Dấu Hiệu Quy Chụp Nhằm Bớt Tội Cho Tội Phạm Tham Nhũng, Và Sự Vi Phạm Nguyên Tắc Suy Đoán Vô Tội Của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Số 101/2015/QH13 Trong Bản Kết Luận Điều Tra Đại Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á

07April2018

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

————

Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 04 năm 2018

Ref. CV004/HHP-2018

 

Kình gửi: Ông Lê Minh Trí, Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao

 

Bản sao kính gửi: Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng

Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Trần Quốc Vượng

Phó Chủ Tịch Quốc Hội, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ

 

V/V: DẤU HIỆU QUY CHỤP NHẰM BỚT TỘI CHO TỘI PHẠM THAM NHŨNG, VÀ SỰ VI PHẠM NGUYÊN TẮC SUY ĐOÁN VÔ TỘI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ SỐ 101/2015/QH13 TRONG BẢN KẾT LUẬN ĐIỀU TRA ĐẠI ÁN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐÔNG Á.

 

Kính thưa Ông Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao:

 

Tôi ký tên dưới đây là Hoàng Hữu Phước, Nghị Sĩ Khóa XIII, kính lời chào trân trọng đến Ông Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao và kính trình bày cùng Ông nội dung sau có liên quan đến dấu hiệu quy chụp tội danh nhằm bớt tội cho tội phạm tham nhũng, vi phạm Hiến Pháp 2013 và vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội của bộ Luật Tố Tụng Hình Sự số 101/2015/QH13 trong Bản Kết Luận Điều Tra đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á.

 

I- Các Vấn Đề Cần Làm Rõ Có Liên Quan Đến Đại Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á

 

Nguyên vào ngày 30/08/2017 tôi có nhận được lời kêu cứu của công dân Nguyễn Thị Ái Lan, nguyên Trưởng Phòng Nguồn Vốn Hội Sở Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á qua “Đơn kêu cứu khẩn cấp về việc cơ quan điều tra ép cung người vô tội trong Đại án Ngân hàng TMCP Đông Á”, tôi đã chuyển đơn kêu cứu của công dân này đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng với bản sao đến Phó Chủ Tịch Quốc Hội Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ.

Ngày 22-02-2018 tôi gửi tiếp công văn số CV001/HHP-2018 đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ Tịch Quốc Hội Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ để nêu các ý kiến quan ngại của tôi đối với tiền đồ Tổ Quốc từ đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á, và với tư cách Đại Biểu Quốc Hội khóa XIII đề nghị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương tiến hành điều tra làm rõ các nội dung đã được nêu tại công văn đã dẫn như sau:

a) Theo thông tin tôi nhận được từ nội bộ Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á, Trung Tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An, người lãnh đạo toàn bộ hệ thống điều tra và trại giam, được cho là anh ruột của Ông Trần Văn Đình, đang là thành viên Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á, chưa kể còn có sự xuất hiện của một nhân vật họ Trần Văn được cho là anh em ruột của cả hai ông Trần Văn Vệ và Trần Văn Đình đã kịp rút một khoản tiền rất lớn khỏi Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á vài ngày trước khi ngân hàng này bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Điều này đặt ra nghi vấn đã có sự tiết lộ thông tin tuyệt mật của Nhà Nước nhằm giải vây cứu nguy cho phe nhóm có quan hệ chằng chịt giữa các thân nhân tướng lĩnh Bộ Công An trong đại án tham nhũng này. Chưa kể, Trung Tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An, là nhân vật nếu dựa theo nội dung báo chí chính thống của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì đã bị cho là chưa hề có bất kỳ danh tiếng liêm chính chí công vô tư nào trong suốt thời gian làm chức sắc Bộ Công An tại tỉnh Thái Bình.

