Tầy Huầy Ngôn Ngữ Báo Chí Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

06-12-2017

                                      Mục Lục

A) Dẫn Nhập: Tính Không Chuyên Nghiệp Của Giáo Khoa Việt Nam

B) Lổ Trống Tác Hoác Của Các Khoa Báo Chí Đại Học Việt Nam

1- Lỗi Vĩ Mô: Vô Chính Phủ Về Ngôn Từ Văn Phạm Tiếng Việt

2- Hội Chứng Máy Dịch Google

3- Láu Táu Từ Với Ngữ

C) Nhắc Lại Văn Phạm Tiếng Anh Với Câu Tường Thuật

D) Kết Luận: Tính Chuyên Nghiệp Của Giáo Khoa

A) Dẫn Nhập: Tính Không Chuyên Nghiệp Của Giáo Khoa Việt Nam

Sách giáo khoa ở Việt Nam luôn luôn có vấn đề vì tuyệt đối thiếu tính chuyên nghiệp.

Mọi người từ cấp lãnh đạo đến thường dân đều tự động tự nhiên mặc định hễ là thạc sĩ tiến sĩ là chuyên nghiệp đủ điều kiện thành chuyên gia hoặc tư vấn Nhà Nước hay tư vấn Chính Phủ.

Một người chỉ chuyên nghiệp khi cùng lúc đáp ứng cả ba yêu cầu của (a) hiểu biết và thực thi đúng – qua đào tạo tại nơi làm việc – thế nào là tính chuyên nghiệp đòi hỏi phải có nơi một người làm việc, (b) nắm rõ kiến thức và có thời gian dài thực hành về nghiệp vụ – qua đào tạo và/hoặc nghiên cứu chuyên sâu – đối với môt công việc đặc thù, và (c) khả năng truyền thụ/phát hiện vấn đề của/xử lý vấn đề phát sinh từ kinnh nghiệm làm việc trong lĩnh vực của công việc đặc thù ấy.

Một khi ai cũng lẫn lộn cho chuyên môn tức là chuyên nghiệp, nước nhà sẽ có lắm sự hỡi ôi, như từ việc sách giáo khoa kiến thức là chính cứ như là tác phẩm khoa giáo tuyên truyền là chính, và tư vấn Chính Phủ hầu như để giải thích giải nghĩa cho lãnh đạo Chính Phủ các chi tiết học thuật hay thuật ngữ của ngành có liên quan đến nội dung câu hỏi của lãnh đạo, chứ không hề có trình độ tư vấn kinh bang tế thế nên nước nhà mãi lết lê hỗn độn từ việc lớn lờn lơn như đại án các công ty lớn/ngân hàng lớn đến việc nhỏ xíu xìu xiu như chuyện trạm thu phí đường cao tốc toàn được các chuyên gia tư vấn cấp Bộ cho phép xây lộn chỗ làm sụp đổ hoàn toàn uy thế quốc gia chỉ bằng mớ tiền lẻ xạc xào và nắm tiền xu lẻng kẻng chứ không phải bằng cơn mưa rào rạt Mẹ Của Các Loài Bom hay Bố Của Các Loài Bom.

Chính vì cái tự động tự nhiên mặc định như thế mà sách giáo khoa Tiếng Việt trung học mỗi khi cải cách bởi các “giáo sư tiến sĩ” là gây rối loạn vô phương cứu chữa như tơ nhện vò, chẳng hạn nặn óc phát huy sáng kiến sáng tạo đổi tên cái gì gì đó thành “thể loại văn bản” trong khi nó chẳng dính dáng gì đến thứ “văn bản” mà lẽ ra phải lên cấp đại học mới được rớ vào học đến – ít nhất là theo bài bản ngôn ngữ Tiếng Anh – cũng như vô tư lấy các đoạn từ các bài báo làm bài văn mẫu mỗi bài hai đoạn (paragraph) in vào các sách giáo khoa ấy mà hoàn toàn ngu muội không biết rằng đã là bài luận mẫu ở cấp trung học cơ sở thì (a) mỗi bài phải có ít nhất ba đoạn cho đủ ba phần mở đầu/thân bài/kết luận, (b) văn báo chí hoàn toàn khác với văn viết thường và văn viết văn học, (c) văn báo chí chỉ được dạy tại các khoa báo chí ở cấp đại học, (d) các bài báo không bao giờ được thế giới dùng làm bài luận mẫu tham khảo ở cấp trung học, và (e) các bài luận  mẫu phải trích từ các tác phẩm văn học có giá trị văn học sử nghĩa là các tác phẩm văn học “mới tinh” thì không được bày ra ở cấp trung học do chưa có giá trị văn học sử tức chưa vượt qua thành công thời gian mấy chục năm, huống hồ các bài báo mang tính thời sự nóng hổi cập nhật.

