Thư Gởi Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

————

Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 11 năm 2018

Ref. CV010/HHP-2018

 

Kình gửi:  Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình

                  Thẩm Phán Phạm Lương Toản, Chánh Tòa Hình Sự TAND Tp. Hồ Chí Minh.

Bản sao kính gửi:

– Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ Đạo Cải Cách Tư Pháp Trung Ương

– Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Trần Cẩm Tú

– Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân

– Phó Chủ Tịch Quốc Hội, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ

 

V/V: CÁC DẤU HIỆU VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG NGHỊ QUYẾT QUỐC HỘI SỐ 41/2017/QH14 NGÀY 20-06-2017; SỰ TÙY TIỆN TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN CÔNG TỐ & KIỂM SÁT CÁC HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP, VÀ GÂY HẠI CHO ĐẠI CUỘC CẢI CÁCH TƯ PHÁP NƯỚC NHÀ TRONG CÁC BẢN KẾT LUẬN ĐIỀU TRA DO CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA BỘ CÔNG AN BAN HÀNH VÀ BẢN CÁO TRẠNG ĐẠI ÁN NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐÔNG Á SỐ 134/CTr-VKSTC-V3  DO VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO BAN HÀNH NGÀY 12-10-2018.

 

Kính thưa Ông Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao:

 

Căn cứ Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với cử tri và nhân dân như được cụ thể hóa tại (a) Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội năm 1997; (b) Luật Sửa Đổi, Bổ Sung Một Số Điều Của Luật Bầu Cử Đại Biểu Quốc Hội năm 2010; (c) Luật Tổ Chức Quốc Hội năm 2014; (d) Quy Chế Hoạt Động Của Đại Biểu Quốc Hội Và Đoàn Đại Biểu Quốc Hội năm 2002; và (e) Luật Hoạt Động Giám Sát Của Quốc Hội năm 2003, vốn không quy định tổ chức bàn giao công việc của nghị sĩ khóa trước cho nghị sĩ khóa tiếp theo, đồng thời không quy định nghị sĩ khóa trước không được thực hiện việc đáp ứng yêu cầu của công dân, do đó mặc nhiên thừa nhận rằng trách nhiệm của Đại Biểu Quốc Hội trước cử tri và nhân dân sẽ được tiếp tục duy trì chừng nào nghị sĩ tiền nhiệm còn được nhân dân tín nhiệm tín thác các bức xúc cụ thể để hoặc bản thân người dân được hướng dẫn, hoặc vụ việc được chuyển lên lãnh đạo cơ quan công quyền có liên quan, hoặc các oan khuất được lắng nghe, v.v;

Tôi ký tên dưới đây là Hoàng Hữu Phước, Nghị Sĩ Khóa XIII, kính lời chào trân trọng đến Ông Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao và kính trình bày cùng Ông nội dung sau có liên quan đến các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết Quốc Hội số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017; việc tùy tiện trong việc thực hiện quyền công tố & kiểm sát các hoạt động tư pháp và gây tác hại đến đại cuộc cải cách tư pháp nước nhà trong các bản Kết Luận Điều Tra do Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An ban hành và trong bản cáo trạng đại án Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á (dưới đây gọi tắt trong thư này là Ngân Hàng Đông Átrừ trường hợp trích nguyên văn) số 134/CTr-VKSTC-V3 do Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành ngày 12-10-2018.

Nguyên vào ngày 30-8-2017 tôi có nhận được lời kêu cứu của công dân Nguyễn Thị Ái Lan, nguyên Trưởng Phòng Nguồn Vốn Hội Sở Ngân Hàng Đông Á qua “Đơn kêu cứu khẩn cấp về việc cơ quan điều tra ép cung người vô tội trong Đại án Ngân hàng TMCP Đông Á”, và tôi đã chuyển đơn kêu cứu của công dân này đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng với bản sao đến Phó Chủ Tịch Quốc Hội Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ.

Ngày 22-02-2018 tôi gửi tiếp công văn số CV001/HHP-2018 đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ Tịch Quốc Hội Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ để nêu các ý kiến quan ngại của tôi đối với tiền đồ Tổ Quốc từ đại án Ngân Hàng Đông Á, và với tư cách Đại Biểu Quốc Hội khóa XIII đề nghị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương tiến hành điều tra làm rõ các nội dung đã được nêu tại công văn này.

