Cấm Dạy Thêm: Đúng Và Sai Của Thành Phố Hồ Chí Minh

Vấn Nạn Tơ Nhện Vò

day-them-2

Hoàng Hữu Phước, MIB

29-9-2016

day-them-3

1) Vấn Nạn Tơ Nhện Vò

Người đời thường dùng thành ngữ “rối như tơ vò”, hoặc “rối như canh hẹ” hoặc “rối như mớ bòng bong”, hay là “rối như gà mắc tóc” để chỉ sự rối rắm cực kỳ. Tuy nhiên, có “rối như canh hẹ” thì bát canh hẹ nấu chung với nghêu trai ngọt lịm thơm lừng cũng sẽ được ăn sạch bách, có “rối như mớ bòng bong” thì cái mớ bòng bong ấy làm gì mà có người nào trên đời này tháo gỡ làm gì vì tất cả chỉ để dùng nhóm bếp, có “rối như gà mắc tóc” thì thiên hạ cứ bình tỉnh mà đem nó ra làm món cà ri gà, và còn “rối như tơ vò” thì tơ tằm cũng như sợi chỉ – thậm chí tơ tằm silk yarn của Công ty Silkvina Tỉnh Lâm Đồng Việt Nam còn cứng hơn sợi chỉ may y phục sewing thread của hãng Wel-Tec LLC Bang Pennsylvania Hoa Kỳ nên không khó tháo gỡ các “cục rối” – có thể kiên nhẫn gỡ từ từ được một ít nhất là một ít đoạn để tái sử dụng.

Đại cuộc giáo dục và đào tạo ở Việt Nam không “rối như tơ vò”.

Đại cuộc giáo dục và đào tạo ở Việt Nam không “rối như canh hẹ”.

Đại cuộc giáo dục và đào tạo ở Việt Nam không “rối như mớ bòng bong”.

Đại cuộc giáo dục và đào tạo ở Việt Nam không “rối như gà mắc tóc”.

Đại cuộc giáo dục và đào tạo ở Việt Nam thực ra đã rối như tơ nhện vò. Nghĩa là vô phương. Nghĩa là bó tay. Nghĩa là không bao giờ cứu vãn nổi. Ngay cả Người Nhện Spiderman cũng chào thua nếu tơ của anh ta phóng ra bị vò cục.

2) Cái Sai Cốt Lõi Nghiêm Trọng Từ Khởi Thủy Của Sau 1975

Hệ tiểu học và trung học của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là 9 năm. Nghĩa là học xong lớp 9 là có thể vào đại học.

Hệ tiểu học và trung học của Việt Nam Cộng Hòa là 12 năm. Nghĩa là học xong lớp 12 là có thể vào đại học.

Khi làm Việt Nam Cộng Hòa bị vĩnh viễn xóa khỏi bản đồ thế giới bằng đại cuộc Giải Phóng Miền Nam 30-4-1975, ngay cả trước khi chính thức thống nhất đất nước hình thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã có sự hợp nhất hệ thống giáo dục và đào tạo của hai miền Nam-Bắc bằng cách ngay trong năm 1976 khai giảng năm học mới của “cách mạng”, và chính quyền mới đã

(a) công nhận sự ngang bằng tuyệt đối về đẳng cấp và chất lượng của lớp 9 Miền Bắc với lớp 12 Miền Nam, bất kể danh mục các môn học không giống nhau;

(b) công nhận các cán bộ, chiến sĩ tiếp quản Miền Nam, cùng con em của họ từ Miền Bắc vào sum họp gia đình, nếu đã tốt nghiệp lớp 9 Miền Bắc, đương nhiên được ưu tiên thi vào các trường đại học ở Miền Nam – lúc đó chỉ có tại Thành phố Hồ Chí Minh;

(c) quyết định những trường trung học nào ở Thành phố Hồ Chí Minh – cụ thể như trường Phan Đình Phùng ở Quận 3 – chỉ được dạy tiếng Nga bất kể học sinh nhiều lớp tại đó đã học tiếng Anh lên đến lớp 8 cũng phải bỏ hết tiếng Anh để học tiếng Nga từ đầu; và

(d) hủy bỏ toàn bộ chương trình cùng giáo trình học tập và đào tạo của Miền Nam để áp dụng toàn bộ chương trình cùng giáo trình học tập và đào tạo của Miền Bắc, khiến dẫn đến việc chương trình 9 năm Miền Bắc bị kéo dãn ra thành đủ 12 năm cho các trường học ở Miền Nam – do trong một sớm một chiều không thể biên soạn giáo trình mới cho hệ 12 năm – nghĩa là sự học ở Miền Nam phải đối mặt với sự thiệt thòi do giảm môn học chính trong khi tăng thời lượng thêm 3 năm so với Miền Bắc với thực tế là chất lượng giáo trình đương nhiên không thể cao, còn tiếng Anh sẽ không bao giờ có thể trở lại thế mạnh của nó về trình độ và hiệu quả sử dụng trong đời sống.

Sau đó, hệ 12 năm được áp dụng trên toàn quốc, nhưng chất lượng giáo dục và đào tạo đã trở thành quốc nạn do thầy giáo cô giáo đã từng là học sinh của chính chương trình giáo dục trên chỉ có thể tạo nên những học trò tương hợp, khởi đầu cho một sự rối như tơ nhện vò vô phương cứu chữa.

3) Tham Khảo Chương Trình Thi Cử Của Việt Nam Cộng Hòa

Như đã nói trong nhiều bài viết trước đây trong rất nhiều năm qua, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa quá khủng khiếp, chấn động cả địa cầu, đến nỗi những người đào thoát và cả những người ở lại đều không còn bất kỳ ai – trừ tác giả bài viết này –  nhớ đến những chi tiết mang tính sử liệu quan trọng về Việt Nam Cộng Hòa, như dấu gạch nối của từ ngữ tiếng Việt (thí dụ: Hoàng-Hữu-Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế), sự thành lập Đảng Dân Chủ với “đảng kỳ” cờ vàng sao đỏ của Nguyễn Văn Thiệu, trò tuyệt thực của các dân biểu đối lập, v.v. vốn đã được nêu trong các bài viết tại các đường link ở phần tham khảo bên dưới. Ngoài ra, những sử liệu về giáo dục & đào tạo của Việt Nam Cộng Hòa cũng hoàn toàn vắng bóng trên toàn thế giới, trong khi bất kỳ những gì của quá khứ đều đương nhiên có cùng lúc ba giá trị của nguồn tham khảo để bổ sung dữ liệu, nguồn tham khảo để đúc rút kinh nghiệm “gạn đục khơi trong”, và cơ sở không thể thiếu để minh chứng cho sự thật lịch sử rằng lịch sử là sự thật.

Những sự thật sau đây về mảng giáo dục chính là để phục vụ cho ba giá trị ấy.

a) Giáo Dục: Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn tương hợp với Âu Mỹ khi đặt trọng tâm vào “giáo dục” (education). “Giáo dục” nghĩa là các lo toan cho bậc “trung học”, vì rằng “đại học” thuộc lĩnh vực “đào tạo” (training) nhắm đến đại cuộc mỗi cá nhân có một nghề nghiệp để mưu sinh, chứ “đại học” không bao giờ thuộc lĩnh vực “giáo dục” tức lĩnh vực nhắm đến xây dựng người có tri thức tổng quát cần thiết cho đại cuộc trở thành người công dân.

