Sử Liệu

Lời nhắc nhở các đấng làm chính sách quốc gia về giáo dục

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Lập Hiến & Lập Pháp Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam, Nhà Tư-Tưởng Xã-Hội Chủ-Nghĩa Thiên Khổng, Nhà Sử Nghiên*

04-5-2019

A) 12 năm căn bản nền tảng của giáo dục là để một đứa bé trở thành công dân có đủ tri thức căn bản – theo đích ngắm đầy trọng vọng của công tác giáo dục & đào tạo tại các cường quốc Âu Mỹ – để (a) trước hết người công dân đã qua 12 năm cơ bản nền tảng đó có thể “sống được và sống đúng” trong cộng đồng bao gồm trong gia đình, tại địa phương, ở chỗ làm việc, ở nơi học tiếp lên cao, hoặc chốn quân trường; và (b) thâm sâu thâm thúy hơn cả là người công dân này từ ý thức trách nhiệm với tinh thần dân tộc được hun đúc suốt 12 năm ấy đã hình thành lòng ái quốc tự thân mà không bất kỳ giáo điều hoặc giáo lý hay chủ nghĩa nào có thể dựng xây nên được.

“Sống được” là bản lĩnh có từ sự trang bị kỹ năng mềm tổng hợp của (i) phản ứng phù hợp, (ii) ứng phó trước thử thách, (iii) ứng đối như một vũ khí tìm việc/làm việc, và (iv) các hiểu biết từ phần cứng của sự hiểu biết rộng khắp từ nhiều chục môn học của 12 năm.

“Sống đúng” là (i) tư cách công dân có giáo dục với lòng tự trọng, và điều trước hết và trên hết mà giáo dục đem lại là (ii) tinh thần trách nhiệm cùng ý thức thượng tôn luật pháp như tiền đề cho sự giữ gìn phẩm giá cá nhân và quốc thể.

Cái thâm sâu thâm thúy nêu ở phần b ở trên có liên quan mật thiết đến bản lĩnh “sống đúng”, chủ yếu đến từ những gì có liên quan đến Môn Sử chứ hoàn toàn không phải các môn nào khác, kể cả không phải môn “Giáo Dục Công Dân”; và nền tảng cho sự phát triển Môn Sử do đó dứt khoát phải bao gồm 5 thành tố: (a) vị trí được tôn trọng đối với Môn Sử trong hệ thống giáo dục 12 năm, (b) sách vở đẳng cấp cao của Môn Sử, (c) chương trình đẳng cấp cao của Môn Sử, (d) đẳng cấp cao của giáo viên dạy Môn Sử, và (e) tư cách cao trọng của giáo viên dạy Môn Sử.

Tuy nhiên, Môn Sử lại trở thành vấn nạn tại nước Việt Nam thống nhất kể từ 30-4-1975 còn tại bị vì bởi 7 vấn nạn khác, đó là

1– Chính phủ không hề nhớ sự thật đớn đau rằng tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, học sinh chỉ học 9 năm chứ không phải 12 năm, nghĩa là không có đủ thời gian để học đủ, biết đủ, cơ thể lớn đủ, và trí lực mạnh đủ để vào đại học, khiến tất cả các “sinh viên” tốt nghiệp đại học sau 3 hay 4 năm thành những vị “cử nhân đại nhảy vọt” nhanh chóng trèo lên “tiến sĩ” với lổ hổng 3 năm thể lực/trí lực/tâm lực, quá đủ để giải thích vì sao trong số lượng “trí thức” khổng lồ được đào tạo trong nước và “gởi” sang nước ngoài đào tạo bằng tiền thuế của dân đen, chẳng có lực lượng đông đảo nào hoạt động ra hồn về chuyên môn đã được đào tạo cả, dù về tài chính, kinh tế, tiếng Anh, kỹ thuật, hay…Sử, mà oái oăm thay gần như đa số bị “tẩu hỏa nhập ma” đi học toàn những ngành hoành tráng để rồi về thực hành toàn những cái tạp nhạp quái đản của “dân chủ”/“nhân quyền”/“xã hội dân sự”/“biểu tình”/sáng tác thơ “nước mình ngộ quá phải hông tía?”/xả rác trên facebook và nếu bất tài không làm được bất kỳ những tài gì vừa được nêu trên thì hóa ra lại có tài ảo thuật biến bao ngàn tỷ Việt Nam Đồng thành bụi mịn để rồi hoặc tiến thẳng một lèo vô tù hoặc đi một vòng lắt léo ra hải ngoại cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ rồi mới quay về cố quận đút đôi tay mũm mĩm vào còng số 8. Tóm lại, các nhà sử học Việt Nam tuyệt đại đa số đều tóc bạc hưởng bao phúc lợi vinh hiển từ tiền thuế của nhân dân nhưng vẫn còn thiếu nợ nhân dân cái sự học lớp 10, 11, và 12. Nhà sử học thực thụ có tri thức uyên bác không cần học thêm lớp 10, 11, và 12 là người đã dám lên tiếng ngay để ủng hộ Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước trong đại biến Luật Biểu Tìnhđại biến Tứ Đại Ngu.

