Vì Sao Thành phố Hồ Chí Minh Ngập

Hoàng Hữu Phước, MIB

03-10-2016

Lẽ ra tôi đã không viết bài này (a) vì đã viết một bài cùng chủ đề cách nay gần một thập niên trên emotino.com, và (b) nếu như đừng đọc mấy tin tức nhảm nhí gồm các viện dẫn chính thức nhưng đầy né tránh của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nêu 5 lý do nào gây ra ngập và các ý kiến bầy đàn của các “chuyên gia”.

Né tránh vì đã không nêu các vấn nạn thực sự.

Bầy đàn vì hàng chục năm trước các “chuyên gia” đó hoặc (a) cứ như chưa được sinh ra nên chẳng góp ý bất kỳ để hóa giải các vấn nạn có thể lường trước được bởi bất kỳ ai thực sự có học thức, hoặc (b) chẳng dám nói gì vì chính quyền chẳng nói gì nên chẳng dại gì “chọc giận” chính quyền, thế mà nay thì hùa nhau hùng hổ góp ý linh tinh.

Không nhìn nhận 5 sự thật sau thì Thành phố Hồ Chí Minh mãi mãi ngập và sẽ đến lúc Thành phố Hồ Chí Minh bị xóa sổ, nói gì đến hai đại cuộc xây dựng nó thành một “megacity” và thành một “khu tự trị”:

1- Chủ trương hoàn toàn sai quấy và vô trí của Thành Ủy và Hội Đồng Nhân Dân cùng Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh trong đề án xây dựng Khu Đô Thị Nam Sài Gòn khiến vùng đầm lầy rộng lớn bị san lấp nâng nền phục vụ cho sự hình thành một khu đô thị đa chức năng kiểu mẫu làm trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, khoa học, văn hóa, giáo dục, cư trú, và giải trí, mà điển hình là qua việc cho một tập đoàn Đài Loan hình thành Khu Phú Mỹ Hưng, dẫn đến hậu quả vĩnh viễn bịt kín và triệt hẳn cửa ngõ thoát nước của Thành phố Hồ Chí Minh, gây ra cái quái gở ngập nước vào mùa nóng mà người ta tự chế ra từ ngữ “triều cường” rồi đỗ lỗi cho nó, và sự ngập trầm trọng vào mùa mưa mà người ta trước thì ngậm tăm làm ngơ còn sau này khi đã vô phương cứu chữa thì bày ra 5 cái nguyên nhân vớ vẩn để ngụy biện.

2- Sự áp dụng khoa học công nghệ tào lao ngu xuẩn của Thành phố Hồ Chí Minh như đã được nêu rõ như một tư liệu lịch sử trong bài viết đã nói đến ở trên (đăng trên emotino.com cách nay gần một thập niên và được đăng lại bên dưới bài viết này): thường xuyên rãi đá dăm mặt đường toàn bộ các tuyến đường trong Thành phố Hồ Chí Minh để “tăng độ bám đường” khiến bụi bay mù mịt toàn thành phố. Việc đầu tư vô lý này không thể không là minh chứng mang tính liên tưởng đến sự thất bại không thể xử lý “triều cường” và “chống ngập” tại Thành phố Hồ Chí Minh bằng các biện pháp gọi là khoa học kỹ thuật vài thập niên trở lại đây.

