Grab Taxi

Hoàng Hữu Phước, MIB

13-4-2018

Tôi thuộc loại khách hàng khó tính được tất cả các hãng sản xuất hàng hóa hữu hình và vô hình đẳng cấp thượng thặng thế giới ưa thích, vì chỉ có khách hàng khó tính mới là khách hàng trung thành bậc nhất.

Vì là khách hàng khó tính, tôi đã buộc tất cả các nhân viên lái xe của tôi chỉ được sử dụng xăng của Petrolimex kể từ khi mấy chục năm trước SaigonPetro bị phát hiện đã lén sử dụng xăng kém phẩm chất để rồi phải gỡ gạc bằng cách pha thêm phụ gia vào xăng với lập luận để gia tăng thời gian sử dụng xăng.

Vì là khách hàng khó tính, tôi đã buộc gia đình chỉ được sử dụng sữa của TH TrueMilk kể từ khi mấy chục năm trước Vinamilk bị phát hiện đã lén sử dụng sữa bột pha nước để làm “sữa tươi” bán ra thị trường.

Vì là khách hàng khó tính, tôi đã buộc gia đình chỉ được mua áo sơ mi của An Phước  cho tôi kể từ khi mấy chục năm trước Việt Tiến bị phát hiện đã lén sản xuất hàng nhái sản phẩm của đối tác Pierre Cardin làm nhục quốc thể.

Vì là khách hàng khó tính, tôi chỉ sử dụng giày bốt mũi nhọn (kiểu giày tôi thường mang từ cấp tiểu học) của VinaGiày kể từ khi mấy chục năm trước các thương hiệu giày bốt nội địa khác đã làm nhục tôi khi giày của họ mà tôi mang thi nhau ‘há mồm” ngay tại các hội nghị quan trọng ở nước ngoài, rồi sau này tôi tuyệt đối chấm dứt sử dụng giày bất kỳ của VinaGiày kể từ khi VinaGiày tự động dẹp bỏ khỏi các quầy của họ tất cả các giày bốt mũi nhọn (và các kiểu giày nam khác) mà thay vào đó 100% chỉ toàn là giày thường vừa dẹp lép vừa có mỏ vịt mũi vuông dẹt bẹt nghếch lên của những tên ca sĩ sân khấu mà nhân viên bán hàng ngu xuẩn dám phán với tôi rằng đó là thời thượng thời trang.

Tương tự, vì là khách hàng khó tính, tôi chỉ sử dụng bông băng y tế của Bảo Thạch, chỉ mua PepsiCola vì PepsiCola đã đón mừng hết sức trọng thể tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh ngày Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong khi mãi về sau CocaCola mới mon men vào Việt Nam và ra tay tiêu diệt ngay doanh nghiệp sản xuất nước ngọt của Thành Phố Hồ Chí Minh lừng danh từ thời Việt Nam Cộng Hòa, chỉ sử dụng từ điển Anh-Anh của Webster, chỉ sử dụng từ điển Anh-Việt và Việt-Anh của Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội, không bao giờ “sinh hoạt” trên Facebook, vĩnh viễn không bao giờ đọc báo Việt Nam kể từ sau khi báo chí tiến hành cuộc tổng công kích chống nghị sĩ Hoàng Hữu Phước vụ “Luật Biểu Tình” và “Tứ Đại Ngu”, v.v. và v.v.

Vì là khách hàng khó tính, tôi chỉ sử dụng xe taxi Vinataxi kể từ khi hơn chục năm trước các taxi AirPort ở Phi Trường Tân Sơn Nhất đã vừa không cho tôi lên xe Vinataxi nào thả du khách xuống sảnh sân bay, vừa không có tài xế Airport taxi nào muốn phục vụ tôi sau khi hỏi rôi biết quãng đường tôi sẽ đi là từ sân bay về Ngã Tư Phú Nhuận quá ngắn ngủn.

