Vấn Nạn Thực Sự Nhãn Tiền Trên Biển Đông – Tội Ác Của Trung Quốc

Nhân Chuyến Thăm Chính Thức Việt Nam Của Tổng Thống Hoa Kỳ Obama

Hoàng Hữu Phước, MIB

23-5-2016

Trong bài trước, tôi có nới về những nhiêu khê kéo dài nhiều năm của mỗi vụ kiện tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Tòa án Trọng Tài Thường Trực của The Hague, cùng những hiểm nguy tiềm tàng: đó là những diễn biến khó lường của cả quá trình xét xử dài lâu và hành động manh động thiếu kềm chế của các bên liên quan có thể làm bùng nổ chiến tranh. Song, còn một vấn đề nghiêm trọng khác, thực tế nhãn tiền đó là sự hủy hoại sinh thái của Biển Đông từ những hoạt động của Trung Quốc trong “cơi nới”, cải tạo các đảo chìm đảo nổi, mà thời gian càng kéo dài của mỗi vụ xét xử càng dẫn đến sự hủy diệt không bao giờ có thể cứu vãn được nữa của Biển Đông. James Borton có một bài viết nêu lên một vấn đề cấp bách thiết thực dù không bao giờ có thể thực hiện được trong đời sống thực. Tuy nhiên, nội dung bài viết như lời cảnh báo nghiêm túc về một sự việc nghiêm trọng đến nỗi dù cho đến khi phán quyết của The Hague cuối cùng cũng buộc Trung Quốc rút hoàn toàn khỏi Biển Đông một cách hòa bình thì cái mà ta và các nước ở Biển Đông nhận được chỉ là một biển chết.

James Borton là giảng sư tại Viện Walker tại Đại học South Carolina, Hoa Kỳ, và là thành viên ngoại quốc của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Sài Gòn tại Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh. Ông đồng thời là một nhà báo lão luyện, đặc biệt viết chuyên trang về Biển Đông nhiều năm nay, cũng như là tác giả nhiều quyển sách. Trong chuyến sang Việt Nam tháng 5 này  để viết bài về chuyến thăm Việt Nam chính thức của Tổng Thống Obama, Ông có gởi tôi một bài viết về Biển Đông như lâu nay đã nhiều lần gởi tôi các bài viết khác của Ông. Tôi xin được gởi đến các bạn bản tôi dịch sang tiếng Việt như sau, để chúng ta nhận diện thêm những quan ngại khác nơi các nhà hải dương học đối với môi trường Biển Đông bị tác động bởi những tác hại nhãn tiền gây ra từ các hoạt động “cơi nới”, cải tạo đảo của Trung Quốc.

*********

Bình luận: Quản lý Các Điểm Chung Của Biển Đông Thông Qua Chính Sách Khoa Học

James Borton

Perspective, số 10 năm 2016

Suy thoái môi trường vẫn là trung tâm của các đối thoại khoa học về Biển Đông như nhiều nhà khoa học biển lên tiếng báo động về những hậu quả môi trường từ các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại đấy. Những vấn đề phải đối mặt với biển rộng lớn, sâu, và dường như cũng khó lường như bản thân biển vậy, và sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề của sự axit hóa, tổn thất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, và sự phá hủy các rạn san hô trở nên cấp bách. Điều quan trọng là hợp tác khoa học quốc tế của các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới để cùng nhau cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những thông tin cần có để đưa ra các quyết định có trách nhiệm về Biển Đông.

Biển Đông (viết tắt là SCS tức South China Sea) là ngôi nhà của những rạn san hô đa dạng nhất thế giới, nhưng những hình ảnh vệ tinh gần đây của khu vực này đã cho thấy có sự phá hủy nhanh chóng của các rạn san hô ấy. Nguyên nhân của sự hủy diệt đang diễn ra ở mức độ của một cảnh tượng tội ác môi trường rộng lớn là do các hoạt động cải tạo đảo mà Trung Quốc (viết tắt là PRC tức People’s Republic of China) thực hiện để cố gắng biến các rạn san hô thành các đảo hầu củng cố tuyên bố mở rộng chủ quyền của mình. Việc cải tạo này dẫn đến hậu quả là sự đa dạng sinh học trở nên ít đi và lượng cá chẳng còn nhiều để nuôi sống sự gia tăng dân số của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền.