Ngày 03-4-2018 các phương tiện truyền thông đại chúng đã đồng loạt đăng nội dung bản Kết Luận Điều Tra số 28/C46-P10 do Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đề nghị truy tố vụ án Ngân Hàng Đông Á.

Ngày 07-4-2018 tôi gửi công văn số CV004/HHP-2018 dưới tiêu đề “Dấu hiệu quy chụp nhằm bớt tội cho tội phạm tham nhũng, và sự vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự số 101/2015/QH13 trong bản kết luận điều tra đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á” đến Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, bản sao gửi đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Trần Quốc Vượng, Phó Chủ Tịch Quốc Hội, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ

Ngày 02-07-2018 tôi gửi tiếp công văn số CV006/HHP-2018 dưới tiêu đề “Các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án trong bản kết luận điều tra đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á” đến Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, bản sao gửi đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Trần Cẩm Tú, Phó Chủ Tịch Quốc Hội, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ, Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình.

Theo các thông tin đăng tải công khai của các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt đăng tải nội dung bản Kết Luận Điều tra số 28/C46-P10 ngày 02-4-2018 , Kết Luận Điều Tra bổ sung số 67/C46-P10 ngày 16-6-2018 , Bản Kết Luận Điều Tra Vụ Án Hình Sự Đề Nghị Truy Tố số 103/C03-P13 ngày 31-8-2018 do Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An ban hành, và Bản Cáo Trạng số 134/CTr-VKSTC-V3 do Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Ban Hành ngày 12-10-2018, tôi nghiên cứu và nhận thấy đã có các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng nghị quyết Quốc Hội số 41/2017/QH14; sự tùy tiện trong việc thực hiện quyền công tố & kiểm sát các hoạt động tư pháp và gây tác hại đến đại cuộc cải cách tư pháp nước nhà trong các bản Kết Luật Điều Tra cũng như Bản Cáo Trạng nêu trên.

Do các Bản Kết Luận Điều Tra và Cáo Trạng truy tố Đại Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á không phải tài liệu thuộc loại bí mật quốc gia, tôi với tư cách Nhà Lập Hiến và Nhà Lập Pháp Quốc Hội Khóa XIII mà không bất kỳ ai trong Đảng, Quốc Hội, và Chính Phủ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có thể hay có quyền phủ nhận, xin có các ý kiến sau nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, và minh bạch nghiêm khắc của nền tư pháp nước nhà:

 

I) Các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Nghị Quyết Quốc Hội số 41/2017/QH ngày 20/06/2017; sự tùy tiện trong việc thực hiện quyền công tố & kiểm sát các hoạt động tư pháp trong các Bản Kết Luận Điều Tra do Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An ban hành và Bản Cáo Trạng đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á số 134/CTr-VKSTC-V3 do Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành ngày 12-10-2018.

 

1- Nghị Quyết Quốc Hội số 41/2017/QH ngày 20-6-2017 có nội dung như sau:

Điều 2. Việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015

1-Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:

a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;

b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích

Các Bản Điều Tra và Bản Cáo Trạng truy tố nêu trên đều được ban hành sau ngày 01/01/2018, do vậy các cơ quan tư pháp cần nhất quán không tùy tiện trong việc tuân thủ nghị quyết Quốc Hội khi thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

2- Các Bản Điều Tra và Bản Cáo Trạng truy tố có các nội dung kỳ quái, lộ liễu, công khai vi phạm Nghị Quyết Quốc Hội số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017; tùy tiện trong việc thực hiện quyền công tố & kiểm sát các hoạt động tư pháp với các nội dung lần lượt như sau:

a) Bản Kết Luận Điều Tra số 28/C46-P10 ngày 02/04/2018 có nội dung như sau về Hành vi kinh doanh ngoại hối trái phép với Ngân Hàng UOB và Ngân Hàng Banca Adamas gây thiệt hại cho Ngân Hàng Đông Á 24.074.610,72 USD (tương đương 384.849.093.798 đồng):

“Đối với Vũ Thị Vang (Phó Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á phụ trách phòng ngân quỹ) có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo hoạt động của phòng ngân quỹ Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á. Tuy nhiên, Vũ Thị Vang không làm đúng trách nhiệm được giao để xảy ra việc Phòng Ngân Quỹ Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á xuất quỹ trái phép 24.993 lượng vàng và hơn 20 tỷ đồng để mua 23.982.500 USD nhập quỹ. Hành vi nêu trên của Vũ Thị Vang không gây ra thiệt hại cho Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á, do vậy không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Vũ Thị Vang.”

