Sự Cố Luật Hình Sự

Những Góp Ý Viết Trên Giường Bệnh

Hoàng Hữu Phước, Nghị sĩ đương nhiệm Quốc Hội Khóa XIII

28-6-2016

Năm 2015 là năm tôi không thể dự kỳ họp thứ 9 của Quốc Hội do phải nằm viện trị bệnh với cơ man nào là dây truyền dịch, truyền máu, và truyền dưỡng chất; và cũng không thể dự kỳ họp thứ 10 của Quốc Hội do trùng với thời gian tôi phải dưỡng bệnh và luyện tập phục hồi chức năng. Song, chỉ vào lúc dưỡng bệnh tôi mới được cho phép làm việc với máy vi tính để dù không trực tiếp có mặt tại nghị trường Quốc Hội tôi vẫn có thể nghiên cứu các dự án luật do Quốc Hội gởi đến và ngồi đánh máy các bản góp ý để gởi qua email đến các lãnh đạo Quốc Hội.

Như tôi đã nêu trong nhiều bài trước trong chủ đề “Quốc Hội” và “Luật Pháp”, quy trình làm luật tại Việt Nam cực kỳ tốn kém về tiền bạc và thời gian, qua nhiều  khâu trong đó cần lưu ý các điểm chính sau qua thí dụ hoạt động của Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh:

1- Cơ quan chức năng được phân công – thường là các Bộ-Ban-Ngành – soạn dự thảo dự án luật trình các ủy ban chuyên trách của Quốc Hội nghiên cứu báo cáo Thường vụ Quốc Hội.

2- Dự thảo được in ra bản giấy gởi đến tất cả các văn phòng các Đoàn Đại Biểu Quốc Hội khắp các tỉnh thành. Văn phòng Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh in ra hàng trăm bộ gởi tất cả các đại biểu trong đoàn, các cơ quan Hội Đồng Nhân Dân/Ủy Ban Nhân Dân/Sở/Ban/Ngành/Mặt Trận/Hội Luật Gia/Hội Chuyên Ngành tại địa phương để lấy ý kiến – thậm chí có cả trường hợp gởi đến từng phường xã để lấy ý kiến “người dân”. Tất nhiên có sự mặc định rằng các nơi nhận được dự thảo sẽ có họp lấy ý kiến để đúc kết thành văn bản gởi cơ quan quản lý hàng dọc cấp trên trực tiếp. Ngay cả khi sự “mặc định” ấy có là “giả định” thì tổng số tiền bỏ ra cho các hoạt động thật sâu thật sát thật “thiên la địa võng” ấy không bao giờ không nhiều hơn 8 chữ số.

3- Văn phòng Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp tại Đoàn với thành phần tham dự gồm Đại Biểu Quốc Hội của Đoàn (thường mỗi buổi họp về luật chỉ có từ 1 đến 3 người trong tổng số 30 đại biểu của đoàn đến dự), đại diện các cơ quan/sở/ban/ngành/mặt trận/quận-huyện của Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây tất cả các người dự họp lại được cung cấp bản in giấy các dự án luật, lại thay nhau phát biểu, và Văn phòng Đoàn sẽ đúc kết để gởi ra Thường Vụ Quốc Hội.

4- Văn phòng Quốc Hội tổng hợp các ý kiến gởi về từ toàn quốc, ủy ban chuyên trách của Quốc Hội nghiên cứu phản biện, thường vụ Quốc hội chuẩn y để Văn phòng Quốc Hội in ra hơn 500 bộ để phát cho các Đại Biểu Quốc Hội về Hà Nội dự kỳ họp Quốc Hội (mỗi năm có 2 kỳ họp). Tại kỳ họp, các Đại Biểu Quốc Hội họp tại Tổ, thảo luận tại Tổ, và Tổ đúc kết thành văn bản gởi Thường Vụ. Trên cơ sở phản biện của các ủy ban chuyên trách, Thường Vụ cho phép in ra hơn 500 bộ đã có bổ sung chỉnh lý để các đại biểu nghiên cứu tiếp rồi phát biểu góp ý thêm tại hội trường có hoặc không có trực tiếp truyền hình.

5- Đúc kết các góp ý tại hội trường nêu trên, sau khi kết thúc kỳ họp các đoàn trở về địa phương, Văn phòng Quốc Hội in gởi các bản dự thảo đã chỉnh lý theo các “đúc kết” cho các Đoàn Đại Biểu Quốc Hội các tỉnh thành trên toàn quốc phục vụ việc tổ chức lấy ý kiến lần 2. Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức y nội dung số 2 nêu trên với các việc in ấn, gởi dự thảo mới, họp tại văn phòng đoàn với cũng bấy nhiêu thành phần tham dự, và gởi biên bản họp cho Thường Vụ.

6- Nội dung như ở mục số 4 nêu trên lại được thực hiện y hệt, chỉ có thêm một điều là sau khi các đại biểu phát biểu góp ý thêm tại hội trường có hoặc không có trực tiếp truyền hình thì sẽ có việc biểu quyết thông qua dự án luật (cùng nhiều dự án luật khác mà mỗi dự án luật đều theo chính xác 6 mục ghi như trên) trước khi bế mạc kỳ họp.

