Trung Quốc và Chúng Ta: Sự Cần Thiết Phải Viết Lại Ngôn Từ Hán-Việt

Ngưu Ngữ

Hoàng Hữu Phước, MIB

Bài viết số 3 đăng cùng ngày 26-6-2016, lúc 18g

Trong kho tàng Tiếng Việt ta, từ Hán-Việt dược dùng đáp ứng những nhu cầu sử dụng trang trọng, quý phái, hoặc tế nhị, v.v, thí dụ: hồng quân (thay vì … quân đỏ), tổng thống (thay vì…ông nắm giữ tất tần tật), thủy điện (thay vì điện nước), quốc lộ (thay vì đường chính chạy suốt đất nước), v.v., và chỉ bị gát qua một bên nếu ý nghĩa dễ gây nhầm lẫn (Hội Chữ Thập Đỏ, thay cho Hội Hồng Thập Tự vốn dễ nhập nhằng với Thập Tự trong Thập Tự Chinh có liên quan đến đạo Chúa).

Từ xưa, hễ liên quan đến vua thì người ta dùng chữ “long” với ý nghĩa “rồng”, linh vật tối thượng, tiêu biểu cho quyền uy tột đỉnh của muôn loài, từ đó có long nhan (mặt vua), long xa (xe của vua), long ân (ơn vua ban tặng), long trượng (gậy vua ban tặng), long thể (mình đầu tay chân của vua), long tu (râu vua), long bào (áo vua), long sàng (giường vua), v.v. Tất nhiên, long nhãn không phải là … mắt vua, và long đong không phải là bàn cân vua, long ốc không phải là … hang ổ của vua, long não không phải là…óc vua.

Thế nhưng, chủ nhân của Tiếng Hán là Trung Quốc đã có công khai khái niệm mới, theo đó mới quý hơn rồng, nhất là sau khi tiếp thu văn hóa Phương Tây, biết họ xem rồng là quái vật thường bị Thiên Sứ Tổng Quản Thiên Thần Michael đâm trường thương giết chết, còn phim ảnh Holywood tạo nên rồng nhiều đầu, hễ đứt đầu nào thì nơi ấy mọc ra hai đầu khác, trông kinh khiếp quá, nên mới chủ trương thay đổi ngôn từ, ra vẻ ta thuộc dân tộc thuần nông luôn xem trọng con nên mới có vụ đường lưỡi bò lấn chiếm Biển Đông.

Người Việt ta thường hay lịch sự, biết tôn trọng người, cái gì không phải của ta thì chả thèm tranh cải, học câu vật phi nghĩa bất thủ (đồ bậy bạ thì quyết không giữ lấy), nên ắt cũng nên thay đổi ngôn từ Hán-Việt của ta để từ nay khi diễn tuồng tích Tàu thì xưng hô như sau mới hợp thời đại mới của Trung Quốc, kẽo họ chê bai chúng ta quá kém tiếng Tàu:

Ngưu nhan: tức mặt bò (Tiếng Tàu gọi Ngưu chung cho trâu ), nghĩa là mặt vua Tàu

Ngưu thể: đầu mình chân tay bò, nghĩa là cả người vua Tàu

Ngưu xa: xe bò, nghĩa là xe chở vua Tàu

Ngưu trượng: cây roi bò, chắc để vua Tàu dùng khi cưỡi bò

Ngưu bào: áo bò (làm bằng da bò, không phải áo vải jean) của vua Tàu

Ngưu tu: râu của bò, tức râu vua Tàu

Ngưu sàng: giường của bò tức của vua Tàu

Ngưu ân: ơn do bò tức vua Tàu ban tặng

từ đó, ta sẽ được nghe các câu nói thật chuẩn, thí dụ như khi một tì nữ được vua Tàu hôn hít sẽ nói: “Kính tạ Ngưu Ân đã cho tiện nữ nhìn thấy Ngưu Nhan, được nằm kề Ngưu Thể, trên Ngưu Sàng đầy nhóc Ngưu Bào, được sờ Ngưu Mông và được biết vị mùi Ngưu…Lưỡi.”

Đúng là ngôn ngữ Tàu cũng có các biến thiên để trở thành sinh ngữ uy trấn toàn cầu vậy.

Tiếng Tàu nay không còn là Hoa Ngữ hay Trung Văn mà được cách tân thời thượng gọi là Ngưu Ngữ, tiếng bình dân gọi là Tiếng Bò.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú: Bài viết trên được đăng lần đầu tiên trên blog.com ngày 02-9-2011 tức sau kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII của Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước

Both comments and trackbacks are currently closed.