Chủ Nghĩa Đồng Phục

Hoàng Hữu Phước, MIB

11-8-2016

Vấn nạn thiên hạ sính dùng từ “chủ nghĩa” đã từng được tôi nêu lên trong rất nhiều bài viết trong những năm qua.

“Đồng phục” nói về trang phục của học đường, cơ quan, quân đội, thể dục thể thao… Nhưng hãy dùng “đồng phục” cho mọi sự giống nhau do tự nhiên hoặc giống nhau do bắt chước vô lối, để phán phê.

Bài này nói về kiểu cách mang tính hoặc áp đặt hoặc bắt chước những cùng mang thuộc tính hoặc vô duyên hoặc thấp kém như trong những trường hợp liên quan đến VinaGiày, các Ca Sĩ, kiểu Chu Mỏ, và Vân Vân Và Vân Vân.

Vina Giày

Nhờ luôn đi giày tây (gồm giày da loại “bốt” tức giày “cao cổ”, và giày vải tức giày “thể thao” hàng hiệu “Bata”) từ tiểu học nên tôi có một điều bất lợi và sáu   điều đại lợi.

Điều bất lợi duy nhất là cho đến bây giờ đã hơn nửa thế kỷ rồi mà tôi vẫn không tài nào đi dép hay bất kỳ thứ gì không có quai hậu hoặc giày “tây” phải cột dây vì bảo đảm gót chân sẽ ẹo qua ẹo lại không vững vàng, tuột mất dép, nên chỉ có hoặc đi giày bốt hoặc đi chân đất.

Sáu điều đại lợi gồm (a) tôi đi đứng nhanh nhẹn từ tiểu học, (b) tôi trở thành “người hùng” từ trung học sau những lần nhanh nhẹn chạy bộ thoăn thoắt – nhờ  giày “bốt” có đặc điểm không bao giờ có thể sút khỏi bàn chân – rượt đuổi cướp giật lấy lại tài sản cho những bóng hồng, (c) mang danh…“cốt cách tư sản sang trọng” ở đại học, (d) khi đi làm việc với “Tây” thì lúc đi bộ lại đi nhanh hơn “Tây” và thường phải cố hãm tốc độ để mấy ông Tây bà Đầm có thể song hành, (e) trở thành người duy nhất “đàng hoàng” tại những cuộc họp với các quan chức cấp cao của chính quyền do các quan chức đều đi giày tây không mang vớ và tuột bỏ giày ngay khi ngồi vào bàn họp, và (f)…ăn gian chiều cao do đã cao 1 mét 7 lại đi giày bốt đế 5 phân nên trở thành người “bề thế” nổi bật đối với cả “Tây” và “ta”.

Thế nhưng, những đôi giày “không nhãn hiệu” tôi mua trên lề đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, trong 10 năm đầu sau ngày Giải Phóng Miền Nam luôn là thứ phản phúc do nhanh chóng há mồm, vì vào thủa ngăn sông cấm chợ thì tất nhiên không có sự tồn tại của các cơ sở doanh nghiệp tư nhân nào cả, còn quốc doanh thì lo những chuyện cơm áo cho dân, ngay cả chiến sĩ còn phải đi “dép râu” thì ai mà quan tâm đến “giày bốt” à-la-mode tiểu tư sản. Vì vậy, ngay khi Vina Giày xuất hiện, tôi trở thành khách hàng trung thành thân thiết, tự hào đi bốt Vina Giày ra nước ngoài thật an toàn, tuyệt mỹ. Thế nhưng cách nay 20 năm Vina Giày đã đột nhiên ngu xuẩn. Vào một hôm tôi đến để mua thêm hai đôi bốt mũi nhọn, thì thất kinh khi thấy tất cả các kệ tủ đều trưng bày duy chỉ một kiểu giày tây mũi “chè bè” vừa ngang, vừa rộng, vừa dẹp, vừa ngếch lên trời. Tôi hỏi thì các cô bán hàng bảo công ty đã thu hồi tất cả các loại giày khác và thay thế bằng kiểu giày “thời trang” này. Tôi mới bảo các cô rằng lãnh đạo của các cô là đại ngu vì 4 lý do gồm (a) không bao giờ có kiểu “đồng phục áp đặt” như thế đối với khách hàng, (b) những gì đã là tuyệt mỹ thì không bao giờ bị đề-mốt-đê tức lỗi mốt chẳng hạn veston nam không bao giờ thay đổi và giày bốt nam mũi nhọn luôn là của giới thượng lưu Âu Mỹ, (c) kiểu “thời thượng” này tôi xem như thứ hạ cấp vì chè bè giống như mỏ vịt lại nghếch lên như của giới xiếc hề nên sẽ nhanh chóng bị thải loại, và (d) tôi sẽ không bao giờ trở lại Vina Giày.

