Nhà Giáo

Hoàng Hữu Phước, MIB

25-11-2017

HHP DHTH TPHCM

Hôm nay là một ngày thích hợp. Phải chờ đến hôm nay tôi mới dám tự do ngôn luận và biểu đạt để đừng bị ném đá đã làm hỏng cuộc bắn pháo hoa.

Chẳng qua vì tôi phải chờ cho qua Ngày Nhà Giáo Việt Nam để không khí có đủ thời gian lắng đọng xuống sát mặt đất tất cả cái dư hương kỳ quái đáng kinh ngạc của ồn ào ca ngợi, ngọt ngào vỗ về, đắng cay tâm sự, chát chua than thở, mằn mặn nước mắt ở đầu lưỡi, tức những thứ lẽ ra trong tự nhiên cũng không thể tồn tại sự hòa quyện kết dính hóa học tất cả các vị nếm trái đạo ấy.

Hai mươi năm trước, Đài Truyền Hình VTV có chương trình dạy tiếng Anh do một vị tên Hùng mà học vị được ghi trên màn hình là MA Vương Quốc Anh, tức là thạc sĩ (Master of Arts, chắc là học cái gì đó về khoa học xã hội hay ngôn ngữ) từ Anh do Nhà Nước cho sang đấy du học trở về. Ông ta luôn ngồi thừ bất động, chỉ có đôi môi là hoạt động. Ông dùng tiếng Việt để dạy các căn bản sàn nhà của tiếng Anh, thậm chí ông còn bày ra trò dạy hát (theo băng nhạc ghi âm) mấy bài tiếng Anh cũ mèm quen thuộc, với sự có mặt của ba hay bốn nữ sinh cũng ngồi-thừ-bất-động-trừ-đôi-môi y hệt vị thạc sĩ tốt nghiệp từ Vương Quốc Anh ấy. Học trò tôi là giáo viên Anh Văn khi quây quần bên tôi đã động-đậy-đôi-môi chê bai phán phê gọi đó là chương trình chỉ để “xé cho hết tiền Nhà Nước” và gọi ông Hùng MA ấy là Thằng Cha Hồn Ma, vì hấp thụ chương trình giảng dạy đầy sinh động chủ động ở Anh Quốc không thể nào có cách dạy bất động thụ động ngồi dính-mông-vào-ghế như thế cả.

Vào một Ngày Nhà Giáo Việt Nam, đài VTV phỏng vấn ông Hồn Ma về kỹ niệm nào tốt đẹp sâu sắc nhất của ông đối với một người “thầy” cũ của mình. Ông Hồn Ma vô tư ngây thơ trả lời rằng ông nhớ mãi các bài dạy tiếng Anh của một vị thầy rất đạo đứctrách nhiệm là “Thầy XYZ”, rằng sự tận tụy ấy được thể hiện qua sự kiên trì của thầy ấy chẳng hạn thầy từ tốn đi qua đi lại suốt gần nửa tiếng đồng hồ để tìm đủ mọi cách giảng giải bằng tiếng Anh cho tới khi trong lớp có người hiểu được ý thầy ấy muốn nói về chữ “family” (gia đình)! Chính Hồn Ma là người có thể giơ tay trả lời “family” đầy kiêu hãnh, được “thầy” khen, nên nhớ thầy suốt đời. Một tên Thạc sĩ Anh Văn vô dụng kính trọng một ông thầy XYZ bất tài mỗi 30 phút dạy xong một chữ tiếng Anh, thảo nào từ Hùng MA Vương Quốc Anh đầy vinh diệu đã bị học trò toàn Cử Nhân Anh Văn của Việt Nam học trò ông Cử Nhân Anh Văn Hoàng Hữu Phước ban cho tên gọi miệt thị Hồn Ma.

Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Chỉ có một nền giáo dục què quặt mới không cho học sinh tiểu học bình giảng về câu tục ngữ bình dân ấy – cùng vô số các câu khác xây dựng nhân cách nhân văn của “măng non” như thố tử hồ bi; nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng; v.v.

