Lời Khuyên Dành Cho Các Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh Và Lê Quý Vương

Hoàng Hữu Phước, MIB

18-11-2016

screen-shot-11-18-16-at-11-43-am

Trước thực tế không bao giờ có bất kỳ ai có thể chối cãi là những cái gọi là tục ngữ và ca dao Việt Nam đều được gọi là “Văn Chương Bình Dân” do (a) truyền khẩu, (b) không có tên tác giả, (c) không đặt yếu tố nội dung mỹ từ và hàn lâm lên hàng đầu nên ít có giá trị vững vàng hay chính xác, (d) không có giá trị văn học, và (d) một số – dù ít – không có giá trị gì nếu tham khảo tác phẩm tổng hợp của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc sẽ thấy không phải không có những thứ ví von bỡn cợt và thô tục cũng được gom hết vào “kho tàng” ấy;

Trước thực tế là các lãnh đạo các đại chiến dịch của cách mạng Việt Nam từ nghiên cứu sa bàn đến đề ra chiến lược và chiến thuật cùng phân công nhân sự, tổ chức hậu cần, đều là những bậc không phải là quân nhân chuyên nghiệp như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, v.v., trong khi không bất kỳ tướng lĩnh dạn dày chiến đấu chuyên nghiệp nào có thể viết ra tác phẩm văn học tầm cỡ như Ngục Trung Nhật Ký của Hồ Chí Minh; và

Trước thức tế là trong vài năm qua đã có vài tưỡng lĩnh Việt Nam khi phát biểu đã viện dẫn thêm thắt vào nội dung phát biểu của mình những tục ngữ hoàn toàn sai;

Tôi mạo muội khuyên các tướng lĩnh Việt Nam phải tuyệt đối cẩn trọng không nên động vào cái gọi là “kho tàng văn chương bình dân” của Việt Nam.

A- Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, đã cực kỳ sơ xuất khi phát biểu trong tình hình đang có sự căng thảng ở Biển Đông rằng “chúng ta là cây ngay không sợ chết đứng”.

Xin thưa Thượng Tướng:

1) Các tướng lĩnh không được phép chết, bất kể chết đứng, chết ngồi, hay chết nằm, vì các vị phải sống để lãnh đạo quân đội giết sạch quân xâm lược.

2) Các tướng lĩnh không được phép vì “không sợ chết đứng” mà đứng yên ngạo nghễ để quân thù xâm chiếm nước nhà và giết hại chính mình cùng quân binh của mình.

3) Thành ngữ “cây ngay không sợ chết đứng” vốn chỉ dùng cho những ai (a) mang thân phận “bị cáo” trước vành móng ngựa, (b) trước sự phán xét của kẻ khác – tất nhiên là kẻ xấu, và (c) trong tình huống bản thân chịu bó tay vì không thể tự biện hộ biện minh để tự cứu mình, nên lẽ nào tướng lĩnh Việt Nam ở vị trí kẻ tội đồ và nhũn mềm cứng họng đớ lưỡi trước quân thù?

Tài năng cao nhất và nhiệm vụ duy nhất của quân đội là buộc quân xâm lược mọi rợ nào còn sống đều phải thốt câu “cây ngay không sợ chết đứng” khi chúng đứng xếp hàng ngang trước họng súng của đội hành quyết vẫn còn cố bào chữa rằng chúng không xâm lược Việt Nam, chứ không phải tướng lĩnh Việt Nam đứng vào vị trí ấy rồi kiêu hãnh nói vào mặt quân xâm lược rằng ta đây là “cây ngay không sợ chết đứng”.

B- Thượng Tướng Lê Quý Vương, Thứ Trưởng Bộ Công An, đã cực kỳ sơ xuất khi phát biểu rằng luật pháp Việt Nam nhân đạo “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”.

Xin thưa Thượng Tướng:

1) Luật pháp đúng nghĩa của siêu cường là luật pháp nghiêm khắc. Luật pháp đúng nghĩa của tiểu quốc khiếp sợ là luật pháp nghiêm minh. Và luật pháp đúng nghĩa của tiểu thuyết khoa học giả tưởng về siêu cường là luật pháp nhân đạo.

