Đồng Phục 3: Sự Thất Bại Thảm Hại Của “Văn Nghệ” Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

15-8-2016

Bài thứ ba về “đồng phục” này nói ngắn gọn tập trung về các đài truyền hình chủ yếu là của trung ương, của Thành phố Hồ Chí Minh, và của các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Cái gì cũng cần có sự đa dạng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng – trừ phi trong đầu óc của kẻ “kinh doanh” lại bị trì trệ bởi ý tưởng “ban ơn”, “ban phát”, và “thí cô hồn” – nên có thể nói qua bài số 1 rằng Vina Giày đã tầm bậy trong “kinh doanh” và đài truyền hình đã tầm bạ cũng trong “kinh doanh”.

Hài

Nếu như sự ngu xuẩn của Vina Giày mang tên “chè bè mỏ vịt” cho thấy sự thất bại của thiết kế mang tính “đồng phục” áp đặt theo kiểu mặc định rằng ắt đương nhiên tất cả khách hàng đều chỉ “yêu” thời thượng “chè bè mỏ vịt”, thì cái quái gở của Truyền Hình mang tên “hài” cho thấy sự thất bại của một thứ “đồng phục” áp đặt khác theo kiểu mặc định rằng ắt đương nhiên tất cả người xem đài đều chỉ “yêu” thời thượng “hài” (tức “diễu hề” hay “hề”).

Tivi tràn ngập các game show hài, các vỡ diễn hài, các phim truyện có nhét hài.

Hài ở mọi lúc.

Hài ở mọi nơi.

Thật là kinh hải.

Tất cả chỉ nói lên sự thất bại thảm hại của những cái được gọi theo lối trang nghiêm là “chính kịch”, là “cải lương”, là “điện ảnh”.

Nghĩa là “cải lương” đã hụt chân nơi bờ vực thẳm của lãng quên và hư mất, chỉ còn là tiếng vọng mơ hồ của hòn sỏi nhỏ rêu phủ phong sương va vấp đâu đó vào các góc cạnh của triền hố sâu ấy, vì ba lý do gồm (a) như tôi đã phân tích trong một bài viết trước đây về cái điềm báo trước rất tức cười của “tân cổ giao duyên” ngay khi nó xuất hiện một cách đầy hủy phá từ những năm 1960 của thế kỷ trước; (b) sự biến mất hoàn toàn của các kịch bản ra hồn; cũng như (c) cảm nhận của các thế hệ trẻ sau này rất tối kỵ với những gì mạo danh thực tế – có nghĩa rằng truyện thần tiên phải ra truyện thần tiên, và truyện xã hội phải ra truyện xã hội, chứ không chấp nhận bối cảnh xã hội với điện thoại di động mà các diễn viên lại tô son trát phấn ngân hát sáu câu vọng cổ.

Nghĩa là “chính kịch” đã hụt chân nơi bờ vực thẳm của lãng quên và hư mất, chỉ còn là tiếng vọng mơ hồ của hòn sỏi nhỏ rêu phủ phong sương va vấp đâu đó vào các góc cạnh của triền hố sâu ấy; vì bốn lý do gồm (a) sự bất khả trong sáng tác dồn dập thật nhiều những tác phẩm ra hồn, (b) nội dung “xã hội” gần như là duy nhất nên tính hấp dẫn gần như biến mất, (c) “kịch” chỉ còn lây lất tại các “sân khấu nhỏ” khiến mất tính lan tỏa lan rộng khuếch trương khuếch đại khuếch tán, và (d) “kịch” đã bị phim truyền hình Việt Nam – tức kịch được diễn không trên sân khấu mà diễn qua quay phim – khai tử. Phần thứ tư vừa nêu có nghĩa là Tivi tràn ngập nhiều “phim” Việt Nam nhưng đây là những “vỡ kịch quay phim” với các tình tiết rất “kịch” chứ không phải phim điện ảnh đúng nghĩa.