Nếu đã được dạy – từ cha mẹ và/hay nhà trường – từ tuổi ấu thơ, người ta phải biết rằng lòng tự trọng cao hơn hết thảy, đến độ dù phận có khổ nghèo vẫn ngẫng cao đầu vì giữ được cả thân thể và tấm lòng trinh bạch sạch trong, dẫu đời có vùi dập rách nát tả tơi vẫn ngẫng cao đầu vì không nhúng chàm tiêu cực để bảo toàn được danh thơm tiếng tốt của mẹ cha tiên tổ. Làm gì có chuyện chỉ phát sóng lên hình những “nhà giáo” khóc lóc vì thu nhập thấp và ước ao được quay về quá khứ để chọn một nghề khác trong khi bản thân chả ai dám nói rõ xem cái nghề khác đó có thể là nghề gì và lương lậu có thể cao bao nhiêu.

Nền giáo dục nước nhà suy vi suy sụp suy kiệt chỉ vì ba tác nhân hủy phá cỡ MOAB (Mẹ Của Các Loại Bom) Mỹ hoặc FOAB (Bố Của Các Loại Bom) Nga sau:

1) Vĩ Mô: Nhà nước thiện nghệ bày ra Ngày Nhà Giáo, rất giỏi tôn vinh chức nghiệp nhà giáo, rất khéo chọn ngôn từ ngợi ca cống hiến của nhà giáo, rất khéo mạnh tay chi tiêu liên tục cải cách giáo dục và gia tăng khủng khiếp ngân sách đào tạo cực nhiều tiến sĩ cho ngành giáo dục quốc gia, và rất khéo kiên trì nhiều thập niên nay liên tục sử dụng nội dung thu nhập thấp của nhà giáo mỗi khi soạn nghị quyết hoặc đăng đàn phát biểu về giáo dục như một mục tiêu mà hậu thế phải giải quyết.

2) Vi Mô: Các nhà giáo “phát tài với nghề giáo” không hề tương thân tương trợ các nhà giáo “khó sống với nghề giáo”; còn các nhà giáo “khó sống với nghề giáo” sẵn sàng trung thực trung trực trung ngôn nói ra hết từ sự thiếu thốn đến sự tiếc nuối đã lỡ dại theo nghề giáo; trong khi đó các nhà giáo “sống được với nghề giáo” lại bị ô danh do lãnh đạo trường giỡ trò bày đủ thứ phí, xin đủ thứ tiền từ phụ huynh; tất cả khiến phụ huynh thì khinh thường nhà giáo nhà trường, còn học trò thì hoặc khinh thường nhà trường nhà giáo hoặc trở nên tinh ranh chọn vào ngành sự phạm cho dễ đậu đại học và có học bổng rồi từ từ tính tiếp. Bản thân nhà giáo không thèm tự biến mình thành cao trọng, còn bản thân phụ huynh phát hiện sức mạnh thần kỳ của tiền bạc nên ra lời miệt thị và ra tay truy sát nhà giáo. [Ghi chú cho rõ, kẽo báo chấy tấn công, rằng: nội dung này là nói về “một bộ phận nhỏ một cách vô nghĩa lý” trong các nhà giáo, mà tiếng Anh cấp độ “cử nhân” lè tè gọi là insignificant nonentity, chứ không phải kiểu “một bộ phận không nhỏ” mà từ lóng tiếng Việt gọi là bự chà bá mà các cán bộ lãnh đạo cấp cao nhất sính dùng.]