Tại Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, các nhà phân tích đang đánh giá tiến độ hiện tại của Trung Quốc trong leo thang quân sự hóa tại các đảo san hô và đảo đá tại vùng đang tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi vấn đề quân sự hóa vẫn là một vấn đề quan trọng, thì an ninh môi trường đang định hình các đối thoại mới về những thiệt hơn và những thách thức đang nổi lên trong vùng biển tranh chấp này.

Paul Berkman, nhà hải dương học trước đây lãnh đạo Chương Trình Địa Chính Trị Bắc Băng Dương tại Viện Nghiên Cứu Scott Polar, đã cung cấp một định nghĩa riêng về an ninh môi trường rằng: “Đó là một cách tiếp cận tích hợp để đánh giá và ứng phó với những rủi ro cũng như những cơ hội được tạo ra bởi sự thay đổi trạng thái của môi trường.”

Sự gắn kết của chính sách và khoa học là điều cần thiết để vạch hướng qua các vùng biển địa chính trị nguy hiểm. Khái niệm về ngoại giao khoa học không phải là một mô hình mới. Nó bao gồm sự hợp tác và khéo léo giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường nơi chúng phát sinh. Như vậy, hợp tác khoa học quốc tế có thể tạo ra một cầu nối một cách hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học và hoạch định chính sách, như một nguồn lực mềm.

Chỉ thông qua cùng nhau hợp tác liệu sẽ có kỳ  vọng nào trong thực hiện một nền kinh tế xanh có thể giải quyết sự khan hiếm thông qua việc tận dụng hiệu quả các giải pháp khoa học, từ đó phân phối cho tất cả các bên liên quan nhiều lợi ích thu được từ Biển Đông. Sự thành công của bất kỳ nỗ lực nào như thế sẽ phụ thuộc vào đối thoại khoa học đối với cả các nhà lãnh đạo chính trị và người dân tất cả các nước có nêu yêu sách về Biển Đông. Các đại dương của chúng ta là một phần của những điểm chung trên toàn cầu và cần được quản lý và bảo vệ bởi tất cả các bên.

Kiến Thức Tập Thể

Điều này đặc biệt đúng về kiến thức tập thể cần có về các rạn san hô – thứ kiến thức đã kéo dài hơn 150 năm qua từ tác phẩm của Charles Darwin cho đến các nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi các nhà khoa học hải dương như Nguyễn Chu Hồi và Edgardo Gomez đã cho rằng sức khỏe của các rạn san hô là một yếu tố quan trọng trong các vấn đề chính sách công như có nguồn thực phẩm, chống bão tố, và giữ gìn bản sắc văn hóa của các cộng đồng ven biển. Cả hai nhà khoa học nói trên đến từ những quốc gia có yêu sách về Biển Đông bị thách thức bởi Trung Quốc – vị đến từ Việt Nam và người kia từ Philippines – và công trình của họ  nâng cao nhận thức về cách mà các rạn san hô giúp bồi dưỡng sự đa dạng của các sinh loài vốn nhiều hơn cả các chủng loài của các khu rừng mưa nhiệt đới. Các rạn san hô cung cấp chỗ ở, thực phẩm, và nơi sinh sản cho khoảng từ 35.000 đến 60.000 chủng loài trên toàn thế giới. Nếu không có các rạn san hô, cá trở nên không còn nơi cư ngụ và không có chốn để sản sinh.

Vì thế rõ ràng rằng hoạt động khai hoang phá hoại đã tạo nên sự ít đi của cá để nuôi sống dân số ngày càng tăng của các quốc gia nêu yêu sách. Ngày nào cũng có số lượng càng gia tăng các tàu thuyền đánh cá và ngư dân ra khơi kiếm tìm thực phẩm cho đồng bào của họ, nhưng họ cũng ngày càng được sử dụng như là công cụ của chính phủ của họ để thử nghiệm các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp. Kết quả là, các ngư dân tìm thấy chính mình trên tiền phương của trận chiến sinh thái mới này. Các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đang được đấu bởi các tàu đánh cá bị buộc phải ra xa hơn ngoài khơi do sự cạn kiệt của nghề cá ven biển.

Đang lờ mờ hiện ra một cuộc khủng hoảng lương thực, và bất kỳ nỗ lực nhằm cân bằng lợi ích kinh tế với an ninh ở Biển Đông sẽ đòi hỏi có sự đáp ứng phối hợp ở nhiều cấp từ các nhà khoa học, những người có lịch sử tham gia vào hợp tác nghiên cứu và đã nhận diện được các vấn đề về năng suất bền vững và an ninh môi trường trong khu vực.

