Điều Cấm Vận

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Lập-Hiến & Lập-Pháp Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam Khóa XIII, Nhà Tư-Tưởng Cộng-Sản Dân-Tộc Thiên Khổng, Nhà Hùng-Biện Chính Đạo, Thi-Nhân Bảo-Giang (Bảo-vệ Giang-san), Văn-Nhân Lăng-Tần (Ca-lăng-tần-già), Thi-Bá Tannhäuser Beowulf Thor, Nhà Sử Nghiên, Khắc-Tinh Của Báo-Chí Chính-Thống Việt-Nam Phản Đảng

03-5-2019

                   Mục Lục

A- Truyền Thuyết Điều

B- Biên Niên Sử Mỹ Cấm Vận Việt Nam

C- Điều Triều

A- Truyền Thuyết Điều

Như điều bắt buộc phải có nơi một nhà giáo đã được nêu cực rõ trong bài “Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai nghĩa là phải có lòng tự trọng mà với lòng tự trọng đó một người sẽ không bao giờ cố len chân chen chúc vào làm “nhà giáo” nếu nhận thấy (a) kiến thức của mình chưa đạt mức uyên thâm, chưa ở thế bao trùm, chưa làm chủ đa dạng, không có khả năng dùng ngôn ngữ hùng biện thật cuốn lôi dẫn hấp để vừa truyền tải ngần ấy sự uyên thâm/bao trùm/đa dạng/cuốn lôi đến với học trò vừa làm bản thân trở thành thần tượng nơi học trò để học trò ngưỡng mộ noi theo tiếp bước trở thành những nhà giáo đúng nghĩa; cũng như khi nhận thấy (b) bản thân vừa không có niềm đam mê trở thành một nhà giáo tài ba chân chính, vừa cho rằng mình không có khả năng quán xuyến được điều kiện sống của bản thân và gia đình để có thể đeo bám cái nghề ấy mà không bao giờ nhỏ lệ buồn than tức tưởi trách phận thân sao lương tiền không dào dồi như ý.

Để trở thành một giảng viên Anh Văn đúng nghĩa một nhà giáo, tôi đã phải ngay từ lớp 6 trung học vừa phát huy năng lực “tấu thư” sáng tạo giàu tưởng tượng, vừa tìm đọc và lắng nghe biết bao câu truyện và câu chuyện của Việt Nam và thế giới để phục vụ hai mục đích gồm (a) hiểu biết thật nhiều với vốn từ thật nhiều, và (b) khi trở thành nhà giáo ngoại ngữ sẽ kể lại cho học trò bằng tiếng Anh những câu truyện và câu chuyện nào thú vị để vừa luyện nghe và luyện nói cho các em, biến tiết học “Luyện Nghe Tiếng Anh” chán phèo không những thành tiết sinh hoạt giải trí hấp dẫn dù theo kiểu tự soạn tự quyết về biết bao chuyện gồm cả kiểu dựa vào thần thoại Cổ La-Hy như Chuyện Tình Của Thần Vệ Nữ Venus và Bán Thần Adonis, kiểu lập lại  truyện dân gian như Đức Ngài Râu Xanh, kiểu biến tấu từ cái tên kinh dị có sẵn như Ác Quỷ Frankeistein, hay kiểu hiện đại hóa truyện rùng rợn Ba Điều Ước từ nguyên tác Cái Vuốt Khỉ, hoặc kiểu phỏng theo truyện tranh tiếng Anh Chiếc Hộp Kinh Hoàng, v.v. và v.v. mà chỉ có tôi mới không những biết mà lại còn kể được chuyện để làm các sinh viên tỉnh ngủ gật, tập trung hồi hộp lắng nghe, ớn lạnh sống lưng, tay viết hý hoáy các từ mới vào tập, miệng phá ra cười ha hả khi tôi biểu diễn thể hiện bộ tịch, dùng âm vực mô phỏng âm thanh và cuồng nộ của yêu tinh quái thú quỷ yêu, mà lại còn sử dụng cái “tấu thư” để kết thúc mỗi truyện kể bằng những lời khuyên mang tính đạo đức với gương mặt “thầy” cực kỳ nghiêm túc “tỉnh bơ” tấu hài mà chẳng cười gì, thậm chí còn trố mắt giả vờ ra vẻ ngạc nhiên tột độ không hiểu vì sao cả lớp lại có cái sự “cười bò” giải tỏa quá trình hồi hộp đứng tim trước đó, khiến cả lớp lại  thêm tức cười biến thành “vỡ rạp” làm phiền các giáo viên các lớp gần bên.