Một cách tự động, khi “văn bản” và các trích đoạn từ “báo chí” được đưa vào môn Tiếng Việt thì rõ là dẫn đến hai hệ lụy của (a) văn Tiếng Việt của học sinh trung học thì lạc lối vì được dạy lộn sân, còn (b) văn “báo chí” Tiếng Việt đương nhiên không hề được dạy ở các khoa báo chí tại các trường đại học nên sản phẩm khi ra trường khiến có bài viết này.

B) Lổ Trống Tác Hoác Của Các Khoa Báo Chí Đại Học Việt Nam

Từ hệ lụy nêu ở phần trên cho thấy trình độ ngôn ngữ Tiếng Việt các “nhà báo” xuất thân từ các khoa báo chí các trường đại học luôn có vấn đề từ bản thân và từ những tác nhân ngoại lai quyết định như từ vĩ mô chẳng hạn.

1- Lỗi Vĩ Mô: Vô Chính Phủ Về Ngôn Từ Văn Phạm Tiếng Việt

Như đã từng được nêu lên rất nhiều lần mà cụ thể là tại bài Ai Đẻ Ra “Tập Cận Bình”, đã luôn có sự tự ý tự tung tự tác vô chính phủ trong cách chế tạo tên tiếng Việt cho các lãnh đạo tối cao của chỉ nước Tàu anh em hữu hảo nhằm bảo vệ thanh danh uy tín cho các vị đó, nghĩa là trong khi thế giới nghe tên cái ông khổng lồ ấy thành Xi Jinping thì Việt Nam thay vì nương theo đó mà gọi ông ta thành Xì Dính Bình hoặc Xì Dính Bịnh, thì lại chế thành Tập Cận Bình, cũng như gọi một thằng tướng Tàu là Thường Vạn Toàn, v.v. Gọi là vô chính phủ vì toàn dân chẳng thấy có quy định riêng hễ tên tiếng Tàu nào thì phải gọi bằng tiếng Việt ra sao. Hãy đọc các bản tin sau để nhận ra các quái đản cũng như để minh chứng toàn bộ nhận định nhận xét nhận thấy nhận ra của Hoàng Hữu Phước là tuyệt đối đúng, chính xác đúng, không gì khác hơn là hoàn toàn đúng:

Baochi1

Như biểu diễn ở trên thì Goh Chok Tong nối ngôi Lý Quang Diệu, và Lý Quang Diệu có hai vợ tên Wong Ming Yang và Ho Ching; và bốn con tên Li Xiuqi, Li Yipeng, Li Hongyi, và Lee Haoyi. Thậm chí còn có đoạn ghi Lý Quang Diệu có con tên Lý Hiển Long. Vậy, phải chăng chỉ có Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long hoặc là người Việt hoặc được Việt Nam đặc cách ban cho tên tiếng Việt để cho thật kỳ quang kỳ diệuhiển vinh hóa rồng, trong khi Thủ Tướng kế nhiệm Goh Chok Tong vẫn cứ là Goh Chok Tong hoặc…Gô Chốc Tông?

Chính vì vô chính phủ, tùy tiện, mà truyền thông chính thống chỉ được phép lập lại những gì mà ai đó ở Trung Ương phán ra, thay vì có cẩm nang quy định âm tiếng Tàu nào thì phải dùng chữ tiếng Việt nào để gọi tên trên truyền thông.