2– Chính phủ không hiểu biết gì về trọng lượng khủng khiếp của 12 năm căn bản nền tảng mà chỉ cắm cúi phát triển số lượng khủng khiếp các trường đại học để rồi hình thành trong nước 5 vấn nạn vượt ngoài tầm kiểm soát gồm (a) sự chạy đua thần phục “từ chương” tức trọng bằng cấp dẫn đến “thừa thầy/thiếu thợ” mà ngay cả từ ngữ trong “thừa thầy/thiếu thợ” mà chính truyền thông chính thống quốc gia lãi nhãi ngày đêm cũng cho thấy sự xem thường giới đối trọng của “thầy”, (b) nỗ lực cung cấp “đầu vào” tức người đi học cho số lượng các trường đại học đã phát triển hơn nấm bằng cách bỏ bớt các kỳ thi vốn sẽ dẫn đến việc “đầu ra” của đại học không thể là nguồn nhân lực ra hồn để cung cấp cho sự phát triển nền kinh tế quốc dân, (c) sự muối mặt cắt giảm số lượng các ngành tuyển sinh đã phát triển hơn nấm tại các trường đại học mà số lượng các trường này cũng đã phát triển hơn nấm, (d) sự chê bai của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các “sản phẩm” nội địa vốn được tạo ra từ sự xem nhẹ 12 năm căn bản nền tảng, và (e) sự thật rằng tuyệt đại đa số “sinh viên” Việt Nam chỉ là những “học sinh” lớp 13, 14, 15, 16.

3– Chính phủ dại dột theo lời “tư vấn” của “ban tư vấn Sử quốc gia” xem nhẹ Môn Sử nên đã gạt bỏ Môn Sử khỏi các yêu cầu phải có đủ tri thức căn bản để sống được và sống đúng.

4– Chính phủ dại dột theo lời “tư vấn” của “ban tư vấn Sử quốc gia” đã không xem Môn Sử phải như các môn học khác nghĩa là việc học Môn Sử phải được xem trọng hoàn toàn, việc phải có Môn Sử là không thể đảo ngược, và việc học Môn Sử phải kiểm chứng được qua thi cử hẳn hoi.

5– Chính phủ không hề nhận thức được rằng Việt Nam hiện không có bất kỳ “sử gia” nào cả.

6– Việt Nam hiện có quá nhiều “nhà sử học” toàn do tự phong hoặc do báo chí chính thống tự gọi “phe đồng minh” hoặc do Nhà Nước tự ban “phe ta” để lấp lửng lấp liếm sự thật Việt Nam vắng bóng hàn lâm Sử, và tất cả các “nhà sử học” này kỳ lạ thay chỉ “học” mỗi môn Việt Sử để lên tivi hỗ trợ “Đường Lên Đỉnh Olympia” hoặc trả lời phỏng vấn hành lang Quốc Hội những gì có liên quan đến Hoàng Sa hoặc nổi điên đòi tôn vinh công đức Gia Long hay A-Léc-Xăng Đờ Rốt, vân vân và vân vân, chứ chả biết gì về Thế Giới Sử và cả ngàn môn “Sử” khác. Các “nhà sử học” kiểu này đương nhiên hoàn toàn không đủ trình độ “nghiên cứu” phù hợp với việc hoạch định soạn thảo giáo trình Môn Sử cho đại cuộc 12 năm căn bản nền tảngđã nói ở trên. Ngoài ra, học sinh không biết có biết bao “Sử” để dành đam mê trở thành một sử gia cho một trong số 261 ngành Sử học vinh diệu đầy hấp lực tầm cỡ thế giới ấy.