Và suốt hai mươi năm nay tôi không cho phép Vina Giày nhận của tôi một xu teeng nào cả mà chỉ trao tiền cho các hãng giày của Mỹ mà tôi mua qua người thân hoặc bằng online, bất kể giày bốt ấy có ghi made-in-Mỹ hay made-in-Tàu. Hiện tôi ưa chuộng giày bốt hoặc giày tây cổ thấp bất kỳ của cơ sở Journey ở Thành phố Hồ Chí Minh vì giày đẹp, bền, giá phải chăng, và…ủng hộ công nghiệp nước nhà.

“Đồng phục” đứng đắn:

Tiếng loa hội trường: Công ty yêu cầu các bạn nam nhân viên khi đến làm việc phải đi giày tây (giày bốt cao cổ dây kéo hoặc giày thấp cổ cột dây), màu nâu hoặc đen, có vớ sậm màu.

“Đồng phục” phát-xít:

Bảng treo trên quầy: Quý vị phải mua giày kiểu này thôi, vì đây là thứ tụi tao vừa chộp được của thời trang nước ngoài.

Ca sĩ

Trên thế giới ca nhạc, tuyệt đại đa số các ca sĩ Âu Mỹ – dù đã là “celebrity” hay vẫn còn “vô danh tiểu tốt” hoặc là “văn nghệ quần chúng” – đều giống nhau ở chỗ luôn mạnh mẽ, di động nhiều trên sân khấu với hoặc không với nhạc cụ, thể hiện diễn tả nội tâm bằng giọng hát đã được đào tạo thanh nhạc từ cấp tiểu học và trung học, lời ca toàn của những ca khúc “đỉnh” do họ sáng tác hoặc của các tác giả danh vang thế giới, ánh nhìn, sắc mặt, và tính chuyên nghiệp đẳng cấp thượng thừa – nghĩa là không cho phép bất kỳ một tỷ lệ cỏn con nào có thể gây ra sự cố trong lúc trình diến. Để làm được điều đó, họ luôn nắm giữ micro cố định vững chắc trong bàn tay

Smile (6)

hoặc bằng cả hai tay

Smile (5)

ngay cả cô ca sĩ Hàn Quốc Hari Won ở Việt Nam cũng cho thấy tính rất chuyên nghiệp của ca sĩ nước ngoài đẳng cấp thế giới qua cách cầm micro vững chắc của cô

Smile (4)

Trong khi đó, hầu như tuyệt đại đa số các ca sĩ của Việt Nam – dù đã là “celebrity” hay vẫn còn “vô danh tiểu tốt” hoặc là “văn nghệ quần chúng” – đều giống nhau ở chỗ chẳng mạnh mẽ, ít di động hoặc di động chậm rãi trên sân khấu mà chỉ nhảy nhót túi bụi lúc đến điệp khúc chứ không suốt bài ca, chẳng sử dụng nhạc cụ, thể hiện y phục tuyệt mỹ chứ diễn tả nội tâm bằng giọng hát không qua đào tạo thanh nhạc tại cấp tiểu học hay trung học hay nhạc viện, lời ca toàn của những ca khúc của người khác sáng tác mà tuyệt đại đa số đều chẳng đặc sắc ngay tại Việt Nam,  ánh nhìn và sắc mặt chỉ có thể diễn kịch nếu bài ca loại “oằn oại”, và thiếu hẳn tính chuyên nghiệp – nghĩa là chẳng quan tâm đến xác suất có thể gây ra sự cố trong lúc trình diến. Thế nên, họ luôn nắm giữ micro kiểu Việt, nghĩa là thường xuyên buông các ngón tay lên rồi nhanh chóng diễn xiếc chộp lại micro

Smile (3)

“Đồng phục” chuyên nghiệp:

Tiếng loa ở hội trường: Thầy Cô yêu cầu các em phải trình diễn với nội dung mà Ông Hoàng Hữu Phước của Việt Nam nêu lên ở khúc trên tức đoạn nói về chúng ta ở Âu Mỹ.