b) Cũng trong đại án này, nhất thiết phải điều tra rõ vai trò của Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh là cổ đông lớn góp vốn có cử đại diện của Thành Ủy làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á trong suốt nhiều năm dài, mặc nhiên có trách nhiệm liên đới đến các sai phạm cực kỳ nghiêm trọng tại chính ngân hàng này, và do đó nhất thiết phải làm rõ những vấn đề của Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh như nguồn tiền/vàng, lượng tiền/vàng gởi tại Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á, quan chức cụ thể nào của Thành Ủy phải chịu trách nhiệm về sự suy sụp của ngân hàng này; còn về mặt Đảng thì quan chức nào phải chịu xử lý kỷ luật Đảng vì đã đề cử nhân vật của Thành Ủy ra làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của ngân hàng ấy.

c) Việc Phó Tổng Giám Đốc Ngân Hàng TMCP Đông Á hiện nay là Ông Nguyễn An lại chính là cháu vợ của Tổng Giám Đốc Trần Phương Bình; Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng Giám Đốc là em dâu của Ông Trần Phương Bình. Ông Nguyễn Ngọc Trân, người nhiều năm là Giám Đốc Khối Công Nghệ có toàn quyền và có năng lực can thiệp hay chỉnh sửa vào hệ thống của ngân hàng lại chính là em ruột của Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nghĩa là cùng có quan hệ thân tộc với Ông Trần Phương Bình, là việc lũng đoạn rõ nét của gia đình trị nhưng đã hoàn toàn bị làm ngơ bởi cơ quan chủ quản nào của Nhà Nước pháp quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và tất nhiên cơ quan hay những cơ quan ấy phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật và trước Đảng.

Từ ba nội dung trên đã dẫn đến tâm lý bất an tuyệt đối chính đáng của công dân Nguyễn Thị Ái Lan cùng gia đình rằng rất có thể sự tồn tại của các quan hệ “quyền lực” và “mật thiết” nêu trên ắt sẽ tạo nên sự thiên lệch hoặc ngụy tạo chứng cớ để đổ oan cho người vô tội hoặc biến lỗi thành tội nhằm gánh thay tội  hay gánh bớt tội cho những đối tượng thân nhân của các mối quan hệ quyền lực mật thiết ấy, ngày 30/08/2017 công dân Nguyễn Thị Ái Lan gởi tiếp đến tôi “Đơn kêu cứu khẩn cấp về việc cơ quan điều tra ép cung người vô tội trong Đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á” và tôi cũng đã chuyển đơn kêu cứu ấy đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

 

II- Các Vấn Đề Cần Làm Rõ Tại Kết Luận Điều Tra Số 28/C46-P10 Của Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An Chuyển Sang Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Đề Nghị Truy Tố Vụ Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á

 

Ngày 03-4-2018 các phương tiện truyền thông đại chúng đã đồng loạt đăng nội dung bản Kết Luận Điều Tra số 28/C46-P10 do Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đề nghị truy tố vụ án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á.

Điều 31, Khoản 1, Hiến Pháp 2013, quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Thi hành hiến pháp, Điều 13 Bộ luật Tố Tụng Hình Sự số 101/2015/QH 13 đã quy định nguyên tắc suy đoán vô tội rằng“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Tuy nhiên, theo nội dung của bản Kết Luận Điều Tra số 28/C46-P10 đã có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm tham nhũng, vi phạm Hiến Pháp 2013 và vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội của bộ Luật Tố Tụng Hình Sự số 101/2015/QH13  khi có các kết luận quy chụp đối với công dân Nguyễn Thị Ái Lan rằng

19- Đối với bị can Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng nguồn vốn Hội sở DAB) phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS năm 1999, trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép (352.901.093.798 đồng) và chi lãi suất ngoài trái phép (467.892.636.000 đồng), gây thiệt hại cho DAB tổng số 820.793.729.798 đồng nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này. Quá trình điều tra Nguyễn Thị Ái Lan không hợp tác làm việc, khai báo không thành khẩn, né tránh trách nhiệm nên đề nghị xử lý nghiêm trong quá trình truy tố, xét xử”

mà tôi xin có các nhận xét phản biện như sau:

A- Vấn Đề “Trách Nhiệm” Của Công Dân Nguyễn Thị Ái Lan Trong Đại Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á

Theo nội dung “ Đơn kêu cứu khẩn cấp về việc cơ quan điều tra ép cung người vô tội trong Đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á” trước đây đã gửi Đại Biểu Quốc Hội Khóa XIII Hoàng Hữu Phước, công dân Nguyễn Thị Ái Lan đã có nêu bốn điểm chính sau:

1) Liên quan đến việc Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á giữ hộ vàng của Văn Phòng Trung Ương Đảng từ năm 2009 đến năm 2016 với số lượng hơn 11 ngàn lượng vàng (hơn mười một ngàn lượng vàng), công dân này cũng như các đồng nghiệp khác đều biết ngân hàng có thực hiện việc trả lãi giữ hộ vàng cho Văn Phòng Trung Ương Đảng trước khi có Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 27/07/2012 và đã ngưng trả lãi giữ hộ vàng chỉ thu phí giữ hộ vàng của Văn Phòng Trung Ương Đảng theo quy định của chỉ thị 05/CT-NHNN ngày 27/07/2012. Do vậy, cá nhân công dân này không thể chịu trách nhiệm hay liên đới chịu trách nhiệm đối với một việc “đại sự” có liên quan đến Trung Ương Đảng như thế.

2) Căn cứ quyết định số 1803/QĐ-DAB ngày 26-8-2013 về việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của khối kinh doanh – nguồn vốn do Tổng Giám Đốc ký ban hành có hiệu lực ngày 26-8-2013, Điều 4 mục 4.3 có quy định về nhiệm vụ của Phòng Nguồn Vốn nhưng không có chi tiết nào có nội dung rằng cá nhân công dân Nguyễn Thị Ái Lan  được phân công thực hiện các hoạt động liên quan đến việc niêm phong, đóng gói vàng, phân loại vàng, phân biệt giữa vàng kinh doanh và vàng giữ hộ, ghi chi tiết từng loại vàng tồn quỹ, lưu các chứng từ liên quan đến vận chuyển vàng hay điều chuyển vàng giữa các đơn vị trực thuộc và Hội sở, quy định nội bộ về hạch toán vàng, cũng như sử dụng vàng giữ hộ để kinh doanh. Vì vậy, công dân Nguyễn Thị Ái Lan đương nhiên hoàn toàn không có bất kỳ trách nhiệm nào hoặc liên đới chịu bất kỳ trách nhiệm gì đối với các hoạt động nêu trên nếu các hoạt động ấy được chứng minh là sai phạm và vi phạm luật pháp quốc gia.

3) Ngoài ra, không có sự tồn tại các văn bản nội bộ nào của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á từng phân công hay bổ nhiệm công dân Nguyễn Thị Ái Lan phụ trách việc kinh doanh hoặc phụ trách hướng dẫn về hạch toán cũng như về các nội dung như (a) tuân thủ các quy định tại thông tư số 17/2014/TT- NHNN ban hành ngày 01/08/2014 của Thống Đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đối với việc quy định phân loại, đóng gói, giao nhận, kim khí quý, đá quý có hiệu lực kể từ ngày 15/09/2014, (b) hạch toán theo hướng dẫn nêu tại công văn 5376/NHNN-TCKT ngày 23/08/2012 của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, cũng như (c) việc tuân thủ chỉ thị 05/CT-NHNN ngày 27/04/2012 về việc sử dụng vàng để kinh doanh mua bán và theo các văn bản quyết định, các quy định và quy trình của Ngân Hàng Đông Á. Vì vậy, công dân Nguyễn Thị Ái Lan đương nhiên cũng hoàn toàn không có bất kỳ trách nhiệm nào hoặc liên đới chịu bất kỳ trách nhiệm gì đối với các hoạt động nêu trên nếu các hoạt động ấy được chứng minh là sai phạm và vi phạm luật pháp quốc gia.