7– Chính phủ đã hoàn toàn sai khi sau 30-4-1975 biến Lịch Sử Đảng thành mục chính yếu của toàn bộ Môn Sử cấp trung học và phần buộc phải có ở đại học bất kể chuyên ngành. Trên nguyên tắc hàn lâm về Sử, Lịch Sử Đảng là lịch sử một tổ chức chính trị, là nguồn sử liệu cực kỳ quan trọng để hình thành phần bổ sung vào Lịch Sử Việt Nam, mà Lịch Sử Việt Nam cần thời gian tối thiểu 50 năm nghiên cứu thu thập tổng hợp đánh giá tư liệu từ nhiều nguồn sử liệu thế giới có liên quan đến thời kỳ của Lịch Sử Đảng để đúc kết chính thức đưa vào Lịch Sử Việt Nam. Việc biến Lịch Sử Đảng thành mục chính yếu của toàn bộ Môn Sử cấp trung học và phần buộc phải có ở đại học bất kể chuyên ngành, đã hình thành nơi học sinh tâm lý không những không còn xem trọng Lịch Sử Việt Nam trước 30-4-1975 mà còn không xem Lịch Sử Đảng còn tính hấp dẫn kế tục kế thừa vinh diệu của chuỗi lịch sử dân tộc, biến nó thành phương cách đơn giản trả nợ một môn học bình thường nhàm chán nhất mà thôi.

B) Vấn nạn các nhà sử học Việt Nam hoàn toàn không phù hợp với Môn Sử tại Việt Nam có thể được làm rõ qua sự thật họ thiếu vắng 3 hiểu biết (a) về ý nghĩa của công việc một Sử Gia, (b) rằng Sử không chỉ là các chi tiết về những cái tên hay những con số ghi năm tháng trong vài quyển sử Việt cũ hàng trăm năm tuổi vì nếu thế chẳng ai ở Việt Nam – trừ các phóng viên báo chí – cần đến các nhà sử học kiểu Việt cả, và (c) ý nghĩa của từ ngữ “sử liệu” cùng tầm quan trọng của sử liệu.

Sử liệu không chỉ là tư liệu ghi trong những quyển sử hàng trăm năm tuổi vốn không được tự động mặc định là chỉ toàn chứa chất các sự thật đã được kiểm chứng hay đã có bằng chứng. Sử liệu còn là những tài liệu chưa được chính phủ một nước công bố khi chưa hết thời hạn 50 năm hay100 năm mà luật pháp nước họ quy định, và ngay cả khi được công bố sẽ dẫn đến các nghiên cứu hàn lâm/điều tra thực địa/thẩm định chuyên sâu/đánh giá chuyên biệt trước khi một sử liệu được chính thức ghi thêm vào sách sử để bổ sung/thay thế/chỉnh sửa/tiếp tục dán nhãn “còn gây tranh cãi”. Sử liệu còn là những ghi nhận lưu trữ thông tin ngay trong thời hiện tại để phục vụ nghiên cứu Sử của các thế hệ mai sau. Và giá trị của Sử trong tương lai sẽ được tôn vinh cao nhất nhờ hiện tại có đầy đủ trang thiết bị giúp nghiên cứu/điều tra/ghi nhận từng sự việc một để các chi tiết lịch sử trong Môn Sử của tương lai đều có tài liệu chứng minh có thực và thực có.

Công việc đặc thù liên quan đến Sử của một sử gia/“nhà sử học”/công chức “viện sử học” có bao gồm cả việc ghi nhận lưu trữ thông tin ngay trong thời hiện tại để phục vụ nghiên cứu Sử của các thế hệ mai sau ấy. Vậy thử hỏi ngoài cái việc chăm bẳm vào chỉ mỗi việc “Thành Đô” theo đà tạo sóng của bọn chống Việt trong khi chả có tài liệu quái gì cả do chưa đến thời hạn công bố tài liệu mật quốc gia của Trung Quốc và Việt Nam theo thông lệ quốc tế để kiểm chứng so sánh tổng hợp, thì đã có “nhà sử học” nào ở Việt Nam quan tâm lưu trữ sử liệu cho hậu duệ?