Đoạn trên gồm chỉ một câu duy nhất, tức chỉ có một dấu chấm hết ở cuối câu, sau chữ “gần bên”. Đây là kiểu hành văn viết – ngay cả nói khi thuyết trình – của tôi dù bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, mà tôi chịu ảnh hưởng từ văn phong phức tạp cầu kỳ của Edgar Allan Poe (1809-1849), đại văn hào tiểu thuyết kinh dị trinh thám hình sự và nhà thơ vĩ đại trường phái lãng mạn của nền văn học Mỹ cận đại, có ảnh hưởng sâu sắc tác động đến các đại văn hào khác như Jules Verne (tác giả của Du Hành Vào Lòng Trái Đất) và Sir Arthur Conan Doyle (tác giả của bộ Thám Tử Sherlock Holmes), cũng như đến tôi, truyền nhân duy nhất của Thầy Lê Văn Diệm.

Tất nhiên, có những truyện không có cái kết có hậu và cũng hoàn toàn không có tiếng cười mà là sự lắng đọng suy tư nơi sinh viên. Một trong những truyện loại này có tựa đề “Điều” mà tôi đọc được trên một tờ báo ở Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa nay xin tóm tắt như sau để dẫn nhập vào một vấn đề chính trị mà thế giới vừa qua rất quan tâm.

