Sự Thiếu Khôn Ngoan Của ASEAN

Hoàng Hữu Phước, MIB

17-6-2016

Trước sự việc Tuyên Bố Chung của Hội Nghị Ngoại Trưởng Đặc Biệt ASEAN-Trung Quốc đã bị rút lại để tiến hành các “điều chỉnh khẩn cấp” có liên quan đến tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cho thấy (a) Trung Quốc đã khống chế hoàn toàn ASEAN bằng kinh tế, và (b) ASEAN không thể nào là một tổ chức ra hồn có bất kỳ tí chút danh giá nào do chất chứa trong bản thân nó những đống bùn nhão trộn lẫn nơi nền móng giả-bê-tông tạo dựng ra nó, mà thứ bùn nhão ấy còn được ví như những con ngựa thành Troy – Trojan Horses – phản phúc phản trắc phản loạn phản bội, tôi nhớ lại trước đây đã có đăng một bài trên blog.com mang tựa đề “Sự Thiếu Khôn Ngoan Của ASEAN”, nay xin đăng lại dưới đây để thêm một lần nữa trình bày cùng bạn đọc.

 Sự Thiếu Khôn Ngoan Của ASEAN

Hoàng Hữu Phước, MIB

01-5-2012

Việc thành lập ACFTA – tức Khu Vực Thương Mại Tự Do ASEAN -Trung Quốc – là điều dại dột nhất trong toàn bộ lịch sử tồn tại của Khối ASEAN.

Nhiều năm trước, khi học lớp thạc sĩ kinh doanh quốc tế, tôi đã làm vị giáo sư Mỹ ngạc nhiên khi Ông hào hứng giảng về CHINDIA như tương lai xán lạn của một khối kinh tế hùng mạnh sẽ thống trị thế giới vì “Văn Phòng Của Thế Giới” Ấn Độ sẽ liên kết với “Công Xưởng Của Thế Giới” Trung Quốc (China + India = Chindia) hình thành một thực thể thị trường khổng lồ với tổng dân số của hai quốc gia đông dân nhất thế giới này lên đến nhiều tỷ người, thì tôi lại viết bài tiểu luận nộp giáo sư Mỹ để đã phá cái phát kiến điên rồ ấy (đồng thời tóm tắt qua bài “People Say Chindia, I say Vietnam” trên Yahoo!360), cho rằng nó sẽ không bao giờ hình thành, với những viện dẫn không thể hùng biện hơn về các yếu tố lịch sử, chủng tộc, văn hóa-xã hội, và tầm vóc tư duy, v.v., tất cả sẽ khiến cái thực thể mang tên Chindia chỉ có thể xuất hiện 30 năm sau Ngày Tận Thế. Tất nhiên, cho đến nay, Chindia vẫn còn nằm yên trên trang giấy trong những tác phẩm đã từng được bán chạy của những nhà trí thức tư bản của những học viện kinh tế luôn lừng danh kim cổ.

Tương tự, khi toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng ở Việt Nam lên cơn sốt với thương hiệu quốc gia “Nhà Bếp Của Thế Giới” từ ngay sau buổi thuyết trình ngày 22/8/2007 của Philip Kotler, với từ Phở được lập đi lập lại tràn ngập trong các bài viết và các buổi phỏng vấn đến độ giở trang báo đã ngữi thấy mùi Phở và ngay cả tivi cũng toát ra mùi Phở, thì tôi khẳng định trên Yahoo!360 rằng đó không bao giờ là nội hàm trong lời nói của Kotler (tôi biết rất rõ nhờ tôi có tham dự buổi thuyết trình của Kotler và nhờ tôi … không dùng headset nghe nội dung dịch thuật tiếng Việt), rằng không bao giờ đó là danh xưng của Việt Nam, và rằng Phở chỉ là món ăn tầm thường trong danh mục ẩm thực quốc tế. Tất nhiên, cho đến nay, “Nhà Bếp Của Thế Giới” chẳng là của Việt Nam, Phở chẳng là kiệt tác ẩm thực của Việt Nam, và cả “Nhà Bếp Của Thế Giới” cùng Phở đã mất tích trên bề mặt và bề trong và cả bề sau hay bề trên cùng bề dưới của bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào kể từ đầu năm 2009.

Năm 2010 khi nghe sự hình thành ACFTA, tôi đã tiếc sao mình chẳng thể làm gì để ra tay can ngăn sự ký kết dại dột của ASEAN với Trung Quốc. Khối ASEAN với mười quốc gia gồm Brunei, Cambodia, Indonesia, Laos, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand, và Việt Nam, đã kỳ vọng sai lầm rằng việc ký kết với Trung Quốc sẽ hình thành nên một khối tự do mậu dịch kỳ vĩ lớn hàng thứ ba thế giới, một khu vực tự do thương mại đông dân nhất hành tinh, và cũng là một vùng tự do thương mại hàng đầu của thế giới các quốc gia đang phát triển. Đó là sự vụng tính Lose-Win hơn là một kế sách Win-Lose nghiêm túc, khôn ngoan, nhất là trên thực tế không bao giờ tồn tại bất kỳ tình thế thực chất nào mang tính Win-Win. Đó là việc rước voi về dày mã tổ chứ nào phải mình được cùng ngự cưỡi lưng voi. Tôi đành tắc lưỡi nói với các cộng sự thân tín rằng ACFTA chỉ là một thực thể trên giấy để trang trí cho một bức tường chứ không bao giờ có giá trị trong đời sống thật, và Khối ASEAN hỡi hãy chống mắt mà xem mình Lose toàn diện ra sao và Trung Quốc Win tuyệt đối thế nào! Thiết tưởng không cần luận giải gì thêm vì Phở có giá hơn ACFTA nhiều nên nếu giải thích vì sao ACFTA sẽ thất bại, hóa ra tôi ban cho ACFTA cái diễm phúc được ngang hàng với món Phở hay sao? Và tất nhiên, cho đến nay, ACFTA cũng chẳng là cái thực thể kinh tế kinh khủng kinh hồn kinh nhỉ kinh thiên động địa gì cả, và trang web của nó cũng chỉ cập nhật các thông tin kinh tế bình thường của các nước trong khu vực y hệt như những gì lẽ ra đã xảy ra y hệt như thế mà không cần có cái ACFTA, như bằng chứng rõ nét nhất là  ACFTA bặt vô âm tín trên bề mặt và bề trong và cả bề sau hay bề trên cùng bề dưới của bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào ở Việt Nam kể từ đầu năm 2011.

Giá như trước đây tôi chịu khó theo đuổi chương trình tiến sĩ thì ắt những phân tích mang tính tiên đoán về số phận của ACFTA ngay từ 2010 đã có thể là nội dung bài luận án của tôi để các giáo sư Mỹ lại thêm phen sửng sốt, tâm phục khẩu phục, và ngữa mặt lên trời mà than rằng: “Hỡi ôi, cái sở học của Nước Mỹ thân yêu của ta nay đã đổ hết cả về Việt Nam Quốc rồi!”

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

HHP Poem (1)

Both comments and trackbacks are currently closed.