“Đối với Phạm Văn Tân (Phó Tổng giám đốc Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á phụ trách Phòng Kinh Doanh Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á) có hành vi không làm đúng nhiệm vụ được giao, để xảy ra việc Phòng Kinh Doanh Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á kinh doanh ngoại hối trái phép với ngân hàng UOB và ngân hàng Banca Adamas bị lỗ 23.982.500 USD. Tuy nhiên, Trần Phương Bình là người trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, không thông qua Phạm Văn Tân. Do vậy, không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Phạm Văn Tân về hành vi nêu trên”.

Hai nội dung trên đã làm bật vấn nạn kỳ quái, lộ liễu, công khai khinh thường công luận, chà đạp luật pháp, khi

– Cả hai lãnh đạo cấp cao là Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Phòng Ngân Quỹ Vũ Thị Vang đã được cho là có hành vi để cho xảy ra việc xuất quỹ trái phép những 24.993 lượng vàng và hơn 20 tỷ không bao giờ có thể thu hồi, và

Phó Tổng Giám Đốc Phạm Văn Tân phụ trách Phòng Kinh Doanh được cho là có hành vi để xảy ra việc Phòng Kinh Doanh Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á kinh doanh ngoại hối trái phép với ngân hàng UOB và ngân hàng Banca Adams để xảy ra lỗ 23.982.500 USD cũng không bao giờ có thể thu hồi, nhưng

Đều được xác định trong Bản Kết Luận Điều Tra là cả hai chức sắc cấp cao này của Ngân Hàng Đông Á đều không đủ căn cứ để xem xét hình sự đối với các hành vi đó của họ.

Trong khi đó, công dân Nguyễn Thị Ái Lan, người đã ký đơn kêu oan ngày 30-8-2017 “Đơn kêu cứu khẩn cấp về việc cơ quan điều tra ép cung người vô tội trong Đại án Ngân Hàng TMCP Đông Á” (ở thời điểm này công dân Nguyễn Thị Ái Lan chỉ mới là nhân viên chưa phải là cấp Trưởng Phòng, Trưởng Phòng là Nguyễn Huỳnh Đăng đang bị truy nã) và chỉ có nhiệm vụ được minh định trong phân công là “căn cứ theo các văn bản Quyết định nhập khẩu ngoại tệ được ban hành bởi Ban Tổng Giám Đốc và phiếu đề nghị của Phòng Kinh Doanh chuyển sang” mà cứ“theo quy trình nghiêm nhặt của Ngân Hàng Đông Á” để “lập phiếu thu cho các lô nhập khẩu ngoại tệ”, và “sau khi lập phiếu thu” thì “chuyển toàn bộ các phiếu thu có đính kèm Quyết định nhập khẩu ngoại tệ được ban hành bởi Ban Tổng Giám Đốc và phiếu đề nghị của Phòng Kinh Doanh chuyển sang theo phiếu thu sang cho bên Kiểm soát của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á” thì bị Bản Kết Luận Điều Tra khẳng quyết trách nhiệm cho một tội danh nghiêm trọng là “Nguyễn Thị Ái Lan phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS năm 1999, trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép” và “liên đới chịu trách nhiệm.” Chủ thể của “quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” lại không phải là hai lãnh đạo cao cấp mà sau tên của họ có những con số tiền đồng, tiền USD, và gần 25 ngàn lượng vàng, thì rõ ràng công dân Nguyễn Thị Ái Lan đã bị đưa ra làm vật hy sinh.