Nghĩa là “điện ảnh” đã hụt chân nơi bờ vực thẳm của lãng quên và hư mất, chỉ còn là tiếng vọng mơ hồ của hòn sỏi nhỏ rêu phủ phong sương va vấp đâu đó vào các góc cạnh của triền hố sâu ấy; vì năm lý do gồm (a) sự bất khả trong sáng tác các tác phẩm sử dụng nhiều xảo thuật điện ảnh tân kỳ đòi hỏi đầu tư lớn như các phim khoa học viễn tưởng hoặc hành động như của Hollywood; (b) sự tập trung gần như tuyệt đối cho thể loại xã hội là thể loại nghèo nàn không bao giờ phải đầu tư nhiều; (c) kịch bản cứ phải có yếu tố hài, “ở truồng”, dâm ô, hiếp dâm, chơi bời, thác loạn, nên các bậc cha mẹ cẩn thận sẽ tuyệt đối cấm con em xem ngay cả khi có chiếu lại trên tivi; (d) kịch bản cứ phải chạy theo tin nóng như về đồng tính, chuyển giới, lừa qua mạng, bán dâm qua mạng; và (e) chẳng có phim “điện ảnh” nào có nhạc phim ra hồn, tức những món “công nghiệp phụ trợ” của điện ảnh hoàn toàn vắng bóng. Rốt cuộc, để làm “phim”, người ta chỉ còn biết nhét ấn dúi “hài” với lời thoại dồn dập báng bổ vào để lấp chỗ trống mà thôi.

Tóm lại, Hài là thứ “đồng phục” do truyền hình áp đặt, bất kể là trong game show, trong kịch, hay trong phim ảnh.

Bolero

Nếu “hài” là một từ Hán-Việt thay thế cho từ thuần Việt “hề” lẽ ra phải được các nhà lý sự học luôn mồm đòi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tôn trọng, thì sự thất bại của âm nhạc Việt Nam mang một tên hoàn toàn “Tây”: Bolero.

Trong một bài viết nhiều năm trước, tôi có nhắc lại việc vài năm sau ngày Giải Phóng Miền Nam, tôi cực kỳ bất bình khi đọc trên Sài Gòn Giải Phóng một thông tin rằng đại hội các nhạc sĩ đưa ra nghị quyết sáng tác theo chủ đề “tình yêu”. Âm nhạc phải đa dạng. Và âm nhạc của nước nào phải dựa trên thế mạnh của nước đó, và từ ưu thế đó sẽ phát triển thêm các dạng thức bổ sung khác cho phong phú. Triệt tiêu nhạc cách mạng, xóa bỏ nhạc hùng vốn là thế mạnh, để bắt đầu sáng tác nhạc “tình yêu” nghĩa là đi từ con số không sẽ đưa đến hiện tượng khuyến khích người dân tìm đến sự bổ sung của “nhạc vàng”, “nhạc sến”, trong hoàn cảnh nhạc “tình yêu” nội địa vừa ít bài có chất lượng vừa không đủ số lượng áp đảo để đáp ứng nhu cầu. Đây lại là một hình thức “đồng phục” trong âm nhạc.