3- Sự vô trách nhiệm trong giám sát thi công cộng với sự lưu manh bất lương vô liêm sĩ của các công ty xây dựng cầu đường bất tài vô dụng. Việc đường Nguyễn Hữu Cảnh ở Quận Bình Thạnh do Công ty Thanh Niên Xung Phong của “phe quốc doanh” xây dựng đã trở thành công trình đầy tì vết và tủi hổ với việc sụp lún đường, nứt cầu, và “ngập” bởi cái gọi là “triều cường” ngay lúc được đưa vào sử dụng năm 2002, khiến Thành phố Hồ Chí Minh từ đó đến nay phải bỏ ra những khoản tiền cực kỳ khổng lồ – dù chưa được “tự trị” về ngân sách – đễ cứu nguy công ty nhà nước và các vị lãnh đạo nào đó đã nhúng chàm mà cho đến tận ngày nay chất lượng của các kỳ cứu chữa cũng vẫn chẳng ra chi, như minh chứng là trong cơn mưa lớn mơi tuần trước các tuyến đường những khu chung cư cao tầng xa hoa sang trọng gần Saigon Pearl đều ngập nước. Còn trong bài viết đã nói ở trên và được đăng lại dưới đây thì có thêm việc các công ty xây dựng cầu đường mà cụ thể là xây dựng tuyến đường ở khu vực Xa Cảng Miền Tây đã cho đùa tất cả xà bần và các bao cát xuống các cống khi đã hoàn thành công trình để khỏi tốn chi phí thuê hàng ngàn lượt xe tải chở đi đổ chỗ khác. Từ việc người nhái và thiết bị “hiện đại” phát hiện xà bần và hàng trăm bao cát đá trong lòng ống cống “hiện đại”, mọi người theo thuyết âm mưu có thể suy ra những vấn nạn khác khiến xảy ra sự ngập nước của Thành phố Hồ Chí Minh như:

a) công ty xây dựng các khu dân cư/các khu tòa nhà cao tầng – bất kể là khu cao cấp sang trọng hay khu tái định cư/tòa nhà dành cho đối tượng thu nhập thấp, các đường sá, đã không xây dựng – toàn phần hoặc một phần – hệ thống cống thoát nước; và

b) công ty xây dựng các khu dân cư/các khu tòa nhà cao tầng – bất kể là khu cao cấp sang trọng hay khu tái định cư/tòa nhà dành cho đối tượng thu nhập thấp, các đường sá, đã xây dựng hệ thống cống thoát nước với toàn bộ ống cống chất lượng thấp không bao giờ được kiểm định và các ống cống này đã – tương tự tuyến đường ống nước Sông Đà cực kỳ quan trọng của Thủ đô – vỡ nát dưới lòng đất Thành phố Hồ Chí Minh khiến nước thải gia dụng/dân dụng không thể thoát đi phải trồi tràn lên mặt đường biến thành “triều cường” còn nước mưa thì bất kể mưa thường hay mưa to hoặc mưa rất to luôn làm đường phố ngập nước (mà hình ảnh do tác giả bài viết này đã chụp cách nay gần một thập kỷ và đăng trong bài viết đăng lại dưới đây chứng minh ngay trên đường Trần Hưng Đạo sang trọng tại nơi mà lúc đó là ngôi nhà mồ cổ còn nay là cửa hàng Thế Giới Di Động to lớn lại cho thấy chỉ một cơn mưa bình thường vào buổi trưa cũng đã có thể làm ngập gần nửa bánh xe máy Honda và tràn vào cả căn nhà “mặt tiền” mà tác giả đang ngồi uống cà phê, huống gì mưa to của thời hiện đại ngày nay).

4- Sự vô trí và lợi ích nhóm trong phát triển xây dựng thổ cư áp sát ngay cả các vị trí trọng điểm quốc gia như trong bài viết trước đây về Phi Trường Tấn Sơn Nhất đã nêu lên, khiến việc ngập đầy xấu hổ lại thường xuyên xảy ra ngay trên đường băng của sân bay chiến lược Tân Sơn Nhất, và khiến cái thành phố cứ mãi được gióng trống khua chuông về tầm quan trọng quốc tế của nó kiểu mèo khen mèo dài đuôi lại bị bỡn cợt sắp thành một Venice Việt Nam.

5- Sự vô trách nhiệm của tất cả các ủy ban nhân dân phường và các cơ quan công an địa phương trong 40 năm qua với việc (a) hoàn toàn bỏ mặc cho sự lây lan hơn nấm việc người dân lấn chiếm kênh mương kinh rạch bờ sông thậm chí san lấp chúng để xây dựng nhà ở, cũng như (b) hoàn toàn bỏ mặc cho sự xả rác vừa làm nghẹt thêm kênh mương vừa làm gia tăng mức độ ô nhiểm kinh tởm của cái thành phố mà chính quyền gần đây của nó luôn mơ đến chuyện trên trời đầy hoang đường của “megacity” với nào là Thành Phố Bắc, Thành Phố Nam, Thành Phố Đông, Thành Phố Tây đầy hợm hĩnh láo xạo tào lao.

