Tin Tặc Tàu Tấn Công Website Việt: Đẳng Cấp Thấp Của Aitee Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB

30-7-2016

Bắt chước thói “giật tít câu view” của báo giới, tôi chọn tựa như trên cho sặc mùi thời thượng. Song, bài này là để đăng lại những bài blog tôi viết năm 2009 cùng những ý kiến tôi công khai phản bác – dù với số lượng thính giả không lên tới số ngàn – về các vấn đề “thời thượng” của từng thời mà lúc đó là về cái gọi là “phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam. Tất nhiên, đối với những gì tôi phản bác (không phải “phản biện” vì “phản biện” là một hình thái khác của “đồng tình”) thì về sau đều diễn ra y như cái “thấu thị” của tôi. Chẳng hạn tôi phản đối sự bãi bỏ án tử hình đối với các tội danh đã từng đưa Tổng Giám Đốc Phạm Huy Phước của Tamexco ra pháp trường do lấy tiền nhà nước qua Macau đánh bạc và lấy xe xịn của công ty tặng một cô nàng diễn viên điện ảnh, và sự thể là sau đó ngày càng có nhiều tên tổng giám đốc ở khu vực nhà nước ngang nhiên làm thất thoát số tiền nhiều gấp tỷ lần số của vụ Phạm Huy Phước. Chẳng hạn tôi phản đối cái sự nhanh nhảu chộp ngay cái mới như đối với sản xuất chai PET (để rồi xây xong các nhà máy to đùng mới biết PET thì không thể tái chế và chai PET chôn lấp 10.000 năm mới phân hủy vào tự nhiên) hay sản xuất “xăng sinh học” ethanol (để rồi xây xong các nhà máy tỷ đô mới biết xăng ấy không ai muốn xài và cũng chẳng xuất khẩu gì được nên sẽ để đó làm kỳ quan kim tự tháp cho ngàn năm sau), v.v. và v.v.

Trở lại vấn đề công nghệ thông tin (gọi tắt là IT hay Aitee). Như đã có đôi lần nêu trong vài bài viết nào đó trên wordpress.com này, tôi đã tích cực phản đối sự nhanh nhảu đầu tư vào aitee, dù sự phản đối ấy của tôi chỉ được thể hiện qua các cuộc nói chuyện với tập thể đại lý và nhân viên hay ứng viên tuyển dụng, nhất là tại khu vực các tỉnh miền Tây với hy vọng làm các ông cha bà mẹ hãy khoan đầu tư cho con mình theo đuổi “đại học aitee” hoặc cho đi du học “đại học aitee”. Lý do phản bác của tôi rất đơn giản – như chưa từng bao giờ phức tạp – là (a) người Việt học aitee để làm giám đốc kinh doanh hàng điện tử, (b) người Việt học aitee phải ở cấp đại học trong khi aitee là ngành hand-on chỉ cần đôi ba tháng là xong chứ làm gì có cấp cử nhân hay thạc sĩ đúng nghĩa, (c) người Việt học để sung sướng chứ không chịu làm “thợ” dù từ chính xác là “chuyên viên kỹ thuật” đầy vinh diệu, và (d) người Việt học aitee không với khả năng sáng tạo nghiêm túc hướng đến y học-sinh học-quân sự-vũ trụ vĩ đại cao siêu mà chỉ nhằm đến viết game hay viết phần mềm quản trị linh tinh tạp nhạp.

Nhân có sự tấn công của hacker Tàu đối với các trang web Việt Nam mà mới đây là hệ thống bảng tin của các sân bay Việt Nam, cho thấy aitee Việt Nam hoàn toàn thất bại vì không những dù đã tập trung phát triển 20 năm qua Việt Nam vẫn (a) thiếu nguồn nhân lực cho các đại gia Aitee nước ngoài vào Việt Nam xây dựng các nhà máy tỷ đô, (b) không ngăn chặn được sự tấn công của các hacker đối với các hệ thống an ninh an toàn cấp nhà nước Việt Nam; tôi xin giới thiệu cụm bài đã đăng trên Emotino.com năm 2009 mang chủ đề Aitee Việt Nam: Tìm Một Lối Đi Đúng Tầm Nội Lực dưới đây để các bạn tham khảo:

Aitee Việt Nam: Tìm Một Lối Đi Đúng Tầm Nội Lực

Bài 1: Từ Hải Chết Đứng Trên Sân Nhà: Bảo Việt Nhân Thọ & Bravura Solutions (08-3-2009)

Bài 2: Phần Mềm Anti-Virus của BKAV (30-3-2009)

Bài 3: Điện Ảnh: Mỏ Vàng Lộ Thiên Chưa Dấu Chân Người (21-4-2009)

Bài 4: Cách Trở Thánh Sticker Không Thể Thiếu Bên Cạnh Windows và Intel Trên Tất Cả Các Laptop

Bài Viết số 1

Từ Hải Chết Đứng Trên Sân Nhà:

Bảo Việt Nhân Thọ & Bravura Solutions

(http://www.emotino.com/m.php?u=hoanghuuphuoc&p=17550)

