Hoa Hậu Nói Tiếng Anh

Hoàng Hữu Phước, MIB

20-9-2016

hhp-8-2016

Ảnh: Hoàng Hữu Phước, 08-2016

Giữa lúc cuộc diện thế giới và nước nhà có lắm điều cần bàn đến thế mà lại nói về cách mà cái cô hoa hậu người Việt gì đó họ Vũ – dưới đây gọi tắt là Vũ Hậu – đọc tiếng Anh thì rõ là vớ vẩn, không phù hợp chút nào. Song, biết làm thế nào được khi có đến những 3 vấn nạn trầm kha của (a) những người khóc mướn, (b) những người chả biết ất giáp gì về tiếng Anh nhưng sính nói nhặng lên về tiếng Anh dù cho có mặt đầy ngạo nghễ trong hàng ngũ các nhà hoạch định chính sách giáo dục đào tạo tiếng Anh hoặc trong hàng ngũ tay mơ, và (c) những người mặt dày mày dạn bô bô cái mồm tửng tửng làm nhục quốc thể, khiến dù Vương Tử Trực đã phán “Giết ruồi ai dụng gươm vàng làm chi” thì tôi cũng vì đại nghĩa trừ dịch bịnh mà ra sức lấy chổi chà ra đập ruồi đuổi nhặng vậy.

Những kẻ khóc mướn đã hoàn toàn sai khi nói rằng (a) có nhiều người Việt nói tiếng Anh như Vũ Hậu ấy và rằng (b) chính MC chương trình người Philippines cũng bảo vì cô giám khảo Vũ Hậu vốn dĩ là dân nước Việt Nam mà nước ấy không nói tiếng Anh nên Vũ Hậu đương nhiên không đọc được tiếng Anh.

Xin thưa rằng cái việc bình thường của một người may mắn không có khiếm khuyết bẩm sinh đối với một ngôn ngữ bao gồm 8 nội dung: nghe, nghe-hiểu, nói, nói-hiểu, đọc, đọc-hiểu, viết, và viết-hiểu. “Nghe” khác với “nghe-hiểu” vì “nghe” như vịt nghe sấm rất khác với nghe mà hiểu được nội dung vừa nghe. Tương tự, một người thí dụ người Việt có thể cầm một tài liệu vật lý vũ trụ bằng tiếng Việt để đọc ra thành tiếng nhưng không hiểu gì cả.

Và cũng xin thưa rằng cái mà người Việt Nam hay lầm to cả trăm năm nay là khi cho rằng việc học tiếng Anh gồm 4 nội dung – xếp theo quy trình theo thứ tự trước-sau của một đứa bé hay người bắt đầu “học” – nghe, nói, đọcviết. Thực ra, đã học thì phải hiểu. Và do đó, dù tiếng Anh ghi cái quy trình ấy là listening, speaking, readingwriting, thì tiếng Việt tương đương lẽ ra phải là nghe-hiểu, nói-hiểu, đọc-hiểu, và viết-hiểu. Điều khẳng định ở đây là một người chỉ khi học tiếng Anh đến trình độ làm chủ tiếng Anh (mastering English) thì mới nghe-hiểu, nói-hiểu, đọc-hiểu, và viết-hiểu tiếng Anh. Còn nếu có “học” mà không “làm chủ” được thì người đó chỉ có thể nghe, nói, đọc, và viết tiếng Anh – có thể nói lưu loát (nhờ “học” thuộc lòng các mẫu câu), phát âm tốt (theo rèn luyện tại lớp), nghe tốt (nhờ đã nghe trước bản ghi âm), đọc tốt (theo rèn luyện phát âm và đọc câu hay đoạn văn tại lớp) và viết được (nhờ học thuộc lòng câu mẫu hay đoạn văn mẫu), nghĩa là cái gì cũng được trừ sự hiểu biết toàn phần hoặc một phần.