Từ cái “đồng phục” mang tên nội dung “tình yêu” nêu trên, thật không khó hình dung tại sao hiện nay dẫn đến cái “đồng phục” mang tên thể loại “Bolero”. Quá nhiều game show Bolero, quá nhiều giải Bolero, trên quá nhiều đài truyền hình. Tất cả mặc nhiên gào lên lời khẳng định chát chúa rằng nền âm nhạc Việt Nam hiện đại đã cáo chung. Sự thể ấy đã là sự thật vì bốn lý do của (a) sự quái gở trong sáng tác nhạc Việt Nam hiện đại vốn chỉ tập trung cố gắng nêu cho bằng được nội dung trầm mặc trầm buồn trầm lắng sâu sắc sâu xa sâu hoắm trong khi giới trẻ mỗi khi muốn hừng hực sôi động chỉ còn biết tìm đến với nhạc Âu Mỹ sống động trẻ trung; (b) sự thất bại trong sáng tác ca khúc Việt Nam hiện đại mà tôi đã từng nêu là cách để biết một tác phẩm có đúng là “nhạc” hay không thì chỉ cần xem bạn có huýt sáo được bài hát ấy hay không; (c) sự dễ dãi của người Việt khi ái mộ một ca sĩ nào đó bất kể vị đó chẳng sáng tác được gì nhất là theo chuẩn “b” nêu trên cũng như không sáng tác gì theo chuẩn “a” tức trẻ trung sôi động, chẳng sử dụng nhạc cụ gì trọn thời gian trình diễn; và (d) nhạc thế mạnh đã bị triệt tiêu trong khi nhạc thế yếu thì thất bại hoàn toàn, sự tìm đến Bolero cùng sự bùng nổ lấn lướt của Bolero là lẽ đương nhiên để lấp khoảng trống to lớn, triền miên, của các đài truyền hình, dù cho tổng số bài Bolero không nhiều, được lập đi lập lại ở mọi lúc mọi nơi cũng đang khiến những khán giả đứng tuổi vốn yêu thích nhớ nhung “nhạc Bolero” cũng bắt đầu chán nản.

Tóm lại, Bolero là thứ “đồng phục” do truyền hình áp đặt, cho thấy sự thất bại của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam và sự suy vong của các đài truyền hình đối với nhiệm vụ làm công cụ chính trị phát huy bảo tồn văn hóa văn nghệ Việt Nam.

Tôi mê Nhạc Đồng Quê Mỹ trong tất cả các thể loại âm nhạc “hiện đại” Âu Mỹ.

Tôi thích Dân Nhạc Tô Cách Lan trong tất cả các thể loại âm nhạc “hiện đại” Âu Mỹ.

Tôi ưa Dân Nhạc Ái Nhĩ Lan trong tất cả các thể loại âm nhạc “hiện đại” Âu Mỹ.

Tôi không hiểu Việt Nam có mấy loại nhạc. Tôi chỉ biết đại khái rằng (a) nhạc hùng hành khúc Việt Nam đã bị triệt tiêu, chấm dứt sáng tác, hạn chế trình diễn; rằng (b) cái gọi là “Lý” này “Lý” nọ ở Việt Nam được gọi là “dân ca” thì không phải “dân ca” do không từng có cái gọi là nền tấu khúc “dân nhạc” cụ thể như Nhạc Đồng Quê Mỹ hoặc Dân Nhạc Tô Cách Lan hay Dân Nhạc Ái Nhĩ Lan; (c) rằng cái gọi là “Lý” này “Lý” nọ ở Việt Nam được gọi là “dân ca” thì không có sự trẻ trung tươi trẻ hiện đại như Nhạc Đồng Quê Mỹ hoặc Dân Nhạc Tô Cách Lan hay Dân Nhạc Ái Nhĩ Lan; và (d) cái gọi là “Lý” này “Lý” nọ ở Việt Nam được gọi là “dân ca” thì không phải là một thể loại nhạc cực kỳ hấp dẫn, được phát triển không ngừng lớn mạnh chinh phục thế giới nhạc trẻ tại Việt Nam và thế giới như Nhạc Đồng Quê Mỹ.

Vì sao không có sự “đồng phục chè bè mỏ vịt” trong tiệm giày ở Mỹ?

Vì sao không có sự “đồng phục hài” trong kịch nghệ và điện ảnh Mỹ?

Chỉ rõ một điều: âm nhạc Mỹ không bao giờ có sự cố bị tiếm ngôi bởi một thứ nhạc bất kỳ như Việt Nam đang bị ngự trị bởi “đồng phục Bolero” vậy.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Bài viết cùng chủ đề âm nhạc:

Âm Nhạc Việt Nam

Hề & Ngứa

Both comments and trackbacks are currently closed.