Truyện kể rằng ở một làng nghề thủ công nọ tại Việt Nam chuyên về làm đồ mỹ nghệ sơn mài, có quy định trai gái của làng dứt khoát không được kết hôn với gái trai các làng khác. Quy định này để ngăn ngừa vấn nạn “mất nõ thần” tức mất bí quyết pha trộn các hóa chất phục vụ vẽ sơn mài. Thế rồi oái oăm thay, cô Mỵ Châu là “con một” xinh đẹp nhất làng của gia đình ông “Hương Quản”, một chức sắc ắt tương đương với “chủ tịch hội đồng nhân dân xóm”, lại bị “rù quến” bởi một thanh niên đẹp trai tên Trọng Thủy ở làng khác. Không may cho đôi uyên ương ấy, vụ việc bị nhanh chóng phát hiện do sau bữa cơm tối lúc nhà thắp đèn cầy tối hù chuẩn bị đi ngủ, ông hương quản cầm chiếc đèn dầu hỏa Huê Kỳ đi kiểm tra trước sau phòng ốc, thấy phòng của ái nữ mình yêu quý hơn châu ngọc có chiếc gối ôm được phủ chăn trên giường trống trơn tăm tối, bèn hô vang kêu gia nhân cùng tá điền đốt đuốc đi cài răng lược băng đồng tìm kiếm. Khi thấy đoàn quân tiến đến dù không có lông thiên nga hay lông vịt dẫn đường, chàng trai bỏ chạy nhanh nhất có thể, nhảy ùm xuống sông bơi qua cù lao tẩu thoát vào đêm trường tịch mịch. Cô gái bị bắt trói giải về. Khi mở phiên xử trước sân nhà, nghe cô con gái bày tỏ sự tin tưởng vào tình yêu cao đẹp của chàng trai, vào lời thề thốt của chàng rằng chàng chỉ yêu nàng vì nàng tốt bụng và nhân hậu chứ không phải vì nàng xinh đẹp nõn nà hay vì nàng là con nhà giàu có hoặc tại anh ta mơ tưởng chiếm hữu bí quyết pha dầu sơn mài, thậm chí nàng có già nua xấu xí tật nguyền chàng vẫn yêu thương suốt đời, v.v., rồi khi nghe con gái lạy xin cha đừng chia thúy rẻ quyên, ông hương quản nổi điên lắc đầu mắng con ngu dại, rằng “lỗi tại ta có con gái mà không nuôi dạy nên chẳng khác nào nuôi heo” – tức dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư – rồi tiện tay vung gậy quất con gái đến máu chảy thịt rơi. Khi gậy gảy, ông ngồi xuống phản, tuyên bố sẽ cho phép con gái được làm vợ chàng Trọng Thủy ấy, và ra lịnh thực hiện gia quy trước khi cho con gái được tự do, tức là quát tháo sai đặt cô gái nằm ngữa trên đất, lột trần áo xống xuống thắt lưng, bảo bốn gia nhân lực lưỡng quỳ gối tỳ đè lên hai đùi và hai vai của cô, trong lúc đó bốn gia nhân khác nhóm lửa, quẳng vào lửa vài nắm hạt điều còn nguyên vỏ, rồi cầm gắp sắt kẹp từng hạt điều bị cháy khét đang chảy dầu ra chèm nhẹp, dí các hạt điều ấy thoa lên toàn bộ gương mặt của cô theo những đường ngang lối dọc và dí luôn lên đầu hai nhũ hoa của cô, mặc cho tiếng thét la đớn đau thảm thiết của cô vang dội cả đêm đen. Tờ mờ sáng hôm sau, lúc tỉnh dậy vì cái lạnh của sương mai, cô gái bò quơ tay vớ được tấm vải bên cạnh che vội thân thể đầy thương tích rồi khập khiểng dọ dẫm bước đi. Cứ thế, cô lết bộ lần từng bước một vừa đi vừa hỏi khi nghe tiếng lộp cộp vó ngựa đến gần, may được người xa phu thương tình cho quá giang một đoạn đường mới sang được làng bên đến tận nhà chàng Trọng Thủy nhân hậu chung tình. Khi chàng kình ngư bơi nhanh hơn rái cá này bước ra, anh ta thảng thốt kinh sợ thét lên trong nỗi kinh hoàng kinh khiếp kinh sợ gào lên xua đuổi rồi bỏ chạy nhanh hơn đà điểu khi nhìn thấy gương mặt bị hủy hoại nhăn nhúm chảy xệ mù lòa toàn thân đẫm máu ghê rợn của cô. Câu chuyện kết thúc ở đoạn truyện đăng trên báo viết rằng người ta tìm thấy cô khi cô nổi bập bềnh theo con nước tắp vào bờ sông mấy ngày sau đó.

Trước khi đi vào nội dung chính trị mà câu truyện “Điều” trên dẫn nhập, kính mời các bạn xem tiếp Phần B dưới đây.

B- Biên Niên Sử Mỹ Cấm Vận Việt Nam

30 năm thì một cấm vận thương mại của Mỹ áp đặt lên Việt Nam mới được gỡ bỏ hoàn toàn (1964-1994).

41 năm thì một cấm vận vũ khí sát thương Mỹ áp đặt lên Việt Nam mới được gỡ bỏ hoàn toàn (1975-2016).

Một lịnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên một quốc gia không bao giờ là việc cỏn con để có thể được xóa bỏ nhanh chóng sau khi ban hành.

C- Điều Triều

Hạt điều thuộc cây công nghiệp mà hạt của nó đem lại cho nền kinh tế Việt Nam thu nhập rất cao từ xuất khẩu hạt điều nhân (cashew kernels), điều thô (raw cashew nuts) hoặc hạt điều thành phẩm đã qua rang muối và chế biến bánh kẹo.