Trong khi việc nói tiếng mẹ đẻ bất kỳ của một đứa bé bất kỳ của một đất nước bất kỳ đúng là theo trình tự của nghe – nói – đọc – viết, nghĩa là sau một thời gian ngắn nghe những âm thanh lời nói của cha mẹ và/hay người thân, đứa bé sẽ phát âm lập lại những âm thanh đã nghe, và lớp học tiểu học giúp tạo nên hai khả năng còn lại là đọc và viết; thì việc học một ngoại ngữ – ở đây xin nói cụ thể về tiếng Anh – lại hoàn toàn khác: hoàn toàn không theo quy trình trước-sau như cách đứa hài nhi đối với tiếng mẹ đẻ của bé, mà là một gói học đồng thời cùng lúc của nghe-hiểu, nói-hiểu, đọc-hiểu, và viết-hiểu. Đây là một sự thật dễ y như “quả trứng của Christopher Columbus” nhưng sự thật là chưa hề có bất kỳ người Việt Nam nào trong hàng trăm năm nay nói đến.

Ngoài ra, việc có quá nhiều sự lập đi lập lại tại Việt Nam rằng người ta nên học tiếng Anh từ khi còn là trẻ nhỏ thì (a) tôi đã chứng minh là xằng bậy trong tất cả các bài viết về “học tiếng Anh” dù trên báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, và Sài Gòn Tiếp Thị cách nay 20 năm hay trên các blog hơn chục năm qua; (b) chưa hề có bất kỳ nghiên cứu nào cho ra số liệu về những trẻ nhỏ Việt Nam cụ thể nào học tiếng Anh thì sau 20 năm đã trở thành nhà hùng biện tiếng Anh; và (c) có sự tồn tại cách học tập “bất thường” dành cho những người lớn “phi thường” tại tất cả các cơ quan tình báo lừng danh thế giới để nắm bắt một ngoại ngữ tuyệt hảo trong một thời gian tuyệt ngắn.

Từ tất cả những lập luận trên, có thể tin rằng nếu Vũ Hậu có thực sự học cấp trung học thì chắc chắn 100% ả ta có thể đọc được tiếng Anh một đoạn văn từ một bản in giấy cầm trên tay, ngay cả khi ả chẳng hiểu nội dung đoạn văn viết in sẵn đó, trong khi chưa chắc ả nghe được tiếng Anh, chưa chắc ả nói được tiếng Anh, và tất nhiên chưa chắc ả viết được tiếng Anh. Bởi cái sự dạy và học tiếng Anh ở tuyệt đại đa số các trường trung học ở Việt Nam như bấy lâu nay sẽ cho ra lò những học sinh đa số có khả năng đọc được các bài văn một cách dễ dàng, vấn đề là đọc với phát âm và ngữ điệu có tốt nhiều, tốt, hay hơi tốt mà thôi.

Ở đây, cái quái gở là Vũ Hậu đã không như một người đã từng học tiếng Anh ở trung học, nghĩa là đương nhiên phải đọc được một câu tiếng Anh in sẵn, bất kể có hiểu câu đó nghĩa gì hay không. Vũ Hậu đã thốt nên những âm thanh gì đó chẳng dính dáng đến tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác trừ trong kịch bản hài. Vũ Hậu đỗ thừa cho chất lượng micro, rồi sau đó lại tuyên bố rằng khả năng nói tiếng Anh của ả không tệ nhưng thiên hạ không nghe được chẳng qua là do ả phát âm với chất giọng đặc trưng của người Việt Nam. Đây không những là một sự xúc phạm nặng nề người Việt mà còn là tư cách thấp lè tè của Vũ Hậu, vì rằng chính người Việt mới là người có ưu thế trời sinh để phát âm hay nhất bất kỳ ngoại ngữ nào, thậm chí phát âm tiếng Anh hay nhất Á Châu kể cả hơn hẳn người Ấn vốn có tiếng Anh là một trong những quốc ngữ của họ và họ viết tiếng Anh tuyệt hảo hơn cả người Anh.

Tôi chỉ có thể khẳng định Vũ Hậu đã hoặc chưa  từng học trung học hoặc chưa từng học bất kỳ một giờ nảo của bộ môn tiếng Anh trong suốt 7 năm trung học của ả. Hãy hỏi các giáo viên Anh Văn của tất cả các trường trung học ở Việt Nam để biết một sự thật rằng trong khi nghe-nói-viết có thể vẫn là một vấn nạn thì đọc luôn là điều mặc định sẽ đạt được ở tất cả các học sinh có bước chân vào lớp học tiếng Anh mà lớp ấy có người hưởng lương “giáo viên tiếng Anh” đang đứng lớp giảng dạy. Chưa kể, “đọc” ở đây là “reading” tức mới chỉ nói về cái khả năng máy móc của cái mồm bật lên âm thanh khi đôi mắt nhìn thấy các chữ, chứ không là “reading compehension” tức “đọchiểu” vốn thuộc đẳng cấp cao hơn, quan trọng hơn, chủ lực hơn, chủ động hơn, trí tuệ hơn, trong việc học tiếng Anh.