Tôi có tình cờ quen một bác cao niên trên 80 tuổi tên Nhi khi thăm một người quen tại một bịnh viện ở Thành Phố Hồ Chí Minh cách nay vài tháng. Do tính cách từ nhỏ luôn tạo thiện cảm nơi người đối diện bằng cung cách ăn nói lễ độ trí hóa cao cùng tác phong đĩnh đạc cũng như khuôn trung luôn biểu cảm sự quan tâm chăm chú xem trọng ý kiến người đối diện, tôi không bao giờ chịu trao danh thiếp để không phải “hé lộ” thông tin “bí mật” mình là Hoàng Hữu Phước, Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế, Nghị Sĩ Khóa XIII. Nếu được hỏi, tôi chỉ cho biết tôi tên Phước. Only this and nothing more – nghĩa là chỉ thế thôi. Bác Nhi ở Phú Yên, được con cháu đưa từ Nha Trang vào Thành Phố Hồ Chí Minh chữa bịnh. Bác khoe tôi xem hình bác chụp đen-trắng ố vàng xưa cũ, rất đẹp trai, trong quân phục quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Khi bác nói đó là quân chủng Biệt Động Quân, tôi nói hồi nhỏ mỗi chiều nghe radio phát sóng chương trình của quân chủng Biệt Động Quân và có nhớ bài hát dữ dội có lời “…Biệt Động Quân: SÁT!..”, thì bác Nhi lè lưỡi lắc đầu nói rằng bác không có “sát” ai hết do bác chỉ là một quân nhân hành chánh làm việc tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ hồi đó gọi tắt là DMRTC mà thôi. Bác nói bác đi Mỹ hoài để thăm các con các cháu, có khi ở vài ba tháng, nhưng bác từ chối sang bên đó sống, trong khi vợ bác thì chịu sang ở theo lời năn nỉ của cháu con. Bác cho biết hình như có cán bộ tình báo gián điệp Việt Cộng thâm nhập vào đội ngũ làm việc ở DMRTC nên khi giải phóng, bác chia tay gia đình ra trình diện ủy ban quân quản, khai báo trung thực vào hồ sơ tập trung đi “học tập cải tạo” dài lâu, nhưng lại được “cán bộ cộng sản” cho về ngay do có một vị nào đó sau rèm đã bút phê rằng bác không “có công với cách mạng” nhưng cũng không thuộc diện DMRTC “ác ôn có tội với nhân dân”. Bác nghĩ chắc là có một cán bộ cộng sản bí mật nào đó trong thời gian thâm nhập DMRTC đã nhận thấy bác là một “binh sĩ văn phòng” có tư cách, làm việc không đụng đến vũ khí, và không tham gia rèn luyện các “sát thủ bậc nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa”, nên đã chiếu cố cho bác sống đời sống dân sự bình an tuyệt đối ngay lập tức. Bác nói “Biệt Động Quân tụi nó dữ lắm” và kể rằng khi chiến sự diễn ra ác liệt, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tan rã trên khắp các mặt trận các vùng chiến thuật Miền Trung, bác bỏ quân phục, chạy khỏi DMRTC trà trộn theo các đoàn thường dân lánh nạn, và bác nhiều lần chứng kiến việc các binh sĩ Biệt Động Quân xả nguyên băng đạn tiểu liên bắn nát ngực hay lưng thường dân nào có xách va-li “Samsonite” vì trong đó bảo đảm có chứa vàng ngọc và đô-la Mỹ. Họ không chĩa súng đe dọa hét bảo đưa các va-li đó, chẳng qua vì họ biết nếu không nhanh tay giết-cướp-chạy ngay ắt sẽ bị chiến hữu Biệt Động Quân khác bắn nát lưng mình để cướp-của-cướp. Khi tôi hỏi khi chạy tán loạn như vậy thì ai cũng ngụy trang thành thường dân thì sao bác biết các sát thủ đó là binh sĩ Biệt Động Quân, bác nói đó là do nhận diện nhờ có kinh nghiệm thâm niên phục vụ DMRTC, cứ nhìn sắc mặt, đầu tóc, vũ khí, cách cầm vũ khí, cách sử dụng vũ khí, và cách im lặng giết người nhanh gọn ngay lập tức của họ khi gặp “đối tượng” là biết ngay; thậm chí đang chạy mà bác nghe…“tiếng súng của Biệt Động Quân” là bác kêu dân chúng hãy chạy theo bác rẽ sang hướng khác rời xa đường tháo chạy của Biệt Động Quân, còn nếu tiếng súng nghe không giống “của Biệt Động Quân” thì bác hối dân chúng chạy nhanh lên phía trước hoặc tiếng súng quá gần thì nằm dạt ra hai bên đường. Cũng tại khiếp sợ Biệt Động Quân khét tiếng “khát máu” thật, mà bác đã dẫn một đoàn dân chúng chạy thục mạng vào rừng sâu, chấp nhận nguy cơ gặp một thế lực bị Cộng Hòa tuyên truyền rằng“hung tàn khát máu” có tên “Việt Cộng” mà bác chưa từng nhìn thấy cái “khát” đó được “Việt Cộng” thể hiện ra sao.

