần là Thứ Sáu và Thứ Bảy, trong khi các tiểu bang khác xem Thứ Bảy và Chủ Nhật là ngày nghỉ cuối tuần).

Argentina năm 2017 có 20 ngày nghỉ lễ trong đó có 17 ngày lễ quốc gia và 3 ngày lễ không chính thức. Quy định rất phức tạp, có tỉnh thay đổi ngày nghỉ lễ (nếu lễ rơi vào Thứ Tư thì nghỉ ngày Thứ Hai trước đó, nếu rơi vào Thứ Năm thì nghỉ ngày Thứ Hai sau đó), có tỉnh lại cho nghỉ “thêm” (nếu rơi vào Thứ Ba thì cho nghỉ luôn Thứ Hai ngay trước, nếu rơi vào Thứ Năm thì cho nghỉ luôn Thứ Sáu ngay sau).

Lithuania có 13 ngày nghỉ lễ quốc gia và 1 ngày nghỉ lễ tùy chọn. Không áp dụng nghỉ bù nếu ngày lễ rơi vào ngày nghỉ cuối tuần.

Thụy Điển có 14 ngày lễ quốc gia và 4 ngày lễ tùy chọn. Không áp dụng nghỉ bù  nếu ngày lễ rơi vào ngày nghỉ cuối tuần.

Còn nghe lời vớ vẩn của trang mạng Wego bảo Singapore cùng với Ý, Đan Mạch, Pháp, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ma Rốc, Séc, và Luxemburg chỉ có 11 ngày nghỉ lễ quốc gia nên ít hơn Việt Nam thì phải kiểm lại một cách nghiêm túc. Thí dụ như Singapore năm 2017 có 14 ngày nghỉ lễ quốc gia (trong đó chỉ có 1 ngày nghỉ bù, theo quy định nếu lễ rơi vào ngày Chủ Nhật thì được nghỉ bù ngày Thứ Hai liền kề sau đó); còn Pháp năm 2017 có 11 ngày nghỉ lễ quốc gia và 4 ngày lễ tùy chọn (quy định nếu ngày lễ rơi vào ngày Chủ Nhật thì “tổ chức lễ” vào ngày Thứ Hai sau đó liền kề, nếu lễ rơi vào Thứ Năm thì cho phép người lao động nếu muốn thì chọn nghỉ thay vào Thứ Sáu để tiện có kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày hơn).

Và khi bảo Mexico là quốc gia có ít ngày lễ quốc gia nhất thế giới (7 ngày) thì cần biết rằng năm 2017 Mexico có 10 ngày nghỉ lễ quốc gia, cộng 1 ngày nghỉ bù, và 5 ngày lễ tùy chọn. Nếu lễ rơi vào ngày Thứ Bảy thì tổ chức lễ ngày Thứ Sáu liền kề trước đó, và nếu lễ rơi vào ngày Chủ Nhật thì tổ chức lễ vào ngày Thứ Hai liền kềsau đó.

Như vậy Việt Nam hoàn toàn không phải là quốc gia có số ngày nghỉ lễ quốc gia nhiều đứng hàng thứ năm thế giới mà ắt ở hàng thứ 10 hoặc thứ 20 nếu có ai đó giống như người đầu têu đặt vấn đề “sáp nhập” dỡ hơi vì ở không ắt có thời gian để làm thống kê toàn thế giới cho thiên hạ nhờ. Mà nếu Việt Nam có tăng số ngày lễ chính thức của quốc gia từ 10 ngày lên 100 ngày thi cũng chẳng tại vậy mà Việt Nam nghèo kiết xác, còn nếu bỏ tất tần tật toàn bộ các ngày lễ chính thức của quốc gia kéo từ 10 ngày xuống zero ốc vịt thì cũng chẳng nhờ thế mà Việt Nam trở thành đại siêu cường đặt mông lên đầu Trung-Hoa-Bổn (Trung Quốc/Hoa Kỳ/Nhật Bổn).

d) Hội nhập hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa gia nhập sân chơi chung về kinh tế, thương mại, trên nền tảng chung nhất của văn minh bao gồm các quy định quốc tế, các công ước toàn cầu, các tập quán thương mại chính quy, các đồng thuận song phương/đa phương về cơ chế giải quyết tranh chấp, các định chế tài chính, đặc biệt tôn trọng chủ quyền quốc gia và tôn trọng các bản sắc văn hóa truyền thống mỗi quốc gia. Hội nhập cũng có nghĩa là tuyệt đối chấm dứt các “khai hóa” đầy trịch thượng của bọn cướp thực dân mà là bắt đầu tiến trình tôn trọng văn hóa của nhau. Làm gì có chuyện điên rồ cho “hội nhập” biến thành sự khống chế của văn hóa cường quốc dẫn đến sự tan chảy tan tành tan biến tan nát tan tiêu văn hóa của nhược quốc! Chính vì “hội nhập” nên Trung Quốc mới bỏ công sức toát mồ hôi tham gia các định chế quốc tế, và cũng chính vì “hội nhập” nên toàn bộ các chương trình thạc sĩ kinh doanh quốc tế của Âu Mỹ phải có chương nghiên cứu chuyên sâu khoa học hàn lâm về tập quán tập tục của Trung Quốc trên nền tảng Khổng Giáo cũng như tìm hiểu các ảnh hưởng của Nho Giáo trên thương trường Trung Quốc để các công ty Âu Mỹ bỏ công sức học tập nhuần nhuyễn bở hơi tai hầu kiếm tìm cơ hội thương mại “tỷ đô” tại Trung Quốc.