Liên quan đến hoạt động ngoại hối của Ngân Hàng Đông Á, việc bảo đảm các hoạt động kinh doanh tuân thủ đúng theo giấy phép được cấp, cũng như trách nhiệm tiến hành các thủ tục xin giấy phép cho các hoạt động kinh doanh của ngân hàng này là thuộc Phòng Pháp Chế; còn nếu có phải chịu trách nhiệm hay liên đới chịu trách nhiệm trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại cho ngân hàng thì đương nhiên phải là các lãnh đạo cấp cao như Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị (tại thời điểm phát sinh kinh doanh ngoại hối này thì Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị chính là  chức sắc của Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh được Thành Ủy cử làm người đại diện vốn cổ phần tại Ngân Hàng Đông Á) cùng lực lượng vô cùng hùng hậu, đông đúc, quyền lực, của các Thành viên Hội Đồng Quản Trị, Ban Kiểm Soát, Tổng Giám Đốc và các Phó Tổng Giám Đốc trong đó có Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Phòng Ngân Quỹ Vũ Thị Vang và Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Phòng Kinh Doanh Phạm Văn Tân. Cả một rừng nhân sự cấp cao như thế, được Đảng bảo đảm về tư cách như thế, lại bất tài, vô dụng, vô hạnh, bất lương, gây ra thất thoát cực lớn cho Ngân Hàng Đông Á, và được guồng máy pháp luật bảo vệ tuyệt đối đến độ công khai khẳng định “không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự” đồng thời công khai quy chụp công dân Nguyễn Thị Ái Lan “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS năm 1999, trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép” dù vào thời điểm xảy ra các “làm trái” ấy thì công dân Nguyễn Thị Ái Lan chỉ là nhân viên không thuộc hàng ngũ “lãnh đạo” để phải “liên đới chịu trách nhiệm trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép số tiền 352.901.093.798 đồng”.

b) Bản Kết Luận Điều Tra số 28/C46-P10 ngày 02-4-2018 và Bản Kết Luận Điều Tra Bổ Sung số 67/C46-P10 ngày 16-6-2018 đều có cùng nội dung như sau về hành vi xuất quỹ chi sai nguyên tắc 437.472.636.000 đồng và 650 lượng vàng trong việc chi lãi ngoài để huy động vốn.

Mặc dù Bản Kết Luận Điều Tra xác định có phát sinh hành vi xuất quỹ sai nguyên tắc 437.472.636.000 đồng và 650 lượng vàng tại Ngân Hàng Đông Á trong việc chi lãi ngoài để huy động vốn nhưng lại kết luận rằng không thể xác định được danh sách khách hàng đã nhận các khoản chi lãi ngoài này. Cơ quan điều tra Bộ Công An sau khi tiến hành điều tra xét hỏi tổng cộng 542 nhân viên tại 219 đơn vị kinh doanh bao gồm 47 chi nhánh và 172 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm trực của Ngân Hàng Đông Á đã chỉ có thể “kết luận” rằng 542 nhân viên ấy có hành vi nhận tiền từ nhân viên phòng nguồn vốn Hội sở để chi lãi ngoài cho khách hàng nhưng không bất kỳ ai trong số 542 nhân viên ấy nhớ bản thân mình đã nhận tiền để trao cho khách hàng nào cả.

Phải chăng do 542 nhân viên ấy thỏa thuận với cơ quan điều tra không nêu tên bất kỳ khách hàng nào, nên cơ quan điều tra đã rộng lượng viết như sau trong Biên Bản Kết Luận Điều Tra: “Hành vi của Trần Quang Nghĩa, Trần Hồng Vân, Trần Thị Thủy Tiên, Hàn Mỹ Vân, Nguyễn Ngọc Diệp, Phạm Hồng Vân, Lê Nguyễn Sơn Trà, Trịnh Ngọc Bình, Trần Thế Hùng, Nguyễn Đỗ Thành Trung, Quách Thành Sang và 542 nhân viên Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á nêu trên có sai phạm, nhưng xét thấy những cá nhân này đều là người làm công ăn lương, không được bàn bạc chủ trương, chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á. Số tiền chi lãi ngoài cho từng khách hàng đều phải được Nguyễn Thị Kim Xuyến phê duyệt thì hội sở mới chi, chuyền tiền các đơn vị kinh doanh để chi lãi suất ngoài cho khách hàng. Các cá nhân này không tự thỏa thuận, không tự chi tiền. Quá trình điều tra không xác định được các cá nhân này có vụ lợi, khai báo thành khẩn, nhận rõ hành vi vi phạm của bản thân. Do vậy, Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An không xem xét trách nhiệm hình sự đối với 542 cá nhân nêu trên.”

