Phi Trường Tân Sơn Nhất

Lời Cảnh Báo Của Hoàng Hữu Phước Từ 01-2009

Hoàng Hữu Phước, MIB

07-8-2016

Vài hôm trước tôi nghe báo lại là có vụ kẹt xe khủng khiếp ở cửa ngõ Sân Bay Tân Sơn Nhất.

Tựa đề bài viết này là Phi Trường Tân Sơn Nhất với 4 dụng ý gồm (a) ám chỉ sự so sánh với thời kỳ trước 1975; (b) ám chỉ tầm quan trọng trong phân biệt các thể loại ngôn từ vốn tồn tại trong tất cả các ngôn ngữ trừ tiếng Việt, nghĩa là chí ít gồm hai loại “formal” và “informal”, mà từ Hán Việt luôn mang ý nghĩa “formal” mà rất tiếc đã bị vùi dập do sự diễn giải sai lầm xằng bậy yêu cầu của việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” khiến có những từ như “phi trường” bị bình dân hóa thành “sân bay”, còn “sử dụng công lộ” bị thay thế bằng cụm từ Hán-Việt khác hoàn toàn mất tác dụng nhận thức của công dân là “tham gia giao thông”; (c) ám chỉ đừng bao giờ phủ nhận sự trang trọng trong lựa chọn ngôn từ của một ngôn ngữ có tác động nhãn tiền đến cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ấy; và (d) ám chỉ trình độ thấp kém của báo chí Việt Nam khi thiếu vắng hoàn toàn những bài viết mang tính tầm nhìn mà chỉ thuần túy hoặc đưa tin về một hiện tượng hoặc copy ý của một bài báo nước ngoài, thậm chí có cả chuyện một phóng viên tờ báo lớn lại đi phỏng vấn …một phóng viên Mỹ dịp Tổng Thống Obama sang thăm chính thức Việt Nam, rằng theo phóng viên Mỹ ấy thì Việt Nam nên làm gì đối với tình hình Biển Đông!

Với những dụng ý như trên, khi báo chí “đưa tin miêu tả” vụ kẹt xe khủng khiếp ở của ngõ Sân Bay Tân Sơn Nhất, tôi đăng lại bài viết sau mà tôi đã nhận xét, phê phán từ trước Tết 2009 dù lúc ấy tình hình chưa đến mức độ khủng khiếp như hiện nay.

Tất cả bắt nguồn từ lợi ích nhóm (các chức sắc “chủ đất” khu vực Sân Bay Tân Sơn Nhất đã dùng quyền lực để xẻ đường tạo thuận lợi cho việc đi lại hầu tăng giá bán của địa ốc), và từ sự thiếu vắng tầm nhìn của tất cả các thời đại Hội Đồng Nhân Dân và Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh (“giải quyết ùn tắc” ở đâu đó bằng cách mở hướng thoát về hướng Sân Bay Tân Sơn Nhất cho tất cả các loại xe từ xe đạp cho đến xe tải hạng nặng, khiến sẽ dẫn đến việc tạo ra sự “ùn tắc” mới tinh tại địa bàn chiến lược quốc gia, mà bất kỳ đưa trẻ có giáo dục và có trí tuệ minh mẫn nào cũng dễ dàng nhận ra ngay – trừ các chức sắc Thành phố Hồ Chí Minh).

Sự đáng buồn còn ở chỗ ngay khi có đề xuất dự án Sân Bay Long Thành, thiên hạ nhao nhao phản bác, và tất cả các phản bác này cho thấy 4 điều rằng (a) các “chủ đất” quanh Sân Bay Tân Sơn Nhất muốn mở rộng Sân Bay để đất đai quanh đó được tăng giá; (b) mọi người lại hà tiện keo kiệt chỉ muốn từ Sân Bay Tân Sơn Nhất về nhà cho gần thay vì từ Long Thành về nhà ở nội thành Thành phố Hồ Chí Minh; (c) các “kiến trúc sư” nội địa nhao nhao vẽ vời tính toán về Sân Bay Tân Sơn Nhất, để rồi khi dự án Long Thành được Bộ Chính Trị ủng hộ lại quay ra mè nheo đòi sự công bằng phải để cho các kiến trúc sư Việt tham gia thi thiết kế Nhà Khách Sân Bay Long Thành, trong khi theo tác giả bài viết này thì sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu không sử dụng công ty thiết kế nước ngoài nào đã có kinh nghiệm xây các Sân Bay khổng lồ tại các siêu cường kinh tế; và (d) sự thiếu vắng hoàn toàn trên báo chí những bài viết mang tính tầm nhìn chiến lược, thí dụ như đối với Sân Bay Tân Sơn Nhất, mà chỉ toàn là tải đăng các “phỏng vấn” toàn những ai chống lại dự án Long Thành.

Kính mời các bạn tham khảo “phóng sự” sau của “nhà báo” (tự phong) Hoàng Hữu Phước với các hình ảnh của “phóng viên ảnh” (tự phong) Hoàng Hữu Phước, thực hiện trước Tết 2009.