Chính vì tầm quan trọng của người công dân có tri thức đối với xã hội và quốc gia mà chương trình giáo dục bắt buộc phải đặt nặng vấn đề thi cử để làm động lực thúc đẩy sự gắng học tự thân mỗi học sinh. Không tranh đua thì không thể có sự bức phá tiến lên khiến xã hội hoặc dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi. Không thi cử thì không có người đoạt cúp nghĩa là khái niệm danh dự và vinh dự bị xóa bỏ hoàn toàn.

Cả Việt Nam Cộng Hòa trước đây và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đều giống nhau ở chỗ đưa ra khái niệm “học gì thi đó”. Song, điểm tuyệt đối khác nhau là ở Việt Nam Cộng Hòa thì học môn nào thi môn đó nghĩa là học 11 môn thì thi đủ 11 môn, còn ở Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì học bài nào thi bài đó trong số chỉ có hai ba môn “chính” nào đó do chính Nhà Nước chọn ra để làm môn thi. Thậm chí chương trình học trung học của Việt Nam Cộng Hòa còn gồm có kỳ thi Tú Tài I (học xong lớp Đệ Tứ tức lớp 9) và thi Tú Tài II (học xong lớp Đệ Nhất tức lớp 12), nghĩa là sự khó khăn của kỳ thi Tú Tài I sẽ giúp định hướng nhiều học sinh nghiệm ra sự thách thức cao độ của Tú Tài II cùng ngưỡng đại học vốn chỉ dành cho học sinh thực sự có tiềm tàng một thực tài, từ đó sẽ quyết định thi vào các trường kỹ thuật khiến xã hội có đầy đủ hai lực lượng lao động chất lượng tốt và số lượng đủ cho cả hai lĩnh vực hàn lâm và kỹ thuật.

Tham khảo nội dung một Chứng Chỉ Tú Tài II (học xong lớp 12) năm 1973 của Việt Nam Cộng Hòa cấp cho một học sinh thi đậu Tú Tài II Ban C tức Ban Văn Chương

day-them-1

chúng ta có thể thấy các chi tiết như:

Tổng số các môn thi là 10 môn (chưa kể Triết Học gồm 5 môn như Tâm Lý Học, Phân Tâm Học, Đạo Đức Học, Luận Lý Học, và Siêu Hình Học)

Triết Học: điểm nhân với hệ số 4

Sinh Ngữ 1: điểm nhân với hệ số 3

Sinh Ngữ 2: điểm nhân với hệ số 2

Toán: điểm nhân với hệ số 1

Lý-Hóa: điểm nhân với hệ số 1

Vạn Vật: điểm nhân với hệ số 1

Sử – Địa – Công Dân: điểm mỗi môn nhân hệ số 1 rồi cộng chung làm tổng số cho cả cụm 3 môn này

Những điểm cần lưu ý là:

– Do thí dụ trên là của Ban C (Văn Chương)  nên Triết Học có hệ số 4, Sinh ngữ 1 có hệ số 3, và Sinh ngữ 2 có hệ số 2.

– Các ban khác như Ban A, Ban B, và Ban D sẽ có điểm hệ số khác nhau cho các môn trọng điểm khác nhau, và do đó các môn quan trọng nhất của Ban C Văn Chương như các môn Triết Học, Sinh Ngữ 1 và Sinh Ngữ 2 sẽ chỉ có hệ số 1.

– Việc chọn Ban là do học sinh quyết định từ đầu lớp 10. Dù là “Ban” nào cũng đều có thi Triết Học, Sinh Ngữ 1 và Sinh Ngữ 2 vì cả ba môn này đều quan trọng cần thiết cho sự hình thành một công dân có tri thức và năng lực tư duy tinh tế (qua các phân môn của Triết Học gồn Tâm Lý Học, Luận Lý Học, Đạo Đức Học, Phân Tâm Học, và Siêu Hình Học) cùng khả năng ngoại ngữ. Tất nhiên, nội dung học và thi cho môn Triết và Sinh Ngữ cho Ban A và Ban B ở cấp độ thấp hơn (thí dụ chương trình Anh Văn Ban C có nhiều tiết học tiếng Anh hơn và tăng tốc từ lớp 10 với Quyển 4 và lớp 11 với Quyển 5 để lên lớp 12 học kịp hết Quyển 6 và là quyển chót của bộ English for Today về thơ ca, tiểu thuyết, kịch nghệ; còn Ban A và Ban B có số tiết tiếng Anh ít hơn để lên lớp 12 vừa đủ học hết Quyển 4 của bộ English for Today về khoa học kỹ thuật).

– Dù Ban nào cũng phải có các môn thi Sử, Địa, không những do tất cả các môn học đều cực kỳ quan trọng như nhau (không ai học thứ vất đi), mà còn vì phải chuẩn bị nhân lực Tú Tài II có tri thức thích hợp sẵn cho các phân khoa trong đó có Sử và Địa tại các đại học chuyên ngành như Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa, v.v.

– Dù Ban nào cũng phải có môn thi Công Dân Giáo Dục vì mục tiêu của giáo dục là chuẩn bị cho xã hội những “công dân”.

– Ban C là Ban Văn Chương nên môn Toán chỉ có hệ số 1 nhưng sẽ là hệ số 3 hoặc 4 ở Ban A và Ban B.

– Môn Triết Học (5 phân môn học cùng lúc) bắt đầu học từ lớp Đệ Nhị (tức lớp 11).

– Môn Sinh Ngữ 1 bắt đầu từ lớp Đệ Thất (tức lớp 6), còn môn Sinh Ngữ 2 bắt đầu từ lớp Đệ Tam (tức lớp 10), và do học sinh tự chọn (không do trường áp đặt, và cũng không do Bộ tổ chức “thí điểm”). Đa số chọn tiếng Anh hay tiếng Pháp và đây là 2 ngoại ngữ duy nhất đồng loạt được các trường đáp ứng nhu cầu của học sinh. Học sinh có quyền học (không phải “chọn”) tiếng Nhật hay tiếng Trung như Sinh Ngữ 1 (tức ngoại ngữ chính) hoặc Sinh Ngữ 2 (tức ngoại ngữ phụ) nhưng phải tự học tại trung tâm bên ngoài, không phải đến trường trung học để dự các tiết học tiếng Anh hay Pháp, khi thi Tú Tài vẫn được Bộ ra đề thi riêng cho môn tiếng Nhật (Nhật Ngữ) hay tiếng Trung (Trung Văn), mặc dù Thành Tích Biểu (tức Học Bạ) không có điểm ngoại ngữ do trường không dạy, nghĩa là với các ngoại ngữ “lạ” thì thậm chí không cần có cái gọi là chứng chỉ của các trung tâm. Học sinh khi đăng ký vào hồ sơ thi tú tài nếu có ghi ngoại ngữ “lạ” thì đương nhiên sẽ được Bộ luôn bảo đảm có đề thi thích hợp.

– Dù thi Tú Tài I và Tú Tài II đều phải thi tất cả các môn đã học, đã không hề phát sinh vấn nạn quái gở nào của sự “stress” tức căng thẳng nơi học sinh hoặc căn bịnh thời đại nào khác.

– Đã học đến Tú Tài II, đương nhiên phải “biết” hai ngoại ngữ.

b) Đào Tạo:

Hai cơ sở cực kỳ đúng đắn, cực kỳ thực chất, cực kỳ chính xác trong chuẩn bị nhân lực cho cấp đại học, được áp dụng ở Việt Nam Cộng Hòa là (a) “học môn nào thi môn đó”, và (b) bài thi là để đánh giá sàng lọc cho được trình độ cao thích hợp chứ không phải bài kiểm tra.