“Đồng phục” nghỉ chơi với thiên hạ văn minh:

Tiếng loa ở quán cóc ven đường: Quý vị cứ trình diễn theo nội dung mà tui là ông bầu đã dạy chứ đừng thèm nghe lời thằng cha Hoàng Hữu Phước ở miệt Phú Nhuận nêu ở khúc dưới tức chê bai tụi Việt mình.

Chu Mỏ

Mỗi người đàn ông, tất nhiên, có cảm thụ khác nhau về sắc đẹp người khác phái, nên tôi không nói tôi có tính chính xác khi nói về sắc đẹp người phụ nữ.

Tôi chưa hề thấy bất kỳ thí sinh hoa hậu nào của Việt Nam hay của thế giới đẹp cả.

Nhưng đối với tôi, người phụ nữ này của Đài Truyền Hình Hà Nội là tuyệt thế giai nhân duyên dáng bậc nhất mà tôi còn chưa được biết cô tên họ là gì:

Smile (2)

 Và tất nhiên, cô gái này là nữ sinh lớp 9 xinh đẹp nhất đời tôi:

Smile2

Trong “tứ đức” của người phụ nữ gồm Công, Dung, Ngôn, và Hạnh, thì Dung hoàn toàn không nói về nhan sắc mà chỉ nói về sự quan tâm của người phụ nữ đến vệ sinh cá nhân, đến sự tươm tất chỉnh chu của đầu tóc, sự sạch sẽ ngay ngắn của trang phục, sự chững chạc của dáng đi, sự tha thướt của tướng đi, và cái đẹp của nụ cười, v.v., đã dẫn đến sự thật hiển nhiên cụ thể ở ngoại hình ra sao.

Trên các mạng xã hội, tôi thấy có những bức ảnh “bình thường” tự đăng của những phụ nữ Việt Nam “bình thường” không thuộc “tập đoàn” các hoa hậu, người mẫu, hoa khôi, mà tôi xin phép được cắt chụp duy chỉ nụ cười của họ, để chứng minh rằng dù họ có hay không có cái gọi là “nhan sắc” thì bản thân nụ cười tười tắn của họ – qua sự chăm chút về Dung của họ – cũng làm đấng nam nhi nào khi nhìn thấy cũng dễ dàng liên tưởng rằng chủ nhân của những nụ cười này toàn là trang quốc sắc thiên hương đẳng cấp hoa hậu hoàn vũ hoàn cầu hoàn hảo hoàn toàn:

Smile (1)Smile (8)

Thế nhưng, cũng trên các mạng “giao lưu xã hội” ấy, tôi thấy tràn ngập đến độ khủng hoảng những hình ảnh mà tôi – nếu gọi giày “thời trang” mũi hếch dẹp ngang là kiểu “chè bè mỏ vịt” – sẽ gọi là “chu mỏ”. Chu Mỏ vì phụ nữ từ còn tuổi vị thành niên hay ở tuổi 40+ đều chụp hình bắt chước kiểu dân Âu Mỹ khi “hôn gió”. Đây là kiểu bắt chước vụng về và kém khôn ngoan, vì phụ nữ Âu Mỹ chỉ “chu mỏ” khi kèm theo động tác dùng bàn tay để gởi gió cho mây ngàn bay, nên trở thành ảnh hiếm, duyên dáng, riêng tặng người thân thương của mình, và đo đó luôn được người thân thương ấy nhận thấy trong khoảnh khắc ấy tất cả những cái gọi là duyên dáng dễ thương. Trong khi đó, chu mỏ kiểu hôn gió “đại trà” cho ông đi qua bà đi lại như sau quả là điều tự làm xấu mình

Smile (7)

Chỉ cần tưởng tượng thế này: bạn đến một nơi du lịch – dù ở nội địa hay ra nước ngoài – và khi xe bus chầm chậm đưa bạn vào một thị trấn, bạn qua khung cửa sổ nhoẻn miệng cười tươi tắn thật lâu với những người đang mĩm cười vui tươi hân hoan đón chào bạn. Họ sẽ cho là bạn tươi tắn, thân thiện, duyên dáng.

