Học Sinh Và Vấn Đề Giỏi Môn Việt Sử

(Bài viết đã đăng trên Emotino tháng 11-2011)

Hoàng Hữu Phước, MIB

31-5-2016

Trong tiếng Việt, từ “vấn đề” có khi được dùng khi có “vấn đề”, nhất là khi đó là vấn đề tiêu cực. Việc học môn Lịch Sử là việc học bình thường như mọi môn học khác; song, khi nói “vấn đề học Sử” mà không dùng “việc học Sử” thì ắt đã có nội hàm tiêu cực. Vậy “việc” học Sử đã gặp phải “vấn đề” gì và do đâu, là nội dung phân tích từ những trải nghiệm thực tế, thực tình, thực tâm, thực sự sau. Nhưng trước khi vào nội dung chính, nhất thiết cần làm rõ ý nghĩa ở đây là danh từ của Sài Gòn trước 1975 đã đúng hơn và chính xác hơn khi gọi là Việt Sử (từ lớp 6 đến lớp 11) và Thế Giới Sử (lớp 11 và 12), trong khi cứ gọi như hiện nay là Sử thì rốt cuôc chẳng ai biết cái “nhà sử học” XYZ nào đó ở Việt Nam là chuyên gia về Sử gì, chưa kể có rất nhiều thứ Sử ở thế giới tư bản siêu cường hiện đại nên có rất nhiều danh xưng chuyên gia cao cấp chuyên ngành hàn lâm chẳng hạn như Sử Gia Hàng Không, Sử Gia Hàng Hải, Sử Gia Vũ Khí, Sử Gia Thời Phục Hưng, Sử Gia Hội Họa, Sử Gia Thế Chiến II, Sử Gia Chiến Tranh Việt Nam, v.v., như đã nêu trong các bài viết khác trong bảng tham khảo dưới bài viết này.

Người Dạy Việt Sử

Trước tiên, sử gia, giáo sư Việt Sử, hay giáo viên Việt Sử, là những vị có những tài năng kiệt xuất như bác cổ thông kim (uyên bác tinh túy xưa, tinh thông tinh hoa mới, từ đó hiểu biết sâu rộng về những gì cần thiết cấp bách cho việc chấn hưng đạo lý và văn hóa dân tộc, phát triển thật cao ngành Việt Sử học của nước nhà, giải mã làm sáng tỏ các vấn nạn lịch sử, và đề đạt các gợi ý xây dựng đất nước cho nhưng nhà quản trị chuyên môn), tinh tường ngoại ngữ (và cổ ngữ như Tiếng Nôm, tiếng Phạn,v.v., để nghiên cứu tài liệu nước ngoài về Việt Sử và Thế Giới Sử, cũng như để giao lưu với các học giả hàn lâm nước ngoài về Việt Sử), biết lo trước cái lo của người dân (từ nhận thức sâu sắc về vô vàn bài học lịch sử của quốc gia và thế giới mà nghiệm ra đâu là điều tối cần thiết có giá trị sống còn đối với sự an nguy của tổ quốc và đời sống ấm no hạnh phúc của nhân dân để có các kiến giải qua các công trình nghiên cứu hàn lâm), cùng phong cách sống triết nhân (do đã thấm nhuần biến vi xoay vần thời cuộc của các triều đại lịch sử nhân loại trong Thế Giới Sử, và hiểu biết thấu đáo lẽ huyền vi của tạo vật, của trung hiếu tiết nghĩa, v.v.).