Bài kiểm tra là để xem có thuộc bài chưa, chẳng hạn học một thế võ và khi dự kiểm tra phải múa võ chính xác từng động tác như đã được huấn luyện.

Bài thi là cơ hội cho học sinh chứng tỏ quá trình học tập/thực hành/áp dụng/vận dụng thực tế/đầu tư biến hóa riêng, chẳng hạn thi Võ Trạng Nguyên không phải để múa võ y như đã được huấn luyện mà thi đấu với đối thủ trực tiếp và phải đánh bại đối thủ ấy bằng những thăng hoa biến hóa hợp lệ.

Vì vậy, bài thi Anh Văn cho Tú Tài II có thể liên quan đến một vài chủ đề nào đó thực sự có trong chương trình Anh Văn lớp 12 vốn đã rất cao. Dù Ban C đã phải học về thơ ca Anh, tiểu thuyết Anh, và kịch nghệ Anh, bài thi vẫn được nâng cao hơn về trình độ chất lượng và số lượng bất kể là bài thi viết hay bài thi trắc nghiệm (áp dụng trắc nghiệm Tú Tài II từ năm 1973).

Còn khi thi vào Ban Anh Văn thí dụ như của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn thì thí sinh phải thi viết tiếng Anh, thi viết tiếng Pháp, thi nói tiếng Anh, thi nói tiếng Pháp, với đề thi viết tiếng Anh luôn là bình giảng một đoạn văn từ một kiệt tác văn học tiểu thuyết tiếng Anh nào đó của một tác giả lừng danh người Anh nào đó nhưng dứt khoát các văn hào này không bao giờ thuộc diện đã có tác phẩm được dùng trong quyển 6 của bộ English for Today ở lớp 12 (chưa kể Quyển 6 ấy toàn là cho các tác phẩm của các văn hào Mỹ). Đại học là nơi dành cho những chuyên gia tương lai – nghĩa là đã phát huy sẵn năng khiếu nghiên cứu mà cụ thể là đã tự tìm đọc các kiến thức bên ngoài chương trình và cao hơn chương trình học tại lớp nên mới làm được các bài thi tuyển sinh đại học – chứ không là nơi dạy các cấp lớp tiếp theo của lớp 12 tức lớp 13, 14, 15, và 16. Và dù là Đại Học Sư Phạm Đệ Nhất Cấp hay Đại Học Sư Phạm Đệ Nhị Cấp (đào tạo giáo viên trung học dạy từ lớp 6 đến lớp 9, và đào tạo giáo sư trung học dạy từ lớp 10 đến lớp 12), thì vị giáo viên hay giáo sư đó đều xuất sắc cùng lúc cả hai thứ tiếng Anh và Pháp, mà sự lựa chọn Đệ Nhất Cấp hay Đệ Nhị Cấp hoàn toàn không do chênh lệch về trình độ mà thuần túy theo sở thích hay tính toán riêng của từng sinh viên do một bên là phải học 4 năm và một bên chỉ phải học 3 năm trong khi danh dự danh tiếng ngang nhau (cùng là “đại học”) và lương bổng cao ngang nhau, mà việc theo hệ 4 năm là nơi những người có kế hoạch theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu cho các học vị thạc sĩ hoặc tiến sĩ về sau.

Cũng vì vậy mà các chuyên viên kỹ thuật (gọi là “cán sự” kỹ thuật) dù là từ trường Nguyễn Trường Tộ hay Cao Thắng, hay kỹ sư từ Đại Học Bách Khoa đều xuất sắc, và sự lựa chọn Trường Kỹ Thuật hay Đại Học Bách Khoa chỉ thuần túy dựa theo sự lựa chọn theo sở thích, tính toán thực tế thực dụng về thời gian, của mỗi người. Học xong lớp 9 vào Trường Kỹ Thuật nghĩa là đến khi học xong Tú Tài 2 đã trở thành cán sự kỹ thuật bắt đầu sự nghiệp, gia đình, tạo vốn lập cơ nghiệp riêng sớm hơn, thay vì phải đầu tư thêm 4 năm để có danh “kỹ sư” trong khi nhu cầu kỹ thuật của xã hội lại rất nhiều và cấp bách mà “thời cơ” thì không luôn chờ đợi.

4)   Cái Sai Của Chương Trình Học Của Việt Nam Sau 1975

Như đã nêu trong nhiều bài viết trong nhiều năm qua, tôi luôn cho rằng việc thêm các tiết về Đội, về Đoàn, về lao động vệ sinh trường lớp nhằm phát huy quyền làm chủ tập thể, về thể dục thể thao, v.v., vào chương trình học là hoàn toàn sai.

Trước 1975, vệ sinh trường lớp là do tạp vụ “biên chế” của mỗi trường phụ trách. Lẽ nào sau 1975, nhà trường lại kiếm thêm thu nhập từ tiết kiệm chi phí bằng cách buộc học sinh phải làm vệ sinh trường lớp và toilet, khiến học sinh bị phơi nhiễm trước bụi bẩn, hóa chất tẩy rửa chắc chắn thuộc loại rẻ tiền độc hại, và phí phạm thời gian quý báu của học sinh lẽ ra nên được dành cho vui chơi, giải trí, học tập, và giúp đỡ việc nhà phụ mẹ phụ cha? (Tại trường tiểu học Phan Đình Phùng Quận 3, tôi đã được cô giáo dạy rằng phải mỗi ngày giúp mẹ trong giúp mẹ phơi quần áo, xếp quần áo, v.v., và mọi học sinh phải được mẹ ghi cụ thể vào sổ tay những việc cụ thể mà con mình đã làm tại nhà trong việc nội trợ rồi trình cô giáo xem vào ngày học tiếp theo).

Các sinh hoạt Đội và Đoàn, nếu có, lẽ ra phải được tiến hành chỉ vào ngày nghỉ cuối tuần như sinh hoạt Hướng Đạo trước 1975, không được cấy ghép vào thời gian học ngày thường tại trường, và không được xem như là điểm cộng thêm bổ sung hoặc thay cho điểm hạnh kiểm học sinh.

Về thể dục thể thao, đã có sự sai lầm cơ bản khi cho rằng giáo dục văn-thể-mỹ phải có cả thể dục-thể thao và mỹ học kèm phụ thêm vào học văn hóa nhằm tạo nên người công dân vẹn toàn. Học văn hóa là duy nhất chủ lực và hoàn toàn không tùy thuộc vào sở thích hay năng lực của học sinh. Trong khi đó, thể dục thể thao lại tùy vào sở thích cùng năng lực thể chất của từng học sinh. Do đó, một học sinh buộc phải theo cả trăm học sinh khác phí bỏ thời giờ khi tập trung nhiều giờ tại một nơi chẳng hạn như đường cung bên ngoài Sân Vận Động Quân Khu 7 đường Phổ Quang, Quận Tân Bình, để được một nữ giáo viên thể dục la hét trong sự ồn ào hơn sấm của cả trăm học sinh nam nữ giởn hớt, cười cợt, cũng đang la hét, để “dạy” học sinh chạy nhảy, để rồi rất có thể một số học sinh trong số đó lại phải mất thời gian sau học để đến một sân tennis tập dợt hay một trung tâm thể dục thể thao để học võ Vovinam chẳng hạn tức những nội dung “thể dục-thể thao” đúng sở thích cá nhân của học sinh. Thậm chí một trường điểm lớn như Lê Hồng Phong Quận 5 sau khi yêu cầu học sinh đăng ký tham gia học các môn thể thao ưa thích theo danh mục trường đề ra, lại dùng quyền lực tự ý san sẻ một số học sinh vào những “môn thể thao” như “chơi cờ vua” do chẳng ai chịu đăng ký. Như vậy, thể dục-thể thao chẳng khác nào chỉ để phục vụ cái văn-thể-mỹ vô bổ đầy hư danh, để “nuôi gà đá” nhằm có đội ngũ tham dự Hội Khỏe Phù Đổng đầy hư danh, và để gia tăng mức độ “stress” của học trò, mà hậu quả nhãn tiền là chưa bao giờ sự đầu tư cho văn-thể-mỹ đó giúp có thêm nhiều triệu học sinh ưu tú thực sự về văn hóa, nhiều triệu học sinh lừng danh thực sự về thể thao để ngự trị ASEAN và Châu Á, và nhiều triệu nhà mỹ học làm Việt Nam hãnh diện. Nếu bỏ hẳn môn thể dục-thể thao chung chung vô bổ, học sinh có thêm thời gian để đầu tư cho bộ môn ưa thích, và đây là cơ sở để có ngày Việt Nam cung cấp cho thế giới một Novak Djokovic (hoặc một Serena Williams) da vàng.