4) Tương tự, đã không có sự tồn tại các văn bản nội bộ nào của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á từng phân công hay bổ nhiệm công dân Nguyễn Thị Ái Lan làm thành viên của Ban Kiểm Quỹ và Hội Đồng Kiểm Kê. Công dân Nguyễn Thị Ái Lan còn khẳng định rằng chưa bao giờ nhận bất kỳ văn bản nào của Ban Kiểm Soát Nội Bộ, Ban Kiểm Toán Nội Bộ hay bất kỳ khối phòng ban nào trong nội bộ Ngân Hàng Đông Á hay bất kỳ cơ quan chức năng nào, nêu nội dung rằng công dân này đã không tuân thủ các quy định của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, của Ngân Hàng Đông Á, hay các chỉ thị, thông tư,hướng dẫn nêu trên. Vì vậy, đương nhiên công dân Nguyễn Thị Ái Lan hoàn toàn không có bất kỳ trách nhiệm nào hoặc liên đới chịu bất kỳ trách nhiệm gì đối với các hoạt động nêu trên nếu các hoạt động ấy được chứng minh là sai phạm và vi phạm luật pháp quốc gia.

Các điểm trên giúp làm rõ nghi vấn rằng đã có sự cố tình đổ ập lên đầu một “chức sắc cấp dưới” dù người này hoàn toàn không được phân công nắm quyền ra quyết định làm trái hay lãnh đạo/chỉ đạo thực hiện việc làm trái vẫn phải gánh tội thay cho những chức sắc quyền lực quản lý kinh tế những trách nhiệm kinh khủng đối với tội danh kinh khủng mang tên “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS năm 1999, trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép (352.901.093.798 đồng) và chi lãi suất ngoài trái phép (467.892.636.000 đồng), gây thiệt hại cho DAB tổng số 820.793.729.798 đồng” để đề nghị công dân này “phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này”.

B- Việc Cố Ý Làm Trái Quy Định Của Nhà Nước Về Quản Lý Kinh Tế Gây Hậu Quả Nghiêm Trọng Theo Điều 165 BLHS Năm 1999, Trong Việc Kinh Doanh Ngoại Hối Trái Phép (352.901.093.798 đồng) Và Chi Lãi Suất Ngoài Trái Phép (467.892.636.000 đồng),

Theo nội dung “ Đơn kêu cứu khẩn cấp về việc cơ quan điều tra ép cung người vô tội trong Đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á” trước đây đã gửi Đại Biểu Quốc Hội Khóa XIII Hoàng Hữu Phước, công dân Nguyễn Thị Ái Lan đã có nêu các điểm chính sau:

1) Hoạt động nhập khẩu ngoại tệ các năm 2006 và 2007:

Theo Kết Luận Điều Tra số 28/C46-P10 đã dẫn ở trên, vào năm 2006 và 2007 Ngân hàng TMCP Đông Á đã kinh doanh ngoại hối trái phép khi không có giấy phép kinh doanh ngoại tệ tại thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ở thời điểm này công dân Nguyễn Thị Ái Lan chỉ mới là nhân viên chưa phải là cấp Trưởng Phòng và chỉ có nhiệm vụ được minh định trong phân công là “căn cứ theo các văn bản Quyết định nhập khẩu ngoại tệ được ban hành bởi Ban Tổng Giám Đốc và phiếu đề nghị của Phòng Kinh Doanh chuyển sang” mà cứ“theo quy trình nghiêm nhặt của Ngân Hàng Đông Á” để “lập phiếu thu cho các lô nhập khẩu ngoại tệ”, và “sau khi lập phiếu thu” thì “chuyển toàn bộ các phiếu thu có đính kèm Quyết định nhập khẩu ngoại tệ được ban hành bởi Ban Tổng Giám Đốc và phiếu đề nghị của Phòng Kinh Doanh chuyển sang theo phiếu thu sang cho bên Kiểm soát của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á”.

Liên quan đến hoạt động ngoại hối của Ngân Hàng Đông Á, việc bảo đảm các hoạt động kinh doanh tuân thủ đúng theo giấy phép được cấp, cũng như trách nhiệm tiến hành các thủ tục xin giấy phép cho các hoạt động kinh doanh của ngân hàng này là thuộc Phòng Pháp Chế; còn nếu có phải chịu trách nhiệm hay liên đới chịu trách nhiệm trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại cho Ngân hàng thì đương nhiên phải là các lãnh đạo cấp cao như Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị (tại thời điểm phát sinh kinh doanh ngoại hối này thì do chức sắc của Thành ủy TP.HCM được cử làm người đại diện vốn cổ phần tại Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á) cùng các Thành viên Hội Đồng Quản Trị, Ban Kiểm Soát, Tổng Giám Đốc và các Phó Tổng Giám Đốc, chứ không thể quy chụp trọng tội bằng kết luận “phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS năm 1999, trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép” và “liên đới chịu trách nhiệm …” đối với công dân Nguyễn Thị Ái Lan khi ở thời điểm ấy công dân này chỉ là nhân viên cấp thấp phải làm nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp nhất theo đúng quy trình hoạt động bình thường nhất hằng ngày của guồng máy Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á.

