Đả Đảo TPP

Hoàng Hữu Phước, MIB, Nghị Sĩ Khóa XIII

20-5-2017

TPP (3)

A) Giải Nghĩa Từ Ngữ

1- Đả Đảo TPP là tựa đề một bài viết của một công dân Mỹ, anh M. Tyler, một lâp trình viên ở Thung Lũng Silicon chống lại Tổng Thống Barack Obama vì đã tham gia thành lập TPP. Tuy nhiên, bài viết dưới đây không là bài dịch và cũng không liên quan đến bài viết ngắn ngủn của M. Tyler, mà chỉ đơn giản là sự trùng tên của tựa đề bài viết này với tựa đề bài viết của M. Tyler cũng như trùng với lời hét như sấm dậy của người dân “thế giới tự do” kêu gào Đả Đảo TPP mà thôi.

2- TPP Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, được bộ trưởng đại diện 12 nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, và Việt Nam, ký kết ngày 04-02-2016 tại Auckand, New Zealand.

3- TPP tại Việt Nam: Dù tham gia đàm phán từ 2008, Việt Nam – cùng tất cả các nước có liên quan – đều giữ bí mật tuyệt đối nội dung TPP.

TPP

Thỉnh thoảng có vài chương “nhạy cảm” được “rò rỉ” bởi WikiLeaks từ năm 2013 làm dấy lên những quan ngại sâu sắc và chống đối mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.

Giữ tuyệt mật luôn là hành động chuyên nghiệp, đúng đắn, nhưng PHẢI TRÊN CƠ SỞ SONG PHƯƠNG, y hệt như việc trả giá của một bà nội trợ với một người bán hàng ngoài chợ và giá bán là giá đồng thuận riêng chứ không được bà nội trợ dùng loa phóng thanh báo cho các bà nội trợ khác, tương tự như phỏng vấn xin việc tại một công ty cực kỳ lớn và cực kỳ chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế thì luôn là đàm phán riêng tư có yêu cầu bảo mật chứ không bao giờ theo cái quái quỷ “thang lương bảng lương” kiểu đổ đồng như ở Việt Nam xem nhẹ năng lực đàm phán của mỗi ứng viên.

TPP là một định chế ĐA PHƯƠNG nên chuyện giữ tuyệt mật suốt thời gian gần chục năm đàm phán là điều kỳ quái không bao giờ người dân đoan chính ở những quốc gia văn minh tiến bộ chấp nhận, khiến dấy lên những giả định – mà than ôi, lại là sự thật 100% sau khi TPP được ký kết – rằng các siêu tập đoàn tư bản khống chế toàn bộ các thỏa thuận trong nội dung TPP.

Nội dung duy nhất và chính thức về TPP được Bộ Trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng – người đại diện Việt Nam sang New Zealand ký kết TPP – thể hiện trong Báo Cáo Số 79/BC-CP ngày 18-3-2016 dài tổng cộng 22 trang khổ A4, gởi các nghị sĩ Quốc Hội Khóa XIII trong kỳ họp chót tháng 4-2016 tại Hà Nội

TPP (1)

trong đó khoảng 3 trang giới thiệu qua loa về TPP, khoảng 1 trang về quá trình đàm phán TPP, 11 trang về các nội dung đàm phán và kết quả đàm phán, 6 trang về cơ hội và thách thức khi gia nhập TPP, và nửa trang về các bước triển khai tiếp theo – nghĩa là chẳng nghị sĩ nào được nhận bản nội dung hoàn chỉnh của TPP hay  bản tóm tắt tức summary của TPP, mà chỉ nhận bản trên y như một bản báo cáo thành tích kèm phân tích toàn thuận lợi sáo rỗng để mê hoặc các nghị sĩ hãy yên tâm nhấn nút phê chuẩn mà thôi; trong khi đó, Tổng Thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng toàn văn của TPP không những dài đến 5.600 trang mà còn cực kỳ phức tạp không mấy người dân Mỹ có thể đọc hết mà hiểu tường tận được.