Tại Sài Gòn trước 1975, môn hội họa ở tiểu học hoàn toàn không nhằm vào cái “cảm thụ mỹ thuật” vớ vẩn nào cả. Môn hội họa được xác định là để học sinh từ việc vẽ những nét thẳng đơn giản nhất của vật chất nhìn thấy cụ thể xung quanh tiến đến vẽ những vật chất cụ thể ấy dạng cong và 3D chính xác. Sự học này chỉ để giúp học sinh khi lên trung học vẽ được bản đồ khi học và thi môn Địa Lý, vẽ được tinh thể các loại đá khi học và thi môn Vạn Vật Học (Sinh Vật), và vẽ được các đường toán học, chưa kể để phục vụ cho cấp đại học đối với các môn như kiến trúc và đồ họa, v.v. Trong khi đó, môn Vẽ ở tiểu học Việt Nam ngày nay là để có những bộ tranh nguệch ngoạc vẽ “sinh hoạt sân trường” hay vẽ “hòa bình thế giới” hay vẽ “du hành không gian” chỉ nhằm góp mặt đông vui cho những buổi triển lãm tranh “thiếu nhi”. Đã sai về mục đích và mục tiêu thì rõ ràng là các môn học các cấp như môn vẽ không để làm học sinh giỏi hơn về môn vẽ để thành họa sĩ cũng như hoàn toàn không hỗ trợ gì các môn học khác ở các cấp cao hơn.

Ngay cả việc thêm môn học vi tính cũng là một sự phí phạm về tiền bạc, thời gian học sinh, gây ra gánh nặng ngân sách về lao động (lực lượng giáo viên “cơ hữu”), và gây ra cả sự bất công do không phải 100% các trường học ở vùng sâu vùng xa và hải đảo đều được đầu tư phòng học “công nghệ thông tin”. Bản chất của việc “dạy” vi tính là “cầm tay chỉ việc” chỉ cần vài tháng chứ không là thứ để học lâu dài để các trường phải có phòng vi tính, có hàng chục máy vi tính không bao giờ hiện đại, sử dụng toàn phần mềm bẻ khóa làm nhục quốc thể và phản tác dụng giáo dục, gắn máy lạnh, và thường xuyên đối phó với nguy cơ trộm cắp từ bên ngoài. Gia đình nào quan tâm đến vi tính có thể vào thời điểm thích hợp khi con cái đến độ tuổi an toàn mà gia đình có thể mua máy vi tinh cũng như có thể cho con đến học một hai khóa vài tháng ở một trung tâm nào đó gần nhà, thì lúc ấy sẽ tự lo liệu cho con mình.

Một cái sai khác ở Việt Nam mà tác giả bài viết này đã nói đến trong nhiều năm qua đó là dù cho chính sách của Đảng và Nhà Nước luôn cổ súy cho sự phát triển công nghiệp nặng và đại cuộc công nghiệp hóa thì vẫn luôn tồn tại sự tầm thường hóa ngành kỹ thuật, ưu ái từ chương, qua cách dùng chữ “nghề” cực kỳ thô thiển, cực kỳ hạ thấp phẩm giá, như trong các cụm từ Trường Trung Cấp Nghề và Trường Cao Đẳng Nghề, cũng như trong sự tự tiện sai quấy khi hạ thấp ý nghĩa của “cao đẳng”, xem “cao đẳng” thấp hơn “đại học” (xin liên hệ phần links bài “Đại Học” ở mục tham khảo bên dưới), khiến hủy phá ngành học kỹ thuật, gây mất cân đối nghiêm trọng vô phương cứu chữa đối với nội dung cung ứng đủ nhân lực kỹ thuật cho xã hội.

Tóm lại, chương trình học trung học của Việt Nam đa dạng hơn, dồi dào hơn, nhiều hơn, đầy đủ hơn, lý tưởng hơn, và tất cả những điều không giá trị thực chất ấy dẫn đến vấn nạn học sinh bị stress nhiều hơn, sức khỏe tâm thần bị đe dọa nhiều hơn, chất lượng dạy xuống thấp hơn, hiệu quả học rơi tự do, khiến Bộ Giáo Dục phải cứu vớt học sinh bằng cách dùng biện pháp quái gở là đánh giá để thay thế việc cho điểm ở bậc tiểu học, cắt giảm rất nhiều các môn chỉ cần học mà không thi, tiến đến bài thi đại học không khác bài thi tú tài, tiến đến tuyển sinh đại học không cần thi. Toàn xã hội và cả dân tộc phải gánh chịu hậu quả từ nguồn nhân lực luôn được trang điểm với đầy đủ bằng cấp cử nhân, thạc sĩ, và tiến sĩ hoàn toàn không từ nền móng vững chắc của một nền giáo dục đáng tin cậy.

5)   Tổ Chức Nhà Trường Của Việt Nam

a) Ở Sài Gòn:

– Tất cả các lớp tại tất cả các trường tiểu học và trung học dù công lập hay tư thục đều chỉ học một buổi trong ngày. Một lớp thí dụ có tên là Lớp 8A2 thì lớp đó cùng nhiều lớp khác chỉ học buổi chiều từ Thứ Hai đến Thứ Bảy (trước 1975 Việt Nam Cộng Hòa mõi tuần chỉ có Chủ Nhật là ngày nghỉ cuối tuần), trong khi các lớp còn lại thì học toàn buổi sáng. Nhờ vậy, học sinh học rất lành mạnh và khỏe khoắn. Thí dụ nếu chỉ học buổi sáng thì học sinh có thể sử dụng cả buổi chiều để nghỉ ngơi và buổi tối để làm bài tập cho ngày hôm sau. Tất nhiên, học sinh có thể sử dụng một trong hai buổi rảnh rỗi lúc chiều và tối để đi học thêm nếu muốn.

– Tất cả các trường tiểu học và trung học dù công lập hay tư thục đều cực kỳ chuyên nghiệp: không bao giờ có cái gọi là sinh hoạt hội phụ huynh học sinh, không bao giờ cho phép phụ huynh học sinh được can dự vào việc dạy học của giáo viên và của trường; và phụ huynh chỉ được nhà trường mời đến nếu (a) học sinh phạm lỗi nghiêm trọng vì nếu ít nghiêm trọng thì chỉ cần sự giải quyết bằng  roi vọt thẳng tay của Thầy Tổng Giám Thị, (b) học sinh trường tư thục chậm đóng học phí, và (c) học sinh được giải thưởng xuất sắc toàn trường nếu trường có tổ chức lễ hội.

day-them-6

(Tương tự bịnh viện Âu Mỹ: không bao giờ sinh hoạt cái gọi là “hội thân nhân bịnh nhân”, không bao giờ cho phép thân nhân được động tay vào bịnh nhân đang nằm điều trị tại bịnh viện vì tất cả mọi việc từ chữa trị, điều trị, chăm sóc, phục vụ bịnh nhân đều do người của bịnh viện thực hiện!)