Tóm lại, xin đừng dại dột lắng nghe các lý giải của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và của các chuyên gia vì (a) tất cả các việc “cứu ngập” sẽ không bao giờ thành công; (b) tất cả các dự án “cứu ngập” đều sẽ y như tiếp tục đốt bỏ một ngân sách cực kỳ khổng lồ và tốn kém; (c) đơn giản vì Thành phố Hồ Chí Minh không có nguồn nhân lực đáng tin cậy về chuyên môn, đạo đức, trách nhiệm đối với các dự án tốn nhiều tiền; (d) đơn giản vì tất cả các lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ để lại cho hậu thế bất kỳ bằng chứng minh bạch cụ thể nào về tính hiệu quả của giám sát thi công, giám sát công trình, giám sát vốn đầu tư, cũng như luôn hào phóng dùng tiền ngân sách của trung ương rót cho – nghĩa là ngay cả khi  chưa được trung ương cho “tự trị về ngân sách – để mạnh tay giúp 100% dự án có cơ hội đội vốn khủng khiếp đồng nghĩa với việc hoàn toàn sai trong lựa chọn đơn vị thi công; và (e) các chuyên gia ngày nay tuyên bố này nọ đã chưa từng nói gì hay viết gì về cốt lõi của sự “ngập”, có thể vì họ là “chuyên gia” xài bằng cấp loại “hữu nghị”, có thể vì họ không có dũng khí nói lên/viết lên các ý kiến của họ, có thể các ý kiến của họ bị báo chí nông cạn cùng các cơ quan chung phòng với và chống đỡ cùng tham nhũng vất sọt rác, và có thể vì họ không thuộc tầng lớp trí thức thực sự vốn luôn có tầm nhìn xa-sâu-rộng.

Kính mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây, đã được đăng trên emotino.com ngày 24-01-2009:

  Triều Cường – Thực Chất Của Vấn Đề

(http://www.emotino.com/bai-viet/17402/trieu-cuong-thuc-chat-cua-van-de)

Hoàng Hữu Phước, MIB

24-01-2009 Xuân Kỹ Sửu

Năm hết, Tết đến. Đây là thời điểm thích hợp để Ôn Cố Tri Tân.

Theo từ điển Wiktionary, Ôn Cố Tri Tân có nghĩa đen là “xem lại cái cũ, biết cái mới”, nghĩa bóng là “nhắc lại cái cũ để hiểu biết hơn cái mới”, và dịch tiếng Anh cũng của Wikionary là “one should be able to derive new understanding while revising what he has learned”. Theo thiển ý của tôi, nghĩa bóng tiếng Việt thì nghe hợp lý hơn, còn câu tiếng Anh nên viết lại thành: Reviewing the past event or the pending issue for a suitable lesson or a thorough understanding and/or a possible solution để đạt chất lượng tu từ tuyệt hảo trong phạm vi chỉ một nhóm từ tức phrase (chữ OR thứ nhất liên kết eventissue, và chữ OR thứ ba liên kết understanding với solution để cả hai hợp làm một nhóm cùng làm đối trọng với lesson qua chữ OR thứ nhì, thành hai nhóm chính làm object của chữ FOR), thay vì là một câu tức sentence theo kiểu của Wiktionary có một mệnh đề chính với finite verb “should” và một mệnh đề làm noun object cho gerundrevising”, trong khi ý nghĩa “be able to” hoàn toàn yếu, còn “learned” như một nghịch lý. Nói chung, câu tiếng Anh của từ điển Wiktionary hoàn toàn kém.