Và phải chăng do buộc phải đưa ra cho bằng được một người phải chịu tội thay cho các lãnh đạo cấp cao và 542 nhân viên “biết điều” trên, công dân Nguyễn Thị Ái Lan đã bị cơ quan điều tra bất chấp nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự số 101/2015/QH13 khi quy chụp trong Biên Bản Kết Luận Điều Tra rằng “Bị can Nguyễn Thị Ái Lan ngoan cố, khai báo không thành khẩn, không thừa nhận việc chi lãi suất ngoài, Nguyễn Thị Ái Lan khai không biết gì về chủ trương chi lãi suất ngoài” nên phải “liên đới chịu trách nhiệm”?

c) Bản Kết Luận Điều Tra Đề Nghị Truy Tố số 103/C03-P13 ngày 31-8-2018 có nội dung như sau:

“Đối với yêu cầu khởi tố bị can đối với Phạm Văn Tân, Nguyễn Thị Mỹ Linh và Từ Thị Mỹ Linh về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điều 355 BLHS năm 2015, về hành vi giúp sức cho Trần Phương Bình chiếm đoạt 1.160.582.877.084 đồng trong việc mua 74.279.056 cổ phần DAB từ năm 2007 đến năm 2014 và Nguyễn Thị Kim Xuyến chiếm đoạt 40 tỷ đồng của DAB ….. ….Hành vi của Phạm Văn Tân, Nguyễn Thị Mỹ Linh và Từ Thị Mỹ Linh phạm vào tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS năm 1999 do chuyển biến của tình hình theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc Hội v/v thi hành BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, nên không xử lý đối với hành vi nêu trên của Phạm Văn Tân, Nguyễn Thị Mỹ Linh và Từ Thị Mỹ Linh về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS năm 1999. Hành vi nêu trên của Phạm Văn Tân, Nguyễn Thị Mỹ Linh và Từ Thị Mỹ Linh không phạm vào tội tương ứng theo BLHS năm 2015”

Nội dung nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng Nghị Quyết Quốc Hội số 41/2017/QH14 vì nội dung Nghị Quyết Quốc Hội không quy định Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra được phép tùy tiện trong việc vận dụng nghị quyết Quốc Hội trong việc khởi tố, bắt tạm giam hay ban hành các biên bản kết luận điều tra vì trong khi Bản Kết Luận điều tra số 103/C03-P13 ngày 31-8-2018 nêu trên “rộng lượng ban phát ân huệ” không xử lý hành vi của  Phạm Văn Tân, Nguyễn Thị Mỹ Linh và Từ Thị Mỹ Linh thì lại bất chấp nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự số 101/2015/QH13 và cũng không vận dụng nghị quyết số 41/2017/QH14 khi quy chụp trong Biên Bản Kết Luận Điều Tra rằng “Bị can Nguyễn Thị Ái Lan không thừa nhận việc chi lãi suất ngoài, Nguyễn Thị Ái Lan khai không biết gì về chủ trương chi lãi suất ngoài nên phải “liên đới chịu trách nhiệm”.

d) Bản Cáo Trạng Đại Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á số 134/CTr-VKSTC-V3 do Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành ngày 12-10-2018 có nội dung như sau:

“Các đối tượng liên quan: Trần Quang Nghĩa, Trần Hồng Vân, Lê Nguyễn Sơn Trà, Trịnh Ngọc Bình, Trần Thế Hùng, Nguyễn Đỗ Thành Trung và Quách Thành Sang, 542 nhân viên tại 219 Đơn vị kinh doanh có dấu hiệu cố ý làm trái trong việc chi lãi ngoài , nhưng có vai trò thấp hơn các bị can đã khởi tố. Đồng thời, do chuyển biến của tình hình theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội v/v thi hành BLHS năm 2015,nên không xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 165 BLHS năm 1999, Hành vi của các đối tượng nêu trên không phạm vào tội tương ứng theo BLHS năm 2015.”

