Công Dân Hồ Thị Kim Chung

Hoàng Hữu Phước, MIB

16-4-2018

Ít nhất trong ba bài viết trước đây tôi có nhắc đến tên của công dân Hồ Thị Kim Chung.

Do thói quen từ nhỏ cẩn-trọng-không-bao-giờ-thay-đổi, mỗi khi nói chuyện với nam nhân viên tôi chỉ xưng “anh” (hoặc “mình”) và gọi họ là “em” (hoặc gọi tên), trong khi với nữ nhân viên thì tôi chỉ xưng “tôi” và chỉ gọi họ là “cô”. Bằng cách này tôi vừa triệt tiêu toàn bộ những cái hoàn toàn kém chuyên nghiệp trong xưng hô chốn công sở ở Việt Nam vốn cứ bác bác cháu cháu anh anh em em luông tuồng cớt nhã giữa nữ và nam, vừa dựng lên rào chắn chặn ngăn các quan hệ luyến ái chực chờ rình rập. Đó là lý do vì sao nếu các nhân viên của tôi thấy tôi dùng “anh” và “em” với một nhân vật nữ nào đó thì họ hiểu ngay rằng cô ấy đích thị là “em gái ruột”, “em gái bà con”, “em dâu”, “học trò ruột”, hay “em gái kết nghĩa”, tức chỉ những nữ nhi nào tuy không phải trong gia đình nhưng đã thực sự giỏi giang và dành cho tôi lòng tôn kính trung tín trung thành trung hậu trên cả tuyệt vời.

Đó là lý do khi nói chuyện với công dân Hồ Thị Kịm Chung qua điện thoại, tôi dùng chữ “Cô” và xưng “Tôi”; còn khi viết công văn chính thức thì tất nhiên tôi dùng chữ “Bà”. Trong bài này tôi sẽ gọi công dân Hồ Thị Kim Chung là “Chị”.

Bức thư sau đây cung cấp chi tiết về lúc Chị Kim Chung liên lạc với tôi ở Hà Nội:

Ho Thi Kim Chung (2)

Chị Kim Chung thủa ấy ngụ tại Số 6 Ngách 28/31 Ngõ Văn Hương, Tôn Đức Thắng, Quận Đống Đa, Hà Nội;

Theo xấp đơn thư khiếu tố và tài liệu Chị gởi tôi, từ rất nhiều năm trước đã có một bộ đội đào ngũ bỏ về địa phương Hà Nội, đút lót để được an thân; và sau một lần gây gỗ với Chị, có đánh đập Chị,  đã dùng xe đạp – có người chứng kiến – chở đứa em trai duy nhất nhưng bị thiểu năng trí tuệ của Chị đi mất cho đến tận ngày nay, mà Chị cho rằng kẻ thủ ác đã ra tay sát hại rôi vùi xác đâu đó.

Trong các hồ sơ kiên trì khiếu tố đòi lại công bằng nhiều chục năm qua, Chị có đính kèm ảnh chụp Chị mình trần để bịnh viện làm giấy chứng thương cho những vết bầm đen trên mặt, cổ, ngực, bụng, tay của Chị, mà Chị cáo buộc rằng do tên đào ngũ giết em Chị gây ra.

Sau rất nhiều năm theo đuổi khiếu tố, và sau những lần bức xúc mất kềm chế, Chị có đã vi phạm luật pháp về trật tự và bị xử lý song Chị vẫn một mực kêu oan.