Phi Trường Tân Sơn Nhất

(Bài đăng trên Emotino.com ngày 07-01-2009 lúc 10g41)

Hoàng Hữu Phước, MIB

Năm mới nói về những ngỏ ngách xa xưa của Sài Gòn hoa lệ, để thấy ngày nay Thành phố Hồ Chí Minh cường thịnh khác biệt như thế nào. Và tại sao không, khi cửa ngõ vào Thành phố từ Sân Bay Tân Sơn Nhất hiện không chỉ khác ở chỗ tên gọi không còn là từ Hán Việt trang trọng quý phái Phi Trường Tân Sơn Nhất và ở chỗ  diện tích mặt đường vào ra nay còn rộng gấp mấy lần xa-lộ Đại Hàn.

Trước 1975, phi trường Tân Sơn Nhất là một trong những phi trường nhộn nhịp nhất thế giới, đặc biệt giữ vai trò trung tâm FIR (Flight Information Region – Cung Cấp Thông Tin Không Lưu Quản Lý Bay Toàn Khu Vực) toàn vùng Đông Nam Á, vào thủa Thái Lan là con số zero khổng lồ, còn Malaysia là tiểu quốc mà các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, quan chức chế độ Sài Gòn luôn cho là mình bị “đì” nếu được “cho” sang thăm và làm việc với các vùng lãnh thổ quốc gia ở cách biệt dưới quá sâu so với nền văn minh của Việt Nam cao vời với Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông.

Ấy vậy mà mỗi khi tôi vào phi trường (do tôi học chung lớp 9 trung học với một anh bạn tên Phụng là con của một sĩ quan cấp tá tên Phụng và anh này hay mời tôi đến chơi để cùng học tập chung do ba má của anh muốn anh “gần đèn thì sáng”, còn tôi thích đến học chung mỗi sáng Chủ Nhật vì thích ngắm qua khung cửa kính hai cô chị quá xinh đẹp cô nào cũng tên Phụng bơi lặn hay tắm nắng trong những bộ bikini sặc sở sắc màu Hawaii tại pít-xin tức hồ bơi trên sân thượng), tôi bị chặn lại ở cổng (ngay nơi ngày nay là đường Phổ Quang với Sân Vận Động Quân Khu 7 án ngữ) bởi một đội quân hàng chục người trang bị tận răng, chờ họ quay phone gọi vào, và sau đó  anh bạn Phụng cận thị của tôi phải chạy xe đạp ra đón, hoặc đại tá Phụng sai một sĩ quan thuộc cấp lái xe Jeep ra chở tôi (cùng chiếc xe đạp của tôi) vào tận nơi. Suốt con đường (ngày nay mang tên Trường Sơn) chỉ thấy hai bên toàn những biệt thự sang trọng (nghĩa là chỉ có một trệt một lầu và vườn cây bao quanh) rợp bóng cây xanh cao hơn cả nóc biệt thực của các sĩ quan không quân cao cấp.

Nhưng đường Trường Sơn vào tận Sân bay Tân Sơn Nhất ngày nay cực kỳ hoành tráng, với mặt đường cực rộng, nhà cao tầng mọc lên hơn nấm và san sát ở suốt hai bên đường, không có hoặc có ít màu xanh của lá cây, và thật “cảm động” khi con đường xưa kia chỉ dành cho giới sĩ quan quý tộc, nay được bình dân hóa tối đa, để mọi người dân đều được tự do vi vu ào qua, xẹt lại, với đường sá mở ra nhiều ở hai bên, và xe cộ tự do xẹt lại, ào qua.

TSN (1)

Những bức hình chụp lúc 6 giờ 15 phút sáng nay cho thấy mức độ bình dân hóa đã lên tới cực điểm mà điển hình là xe đông đúc, lúc nhúc, từ mọi nơi chạy xuyên qua khu vực tỷ đô này ra hướng quận Tân Bình, trong khi phía ngược lại là đúc đông, nhúc lúc xe cộ từ quận Tân Bình hối hả phóng đến cuối đường Trường Sơn để rẽ phải vào con đường Hồng Hà kỳ dị (kỳ dị vì đường này quẹo rẽ gảy khúc quanh co vẫn mang cùng tên Hồng Hà như thể không còn một tên nào khác có thể dùng được để phân định rạch ròi ngữ nghĩa tu từ và địa thế bản đồ) đi sang các khu vực khác. Như vậy chỉ cần có sự va quẹt giữa hai xe thô sơ hay xe máy giữa hai người đàn ông hoặc hai người đàn bà nói tiếng Việt là có nguy cơ gần như là tuyệt đối trên hệ toán xác suất xảy ra một vụ kẹt xe nghiêm trọng, khiến ô-tô không thể chạy thẳng (vào đường cao tầng đến nhà ga quốc tế) hoặc quẹo trái (vào đường thấp tầng đến nhà ga quốc nội), hoặc xe từ hai nhà ga này không thể đưa khách vào thành phố xuyên qua trận kẹt xe ngay bên trong sân bay. Đó là chưa kể sự bình dân hóa cao độ còn ôm ấp luôn sự bao bọc đầy trách nhiệm và cảm động: học sinh – sinh viên tương lai nước nhà học môn thể dục đông nghịt tại công viên Hoàng Văn Thụ và Sân Vận Động Quân Khu 7 ngay “đầu vào” sân bay, và Câu Lạc Bộ Hàng Không ngay “đuôi” sân bay (đường Hồng Hà) làm gia tăng số vụ kẹt xe ở khu vực Phổ Quang có mấy lô-cốt đào đường trường kỳ mai phục và luôn luôn ngập lụt khi mưa xuống, sẽ khiến có nhiều hơn các chuyến bay bị đì-lây (delayed, lùi giờ khởi hành vì chờ hành khách đến đủ).