Bản Cáo Trạng số 134/CTr-VKSTC-V3 nêu trên đã có các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Nghị Quyết Quốc Hội số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017; Tùy tiện trong việc thực hiện quyền công tố & kiểm sát các hoạt động tư pháp khi trong cùng một hành vi, cùng một thời điểm ban hành quyết định truy tố thì rộng lượng “ban phát ân huệ không tuy tố” cho hơn 542 cá nhân nêu trên tại 219 đơn vị kinh doanh của Ngân Hàng Đông Á. Điều này cho thấy Bản Cáo Trạng đã công khai tạo tiền lệ xấu chà đạp tinh thần thượng tôn pháp luật khi từ nay tất cả hàng trăm ngàn các ngân hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ yên tâm vi phạm pháp luật mà không bị xử lý với bất kỳ hành vi nào dù là chi lãi ngoài, chi lãi vượt trần hoặc bất kỳ hành vi phạm tội nào khác miễn là được cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao sử dụng bùa chú “ Nghị Quyết Quốc Hội… không phạm vào tội tương ứng theo BLHS năm 2015”.

Trong khi đó, Bản Cáo Trạng số 134/CTr-VKSTC-V3 lại nghiêm khắc, nghiêm minh một các bất thường khi không hề vận dụng Nghị Quyết Quốc Hội hay BLHS 2015 và cũng bất chấp chấp nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự số 101/2015/QH13 khi có đoạn quy chụp “ Bị can Nguyễn Thị Ái Lan…. Phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 BLHS năm 1999, trong việc Kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại 352.901.093.798 đồng, chi lãi suất ngoài trái phép gây thiệt hại 467.892.636.000 đồng. Tổng cộng gây thiệt hại cho DAB 820.793.729.798 đồng , nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này. Bị can Nguyễn Thị Ái Lan không thành khẩn khai báo”.

Ngoài việc nội dung Bản Cáo Trạng số 134/CTr-VKSTC-V3 đã có dấu hiệu tùy tiện trong việc thực hiện quyền công tố & kiểm sát các hoạt động tư pháp nêu trên thì việc Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao rộng lượng tha cho không xử lý hình sự cũng không kết luận phải liên đới chịu trách nhiệm số tiền 352.901.093.798 đồng trong việc Kinh Doanh Ngoại hối trái phép đối với lãnh đạo cấp cao đối với Vũ Thị Vang (Phó Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Đông Á) và Phạm Văn Tân (Phó Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Đông Á) và cũng rất rộng lượng khi không xử lý hình sự cũng không kết luật phải liên đới chịu trách nhiệm số tiền 467.892.636.000 đồng trong việc chi lãi suất ngoài trái phép đối với hơn 542 cá nhân tại 219 đơn vị kinh doanh Ngân Hàng Đông Á cho thấy công dân Nguyễn Thị Ái Lan đã trở thành vật hy sinh để bị “kết tội” và “liên đới chịu trách nhiệm số tiền tổng cộng 820.793.729.798 đồng” cũng như bị quy chụp “khai báo không thành khẩn khi công dân Nguyễn Thị Ái Lan kêu oan”. Bản Cáo Trạng đã tạo tiền lệ xấu là tiền đề cho các vụ án oan sai khi các cơ quan tư pháp lại sử dụng chính Nghị Quyết của Quốc Hội và Bộ Luật Hình Sự nước nhà làm bùa chú để tùy tiện muốn “rộng lượng tha ai thì tha, xử lý hình sự ai thì xử”. Bản Cáo Trạng cũng là “kim bài miễn tử” để các lãnh đạo cấp cao và hàng trăm nhân viên của Ngân Hàng Đông Á có thể yên tâm cho ra các lời khai hoặc làm chứng tại Tòa Án với nội dung “đồng nhất, đồng tình, đồng thuận” để dẫn đến kịch bản công dân Nguyễn Thị Ái Lan khai báo không thành khẩn khi kêu oan và công dân Nguyễn Thị Ái Lan sẽ biến thành vật hy sinh chịu tội thay cho các lãnh đạo cấp cao như Vũ Thị Vang, Phạm Văn Tân và hơn 542 nhân viên của 219 đơn vị kinh doanh của Ngân Hàng Đông Á.

II) Các dấu hiệu gây tác hại đến cải cách tư pháp nước nhà trong các Bản Kết Luận Điều Tra do Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An ban hành và Bản Cáo Trạng đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á số 134/CTr-VKSTC-V3 do Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành ngày 12-10-2018.