Nhận thấy (a) hồ sơ đã không được trình bày khúc chiết và (b) có một sự thật là tòa án đã chỉ xử khi Chị Kim Chung bức xúc gây rối trật tự chứ không thực hiện tố tụng theo đơn tố cáo ban đầu của chị từ rất nhiều chục năm trước đó, tôi đã

1) Tháng 12-2014 đề nghị hỗ trợ Chị Kim Chung trong hệ thống hóa lại các nội dung khiếu tố kêu oan của chị;

2) Đề nghị hỗ trợ Chị Kim Chung chi phí in ấn photocopy tài liệu bổ sung theo yêu cầu của tôi; và

3) Chuyển hồ sơ hoàn chỉnh đến Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang tháng 2-2015 với yêu cầu nghiêm túc chỉ đạo xem xét nội dung khiếu tố này của công dân, không tiếp tục để kéo dài vô hạn

Ho Thi Kim Chung (1)

Điều không may là tôi vướng bịnh phải nhập viện ngay sau đó, và không thể ra Hà Nội dự Kỳ Họp 9 Quốc Hội Khóa XIII đầu năm 2015. Không thấy tôi có mặt ở Hà Nội, Chị Kim Chung đã vội tìm hiểu lý do, và đã liên tục gọi vào điện thoại của tôi. Chị đã làm gia đình tôi rất cảm động vì chị cho biết Chị đã đến các chùa, các đền, các am để hàng ngày cầu nguyện cho tôi, thậm chí đã cố tìm ra phương thuốc thần bí bổ dưỡng cho tôi với công thức dùng một quả tim lợn còn nóng đưa cho các “thầy” trấn yểm rồi sẽ tìm cách gởi nhanh vào cho tôi ăn trọn quả. Tôi đã phải viện cớ rằng tôi sẽ thuật cho vợ tôi ghi nhớ “công thức” rồi thực hiện ngay một quả tim tương tự, nên Chị Kim Chung yên tâm, đừng gởi vào vì thế sẽ chậm, quả tim sẽ bị ôi thiu, chưa kể có thể tôi sẽ bị chuyển viện, v.v.

Thế là mỗi ngày Chị ấy đều điện thoại cho tôi để yên tâm tôi có đã ăn quả tim lợn và đang ngày càng tốt hơn. Tôi xin lỗi Chị vì do bịnh đã phải tạm ngưng can thiệp việc khiếu tố của Chị. Thật cảm động khi Chị bảo Chị chỉ lo cho tôi được bình an tai qua nạn khỏi chứ không còn nghĩ đến việc em trai bị giết oan, vì “đại biểu có khỏe mới giúp dân giúp nước được”.

Vài tháng sau, trong lúc đang tịnh dưỡng, bỏ luôn Kỳ Họp 10 Quốc Hội Khóa XIII cuối năm 2015, tôi nhận được điện thoại và nghe thấy tiếng khóc của một người đàn ông: “Bác Phước ơi, nhà em mất rồi, mới đi sáng nay rồi”.

Tôi rơi nước mắt, nhờ anh ấy thắp hộ tôi cây nhang tiễn biệt, hứa khi ra Hà Nội sẽ đến vái lạy “Cô” Kim Chung.

Thế rồi, đầu năm 2016 tôi một mình chống gậy bay ra Hà Nội dự Kỳ Họp chót của Quốc Hội Khóa XIII.

Ra đến nơi, tôi phone vào cả hai số phone mà tôi biết là 01259163xxx và 01687953xxx, nhưng không ai bắt máy. Tôi gởi tin nhắn vào cả hai phone, báo tin tôi đã ra Hà Nội, xin gia điình vui lòng gọi lại hoặc nhắn tin cho tôi biết nên đến lúc mấy giờ để viếng Chị Kim Chung và thăm gia đình.

Khi thấy nhiều ngày trôi qua vẫn bặt vô âm tín, tôi viết một bức thư, rồi ra trước cửa Nhà Khách Trung Ương Đảng 8 Chu Văn An là nơi tôi cư trú khi ra họp Quốc Hội, nơi có lực lượng hùng hậu cựu chiến binh chạy xe ôm, để nhờ đem thư ấy đến gia đình Chị Kim Chung. (Tôi rất được các cựu chiến binh mến thương vì tôi hay nhờ các anh làm việc này việc nọ, lúc thì đem chiếc cặp tôi đi sửa, lúc thì đi photocopy các tài liệu hoặc bài phát biểu của tôi hoặc công văn tôi can thiệp cứu dân, mà lần nào tôi cũng hỏi tiền xe từ đây đến đấy bao nhiêu để tôi trả gấp đôi nghĩa là đài thọ luôn chuyến trở về Nhà Khách, cộng thêm tiền chờ đợi sửa xong hoặc in xong, và tất nhiên cả tiền trả trước cho chi phí sửa cặp hoặc photocopy tính theo giá “chặt chém’ ở Sài Gòn mà tôi rất quen thuộc. Trong đa số các lần các anh đi xong việc giúp tôi là các anh chạy xe về nhà luôn, sáng hôm sau sẽ trở lại Nhà Khách làm việc tiếp, do ngày hôm ấy đã “đủ sở hụi”).

