Đồng Phục 2: Việt Nam ở Hạng Nào Tại Olympic Rio 2016?

Ngoại Hạng

Hoàng Hữu Phước, MIB

13-8-2016

Đồng phục thể thao của mỗi quốc gia đều cố gắng thiết kế tối đa trên cơ sở nét đặc thù của quốc kỳ của quốc gia ấy. Nét đặc thù bao gồm màu sắc và/hay nội dung hình ảnh của quốc kỳ.

Trang phục của các nữ vận động viên thể dục dụng cụ Hoa Kỳ mang dấu ấn đầy đủ của nội dung hình ảnh và màu sắc quốc kỳ Mỹ

Uniform (9)

trong khi “kình ngư” Michael Phelps của Mỹ nhận huy chương vàng 200 mét bơi bướm nam cũng tại Olympic Rio 2016 với chiếc áo khoác mang màu xanh dương cùng màu đỏ của quốc kỳ Mỹ

Uniform (8)

Cần lưu ý rằng “kình ngư” Nga đứng bên cạnh trong ảnh trên mặc áo khoác có ba màu đỏ-trắng-xanh theo đúng màu quốc kỳ Nga – đã vậy còn kèm thêm chữ “Nước Nga” bằng tiếng Nga – trong khi “kình ngư” Úc tuy không mặc áo khoác có màu như quốc kỳ Úc (vì kẹt do quá giống quốc kỳ Vương Quốc Anh) nhưng rõ ràng là mặc áo theo màu sắc đã được giới thể thao Úc chọn làm màu đặc thù của quốc gia (như thể thao New Zealand chọn màu đen chứ không chọn màu của quốc kỳ vì kẹt do quá giống quốc kỳ Úc) riêng cho mình mà người ta thấy rõ nhất là nơi đội tuyển bóng đá quốc gia Úc (màu sắc trang phục luôn màu xanh lá và màu vàng hao hao giống của đội tuyển Brazil).

Một thí dụ khác là về hai đấu thủ sau, một của Bắc Triều Tiên và một của Hàn Quốc, chúng ta thấy rõ ràng là trang phục của họ mang màu sắc đặc thù của quốc kỳ quốc gia họ

Uniform (6)

Nhưng hãy thử nhìn hình ảnh này khi vận động viên Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam khi nhận huy chương vàng chụp chung cùng hai vận động viên khác

Uniform (5)

chúng ta thấy trong khi vận động viên Brazil mặc áo khoác thân màu xanh lá nhạt với cánh tay màu xanh lá sậm như quốc kỳ Brazil, còn vận động viên Tàu mặc áo có màu đỏ và hoa văn hai bên cánh tay màu vàng đều của chính quốc kỳ Tàu, thì thân áo dưới của Hoàng Xuân Vinh có màu đỏ không phải của nền cờ Việt Nam trong khi thân áo trên có màu vàng nhợt nhạt không phải của ngôi sao trên cờ Việt Nam – chưa kể sự thiết kế phối màu quái gở cứ như trang phục bị phai màu do cũ kỹ hay phôi màu hoặc lem màu do chất lượng tồi của thuốc nhuộm lúc gặp nước giặt, trông cứ như món tráng trứng đã không khéo lại thêm tòe loe nước sốt cà chua loại rẻ tiền.

Ngay cả khi Hoàng Xuân Vinh nhận huy chương bạc chụp hình chung với hai xạ thủ Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên thì màu sắc trang phục của Hoàng Xuân Vinh lại càng nổi bật theo hướng không dính dáng gì đến lá quốc kỳ Việt Nam:

Uniform (7)

Trước đây rất nhiều năm, tôi có viết blog chê bai trang phục của đội tuyển bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế: áo đỏ với hai bên nách màu trắng kéo dài dọc hai bên tay xuống hai bên hông, vì kiểu thiết kế như vậy khiến từ xa trông cầu thủ Việt Nam càng thêm “tong teo”, nhỏ bé, suông đuột, mất thế về ngoại hình vì trông như một chữ I màu đỏ ốm yếu.