– Tất cả các trường tiểu học và trung học dù công lập hay tư  thục đều cực kỳ chuyên nghiệp: không bao giờ yêu cầu (xin xỏ) phụ huynh học sinh đóng góp tiền “cơ sở vật chất” mua sắm trang thiết bị vì nhà nước phải cung cấp đầy đủ cho trường công lập và chủ nhân phải cung cấp đầy đủ cho trường tư thục. Không đầy đủ cơ sở vật chất thì không bao giờ được gọi là trường học. (Tương tự bịnh viện Âu Mỹ: không bao giờ yêu cầu thân nhân bịnh nhân đóng góp tiền xây dựng “cơ sở vật chất” mua sắm trang thiết bị vì nhà nước phải cung cấp đầy đủ cho bịnh viện công và chủ nhân phải cung cấp đầy đủ cho bịnh viện tư. Không đầy đủ cơ sở vật chất thì không bao giờ được gọi là bịnh viện!)

– Tất cả các trường tiểu học và trung học dù công lập hay tư  thục đều cực kỳ chuyên nghiệp: không bao giờ yêu cầu (xin xỏ) phụ huynh học sinh đóng góp tiền để mua quà cho học sinh giỏi và mua quà cho giáo viên Ngày Nhà Giáo (Việt Nam Cộng Hòa không có cái gọi là Ngày Nhà Giáo), vì toàn bộ chi phí phải lấy từ tiền do Nhà Nước cung cấp cho trường công lập và do chủ nhân cung cấp cho trường tư thục. Không có tiền mua phần thưởng cho học sinh và cho lao động của trường thì đó không là trường học. (Tương tự bịnh viện Âu Mỹ: không bao giờ yêu cầu thân nhân bịnh nhân đóng góp tiền để thưởng cho bác sĩ, y tá, nhân viên bịnh viện vì tất cả phải sẵn có trong kinh phí hoạt động của bịnh viện mà Nhà Nước phải cung cấp đầy đủ cho bịnh viện công và chủ nhân phải cung cấp đầy đủ cho bịnh viện tư. Không có tiền lo các phần quà cho tập thể lao động của bịnh viện thì không bao giờ được gọi là bịnh viện!)

– Tất cả các trường tiểu học và trung học tư thục đều cực kỳ chuyên nghiệp: không bao giờ có cái gọi là “lực lượng giáo viên cơ hữu” vì việc kinh doanh luôn phải trên cơ sở phục vụ tốt nhất, do đó lực lượng giáo viên phải có danh tiếng và đang dạy tại những trường công lập có danh tiếng.

– Tất cả các trường tiểu học và trung học công lập đều cực kỳ chuyên nghiệp: không bao giờ – và cũng không có quyền – ngăn cấm giáo viên “cơ hữu” của mình  dạy thêm tại các lớp dù ban ngày hay buổi tối của các trường tư thục.

b) Ở Thành phố Hồ Chí Minh:

– Trường học hoàn toàn bất lực không bao giờ có thể thu xếp cho lớp học chỉ học một buổi cố định trong ngày và cố định suốt tuần suốt năm học, khiến học sinh phải học hai buổi sáng, chiều, hoặc có hôm sáng có hôm lại là  chiều; và do đó, (a) học sinh và phụ huynh học sinh bị tước mất sự chủ động trong tổ chức sinh hoạt gia đình, (b) thời gian ít ỏi còn lại của buổi tối nếu phải dành để học thêm hay để tự học chuẩn bị bài cho hôm sau sẽ khiến tạo áp lực “stress” khủng khiếp lên học sinh và phụ huynh học sinh, và (c) phá tan nát giềng mối gia đình vốn cực kỳ quan trọng trong định hình nhân cách học sinh.

– Trường học luôn tồi tệ về tính chuyên nghiệp khi yêu cầu (tức “xin xỏ”, hoặc “xin đểu”) phụ huynh học sinh đóng góp tiền xây dựng cơ sở vật chất, tiền làm phần thưởng cho học sinh (gần như 100% học sinh đều có phần thưởng) và cho giáo viên (có nơi như Trường Lê Quý Đôn trên đường Võ Văn Tần Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phụ huynh đóng góp tiền cho tập thể giáo viên nghỉ hè tại Singapore), v.v. Việc này rất kỳ quái nếu liên tưởng đến việc một công ty taxi yêu cầu khách hàng đóng góp tiền để công ty mua xe hơi phục vụ khách hàng, hoặc một người tửng tửng gỏ cửa từng nhà yêu cầu người dân đóng góp tiền cho hắn đi học cử nhân, cao học và tiến sĩ để y sẽ phục vụ họ tốt hơn vậy.

– Trường tư thục luôn buộc phải có lực lượng giáo viên “cơ hữu” mới được cấp giấy phép khiến hoặc (a) phải “bứng” giáo viên cơ hữu của trường công lập nghĩa là giáo viên ấy bỏ hẳn trường công lập, hoặc (b) phải phải “bứng” giáo viên cơ hữu của trường tư thục khác, hoặc (c) phải nhận các giáo viên bất kỳ dù tay mơ mới tốt nghiệp miễn hình thành nên danh sách theo quy định.

6)   Cái Sai Của Chương Trình Thi Cử Của Việt Nam Sau 1975

Khi hòa tan hệ 9 năm vào với hệ 12 năm, ngoài việc hạ thấp chất lượng giáo trình hệ 12 năm hoặc kéo dãn giáo trình hệ 9 năm để dạy đủ 12 năm, còn có việc sai hoàn toàn trong thi của vào đại học ngay từ kỳ thi đại học khóa đầu tiên của “cách mạng” vào đầu năm 1976.

Thí dụ có thực sau đây đã xảy ra tại Đại Học Văn Khoa Thành phố Hồ Chí Minh (năm 1978 hòa nhập vào Đại Học Khoa Học để thành Đại Học Tổng Hợp, và cách nay vài năm lại tách ra để mang tên Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn đầy thô thiển).