Một sự thật hầu như chưa từng được bất kỳ ai nói đến là không bất kỳ quốc gia nào xuất khẩu hạt điều thành phẩm cho người tiêu dùng thực phẩm – ngay cả xuất khẩu hạt điều “thô” – mà không lột bỏ vỏ của nó. Không chỉ vì từ lớp vỏ ngoài của hạt điều người ta có thể trích ly những thứ hóa chất dù độc hại (như phenolic lipids, anacardic acids, và cardanol) nhưng phục vụ nhiều ngành công nghiệp (từ dược liệu đến thuốc diệt nấm mốc, thuốc diệt mối gỗ, lớp sơn lót công nghiệp, v.v. ), kể cả ngành thủ công mỹ nghệ chế tác phẩm vật sơn mài, mà tất cả đều gây thương tổn cho da, đặc biệt nghiêm trọng nếu người tiêu dùng tự nướng hạt điều rồi chờ nguội đưa lên miệng cắn ăn thì xem như môi bị acid làm cho bị phỏng nặng tiêu tùng. Do đó, khi đối tượng nhập khẩu là để dùng hạt điều như thực phẩm thì bên xuất khẩu sẽ phải tổ chức thuê mướn nhân công bóc vỏ hạt điều. Vỏ ấy sẽ bị vất bỏ nếu như không có xí nghiệp hóa chất nào quan tâm tìm mua như thứ phẩm của hạt điều.

Cấm vận của Mỹ giống như bản chất của hạt điều.

Hạt điều rất ngon và có giá trị cao. Những hứa hẹn cho một sự “ngon ăn” hoặc “ăn ngon” của việc chấp nhận đổi một thỏa thuận nào đó để lấy sự “xóa cấm vận” tức lấy “hạt điều”, hoặc tin vào hứa hẹn đó, cũng chỉ là việc bất khả. Không ai ăn sống hạt điều. Vỏ hạt điều nhất thiết phải được bóc tách (tất nhiên có sản phẩm hạt điều còn vỏ đã bị nướng cháy đen, được làm khô ráo không còn vương các acid, như đang bán tại các siêu thị như một cách chế biến quái đản chỉ có ở Việt Nam). Và hạt điều phải được rang nướng. Sự cấm vận của Mỹ áp đặt lên Việt Nam đòi hỏi rất nhiều công sức “chế biến” qua thời gian rất dài, từ vài năm đến vài chục năm. Phải mất 30 năm sự cấm vận ấy trên trận địa thương mại mới được gỡ bỏ, và phải mất 41 năm mới có việc gỡ bỏ hoàn toàn lịnh cấm vận vũ khí sát thương. Hạt điều thô đã nướng chảy acid, dù để nguội lạnh vẫn tàn phá da thịt con người. Cấm vận đã ban, các đàm phán theo sau, các cánh cửa hé mở cho các cuộc thăm viếng, nó vẫn tàn hại làm cả một đất nước điêu linh.

Đối với Mỹ, lịnh cấm vận do Mỹ áp đặt lên các quốc gia khác là một thứ “gia quy” khắc nghiệt, hoàn toàn không phải là thứ chỉ để hù dọa đơn thuần. Đó là đòn trừng phạt ghê gớm nhất, phức tạp kéo dài nhất, và nhằm đến sự ưu tiên đạt đỉnh điểm một hệ quả thảm khốc bậc nhất. Một lệnh cấm vận được ban ra không bao giờ để được gỡ bỏ nhanh chóng sau đó. Đây là lý do Tổng Thống Donald Trump hoàn toàn bó tay, bất khả xoay sở khác hơn cho một sự nhượng bộ bất kỳ dành cho Bắc Hàn, ngay cả việc gỡ bỏ chỉ một phần, và ngay cả khi Tổng Thống Donald Trump có thật tâm muốn nhượng bộ vì đại cuộc. Với thứ hạt-điều-thô-nguyên-vỏ vừa nướng mà Mỹ chìa ra mời mọc, Bắc Hàn đủ khôn để từ chối nhón lấy nhận về.

