Ai Nên Là Tân Bí Thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh – Bài 2

Hoàng Hữu Phước, MIB

Nghị Sĩ Quốc Hội Việt Nam Khóa XIII

10-5-2017

1) Nguyễn Thiện Nhân:

Sáng nay người dân cả nước biết tin qua phương tiện truyền thông đại chúng ai đã được Trung Ương cử vào thay thế Ông Đinh La Thăng làm Bí Thư Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc cử như thế lần đầu tiên cho thấy yếu điểm của các quy định nghiêm ngặt về tổ chức nhân sự của Trung Ương Đảng; theo đó, Bí Thư Hà Nội và Bí Thư Thành phố Hồ Chí Minh phải đồng thời là Ủy Viên Bộ Chính Trị và là Nghị Sĩ, thay vì lẽ ra nên là: Bí Thư Hà Nội và Bí Thư Thành phố Hồ Chí Minh ai lập được công trạng rõ nét tại nơi trấn nhậm sẽ được đưa vào Bộ Chính Trị.

Người vừa được đưa vào làm Bí Thư Thành phố Hồ Chí Minh là Ông Nguyễn Thiện Nhân, một kẻ bất tài vô dụng đối với toàn bộ các chức vụ trước đó. Đây là một sự thật mà bảo đảm không bất kỳ ai có thể phản bác lại được với những chi tiết công trạng cụ thể.

Điều hý hước ở đây là ngay khi đăng tin online thì nội dung loan báo đã bị cắt xén, bỏ hẳn những chi tiết nêu các phát biểu nào của ông ta mà truyền thông cho là quan trọng có thể làm tăng giá trị của ông ta về lĩnh vực giáo dục. Có thể nhận ra sự quẩn quanh quanh quẩn chẳng ra chi giữa một bên là những phát biểu nặng tình với giáo dục và một bên là những thất bại trong lãnh đạo ngành giáo dục của chính người phát biểu, tờ báo mạng ấy đã nhanh tay chùi vết tích để không bị cho là “nịnh bợ”. Hóa ra Ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ có thể có một bản ghi những chức vụ từng nắm giữ mà thôi

NTN

trong khi các phát ngôn của ông mà vài tờ báo tôn vinh thành từng cột nhỏ như trên lại cho thấy sự giễu cợt vì:

– Phát Ngôn Nổi Bật 1: “Chúng ta phải chịu đau”: Chúng ta là ai? Sao lại lôi người dân vào “chịu đau” ? Và đã “bước xa hơn” đến đâu rồi?

– Phát Ngôn Nổi Bật 2: “Đoàn kết” với người “có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân” được cụ thể hóa ra sao và đã có những kết quả cụ thể như thế nào để chứng minh? Và việc Mặt Trận Tổ Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh đã theo lịnh của ai để tổ chức cài người vào buổi tiếp xúc cử tri của một ứng cử viên Quốc Hội Khóa XIV ngoài Đảng nhằm vu khống bôi nhọ để cho ra kết quả như ý của Mặt Trận thì đó có phải là “đoàn kết” kiểu Nguyễn Thiện Nhân hay không?

– Phát Ngôn Nổi Bật 3: Hóa ra cái người dân cần là đến năm 2020 thì số liệu thống kê chính xác về mức độ hài lòng của họ đối với cơ quan hành chính công quyền sẽ là mấy phần trăm ư? Chỉ có trí hóa tối tăm đần độn mới không biết rằng cái người dân muốn là liệu năm 2020 Việt Nam có sánh bằng Singapore chưa, có giành giật lại được đảo nào trong số các đảo đã bị chiếm đoạt ở Biển Đông chưa, cũng như… người ngoài Đảng “có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân” có đã được cái sự “đoàn kết” đưa vào nắm quyền lực trị chính để làm các Bộ Trưởng và nắm các tập đoàn nhà nước chưa, v.v. và v.v.