08-3-2009

Trên Emotino ngày 28/9/2008 (một ngày trước khi Yahoo! Mash bị khai tử y như bài Messy Mash tức Mash Lỗn Nha Lỗn Nhỗn tôi viết bằng tiếng Anh ngày 06/12/2007 trên blog cá nhân http://uk.360.yahoo.com/hoanghuuphuoc tức cách đó 10 tháng) tôi có viết bài Câu Chuyện Có Thật Về Một Nhân Tài Việt Nam Quản Trị Công Nghệ Thông Tin bằng tiếng Việt (về một bạn trẻ tôi đã giúp đỡ từ ngày đầu tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa để trở thành ngôi sao quản trị aitee dù chưa hề kinh qua công tác cụ thể ở cấp nhân viên hay cấp điều hành bao giờ), trong đó khẳng định con đường aitee (công nghệ thông tin) mà Việt Nam đang tiến bước “sẽ không bao giờ chiếm lĩnh thị trường aitee hay một thị phần lớn bất kỳ về aitee, vì Việt Nam chỉ có thể ở trong chuỗi làm thuê gia công, thậm chí ở mức thấp của các đẳng cấp gia công” vì rằng “thế mạnh là sản xuất lớn, mang tính cách mạng, cỡ Microsoft, Apple, Acer hay IBM, chứ không phải ở chỗ thực hiện các đơn hàng gia công riêng lẻ và nhỏ của nước ngoài.” Việc Công ty Bảo Việt Nhân Thọ trong tháng 02 này ký hợp đồng trong một buổi lễ long trọng và hoành tráng mua gói phần mềm quản lý sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thế hệ mới trị giá 4 triệu đô-la Mỹ của nhà cung cấp các phần mềm quản lý tài sản và các dịch vụ chuyên nghiệp Bravura Solutions đã góp phần khẳng định các nhận xét của tôi là đúng khi liên hệ đến chiến lược phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Phát triển aitee ở Việt Nam trong hơn mười năm qua chỉ được thấy rõ nét nhất qua sự đầu tư cực kỳ phí phạm và không tác dụng những số tiền khổng lồ xây dựng các phòng học aitee tại các trường trung học với toàn những desktop thế hệ cũ, sử dụng hệ điều hành ì ạch và phần mềm chắc chắn là khó thuộc loại bản quyền chính hãng, còn học vi tính đích thị là cưỡi ngựa xem hoa, và việc sử dụng internet tại trường học vẫn là chuyện xảy ra trong giấc ngủ, trong khi khoa học aitee tiến như vũ bảo vượt xa mất hút ở vô số các khúc quanh thiên lý. Đó là chưa kể sự hỏng hóc xuống cấp nhanh chóng của máy vi tính tại các trường học và thực tế đa số các con chuột máy tính bị học sinh niềm hy vọng cho tương lai tổ quốc khui đáy lấy mất bi.

Phát triển aitee ở Việt Nam trong hai mươi năm qua còn được thấy rõ nét nhất qua số lượng đông đảo các công ty aitee làm dịch vụ cung ứng máy con, máy chủ, đi mạng LAN, v.v., với vài chục doanh nghiệp làm dịch vụ viết phần mềm, đa số là về quản trị hành chánh nhân sự, giống nhau ở điểm mạnh ai nấy phát triển “bửu bối” và mạnh ai nấy tiếp cận khách hàng với chiếc laptop trình bày phần mềm quản lý mà đa số người xem không sẵn lòng mua hoặc có nhận xét là phần mềm vẫn chưa đủ sức quán xuyến cao các quản lý thực tế đan xen phức tạp chồng chéo, nhất là chưa kết gắn với các biểu mẫu pháp quy thực tế.

Phát triển aitee ở Việt Nam trong dăm ba năm qua có thể thấy được sự phấn khích ở các dự báo năm 2009 các công ty nước ngoài có thể cần đến 70.000 lao động là chuyên viên aitee, dẫn đến sự háo hức cho ra những kế hoạch đào tạo aitee, mừng vui đến độ có người lỡ lời cho rằng thu nhập của lao động aitee sẽ từ cao đến rất cao tạo nguồn thu thuế rất đáng kể mà không biết rằng tính chính xác chưa bao giờ là ưu điểm của các dự báo ở Việt Nam; rằng đào tạo cao cấp về aitee để cung cấp công nhân cho các công ty nước ngoài mà khủng hoảng kinh tế có thể ngăn cản họ đến Việt Nam thực hiện dự án hoành tráng hoặc thúc bách họ nhanh chân rời khỏi Việt Nam hoặc dừng lại trước ngưỡng cửa rộng mở chào đón của Việt Nam; mà chung quy lại cũng đơn thuần du kích (đào tạo người cung ứng khi nào giới chủ gia công lắp ráp “hê” lên rằng sẽ có nhu cầu) chứ chẳng phải chiến lược tầm cao (phát triển công nghệ thông tin để có những sản phẩm giá trị cao thuộc lĩnh vực nào của nền kinh tế quốc dân, giúp định vị Việt Nam trên bản đồ aitee thế giới).