B) Quái Gở TPP

Trước thực tế quái gở như trên về TPP đã được trình diễn tại Quốc Hội Khóa XIII;

Trước sự thật là bản tiếng Việt của TPP đã hiện diện trên các trang web của các cơ quan có liên quan mà người dân Việt nếu quan tâm có thể dễ dàng tải về tự nghiên cứu;

Trước sự thật là truyền thông đã cung cấp rất nhiều bài viết về những thuận lợi và thử thách khi gia nhập TPP – mà ngữ nghĩa của “thử thách” trong dụng ý tiếng Việt chỉ mang ý rằng “rất hấp dẫn nên phải chấp nhận để vượt qua” – cũng như tập trung phê phán Donald Trump đã rút khỏi TPP, xem như Mỹ bỏ Biển Đông cho Trung Quốc (!), và bỏ luôn ưu thế thị trường khổng lồ TPP;

Với tư cách chuyên gia duy nhất ở Việt Nam có hiểu biết thực tế, có hoạt động thực tế, có giảng dạy về hợp đồng kinh tế ngoại thương, có chứng minh cụ thể năng lực nhận diện điều khoản tiêu cực và hùng biện giải cứu cơ quan nhà nước và nông dân qua “Sự Cố Hạt Điều” mà Báo Tuổi Trẻ thủa xa xưa có đưa tin; và đặc biệt

Với tư cách một nghị sĩ lúc đương nhiệm Khóa XIII đã được đại diện một tập thể hơn 100 doanh nhân nước ngoài tại Việt Nam tiếp cận mời đến phát biểu hội thảo (bằng tiếng Anh) về TPP, tại đó diễn giả hai người gồm một luật sư danh tiếng của EU sẽ hùng biện về Pros tức những tốt đẹp của TPP sẽ mang đến kinh tế Việt Nam và một nghị sĩ Việt Nam là tác giả bài viết này sẽ hùng biện về Cons tức những tiêu cực TPP sẽ gây ra toàn diện cho Việt Nam (buổi hội thảo hoành tráng đã không diễn ra như ý do tác giả bài viết này lại đang trong thời gian nằm viện dài lâu dù vị luật sư nước ngoài cố gắng thuyết phục cũng như hứa thu xếp có người đỡ đần đón tại bịnh viện, đẩy xe lăn hay dìu đỡ tác giả bài viết này lên sân khấu);

Tác giả bài viết này, do đó, có đầy đủ tư cách để nói về Cons đối với TPP, và sẽ chỉ dành thời gian nói về những điều truyền thông Việt hoặc không biết hoặc không muốn nêu lên hoặc bị cấm đưa tin, cùng những nhận xét hoàn toàn độc lập của riêng tác giả.

1) “Biểu Tình”

Một vấn đề kỳ lạ phát sinh ngay từ trước khi TPP được 12 nước ký kết là đã có nhiều cuộc “biểu tình” chống đối TPP.

Những anti-TPP rallies rầm rộ nổi lên ở nhiều nước, đặc biệt tại Mỹ (có đến 27 thành phố trong đó có Los Angeles, Chicago, Dallas, Denver, Detroit, và Thủ Đô Washington), Úc, New Zealand, Malaysia, Chile, Canada, v.v. Nhiều cuộc “biểu tình” đã biến thành bạo loạn xung đột dữ dôi với cảnh sát chống bạo động, và có cuộc quy tụ đến 65.000 người như ở Quảng Trường Zocalo của Mexico.

Điều khôi hài cần lưu ý ở đây là trong tập thể 12 nước đặt bút ký TPP thì sự chống đối mãnh liệt nổ ra ở 9 nước, còn 3 nước còn lại thì yên ắng bình chân như vại (do Singapore độc tài tuyệt đối cấm “biểu tình” bất kể vì mục đích gì, Brunei có luật lệ Hồi Giáo khắt khe chỉ cho phép “biểu tình” trước Đại Sứ Quán Brunei ở …Hoa Kỳ nghĩa là nếu có nhu cầu “biểu tình” thì cứ đơn giản sang Mỹ “biểu tình” xong thì về, còn Việt Nam chỉ “biểu tình” để “chống Cộng và chống Chính Phủ” hoặc theo lịnh các “cha” chứ chẳng ai hơi đâu bỏ ra 6 tháng đọc mỗi ngày 30 trang cho hết 5.600 trang TPP tiếng Anh hoặc tiếng Việt để xem thử xem có những điểm nào có thể gây phương hại đến quyền lợi quốc gia dân tộc hay không).