Trên là những “sử liệu” mà không rõ có công chức nào của Nhà Nước ở các “viện” sử học hoành tráng của Nhà Nước phối hợp cùng các “nhà sử học” ruột thịt của Nhà Nước chịu khó tiếp cận, ghi chép, ghi âm, ghi hình để làm “sử liệu” hay chưa.

Nếu những đấng hưởng lương và phúc lợi từ tiền thuế của dân và tài nguyên quốc gia là công chức của Nhà Nước ở các Viện sử học hoành tráng của Nhà Nước phối hợp cùng các “nhà sử học” của Nhà Nước muốn tiếp cận, ghi chép, ghi âm, ghi hình để làm “sử liệu” thì chỉ có thể tìm gặp những người nào như bác Nhi, vì tháng trước bác phone cho tôi hỏi thăm sức khỏe của tôi và thều thào nói bác đang cảm thấy rất mệt. Ngày hôm sau, con trai lớn của bác Nhi đã điện thoại cho tôi báo hung tin bác đã đột ngột qua đời. Hóa ra đó là cuộc gọi cuối trước lúc ra đi của bác cho tôi, người tâm giao xa lạ lúc chào bác ra về đã giơ nắm đấm chúc bác khỏe mạnh như một cựu binh “Biệt Động Quân” cho ca đại phẫu hôm sau. Tôi đã thầm xin lỗi vì đã không trung thực đầy đủ với bác, không cho bác biết tôi là ai, dù bác nói trông tôi có phong cách một “ông giám đốc” hay một “ông lớn” nào đó chứ không phải chỉ là một “dân đen tư nhân nghỉ hưu không lương hưu tên Phước” như tôi đã cho bác biết như thế về mình.  

C) Người ta chỉ mặc định xem những gì ghi trong các pho Sử cổ của nước nhà là chân lý, không hề ngờ vực bất kỳ chi tiết nào trong đó.

Người ta chỉ mặc định xem những gì ghi trong các pho Sử cổ của nước nhà là chân lý, ngay cả những điều không rõ ràng cũng được tự động mặc định không thể làm gì hơn cho một định thẩm cứu nghiên.

Người ta chỉ mặc định xem những gì ghi trong các pho Sử cổ của nước nhà là chân lý, ngay cả những điều vô lý vô pháp vô thiên không có bất kỳ sử liệu gì chứng minh cũng không khiến người ta chấm dứt sự tôn vinh đã lỡ lầm trao tặng cho ai đó như trường hợp Chu Văn An.

Người ta chỉ mặc định xem những gì bọn chống Việt – gồm bọn người Việt chống Cộng cùng bọn Tàu và Anh Mỹ vân vân – nêu lên về Hoàng Sa, Trường Sa, Thành Đô, là những vấn nạn Sử duy nhất tạo công ăn việc làm cho họ, những nhà sử học Việt Nam.

Người ta chỉ mặc định xem những gì liên quan đến quốc hiệu của Việt Nam cộng sản hiện nay trong tương quan so sánh với quốc hiệu của Việt Nam – cũng cộng sản – trước đây, là những vấn đề Sử duy nhất cao quý tạo công ăn việc làm cho họ, những nhà sử học Việt Nam.

