Ý Dân – Cái Sai Của Truyền Thông Và Quốc Hội

Hoàng Hữu Phước, MIB

17-11-2017

KCS (Kiểm tra Chất lượng Sản phẩm) là bộ phận không bao giờ thiếu tại các dây chuyền sản xuất sản phẩm hữu hình của những đơn vị lớn thực và sản xuất sản phẩm thật. Lớn thực có nghĩa là thật lớn. Còn sản phẩm thật có nghĩa đó không là hàng giả, hàng nhái, hàng thịt tạng thối không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chính vì vậy mà một khi không cho cái gì đó là sản phẩm lớn, thật, hữu hình, thì người Việt ta – kể cả cơ quan lập pháp và truyền thông – có thói quen phớt lờ yếu tố chất lượng cao cấp của, cũng như yếu tố “bộ phận KCS” cho, những hàng hóa vô hình.

Những hàng hóa vô hình có thể bao gồm – song không chỉ túm gọn trong mỗi một mớ này – nội dung văn bản, ngôn từ văn bản, hình thức trình bày văn bản, v.v., nhất là khi đó là văn bản pháp luật hay pháp quy của cơ quan lập pháp, và là sự lập lại các nội dung văn bản pháp luật hay pháp quy ấy của cơ quan truyền thông.

Là người cẩn trọng luôn rà soát ngôn ngữ ngôn phong tiếng Việt của các bài viết của chính mình, tôi thường nhờ Cô Lại Thu Trúc làm KCS đọc lại bản thảo để giúp sửa những lỗi chính tả tiếng Việt của tôi nhất là về dấu hỏi dấu ngã. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tôi đã không thực hiện sự nhờ vả đó, nên tất cả các lỗi tiếng Việt – nếu có – trong các bài viết của tôi đều là do sự tắc trách của chính tôi.

Là người cẩn trọng với các bài viết tiếng Anh của họ, rất nhiều tác giả hay nhờ tôi làm KCS rà soát ngôn ngữ ngôn phong tiếng Anh các bài viết ấy để bảo đảm chất lượng và sự chính xác về văn phạm, tu từ, tự loại, ngữ nghĩa tiếng Anh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tôi đã không thực hiện đủ chu đáo kỹ lưỡng để đáp ứng sự nhờ vả đó, nên tất cả các lỗi tiếng Anh nếu còn sót trong các bài viết của họ đều là do sự tắc trách cũng của chính tôi.

Là người duy nhất trên hành tinh này nói về “dấu gạch nối trong tiếng Việt” rồi khẳng định tiếng Việt hiện nay có hình thức tạo từ hoàn toàn sai, tôi cho rằng sự làm ngơ của những người có trách nhiệm xuất phát từ ba lý do sau được xếp theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng hơn như (a) nếu chỉnh sửa lại tất cả thì hóa ra Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng viết sai hay sao, (b) nếu chỉnh sửa lại thì hóa ra tất cả các nhà văn/nhà báo/nhà khoa học/nhà…sử học đều viết sai hay sao, và (c) nếu chỉnh sửa lại thì lấy đâu ra tiền để đài thọ cho việc in ấn lại khối lượng tài liệu ấn phẩm khổng lồ có thể xếp thành thang bậc lên đến tận Hỏa Tinh. Tất cả ba lý do trên đều có thể dễ dàng hóa giải, chẳng hạn lập luận sự sửa sai chỉ thực hiện khi các tác phẩm đó được tái bản chứ các bản in trước đó đều giữ nguyên giá trị tư liệu tham khảo, chẳng hạn lý luận việc sai là do hệ thống bị hỏng do bom đạn chiến tranh khiến chẳng còn ai quan tâm đến văn phạm chứ không phải lãnh tụ và lãnh đạo sai, và bàn luận chẳng hạn cứ đem cân ký bán núi sách chưa đúng ấy ắt có tiền cho núi sách đúng khác, lo gì.