Đáp Ứng Phối Hợp

Tại một hội nghị chuyên đề được tổ chức mới đây tại Trung Tâm Đông-Tây ở Thủ Đô Washington, giáo sư Hohn McManus của Trường Đại Học Miami, một nhà sinh học biển chuyên gia về các rạn san hô của Biển Đông, đã kêu gọi một tuyên bố khoa học chung đòi hỏi một lệnh cấm vì môi trường đối với việc nạo vét. Ông đã hoàn thành những khảo sát môi trường tại các rạn san hô bị suy thoái ở quần đảo Trường Sa, mà kết quả nghiên cứu củng cố sự cần thiết phải có sự can thiệp của khoa học.

“Có những quan ngại an ninh toàn cầu liên quan đến sự hủy hoại,” Giáo sư McManus phát biểu. “Nó đủ rộng khắp để làm giảm trữ lượng cá tại khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào cá này trên thế giới.”

Chuyên gia về rạn san hô không biết mệt mỏi này từ lâu đã tranh luận cho việc thành lập một “công viên hòa bình” trên biển, và các môi giới cho một thỏa thuận quản lý tài nguyên chung bao gồm một bộ quy tắc ứng xử và đóng băng các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. McManus tin rằng việc này sẽ bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng sống còn hiện đang lâm cảnh rủi ro.

Việc phá huỷ và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển ở Trường Sa gây hại cho tất cả các nước có yêu sách chủ quyền. Công dân từ khu vực, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc tấn công môi trường trên biển và các dãi san hô mỏng manh của họ, phải liên kết với nhau để tạo ra một cái gì đó giống như Mạng Hành Động Vì Rạn San Hô tương tự như các Mạng Hành Động Về Rừng Mưa Nhiệt Đới toàn cầu.

Đã đến lúc tập hợp các nhà khoa học có trình độ cao nhất có kinh nghiệm nghiên cứu Biển Đông đa dạng sinh học và bền vững môi trường Biển Bông để tham gia vào một diễn đàn chính sách khoa học. Việc cộng tác của họ có thể dẫn đến sự phát triển thành công một Ủy Ban Khoa Học Biển Đông. Mô hình của một cơ quan như vậy có thể tương thích như Hội Đồng Cực Bắc đã được thành lập vào năm 1996 để phối hợp chính sách ở Bắc Cực giữa các quốc gia có liên quan và được xem như là một nền tảng cho các nhà khoa học chia sẻ nghiên cứu. Cơ quan dưới sự lãnh đạo của khoa học theo đề xuất này cũng nên được hình thành bên ngoài sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để cho phép nó tự do hơn trong hoạt động và bảo vệ nó thoát khỏi quyền phủ quyết của Trung Quốc.

Kết quả là, cơ chế mạnh mẽ này của các khoa học gia hàng hải Biển Đông có thể truyền cảm hứng cho các nước thành viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) để hợp tác trong quản lý tài nguyên biển trong khu vực bằng cách phát ra lời kêu gọi chính thức đòi có một lệnh cấm việc có thêm những việc cải tạo đầy tai hại. Giáo sư  McManus nêu rõ các bước cần thiết để tập hợp các nhà khoa học để các dữ kiện khoa học có thể được cùng trình bày khúc chiết.

“Tôi cho rằng thay vì lập ra ngay một Ủy ban, sẽ  tốt hơn nếu trước hết khuyến khích Trung Quốc mời các nhà nghiên cứu quốc tế cho một hội thảo về một trong những hòn đảo mới của họ,” Giáo sư  McManus đề nghị trong phát biểu riêng như vậy. “Nếu điều đó không tác dụng thì có thể thực hiện đối với các đảo hay rạn san hô như Taiping (của Đài Loan), Trường Sa (của Việt Nam) hoặc Thitu (của Philippines).”

Can Thiệp Vào ASEAN

Trong khi hợp tác ASEAN về một sáng kiến quản lý tài nguyên biển trong khu vực dựa trên các dữ liệu khoa học vững chắc sẽ là một bước tiến, khả năng một nỗ lực như vậy có thể được khởi sự sớm vào bất cứ lúc nào đã bị giáng một đòn gần đây khi Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Wang Yi tuyên bố ngày 23 tháng 4 rằng Trung Quốc đã đạt được một sự đồng thuận bốn điểm về vấn đề Biển Đông với Brunei, Campuchia, và Lào. Đại diện từ bốn quốc gia quả quyết rằng các tranh chấp lãnh thổ “không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN như một toàn thể,” như đã được ghi lại bởi Hãng Tin Nhà Nước Trung Quốc Xinhua. Thỏa  thuận này được thực hiện để loại vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ASEAN và đảm bảo rằng chủ đề này đã không được thảo luận tại diễn đàn đa phương ấy.