Như vậy, công dân Nguyễn Thị Ái Lan đương nhiên hoàn toàn không có bất kỳ trách nhiệm nào hoặc liên đới chịu bất kỳ trách nhiệm gì đối với các hoạt động nhập khẩu ngoại tệ các năm 2006 và 2007 nếu các hoạt động này của Ngân Hàng Đông Á được chứng minh là có dấu hiệu vi phạm.

Do vậy, không thể đề nghị công dân Nguyễn Thị Ái Lan “phải liên đới chịu trách nhiệm trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép số tiền 352.901.093.798 đồng” như nêu trong Kết Luận Điều Tra.

Ngoài ra, do các cơ quan giám sát của Ngân Hàng Nhà Nước hàng tháng, hàng quý, hàng năm đều nhận được các báo cáo chi tiết của Ngân Hàng Thương Mại Đông Á về tình hình kinh doanh trong đó có “kinh doanh ngoại hối” mà vẫn không hề phát hiện ra việc kinh doanh ngoại hối “trái phép” này, tôi, Hoàng Hữu Phước, Nghị Sĩ Quốc Hội Khóa XIII, đề nghị điều tra bổ sung các tiêu cực vô trách nhiệm này của Ngân Hàng Nhà Nước vào thời điểm phát sinh việc “kinh doanh ngoại hối trái phép” nêu trên, quy trách nhiệm cụ thể và xử lý kỷ luật Đảng và/hoặc hình sự đối với các quan chức/cựu quan chức Ngân Hàng Nhà Nước cụ thể có liên quan cụ thể đến chức năng giám sát cụ thể  của Ngân Hàng Nhà Nước.

2) Hoạt động chi lãi suất ngoài:

Liên quan đến việc cơ quan điều tra kết luận Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á có các vi phạm chi lãi suất ngoài thì căn cứ theo “Đơn kêu cứu khẩn cấp về việc cơ quan điều tra ép cung người vô tội trong Đại án Ngân hàng TMCP Đông Á” do công dân Nguyễn Thị Ái Lan gởi Nghị sĩ Khóa XIII Hoàng Hữu Phước đã nêu rõ rằng việc Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á giữ hộ hơn 11.000 lượng vàng của Trung Ương Đảng thời gian từ 2009 đến 2016 đều được các nhân viên ngân hàng đều biết và cũng biết việc trả lãi giữ hộ vàng cho Văn Phòng Trung Ương Đảng đã chấm dứt theo quy định của Chỉ Thị 05/CT-NHNN ngày 27-7-2012 của Ngân Hàng Nhà Nước và từ đó chỉ thu phí giữ hộ vàng của Văn Phòng Trung Ương Đảng.

Như vậy, công dân Nguyễn Thị Ái Lan đương nhiên hoàn toàn không có bất kỳ trách nhiệm nào hoặc liên đới chịu bất kỳ trách nhiệm gì hoặc quyền lực quyết định đối với hoạt động “chi lãi suất ngoài” cho số vàng của Văn Phòng Trung Ương Đảng vốn là một việc cực kỳ đại sự của Đảng và Nhà Nước nếu nay nội dung này của hoạt động này của Ngân Hàng Đông Á được chứng minh là có dấu hiệu vi phạm.