Như vậy, nếu quả thực TPP mang lại các nguồn lợi lớn cho các nước lớn dưới sự thống trị của các tập đoàn tư bản khổng lồ thì tại sao dân các nước lớn ấy lại chống TPP? Hóa ra họ chống TPP vì họ yêu họ, yêu nước, và yêu lẽ phải, do TPP sẽ làm họ mất job (công ăn việc làm), chính phủ cường quốc vinh diệu của họ có nguy cơ bị bất kỳ công ty nào của tiểu quốc thấp yếu nào đó trong TPP kiện tụng vô phương chống đỡ, còn các nước nghèo trở thành nạn nhân của giới tài phiệt vì chính phủ nước nghèo đã đàm phán bất lợi bất minh trong bí mật.

Như vậy, nếu quả thực TPP mang lại các nguồn lợi lớn cho các nước nhỏ thì tại sao dân các nước nhỏ ấy lại chống TPP? Hóa ra họ chống TPP vì họ yêu họ và yêu nước, do TPP sẽ làm họ mất job (công ăn việc làm), phải trả tiền thuốc y tế cao khủng khiếp, còn chính phủ tội nghiệp của họ có nguy cơ bị bất kỳ công ty nào của các cường quốc trong TPP kiện tụng vô phương chống đỡ.

Như vậy, nếu quả thực TPP mang lại các nguồn lợi lớn cho nước nhỏ nhất là nước nhỏ ấy đã “thực sự hưởng lợi” từ một định chế thương mại tự do tương tự thí dụ như Mexico đã sẵn có NAFTA với Mỹ thì tại sao dân Mexico lại chống TPP? Hóa ra họ chống TPP vì họ từng trãi, họ yêu họ và họ yêu nước, do TPP sẽ làm họ thêm nghèo đói (như NAFTA đã làm họ phải chui cống leo tường rào vượt biên giới sang Mỹ), còn chính phủ tội nghiệp của họ có nguy cơ bị bất kỳ công ty nào của các cường quốc trong TPP kiện tụng vô phương chống đỡ.

Việt Nam không thuộc “nước lớn”, cũng không là “nước nhỏ đã thực sự hưởng lợi từ một định chế tự do thương mại tương tự”. Việt Nam là “nước nhỏ” nhưng lại không thuộc nhóm “nước nhỏ” nêu trên vì người Việt không sợ mất job, chấp luôn việc thuốc men lên giá, và mặc kệ chuyện chính phủ có nguy cơ bị bất kỳ công ty nào của các cường quốc trong TPP kiện tụng vô phương chống đỡ.

2) Lợi Thế

Nếu nhìn thấy việc chống TPP đã tạo lợi thế tranh cử cho Donald Trump, cũng như thấy Hillary Clinton quýnh quáng bắt chước để tuyên bố ủng hộ hủy bỏ TPP, chấp nhận chõi lại Barack Obama miễn cứu vớt việc rớt phiếu thê thảm, Việt Nam dễ dàng nhìn thấy cái lợi thế của việc từ bỏ TPP ngay lập tức.

Nếu nhìn thấy việc Công ty TransCanada nương theo điều khoản của NAFTA đang kiện đòi Chính Phủ Mỹ bồi thường 15 tỷ USD với lý do việc Tổng Thống Barack Obama hủy bỏ dự án Đường Ống Dẫn Dầu Keystone gây ra “thiệt hại về lợi nhuận lẽ ra có thể kiếm được trong tương lai” loss of future profits (tức cùng cái kiểu cách ghi rõ trong TPP) cũng như nhìn thấy việc Donald Trump cứu nguy xã tắc Hoa Kỳ bằng cách một mặt ký ngay sắc lịnh tái khởi động dự án Keystone, một mặt tuyên bố hoặc hủy bỏ NAFTA hoặc phải đàm phán lại nội dung NAFTA riêng với từng nước thành viên một, Việt Nam càng dễ dàng nhìn thấy cái lợi thế của việc từ bỏ TPP ngay lập tức.

3) Sự Lén Lút

Có thể nói không chút định kiến – cùng với công luận thế giới – rằng cái gọi là bảo mật tuyệt đối của tổ chức “đa phương” TPP chính là những thỏa thuận đàm phán bí mật lén lút đáng ngờ.

TPP (2)

Việt Nam đã chủ động tham gia tiến trình lén lút ấy, hay Việt Nam đã thụ động để một Bộ trong Chính Phủ tự tung tự tác “đi đêm”, hoặc tung hỏa mù hoặc nôn nóng lập công vì danh vọng hão huyền hoặc móc ngoặc với đại tài phiệt siêu cường, nên đã né tránh hoàn toàn Chương 28 về Giải Quyết Tranh Chấp?