Theo nhà thiết kế thời trang (tự phong) Lăng Tần thì cách tôn tạo dáng vẻ đẹp hơn cho những vận động viên Việt Nam thì  áo khoác nên luôn may theo kiểu tay Raglan tạo dáng chữ V, như áo khoác của Michael Phelps

Uniform (1)

và thậm chí khi hai bên nách có sọc to khác màu với thân như áo khoác của xạ thủ Hàn Quốc trong hình dưới đây thì ta thấy rõ ràng họ vẫn cố thiết kế để có hình thể chữ V để tôn chiều ngang của ngục và vai người mặc

Uniform (4)

Chưa kể dù đó là áo khoác của Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Brazil, Nga, Úc, hay bất kỳ quốc gia nào khác tại Olympics Rio 2016, thì thời trang chung luôn là: áo thẳng thớm từ trên xuống chứ không có “bo” như áo mà Hoàng Xuân Vinh đang mặc. “Bo” là kiểu trang phục cực kỳ…phản động đối với mỹ thuật tạo hình vì làm người mặc cứ như đang có chiếc bụng phệ do bia bọt. Hơn 30 năm trước, công an Việt Nam được Cộng Hòa Dân Chủ Đức viện trợ về trang phục nên áo bỏ ngoài vì có “bo” trông rất nhà quê, mất thế trấn áp. Không ngờ là đơn vị “tài trợ” trang phục cho đoàn thể thao Việt Nam lại ban phát cho đội tuyển quốc gia bộ trang phục nhem nhuốc và cổ lổ xỉ hoàn toàn thất bại trong tạo dáng cho những người mang danh vận động viên – tức lực sĩ – của nước Nam này.

Còn theo giáo sư ngôn ngữ (tự phong) Lăng Tần thì ông hoàn toàn không hiểu bức ảnh dưới đây muốn nói gì vì không rõ đội tuyển Việt Nam lên đường đi đâu trong Thế Vận Hội 2016 này. Rõ ràng có chữ Olympic trên phông màn. Rõ ràng có chữ Rio trên phông màn. Nhưng tìm hoài không thấy chữ Brazil! Vậy sao không là Ô Lim Bích và vậy sao không là Ri Ô cho hòa âm điền dã luôn thể?

Uniform (3)

Tôi từ nhỏ đến nay mỗi khi đi đâu khỏi Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) đều có trong hành lý đôi giày tây, chiếc cravat, và bộ veston. Đơn giản vì “rủi” mình bất ngờ có ai mến thương mến yêu mến mộ mời đến ăn tiệc, ăn cưới, ăn giỗ, v.v., thì tôi luôn sẵn sàng tươm tất để “ứng phó”.

Đoàn vận động viên Việt Nam đi đâu khỏi đất nước này đều nên được cấp áo khoác tuyệt đẹp đơn giản vì…“rủi” bất ngờ đoạt huy chương thì có cái mà mặc lên nhận giải để khoe mỹ thuật thiết kế độc đáo của nước nhà và để thế giới nhận ra ngay quốc gia Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam qua thiết kế độc đáo ấy.

Nói tóm lại, việc sử dụng từ ngữ trên các phông màn thì cứ tự do muốn viết gì thì viết nếu cấm cửa tất cả các phóng viên trong và ngoài nước, cũng như đặt ngoài vòng pháp luật bất kỳ ai trên toàn thế giới đăng hình ảnh có nội dung phông màn của Việt Nam. Còn nếu tôn trọng thế giới thì đừng để họ hiểu lầm ta viết sai tên nước họ vì văn hóa Âu Tây tối kỵ việc ai đó viết sai tên họ của họ. Đừng để người Brazil nghĩ rằng hoặc ta viết sai tên nước họ hoặc ta đang sai thần đèn di dời Rio 2016 qua thiên hà khác.

Uniform (2)

Nói tóm lại, kỳ Olympic Games Rio 2016 ở Brazil – không phải Braxin – này thì trang phục khoác của đội tuyển quốc gia Việt Nam thuộc loại Ngoại Hạng vì không thể xếp vào hạng gì.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Giới thiệu bài đọc thêm có liên quan:

Chủ Tịch – Già – Cu Dơ Nhét Xốp

Vấn Nạn Yếu Kém Tiếng Anh Ở Việt Nam

Both comments and trackbacks are currently closed.