Cá nhân một “thầy” dạy Việt Sử dù không tài năng, kém nhân cách, cũng không làm phương hại đến việc học của học sinh, khi cá nhân đó lạc lõng trong cộng đồng các sử gia chân chính và các “thầy” dạy Việt Sử đúng nghĩa. “Thầy” Lê Trọng Phỏng, giáo sư Việt Sử trường trung học Pétrus Trương Vĩnh K‎ý lừng danh của Sài Gòn, khi dạy môn Thế Giới Sử ở trường tư thục Tân Việt hay đem theo cái tẩu hút thuốc làm từ lõi ngô (cùi bắp) Mỹ, khoe với lớp đã mua khi du học tại Hoa Kỳ, nói rằng nó cứng hơn đá, là một trong vô số thứ quà lưu niệm tuyệt diệu nhất trên đời chỉ có ở Hoa Kỳ mà bất kỳ ai đến Mỹ không thể không mua, và vừa gỏ chiếc tẩu ấy lên bàn vừa lên giọng bài xích Liên Xô, kể chuyện tiếu lâm rằng Stalin do hối hận vì đã rút súng lục của Mỹ bắn chết vợ do bà này lắm mồm điêu ngoa, nên đặt làm tấm bia ghi dòng chữ “anh rất tiếc thương hiền phụ” để rồi sau đó một tuần cặp bồ với một phụ nữ khác, rồi bảo Hồng Quân khắc lên bia mộ thêm vài chữ “đến độ không thể sống một mình”. “Thầy” Lê Trọng Phỏng không làm hỏng học trò vì chưa bao giờ có vấn nạn đa số thí sinh thi tú tài hay đại học thời Việt Nam Cộng Hòa có điểm zero môn Sử, vì học sinh nhìn thấy trước mắt họ không phải thầy giáo Việt Sử Lê Trọng Phỏng, mà là một kẻ mất tư cách do “tài năng” và “phong cách” đối nghịch với toàn bộ các thầy dạy Việt Sử họ đã học suốt 12 năm từ tiểu học đến tú tài II. Thái độ của học trò lớp ấy là vào giờ ra chơi đã tụ năm tụ ba gọi “Thầy” ấy là “thằng cha ba xạo”.

Nếu những “tài năng” và “phong cách” là điều mà nếu tất cả các sử gia, các “nhà sử học”, và các giáo viên Việt Sử đều có, ắt đã không khiến “việc” học Việt Sử biến thành “vấn đề” vì bản thân các sử gia, các “nhà sử học”, và các giáo viên Việt Sử là hiện thân của tài năng và phong cách triết nhân, đầy hấp dẫn cuốn hút sự thán phục, kính trọng, được học sinh noi theo, biến học sinh chưa giỏi trở thành giỏi, và học sinh giỏi trở thành giỏi hơn về môn Việt Sử. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chính là thí dụ lý tưởng, điển hình, đúng nghĩa của một giáo viên dạy môn Sử Ký tức Việt Sử.

Sách Việt Sử

Điểm tiếp theo là về tài liệu dạy Việt Sử. Người viết bài này và bao người cùng trang lứa đã biết yêu nước Việt Nam ngay từ bậc tiểu học nhờ được học môn Sử K‎ý từ sách giáo khoa được in công phu trên giấy thượng hạng, có hình vẽ màu chân thực, nghiêm túc, thật đẹp, với lời văn trau chuốt, với bìa giấy dày mặt phủ giả da và có giòng chữ tiếng Việt ở bìa sau “Sách do Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa biên soạn, được in theo chương trình viện trợ của Cơ Quan USAID Hoa Kỳ”. Mỗi bài trong quyển sách – thí dụ lớp 3 chẳng hạn – dài 3 trang, với trang đầu tiên là tựa bài và hình vẽ màu tuyệt đẹp, còn phần nội dung Việt Sử thì mỗi bài bắt đầu từ ngay dưới của hình vẽ với font chữ lớn cỡ 16, kéo dài hết trang tiếp theo và kết thúc ở trang thứ ba, đặc biệt là cuối bài bao giờ cũng là hai câu thơ trích từ văn học Việt Nam của chính bậc danh nhân của thời đại lịch sử của bài Việt Sử ấy, chẳng hạn bài Việt Sử về Đặng Dung, vị tướng Nhà Trần đã quên mối thù nhà để theo phò vị vua đã nghe lời xu nịnh xử trảm cha mình (tức trung thần Đặng Tất), hết lòng chống giặc ngoại xâm đền nợ nước, giữ yên bờ cõi Việt, đã cùng Trần Quý Khoách, Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy tuẫn tiết khi cuộc tập kích Trương Phụ bất thành bị Tướng Minh này bắt sống giải về Yên Kinh, và tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng hai câu thơ dùng làm đoạn kết của bài Sử ấy:

          Thù trả chưa xong, đầu đã bạc

          Dưới trăng bao độ tuốt gươm mài

để rồi sau vài chục năm kiếm tìm do các bài Sử ấy đã không ghi xuất xứ đoạn thơ trích dẫn, tôi mới nhờ internet của ngày nay mà biết được hai câu thơ đó từ nguyên tác nào của Đặng Dung, và đã cố gắng diễn dịch thêm cho đầy đủ thành một bài thơ Đường Luật của riêng mình (nhưng có dùng hai câu thơ trên đã thuộc lòng hơn nửa thế kỷ qua) như sau:

Wordpress Học Sinh Việt Nam Và Vấn Đề Giỏi Môn Su (1)Wordpress Học Sinh Việt Nam Và Vấn Đề Giỏi Môn Su (2)Wordpress Học Sinh Việt Nam Và Vấn Đề Giỏi Môn Su (4)Wordpress Học Sinh Việt Nam Và Vấn Đề Giỏi Môn Su (3)

 

Những bài khác như về Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lảo, Võ Tánh, Phan Đình Phùng, v.v., cũng được soạn theo cùng chuẫn mực ấy, tức là với sự công phu, sự hiểu biết của những nhà chuyên nghiệp, và tấm lòng của những người yêu công việc, yêu Việt Sử, yêu nước, từ người viết, người vẽ, người sắp chữ, đến người lựa chọn loại nguyên vật liệu in ấn và người cắt xén đóng bìa thành phẩm. Từng quyển sách Việt Sử như thế cho học sinh tiểu học đã hình thành không những trí nhớ thật lâu, niềm tự hào dân tộc thật cao, và cung cách Việt thật vững, đến độ nội dung bài Việt Sử rất khó phai mờ trong tâm khảm học trò, còn niềm tự hào dân tộc thì cao vời vợi đến độ biết bao học sinh trở nên bài ngoại tức chống lại cả cái quốc gia Mỹ đã bỏ tiền tài trợ in nên các quyển sách Việt Sử tuyệt đẹp ấy, vì lòng mong muốn nước Việt Nam phải vinh danh hùng mạnh như tâm huyết của các bậc hùng anh của tất cả các triều đại, không muốn nước nhà nằm dưới ách đô hộ hay cai trị của ngoại bang. Nói vậy để nhìn lại xem các quyển sách Việt Sử cho bậc tiểu học của ta bấy lâu nay đã được soạn như thế nào, có công phu trau chuốt không, và có truyền tải được cái hào khí oai hùng cực cao của dân tộc xuyên suốt liên tục từ thời lập quốc hay không, nhất là có sự điểm tô bằng thơ ca đặc biệt từ các tác phẩm lừng danh của các danh nhân lịch sử của đúng từng thời kỳ đang nói đến chưa.

Riêng đối với nội dung Việt Sử còn nhất thiết phải tính đến một sự thật khác là đã có theo trình tự phân bổ trước trước sau sau chưa. Nhiều sinh viên của tôi nhiều năm trước nói rằng phần Việt Sử liên quan đến cách mạng Việt Nam gọi là Lịch Sử Đảng đã học rất nhiều ở Trung Học, trở thành nội dung chính để thi Tú Tài, vậy mà lên Đại Học lại học y như vậy dưới tên môn khác, biến nội dung này thành nhàm chán ở đại học, gây tác động tiêu cực đến nhận thức của những công dân sắp ra “phục vụ” đất nước. Ngoài ra, trong thời gian dài từ sau ngày giải phóng phần Việt Sử của Việt Nam Cộng Hòa thời kỳ chiến tranh chưa được nghiên cứu, thu thập, đối chứng, biên dịch tham khảo, biên soạn để đưa vào chương trình học Việt Sử, khiến khoảng trống này dễ bị lấp đầy bởi các thông tin sai lệch từ các nguồn không chính thống mà học sinh có thể đọc thấy nhan nhản trên internet.