Sự chủ tâm mê hoặc Nhà Nước, ru ngủ Nhà Nước, làm Nhà Nước lú lẩn, còn được tỏ rõ qua việc chỉ trong một đoạn văn ngắn (paragraph) dưới đây, Bộ Công Thương đã 3 lần dùng từ “cơ hội” cộng thêm 1 lần trong chú thích bên dưới. “Cơ hội”, do đó, đầy ắp trong bản báo cáo. Đã vậy, sự tự tung tự tác còn ở mức độ cực cao khi dám cho rằng TPP đáp ứng các “đột phá chiến lược” của Đảng, và đơn giản hóa sự cạnh tranh tàn khốc tàn nhẫn tàn hại chỉ bằng cách cho rằng Việt Nam tham gia vào các chuối cung ứng vô hình nào đó đang cạnh tranh ghê gớm ấy.

TPP (8)

Sự gian trá lén lút còn được thể hiện rõ trong đoạn báo cáo sau, trong đó nêu cực kỳ vắn tắt cực kỳ láo xạo (đối với một chương cực kỳ quan trọng là Chương 28 vốn khiến dậy sóng chống đối toàn cầu) rằng “có việc cho phép nhà đầu tư được kiện chính phủ trong một số trường hợp đặc biệt như khi chính phủ tước đoạt tài sản của nhà đầu tư:

TPP (7)

Việc để trong ngoặc đơn cho thấy đó không là thông tin quan trọng.

Nhóm từ “trong đó có việc” cho thấy đó chỉ là một nhắc nhở phụ trợ.

Việc “tước đoạt tài sản nhà đầu tư” vừa không là nguyên văn của TPP vừa gian xảo khiến người đọc liên tưởng đến quốc hữu hóa vốn là việc hết sức bình thường mà ai cũng cho là mình đã hiểu từ lâu trước đó, cớ gì phải đợi đến TPP.

Trong khi thật ra, TPP quy định rằng chính phủ các quốc gia thành viên phải đền bù cho các công ty/tập đoàn nước ngoài nếu ban hành các luật lệ/chính sách gây ra những thiệt hại cụ thể và những mất mát cơ hội kinh doanh thu lợi nhuận trong tương lai cho các công ty/tập đoàn ấy. Nói một cách bình dân hơn, nghĩa là chính phủ Mỹ phải lấy tiền thuế của dân Mỹ để bồi thường cho một công ty cá tra của Việt Nam nếu Mỹ bày ra các giám định quá nghiêm ngặt khiến công ty cá tra ấy mất cơ hội thu được nhiều trăm tỷ USD trong vài năm sắp tới từ thị trường Mỹ, hoặc chính phủ Việt phải lấy tiền từ kinh phí xây cao tốc Bắc-Nam để bồi thường cho một công ty bàn chải đánh răng của Mỹ nếu Việt bày ra hàng rào kỹ thuật chất lượng cao hơn khiến công ty ấy mất cơ hội thu được nhiều trăm tỷ USD trong vài năm tới từ kế hoạch mở rộng sản xuất thống lĩnh thị trường từ Việt Nam đánh ra Đông Dương và ASEAN.

Đã lén lút, tất phải che đậy và giấu diếm. Để giấu nội dung Chương 28, Bộ Công Thương đã lý giải ngắn gọn trong hai đoạn sau, hoàn toàn triệt tiêu mức độ nghiêm trọng của Chương 28, và lảm nhảm về sự quái gở rằng các tiêu chuẩn của TPP đích thị là những tiêu chuẩn để “xây dựng Nhà Nước Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa thực sự của dân, do dân, và vì dân”

TPP (9)

4) Vấn Nạn Của Chính Phủ Việt Nam

Như tác giả bài này đã từng viết đâu đó – mà Cô Lại Thu Trúc đã từ bi cóp nhặt trữ lưu – Việt Nam thiếu vắng những chuyên gia đức tài.

Ở Việt Nam, đức chỉ đơn giản là đạo đức cách mạng chứ không là đạo đức con người do cha mẹ rèn nên, khiến cán bộ Nhà Nước có “đạo đức” (tức là người được kết nạp thành “đảng viên” và được tín nhiệm đặt vào hàng ngũ lãnh đạo) thì làm mỗi nơi đến trấn nhậm mất hàng chục ngàn tỷ, vận dụng bài giảng chiến thuật trên sa bàn của cách mạng trong chiến tranh du kích chống Mỹ vào thực tế nên cứ hễ lủi trốn là Nhà Nước có truy bắt toàn cầu vẫn không ra.