Năm 2015 trong thời gian dưỡng bệnh tôi đã không tham gia kỳ họp Quốc Hội khóa XIII thông qua Bộ Luật Hình Sự 2015 và sau đó Quốc Hội đã phải khẩn cấp sửa Bộ Luật Hình Sự 2015 và hoãn ngày hiệu lực thi hành đến 01/01/2018 khi có sự cố phát hiện ra các sai sót nghiêm trọng của Bộ Luật Hình Sự 2015. Điều này cho thấy bất kỳ thời điểm nào nếu phát hiện ra các sai sót (nếu có) trong Bộ Luật Hình Sự thì các cơ quan tư pháp, hành pháp phải làm điều duy nhất đúng là báo cáo khẩn cấp lên Thường Vụ Quốc Hội để có hướng xử lý báo đảm không gây oan sai, không bỏ lọt tội phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật của đại cuộc cải cách tư pháp nước nhà. Thế nhưng, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã công khai biến Bộ Luật Hình Sự 2015 trở thành mớ giấy lộn bó tay không thể xử lý các hành vi phạm tội khi kết luận một cách lộ liễu, vô trách nhiệm với bùa chú “ Nghị Quyết Quốc Hội… không phạm vào tội tương ứng theo BLHS năm 2015”.

Do toàn bộ các Bản Kết Luận Điều Tra và Điều Tra Bổ Sung số 28/C46-P10 ngày 02/04/2018; số 67/C46-P10 ngày 16-6-2018; số 103/C03-P13 ngày 31-8-2018 do cơ quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An ban hành và Bản Cáo Trạng số 134/CTr-VKSTC-V3 do Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành ngày 12-10-2018 đã có các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Nghị Quyết Quốc Hội số 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017; Tùy tiện trọng việc thực hiện quyền công tố & kiểm sát các hoạt động tư pháp và phá hủy đại cuộc cải cách tư pháp nước nhà; Dễ gây ra các dư luận bất bình từ đó gây ra những bất ổn xã hội, hủy phá danh tiếng hệ thống luật pháp Việt Nam, và gây ra bất lợi cho đại cuộc chống tham nhũng của Đảng, tôi kính mong Ông khẩn trương xem xét các vấn đề được nêu ra ở đây vì sự công minh, công bằng công chính trong xét xử vốn là những tính chất quan trọng bậc nhất của ngành Tòa Án.

 

Kính gởi đến Ông Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao lời chào trân trọng,

CATATC

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nghị Sĩ Khóa XIII

Địa chỉ thư tín Văn phòng: MYA BizCorp, 399B Trường Chinh, Phường 14, Quận Tân Bình, Thành Phố Hồ Chí Minh

Hồ sơ đính kèm:

1) Đơn Kêu Cứu Khẩn Cấp Về Việc Cơ Quan Điều Tra Ép Cung Người Vô Tội Trong Đại Án Ngân Hàng TMCP Đông Á của Công Dân Nguyễn Thị Ái Lan ký ngày 30-8-2017.

2) Đơn Cha Ruột Kêu Oan Cho Con Gái Là Nguyễn Thị Ái Lan Trong Đại Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á do Ông Nguyễn Tường ký ngày 02-01-2018.

3) Công văn số CV001/HHP-2018  “An nguy của Quốc gia từ Đại án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á” ngày 22-02-2018  của Đại Biểu Quốc Hội khóa XIII Hoàng Hữu Phước gửi Tổng Bí Thu Nguyễn Phú Trọng và Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ Tịch Quốc Hội.

4) Công văn số CV004/HHP-2018 “Dấu hiệu quy chụp nhằm bớt tội cho tội phạm tham nhũng và sự vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự số 101/2015/QH13 trong bản Kết Luận Điều Tra Đại Án Ngân Hàng Đông Á”

5) Công văn số CV006/HHP-2018 Các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan toàn diện của Vụ Án trong Bản Kết Luật Điều Tra Đại Án Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á.” Ngày 02-7-2108 của Đại Biểu Quốc Hội Khóa XIII Hoàng Hữu Phước gửi Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao và bản sao gửi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Trần Cẩm Tú, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ, Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Hòa Bình.

Both comments and trackbacks are currently closed.