Tuy nhiên, bức thư được nhét qua khe cửa đó đã không có người nhận được.

Kết thúc Kỳ Họp, tôi một mình trở về Thành Phố Hồ Chí Minh. Một mình vì tôi không cùng về chung với đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh vào tối hôm trước đó. Tôi vừa có hẹn gặp hai vợ chồng nhà giáo người Úc (ông bà Linsay Dodd) xin đến vấn an tôi tại Nhà Khách, vừa chủ ý chờ xem có nhận được tin gì của gia đình Chị Kim Chung không.

Hai ngày sau ở Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi nhận được cuộc gọi từ Hà Nội, báo tin đã nhận được thư tay của tôi, và cung cấp cho tôi một số tin tức về những chăm lo hậu sự cho Chị Kim Chung.

Tôi lại nhỡ và chưa biết bao nhiêu năm nữa tôi mới có dịp trở ra Hà Nội dể đến viếng Chị Kim Chung, cũng như để lững thửng bước đi trên phố vắng đến Chợ Ngọc Hà, nơi có lần tôi bắt gặp những công dân lực lưỡng, rạm nắng, trần trùng trục ngồi uống trà chốn ven đường, và họ ùa ra giơ nắm đấm vây lấy tôi “Có phải Bác Phước ở Thành Phố Hồ Chí Minh không? Cố lên Bác nhé! Mắng tiên sư bọn nó! Chúng em ủng hộ Bác!” Thôi thì qua đôi dòng ngắn ngủn này mong Chị Kim Chung dù sự kiên trì đấu tranh nhiều chục năm nay đi tìm công lý đã trở thành bất khả muôn đời thì Chị vẫn còn có thể gặp lại đứa em trai mình ở cõi hư vô vạn đời trong sạch.

Sẽ không gì sánh được tình cảm của người dân, và do đó tôi xin cảm ơn gia đình công dân Hồ Thị Kim Chung đã ngay khi Chị ấy rời xa trần thế đã lập tức phone báo tin cho tôi cứ như thể xem tôi như người mà Chị kỳ vọng xiết bao trong những tháng cuối đời, gần gũi tôn trọng biết bao, dù cho tôi đã như một kẻ bất tài vô dụng bị bịnh vặt quật ngã ngay vào thời điểm Chị đã thử cố thêm một lần kỳ vọng sau ngần ấy năm thất vọng và tuyệt vọng không người cứu giúp.

Xin một lần nữa chân thành tỏ lòng biết ơn đến tất cả, đối với những phần thưởng tinh thần vô giá mọi người đã rộng lượng ban tặng cho tôi dù tôi vẫn là kẻ chưa làm nên điều gì ích lợi cụ thể và hiệu quả để giúp nước, giúp dân.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Hồ Thị Kim Chung:

Xin Cảm Ơn.  26-11-2015

Báo cáo Việc Thực Hiện Chương Trình Hành Động Suốt Nhiệm Kỳ Quốc Hội Khóa XIII 2011-2016 Của Đại Biểu Hoàng Hữu Phước.  30-11-2015

Đối Phó Với Sự Xơ Cứng Vô Cảm Của Chức Sắc Xử Lý Đơn Thư Khiếu Tố Của Người Dân. 28-12-2015

Both comments and trackbacks are currently closed.