2) Thành ngữ “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” chỉ có nghĩa duy nhất là: kiên quyết truy sát cho bằng được đồng chí nào đã phản bội, nhưng tha mạng cho kẻ thù tìm đến xin đầu hàng. Trịnh Xuân Thanh là kẻ tội đồ bắt buộc phải chịu tội trước pháp luật. Sự đầu thú – không phải đầu hàng – kèm với khắc phục triệt  để mọi tổn thất bằng cách nộp cho Nhà Nước toàn bộ tài sản của Trịnh Xuân Thanh cùng tài sản của gia quyến của y mà do y tạo dựng giúp sẽ được xem xét như sau: nếu luật pháp quy định khung hình phạt cho tội ấy là từ 50 năm đến chung thân thì y sẽ được kết án 50 năm. “Không đánh” Trinh Xuân Thanh sẽ là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam! Trịnh Xuân Thanh đã “chạy đi”, nhưng sự đầu thú – nếu có – của Trịnh Xuân Thanh không phải là sự “chạy lại” mà chỉ là để hưởng mức thấp nhất có thể được của khung hình phạt chính xác nhất của luật pháp Việt Nam.

3) Vì vậy, các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam – chủ lực gồm Quân Đội và Công An – nhất thiết phải nằm lòng nội dung đầy đủ rằng: “thành ngữ “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại” chỉ có nghĩa duy nhất là: “phải” kiên quyết truy sát cho bằng được đồng chí nào đã phản bội, “có thể” tha mạng cho kẻ thù tìm đến xin đầu hàng, và “có thể” tha mạng cho “đồng chí” nào phản bội quay về xin nhận tội và chịu tội.

Mỹ không bao giờ tha mạng cho cựu nhân viên NSA và CIA Edward Snowden ngay cả nếu Snowden chịu rời nước Nga để nộp mình cho CIA. Luật pháp Hoa Kỳ chỉ có một hành xử duy nhất đối với tội phản quốc vốn là tội danh duy nhất mà Hiến Pháp Hoa Kỳ có định nghĩa chi tiết qua Điều III.3 và luật áp dụng USC, mà sự “cứu vớt” thoát án tử hình chỉ bằng cách áp dụng Luật Gián Điệp 1917 mà thôi.

Không bao giờ kẻ gây họa cho nhân dân, làm nhục cho thể chế chính trị nước nhà, hủy phá tiến trình xây dựng kinh tế đất nước, sau khi chà đạp luật pháp trốn ra nước ngoài lại đầu thú để sẽ không bị “đánh” hoặc bị “đánh” vuốt ve.

Không bao giờ kẻ phá hoại làm nổ nhà máy điện nguyên tử – nếu có nhà máy ấy ở Việt Nam – làm thương vong hàng trăm ngàn người dân, khi ra đầu thú sẽ được xem như “người chạy lại” để sẽ không bị “đánh” hoặc bị “đánh” vuốt ve.

Tài năng cao nhất và nhiệm vụ duy nhất của ngành công an trong vụ Trịnh Xuân Thanh là túm tóc, bẻ quặt tay, trói ghịt y lại, trùm vải đen lên đầu, xích cùm giải y về Việt Nam chịu tội, chứ không phải ngồi yên đem mồi nhữ tôn vinh y thành “người chạy lại” và khoan hồng “không đánh” để mong chờ thằng dơ bẩn mất dạy ấy ra đầu thú.

Nói tóm lại, các tướng lĩnh cần (a) cực kỳ cẩn trọng trong các phát ngôn, và (b) không bao giờ viện dẫn bất kỳ tục ngũ / ca dao nào của cái gọi là “kho tàng văn chương bình dân” của Việt Nam vào trong các phát biểu đó.

Đó là yêu cầu của thuật hùng biện đẳng cấp cao: hãy tránh xa mọi thứ bình dân.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước. 26-10-2013. Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hoàng Hữu Phước. 18-01-2016 Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ

Both comments and trackbacks are currently closed.