Là người duy nhất tại Quốc Hội Việt Nam đã thẳng thắn phê bình Quốc Hội – và tất cả các cơ quan công quyền kể cả tất cả các trường đại hoc toàn quốc – đã sai trong đánh số thứ tự các điều trong bộ luật/nghị định/công văn/luận án, chẳng hạn đánh số thứ tự đầu dòng không chịu dùng bảng mẫu tự alphabet tiếng Anh cho đúng với toàn thế giới, lại đi dùng a,b,c,d,đ,e,.. vừa quái đản (vì bản tiếng Anh của văn bản đó làm sự tham khảo của người nước ngoài bối rối trước từ lạ “đ”) vừa quái gỡ (vì thất bại khi đã không có bất kỳ ai ở Việt Nam có thể giải thích vì sao các từ lạ sau lại bị kiêng kỵ né tránh không dùng: “ă, â, ê, ô, ơ, ư” làm chữ số thứ tự, v.v.), tôi vẫn phải chịu thua trước việc các thư góp ý của mình đã không bao giờ được Thường Vụ Quốc Hội quan tâm hồi đáp hoặc quan tâm xem xét, nên tôi bắt đầu phó mặc cái sự đời có liên quan đến hữu hình hay vô hình. Và đó là lý do tôi có văn bản đóng góp ý kiến cho Dự Thảo Dự Án Luật Trưng Cầu Ý Dân chứ chẳng còn hứng thú gì tiếp tục vạch lỗi dùng từ sai, đòi phải chỉnh lại thành Dân Ý cho đúng tiếng Việt.

Ý Dân hay Dân Ý?

Chỉ có việc cán bộ tình báo hoặc quần chúng chiến mới đi nắm “dân tình”, chứ không có chuyện họ đi nắm “tình dân”. Tất nhiên sẽ có trường hợp cán bộ đi nắm “dân tình” lại nhận được “tình dân”.

Chỉ có việc cán bộ điệp báo được cài cắm vào vùng địch để nắm “địch tình” chứ chẳng ai được cử đi để túm cổ nắm đầu “tình địch”. Tất nhiên có trường hợp trong lúc luồn sâu đi nắm “địch tình” thì cán bộ điệp báo lại tình cờ gặp phải “tình địch” thời còn đi học.

Chỉ có tồn tại cụm từ “Hồng Quân Liên Xô”, chứ không bao giờ có “Quân Hồng Liên Xô”, dù ở Việt Nam khi ví von về “phe cục cưng” với “phe tốt thí” người Miền Bắc hay dùng thành ngữ “quân xanh, quân đỏ”, mà quân đỏ lợt nhách phai màu có thể hóa thành quân hồng chăng? Ngoài ra, Hồng Quân không là quân đỏ, còn quân đỏ không thể đổi thành Hồng Quân.

Chỉ có những bức “bích họa” (tức tranh vẽ tường) chứ không bao giờ gọi đó là họa bích. Trước 1975, tại các trường học ở Sài Gòn mỗi năm đều có thi đua các lớp làm “bích báo” (tức báo tường) và tất nhiên không ai gọi là báo bích cả. Đã là Hán-Việt tức sử dụng nghiêm trang trọng thị thì phải luôn theo công thức rằng từ chính luôn phải đứng sau.

Dan Ý

Chỉ có Bịnh Viện Phụ Sản chứ không có Viện Bịnh Sản Phụ. Bịnh viện là nhà thương trị bịnh. Viện bịnh ắt là nơi nghiên cứu bịnh chăng, giống với viện sử học hay viện bịnh nhiệt đới. Phụ sản là liên quan đến sức khỏe bịnh lý phụ nữ đặc biệt là liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ, trong khi sản phụ là người phụ nữ đang mang thai hoặc vừa sinh con.

Chỉ có chuyện sinh viên Hoàng Hữu Phước khi tốt nghiệp đại học được sự quan tâm tuyển dụng của cơ quan “tình báo” chứ không phải của cơ quan báo tình.

Để dễ hiểu hơn, có thể tham khảo các đôi từ sau hoàn toàn không đồng nghĩa với nhau dù là Hán-Việt hay thuần Việt: nước nhà và  nhà nước, đại tướngtướng đại, nhi việnviện nhi, v.v và v.v.