Ba Má tôi đã lập nghiệp ở Quận 3 Sài Gòn từ năm 1950 và chị em chúng tôi 7 người được sinh ra, và sống ngay tại trung tâm – chứ không phải vùng ven đô – của Sài Gòn và có luôn vinh dự chứng kiến Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, song không phải vì vậy chúng tôi vỗ ngực tự xưng biết tất tần tật hết mọi thứ trên đời về Sài Gòn và về Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, tôi xin chỉ nêu lên những sự thật ít ỏi biết được. Chưa kể, chuyện “ôn cố” ắt giúp giải thích cho tôi hiểu thấu đáo được đôi điều nhỏ nhặt về một vấn đề lớn, đó là “triều cường” của cái sự “tri tân”.

Suốt thời gian tôi học trung học, hoặc Ba tôi, người giữ chức Tham Sự Tài Chính của Air Vietnam, đèo tôi đến trường trên chiếc Mobilette màu cà phê sữa bỉ bền vạn đại hoặc chiếc Honda Dame xanh lá sậm chất lượng tuyệt hảo mới “còm-măng” trực tiếp từ Nhật Bản; hoặc tôi và Chị Hai của tôi chạy song song đến trường Nguyễn Bá Tòng với tôi trên chiếc xe đạp nữ màu đỏ tươi còn chị trên chiếc màu xanh lá sậm, qua bao đường sá quen thuộc của nhiều quận khác nhau. Chưa bao giờ chúng tôi thấy thế nào là ngập lụt, và chưa bao giờ nghe đến hai từ Hán-Việt “triều cường”.

Khi giải phóng đến, thật mát dạ vì chiến tranh đã chấm dứt, nước nhà thống nhất, non sông liền một cõi, thái bình thịnh trị từ nay. Song, tại một đất nước mà Hội Hồng Thập Tự được đổi tên thành Hội Chữ Thập Đỏ cho phù hợp với phong cách “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đã xuất hiện một hiện tượng kỳ quái được đặt tên bằng tiếng Hán-Việt nghiêm túc, trang trọng hẳn hoi, là “Triều Cường”. Vậy triều cường từ đâu đến và tại sao có triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố đã cao hơn mực nước biển rất nhiều vì đường sá đã được nâng cao liên tục đến nỗi có những chiếc cầu như chiếc trên đường Bạch Đằng, Quận Bình Thạnh, không còn thấy bóng dáng bệ đường cho người đi bộ hai bên thành cầu vốn xưa kia phải cao hơn mặt đường xe chạy ít nhất cũng là 30cm.

Liên tục trong 10 năm kể từ 1975, Sở Giao Thông Công Chánh Thành phố Hồ Chí Minh (hay Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh) đã phát huy sáng kiến của những kỷ sư cầu đường tài ba bằng cách mỗi năm đem hàng ngàn tấn đá dăm rãi đầy mặt đường toàn thành phố mà mục đích như công bố trên báo chí là nhằm “gia tăng độ ma-xát bám đường của bánh xe các phương tiện giao thông do lớp bề mặt của nhựa đường đã lão hóa”. Bụi mù mịt. Số bịnh nhân tai-mũi-họng gia tăng (không có số liệu thống kê để biết bao nhiêu người đã không còn sống được vì bụi của đá chất chứa trong phổi trong ngần ấy năm). Rồi khi mùa mưa đến, đá dăm biến mất để tạo điều kiện cho những đợt rãi đá liên tiếp nhiều năm sau đó. Đá đã đi đâu? Lời giải thích của tôi là: chúng đã bị nước cuốn trôi hết xuống cống, làm đầy nghẹt cả hệ thống cống, trở thành kho dự trữ đá dăm cho hậu thế của ngàn năm sau, khi mà không còn núi non nào để khai thác đá phục vụ việc xây dựng. Trời mưa bất cứ buổi nào, dù sáng hay trưa hay chiều hay tối, nước không sao chảy xuống được trong lòng hệ thống cống rảnh đầy nghẹt đá dăm, gây ra ngập úng hay ngập lụt, và người ta gọi đó là “triều cường”. Chiều tan tầm, hàng triệu người về nhà tắm gội, vệ sinh, giặt giũ, nước ào ạt chảy xuống cống nhà ra cống đường rồi do không thể chảy tiếp được phải trào lên lênh láng ngập lụt mặt đường, người ta gọi đó là do “triều cường”. Thủy triều có lên hay có xuống; nghĩa là mặt sóng nước vỗ đập vào bờ cao hay thấp; mà bờ có nghĩa là ven sông ven biển, và sông hay biển thì thấp hơn thành phố, và “triều cường” phải tràn lên hai bên bờ sông chứ sao lại ngoi lên từ miệng cống hai bên đường tráng nhựa! Từ đây suy ra: ắt Thành phố Hồ Chí Minh có địa thế giống như đất nước Hà Lan thấp hơn mặt nước biển chăng?