Người ta chỉ mặc định xem việc điêu ngoa nói nhăng nói cuội chống lại kiến thức “uyên thâm uyên bác” về “biểu tình” của Thạc sĩ Hoàng Hữu Phước là hành vi duy nhất xứng đáng cho công ăn việc làm duy nhất của những nhà sử học Việt Nam từ đường hang chốn tháp ngà sử học chui ra chốn nghị trường lập hiến và lập pháp Việt Nam.

Người ta không hiểu một chân lý rằng chính các sử liệu thu thập được từ những cựu chiến binh như Bác Nhi ở Phú Yên mới là thứ vũ khí có sức công phá hủy diệt cực kỳ ghê gớm triệt hạ các thế lực thù địch chống Việt Nam, vì các sử liệu ấy (a) củng cố chính nghĩa của Cộng Sản Việt Nam để đánh bại bọn “tự diễn biến” nội địa, (b) bóc trần sự nhơ nhớp của “Cộng Hòa” để đánh bại “tàn dư” của “Cộng Hòa” tại hải ngoại, và (c) đó mới là những “sự thật” làm tư liệu phong phú cho việc phát hành bộ  Việt Nam Sử Ký Toàn Thư năm 2075 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Chiến Thắng.

Hoàng Hữu Phước, Nhà Sử Nghiên

Ghi chú:

1) Nhà Sử Nghiên là…nhà nghiên cứu sử. Nhà Sử Nghiên cao hơn “Nhà Sử Học” chín bậc cửu trùng vì “nhà sử học” ở Việt Nam (a) chỉ biết học Việt Sử mà thôi, (b) chỉ biết học Việt Sử từ các quyển “sử” cũ đã có trong quá khứ được dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt, (c) không biết rằng theo hàn lâm Âu Mỹ thì Sử bao trùm nhiều lĩnh vực như đã được Hoàng Hữu Phước nêu rõ trong bài Thế Nào Là Sử Gia , (d) học lực chỉ ở mức Lớp 9 nhảy lên đại học vốn là nơi để một người được đào tạo cho một nghề chứ không bao giờ đào tạo ra một “nhà” nào cả vì “nhà” là do “nghiên cứu” mà được trở thành, (e) không dám xưng là “Sử Gia” mà cũng chẳng được ai gọi là “Sử Gia”, và (f) chẳng bao giờ được các “Sử Gia” nước ngoài xem trọng do chẳng bao giờ nói được ngoại ngữ –  kể cả tiếng Hán – và chẳng có công trình nghiên cứu tầm cỡ “phá băng” tức điều tra chứng minh giải tỏa được những khúc mắc trong lịch sử dù chỉ trong nội tình lịch sử của chính nước mình để giới sử gia thế giới hiểu tường tận hơn.

2) “Hết sức uyên thâm uyên bác” là lời khen tặng của một đại tá công an họ Võ dành cho Hoàng Hữu Phước bằng tin nhắn và khi đến văn phòng Công Ty MYA thăm Hoàng Hữu Phước và Lại Thu Trúc ngay sau đại biến Luật Biểu Tình; hoàn toàn không phải lời tự phong của Hoàng Hữu Phước dù cho con mèo của ông ta thực sự có cái đuôi rất rất dài.

Tham khảo các bài về Sử của Nhà Sử Nghiên Hoàng Hữu Phước:

Học Sinh Và Vấn Đề Giỏi Môn Việt Sử  11-2011

Tiểu phẩm trào phúng Tết: Nhà Sử Học  26-01-2014

Tết Mậu Thân 1968  28-01-2014

Thế Nào Là Sử Gia   05-02-2014

Sử Liệu Nghị Viện Việt Nam  04-10-2014

Các tham khảo khác:

Đất nước mình ngộ quá phải không anh  29-5-2016

Lại Thu Trúc 22-12-2015

Hoàng Hữu Phước vs Chu Văn An: Sự Thật Về Nội Dung Đối Đáp Hùng Biện Trực Diện Của Hoàng Hữu Phước Với Các “Nhà Báo” 25-4-2019

Hoàng Sa (Hội Chứng Hoàng Sa) 28-7-2014

Both comments and trackbacks are currently closed.