Lớp Anh Văn năm thứ nhất của Khoa Ngoại Ngữ có cả những sinh viên không hề xin thi vào Ban Anh Văn. Nhiều bạn đã tâm sự cùng tôi vào giờ giải lao rằng họ rất sợ tiếng Anh vì học rất kém môn này ở trung học, thậm chí không học do chiến tranh, nhưng dù họ nài nỉ van xin trường cho họ được học khoa Văn Tiếng Việt hoặc Khoa Sử mà họ đã thi đậu vào, họ vẫn được trường “động viên” bảo họ phải đảm đương trọng trách chính trị được Đảng giao phó, đơn giản vì họ không những là dân sống ở các tỉnh Miền Trung nhưng có thân nhân lén tham gia cách mạng và trở thành liệt sĩ, mà bản thân còn là Đoàn Viên Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh ngay sau ngày giải phóng. Thậm chí họ còn được chọn để làm luận án nghĩa là để được giữ lại trường để giảng dạy đại học, trong khi các sinh viên còn lại phải thi tốt nghiệp với tất cả các môn. Một bạn trong số họ đã luôn đối xử tốt với tôi kể cả lúc tôi bị các sinh viên đảng viên chi bộ Ngữ Văn Việt được phân công quản lý sinh viên “quần chúng” các lớp Anh và Pháp vu khống tôi phản động (do thấy tôi được người họ tôn làm hoa khôi thương yêu) nhằm làm tôi bị đuổi học, nên khi người ấy ngỏ lời với tôi rằng người ấy chỉ muốn thi tốt nghiệp chứ không thể làm luận án tiếng Anh và tỏ sự bực tức vì sao Khoa lại loại tên tôi khỏi danh sách trình luận án dù tôi được các thầy cô tiến cử, tôi đã động viên người ấy hãy cố gắng và không những đã viết hộ người ấy bản luận án, đánh máy nhiều lượt để hình thành nhiều bộ luận án nộp hội đồng đúng số lượng yêu cầu, mà còn hướng dẫn anh ấy cách trả lời các câu hỏi phản biện nào rất có thể được nêu lên trong buổi trình luận án. Người ấy trở thành chức sắc ở Khoa Ngoại Ngữ Đại Học Tổng Hợp sau này, còn tôi phải thi tốt nghiệp, được Sở Công An và Cao Đẳng Sư Phạm cùng tranh nhau xin về sau khi nghiên cứu hồ sơ tốt nghiệp của trường, và tôi chọn trở thành giáo viên Anh văn trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh trong gần 10 năm trước khi phải bỏ nghề duy nhất tôi yêu thích chỉ vì không những đã không chịu gian lận thi cử tuyển sinh giúp “con em” của lãnh đạo theo gơi ý của lãnh đạo trường mà còn dám tố cáo họ lên cấp trên.

Như vậy, trong thời kỳ thi cử đại học còn nghiêm túc và khó khăn, chất lượng cao, mà vẫn xảy ra việc “duy ý chí”, đưa sinh viên không dự thi Ban Anh Văn vào học Ban Anh Văn để trở thành lãnh đạo Ban Anh Văn do lo sợ nội dung học và dạy tiếng Anh không bảo đảm đúng tư tưởng chính trị, thì bảo sao từ những giảng viên đại học môn Anh Văn, những sinh viên học trò của họ sau này trở thành giáo viên – thậm chí giảng viên đại học tiếp nối họ – như thế, các sinh viên tốt nghiệp sau này đã không thể sử dụng được tiếng Anh trong đời sống, người sử dụng lao động cứ mãi chê bai chất lượng tiếng Anh của ứng viên có bằng cử nhân Anh Văn, còn Nhà Nước cứ phải tiến hành nhiều đợt cải cách giáo dục loại 3600  nghĩa là quay về chốn cũ.

Chỉ cần tham khảo mới chỉ một trong nhiều môn học mang tính “lược khảo” tức “đại cương” của sinh viên năm thứ nhất Đại Học Luật Khoa ở Sài Gòn trước 1975 như dưới đây cũng đủ biết một học sinh thi đậu Tú Tài II đã đạt trình độ ra sao về tư duy và năng lực trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học Luật:

chau-dieu-ai-b-5chau-dieu-ai-b-4chau-dieu-ai-b-3

So với một vài chi tiết của chương trình đại học Luật hiện nay thí dụ với tổng cộng 131 tín chỉ trong đó các phần “đại cương” và “kiến thức cơ sở” như sau:

day-them

Lòng sông đã nông thì các mô hình vĩ đại như hàng không mẫu hạm hay du thuyền vĩ đại cũng sẽ không bao giờ vào được bến bờ.

Căn bản đã nông thì mọi cách giảng dạy hiện đại đều mãi mãi không bao giờ có thể áp dụng thành công ở Việt Nam.

7)   Thực Chất Của Dạy Thêm Và Học Thêm

a) Ở Sài Gòn:

– Chỉ các giáo viên danh tiếng, có thâm niên, có điều kiện, mới có thể tự tổ chức dạy thêm (đây là điều kiện tự nhiên và tự thân, không phải do quy định của chính quyền hay pháp luật).

– Việc dạy thêm được thực hiện chủ yếu tại nhà riêng của các giáo viên.

– Việc dạy thêm có thể dưới hình thức nhận lời dạy tại các trường tư thục với tư cách dạy chính, được nêu tên để quảng cáo cho uy danh của trường tư thục ấy, dù giáo viên nhận hợp tác dạy “chính” thêm không là “cơ hữu”. “Dạy chính” nghĩa là có trách nhiệm cao nhất, nghĩa là đảm bảo chất lượng cao nhất, và bảo đảm duy trì suốt năm học không bao giờ bỏ buổi dạy hay trể giờ dạy (tất nhiên trừ trường hợp có sự cố nghiêm trọng hay sự việc quan trọng của cá nhân giáo viên).

– Việc học thêm là nhu cầu của duy chỉ năm đối tượng học sinh gồm (a) yếu kém, (b) quan tâm đến “môn” ưa thích nhưng không được dạy ở trường chẳng hạn như thanh nhạc hoặc đàn guitar hoặc tennis hoặc bơi lội, (c) muốn học “trước” để dọn đường cho năm học sau, (d) muốn va chạm với các bài tập cao hơn và khó hơn như tại các lớp luyện thi Tú Tài I hoặc Tú Tài II hoặc TOEFL, và vì (e) muốn được gần “đối tượng” nào đó mà mình mơ tưởng thầm thương trộm nhớ đang theo học tại lớp học thêm ấy dù môn học ấy mình chẳng cần phải “học thêm”.

– Việc học thêm thường được đặt trên ba tiêu chí cơ bản như (a) nhà thầy/cô dạy thêm gần nhà mình, (b) cha mẹ mình có biết về thầy/cô dạy thêm đó cả về danh tiếng và về nhân thân do cùng hay gần khu phố, và (c) thầy/cô ấy không phải là thầy/cô đang dạy lớp của mình tại trường chính mà mình đang theo học vì mục đích là muốn học điều mới lạ từ thầy/cô khác.

– Việc học thêm tại một trung tâm không gần nhà chỉ được thực hiện khi (a) đó là trung tâm ngoại ngữ danh tiếng thí dụ như London School hay Hội Việt Mỹ VAA mà mục đích uy nhất là để luyện nói và luyện nghe vốn là hai phần không bao giờ được dạy hiệu quả tại lớp học tại trường trung học, và (b) đó là trung tâm luyện thi Tú Tài II có các giáo sư danh tiếng cho môn học duy nhất thuộc hạng khó nhất là Triết Học.

– Việc học thêm tại nhà một thầy/cô có danh tiếng nhưng lại xa nhà mình được thực hiện chỉ vì một lý do duy nhất: khu phố nhà mình và các vùng lân cận không có thầy/cô danh tiếng nào cho môn học mình quan tâm.

b) Ở Thành phố Hồ Chí Minh:

– Việc dạy thêm tại nhà riêng của giáo viên hay tại nơi giáo viên thuê mướn được thực hiện bởi bất kỳ giáo viên nào, kể cả giáo viên mới vào nghề và không danh tiếng.

– Việc dạy thêm được thực hiện đối với chính môn học và chính học sinh mà mình dạy môn học ấy tại trường trung học nơi mình làm giáo viên cơ hữu.

– Việc dạy thêm được thực hiện tại nhà của học sinh do phụ huynh mời thỉnh.