Bản thân các giáo sư tiến sĩ Tiếng Việt và giáo sư tiến sĩ dạy các Khoa Báo Chí có đã từng nhận thấy cái điều quái gỡ này chưa, và nếu đã từng thấy thì có đã từng nghiên cứu để hình thành công trình khoa học trình Bộ Giáo Dục xem xét quyết định áp dụng thống nhất toàn quốc chốn học đường hay chưa?

Tất nhiên, lời khuyên của Hoàng Hữu Phước luôn là: hãy chỉ dùng tên tiếng Anh khi nêu tên tiếng nước ngoài dù tên đó là của người, của địa danh, hay của quốc gia nào chưa hề có sẵn tên Hán-Việt trong đời sống ngôn ngữ ở Việt Nam, như đã nêu trong các bài Giao ThoaCu Dơ Nhét Xốp.

2- Hội Chứng Máy Dịch Google

Do viết tiếng Việt không thông, ngoại ngữ thì không tinh thông, nghiệp vụ săn tin thì thụ động, khả năng biện luận bằng không, tất cả các nhà báo viết tin thời sự nước ngoài đã một cách nhanh nhất sử dụng công cụ máy dịch thuật Google. Khi thấy có một mẫu tin tiếng Anh (đa số trên truyền thông nước ngoài bằng tiếng Anh, kể cả nếu truyền thông đó là của Ả Rập hay Pháp, Ý, v.v.), các nhà báo ta lập tức copy cả đoạn vào máy dịch để có bản tiếng Việt. Tất nhiên, bản dịch tiếng Việt do Tiếng Việt có yếu điểm như đã được nêu rõ trong bài Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt nên đọc lủng ca lủng củng, và nhà báo dễ dàng chỉnh sửa lại cho nghe xuôi tai hơn.

Chính vì vậy, việc diễn dịch kiểu as-is tức nguyên trạng đã cho ra câu Tiếng Việt y trên nền vị trí câu cú Tiếng Anh, khiến có hình dạng như sau:

Baochi2

nghĩa là “Long Room hôm qua đưa tin” ở cuối câu, thay vì lẽ ra đã phải chứng tỏ ta đây là trạng nguyên để đem “Long Room hôm qua đưa tin” lên đầu câu cho đúng là thứ tự văn phạm Tiếng Việt. (Xin xem thêm Phần C bên dưới, nêu văn phạm sơ đẳng tiếng Anh đối với câu tường thuật tức Reported Speech).

Từ thói quen dựa hơi máy dịch Google, các nhà báo tự cho mình cái quyền viết theo hình thức tương tự tiếng Anh thành kiểu sau, với cái kiểu kết “ông Khái nói” đặt ở cuối câu:

Baochi3

Điều cần lưu ý là:

a) Giới chuyên viên/nhân viên công nghệ thông tin (IT) thường cực yếu về văn chương chữ nghĩa, thậm chí ít học hoặc không học đầy đủ tất cả các môn ở bậc trung học do IT luôn chỉ là các khóa đào tạo ngắn hạn kiểu cầm-tay-chỉ-việc, nên không biết rằng đã là câu tường thuật trực tiếp thì phải đặt giữa hai cặp dấu ngoặc kép trước từ Stephen và sau dấu phẩy dưới của từ hero của đoạn dưới đây khiến cả câu sai văn phạm Tiếng Anh mà nếu nhà báo Việt Nam bê câu này vào máy dịch Google sẽ cho ra đoạn tiếng Việt sai tương ứng tức luông tuồng rồi kết thúc bằng the Daily Mail reports:

Baochi4

Và việc luông tuồng do thiếu học của dân làm báo điện tử ở các nước Âu Mỹ ngày nay sẽ cho ra những sản phẩm như sau, cho thấy phải đọc rất nhiều câu để rồi cuối đoạn mới cho biết những điều vô thiên lủng ở trên là từ cửa miệng của một ông tên Kepper:

Baochi5

b) Sự luông tuồng không có dấu ngoặc kép hai đầu câu tường thuật trực tiếp sẽ dẫn đến ý tứ khôi hài sau, nếu ngay khi đọc lần đầu một cách Goóc-Ba-Chốp tức ba chớp ba nháng vội cho rằng nạn nhân bị giết trong vụ tấn công là công dân Bỉ, Phó Thủ Tướng Bỉ và Bộ Trưởng Ngoại Giao Bỉ:

Baochi6

tất nhiên rồi ai cũng hiểu ra, dù chậm, rằng nếu câu trên là câu tường thuật trực tiếp có hai cặp dấu ngoặc kép (một trước A victim và một sau dấu phẩy dưới của  citizen, hoặc một câu tường thuật gián tiếp (như Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Bỉ đã tweet hôm Thứ Ba rằng một nạn nhân bị sát hại trong cuộc tấn công là công dân Bỉ) thì không bất kỳ ai hiểu sai ý cả câu cả.

c) Việc mô phỏng theo hình thức câu tường thuật của tiếng Anh do thói quen dựa vào máy dịch thuật Google vốn dịch sát sàn sạt đúng y vị trí từ trong câu tiếng Anh gốc là điều sai hoàn toàn – nhất là nếu câu tường thuật quá dài – do không đúng văn phạm tiếng Việt mà độc giả người Việt quen dùng. Chưa kể, cách viết như vậy chưa hề tồn tại trong sách giáo khoa tiếng Việt dù là tiểu học, trung gọc, hây đại học, trong khi ngôn ngữ báo chí nhất thiết phải gãy gọn, súc tích, rõ ràng. Rõ ràng nghĩa là không gây hiểu nhầm hoặc không nêu lên ngay từ đầu câu nguồn của thông tin sắp dẫn ra, để người đọc có thể thực thi quyền đọc tiếp hay không đọc tiếp khi thấy tên nhân vật hay nguồn của phát biểu ngay sau đó.

3- Láu Táu Từ Với Ngữ

Tuần trước, một phụ nữ đến Ủy ban Nhân dân Phường 2 Quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh xin chứng nhận giấy ủy quyền để bà đến bịnh viện nhận thuốc bảo hiểm y tế thay cho mẹ của bà do mẹ chồng của bà già yếu gần 90 tuổi mà còn bị trặc chân. Nhân viên công quyền đã đọc nội dung giấy, trầm ngâm rất lâu rồi phán rằng đơn đã viết sai vì phải là “bệnh viện” chứ không được dùng “bịnh viện”. May mà nhờ có sự giáo dục của Đảng nên thay vì bắt người phụ nữ ấy về đánh máy lại và in bản khác, người đầy tớ của nhân dân sau hơn 15 phút trầm ngâm đã quyết định cho qua. Người phụ nữ ấy là giám đốc tài chính tại gia, kiêm kế toán trưởng tại gia,  kiêm thủ quỹ tại gia, chủ nhà và chủ hộ của tác giả bài viết này.

Cái “bệnh” và “bịnh” xuất phát từ sự láu táu với từ ngữ của những đấng quyền lực quyền năng quyền hành, trong đó có nhà nô bộc của nhân dânnhà báo của Đảng.

Nhà báo có quyền chơi nổi để câu view, chẳng hạn qua cách thường xuyên dùng chữ “lộ” cứ như là đã phát hiện được điều tối mật

Baochi7

Trong khi đó, nhà báo (báo chữ, báo hình, báo nói) tự do dùng những cụm ẩn ngữ lồ lộ liên quan hay dùng như xứ sở chuột túi, xứ sở sương mù, xứ sở kim chi, v.v. để gọi các nước Úc, Anh, Hàn, v.v., vì rõ ràng các nước này nổi tiếng về các biểu tượng của đại thử kangaroo, sương mù smog, kim chi, v.v. Nhưng khi nhà báo sử dụng tiếng lóng Cờ Hoa của Việt Nam Cộng Hòa (gọi USA là Mỹ với ý nói đẹp vô cùng, và Hoa Kỳ với ý nói lá cờ rất nhiều ngôi sao nở rộ như hoa) để nói xứ sở cờ hoa thì hoàn toàn sai. Việt Nam Cộng Hòa có đại đa số người dân chống Mỹ nên các nhà báo Việt Nam Cộng Hòa chống Mỹ chế ra hai từ lóng nhạo báng đầy miệt thị gồm Mẽo thay cho Mỹ và Cờ Hoa thay cho Hoa Kỳ. Cờ hoa không hề là biểu tượng của USA. Cờ sao thì có thể đấy, nhưng sẽ không ai trên thế giới hiểu ý nghĩa liên quan của nó do thiếu gì cờ của các quốc gia đều có ngôi sao. Gọi USA là xứ sở cờ hoa thì tương đương với cách gọi USA là xứ sở mẽo vậy. Đừng bao giờ gọi Cambodia là xứ sở Miên và đừng bao giờ gọi USA là xứ sở cờ hoa.