Theo cựu Tổng Thư Ký ASEAN Ong Keng Yong khi phát biểu tại diễn đàn Cộng đồng ASEAN tại Jakarta ngày 25 tháng 4, thỏa thuận lên tới bốn quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên, vì Campuchia và Lào chẳng quốc gia nào thuộc nhóm các quốc gia có yêu sách trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã trở thành một quyền lực nước ngoài khống chế cả hai nước ấy, nắm ảnh hưởng tài chính và chính trị quan trọng ở Phnom Penh và Vientiane.

Những Cố Gắng Của Trung Quốc

Một trở ngại khác cho việc thành lập một sáng kiến quản lý tài nguyên biển trong khu vực dựa trên khoa học là một sáng kiến như vậy sẽ bao gồm luôn các nhà khoa học từ Trung Quốc mà nhiều người trong số họ dính dáng đến những nỗ lực xây dựng đảo của chính quyền của họ ở Biển Đông và bất đồng hoàn toàn với các nhà khoa học như McManus về những thiệt hại bị cáo buộc đang được thực hiện. Thí dụ như tiến sĩ Wu Shicun, chủ tịch và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên Cứu Biển Đông tại Haikou, tuyên bố rằng, để bảo vệ hệ sinh thái của khu vực, Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật xanh để sử dụng trước, trong, và sau khi tiến hành việc cải tạo ở Biển Đông.

Khi được hỏi về tác động của việc nạo vét đối với các rạn san hô Biển Đông, Wu nói trong một phỏng vấn qua email rằng “Trung Quốc thực hiện các dự án xây dựng trên mặt phẳng rạn san hô phía trong nơi về cơ bản thì san hô đã chết. Trung Quốc tập hợp đất xốp cho việc tạo đảo trên các lưu vực đầm bằng phẳng vốn không phù hợp cho sự phát triển của san hô.

“Trung Quốc đã thông qua ‘mô phỏng tự nhiên’, áp dụng một loại mới của ‘nạo vét cắt hút và phương pháp cải tạo đất’, và đã chú ý đến sự lan ra của các trầm tích nổi trong quá trình xây dựng của mình”, Wu tuyên bố.

Song, sự khẳng định này là không phù hợp với những gì đã được chứng kiến đang diễn ra, với việc ngư dân Trung Quốc đã bị phát hiện sử dụng cánh quạt dài gắn với thuyền tiện ích để chặt nát các rạn san hô, chuẩn bị cho việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo.

Chính sách khoa học biển đòi hỏi sự bảo tồn và những thực hành bền vững để bảo vệ sự hình thành các thành rạn san hô. Theo Jon Barnett, “nguyên nhân và hậu quả của các ‘xung đột tài nguyên’ là mối quan tâm truyền thống của quan hệ quốc tế và chúng cho biết một cách mạnh mẽ luận cứ về xung đột môi trường” như lời ông viết trong quyển Ý Nghĩa Của An Ninh Môi Trường.

Điều này không phải để cho rằng Trung Quốc không có nhiều nhà khoa học tài giỏi về rạn san hô, những người chắc chắn nhận ra rằng đó là vì lợi ích tốt nhất của Bắc Kinh khi bảo vệ các rạn san hô, duy trì nghề cá bền vững, và cuối cùng là tận dụng du lịch sinh thái thân thiện với môi trường một khi căng thẳng hạ nhiệt. Tuy nhiên, đối với vận động môi trường như vậy để có bất kỳ tác động vào hoạch định chính sách, các nhà khoa học phải được tự do không bị nhà nước đe dọa và có thể trình bày những phát hiện dựa trên kết quả thực tế, ngay cả khi những phát hiện này chống lại vị thế của chính phủ. Các nhà khoa học ở Trung Quốc chỉ đơn giản là chưa được ở mức độ ấy.

Bị Ghi Hình

Một bộ phim BBC gần đây phát sóng chuyên đề những hoạt động phá hoại cao của các ngư dân Trung Quốc đánh bắt sò khổng lồ tại một rạn san hô giữa đảo Thitu và Tieshi Jiao. Do không có tên nhận dạng cho rạn san hô này, nó được gọi là Rặng San Hô Checkmark dựa theo hình thể của nó.