– Việc học thêm được diễn ra không chắc chắn do học sinh yếu kém, mà chủ yếu vì phụ huynh học sinh và học sinh muốn bày tỏ sự “biết điều” trong ủng hộ thầy/cô để học sinh được hưởng lợi từ sự nương tay của giáo viên trong điểm số tại lớp.

– Việc học thêm bị diễn ra vì phụ huynh muốn có nơi để gởi con mình trong thời gian mình bận việc vào buổi tối. Trong buổi họp Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi có lịnh Thành Ủy cấm dạy thêm, một nữ đại biểu đã phát biểu (qua phóng sự truyền hình HTV) chống lại lịnh cấm với lý do rằng có những “cử tri” bức xúc nói với bà rằng nếu thế thì họ không biết đem con họ gởi vào đâu.

8) Cái Đúng Của Bí Thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng

Từ nội dung 7.b nêu trên vốn đã kéo dài nhiều thập kỷ, Bí thư Thành Ủy Đinh La  Thăng đã hoàn toàn đúng khi đề ra chủ trương nhằm ngăn cấm việc dạy thêm của giáo viên. Việc cấm đoán này không sai do có sự vô lý rằng giáo viên đã dạy tại lớp nhưng lẽ nào lại thất bại đến độ học sinh không thể tiếp thu, phải đi học thêm từ chính giáo viên đó cho chính bài học giáo viên đó đã giảng tại lớp.

9)   Cái Sai Của Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, cái đúng của Bí thư Thành Ủy Đinh La Thăng không được mặc định rằng việc Thành Ủy nghị quyết cho bên hành chính công quyền thực hiện ngay và triệt để điều đúng ấy sẽ luôn là một việc đúng như được chứng minh dưới đây.

a- Sự Yếu Kém Về Giáo Dục Của Ban Tuyên Giáo

Điều rõ ràng ở đây là Ban Tuyên Giáo chỉ là Ban Tuyên Truyền do đã không có gì chứng minh đã có sự sáng suốt về Giáo Dục trong tất cả các thời kỳ của Thành Ủy từ sau 1975 đến nay. Thực tế là tất cả các chức sắc phụ trách các Sở đều là đảng viên, thậm chí là thành ủy viên, và các chủ trương chính sách từ các nghị quyết của thành ủy đều được thực hiện xuyên suốt nhiệm kỳ của các Hội Đồng Nhân Dân và Ủy Ban Nhân Dân. Sự xuống cấp của tổ chức giáo dục và chất lượng giáo dục là minh chứng rõ nét nhất cho sự yếu kém có thật này của Ban Tuyên Giáo của tất cả các thời kỳ Thành Ủy.

b- Sự Vi Phạm Hiến Pháp Và Luật Pháp

Việc mưu cầu hạnh phúc là điều cơ bản về quyền công dân như được minh định trong Tuyên Ngôn Độc Lập Việt Nam và sự chế định trong Hiến Pháp Việt Nam có nội hàm liên quan đến khía cạnh đảm bảo quyền được sống cuộc sống bình thường, được đáp ứng những nhu cầu cơ bản để tồn tại và phát triển.

Pháp Luật về Lao Động không bao giờ quy định người lao động là một thực thể luôn luôn thuộc quyền sở hữu của bên sử dụng lao động 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần trong suốt thời gian thực hiện một hợp đồng hay khế ước lao động.

Vì vậy, việc dạy thêm của giáo viên không làm giáo viên ấy vi phạm hợp đồng lao động hoặc khế ước lao động hoặc hình thức nào đó tương tự đã ký hoặc thỏa thuận với nhà trường. Trong khi đó, việc cấm giáo viên không được dạy thêm ngoài thời gian phục vụ cho trường sẽ phạm phải các điều cơ bản sau:

– Thành Ủy, Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Sở Giáo Dục & Đào Tạo không phải là bên sử dụng lao động, không là một bên trong hai bên trực tiếp có liên quan là nhà trường và giáo viên, nên hoàn toàn không có quyền cấm giáo viên dạy thêm, nhất là khi việc dạy thêm không nằm trong danh sách những ngành nghề và nội dung việc làm bị cấm hành nghề trong luật pháp quốc gia.

– Nhà trường dù là một trong hai bên trực tiếp có khế ước liên quan đến lao động tại trường, cũng hoàn toàn không có thẩm quyền luật định nào để ngăn cấm giáo viên liên kết hợp tác với các trường khác, các trung tâm khác, hay các lớp nơi khác kể cả lớp tự tổ chức tại gia, ngoài các nội dung đã được minh định trong hợp đồng hay khế ước hoặc thỏa thuận về lao động giữa nhà trường và giáo viên.

– Việc dạy thêm về chuyên môn – kể cả chuyên môn tay trái – của giáo viên là việc không thể cấm đoán nêu không làm tiết lộ bí mất quốc gia, bí mật quốc phòng, bí mật an ninh trật tự xã hội, bí mật tổ chức hoạt động của nhà trường là cơ quan mà giáo viên phục vụ trong biên chế, hoặc vi phạm tác quyền tài liệu có đăng ký sở hữu trí tuệ của trường, hoặc sử dụng giờ giấc lao động phục vụ trường để làm việc dạy thêm ấy tại nơi khác.

– Việc dạy thêm của giáo viên không thể bị phân biệt đối xử một cách bất công, do người thuộc các ngành nghề khác lại không bị cấm đoán như vậy, chẳng hạn như nghề y, nghề cơ khí kỹ thuật, nghề vi sinh hay y sinh, v.v.

– Việc dạy thêm của giáo viên đáp ứng nhu cầu học tập các môn học bất kỳ của học sinh, đặc biệt trường hợp học sinh muốn học thêm các môn năng khiếu như ca hát, sử dụng nhạc cụ, hội họa đồ họa, toán nâng cao, hoặc ngay cả ngoại ngữ nâng cao, v.v., vốn không nằm trong chương trình trung học tại trường.

– Việc dạy thêm của giáo viên cũng là việc đáng khích lệ và biểu dương khi chủ động đảm bảo quyền của con cái mà giáo viên phải dưỡng nuôi và quyền của phụ mẫu mà giáo viên phải phụng dưỡng để các thân nhân này được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản để tồn tại và phát triển. Việc cấm dạy thêm sẽ đồng nghĩa với việc Nhà Nước phải cung cấp các khoản trợ cấp để giáo viên đủ trang trải cho các nội dung trên, vốn là việc không bao giờ Nhà Nước thực hiện được.

c- Sự Chủ Quan Không Tham Vấn Chuyên Gia Thực Thụ Về Giáo Dục

Ý kiến chỉ đạo đúng đắn của Bí Thư Thành Ủy Đinh La Thăng đã được thực hiện như một cái máy, khiến người quan tâm và kẻ thù của chế độ có thể liên tưởng đến một đế chế đã luôn tồn tại ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó các Bí Thư Thành Ủy là một vị vương mà tất cả các ý chỉ và khẩu dụ hoặc chiếu thư đều được răm rắp thực hiện, hoàn toàn không có sự góp ý của các thành ủy viên là chuyên gia thực thụ về giáo dục để nội dung sắp phổ biến mang tính thuyết phục nhất, các nội dung phản biện nào có thể được dự kiến trước để hóa giải, và việc thực hiện sẽ được thông suốt. Việc không có thành ủy viên nào là chuyên gia giáo dục không bao giờ là yếu điểm của Ban Tuyên Giáo nếu như Ban Tuyên Giáo có tham vấn chuyên gia thực thụ về giáo dục và luật pháp có liên quan đối với các kế sách định ban hành nhất là khi các kế sách ấy không thuộc danh mục bí mật an ninh quốc gia.