Với thế mạnh vô song do thời thế đem lại, có đại gia aitee đưa đoàn quân tinh nhuệ ra nước ngoài làm lính lê dương chờ khách hàng mướn chế tác hay gia công phần mềm, chứ không với tầm và uy những người đi chinh phạt hay chinh phục Tân Thế Giới. Chẳng một ai có bất kỳ một sản phẩm đẳng cấp quốc tế nào để thiên hạ phải tìm đến mua giành mua giật. Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) vào Việt Nam hai thập kỷ qua, và các công ty BHNT nước ngoài vẫn phải mua phần mềm quản trị kinh doanh từ ngoài vào Việt Nam để sử dụng phục vụ cho hoạt động kinh doanh-nhân sự-tài chính-phát triển đội ngũ cực kỳ phức tạp của họ. Và công ty Anh Quốc Bravura Solutions đã được Bảo Việt chọn mua sản phẩm của họ vì đó là công ty có hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển hệ thống quản lý cho các định chế tài chính tại Anh Quốc, Úc, Tân Tây Lan, Châu Âu, Châu Á, và Nam Phi, với các sản phẩm phần mềm quản lý chuyên ngành phức tạp về đầu tư, quản lý danh mục đầu tư, bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí, chứng khoán, liên kết đầu tư, ngân hàng và thuế vụ, v.v. Mua sản phẩm của Bravura, Bảo Việt làm an lòng khách hàng, vì rằng một sai sót trầm trọng bất kỳ của hệ thống aitee trong hoạt động tài chính cũng sẽ gây thiệt hại cho khách hàng và chôn vùi tên tuổi công ty. Mua sản phẩm của Bravura, Bảo Việt gián tiếp gởi một thông điệp khúc chiết, rõ ràng : Việt Nam chưa có những sản phẩm aitee đẳng cấp cao, có uy tín xác lập qua thời gian dài và lượng khách hàng đông.

Vì vậy, aitee Việt Nam chết đứng ở sân nhà như Từ Hải, khác chăng là Từ Hải cao vời vợi vì đã là đại gia hảo hán khuấy nước chọc trời. Còn Bravura Solutions đường đường chính chính oai vệ hiên ngang tiến vào Việt Nam lã lướt điệu nghệ ghi tên Bảo Việt vào danh sách vàng những đại gia trở thành khách hàng vĩnh viễn của họ, chứ nào phải gã quan tép riu Tôn Hiến dụ khị ả Kiều.

Chừng nào vẫn còn khí thế khoe khoang tưng bừng về doanh số có được từ gia công phần mềm vốn luôn trên cơ sở giá rẻ, chừng ấy Việt Nam vẫn sẽ còn ì ạch trên lối xưa xe ngựa hồn thu thảo bên dưới vòm bê-tông cốt thép con đường siêu tốc của aitee.

Bài Viết Số 2

Phần Mềm Anti-Virus Của BKAV

http://www.emotino.com/bai-viet/17600/aitee-it-viet-nam-tim-mot-loi-di-dung-tam-noi-luc-bai-2-phan-mem-antivirus-cua-bkav

30-3-2009

Thời gian hai mươi năm đầu kể từ ngày giải phóng tính tới sau, mỗi khi nghe mẹ ruột của con trai ruột của tôi nói “rằng” đã nghe ai đó nói “rằng” xe máy Honda DD đỏ của Singapore sản xuất rất … tốt rồi khuyên tôi nên sắm một chiếc đi cho … tốt, tôi luôn gạt phăng “rằng” xe đó không thể nào tốt, đơn giản vì liên tục nhiều năm chả thấy mấy anh Honda Singapore cải tiến cho ra model mới nào cả, và kết luận hùng hồn “rằng” công nghiệp xe máy hai bánh của Singapore lạc hậu. Mãi sau này vợ tôi nói tôi sáng suốt tiên tri thấu thị, chứ lúc đầu thì cứ cho là tôi bảo thủ, cực đoan, bài ngoại, chỉ muốn o bế chiếc mô-tô Voskhod hai ống pô nổ dũng mãnh đinh tai nhức óc của Liên Xô mà em trai tôi du học bên ấy mua gởi về tặng năm 1987.

Thời gian cách nay năm năm kể từ năm 2009 ngược về trước, khi thấy mấy anh sản xuất handphone tức điện thoại di động (tôi luôn nói đầy đủ chữ là “điện thoại di động”, không bao giờ dùng chữ “dế”, vì đó là slang, tức tiếng lóng, không thể thích hợp cho những người như tôi: đứng đắn, sang trọng, quý tộc Ăng-lê yêu thích sự nghiêm túc của ngôn từ) cho ra mẫu mã mới liên tục, tôi phán với mấy đứa em của tôi  – trong đó có cô em út là Marketing Manager chuyên nghiệp của vài công ty nước ngoài – “rằng” mấy ảnh đang “phỉ báng khách hàng” và sẽ nhanh chóng làm giá handphone rớt thê thảm. Bây giờ mấy đứa em tôi nói tôi rất chí lý, chứ lúc đầu thì hồ nghi ông anh mình có dấu hiệu sắp về hưu.