3) Trung Mô: Truyền thông thì vừa đăng vừa kiếm có tập trung. Đăng các phát biểu của các lãnh đạo tôn vinh nhà giáo tận mây xanh. Còn trong ba tập thể nhà giáo gồm “các nhà giáo phát tài với nghề giáo”, “các nhà giáo sống được với nghề giáo”, và “các nhà giáo khó sống với nghề giáo” thì chỉ tập trung phỏng vấn người thật việc thật cái gì cũng thật của tập thể thứ ba, khiến toàn xã hội mù tịt trước thực tế có nhiều nhà giáo chỉ với nghề giáo thôi chứ không tham gia chứng khoán, địa ốc, bán buôn bán lẻ bất kỳ thứ gì của sản phẩm hữu hình, là đã có nhà cao cửa rộng sống đời sung túc thậm chí giàu sang. Vì vậy, chẳng ai biết nhờ đâu các nhà giáo ấy trở thành nhà giàu tức nhà giáo giàu, khiến chẳng ai trong tập thể nhà giáo khác học hỏi được kinh nghiệm gì, và tất nhiên học sinh thì không biết hóa ra không chỉ là đời nhà giáo đen tối vật chất mà có cả sự chói lọi chói lòa chói chang của hào quang vật chất đời nhà giáo. Bao giờ truyền thông của Đảng mới thôi chống lại Đảng? Tại sao Đảng bảo phải nêu gương người tốt việc tốt mà truyền thông chẳng bao giờ đưa được gương các nhà giáo nào đã với lòng tự trọng và yêu nghề vượt khó vươn lên bằng chính nghề giáo của mình hoặc bằng nghề phụ để duy trì cho bằng được cả bốn việc vĩ đại của (a) duy trì bám nghề bám lớp, (b) ngẫng cao đầu kiêu hãnh đã có lòng tự trọng, (c) dành được sự tôn kính tôn trọng của học trò và phụ huynh, và (d) trực tiếp góp phần giúp nghề nghiệp của mình được tôn vinh chứ không phải nhờ Nhà nước và truyền thông tôn vinh hộ. Đã kiếm không ra người thì thôi, sao lại chỉ đưa lên mặt báo toàn những nội dung lập lại hàng năm về sự mếu máo của nhà giáo và sự thất bại của Đảng và Nhà nước như thế? Đảng còn dung dưỡng tôn vinh truyền thông như thế vào Ngày Nhà Báo (lại Ngày!) chả phải là cái sự mèo khen mèo dài đuôi rất kỳ lạ lắm ru?

Thêm vào đó, cái mà truyền thông phụ họa cho “sự cao quý” của nhà giáo hóa ra chỉ toàn là đưa ra những tấm gương cụ thể đạo đức con người chứ chưa bao giờ có bất kỳ bài viết hay clip cụ thể nào về đạo đức nhà giáo.

Đạo đức con người – mặc định là ai mà chẳng có thứ đạo đức này cơ chứ – nơi nhà giáo cụ thể nào đó mà nhà báo phỏng vấn như tận tụy dạy học, giúp đỡ học trò có hoàn cảnh tiếp thu học tập khó khăn, v.v. là những nội dung ai cũng dùng để khen tặng nhà giáo.

Đạo đức nhà giáo – mặc định là nhà giáo phải có thứ đạo đức này – thì không bất kỳ tờ báo nào nêu lên được một cái tên cụ thể với những kết quả cụ thể. Khi đã nêu rõ một chức nghiệp thì phải nói trước hết và trên hết về tính chuyên nghiệp. Đạo đức nhà giáo do đó phải mang thuộc tính chuyên nghiệp, bao gồm – song không chỉ giới hạn bởi – bốn nội dung phải có như

(a) giảng dạy phải luôn giỏi và một khi đã chấp nhận công việc phải làm thật tốt công việc;

(b) nghiên cứu không ngừng hoàn thiện chuyên môn bất kể dạy phân môn nào và ở cấp lớp nào để chứng minh bản thân có nhận thức đầy đủ về tính cạnh tranh cao, tính yêu cầu cao của học trò/nhà trường/phụ huynh/xã hội, và tính đào thải cao của nghề nghiệp;

(c) không những đào tạo được những học trò xuất sắc về bộ môn mình giảng dạy mà còn tác động tạo nên được nơi học trò dù xuất sắc hay năng lực học tập chưa đạt vẫn đều có chung tư cách đoan chính như mình, bất kể phân môn mình giảng dạy là gì; và

(d) gián tiếp tạo động lực cho học trò đam mê theo đuổi ngành học của phân môn mình giảng dạy hoặc có hay không có liên quan đến phân môn mình giảng dạy, bất kể sự theo đuổi đó là thuần túy chuyên môn hay trở thành nhà giáo.

Làm clip cụ thể về một nhà giáo cụ thể mà chỉ nêu mỗi hai điều gồm đạo đức con người và khó khăn đời sống, truyền thông đã góp phần tích cực vào sự hạ bệ nghề giáo dưới mắt phụ huynh và trong mắt học sinh như một nghề của vạn kiếp sai lầm, muôn đời cùng khổ.