10) 4 Đề Xuất Khả Thi Của Hoàng Hữu Phước

1) Giáo viên của tất cả các môn học đều có quyền dạy thêm tại bất kỳ trung tâm nào, bất kỳ cơ sở trường học nào, nếu được mời bởi những trung tâm hay cơ sở trường học ấy, bất kể giáo viên được mời là giáo viên có thâm niên công tác hay là giáo viến mới nhận việc giảng dạy chưa có kinh nghiệm.

2) Giáo viên của tất cả các môn học đều có quyền mở lớp dạy thêm tại nhà của mình với điều kiện được chính quyền địa phương cho phép, trên cơ sở (a) giáo viên ấy có giấy chứng nhận thâm niên công tác giảng dạy chính thức tối thiểu 5 năm tại một trường học và có thành tích giảng dạy tốt, (b) nhà dùng làm nơi dạy thêm có trang bị tiện nghi thích hợp cho việc giảng dạy cũng như không gây cản trở đi lại do việc dựng xe của học sinh và thân nhân, và không bị hàng xóm khiếu nại về tiếng ồn hay vệ sinh chung, và (c) phải có danh sách học sinh ghi rõ địa chỉ liên lạc để công an địa phương tham khảo khi cần.

3) Giáo viên nói đến ở mục 10.2 ở trên có thể mời thêm giáo viên khác đến sử dụng cơ sở vật chất tại nhà của mình để cùng tham gia dạy thêm để giúp học sinh không phải đi xa hơn hoặc đến nhiều nơi hơn, với điều kiện giáo viên mời phải có những giấy tờ sau từ giáo viên được mời: giấy chứng nhận thâm niên giảng dạy của trường nơi giáo viên ấy dạy chính thức, bản lý lich cá nhân, và bản sao Chứng Minh Nhân Dân, để công an địa phương tham khảo khi cần.

4) Nhà trường không được phép sử dụng cơ sở vật chất của trường để tổ chức “dạy thêm”; tuy nhiên, nhà trường có thể cho giáo viên của trường khi đáp ứng điều kiện về thâm niên cùng uy tín chuyên môn thuê một phòng nào đó của trường để dạy thêm ngoài giờ tức sau tan học buổi chiều và vào ngày nghỉ cuối tuần. Các giáo viên thiếu thâm niên, ít thành tích trong giảng dạy, và lớp đang dạy có vấn đề về kết quả học tập đối với bộ môn mình phụ trách thì không được trường cho thuê cơ sở vì như vậy chẳng khác nào giáo viên tổ chức lớp dạy thêm không bằng trình độ uy tín cá nhân mà bằng cách lạm dụng danh tiếng của nhà trường.

11) 5 Đề Xuất Bất Khả Thi Của Hoàng Hữu Phước

Do chưa có sự râm ran hay rầm rộ chê bai về chất lượng đào tạo của các ngành khác trừ bộ môn Tiếng Anh, năm đề xuất sau là dành riêng cho bộ môn này, và tất cả đều bất khả thi như điều tất yếu từ các mặc định xơ cứng cố hữu ở Việt Nam:

1) Thay đổi toàn bộ các chức sắc cao nhất của ngành Anh Văn ở tất cả các trường đại học với lý do đơn giản là vì có thực tế không thể chối cãi là đã luôn có sự thất bại về trình độ tiếng Anh nơi các sản phẩm đã được đào tạo xong tại trường của họ.

2) Thay đổi toàn bộ các chương trình, giáo trình, và phương pháp giảng dạy tiếng Anh đang được áp dụng tại các trường đại học, với lý do đơn giản là vì có thực tế không thể chối cãi là đã luôn có sự thất bại về trình độ tiếng Anh nơi các sản phẩm đã được đào tạo xong tại các trường này.

3) Bỏ tất cả các sách giáo khoa tiếng Anh ở bậc trung học dù soạn bởi người Việt hay bởi tập thể người Việt và người nước ngoài, để sử dụng bộ sách của Mỹ sau khi tham vấn chuyên gia thực thụ về giảng dạy tiếng Anh bậc trung học ở Việt Nam, với lý do đơn giản là vì có thực tế không thể chối cãi là đã luôn có sự thất bại về trình độ tiếng Anh nơi các học sinh đã được học với các sách giáo khoa này.

4) Hình thành một học thuyết mới và đặc thù về dạy và học tiếng Anh cho học sinh  Việt ở Việt Nam, theo đó (a) khẳng định tầm quan trọng hơn hẳn của đọc và viết so với nói và nghe vì chính trình độ tốt của đọc và viết giúp nâng cao trình độ nói và nghe, (b) quy định việc học tiếng Anh hoặc ngoại ngữ tự chọn bắt đầu từ lớp 6 và học thêm ngoại ngữ khác cũng tự chọn từ lớp 10, (c) chỉ áp dụng hình thức trắc nghiệm cho các bài kiểm tra nhưng không bao giờ áp dụng trắc nghiệm cho kỳ thi tú tài và đại học – bất kể đó là đại học ngành Anh Văn hay bất kỳ ngành nào khác, và (d) loại bỏ khỏi chương trình trung học các môn vô ích vô dụng vô duyên như đã nêu ở các phần trên để học sinh có thể học nhiều hơn, thi đầy đủ các môn đã học để đưa các môn học như Lịch Sử hay Công Dân, v.v. trở lại phẩm giá cao vốn có của các môn học ấy, và chủ động học thêm nhiều hơn do có thời gian nhiều hơn để từ đó khắc phục các yếu kém – nếu có – và đầu tư đúng trọng tâm cho những lĩnh vực quan tâm thực sự hơn thay vì để các quan tâm ấy thui chột do không có thời gian để đầu tư kịp lúc kịp thời.

5) Trước khi đi đến một quyết định mang tính chủ trương, chính sách, kế sách, hoạch định, quy định, có liên quan đến giáo dục & đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bí Thư Thành Ủy nên đích thân đến tư gia của tác giả bài viết này để được tham vấn chi tiết, ngõ hầu bảo đảm khi quyết định đã ban thì không bao giờ vấp phải ý kiến phản bác bất kỳ từ các đại biểu Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như bảo đảm sự đồng tình đồng thuận của những người trong cuộc bao gồm giáo viên và phụ huynh học sinh, từ đó nâng cao vị thế tuyệt đối đúng đắn của tổ chức Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Những Phân Tích Mới L‎ý Giải Vấn Nạn Bất Tương Thích Giữa Đào Tạo & Sử Dụng Nhân Lực Tình Độ Đại Học và Các Biện Pháp Cách Tân

Đại Học

Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai

Thế Nào Là “Từ Chương”

Trình Độ Thạc Sĩ – Tiến Sĩ Việt Nam

Vấn Nạn Yếu Kém Tiếng Anh Ở Việt Nam

Học Sinh Và Vấn Đề Giỏi Môn Việt Văn

Học Sinh Và Vấn Đề Giỏi Môn Việt Sử

Nhân Tài Ư? Thật Hỡi Ơi!

Lời Khuyên Dành Cho Học Sinh

Lời Khuyên Dành Cho Du Học Sinh Việt Nam

Tấm Lòng Cựu Nhà Giáo

Hướng Đạo

Đồng Phục Học Sinh

Tuyệt Thực

Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt Cho Thời Kỹ Thuật Số: Hồi Ức Về Một Sự Thật Chẳng Còn Người Việt Nam Nào Trên Thế Giới Còn Nhớ Hay Biết Đến

Both comments and trackbacks are currently closed.