Nói chung thì đối với một sản phẩm đặc thù của ngành Aitee đừng nên nhiều năm ròng không đổi mẫu mã hay cắm đầu mỗi năm tung ra tràn ngập các mẫu mã. Phần mềm diệt virus BKAV danh tiếng của Việt Nam lại rơi vào trường hợp thứ nhất khi từ năm 1995 đến nay vẫn giữ giao diện gần như không đổi nội dung. Không thể nói BKAV hay hơn các phần mềm diệt virus của nước ngoài như Norton, McAfee, Kaspersky, hay PC Tools, v.v. Nếu đại gia Bảo Việt đã cho thế giới thấy họ chưa hề đọc quyển Cổ Học Tinh Hoa in bằng tiếng Việt chính thức ở Việt Nam nên mới cho ra slogan thiển cận “Bảo Hiểm Bảo Việt Bảo Vệ Lợi Ích Người Việt” như một cách tuyên bố hùng hồn kiểu chém đinh chặt sắt và bế quan tỏa cảng hay kỳ thị chủng tộc rằng mấy anh nước ngoài hãy xéo đi chỗ khác mà mua bảo hiểm, thì chắc BKAV sẽ chẳng dại gì tuyên bố BKAV bảo vệ máy tính người Việt. Nhưng nếu có tầm nhìn ra thế giới, BKAV nhất thiết phải có sự khác biệt ở nội dung và hình thức mới có thể nâng sản phẩm ngang tầm quốc tế và có giá trị thương mại cao.

Thế nhưng, từ dạng phục vụ miễn phí trong thời gian đầu, BKAV tiến đến thương mại hóa sản phẩm của mình không theo bài bản phát triển thương hiệu chuyên nghiệp. Tất nhiên, thương mại hóa sản phẩm là điều đúng, nhất là BKAV còn có phiên bản BKAV-Home miễn phí dành cho mọi người. Song, hai yếu điểm chết người của BKAV là (1) nếu tải về phiên bản BKAV-Home, người sử dụng phải thường xuyên vào trang web của BKAV để tải các cập nhật nếu không muốn bị virus mới xuất hiện tấn công, và (2) cho phép người sử dụng tùy thích xóa sạch các macros, mà đây là điều khiến nhiều người có hiểu biết về aitee ở Việt Nam cho rằng sử dụng BKAV quá nguy hiểm vì có những macros cần thiết cho hoạt động nội vi mà nếu BKAV “không biết” hoặc do người sử dụng vô ý – hoặc vì không hiểu biết – click chọn để “diệt” thì ắt “diệt” luôn hoạt động của máy vi tính, chẳng khác nào hiệu ứng trụ sinh gây rối loạn tiêu hóa do tiêu diệt sạch bất cứ gì mang tên vi khuẩn. Rất có thể hiện BKAV đã đạt trình độ tìm và diệt chỉ các macros không nên có, nhưng thông tin này chưa thấy được nêu trên trang web của BKAV.

Screen Shot 07-30-16 at 02.39 PM

Trong khi đó, phần mềm diệt virus như của AVG chẳng hạn lại rất công phu, tất nhiên có cả phiên bản miễn phí và có phí. Hàng năm AVG cho ra phiên bản mới với nội dung dồi dào hơn và giao diện đẹp hơn. Nếu phiên bản miễn phí của năm 2005, 2006, và 2007 vẫn còn “thông báo” đã có các cập nhật mới (updates) qua icon có màu đen sì sì hàm ý đề nghị người sử dụng ấn phím chấp nhận tải về để icon có đủ 4 màu sặc sở thì năm 2008 đã tự động hóa các cập nhật, cứ mở máy vào internet là AVG thầm lặng cập nhật, đồng thời gia tăng phạm vi bảo vệ như hình minh họa dưới đây của phiên bản 8.0, bao gồm diệt virus, diệt phần mềm gián điệp, scan email, scan links, và bảo vệ nội vi. Chỉ cần tải về sử dụng là hầu như chẳng cần phải cho chạy quét gì cả vì phần mềm tự động tìm và diệt, để rồi sau đó mỗi khi một dĩa hay một USB được tra vào máy là phần mềm tự động tìm và thông báo tên tuổi virus hay kẻ thâm nhập đã bị tóm gáy, giúp người sử dụng không nhất thiết phải quét virus trước khi mở dĩa hay USB ra. Trong tuần này của tháng 3 năm 2009, AVG lại có phiên bản 8.5. đúng kiểu của công ty chuyên nghiệp. Việc “chào giá” của AVG chỉ là cho sản phẩm bảo vệ internet hoặc sản phẩm diệt virus có thêm chức năng bảo vệ web và anti-rootkit mà phiên bản miễn phí không có.