Vì là khách hàng khó tính, tôi chỉ sử dụng xe taxi Mai Linh kể từ khi hơn chục năm trước chỉ có Mai Linh phục vụ tại tất cả các thành phố lớn nơi công ty tôi làm việc có chi nhánh và chỉ có Mai Linh có phát hành thẻ MCC nhờ đó toàn bộ 400 nhân viên của công ty trên toàn quốc được phục vụ phương tiện đi lại do công ty đài thọ thanh toán sau với Mai Linh.

Vì là khách hàng khó tính, tôi chỉ sử dụng xe taxi Grab kể từ khi Mai Linh và Vinasun có tần suất ngày càng dày hơn của 8 tiêu cực như

(a) tình trạng vệ sinh nội thất xe,

(b) tình trạng vệ sinh ngoại hình xe,

(c) tình trạng trang phục nhễ nhại bèo nhèo của tài xế ắt do bị buộc thắt cravat,

(d) tình trạng chậm đến đón khách,

(e) tình trạng lẳng lặng bỏ không đến đón khách,

(f) tình trạng bất tiện khi đặt xe bằng điện thoại vì phải qua “tương tác” lời thoại dông dài trực tiếp với nhân viên tổng đài,

(g) tình trạng tài xế giả lờ không bật máy lạnh để tiết kiệm xăng, và chưa kể

(h) có đồn đại từ cánh tài xế rất nhiều năm trước song không thể kiểm chứng rằng có hãng đã nhập xe với yêu cầu nhà sản xuất thiết kế bánh xe cỡ nhỏ hơn để vốn đầu tư mua xe thấp hơn có chất lượng thấp hơn.

Vì là khách hàng khó tính, tôi chỉ sử dụng xe Grab và Uber do cả hai đã không có 8 tiêu cực kể trên, đã vậy họ lại có điểm đặc biệt mang tính lịch sử của văn hóa sử dụng phương tiện công thời đại mới như đã từng đánh dấu trong lịch sử Việt Nam như từ xe thổ mộ ngựa kéo sang xe đạp thồ, từ xe đạp thồ sang xe xích lô đạp, từ xe xích lô đạp sang xe xích lô máy, từ xe xích lô máy sang xe Lambretta, từ xe Lambretta sang xe taxi Renault, rồi từ xe taxi Renault đến xe taxi đầu tiên của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Vinataxi, để rồi sau đó từ đồ dần dà xuất hiện các hãng taxi Festival, Saigontourist, Airport, Mai Linh, và Vinasun, v.v. và v.v., cho đến khi xuất hiện hình thức gọi là “taxi công nghệ” trên nền tảng ban đầu của “sử dụng chung” các phương tiện “nhàn rỗi” của chủ xe.

Vì là khách hàng khó tính, tôi hiện nay chỉ sử dụng xe Grab cho các nhu cầu đi lại của cá nhân và gia đình.

Vì là khách hàng khó tính, tôi hiện chỉ sử dụng xe Grab (sau khi có sự biến mất của Uber) vì duy chỉ tất cả những nét đặc thù trên, mà chưa bao giờ trên cơ sở “giá rẻ” cả. Việc Grab định ra mức lấy bao nhiêu phần trăm của tài xế là chuyện của Grab, tôi hoàn toàn không quan tâm. Việc Grab định ra các đợt khuyến mãi là chuyện của Grab, tôi hoàn toàn không quan tâm. Việc tài xế chấp nhận làm đối tác với Grab là chuyện của tài xế, tôi hoàn toàn không quan tâm. Chuyện Grab thuế má thế nào là chuyện của Nhà nước “pháp quyền” của Việt Nam hiệu quả ra sao, tôi hoàn toàn không quan tâm “lấn sân”. Chuyện Grab nhận các thuận lợi hơn nào so với taxi loại công ty mà thiên hạ gợi trớ đi là “truyền thống” thì chả khác gì tranh biện xem xe đạp thồ nhận ưu ái nào hơn từ chính quyền thuộc địa so với xe thổ mộ ngựa kéo mà thiên hạ thủa xưa chưa biết gọi nó là “truyền thống” thì đó là chuyện của hệ thống luật pháp Việt Nam mà mọi người cứ tuân thủ, tôi hoàn toàn không quan tâm. Và còn hàng tá cái “vì’ khác, với cái kết là “vân vân và vân vân”.