Đối với Bắc Hàn, lịnh cấm vận do Mỹ áp đặt lên Bắc Hàn không bao giờ có một tương lai giải quyết sớm hơn và tốt hơn. Việc tiền trao cháo múc chứ không phải tiền trao lúa múc đối với Bắc Hàn mới là việc mua bán đương nhiên công bằng: đồng tiền có thể xài ngay và cháo có thể ăn ngay. Bắc Hàn không thể chấp nhận tận hủy tất cả những tài sản nguyên tử quý báu đang có (trao hết tiền), chỉ để dài cổ trông chờ sự giao hàng của một lô lúa mà người dân Bắc Hàn nếu nhận được phải gieo trồng, phải dẫn thủy nhập điền, phải bón phân, phải gặt hái, phải phơi phóng, phải xay giã, phải xay xát, v.v. và v.v., rồi phải đi mót cũi mới nấu thành cháo để múc ăn. Đó là sự chơi trác của tiền trao rơm rạ múc. Chưa kể, sẽ luôn có sự ngụy tạo quen thuộc (như Mỹ đã luôn kiếm mọi cớ đối với Việt Nam, như láo xạo vu vạ Việt Nam lén giam giữ hàng trăm binh sĩ Mỹ, sát hại thoải mái các tù binh Việt Nam Cộng Hòa trong các “trại cải tạo”, và xâm lược cướp bóc chà đạp “nền dân chủ” Kampuchea, v.v., để lờ đi lời hứa bồi thường chiến tranh cho Việt Nam và để áp đặt lịnh cấm vận mới khác chống Việt Nam) rằng Bắc Hàn vẫn còn đang chứa vũ khí hủy diệt tại chốn thâm sơn cùng cốc nào đó mà Mỹ phái điều tra cho ra chân tơ kẽ tóc nên chưa thể gỡ bỏ các cấm vận được ngay cả khi toàn bộ vũ khí nguyên tử có bị Bắc Hàn lỡ dại tiêu hủy hết rồi. Đây là lý do Chủ Tịch Kim Jong Un  hoàn toàn bó tay, bất khả xoay sở khác hơn cho một sự nhượng bộ bất kỳ, ngay cả khi đó là sự nhượng bộ cho phép các thanh sát viên IAEA vào điều nghiên tại chỗ, và ngay cả khi Chủ Tịch Kim Jong Un có thật tâm muốn nhượng bộ vì đại cuộc thì ông cũng không có quyền chấp nhận đánh đổi tất cả mà không nhận được sự trao lại tương đồng ngay lập tức từ phía Mỹ, tức việc Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lịnh cấm vận. Với thứ hạt-điều-thô-nguyên-vỏ-vừa-nướng mà Mỹ chìa ra mời mọc, Bắc Hàn đủ khôn để từ chối nhón lấy nhận về.

Câu truyện tiểu thuyết về cô gái bị thoa dầu acid chảy ra từ hạt điều tàn phá dung nhan dẫn đến cái kết rất tàn nhẫn và tàn khốc, lẽ ra vẫn có thể khác đi nếu có sự nhượng bộ từ phía “trên cơ”, trên cơ sở hùng biện thuyết phục, chẳng hạn như các “gia quy” hãy ràng buộc rằng bí quyết sản xuất không được giao cho con gái dù đó là con một nên việc con gái có đi làm dâu nơi khác cũng chẳng hề chi, rằng bí quyết sản xuất phải được chia thành nhiều phần nhỏ cho nhiều người tín cẩn trong thân tộc mà chỉ có sự tụ họp đủ các phần ấy lại mới có thể tạo nên được công thức sản phẩm bí truyền, hoặc rằng ông bà hương quản phải tôn trọng luật pháp triều đình để từ đó biết xem quốc gia cương thổ là trọng chứ không phải biến lãnh địa chật hẹp ao làng thành khu biệt lập nội bất xuất, ngoại bất nhập, v.v. Nghĩa là các nhượng bộ đều có thể được đề ra, dù cho có thể sự nhượng bộ có khi chỉ trên cơ sở phải lựa chọn giữa cái rất kém và cái kém nhất – mà trong trường hợp này thì cái rất kém là trọng nam khinh nữ phân biệt giới tính chẳng hạn, vẫn có thể thà chấp nhận còn hơn so với cái kém tàn tệ là việc hủy hoại cuộc đời và mạng sống đứa con gái trong truyện và những người con gái tương tự trong đời.