Một nữ doanh chủ trẻ của một công ty trách nhiệm hữu hạn đã gởi tặng tôi một laptop mới tinh của Nhật Bản khi thấy tôi sống y hệt Warren Buffett tức yêu … cổ vật, không mua sắm cái không cần thiết, nghĩa là cứ xài hoài hai cái laptop IBM thời Kỷ Băng Hà và Acer thời Kỷ Jurassic của khủng long bạo chúa. Các phần mềm cô đều mua dạng có bản quyền để gia tăng giá trị quà tặng và tấm chân tình của lòng ái mộ. Nhưng sau hai tháng sử dụng, tôi đã tự gở bỏ phần mềm diệt virus “có bản quyền” BitDefender 10 vì quá chán sự … “hỗn hào” của nó khi mỗi lần tự vặn vẹo mình mẩy cập nhật nó làm trẹo trật xương cốt luôn cả hệ thống, nghĩa là coi như tôi không thể làm việc nhanh như ý được nữa. Do đã dùng và có kinh nghiệm sử dụng phiên bản BKAV Pro (bản có tính phí), BKAV-Home (bản không tính phí), và AVG (bản không tính phí), tôi quyết định tải lại AVG để sử dụng cho laptop cá nhân và desktop gia dụng, với ý nghĩ đã thực sự hài lòng về AVG và chuyện mua bản có tính phí của AVG (rất rẻ, chưa đến 50 USD) chỉ là chuyện của thời gian, khi quy mô hoạt động bên ngoài gia đình và không phải cá nhân cần phải có phiên bản nhiều chức năng hơn để bảo vệ hệ thống nhiều máy.

BKAV chỉ thực sự “bảo vệ” người sử dụng nếu như học theo AVG hay PC Tools, nghĩa là phiên bản miễn phí có luôn phần tự động update, đừng để người sử dụng Việt Nam của sản phẩm BKAV-Home trở thành nạn nhân của virus chỉ vì một ngày xui xẻo nào đó quên hoặc không thể vào internet tải các cập nhật. Một vài máy gia dụng cá nhân ở Việt Nam nếu bị virus tấn công có thể dẫn đến sự lây lan toàn quốc, gây nguy hại đến hệ thống thông tin liên lạc quốc gia và khu vực, mà như vậy sẽ có tổn thất cực kỳ to lớn và nghiêm trọng. Nếu vẫn không muốn nâng cấp BKAV-Home để thực sự bảo vệ người-sử-dụng-Việt với lý tưởng cao đẹp vì đất nước, BKAV nên loại bỏ BKAV-Home và chỉ tập trung bán sản phẩm BKAV-Pro. Song, cần nhớ là khi Mercedes hay Ford cho khách hàng lái thử (tức lái miễn phí), họ để khách hàng lái thực với xe thực với tiện nghi đầy đủ của một chiếc xe thực thụ chào bán; khác chăng là khách hàng đừng có hút thuốc trong xe, đừng vất vào trong xe mấy con cá thu đang giảy đành đạch cùng với mắm tôm và chục quả sầu riêng, và đừng lái từ Thành phố Hồ Chí Minh chạy tuốt ra Hà Nội, hay chạy húc vô lô-cốt hoặc tráo lốp xe, v.v.  Khách hàng tiềm năng sẽ trở thành khách hàng thực thụ khi kinh qua việc sử dụng “miễn phí” như thế. Với BKAV-Home, khách hàng tiềm năng sẽ có nhiều thiện cảm hơn để biến thành khách hàng thực thụ nếu thấy có (1) sự “đầu tư” và “động não” thực sự của những nhân tài aitee khi hàng năm đều có khả năng cho ra giao diện mới như một bằng chứng về sự có quan tâm đến giá trị toàn diện của hàng hóa, nâng niu đổi mới sản phẩm, nâng cao tầm vóc sản phẩm, và kinh doanh thành công của BKAV (tin mới nhất trên trang web của BKAV cho biết BKAV sắp có giao diện mới); và (2) bản free tối thiểu phải ngang bằng đẳng cấp hào phóng với bản free của nước ngoài.

Free luôn bao hàm trong nó cả trình độ cạnh tranh cao độ để free này khác biệt với và ưu việt hơn free kia. Không có sự khác biệt mang tính ưu thế cạnh tranh, sẽ khó thể nói đến tính bền vững vốn là điều nhất thiết cần có của phát triển kinh doanh.

Bài Viết Số 3

Điện Ảnh: Mỏ Vàng Lộ Thiên Chưa Dấu Chân Người

(Bài viết tặng Ông Trần Quốc Duy, Chủ nhân D’Passion và Emotino.com)

http://www.emotino.com/bai-viet/17669/aitee-it-viet-nam-tim-mot-loi-di-dung-tam-noi-luc-bai-so-3-dien-anh-mo-vang-lo-thien-chua-dau-chan-nguoi

21-4-2009

Trên báo Tuổi Trẻ cách nay vài tháng có bài viết ngắn về một bộ phim hoành tráng nào đấy (rất tiếc, vì phim Việt Nam không nằm trong danh mục đầu tư thời gian của tôi nên tôi không nhớ tên bộ phim hoành tráng ấy) đang trong giai đoạn thực hiện cho kịp lễ Ngàn Năm Thăng Long, với bức hình diễn viên đóng vai Vua Quang Trung cưỡi trên chú ngựa thấp lè tè và hông bên trái gầy rục nhô xương. Phải chăng vì thực tế là Việt Nam không có giống ngựa nào to cao đẹp như ngựa Âu Mỹ, hay do phim có ngụ ý sâu xa là ngay cả chú ngựa suy dinh dưỡng của Việt Nam cũng góp công lớn cõng đại đế chinh phạt và chiến thắng? Nhưng dù là lý do nào chăng nữa cũng thấy rõ đã không hề có sự tham gia dàn dựng của những hiệu ứng tân kỳ, vì với chiếc đủa quyền năng của aitee các nhà làm phim nước ngoài có thể đưa lên màn ảnh muôn vạn hùng binh trên lưng chiến mã và tuấn mã tung hoành nơi chiến địa bao la khói lửa dù lịch sử của mấy anh nước ngoài đó làm gì có “khí thế” đến dường ấy mà chỉ đong đầy tủi nhục vong quốc, tan tác tang thương dưới vó ngựa xâm lược của Thiết Mộc Chân Thành Cát Tư Hãn.