Phim Tài Liệu Lịch Sử

Vài năm trở lại đây, tivi có những “công trình” phim tài liệu kể truyện lịch sử, với những hình vẽ, những hoạt họa, những âm thanh như đang có xung trận với tiếng vó ngựa, gươm đao, và lời thuyết minh cùng bảng hiện chữ. Ai sẽ là khán giả xem các chương trình đó? Và người xem có thích thú xem? Mà nếu có chịu xem thì có nhớ nội dung “công trình” ấy? Trên đài Discovery có chiếu những phim tài liệu lịch sử do chính Discovery thực hiện, thí dụ phim về Cổ La Mã, Cổ Hy Lạp, về thời hoàng đế này, bà hoàng nọ của Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, v.v. Trong mỗi phim như vậy, họ có thuê diễn viên đóng vai các nhân vật lịch sử (không có lời thoại của các nhân vật vì không phải phim truyện), vận trang phục cổ đại mà các nhà nghiên cứu của họ đã dày công tìm tòi, phục dựng, và nếu về những trận đánh kinh hồn thì tất nhiên họ sử dụng kỹ thuật vi tính tân kỳ để tái lập các trận thủy chiến hay tượng chiến, v.v., y như thật, khiến không những khán giả say mê theo dõi mà người dân của từng quốc gia có lịch sử được Discovery dựng phim tài liệu cũng tự hào với thế giới. Việt Nam ta chỉ có một con đường duy nhất để làm phim tài liệu về Việt Sử: đó là tìm đến Discovery. Không có họ, ta chẳng bao giờ có phim tài liệu về trận thủy chiến kinh thiên động địa Bạch Đằng Giang, trận Hà Hồi – Ngọc Hồi – Đống Đa, Khởi Nghĩa Bà Triệu, Bà Trưng, Hội Nghị Diên Hồng, Phù Đổng Thiên Vương, v.v., hay những thành trì được phục dựng sống động, chính xác, y như thật, v.v., để người Việt và phần còn lại của nhân loại xem, học, nhớ, ngưỡng mộ. Phim tài liệu lịch sử không bao giờ là việc Việt Nam có thể tự thực hiện. Phim tài liệu lịch sử đừng bao giờ là phim hoạt hình.

Kết Luận

Nói tóm lại, vấn đề học sinh Việt Nam có học giỏi môn Việt Sử hay không sẽ tùy vào các yếu tố sau:

1- Giáo viên Việt Sử phải có trình độ tri thức rất cao (vì Sử không chỉ là những sự kiện, những con số ngày-tháng-năm, mà bao trùm cả các biến vi về văn hóa, phong tục, tôn giáo, xung đột, giao thoa, hòa nhập, tan tách, chủng tộc, triết học, triết lý sống, v.v., của nước nhà, của lân bang, và của thế giới), văn hóa rất cao (do nắm vững và hiểu biết hết các biến vi ấy), được học sinh yêu quý và kính phục vì thầy cô thực sự không ngừng có các công trình nghiên cứu Việt Sử có giá trị chuyên ngành, vinh danh Việt Sử chứ không phải uể oải dạy, tích cực nhấn chìm Việt Sử xuống dưới lớp bụi dày của lãng quên và hư mất.

2- Sách giáo khoa Việt Sử phải chuyên nghiệp cao: được biên soạn công phu, tư liệu chính xác, trình bày tuyệt hảo cả về lối hành văn, bố cục và hình vẽ (hay ảnh chụp) minh họa mỹ thuật cao. Đặc biệt chương trình Sử phải trải dài 7 năm trung học theo các bước cơ bản gồm từ Việt Sử (lớp 6 đến lớp 10) tiến đến Thế Giới Sử (lớp 11 và lớp 12), với các lưu ý rằng:

– Việt Sử phải dạy từ đầu đến cận đại tức đến cuối triều đại nhà Nguyễn.

