VIỆT NAM: Đất Nước Kính Yêu Của Tôi – Cánh Phượng Hoàng Vút Bay Cao Từ Ngày 30/4/1975 Rực Lửa

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Lập-Hiến & Lập-Pháp Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam Khóa XIII, Nhà Tư-Tưởng Cộng-Sản Dân-Tộc Thiên Khổng, Nhà Thơ Bảo-Giang, Nhà Văn Lăng-Tần, Nhà Thơ Tannhauser Beowulf Thor

26-4-2019

Dưới đây là bản dịch tiếng Việt từ bài viết tiếng Anh của tôi trên Yahoo!3600 ngày 01-8-2006 (sau đó đăng lại cả hai bài tiếng Anh và tiếng Việt trên Emotino ngày 09-4-2009, và đăng thêm trên hhphuoc.blog.com ngày 31-8-2011 – cả hai blog này đều ngưng hoạt động – và tái đăng trên WordPress này ngày 01-9-2014). Tựa đề nguyên thủy của bản tiếng Anh là “VIETNAM: My Beloved Nation, the Up-Surging Phoenix from the Scorching Day of 30 April 1975” và tên của bản tiếng Việt là “VIỆT NAM: Đất Nước Kính Yêu Của Tôi – Cánh Phượng Hoàng Vút Bay Cao Từ Ngày 30/4/1975 Rực Lửa”. Bài này đã nhận được sự ca ngợi từ một chính trị gia Mỹ và một nhà báo Pháp lão thành như chi tiết ghi tại bài Ngày Chiến Thắng 30-4-1975.

Bài đã được viết nhân những ngày quan trọng của tháng 4, trong đó có 6 ngày sinh nhật (cùng tuổi Aries) của Ba của tôi, anh rể bên Mỹ của tôi, em trai của tôi, em gái út bên New Zealand của tôi, vợ của tôi, và tôi, Hoàng Hữu Phước – những con người dữ dội tài ba mạnh mẽ nhất của Hoàng Gia luôn nổi tiếng nhất và bất khả chiến bại tại tất cả các cơ quan mà chúng tôi học tập, làm việc hay phục vụ.

Bản Dịch Nghĩa Tiếng Việt

VIỆT NAM: Đất Nước Kính Yêu Của Tôi – Cánh Phượng Hoàng Vút Bay Cao Từ Ngày 30/4/1975 Rực Lửa

Hoàng Hữu Phước

01-8-2006

Việt Nam là quê hương đất nước kính yêu của tôi. Không có đất nước quê hương riêng của mình, người ta chỉ còn như một linh hồn không chốn dung thân muôn đời lưu lạc.

Tôi vô cùng tự hào được là người Việt, tất nhiên không do lòng ái quốc quáng mù. Việt Nam là quê hương mà ngay cả Tử Thần cũng không bao giờ có thể dùng lưỡi hái thần uy vấy máu tách được khỏi trái tim tôi.

Việt Nam có thể tốt. Việt Nam có thể không tốt lắm. Việt Nam có thể tệ. Việt Nam có thể không đến nỗi nào. Và chỉ những kẻ chây lười ngồi thừ trong góc tối đầy muỗi ngụ cư của những quán cà phê, chân run bần bật bên dưới những chiếc bàn rẻ tiền đang cõng trên nó những ly có hoặc không có các cục nước đá, kiên nhẫn đợi chờ từng giọt từng giọt cà phê có chất lượng khả nghi nhỏ xuống từ những lổ nhỏ tí ti của chiếc phin xoàng xỉnh, miệng nguyền rủa tiêu cực – giả như có tiêu cực ấy, nguyền rủa điều sai trái – giả như có điều sai trái ấy, và nguyền rủa nghìn-lẻ-một-điều-xấu-xấu-hơn-và-xấu-tồi-xấu-tệ – giả như có những điều-xấu-xấu-hơn-và-xấu-tồi-xấu-tệ ấy, của đất nước Việt Nam này, đất nước mà bản thân tên gọi đã chất chứa tự thân lòng tự hào, niềm danh dự, sự nổ lực vươn lên, khí hùng anh, và ý chí cao vời – tất cả đã vút lên từ máu thật sự, tro hồng thật sự, và những chiến công anh dũng thật sự.