Ở một đất nước mà chẳng mấy ai xem trọng ngành điều dưỡng, chỉ xem trọng “bác sĩ” dẫn đến sự tầm thường hóa vai trò cực kỳ quan trọng của điều dưỡng – thường được gọi là “y tá” hoặc bị giễu cợt thành “a tý” ở hành lang bịnh viện như tại Việt Nam, đã có một điều không sao hiểu nổi khi những người đi học một ngành cực kỳ cao cấp, cực kỳ thời thượng, không bao giờ lụn tàn ngay cả trước thềm Ngày Tận Thế, đó là ngành công nghệ thông tin, gọi tắt là IT, tức ngành aitee, lại cúc cung chịu đựng cảnh bị các chủ nhân ông ngoại bang chê bai trong các cuộc phỏng vấn gần đây trên báo chí, nào là trình độ đào tạo chưa phù hợp (tiếng bình dân Nam Bộ gọi là “trớt qướt”) và không giao tiếp được bằng Tiếng Anh (nghĩa là trình độ có cao cấp cỡ thạc sĩ hay tiến sĩ aitee mà chỉ giỏi ngôn ngữ Pháp hoặc Nga hoặc Nhật thì cũng thuộc loại “a dime a dozen” – tức rẻ rúng một hào mua được cả tá – hay sao?), trong khi nhu cầu chỉ là cho lực lượng công nhân gia công sản phẩm phần mềm, hoặc lắp ráp, hoặc trực hệ thống máy chủ phức tạp hoạt động 24/24 hít thở biết bao khí độc từ các cổ máy vận hành không êm ả một chút nào trong gian phòng kín mít dễ gây bịnh về hô hấp, da liễu, tuần hoàn, thần kinh, và giảm thọ. Nói thế không có nghĩa là hùa theo những người không xem trọng y tá và công nhân aitee, mà chỉ nêu lên điều bất hợp lý: vì sao y tá không được đưa hình và tên tuổi lên trang quảng cáo báo đài của một bịnh viện – kể cả của nước ngoài – ở Việt Nam, và vì sao chuyên viên aitee Việt Nam phải khuất thân làm thuê với đồng lương chưa tương xứng hoặc hài lòng với sự nghiệp mở một điểm trang bị chừng dăm mười hay hai mươi máy vi tính để bàn loại cũ xì cho học sinh tới chơi game, chát chiết, hay học đòi “cứu net”. Trong khi vấn đề liên quan đến ngành điều dưỡng có khi phải vất vả lắm mới có sự đổi thay vì có va chạm đến kiểu tư duy truyền thống thâm căn cố đế của đa số người Việt và đến chính sách ngành y tế, thì vấn đề lối ra chủ động, tích cực, thu nhập cao cho chuyên viên aitee thì lại đơn giản hơn nhiều, thí dụ như khi IT phục vụ ngành điện ảnh nước nhà.