Câu truyện có thật về cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim ngày 27-02 vừa qua đi vào bế tắc dẫn đến cái kết quả quá thất vọng so với sự kỳ vọng đầy hy vọng và phấn khích của nhân loại, lẽ ra vẫn có thể khác đi nếu có sự nhượng bộ từ hai phía trên cơ sở hùng biện thuyết phục, chẳng hạn như thay vì chỉ là một văn bản soạn sẵn dài có hai trang in trên giấy khổ Letter quái gở mà trên thế giới hầu như chỉ có Mỹ dùng, có nội dung nêu lên những gì Bắc Hàn phải thực hiện như điều kiện tiên quyết, triệt để, toàn diện, có thể kiểm chứng được, thì văn bản ấy lẽ ra nên là quyển tài liệu dày cộm vài trăm trang đề xuất một lịch trình cụ thể hai bên phải thực hiện theo một lộ trình tuần tự trước-sau kéo dài trong ít nhất hai năm cho những nội dung bao gồm vài ý chính như:

(a) các cuộc họp cấp chuyên viên cũng như cấp cao về các nội dung theo tuần tự thời gian và bao gồm những chi tiết chẳng hạn như các thời điểm cho cuộc họp song phương Mỹ-Triều cấp chuyên viên tại Bình Nhưỡng để trao nhau bản chi tiết các yêu cầu của mỗi bên, trình bày các lý do đòi hỏi phải có các yêu cầu đó;

(b) cuộc họp song phương Mỹ-Triều cấp bộ trưởng tại New York để trao nhau bản chi tiết các đòi hỏi yêu cầu giữ nguyên, các đòi hỏi nay đồng ý gỡ bỏ khỏi danh mục các yêu cầu, và các đòi hỏi nay đồng ý điều chỉnh nhằm giảm bớt các cách biệt giữa các yêu cầu của hai phía;

(c) cuộc họp song phương Mỹ-Triều cấp bộ trưởng tại Bình Nhưỡng trao đổi các ý kiến của lãnh đạo cao nhất của mỗi bên;

(d) cuộc họp đa phương Mỹ-Triều-Hàn-Nhật tại Seoul nhằm tạo điều kiện cho Hàn-Nhật đề ra các cam kết cụ thể đối với các hỗ trợ xây dựng kinh tế dành cho Bắc Hàn, đồng thời nêu ra các vấn đề quan ngại mong Bắc Hàn giải đáp và giải tỏa;

(e) cuộc họp đa phương Mỹ-Triều-Hàn-Nhật-IAEA tại Seoul nhằm giải đáp các vấn đề quan ngại của mỗi bên, tạo điều kiện cho mỗi bên đề ra các cam kết cụ thể, nêu ra các yêu cầu cụ thể, giải đáp giải tỏa tại chỗ – nếu có thể – các quan ngại, thảo luận cách tiến hành thanh sát, nội dung thanh sát, giám sát thanh sát, báo cáo thanh sát, giải quyết kỹ thuật việc tiêu hủy vũ khí, kinh phí cấp cho công tác tiêu hủy vũ khí, kinh phí cấp cho việc giải tỏa mặt bằng và bồi thường người dân liền kề khu vực tiêu hủy, v.v.;

(f) cuộc họp song phương Mỹ-Triều cấp bộ trưởng tại Bình Nhưỡng về các dự án phát triển thuộc các lĩnh vực nào, nội dung các gói viện trợ/cứu trợ, và các hợp tác kinh tế cụ thể nào có thể thực hiện ngay thay vì chờ đến sau ký kết thông báo thượng đỉnh cũng như các hợp tác kinh tế cụ thể nào sẽ thực hiện ngay sau khi ký kết thỏa thuận thượng đỉnh;