TSN (3)TSN (2)

Ngày xưa, người ta phải học sói trán cũng chưa đạt được chuẩn “sang”, vì sang là cốt cách, là tác phong, là cả một quá trình giáo dục và thừa hưởng giáo dục trong một môi trường đồng cấp và đồng nhất mang tính gia đình thắm nhuộm trong từng tế bào của thân xác. Nếu biệt thự ở bên phải (tức tính từ ngoài vào phi trường), người sang trọng chạy xe đúng chiều đến cuối đường mới rẻ trái chữ U để qua bên phải chạy ngược lại để hướng ra cổng, vừa quý phái vừa đúng luật giao thông. Oái oăm thay khi ngày nay, người ta cố ý nhập nhằng, dùng keo Con Voi dán ghịt hai chữ giàu cósang trọng lại làm một chữ giàu sang, với chữ “giàu” đứng trước, khiến ai cũng nghĩ cứ có nhiều tiền là tức khắc tự nhiên sang, nên chẳng còn biết thế nào là sang. Rốt cuộc, nếu nhà (không bao giờ được mang danh “biệt thự”) ở bên phải (tức tính từ ngoài vào sân bay), người giàu ngồi trên xe hai bánh cực xịn (nhưng hà tiện và keo kiệt, sợ đi xa tốn xăng tướng xứng với xe xịn chứ không sợ mất danh dự cá nhân vì danh dự rẻ mạt tương xứng với bản thân; hoặc yêu môi trường, sợ đi xa phun nhả đi-ô-xít-cạc-bon tức cá-bần-đai-ô-xai carbon dioxide nhiều làm mẻ thêm tầng Ozone của cựu phó tổng thống Mỹ Al Gore) cứ thế mà tuốt ra hướng Tân Bình, dù chạy ngược chiều vi phạm luật giao thông, khiến từ bỏ vị thế kỳ lân của tứ linh sang trọng để bước sang vị trí kỳ đà cản mũi dòng xe đang lao đến. Tự do bôi bẩn mình, và tự do làm nhục quốc thể trước và trong mắt ngoại nhân. Ô hô tự do thay! Tự do thay! Cây dùi-cui của cảnh sát chế độ Sài Gòn và những gương mặt đằng đằng sát khí của các binh sĩ trang bị tận răng bảo vệ của ngõ Phi Trường Tân Sơn Nhất thật hiệu quả xiết bao!

Sân bay Tân Sơn Nhất là thế. Một sự chật chội cảnh quang. Một sự thể hiện vô duyên nghề dệt lụa trên hệ thống đường sá trong khu vực sân bay khi có sự đan xen điểm xuyết hoa văn (từ ngữ thường được dùng trong tất cả các video clip nhàm chán của HTV giới thiệu sản phẩm bất kỳ ở trong Nam) các ngõ ngách liên hoàn, cắt vụn con đường đắt giá, tạo nên sự cực kỳ thuận tiện cho cư dân sống trong ấy, cả về tiện lợi trong đi lại và sự tăng giá bán của những ngôi nhà hộp. Một sự tầm thường hóa không đáng có đối với một cửa ngõ đưa du khách vào một đất nước lẽ ra là tuyệt diệu, chẳng khác nào phơi bày một thiết kế nội thất có một thang máy Otis Model 2009 trong một căn nhà diện tích 4m x 10m có một trệt một lửng không lầu. Đó là lý do mỗi khi đến Sân Bay Nội Bài, Hà Nội, tôi không thể không tấm tắc khen với anh tài xế rằng Nội Bài quá đẹp, quá hoành tráng; rằng cảnh quang quá bao la, quá bát ngát; và rằng con đường vào Thủ Đô đủ xa và thừa thoải mái mới thật ngây ngất làm sao!

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Các bài viết tham khảo thêm có liên quan:

Sân Bay Long Thành: Lời Giải Thích Ngắn Gọn Giản Đơn

Dự Án Cảng Hàng Không Quốc Tế Long Thành

Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước nói về cái gọi là “Đường Bay Vàng”

Thư Gởi Thủ Tướng Về “Đường Bay Vàng”

Cô Lại Thu Trúc Gởi Thư Cho Lãnh Đạo Nhà Nước Góp Ý Về “Đường Bay Vàng” Hà Nội – Tp HCM

Mai Trọng Tuấn: Ý Kiến Lạ Kỳ

Tầm Nhìn Của Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước

Both comments and trackbacks are currently closed.