Tương tự, việc “chi lãi suất ngoài” cho các đối tượng khách hàng khác của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á là việc đại sự chỉ thuộc thẩm quyền của các lãnh đạo cao cấp của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á như Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị cùng các Thành viên Hội Đồng Quản Trị, Ban Kiểm Soát, Tổng Giám Đốc và các Phó Tổng Giám Đốc; do đó, công dân Nguyễn Thị Ái Lan (a) đương nhiên không chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm đối với các vi phạm (nếu có) của Lãnh đạo Ngân Hàng Đông Á trong việc họ quyết định bày ra việc chi lãi vượt trần hay lãi suất ngoài, và (b) không thể bị quy chụp như trong Kết Luận Điều Tra số 28/C46-P10 đã nêu là phải chịu trách nhiệm cho việc “chi lãi suất ngoài trái phép 467.892.636.000 đồng, gây thiệt hại cho DAB tổng số 820.793.729.798 đồng nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này”.

 

Việc công dân Nguyễn Thị Ái Lan kêu oan là hoàn toàn phù hợp với Công Ước 1966 của Liên Hợp Quốc Về Quyền Dân Sự Và Chính Trị, theo đó, “mọi người đều có quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân, không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Người bị buộc là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật (Điều 14.2)”. Mặt khác, theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự số 101/2015/QH13 quy định quyền chứng minh của người bị buộc tội thể hiện tính công bằng và minh bạch của tố tụng hình sự nhằm bảo đảm và bảo vệ công lý, theo đó, những người tham gia tố tụng như người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, v.v. đều có quyền trình bày ý kiến của bản thân đối với nội dung vấn đề bị cáo buộc phạm phải; do vậy, tuyệt đối không được quy chụp cho công dân Nguyễn Thị Ái Lan nội dung như thể hiện trong Kết Luận Điều Tra số 28/C46-P10  rằng “Quá trình điều tra Nguyễn Thị Ái Lan không hợp tác làm việc, khai báo không thành khẩn, né tránh trách nhiệm nên đề nghị xử lý nghiêm trong quá trình truy tố, xét xử”.

Với tư cách Nhà Lập Pháp Quốc Hội Khóa XIII, tôi kính đề nghị Ông Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao quan tâm khẩn trương xem xét lại nội dung điều tra của các cơ quan của Bộ Công An nhằm bảo đảm công lý cho công dân Nguyễn Thị Ái Lan trong đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á để không xảy ra các quy chụp thiếu căn cứ, yếu căn cứ, vô căn cứ, tạo oan sai, oan khuất, oan tình, đẩy công dân vào cảnh phải chịu tội thay hoặc chịu tội bớt cho những kẻ thuộc giới đại ác đại gian vốn là kẻ đại thù của quốc gia, dân tộc, và chế độ.

Với tư cách Nhà Lập Pháp Quốc Hội Khóa XIII, dựa trên các dẫn chứng của công dân Nguyễn Thị Ái Lan và các nội dung quy chụp của cơ quan Cảnh Sát Điều Tra, tôi nhận thấy việc ra quyết định đình chỉ điều tra công dân Nguyễn Thị Ái Lan rất đáng được Ông Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao xét đến.

 

Kính gởi đến Ông Viện Trưởng lời chào trân trọng,

 

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nghị Sĩ Khóa XIII

Địa chỉ thư tín Văn phòng: MYA BizCorp, 399B Trường Chinh, Phường 14, Quận Tân Bình, Thành Phố Hồ Chí Minh

Hồ sơ đính kèm:

1) Đơn Kêu Cứu Khẩn Cấp Về Việc Cơ Quan Điều Tra Ép Cung Người Vô Tội Trong Đại Án Ngân Hàng TMCP Đông Á của Công Dân Nguyễn Thị Ái Lan ký ngày 30/08/2017.

2) Đơn Cha Ruột Kêu Oan Cho Con Gái Là Nguyễn Thị Ái Lan Trong Đại Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á do Ông Nguyễn Tường ký ngày 02/01/2018.

3) Công văn số CV001/HHP-2018  “An nguy của Quốc gia từ Đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á” ngày 22/02/2018  của Đại Biểu Quốc Hội khóa XIII Hoàng Hữu Phước gửi Tổng Bí Thu Nguyễn Phú Trọng và Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ Tịch Quốc Hội.

Both comments and trackbacks are currently closed.