Vì vậy, tôi ngạc nhiên khi thấy nào là

(a) công ty này công ty nọ dồn tiền xây dựng công nghệ để thế chỗ Uber, nào là

(b) công ty này công ty nọ dồn tiền xây dựng công nghệ để cạnh tranh với Grab, nào là

(c) nguyên tài xế Uber đa số không muốn gia nhập Grab, nào là

(d) các công ty nội địa muốn thế chỗ Uber và cạnh tranh với Grab tuyên bố sẽ cạnh tranh về giá/khuyến mãi/tỷ lệ ăn-chia với tài xế sẽ y như Uber tức thấp hơn Grab, nào là

(e) người tiêu dùng bối rối băn khoăn sau khi Uber ra đi, và nào là, nào là, nào là…

Trong số các điều làm tôi ngạc nhiên nêu trên, tôi phải nói rằng chủ nhân các công ty/doanh nghiệp lăm le “thế chỗ Uber” và “cạnh tranh Grab” trên đã không nhận biết những điều cơ bản trong kinh doanh sau:

1) Sử dụng công nghệ trong tạo thế cạnh tranh là việc lẽ ra đã phải tự tiến hành theo kiểu sáng tạo khai phá hoặc kiểu mô phỏng theo đuôi, chứ sao lại phải đợi chờ đến khi có sự rút lui của một “đại gia nước ngoài” nào đó?

2) Cạnh tranh về đơn giá, về các chương trình khuyến mãi, về tỷ lệ ăn-chia với tài xế, trong khi chẳng hiểu rằng cạnh tranh phải trên cơ sở cái cốt lõi vì sao khách hàng ưa chuộng Grab và Uber (tức vừa không có 8 cái tiêu cực của “truyền thống” vừa có 1 điểm đặc biệt đặc thù mang tính lịch sử không-bao-giờ-có-thể-xoay-chuyển-ngược-lại của Grab và Uber) nên những số tiền khổng lồ bỏ ra “cạnh tranh” nhằm thu được các khoản ít hơn đối thủ thì cách chi sẽ không dẫn đến sai lầm sai lạc vong thân?

3) Các công ty đang hoạt động trên mô hình kinh doanh nào mà lại làm cùng lúc 2 cái việc quái gở của vừa (a) cạnh tranh với Grab về hạ giá/tăng khuyến mãi/hạ tỷ lệ ăn-chia với tài xế, vừa (b) nắm đầu lôi xềnh xệch Grab ra chốn pháp đình nhằm tước bỏ các “đặc quyền” của Grab mà oái oăm thay các “đặc quyền” ấy lại chính là những cái mà “phe truyền thống” muốn mong có được để “cạnh tranh”.

Trong số các điều làm tôi ngạc nhiên trên, tôi phải nói rằng những tài xế nào không muốn về Grab chứng tỏ họ không thuộc nhóm mà các tiêu chí ban đầu của Grab và Uber và các hình thức tương tự khác tại các nước khác nhắm đến. Điều này cho thấy nhóm các tài xế này đã vay nợ ngân hàng mua xe để “chạy Grab” hay “chạy Uber”, tức trở thành tài xế chuyên nghiệp ngành “vận chuyển hành khách”, chứ không là chủ nhân các xe “nhàn rỗi”. Họ đã không hiểu đối tượng họ phục vụ cần gì, mà chỉ nhằm đến việc họ có đạt được tỷ lệ ăn-chia cao hơn hay không.