trieu-cuong

Nhờ Ôn Cố tôi đã Tri được Tân, và mọi chuyện lại đâu vào đấy, theo đúng định luật hấp dẫn vạn vật của tự nhiên, nghĩa là không phải tại dòng nước đen sịt đặc quánh hôi thối bẩn thỉu dưới Cầu Kiệu đã “triều cường” dâng lên trên đường Phan Đình Phùng, Quận Phú Nhuận, cao cách mặt sình những gần chục mét, mà chính là vì nước xả ra từ hàng chục vạn căn hộ đã không sao chui xuống được dòng sông sình lầy lơ đãng dưới Cầu Kiệu. Điều này tương tự như ở bao khu vực khác.

Song, nói thế cũng còn hơi điêu ngoa, không đúng sự thực hòan tòan, vì còn có những khu vực khác mới xây dựng vẫn bị triều cường xâm lấn. Sau này, theo báo chí cho biết đã có sự điều tra bằng cách đào lên, cho người nhái và rôbô lặn tìm hiểu, mới biết thủ phạm là…CSR (trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng) khi đơn vị thi công đã tối đa hóa lợi nhuận, tạo thêm việc làm mai sau cho tập thể nhân viên và công nhân, bằng cách tống hết các bao đất cát, đá, xi măng, rác, xà bần, đồ uế tạp lỉnh ca lỉnh kỉnh xuống miệng cống chính rồi lấp lại, tráng nhựa che kín, ngõ hầu nước sẽ bị nghẹt, đường sá hư hỏng, dân tình lại kêu la, và sẽ có thêm hợp đồng cải tạo hệ thống thoát nước sau đó. Doanh nghiệp xây dựng cầu đường có thêm bi-zi-nét, kỷ sư viết viết vẽ vẽ, công nhân lại có thêm tiền công nhật ít ỏi sống qua ngày đoạn tháng, đường sá có thêm nhiều lô-cốt, kẹt xe nhiều hơn, hạnh phúc những gia đình sống quanh đó sẽ ít hơn, sức khỏe giảm hơn, chi phí y tế và bảo hiểm cao hơn, và dường như tiền thuế doanh thu của doanh nghiệp thắng thầu tiếp ấy đóng cho Nhà Nước sẽ trở thành cái đạo đức của doanh gia dù không bao giờ bù đắp được sự khổ ải của người dân.

Năm hết, Tết đến. Một thời khắc để ôn cố, tri tân, để tìm ra câu hỏi cho một vấn nạn, để tự nhủ mình đã làm gì cho quê hương, đất nước, của phận “nam nhi trái”, để khỏi phải thốt lên lời của Cụ Nguyễn Công Trứ “chẳng nhẽ tiêu ma ba vạn sáu”.

Thư bất tận ngôn.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

*********

Tóm lại, không có được những con người liêm-trí-dũng-chuyên để thay thế cho những sản phẩm hồng-chuyên – nhất là khi hồng thì nhợt nhạt phai mờ còn chuyên thì kiểu rãi đá dăm lên đường sá và kiểu rút ruột công trình – thì sẽ không bao giờ cứu được ngập, và sẽ mãi mãi để người ta nhìn thấy những con số không bao giờ dưới ngàn tỷ cho mỗi công trình trong hằng hà sa số những công trình chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh từ cách nay 20 năm cho đến ngày tận thế.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Phi Trường Tân Sơn Nhất

Both comments and trackbacks are currently closed.