Baochi8

Ngoài ra, tương tự tất cả các ngôn ngữ toàn cầu, tiếng Việt có loại từ vay mượn mà bộ môn Lexicology gọi là borrowed words  hoặc loanwords hoặc loan-words hay borrowings, v.v. và v.v., tức những từ nước khác được bê nguyên xi (as-is) vào nước mình mà không cần dịch thuật do không thể dịch hoặc không nên phá tính toàn cầu sẵn có của nó. Trong các borrowings trong tiếng Việt thì nổi bật là các từ club, cinema, camera, chíp (điện tử), phone, telex, Halloween, Valentine, violon, piano, diva, rock-n-roll, biscuit, whisky, spaghetti, pizza, v.v. và v.v.

Tuy nhiên, do không biết hangar (nhà để lắp ráp, sửa chữa máy bay) là một borrowing của tiếng Việt (thậm chí còn được Việt hóa thành hang-ga), nhà báo đã không tùy nghi sử dụng hangar mà lại dịch thành nhà chứa

Baochi9

trong khi nhà chứa tức nhà thổ là nơi làm ăn của các cô gái này:

Baochi10

còn hangar dùng để lắp ráp, bảo trì, đại tu, cất dấu máy bay, như nơi này:

Baochi11

cho nên thay vì dùng hangar hoặc hang-ga mà rất nhiều người biết, hoặc dịch đầy đủ dài dòng thành nhà chứa máy bay mà mọi người đều hiểu, nhà báo đã biến chuyên cơ của người quyền lực nhất thế gian tá túc trong nhà chứa và thông báo với nhân loại rằng sân bay Đà Nẳng có nhà chứa phục vụ du khách chăng.

C) Nhắc Lại Văn Phạm Tiếng Anh Trung Học Cơ Sở Việt Nam (Lớp 6-9) Đối Với Câu Tường Thuật

Các điều căn bản sau đều được các giáo viên tiếng Anh tại tất cả các trường trung học ở Việt Nam nắm vững, mà nếu các nhà báo đừng trốn học giờ tiếng Anh đều nắm vững tương tự đối với câu tường thuật trực tiếp:

a) Nội dung phát biểu trực tiếp luôn ở giữa hai cặp dấu ngoặc kép.

b) Nôi dung trực tiếp ấy nếu ở dạng đơn giản ban đầu cấp trung học sẽ luôn có hình thức thứ tự đơn giản nhất của: Chủ Thể Phát Biểu + Động Từ Phát Biểu + Dấu Hai Chấm + Dấu Ngoặc Kép + Nội Dung + Dấu Chấm Câu + Dấu Ngoặc Kép. (Dấu chấm câu gồm dấu chấm hết, dấu chấm hỏi, dấu chấm than.)

Baochi12

Cách trên sử dụng tối thiểu trong các tác phẩm tiểu thuyết.

c) Nôi dung trực tiếp ấy nếu ở dạng cao cấp tức văn học đặc biệt trong tiểu thuyết thì tối đa được sử dụng sẽ là Dấu Ngoặc Kép + Nội Dung Phát Biểu + Dấu Phẩy hoặc Dấu Chấm Câu + Dấu Ngoặc Kép + Động Từ Phát Biểu + Chủ Thể Phát Biểu.

Baochi13

Một biến thể luôn thấy ở dạng thường xuyên này sẽ được áp dụng bằng cách ngắt đôi thành hai cụm nội dung có hai cặp dấu ngoặc kép riêng nếu nội dung phát biểu hoặc dài hoặc do tác giả muốn hoa lá cành thêm văn vẻ như:

Baochi14

D) Kết Luận: Tính Chuyên Nghiệp Của Giáo Khoa

Sách giáo khoa tiếng Việt sẽ được gọi là hoàn hảo khi trên nền đang tồn tại của ngôn ngữ tiếng Việt

1) Tiến hành phân định rạch ròi giữa tiếng Việt Formaltiếng Việt Informal như hình thức phân định luôn tồn tại ở các ngôn ngữ chính của thế giới Âu Mỹ.