Nếu một người vỗ ngực tuyên bố người ấy giỏi môn này nhờ học từ thầy này cô nọ, thì kết luận chính xác luôn là: thầy ấy cô ấy là nhà giáo thực sự có đạo đức nhà giáo. Học hành kiểu gì mà ngay cả khi mang danh dù cử nhân/thạc sĩ/tiến sĩ mà cũng chẳng dám mở miệng nói bản thân đã rất giỏi môn gì nhờ thầy cô nào, để qua đó tôn vinh thầy cô của mình, thì rõ mười mươi họ đã chỉ học từ những thầy cô hạng bét và bằng cấp trong tay họ là do hoặc họ tài ba tự học, hoặc có người tài ba thi hộ, hoặc mua được từ một “đại học gà rừng” tài ba làm bằng cấp giống y như thật.

Tôi đã luôn tuyên bố với học trò vào mỗi buổi dạy đầu tiên ở mỗi lớp mới rằng tôi giỏi xuất sắc tiếng Anh nhờ đã được là môn sinh của Thầy Nguyễn Quang Tô ở Trung học Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn/Gia Định, và Cô Trương Tuyết Anh, Thầy Lê Văn Diệm, Cô Nguyễn Thị Dần, cùng Cô Vũ Thị Thu đều ở Đại Học Văn Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, và thường công khai thi thố viết lách thơ văn tiếng Anh với học trò để chứng minh cái “giỏi xuất sắc” đó.

Những người cùng học đại học với tôi và vợ tôi mỗi năm đều tổ chức gặp mặt và đến thăm một cô giáo già yếu tên H. Tôi không bao giờ tham dự họp mặt kiểu ấy vì như đã nêu trong rất nhiều bài viết rằng tôi không bao giờ là “bạn học” của những người thua kém tôi trong học tập. Vợ tôi và tôi không bao giờ đi thăm cô giáo H vì cô là một nhà giáo không nằm trong danh sách những đồng nghiệp của cô là nhà giáo có đạo đức nhà giáo ở Đại Học Văn Khoa mà tôi đã nêu tên ở trên, do cô vừa không có đạo đức nhà giáo vừa không có đạo đức con người.

Những người cùng học Trung Học Petrus Ký & Lê Hồng Phong với em trai tôi mỗi năm đều tổ chức gặp mặt về thăm trường cũ. Em tôi không bao giờ tham gia tham dự vì nó chả thấy ai là nhà giáo có đạo đức nhà giáo tại các lớp nó đã học từ trước 30-4-1975 đến sau 30-4-1975 để mà luyến lưu trường xưa thầy cô cũ.

Những người cùng học Trung Học Thực Nghiệm Sư Phạm với em gái út của tôi mỗi năm đều tổ chức gặp mặt về thăm trường cũ và thầy cô. Em tôi luôn về nước để tham gia tham dự vì có sự luyến lưu trường xưa thầy cô cũ có đạo đức nhà giáo.

Những người cùng học trung học và đại học với con tôi mỗi năm đều tổ chức gặp mặt về thăm các trường cũ. Nó không bao giờ tham gia tham dự vì ngay trong thời gian đi học nó chưa bao giờ gọi sau lưng (tức gọi ở ngôi thứ ba) họ bằng hai chữ “thầy” và “cô” cả, mà bằng hai từ bình dân chỉ giống đực và giống cái, chỉ vì các nhà giáo này đã vòi vĩnh sự đền ơn cụ thể.