Như vậy, chỉ có Trưng Cầu Dân Ý chứ không thể có Trưng Cầu Ý Dân.

Lý do dẫn đến sự nhập nhằng bất minh trong sử dụng ngôn từ tiếng Việt là:

Tuy từ Hán-Việt là từ của Việt Nam, là tài sản ngôn ngữ của riêng chỉ Việt Nam do được thể hiện bằng các thành tố bảng chữ cái Việt Nam và bảng dấu thanh Việt Nam, vẫn có bao kẻ nắm quyền về giáo dục, truyền thông, sai lầm sai quấy cứ cho rằng từ Hán-Việt không là từ tiếng Việt còn việc sử dụng từ Hán-Việt là phạm tội không “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Để lý giải cho sự khác nhau của “dân ý” với “ý dân” cần quan tâm đến các chi tiết sau:

1) Hồng quân là một danh từ riêng bằng chữ Hán-Việt, không là danh từ quân kèm với tính từ màu sắc bổ nghĩa miêu tả màu của cái quân ấy. Đã là riêng thì không được tự ý đổi vị trí trước-sau của từ, mà theo quy luật thì chữ chính phải đứng sau.

2) Bích họa là tên riêng bằng chữ Hán-Việt cho một thể loại hội họa đặc thù. Đã là riêng thì không được tự ý đổi vị trí trước-sau của từ, mà theo quy luật thì chữ chính phải đứng sau.

3) Hai thí dụ trên cũng đồng dạng với các từ dân tìnhđịch tình như được nêu ra ở trên.

4) Dân ý là một danh từ riêng bằng chữ Hán-Việt, không thể tách rời, không là danh từ “ý” kèm với tính từ miêu tả thuộc tính của cái “ý” ấy. Dân ý được tạo ra chỉ để sử dụng riêng cho thành ngữ “trưng cầu dân ý”. Đã là riêng thì không được tự ý đổi vị trí trước-sau của từ, mà theo quy luật thì chữ chính phải đứng sau. “Dân ý” chỉ liên quan đến việc trọng đại của quốc gia, và phải được tổ chức theo quy mô pháp định hoặc hiến định. “Ý dân” là ý kiến của người dân về bất kỳ nội dung gì, được đề đạt bằng thư, bằng nêu câu hỏi chất vấn tại các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi phỏng vấn. Dân ý mang nội hàm mặc định phải của số đông và có giá trị quyết định nhất định đối với nhà cầm quyền. Ý dân hoàn toàn không mặc định phải mang nội hàm của số đông, không mặc định phải có giá trị quyết định, nhưng được mặc định chỉ có giá trị tham khảo hoặc xem xét cho ý kiến của nhà cầm quyền.

Dân ý lẽ ra phải được viết là dân-ý với dấu gạch nối do là một, là riêng biệt, giống như dân tình, dân vận. Còn ý dân thì mãi vẫn là ý dân không-dấu-gạch-nối , giống như ý anh, ý em, ý chúng ta, hay ý mọi người, ý cá nhân, v.v. vậy.

Nói tóm lại, Trưng Cầu Ý Dân hoàn toàn sai tiếng Việt. Điều đáng mừng là trong rất nhiều bản tin thời sự của rất nhiều đài truyền hình thì cụm từ Trưng Cầu Dân Ý đã được sử dụng thường xuyên hơn Trưng Cầu Ý Dân, và nếu sự sử dụng ấy là sự lỡ lời theo thói quen thì đó là sự lỡ lời đáng yêu về tính chuẩn xác của ngôn từ tiếng Việt vậy.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt Cho Thời Kỹ Thuật Số: Hồi Ức Về Một Sự Thật Chẳng Còn Người Việt Nam Nào Trên Thế Giới Còn Nhớ Hay Biết Đến 19-10-2009

Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Góp Ý Cho Dự Thảo “Luật Trưng Cầu Ý Dân”  14-11-2015

Lại Thu Trúc  22-12-2015

Both comments and trackbacks are currently closed.