Trong số các điều làm tôi ngạc nhiên trên, tôi phải nói rằng chi tiết mà “báo hình” (tức tivi) nêu rằng khách hàng “bối rối băn khoăn” làm tôi nghi ngờ có sự yếu kém trong tác nghiệp của “nhà báo”, vì rằng chỉ có khách hàng ngây thơ mới chỉ sử dụng có mỗi “app” của Uber để sử dụng phương tiện phục vụ của Uber, vì rằng nếu nói khách hàng của Uber “bối rối băn khoăn” thì sẽ tự động đương nhiên đồng nghĩa về ngôn ngữ rằng “khách hàng của Grab mừng húm thở phào nhẹ nhõm hùa nhau nhảy múa hoan ca rằng chúng ta khỏe ghê vì khỏi phải xóa app Grab để chép app Uber!

Cuối cùng, xin nêu một sự thật mang tính đẳng cấp….“hội nhập” vốn là từ ngữ sính được sử dụng hơn chục năm nay ở Việt Nam rằng:

Sau chuyến nghỉ dưỡng nửa tháng ở Singapore đầu năm 2017, tôi toàn đi lại ngao du đó đây mỗi ngày bằng xe Grab; và khi về Việt Nam, tôi ngạc nhiên khi được Grab gởi tin nhắn “nhắc khéo” rằng tôi nên sử dụng điểm thưởng trước ngày tháng nào của năm 2018. Khi kiểm tra tôi thấy có số điểm thưởng mà tiếng bình dân gọi là “khủng”, khiến tôi phải mày mò bấm này bấm nọ lung tung để tìm hiểu nó muốn ám chỉ điều chi, và cuối cùng đọc được một danh sách chi tiết ghi nhận tất cả các chuyến đi Grab của tôi ở Singapore đã được tự động chú thích bao nhiêu tiền đô-la Singapore mỗi chuyến và tự động đổi sang thành bao nhiêu điểm dành cho tôi ở Việt Nam. Thế là tôi lại có rất nhiều chuyến đi lại bằng Grab miễn phí ở Việt Nam để trừ dần cho hết số điểm cứ gia tăng hoài  ấy.

Do đó, tôi tiếp tục ủng hộ Grab, và rất muốn rồi sẽ có dịch vụ xe nào khác của Việt Nam “tương tự Grab” để chép app của họ và sử dụng dịch vụ của họ phụ kèm với Grab vì sẽ rất ngạc nhiên nếu người hoạt động chủ động tích cực hiệu quả như tôi mà lại chỉ sử dụng có một app duy nhất. Tôi đã chọn sử dụng dịch vụ vận chuyển hành khách “tân thời” của cả Grab và Uber, nên tôi tất nhiên sẽ không sử dụng dịch vụ nào chống lại mô hình dịch vụ của Grab/Uber hoặc thấp hơn chất lượng mô hình dịch vụ của Grab/Uber. Nếu hô hào về giá thấp hơn cùng khuyến mãi nhiều hơn với tỷ lệ tốt hơn cho tài xế, sẽ đồng nghĩa với việc hóa ra khinh thường khách hàng vì họ là “vua/thượng đế” mà chẳng hề quan tâm đến chất lượng phục vụ cao nhất chẳng qua vì họ là “vua/thượng đế nghèo” sao?  Khuyến mãi là hành động bày tỏ sự tôn vinh tôn kính tôn trọng đền đáp sự ủng hộ quý báu của khách hàng quý giá, chứ không được là mồi dẫn dụ thu hút khách hàng. Không hiểu được điều này mà vung tiền ra đầu tư cho cái sự cạnh tranh thì không cần là nhà tiên tri thấu thị cũng có thể thị thấu về một mức thành công tí tẹo mà thôi.

Đơn giản vì tôi là khách hàng cực kỳ khó tính, tức là khách hàng hết mực trung thành, nghĩa là thuộc nhóm khách hàng được tất cả các hãng sản xuất hàng hóa hữu hình và vô hình đẳng cấp thượng thặng trên thế giới thích ưa.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Both comments and trackbacks are currently closed.