Xuất thân nhà giáo, tôi hay “méo mó nghề nghiệp” xem ai cũng là học trò và xem mình lúc nào cũng phải phô bày phô trương phô diễn đạo đức nhà giáo. Tôi đã tạo điều kiện cho các sinh viên nào có tư cách và giỏi tiếng Anh bằng cách nếu họ tự tin gõ cửa xin vào gặp tôi để ngỏ ý muốn xin làm việc bán thời gian kiếm phụ tiền ăn học, tôi phỏng vấn xong là chấp nhận tuyển dụng ngay, chính thức ký hợp đồng với Công ty Dịch Vụ Cơ Quan Nước Ngoài FOSCO, tạo tiền đề cho họ có “quá trình công tác thực thụ trong lý lịch để có thể làm việc với các công ty nước ngoài khác và các ngoại giao đoàn sau khi họ tốt nghiệp, được hưởng lương đầy đủ ngay chứ không hưởng công xá bọt bèo của người làm công nhật và “làm chui”, nhưng tôi cho họ chỉ làm việc một buổi để họ còn đến trường đi học, nhờ vậy tôi có dịp làm việc với những người giỏi như cô thư ký N.T. Vân, cậu trợ lý N.H. An sau này định cư ở Mỹ làm thạc sĩ giảng viên Toán ở cả Mỹ và Canada, và cô trợ lý N.T.Đ.Trang sau này là nữ doanh nhân. N.T.Vân là sinh viên Hóa ở Đại Học Khoa Học, làm thư ký của tôi tại Cimmco International cuối những năm 80 thế kỷ trước. Cô rất xinh và thơ ngây, lúc đó đang học đại học năm thứ 3, xem tôi như bậc trưởng thượng đáng tin cậy đến độ ngay cả khi có trục trặc chậm trể triền miên về….kinh nguyệt cũng đem hàng xấp giấy toa thuốc cùng bịnh án Bịnh Viện Phụ Sản nhờ tôi xem và chỉ bảo cho cô cách khắc phục! N.T.Vân đã gọi một đấng giáo sư tiến sĩ chức sắc cấp cao ở Đại Học Khoa Học là “thằng chả” vì ông ta đã tiếp cận các xí nghiệp, lấy đơn hàng, rồi kêu cô thực hiện nghiên cứu riêng cho ông ta. Sau khi cô hoàn thành, ông ta giao cho các xí nghiệp, bỏ túi thù lao, bảo cô rằng “Thầy sẽ cho em điểm tốt nghiệp cao”, vào thời buổi khó khăn của lịnh cấm vận của Mỹ mà không hề cho cô đồng bạc nào cả. Cô ấy bất kính với ông ta vì thậm chí giáo án cho các buổi dạy tiếp theo, ông ta đưa bản nháp cho cô đem đi đánh máy và in tại đường Lý Thái Tổ gần đấy mà chẳng lần nào đưa cô tiền, ắt do biết cô có tiền lương hậu hĩ do tôi trả hàng tháng chăng (vào thủa lương nhà giáo của tôi là vài chục ngàn đồng thì ngay khi tôi bị cưỡng bách phải rời ngành giáo dục để làm việc cho công ty nước ngoài thì lương của cô tạp vụ tên Nương ở công ty đó đã là 270 USD/tháng, nghĩa là lương của cô Vân tất nhiên cao hơn ít nhất là gấp đôi cô tạp vụ ấy). Còn cậu N.H.An là sinh viên Anh Văn Đại Học Tổng Hợp và cô N.T.Đ.Trang sinh viên Đại Học Kinh Tế thì may mắn thay đã không kể tôi nghe bất kỳ điều gì bất kính đối với thầy/cô của họ cả.

Một cậu khác là chức sắc ở môi trường kinh doanh tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đã thuật với tôi về một giáo sư tiến sĩ lãnh đạo một trường đại học nơi đã ‘đào tạo” ra cậu ấy rằng: “Hồi em sắp tốt nghiệp thì thầy ấy kêu tụi em đến nhà rồi nói nhà thầy còn thiếu máy này, máy này, máy này, còn máy này thì cũ quá cần thay, nên mấy đứa cứ tự phân công đi há, rồi thầy cho tốt nghiệp hết. Em sau đó phải đi mượn nợ để lo phần của em là cái tủ lạnh.” Tôi chọn đoạn này làm phần kết, vì cái cậu hiền hậu nhu mì này vẫn còn rất nhân hậu mì nhu khi dùng “kính ngữ” gọi thằng giáo sư tiến sĩ chức sắc mất dạy đó là “thầy” làm tôi rất cảm động. Cảm động vì một khi đã kể tôi nghe chuyện đau lòng, cậu ta đã vừa tin tôi đúng là người để tâm sự chuyện đắng cay, vừa dùng chữ “thầy” đối với vị tiến sĩ đó là để tỏ lòng kính trọng cái chức nghiệp cũ của tôi và bản thân tôi.

Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2017, tôi chẳng biết gì hơn là đành phải ngậm ngùi lập lại các bài sau đây dành cho nhà giáo và dành cho đội hậu bị của ngành Giáo Dục Việt Nam:

Lời Khuyên Dành Cho Nhà Giáo

Lời Khuyên Dành Cho Học Sinh

Lời Khuyên Dành Cho Du Học Sinh

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Lời Khuyên Dành Cho Học Sinh

Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai

Lời Khuyên Dành Cho Du Học Sinh Việt Nam

Tôi Và Thầy Nguyễn Quang Tô

Tôi Và Cô Trương Tuyết Anh

Tôi Và Thầy Lê Văn Diệm

Both comments and trackbacks are currently closed.