Nhưng nếu cũng qua khung cửa sổ xe ấy, bạn chìa đầu ra, chu mỏ liên tục thật lâu với những người đang đón chào bạn, họ sẽ cho là bạn điên.

Đăng hình trên trang cá nhân của mình mà nhoẻn miệng cười tươi “thường trực” thì chỉ tạo cảm nhận tốt nơi người nhìn thấy.

Đăng hình trên trang cá nhân của mình mà chu mỏ “thường trực” thì rất không bình thường.

“Đồng phục” làm đẹp Dung: điểm trang cho đôi môi theo kiểu “bình thường” của đa số.

“Đồng phục” phá nát Dung: vặn vẹo đôi môi theo kiểu “thấy Tây Thi rối loạn tiêu hóa nhăn nhó được khen đẹp thì cứ nhăn nhó như Tây Thi”.

Kết luận:

A) “Đồng phục” thời thịnh trị chốn học đường:

Tiếng loa ở tất cả các sân trường: Này các em, các em về nói phụ huynh may đồng phục: nam áo sơ mi trắng dài tay hoặc ngắn tay có đính huy hiệu trường phía trên túi áo trên bên trái, bỏ áo trong quần tây dài hai ống màu đen hoặc màu xanh dương, đi giày vải có mang vớ; nữ áo dài trắng có đính huy hiệu trường trên ngực áo trái, với quần dài hai ống màu đen. Huy hiệu giá 200 đồng mỗi chiếc bằng vải, có thể mua ở thư quán trường.

“Đồng phục” thời suy vi chốn học đường:

Tiếng thầy cô tại mỗi lớp của từng trường riêng biệt: Này các em, các em về kêu phụ huynh đóng mỗi em một triệu hai trăm ngàn đồng để trường cấp mỗi em hai bộ đồng phục riêng của trường mình.

B) “Đồng phục” chốn nghị trường nước khác:

Tât cả các nghị sĩ đều làm như nhau: mạnh ai nấy tìm tòi riêng trong sáng quyền lập pháp để đề ra các đạo luật mang chính tên người đề xuất và thực hiện.

“Đồng phục” chốn nghị trường nước này:

Tât cả các nghị sĩ đều làm như nhau: mạnh ai nấy bắt chước nhau nói về cùng chủ đề luật nào đó có thể áp cái ý “còn mắc nợ với nhân dân” như “biểu tình”, và dù có nghề “luật sư” vẫn tuyệt đối né tránh sáng quyền lập pháp để khỏi phải viết ra dự án “luật biểu tình” do bất tài vô dụng.

C) “Đồng phục” của báo chí nước khác:

Tất cả các “phóng viên” đều làm như nhau: mạnh ai nấy bí mật tìm tòi những bí mật tiêu cực nghiêm trọng để đưa sự thật ấy ra công chúng, giúp làm nổi bật tờ báo mà mình phục vụ.

“Đồng phục” của báo chí nước này:

Tất cả các “phóng viên nhà báo” đều làm như nhau: mạnh ai nấy bảo đảm phải  đồng lòng trong (a) luôn “nhá” thẻ nhà báo để công khai đòi quyền tiếp cận thông tin, (b) luôn viết giống nhau để không ai phải chịu búa rìu trách nhiệm, và (c) luôn viết giống nhau để trừng trị hội đồng một kẻ nào đó – chẳng hạn đồng lòng viết bôi nhọ đe dọa và vu khống nghị sĩ Hoàng Hữu Phước nhằm tổng tấn công y khiến y phải từ chức hoặc bị Quốc Hội bãi nhiệm.

Ô hô Ô hô Chủ Nghĩa Đồng Phục Uniformism Vạn Tuế!

poem

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Both comments and trackbacks are currently closed.