Tôi được sinh ra tại Sài gòn và từ ngày đầu tiên tôi chào đón cuộc đời và cuộc đời chào đón tôi đến nay chưa lần nào tôi chuyển đến sống tại bất kỳ nơi nào khác trên thế giới này. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 đầy biến cố ấy của năm tôi mười tám, Ba Má của tôi điềm tỉnh, thay vì tay xách tay nải dắt díu nhau chạy về Miền Tây theo lời rủ rê của hàng xóm, khuyên con cái ngồi thụp xuống sàn nhà, bỏ cái ý nghĩ – dù chỉ thoáng qua – nghe theo bạn học đào thóat khỏi quê hương, lâm râm khấn vái Phật Trời, kiên nhẫn đợi chờ một khải huyền bình an dưới thế cho người thiện tâm. Ngồi cạnh cửa sổ đã đóng chặc, tôi lo lắng không biết Đinh Thị Mai Trâm, nữ sinh lớp 11 hoa khôi Nguyễn Bá Tòng đã cùng mình thề non hẹn biển yêu nhau từ năm lớp 9, có vẫn còn ở nhà trên đường Chi Lăng, Gia Định (nay là Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh) không, hay đã cùng gia đình theo chân dòng người đang-khiếp-sợ-kinh-hoàng-và-đang-gây-khiếp-sợ-kinh-hoàng đổ về Cảng Sài Gòn rời xa quê hương bằng thủy lộ tiến ra nơi ác hiểm trùng dương. Tôi không chút sợ hãi, mà chỉ có niềm hạnh phúc giản đơn được bình an cùng gia đình chứng kiến sự kết thúc một cuộc chiến đã nhai nghiến xương và ướt sủng máu của hầu hết các bạn học của tôi, những đứa đã kém may mắn hơn tôi vì đã không thành công trước ngưỡng đại học, bị “bắt lính” bổ sung cho đám tàn quân tan tác chắp vá của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, kẻ mạt lộ cùng đường, chỉ để vĩnh viễn nằm xuống trên chiến trường ngay lần đầu tiên bị xô thúc ra trận tiền, với khẩu tiểu liên ôm chặt trong đôi bàn tay thanh mảnh trước đó chỉ biết cầm bút viết nên những vần thơ nồng cháy về tình yêu và hy vọng, với khát khao được sống một cuộc sống đường hoàng trong hòa bình chứ không phải chiến tranh.

Gia đình tôi trước đây không có ai là thành viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam, những người đã đưa cuộc giải phóng Miền Nam đến thắng lợi cuối cùng. Song, chính lòng tự hào được là con dân nước Việt đã giúp gia đình chúng tôi trụ vững trước các thăng trầm cơ cực mà một đất nước thời chiến và thời hậu chiến có thể đem lại hoặc tạo nên. Vào thời điểm nước Việt Nam thống nhất phải chịu đựng vô vàn những khó khăn không bút mực nào tả xiết từ sự cấm vận tàn bạo của Hoa Kỳ, bất cứ khi nào đi công tác nước ngoài, tôi đều kiêu hãnh gắn hình lá cờ đỏ sao vàng của tổ quốc lên trang phục và hành lý. Có những vị chức sắc cấp cao của các tổng công ty nhà nước – tất nhiên là đảng viên – đã làm tôi buồn bực khi khuyên tôi hãy dấu lá cờ để không bị đám người Việt chống Cộng ở Thái Lan và các nước “tư bản” tấn công. Tôi đã không nói gì để tỏ sự kính trọng họ, những bậc trưởng thượng, những con người quan trọng của quốc gia; song, tôi không làm theo các lời khuyên bảo ấy. Lá cờ Việt Nam phải luôn ở bên tôi dù cho tôi có đi đến đâu trên chốn 3 w – www, the wild wide world, cái thế giới bao la hoang dã – này.