2) Vấn Nạn Thành phố Hồ Chí Minh:

Đối với một địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh vướng phải năm tiêu cực nghiêm trọng gồm:

a) Có những vụ khiếu tố kéo dài từ thập kỷ trở lên chứng minh từ 30-4-1975 đến nay đã chưa từng có Bí Thư Thành Ủy nào và Chủ Tịch nào của Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Mặt Trận Tổ Quốc thực sự giải quyết các khiếu tố đó – thậm chí có vị tối cao còn quẳng ra một câu phát ngôn vô thưởng vô phạt để rồi cả chính quyền thành phố khiếp vía không ai dám nhúc nhích, bỏ mặc cho gia đình của một cựu tướng lĩnh tài ba của cách mạng thời Chiến Tranh Đông Dương và Giải Phóng Miền Nam phải ngậm đắng nuốt cay hàng chục năm để bảo vệ thanh danh của Đảng (việc này Trưởng/Phó Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Khóa XIII Thành phố Hồ Chí Minh biết rất rõ: không cho phép lên lầu đáp ứng nhu cầu nhân khẩu gia tăng, chỉ vì sợ che mất tầm nhìn khoáng đãng của lãnh đạo tối cao ở biệt thự được cấp phía sau);

b) Có những nhân sự trong guồng máy chính quyền – kể cả Thành Ủy – chưa từng nêu gương sáng bất kỳ – trừ Ông Lê Mạnh Hà;

c) Không có sẵn lực lượng nhân sự đức tài nhưng luôn khoái lập các đại dự án như “chính quyền đô thị”, “xây dựng các Thành Phố Bắc/Thành Phố Nam/Thành Phố Đông/Thành Phố Tây” – bất kể không có tiền và bản thân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải co cụm lại vì ngập sau 20 năm nữa, “cơ chế đặc thù”, v.v. và v.v., mà dự án nào cũng tốn nhiều tỷ đồng cho chi phí soạn thảo, nếu có được trung ương phê duyệt thì chỉ là tạo thời cơ cho tham nhũng bòn rút tư lợi mà thôi;

d) Hạ tầng khủng khiếp: cái hào nhoáng của cao ốc sang trọng bị làm cho tắt ngúm bởi quy hoạch hỗn độn, bởi kẹt xe hỗn loạn bất kể thời gian và thời tiết, cũng như bởi sự hổn láo của một bộ phận quan chức/công chức/viên chức chuyên vòi vĩnh quan liêu đối với một bộ phận người dân và của một bộ phận người dân đối với một bộ phận quan chức/công chức/viên chức chuyên quan liêu vòi vĩnh – mà “bộ phận” nào cũng không hề nhỏ; và

e) Thói quen cục bộ chủ nghĩa, địa phương chủ nghĩa, anh em chủ nghĩa, vốn là mồi nhóm phát bùng cho lợi ích nhóm, nên chính quyền sẽ vui vẻ “vầy đoàn” “kết đoàn” với vị Bí Thư Thành Ủy nào xuất thân người Miền Nam và/hoặc đã có thời gian anh em hữu hảo đỡ nâng vui vầy ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh.

3) Giải Pháp Lê Mạnh Hà:

Vướng các tiêu cực trên, Thành phố Hồ Chí Minh cần một nhân vật như Ông Lê Mạnh Hà để thực sự đi lên.

Những điểm nổi bật của Ông Lê Mạnh Hà bao gồm – song không chỉ giới hạn bởi – những khái quát sau mà người dân đã biết quá rõ và có thể thẩm tra đễ dàng độ chính xác bằng các phương tiện thông minh:

 Le Manh Ha

a- Ông thuộc giòng dõi tinh hoa chính trị thực sự mà trong nguồn lực mạnh nhất của Đảng hiện nay chỉ có duy nhất hai người là ông và ông Nguyễn Thanh Nghị mà thôi.

Tất nhiên, rất nhiều quan chức cấp cao hiện nay là hậu duệ của những quan chức cấp cao, nhưng họ không thể – hoặc chưa thể – là nguồn lực mạnh nhất của Đảng để kế thừa sự nghiệp lãnh đạo Đảng vốn đòi hỏi một cá nhân phải kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo Đảng và Chính Quyền ở các địa phương và trung ương. Đây là tiêu chuẩn mà các ông Phạm Bình Minh (chỉ ở ngành ngoại giao) và Nguyễn Chí Vịnh (chỉ ở quân sự) cùng nhiều người khác không đạt được.

b- Ông Lê Mạnh Hà xuất thân là sĩ quan quân đội, đã từng là thành ủy viên Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh, Giám Đốc Sở Thông Tin – Truyền Thông Thành phố Hồ Chí Minh, và trở thành một vị “hàm thứ trưởng” với chức vụ Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ. Như vậy, ông thực sự đáp ứng cái mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh luôn chỉ quan tâm đến, đó là: phải là “người” của Thành phố Hồ Chí Minh,

c- Là con trai Chủ Tịch Nước Lê Đức Anh, ông đã không cậy thế lực của cha để leo lên cao trên bước đường chính trị: vào thời điểm cha còn ở tột đỉnh quyền uy, ông chỉ là một chuyên viên, bắt đầu”làm quan” sau khi cha nghĩ hưu được 6 năm.

d- Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hân hoan chào đón “anh bạn” Nguyễn Thiện Nhân, chứ không thể chấp nhận ông Lê Mạnh Hà vì ông Lê Mạnh Hà thời còn ở Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra tay “trảm tướng” khi phát hiện bất công tiêu cực trầm trọng, và chính ông đã gần như là vị lãnh đạo duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh công khai vạch ra các tì vết nghiêm trọng của công trình Rác Đa Phước mà chỉ có sự làm ngơ của lãnh đạo cao hơn ông cùng với sự điều chuyển ông ra nhận công tác khác ở trung ương mới khiến mãi đến 2017 mới có vụ thanh tra Đa Phước – chẳng qua mùi hôi nồng nặc của Đa Phước đã ngập ngụa không thể nào che giấu được những khu cao cấp “đáng sống” như Phú Mỹ Hưng.

Như vậy, chỉ có ông Lê Mạnh Hà mới “trị” được các đại quan tiêu cực ở Thành phố Hồ Chí Minh, làm họ run sợ, khiếp sợ.

Như vậy, chỉ có ông Lê Mạnh Hà mới bảo vệ được thanh danh của Đảng, bảo vệ được môi trường “đáng sống” của Thành phố Hồ Chí Minh.

Và trên hết, chỉ có ông Lê Mạnh Hà mới bảo vệ được người dân.

Nếu Đảng thực tâm muốn Thành phố Hồ Chí Minh thực sự cất cánh, Đảng chỉ còn một cách duy nhất là cử ông Lê Mạnh Hà vào làm Bí Thư Thành Ủy, bất kể ông chưa là Ủy Viên Bộ Chính Trị – m ột chức danh mà Trung Ương Đảng có thể dành cho ông sau hai năm thi thố thực quyền, thực uy tại Thành phố Hồ Chí Minh – và bất kể ông không là Nghị Sĩ – một chức danh lập pháp không thực sự tối cần thiết cho người nắm quyền bính vì chẳng hạn như Chủ Tịch Nước Trương Tân Sang gần như chẳng dự họp tổ thảo luận dự án luật với đoàn nghị sĩ Thành phố Hồ Chí Minh bao giờ còn các ông bà Bí Thư/Phó Bí Thư Lê Thanh Hải và Nguyễn Thị Quyết Tâm thì thường xuyên bỏ họp ở Quốc Hội để về họp ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đưa ông Lê Mạnh Hà vào làm Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh là phục vụ 6 mục đích gồm

(a) vinh danh người thực sự là vốn quý của Đảng về đức tài để làm gương cho toàn Đảng,

(b) chứng minh Đảng thực sự linh động vì luôn xem Thành phố Hồ Chí Minh trên hết,

(c) chứng minh Đảng hiểu rõ tâm tư tình cảm của người dân Thành phố Hồ Chí Minh,

(d) chứng minh Đảng sáng suốt trong công tác nhân sự,

(e) chứng minh Đảng biết chuẩn bị lực lượng kế thừa lãnh đạo Đảng bằng cách giao trọng trách có định lượng cụ thể cho nhân sự ưu tú, và

(f) chứng minh Đảng không bao giờ xem một địa phương cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế quốc dân như Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tạm trú cho một kẻ bất tài đã thất bại ở vai trò trước đó nay đến ẩn náu cho đến lúc về hưu.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bầy hầy tầy huầy khi có Bí Thư Thành Ủy là Nguyễn Thiện Nhân. Đây là lời khẳng định chính xác, không bao giờ sai. Ngay cả khi Nguyễn Thiện Nhân có thành công thì tất nhiên là nhờ đọc bài viết này, tự thấy xấu hổ, ra sức sửa sai, không “vầy đoàn” cùng đoàn quân lãnh đạo tài ba cỡ Phan Nguyễn Như Khuê.

Ngoài Ông Lê Mạnh Hà, không bất kỳ đảng viên cao cấp nào của Đảng Cộng Sản Việt Nam dù ở Thành phố Hồ Chí Minh hay ở đâu chăng nữa có thể lãnh đạo thành công cho một Thành phố Hồ Chí Minh thành công.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Nghị Sĩ Quốc Hội Việt Nam Khóa XIII

Tham khảo:

Tân Bí Thư Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng February 8, 2016

Về thực quyền, thực uy November 26, 2013

Rác Rến February 28, 2017

Both comments and trackbacks are currently closed.