Như vậy, tại sao với quy trình tối thiểu như trên với tiêu tốn tối đa chất xám, tối đa tiền của, tối đa thời gian, và tối đa uy tín của chính Quốc Hội, vẫn có những bộ Luật được ban hành thay vì “applicable” tức thực hiện thực thi thực tế được ít nhất là 5 hay 10 năm lại phải được khẩn cấp sửa sai sau khi ban hành nhưng chưa đến ngày bắt đầu có hiệu lực? Ai cũng biết khi còn là đứa trẻ thì sự lớn nhanh của cơ thể luôn dẫn đến sự cần thiết phải thay đổi trang phục hàng năm, còn khi đã qua tuổi trưởng thành thì chỉ có bia rượu và sự phàm ăn mới làm người đàn ông có chiếc bụng bự hơn để cần có trang phục đo mới để ôm được khít chiếc bụng ấy. Cũng vậy, đối với một Việt Nam son trẻ thì sự cập nhật nhanh chóng các luật là điều dễ hiểu. Song, (a) uy tín quốc gia cùng với (b) sự khẳng định quốc gia đã có được “nền kinh tế thị trường” để tự sánh mình ngang hàng với bốn bể năm châu trong sân chơi thương mại toàn cầu hóa thì không thể tha thứ cho việc có sự cố lập đi lập lại trong công tác xây dựng pháp luật ở Quốc Hội Việt Nam, đòi hỏi nhất thiết phải có một cá nhân, nhiều hơn một cá nhân, hoặc một tập thể ủy ban hay cả tập thể Quốc Hội phải được nêu đích danh để phải chịu trách nhiệm trước các tắc trách mang tính làm nhục quốc thể này.

Nha sĩ không phải là người chế tạo ra máy chữa răng hay chất liệu xi-măng trám răng hoặc chất liệu làm răng giả hoặc thuốc tê nhổ răng. Nha sĩ sử dụng tất cả những thứ sẵn có ấy để hành nghề phục vụ khách hàng cho một kế sinh nhai.

Phi công không phải là người chế tạo máy bay dân dụng mà chỉ sử dụng máy bay  sẵn có để hành nghề phục vụ hành khách cho một kế sinh nhai.

Thầy giáo không phải là người tạo ra Truyện Kiều hay các định đề toán học mà chỉ dùng các công trình sẵn có ấy để hành nghề phục vụ khách hàng tức học trò cho một kế sinh nhai.

Luật sư không phải là người tạo ra các đạo luật mà chỉ sử dụng các luật đã được ban hành để hành nghề phục vụ thân chủ cho một kế sinh nhai.

Quốc Hội là cơ quan lập pháp, và – như tôi đã chia sẻ trong nhiều bài viết trước đây với chứng minh cụ thể về sụ hình thành Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ – sẽ là điều ấu trỉ nếu mặc định rằng các luật sư nên được bầu vào Quốc Hội Việt Nam để bảo đảm Việt Nam có Bản Hiến Pháp tuyệt vời và các bộ Luật không sai sót.

Đối với Bộ Luật Hình Sự 2015, tôi đã có thư góp ý viết trên giường bịnh gởi lãnh đạo Quốc Hội như đã đăng tải trên blog này. Trong thư ấy, tôi đã loại bỏ bớt một nội dung quan trọng vì cho rằng một mình tôi không thể chõi lại tập thể hơn 450 nghị sĩ khác, đó là về việc Luật Hình Sự đã nêu quá chi tiết về số tiền phạt như 50 triệu hay 100 triệu, vì rằng (a) bản thân các con số ấy hoàn toàn không có tính răn đe, rằng (b) khi có khủng hoảng tiền tệ khiến đồng tiền mất giá thì số tiền phạt theo luật định ấy có khi chỉ còn bằng giá trị một chiếc xích lô đạp; rằng (c) sao không sử dụng tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị phạm tội hay tổng thiệt hại để ấn định mức phạt tiền trong Luật Hình Sự – thí dụ như 50% hoặc 70% chẳng hạn; rằng (d) việc ấn định số tiền phạt thấp cho tội hiếp dâm rất lố bịch, phi thực tế; và rằng (e) sao không quy định đối với tội tham nhũng/hối lộ thì hình phạt phải là tịch thu 100% số tiền tham nhũng/hối lộ nộp vào công quỹ, cộng với số tiền bằng số 100% ấy làm tiền phạt, cộng với số tiền bằng số 100% ấy làm tiền thưởng cho cá nhân/tập thể có công phát hiện/tố cáo tham nhũng/hối lộ; v.v. Luật Hình Sự mà ỏn ẻn thì làm sao mà giảm được các trọng án và làm sao mà trừ tuyệt được tham nhũng/hối lộ cơ chứ.

HHP Poem (6)

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo: những góp ý của Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước đã viết trên giường bệnh đối với các dự thảo dự án luật trong năm 2015:

Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Góp Ý Cho Dự Thảo “Luật Hình Sự” Ngày 14-10-2015. https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/10/14/nghi-si-hoang-huu-phuoc-gop-y-cho-du-thao-luat-hinh-su/

Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Góp Ý Cho Dự Thảo “Luật Báo Chí (Sửa Đổi)”  Ngày 18-10-2015

Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Góp Ý Cho Dự Thảo “Luật Bảo Vệ, Chăm Sóc, Và Giáo Dục Trẻ Em (Sửa Đổi)”  Ngày 18-10-2015

Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Góp Ý Cho Dự Thảo “Luật Trưng Cầu Ý Dân”  Ngày  14-11-2015

Both comments and trackbacks are currently closed.