(g) các hoạt động ngoại giao bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, v.v. tại Bình Nhưỡng;

(h) cuộc họp đa phương Mỹ-Triều-Hàn-Nhật-IAEA lần chót để rà soát tất cả các vấn đề và nội dung đã nhất trí thỏa thuận được;

(i) các biên soạn tài liệu họp thượng đỉnh, đàm phán về địa điểm họp thượng đỉnh và thời gian họp thượng đỉnh;

(j) họp thông qua bản nháp văn kiện họp thượng đỉnh cùng các vấn đề liên quan; và

(k) họp Thượng Đỉnh Mỹ-Triều Lần 3 tại Hà Nội, Việt Nam, ký kết thỏa thuận phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán Đảo Triều Tiên, trước sự chứng kiến của các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên Hợp Quốc, và IAEA.

Cuộc họp Thượng Đỉnh Mỹ-Triều Lần 2 tại Hà Nội đã thất bại. Nó đương nhiên thất bại. Tất nhiên các phát biểu trước cuộc họp ấy của các nhà phân tích chiến lược chính trị gạo cội của Việt Nam trên tivi đều chỉ dựa trên mong mõi mong muốn mong chờ mong đợi thiết tha của họ chứ không ở tầm cỡ phân tích chính trị chiến lược quốc tế. Tất cả các phát biểu đã thất bại, đơn giản vì không bất kỳ ai trong số họ nhớ đến một sự thật trần truồng (naked truth) rằng:

“Một lịnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên một quốc gia không bao giờ là việc cỏn con để có thể được xóa bỏ nhanh chóng sau khi ban hành”.

Không một tổng thống nào của Mỹ đã từng dám nhanh chóng xóa một lịnh cấm vận ngay cả khi lịnh cấm vận đó là của vị tổng thống tiền nhiệm thuộc đảng đối thủ đối nghịch đối đầu.

Người ta có thể kỳ vọng vào những điều sau đây nơi Donald J. Trump:

(a) Donald J. Trump là vị tổng thống ưa chuộng tạo ra các tiền lệ cho hậu thế;

(b) Donald J. Trump không xem trọng các tổng thống tiền nhiệm, luôn khẳng định công khai chính Donald J. Trump mới là tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ (mà cho đến nay thì trong toàn nhân loại chỉ có Hoàng Hữu Phước nhận xét như thế về Donald J. Trump trước cả khi Donald J. Trump tuyên bố như thê);

(c) Donald J. Trump không xem trọng các quyết định quan trọng nào đã có trước đó và do đó luôn muốn ký ban hành các quyết định thay thế để có dấu ấn của ông trong lịch sử nước Mỹ;

(d) cũng vì ba điều trên mà ắt Donald J. Trump có đủ thông minh để nhận ra rằng Mỹ không phải là “ông Hương Quản” của một cái “ao làng”, rằng “cấm vận” không phải là “hạt điều nướng chảy acid” gì ghê gớm mà thí dụ điển hình là chính “cấm vận” đã thúc đẩy Việt Nam trở thành vận động viên nhảy sào để vượt qua “cấm vận” trở nên giàu mạnh và hùng mạnh giữa sự bủa vây của kẻ thù Trung Quốc và hàng xóm ASEAN vốn thoát sinh từ Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á SEATO điên cuồng chống Cộng, và rằng “kẻ thù của Mỹ” không phải là “con gái của Mỹ” để Mỹ dí hạt điều nướng cháy vào đầu vú – nhất là khi “kẻ thù” ấy còn ghê gớm hơn cả Việt Nam vì có vũ khí nguyên tử không những đe dọa sự sinh tồn của các “đồng minh” quan trọng như Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn đe dọa cả an ninh quốc phòng của chính lục địa nơi có nước Mỹ; và

(e) cũng vì bốn điều trên mà tốt hơn hết nên có sự việc Donald J. Trump là tổng thống đầu tiên sẽ làm một việc chưa từng có tiền lệ: dỡ bỏ ngay một phần cái gọi là “lịnh cấm vận”, và nếu như cho đến nay vẫn làm ngơ “xù” luôn khoản “bồi thường chiến tranh” cho Việt Nam thì sẽ không dám không dành ngay cho Bắc Hàn những viện trợ cần thiết nhằm xây dựng một “lòng tin” … như điều kiện tiên quyết, triệt để, toàn diện, vững bền, và có thể kiểm chứng được.