Điểm yếu kém trầm kha của Điện ảnh Việt Nam lại không nằm trong vô số những điều mà giới điện ảnh chuyên nghiệp, giới phân tích điện ảnh chuyên nghiệp, và những người thuộc giới chức chuyên nghiệp có thẩm quyền cao trọng của ngành điện ảnh tại Việt Nam thường hay nêu ra, chẳng hạn như tại bị vì bỡi thiếu kịch bản hay (vẫn cứ vô tư bỏ tiền của dân ra làm phim dù không có kịch bản hay), thiếu diễn viên tài năng (vẫn cứ vô tư gắn hào quang cho diễn viên dù chỉ dựa trên gương mặt và thân thể chứ không theo giọng nói, dáng người, và diễn xuất, tức những điều không có chiều cao bằng với kích thước thân thể), và thiếu tiền (vẫn cứ theo “cái mửng” công ty điện ảnh quốc doanh mãi vô tư là hài nhi bám víu bầu sữa mẹ, liên tục vô tư dùng tiền của nhà nước và nhân dân kinh doanh sản xuất phim không sinh lợi, triền miên không có tích lũy vốn). “Tài năng” như anh chàng Đơn Dương, “được” hãng phim Mỹ mời đóng vai sĩ quan Cộng Sản Việt Nam, chỉ biết chạy tìm diễn viên cơ bắp Mel Gibson xin chụp hình chung để về Việt Nam khoe khoang mình được vinh dự làm cây-sậy-không-tư-tưởng đứng cạnh gốc Sequois hoành tráng, rồi ngồi viết tự kiểm về cái tội hoặc mù chữ dốt nát hoặc vướng virus hay lây trong giới “nghệ sĩ” là hội chứng sơ-suất-không-đọc-kỹ-kịch-bản nên không biết nội dung phim thóa mạ Đảng Cộng Sản Việt Nam; sau đó dông tuốt qua Mỹ lén quay phim con heo để tống tiền phụ nữ và đang bị kiện ra tòa án Bang Virginia, Mỹ Quốc! Thiếu tiền nên có hãng phim vài năm trước bỏ ra mấy tỷ bạc của nhà nước mua một hỏa tiển SAM của quân đội để bắn “thật” khi quay phim, báo hại cơ quan không lưu quốc gia phải khẩn báo cho tất cả các hãng máy bay nước ngoài không được bay qua không phận Việt Nam vào thời gian khai hỏa, còn đạo diễn thì chạy quờ quạng lăng xăng cho hiệu lịnh “trớt quớt” nên khi “chuyên gia” quay phim chưa lắp xong máy thì hỏa tiển SAM khổng lồ từng bắn hạ pháo đài bay B52 của Mỹ đã vô tư rùng mình rời bệ phóng vút lên trời cao rơi xuống biển sâu khiến hãng phim phải ngậm ngùi bỏ luôn cảnh bắn tên lửa hoành tráng trong phim, xé tan nát tỷ tờ giấy bạc từ ngân khố quốc gia, tạo bia miệng cười chê trong giới điện ảnh khắp các châu lục.

Những dẫn chứng quá ư là dông dài và có vẻ “lạc đề” ở trên chỉ để thấy rõ ngành hiệu ứng dùng trong điện ảnh chưa hề được bất kỳ ai quan tâm, dẫn đến diễn xuất của diễn viên không thể hay, cảnh quang không thể đẹp, và nói chung là chẳng có bất kỳ một hiệu ứng nào được áp dụng cả. Chính hiệu ứng hình ảnh – một trong vô số các lĩnh vực của aitee – mới giúp điện ảnh các nước phát triển mạnh mẽ, và trong tất cả các phim của Mỹ có doanh thu cực cao hay đoạt các giải thưởng hàn lâm điện ảnh đều được các ứng dụng aitee của hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, vân vân và vân vân, làm nên hoành tráng. Những chuyên viên aitee Việt Nam – hoặc những đại gia tiền bạc thừa mứa thay vì bỏ tiền ra bán lẻ laptop và phone di động rồi vi vu hạng business hay first class trên máy bay rung đùi xem phim sex gây tai tiếng quốc gia – có thể tạo sự nghiệp “hoành tráng” khi cùng nhau đầu tư lập nên một hay những công ty cung cấp dịch vụ aitee cho ngành điện ảnh mà không cần phải kinh qua cái việc đớn đau bị ông chủ nước ngoài từ chối tuyển dụng vì nói dở tiếng Anh, nhất là trong bất kỳ hoàn cảnh kinh tế của đất nước và thế giới có tồi tệ đến đâu chăng nữa thì điện ảnh Việt Nam vẫn cứ phải sử dụng đến công nghệ aitee y hệt như bất kỳ tại quốc gia phát triển nào có hoạt động nhộn nhịp của cái gọi là Nghệ Thuật Thứ Bảy này, và cứ thế mà đủng đa đủng đỉnh hốt bạc. Cứ xem trên đài HBO, Cinemax, hay Star Movies, v.v., sẽ luôn thấy bóng dáng lồ lộ lấn lướt của công nghệ aitee trong tất cả các phim truyện người, hoạt hình, người-hoạt hình – tất nhiên trừ phim “bộ” chán ngắt trên các đài truyền hình Việt Nam thuộc loại cổ trang của mấy tên gióc tóc bím đuôi Thanh Triều xấu tởm hay loại xã hội tình cảm ướt sủng Ma-Xinh-Hàn-Thái-Đài-Trung.  Các đoạn giới thiệu phim mới có khi dài đến 36 phút giữa thời gian chiếu của mỗi hai phim trên các đài nước ngoài này có khi cho thấy diễn viên đánh đấm đâm chém cực kỳ chậm chạp trong khung cảnh toàn màu xanh lá, từ vách, nền, tấm trần, đến đống nệm mút dầy đến 37cm dưới đất cho diễn viên thi nhau té êm ái trong ánh đèn chói chang; để rồi trong trích đoạn phim thành phẩm thì diễn viên đánh võ xuất chiêu tới tấp, vồn dập, như gió táp mưa sa, như giông như bão, trong ánh sáng huyền ảo âm u ghê rợn, rồi té nhào lên đất đá lởm chởm đầy rêu phong rắn rít sình lầy nhầy nhụa tởm kinh. Aitee trở thành chiếc đũa thần kỳ trong tất cả các bộ phim, góp phần quyết định cho doanh thu khổng lồ sau đó, cũng như các giải thưởng điện ảnh hàn lâm đầy danh giá theo sau.