Hiện tôi vẫn là người ngoài Đảng. Tất cả những cố gắng phấn đấu của tôi đều bị lãnh đạo những học viện và công ty nhà nước tôi công tác cản ngăn, dường như do có nỗi ám ảnh bịnh lý rằng việc tôi trở thành đảng viên có thể thành mối nguy đe dọa chiếc ghế lãnh đạo của họ chăng. Song, chẳng bao giờ tôi ghét bỏ quê hương đất nước Việt Nam của tôi, chê bai chính phủ Việt Nam, trách cứ Đảng Cộng Sản Việt Nam, đơn giản vì tôi hiểu rằng cuộc chiến tranh quá tàn khốc đã khiến những cán bộ cấp cao không kịp có đủ thời gian để ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê và giáo huấn của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, học hiểu về vai trò tối quan trọng của tư tưởng Khổng Giáo Nho Gia để nhận thức đầy đủ hơn về các bổn phận đối với xã hội, bổn phận đối với quốc gia dân tộc, và bổn phận đối với lòng ái quốc, tức những bổ sung tuyệt diệu cho Chủ Nghĩa Cộng Sản đặc thù của riêng Việt Nam. Những gì tôi có thể làm là khuyến khích các em tôi và con cháu của tôi hãy cố gắng thành đảng viên Cộng Sản để có tiếng nói đúng đắn vì quê hương đất nước dân tộc Việt Nam, đất nước duy nhất của quốc tịch duy nhất của tôi, chúng tôi. Chúng ta tiến ra thế giới trên con tàu chung. Chúng ta không thể đứng chàng háng một chân trên con tàu Việt và một chân trên con tàu khác, vì đó là việc của diễn viên xiếc. Thứ âm nhạc duy nhất tôi yêu là Nhạc Đồng Quê Mỹ và Hard Rock. Còn dân ca Việt Nam, nhạc Miền Nam trong thời chiến tranh – kể cả nhạc Trịnh Công Sơn, và nhạc Việt Nam sau chiến tranh đều không có trong danh mục nhạc tôi thích nghe. Tôi viết, sáng tác, thuyết trình chủ yếu bằng tiếng Anh. Nhưng tất cả những điều này hoàn toàn không đi ngược lại niềm tự hào của tôi được là công dân Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa này.

Nếu đất nước này vẫn còn có những điều chưa tốt, tôi có thể nói chính bản thân mình phải chịu trách nhiệm vì đã chưa hề góp chút công sức vấn kế hiệu quả thực sự nào cho lãnh đạo đất nước để làm đất nước tốt hơn. Việc hưng thịnh hay suy vong của tổ quốc thì ngay cả kẻ thất phu còn phải chịu trách nhiệm, huống hồ mang danh người có học thức hàn lâm lẽ nào còn tồi tệ hơn kẻ thất phu khi chỉ biết lăng xăng xách động chống phá nhà nước cộng sản, hoặc ngồi yên hưởng thụ khi miệng mồm vẫn luôn than vãn, dè bỉu, phê phán, miệt thị, chê bai chế độ hay sao.

Việt Nam là quốc gia của tôi và tôi rất đỗi tự hào được làm một công dân Việt Nam chân chính.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Lập-Hiến & Lập-Pháp Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam Khóa XIII, Nhà Tư-Tưởng Cộng-Sản Dân-Tộc Thiên Khổng, Nhà Thơ Bảo-Giang, Nhà Văn Lăng-Tần, Nhà Thơ Tannhauser Beowulf Thor

Tham khảo:

Nhân Quốc Khánh Nước Nhà, Tải Đăng Lại Bài Viết Song Ngữ Anh & Việt Trước Đây Về Đất Nước  01-9-2014

Ngày Chiến Thắng 30-4-1975.  11-4-2014

Both comments and trackbacks are currently closed.