Chỉ khi lớp áo vỏ của hạt-điều-cấm-vận bị bóc tách thải loại, các hóa-chất-chính-trị có thể gây phỏng xót xa cho bên thực thi bị loại trừ, sự cấp bách hối hả cực đoan bị loại bỏ, sự lựa chọn điều rất xấu thay cho điều xấu tàn tệ được ưu tiên, và sự chấp nhận xem là hợp lý khi chọn ngay cả một hướng tiêu cực miễn sao nó ít trầm trọng hơn một điều tiêu cực tệ hại khác, thì hạt điều chính trị sẽ không thể làm bỏng cháy thịt da người ăn, và các bên của cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ không bị hụt hẫng trước một kết cuộc bất thành, tệ hại.

Cuối cùng, lẽ ra Mỹ đã phải nhận ra rằng một tập văn bản kế hoạch dày một gang tay kiểu Hoàng Hữu Phước diễn giải nêu trên nếu đã được soạn thảo ắt đã được vui vẻ ký kết tại Hội Nghị Thượng Đĩnh Mỹ-Triều lần II tại Hà Nội thì đó cuối cùng vẫn sẽ đáp ứng đúng các ý đồ của Mỹ do thời gian hai năm là quá đủ để (a) sự thâm nhập thực địa của IAEA và Mỹ vào Bắc Hàn được tiến hành “từ đồ dần dà” hầu hoạt động công khai từ đó nắm đầy đủ nhất về các nguồn còn lại của mối đe dọa nguyên tử để có các biện pháp loại trừ hữu hiệu ngay khi bùng phát một hiện thực nguy cơ, và (b) sự tác động vào dân chúng Bắc Hàn trong tư duy về “tự do dân chủ” được thực hiện qua tiến trình ngụy trang của viện trợ Mỹ và giao lưu văn hóa cùng hoạt động thể thao với Mỹ từ đó có thể tạo nên tâm lý thiên Mỹ nơi dân chúng Bắc Hàn làm tiền đề cho sự trở nên bớt vững chắc hơn của chế độ Bắc Hàn. Đơn giản hơn: từ hai sự thật rằng một lịnh cấm vận không thể bị xóa ngay bởi một vĩ nhân kiệt xuất như Donald J. Trump luôn bị Quốc Hội ngu xuẩn phá hoại trói tay, và một sự tiền trao mà cháo không múc không thể là hành động bất cẩn của một vĩ nhân kiệt xuất như Kim Jong-Un được hun đúc từ tiền bối thông minh, thì một ký kết giản đơn kiểu mệnh lệnh ngắn gọn áp đặt lên Bắc Hàn tại Hà Nội nếu biến thành hiện thực mới là điều kỳ quái điên rồ nhất từng xảy ra trong cái nhân loại điên rồ do Thượng Đế nặn ra này.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Lập-Hiến & Lập-Pháp Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam Khóa XIII, Nhà Tư-Tưởng Cộng-Sản Dân-Tộc Thiên Khổng, Nhà Hùng-Biện Chính Đạo, Thi-Nhân Bảo-Giang (Bảo-vệ Giang-san), Văn-Nhân Lăng-Tần (Ca-lăng-tần-già), Thi-Bá Tannhäuser Beowulf Thor, Nhà Sử Nghiên, Khắc-Tinh Của Báo-Chí Chính-Thống Việt-Nam Phản Đảng

Tham khảo:

Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai  09-4-2015

Nhà Giáo  25-11-2017

Tôi Và Thầy Lê Văn Diệm 22-02-2015

Both comments and trackbacks are currently closed.