Song, những gì thế giới đã có, thậm chí có từ rất lâu, dường như vẫn không sao tìm thấy ở Việt Nam. Mới đây một phim Việt Nam đã phải gởi qua Úc làm hậu kỳ, “chế” luôn cảnh một chiếc phản lực Mỹ bị bắn vỡ tung trên trời, tan xác, có mảnh to nhắm thẳng lao vun vút đập vào ống kính quay phim và … mặt khán giả. Thật là thật! Thật là hay! Thật là ấn tượng!  Vấn đề ở đây là: cũng như trường hợp của Bảo Hiểm Bảo Việt và Bravura, số tiền rất cao để có cảnh hoành tráng đó lẽ ra đã phải ở lại Việt Nam, trong tài khoản một công ty aitee Việt Nam, vinh danh aitee Việt Nam trên trường quốc tế, tóm thâu các đơn hàng của các lân bang nội khối ASEAN, tức những con hổ con rồng hay con giun đất (tức…long thổ) có tiền, có điện ảnh, nhưng chưa hề có công-nghệ-thông-tin-chuyên-ngành-điện-ảnh.

Có thể sức ì và sự ham đi chơi bằng tiền nhân dân của đa số những người có thẩm quyền trong ngành điện ảnh khiến họ luôn mồm nói cần phải có kinh phí để cho đạo diễn đi thực tế bên… Mỹ và học tập bên … Mỹ. Họ không bao giờ đặt câu hỏi: thế những tay aitee Mỹ nào đã có thể “dạy” cho những aitee Mỹ ấy các chiêu thức aitee đó, và người Mỹ nào đã “dạy” cho những-người-có-thể-“dạy”-cho-những-người-có-thể-“dạy” là đấng nào. Chỉ biết mấy anh aitee Mỹ giỏi. Chớ biết ảnh học của ai. Tại sao cứ hễ là người Việt thì phải là ham học hỏi, ham rút kinh nghiệm, mà không phải là ham tìm tòi, ham phát minh, ham sáng tạo, và đặc biệt là ham…dạy công nghệ cao cho thiên hạ?

Có thể sự theo học “thành tài” về aitee của một số không ít các chuyên gia aitee Việt Nam là do chạy theo thời thượng, phong trào, hay tệ hơn là do lỡ bước sa chân chứ không từ một kế hoạch hoành tráng mang tên “sự nghiệp” cho bản thân trước khi nộp đơn ứng thí vào trường aitee. Nhưng cái “có thể” nhất trong tất cả những cái “có thể” là do vấn đề muôn đời của chỉ riêng người Việt là thiếu tiền đối với người có tài về aitee trong khi thừa tiền đối với các chủ nhân ông các công ty thuê mướn nhân tài aitee chỉ để sữa chữa đài vi ba, lắp đặt ăn-ten chảo, lắp ráp tivi LED, lắp ghép công cụ xa xỉ cho laptop, và chép nhạc chuông cho điện thoại di động 3 sim 4 sóng online.

Điện ảnh Mỹ thành công vượt bậc vì họ luôn có cùng lúc ba lực lượng cùng tập trung cho kinh doanh điện ảnh, gồm (1) những người có đầu óc hoành tráng cho ra cốt truyện hoành tráng, (2) những người có két sắt hoành tráng chứa đầy giấy bạc có mệnh giá hoành tráng, và (3) những công ty aitee có tài thực hiện những yêu cầu hoành tráng trên cơ sở cốt truyện hoành tráng được tài trợ hoành tráng.

Aitee đương nhiên sẽ giúp cải thiện tình trạng phim ảnh Việt Nam, phim nhựa và phim hoạt hình, đồng thời đem lại nguồn thu lớn cho chính công ty aitee từ những đơn hàng đa dạng, hào phóng, có suốt tháng quanh năm. Chỉ cần có sự xuất hiện của một công ty dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp, các công ty hay cửa hàng đều có tâm lý phải có nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp mặc sắc phục trước công ty hay cửa hàng của mình cho sang trọng, từ đó tạo nên sự mọc lên như nấm của các công ty bảo vệ chuyên nghiệp. Chỉ cần có sự xuất hiện của một công ty Việt Nam – chẳng hạn mang tên do tác giả bài viết này táy máy đặt chơi thư giản ai muốn dùng thì cứ tự nhiên chiếm hữu – như MM Muveee Media,  UMS Universal Movies Services, GM General Movies, hay MTV Movies Techno Venture – cung cấp các giải pháp đáp ứng yêu cầu về hiệu ứng hình ảnh, sẽ khiến tất cả các hãng phim Việt Nam phải tìm đến để có được bộ phim tốt hơn theo yêu cầu của khán giả sành điệu đích thực, giúp điện ảnh Việt Nam tốt hơn, đời sống của các chuyên viên aitee sẽ tốt hơn, và ngành aitee đi lên bậc thang tốt hơn.

Đó mới chính là phát huy nội lực của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trên cơ sở tạo ra nội lực mới từ nội lực tự thân.

Bài Viết Số 4

Để Là Sticker Không Thể Thiếu Bên Cạnh Windows và Intel Trên Tất Cả Các Laptop

(Xin cáo lỗi: bài bị mất, chưa xin lại được)

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Both comments and trackbacks are currently closed.