2) Tiến hành phân định rạch ròi giữa các loại như từ cổ, từ văn học, từ văn nói, từ bình dân, từ mất nghĩa, từ lóng, từ dung tục, từ kỹ thuật, từ y học, v.v., như hình thức phân định luôn tồn tại ở các ngôn ngữ chính của thế giới Âu Mỹ, để hạn định mức độ và phạm vi sử dụng của mỗi loại, từ đó chặn đứng hoàn toàn việc vô tư phát thanh tin thời sự trên TV oang oang các từ nhí, phượt, ngáo đá, v.v.

3) Tiến hành soạn sách giáo khoa về ngôn ngữ báo chí tức một phân ngành đặc thù cao cấp luôn tồn tại ngành báo chí chuyên nghiệp bằng các ngôn ngữ chính của thế giới Âu Mỹ, chẳng hạn báo chí Âu Mỹ không dùng tiếng lóng của xã hội bình dân, và khi buộc phải sử dụng chẳng hạn bởi vì đó là nguyên văn ngôn từ phát biểu của một nhân vật nào đó thì sẽ luôn viết né tránh bớt thí dụ như “b***h” thay cho “bitch”, “a**” thay cho ass, “f*****g” thay thế cho “fucking”, v.v. Việc viết né này không phù hợp với tiếng Việt (hạn chế tối đa trong một hai trường hợp, chẳng hạn viết tắt trong “Đ.M. mày”), do đó phải luật định hoặc quy định riêng của ngành đào tạo báo chí rằng dứt khoát không được sử dụng tiếng lóngtiếng dung tục trong các sản phẩm truyền thông.

4) Ngành ngữ học tiếng Việt nói chung phải đề ra nguyên tắc văn phạm rằng trong cả hai trường hợp dùng câu tường thuật trực tiếp và cấu tường thuật gián tiếp, thì ngay cả khi dịch thuật một nguyên tác tiếng nước ngoài, cũng luôn áp dụng công thức bất di bất dịch rằng chủ thể phát biểu luôn đứng đầu câu, bất kể trong nguyên tác tiếng nước ngoài thì chủ thể phát biểu đa số đứng cuối câu, thường nhét giữa câu, và ít khi đứng đầu câu.

Soạn sách giáo khoa về Văn phạm Tiếng Việt không phải là công việc đòi hỏi sự sáng tạo, sự nặn óc đẻ ra những thứ hoành tráng hoang đường, hay sự chứng tỏ quyền năng sinh sát, mà là sự chứng minh được ngành Tiếng Việt đạt trình độ sử dụng được các khung khoa học sẵn có và đang tồn tại trong giới học thuật mang tính so sánh được, định lượng được, phát triển được bên-ngoài-cương-thổ-quốc-gia như các ngôn ngữ chính của nhân loại

Các nhà ngôn ngữ học, các vị tiến sĩ có đặc quyền cấp Nhà Nước biên soạn sách giáo khoa, khi cần tham khảo lời tư vấn của chuyên gia thực thụ về lĩnh vực ngôn ngữ, ắt biết sẽ gõ cửa nhà ai để đàm đạo thêm.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Vấn Nạn Ngôn Từ Trong Giới Truyền Thông  22-11-2015

Ai Đẻ Ra “Tập Cận Bình”  25-7-2014

Chủ Tịch – Già – Cu Dơ Nhét Xốp 05-5-2010

Giao Thoa Ngôn Ngữ Việt-Anh Và Thực Chất Vấn Đề Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt  18-6-2010

Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt Cho Thời Kỹ Thuật Số: Hồi Ức Về Một Sự Thật Chẳng Còn Người Việt Nam Nào Trên Thế Giới Còn Nhớ Hay Biết Đến  19-10-2009

Both comments and trackbacks are currently closed.