e) Hội nhập chính là kiếm tìm cơ hội kinh doanh của nhau. Các vị thuộc giới “tinh hoa” Việt Nam đừng đi đâu xa mà chỉ cần ngồi rung đùi trước chiếc tivi chỉ trong 15 phút thôi của chỉ một buổi tối thôi lướt qua các đài nước ngoài là đã có thể thấy giới kinh doanh Âu Mỹ rộn rịp vung tiền quảng cáo tới tấp chào đón Tết Con Gà Trống 2017 ra sao. Họ biết thị trường thế giới Á Đông quá khổng lồ với cư dân quá khổng lồ và kiều bào Á Đông quá khổng lồ ở Âu Mỹ và thế giới nên họ hân hoan ra sức săn đón “tình nguyện phục vụ” để mong làm đầy ắp túi tiền của mình. Việt Nam có nhìn thấy cơ hội ấy để cạnh tranh với các anh Âu Mỹ trong khai thác thương mại Tết Nguyên Đán hay chưa mà lại nhanh nhảu đòi phá chén cơm manh áo của các tay xì thẩu Mỹ Á Âu bằng cách hô hào bỏ Tết Nguyên Đán thế?

f) Hội nhập chính là sự học hỏi nhau về văn hóa. Vì “hội nhập” nên các đài truyền hình Mỹ rầm rộ chào đón Tết Con Gà Trống 2017 lấy lòng tỷ dân Đông Nam Á + Trung Quốc, nhưng Mỹ không bao giờ công nhận Tết Nguyên Đán là lễ quốc gia. Vì “hội nhập” nên Việt Nam chào đón Lễ Giáng Sinh lấy lòng tỷ dân Âu Mỹ nhưng không bao giờ công nhận Lễ Giáng Sinh là quốc lễ. Vì “hội nhập” nên một vị hoàng tử Vương Quốc Anh học chúc Tết người Việt bằng tiếng Việt. Và vì “hội nhập” nên lãnh đạo Việt Nam gởi công hàm cho các nguyên thủ thế giới bằng tiếng nước ngoài. Tinh thần chủ đạo của “hội nhập”, do đó, là tôn trọng bản sắc riêng trên nền bang giao chung.

Tội thay! Chỉ có một quốc gia vì vừa nghèo khổ cùng cực bởi Thế Chiến vừa đã có quá nhiều ngày lễ quốc gia nên buộc phải bỏ hẳn – không phải sáp nhập – Tết Âm Lịch: Nhật Bản.

Thương thay! Chỉ có một quốc gia vì có một ai đó hoặc dỡ hơi, hoặc ba chớp ba nháng, hoặc không hiểu nghĩa tiếng Việt của “hội nhập”, hoặc đơn giản muốn hủy phá mọi thứ nhằm tiêu diệt cộng sản tận gốc về tinh thần nên mới đặt vấn đề “sáp nhập” Tết Tây vào Tết Ta: Việt Nam.

Sáp Nhập là sự nói lên tư duy hỗn độn của kẻ đặt vấn đề “gộp chung” Tết Ta và Tết Tây, vì rằng Nhật Bản bỏ hẳn Tết Âm Lịch chứ không “gộp chung” tức “sáp nhập”, và phải chăng Việt Nam sẽ “gộp chung” tức “sáp nhập” Tết Tây với Tết Ta để Việt Nam sẽ nghĩ Tết Tây một lèo 5 ngày để người Việt ngay sau nghĩ Tết Tây là cũng tổ tiên 4 ngày tiếp theo liền kềđể tổng số ngày nghỉ lễ chính thức của quốc gia vẫn như cũ tức không hề suy suyển?

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là cơ hội phát triển kinh tếnội địa của các ngành giao thông vận tải, du lịch, sản xuất mạnh tiêu thụ mạnh sản phẩm công nghiệp/thủ công, giải trí, và trên hết là chi tiêu cá nhân. Ngay cả kẻ mông muội hồng hoang cũng không bao giờ cho rằng Tết – hay bất kỳ lễ hội chính thức của quốc gia – làm hao tổn của cải xã hội vì họ biết nói thế sẽ làm người dân Âu Mỹ tư bản bật cười mắng cho là ngu xuẩn.

Việt Nam là một xứ sở rất đặc biệt và tuyệt diệu vì là quốc gia duy nhất hoàn toàn không có ngày nghĩ lễ nào thuộc hai loại là sùng bái cá nhân lãnh tụ và tôn giáo vốn đầy dẫy đầy ắp đầy ngập đầy tràn tại toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Nói tóm lại, cái ý kiến gọi là gộp chung Tết Tây và Tết Ta tại Việt Nam là cái sự tào lao.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Both comments and trackbacks are currently closed.