– Do đặc thù Việt Nam, tất nhiên có thêm phần Lịch Sử Đảng cho lớp 11 và lớp 12. Lịch Sử Đảng không nằm trong Việt Sử, vì các lý do như (a) theo hàn lâm, một sự việc chỉ được ghi vào lịch sử sau một thời gian nhiều chục năm qua một quy trình thu thập tư liệu toàn thế giới, nghiên cứu, tổng hợp, biên dịch, phân tích, tranh biện, nên cách tốt nhất và duy nhất đúng là gọi giai đoạn của chiến tranh giải phóng thống nhất đất nước là Lịch Sử Đảng như từ trước đến nay; và (b) nếu giai đoạn ấy được chính thức ghi vào Việt Sử thì bắt buộc phải ghi luôn phần lịch sử Việt Nam Cộng Hòa. Chỉ khi phần về Việt Nam Cộng Hòa được thu thập tư liệu toàn thế giới, nghiên cứu, tổng hợp, biên dịch, phân tích, tranh biện xong, thì mới cùng với Lịch Sử Đảng được chính thức ghi vào Việt Sử, những cũng chỉ đến năm 1975, vì khoảng thời gian từ 1975 đến nay chưa được ghi vào Lịch Sử do chưa đủ thời gian theo yêu cầu hàn lâm và chưa qua quy trình nghiêm ngặt như đã nêu trên. Hoặc tốt nhất là việc tích hợp ấy của Lịch Sử Đảng và Lịch Sử Việt Nam Cộng Hòa vào Việt Sử là dành cho các lớp Khoa Sử ở đại học, thay vì ở cấp trung học. Nếu Việt Sử ở trung học viết đến 1975, và nếu cả Lịch Sử Đảng và Lịch Sử Việt Nam Cộng Hòa đều được đưa vào sử sách, thì sẽ không còn môn Lịch Sử Đảng trừ phi đó là môn nghiên cứu chuyên sâu ở đại học cho các học vị thạc sĩ Việt Sử và tiến sĩ Việt Sử.

– Phần thế giới sử cho lớp 11 và 12 nêu khái quát từ thời các đế quốc cổ đại, khái quát về Đệ Nhất Thế Chiến, tập trung vào Đệ Nhị Thế Chiến do sau đó thế giới hiện tại được định hình. Còn Thế Giới Sử cho thời gian từ cuối Đệ Nhị Thế Chiến cho đến khi kết thức chiến tranh Việt Nam – nếu như Việt Nam đã có thu thập tư liệu toàn thế giới, nghiên cứu, tổng hợp, biên dịch, phân tích, tranh biện – thì cũng chỉ nên đưa vào môn Thế Giới Sử ở Đại Học.

3- Phim tài liệu lịch sử Việt Nam phải đạt yêu cầu hấp dẫn không những học sinh và phụ huynh học sinh, mà còn phải là công cụ truyền bá lịch sử Việt Nam ra nước ngoài, nghĩa là phải do các hãng phim lớn về làm phim tài liệu lịch sử của nước ngoài như Discovery thực hiện bằng tiếng Anh, có ghi phụ đề tiếng Việt, chứ không phải ngược lại.

Tổng hợp các ý tóm tắt trên: môn Việt Sử là môn học cực kỳ quan trọng. Không xem trọng môn Việt Sử, không có lực lượng giáo viên Việt Sử tài hoa ở trung học, không có các “nhà sử học” miệt mài cống hiến duy chỉ cho nghiên cứu Việt Sử, không dành ngân sách thật cao để có thể đáp ứng các nhu cầu thật cao đối với tài liệu và quảng bá lịch sử Việt ra thế giới, thì xem như đã chấp nhận việc học môn Việt Sử nơi học sinh sẽ luôn có “vấn đề”.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Kính mời tham khảo thêm:

Thế Nào Là Sử Gia

900 Năm Hùng Khí Thần Uy 30/12/1075-30/4/1975

Hồ Chí Minh – Cách Mạng Tháng Tám – Giải Phóng Miền Nam

Hội Chứng “Đổi Mới Tư Duy”

Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai

Lời Khuyên Dành Cho Học Sinh

Lời Khuyên Dành Cho Du Học Sinh Việt Nam

Học Sinh Việt Nam Và Vấn Đề Giỏi Môn Việt Văn

Học Sinh Việt Nam Và Vấn Đề Giỏi Môn Anh Văn

Both comments and trackbacks are currently closed.