Victor Robert Lee là người đầu tiên khi viết trên The Diplomat tiết lộ rằng các ngư dân Trung Quốc đã neo đậu tàu thuyền nhỏ lại với nhau tạo thành vòng cung rộng rồi khởi động các cánh quạt để đào sâu xuống cát làm bật lên những con sò khổng lồ. Hình ảnh vệ tinh đã xác nhận các hoạt động của hàng trăm những “thuyền cắt xé” như thế trên Rạn san hô Checkmark, dẫn đến việc có những khu vực rộng lớn nơi cát và san hô chết chất chồng thành những rặng cao hình vòng cung.

Tại chương trình Trung Tâm Đông Tây tổ chức vào ngày 03 tháng 5, McManus trình bày các phim slide và phim video được quay chụp khi lặn tự do chỉ mới hai tháng trước đó qua các bãi bằng của rạn san hô ở Thitu, Checkmark, và Tieshi. Bằng chứng hình ảnh này đã xác nhận rằng cát và san hô chết đã thực sự chất đống thành các rặng cao không có dấu hiệu của sự sống.

Hơn thế nữa, hình ảnh vệ tinh chụp lại quần đảo Trường Sa cho thấy rằng đối với mỗi đảo đá xây dựng mới của Trung Quốc, những chiếc thuyền máy cắt đã được hoạt động trên các rạn san hô trước khi xây dựng.

Những đầu cắt này đã xay xới lên cả san hô chết và san hô sống cùng các chất nền cơ bản của chúng. Như vậy, có vẻ như rằng khi các nhà khoa học rạn san hô được yêu cầu đánh giá mỗi điểm tiềm năng, họ đã trung thực báo cáo rằng san hô đã chết. Kiểu nạo vét tàn sát này là những gì các nhà khoa học tin rằng đã cấu thành một cảnh tượng tội ác đối với môi trường tương đương như tội hủy diệt môi trường.

“Những khu vực rạn san hô sống này ắt hẳn đã bị tàn diệt khi cát và phù sa từ việc nạo vét và việc xây dựng đảo bị thoát ra ngoài rồi phủ chụp lên chúng, giống như đang xảy ra xung quanh những chiếc thuyền máy cắt,” McManus phát biểu như thế.  “Phải mất cả ngàn năm một rạn san hô tại các khu vực này mới tạo nên được khoảng một mét sỏi, cát và phù sa, và vì vậy mà những nơi chúng đã bị nạo vét coi như vĩnh viễn không còn như trước nữa.”

Trong khi những thiệt hại từ tàu cắt bắt sò khổng lồ cuối cùng có thể được phục hồi, trong ngắn hạn, thì  khối lượng tuyệt đối của hoạt động này đe dọa làm giảm việc cung cấp ấu trùng cá và nguy cơ tuyệt chủng địa phương đối với hầu hết các vùng bờ biển đánh bắt quá mức của Biển Đông. Thiệt hại về môi trường này biến thành việc lượng cá ít đi không thể nuôi sống dân chúng trong khu vực, làm trầm trọng thêm vấn nạn an ninh lương thực vốn đã gia tăng.

Các rạn san hô là thánh địa của Biển Đông. Đã đến lúc cần thêm nhiều người dân tham gia đồng lòng tập hợp xung quanh các nhà khoa học biển để họ có thể tham gia vào hợp tác khu vực và quản lý đại dương để đem lợi ích cho tất cả trước khi quá muộn.

*********

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Nguồn:

James Borton, “Commentary: Managing the South China Sea Commons through Science Policy,” Perspectives 10, 2016, Taipei: South China Sea Think Tank.

Ghi chú:

Phần dịch tiếng Việt “tàu cắt” hay “thuyền cắt xé” là do ngay trong bản chính tiếng Anh thì từ “cutter boat” cũng được để trong ngoặc kép với ngụ ý ám chỉ nghĩa đen trụi trần của từ cutter nghĩa là máy cắt như một cách chơi chữ, tận dụng từ tiếng Anh cutter boat chỉ một thứ thuyền buồm nhỏ nhưng cấu tạo từ có chữ cutter là cắt. Tác giả James Borton quả đã rất sâu sắc khiến người đọc hiểu ngụ ý rằng những tàu thuyền “nhỏ” của ngư dân Trung Quốc thực ra đã “cắt” xé tan nát các rạn san hô ở Biển Đông.

Both comments and trackbacks are currently closed.