Cuối cùng, cái anh MC người Philippines sở dĩ nói thế là để cứu nguy cho ban tổ chức đã ngu muội mời Vũ Hậu, chứ không phải để khẩn thiết cầu mong khán giả thông cảm cho Vũ Hậu. Song, anh MC của thế giới giải trí do ít học đã không đủ trí tuệ để nhận ra rằng anh ta đang chửi cha dân Việt khi bảo ở Việt Nam tiếng Anh đâu là quốc ngữ nên người Việt không nói được tiếng Anh. Từ giọng điệu của tên MC mất dạy người Philippines đó mà suy ra thì người Việt cũng không nói được tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Bồ, tiếng Phạn, tiếng La Tinh, tiếng Tàu, v.v., vì mấy thứ tiếng này không phải quốc ngữ của Việt Nam. Cũng từ đó suy ra người Việt không thể biết 2+2=4 vì chẳng có định đề toán học nào được đẻ ra ở Việt Nam; hoặc mấy ông cộng sản Việt Nam không thể giỏi lý luận chính trị Mác-Lê Nin vì nước Việt đâu có đẻ ra chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít; hoặc đừng thèm nghe mấy giáo sư Triết Tây ở Việt Nam nói chuyện về Sigmund Freud vì Việt Nam không là xứ sở đẻ ra ngành phân tâm học hay tâm bệnh lý học; hoặc quân Việt không biết bắn súng, lái tiêm kích siêu thanh, hay lái tàu ngầm vì mấy món vũ khí này do nước khác chế tạo ra; vân vân và vân vân.

Tôi khẳng định:

– Ai bảo có nhiều người Việt đọc tiếng Anh giống Vũ Hậu thì chính kẻ đó chưa từng học tiếng Anh hay tiếng Pháp, kể cả tiếng Việt.

– Vũ Hậu đã chưa từng học tiếng Anh nên việc dễ dàng nhất là đọc “read” một câu hỏi tiếng Anh in sẵn sao cho người ta nghe ra ngô ra khoai cũng bất khả thi.

– Người Việt Nam (nếu đã học tiếng Anh đạt yêu cầu bình thường tại Việt Nam) phát âm tiếng Anh hay nhất toàn Châu Á chứ không chỉ ở Đông Nam Á, thậm chí dứt xa dân các nước Đông Âu ngay cả khi các dân Á Châu hay Đông Âu này đã học tiếng Anh đạt yêu cầu tại nước họ hay ngay tại nước Mỹ.

Xin hãy hỏi các giáo viên tiếng Anh bậc trung học ở Việt Nam về sự thật trên để đừng khóc mướn khóc thuê cho kẻ tội đồ mặt dày làm nhục quốc thể và sĩ nhục quốc thể.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Các bài viết có liên quan:

WordPress.com:

Vấn Nạn Yếu Kém Tiếng Anh Ở Việt Nam

Tips for Learners of English (có đăng trên Aspiration Blog của uk.360, và trên LinkedIn.com)

Emotino.com (Đã đóng cửa. Sẽ được đăng lại trên WordPress.com):

Phường Có Đúng Là Ward?

Kinh Nghiệm Về Việc Học Ngoại Ngữ

Chia Sẻ Kinh Nghiệm Về “Học Giỏi” Tiếng Anh.

Kịch Của Hoàng Hữu Phước: Thorns of Life.

Báo Người Lao Động (Sẽ được đăng lại trên WordPress.com):

Anh Văn Bằng A, B, C Hay Cử Nhân?

Báo Tuổi Trẻ (Sẽ được đăng lại trên WordPress.com):

Có Nên Cho Trẻ Em Học Tiếng Anh?

Both comments and trackbacks are currently closed.