Ở Việt Nam, tài chỉ đơn giản là trên cổ có treo lộng kiếng các bằng cấp Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, được sắm sửa bằng tiền thuế của dân, khiến các cán bộ tinh hoa trí tuệ Nhà Nước gây ra sự cố Hố Hô, làm biến mất rừng phòng hộ, gây ra lụt lội khắp nơi, khiến sụt lỡ nghiêm trọng đất ven sông, đẻ ra đoàn tàu sắt tiến ra biển lớn chế ngự Biển Đông để được kéo về lên đất liền sau chuyến thử rời bờ biển với thân tàu rỉ sét lủng lỗ chỗ còn máy móc ắt chỉ hạp xăng thơm máy bay nên không chịu nổ, làm hết heo tới tiêu/điều/dưa hấu/cá sấu phải sắp hàng cầu cứu Chính Phủ ra tay tế độ, ngành hàng không cực kỳ hiện đại thì nuôi đám chuyên viên không thèm trực kiểm soát không lưu bỏ mặc phi cơ bay vòng vòng Thành phố Hồ Chí Minh hơn 30 phút trong khi đám khác thất bại không bảo vệ được hệ thống vi tính sân bay, các nhà kinh tế thì ngồi chơi ngóng chờ TPP mò đến tự làm kinh tế Việt Nam cường thịnh, và giáo sư tiến sĩ lãnh đạo đại học thì chẳng biết phải lấy gì để làm thí dụ cho cái gọi là “sáng tạo” nên vận áo veston, thắt cravat, và mặc quần tà lỏn để minh chứng hùng hồn rằng chỉ có trình độ giáo sư tiến sĩ Việt Nam mới nhận biết chân giá trị của sự sáng tạo vĩ đại nhất của toàn nhân loại: quần tà lỏn.

Chính phủ nhất thiết phải lưu tâm đến sự thật rằng: bất kỳ văn bản tiếng nước ngoài nào cũng có thể được chuyển dịch nhanh chóng chính xác ra tiếng Việt – hoặc ngược lại – nhưng kiến thức về những vấn đề trong văn bản lại thuộc một kỹ năng/năng lực hoàn toàn khác, chưa kể phát hiện vấn đề và tư vấn cảnh báo hoặc sửa sai vấn đề lại là một thứ năng lực hoàn toàn khác và ở một đẳng cấp cao hơn rất nhiều.

Một khi Chính Phủ không sẵn có ba bộ phận những chuyên gia trên, hoặc không sẵn có một bộ phận những chuyên gia có cùng lúc ba năng lực trên, thì càng không có cơ sở để mặc định rằng một Bộ của Chính Phủ lại giỏi hơn Chính Phủ khi có đến 3 bộ phận ấy hoặc 1 bộ phận có cả 3 năng lực ấy. (Tất nhiên, chỉ có vài bộ đặc thù như Quốc Phòng, An Ninh là thuộc phạm vi phạm trù hoàn toàn khác)

Cũng vì không sẵn có nhân lực như đã nói ở trên, Chính Phủ nhất thiết không được giao phó vận mạng đất nước vào tay những vị Bộ Trưởng. Chỉ cần sự lươn lẹo ngôn từ trong báo cáo, che giấu các hiểm họa khỏi các báo cáo ấy, là các Bộ có thể làm cả Chính Phủ bị dẫn dụ vào nẽo sai lầm gây nguy hại cho tiền đồ của quốc gia dân tộc. Việc tin tưởng tuyệt đối vào các báo cáo đã làm Đảng xiêu vẹo với những vụ như Trịnh Xuân Thanh. Việc tin tưởng tuyệt đối vào các báo cáo của các Bộ đã làm Chính Phủ lao đao với bản hợp đồng đầu tư của Formosa.

Trong lúc xã tắc đang như nghìn cân treo sợi tóc, trong lúc đốt đuốc giữa ban ngày kiếm tìm các đấng nhân tài trong Đảng về giúp Đảng và Nhà Nước, mỗi khi có đàm phán cho những hiệp định song phương hoặc đa phương, Chính Phủ có thể nhờ tác giả bài viết này đọc qua bản thảo, cho nhận xét về những điểm mà đất nước nên cần trọng, những bẫy rập nào các Bộ chưa nhận ra, và những từ ngữ nào cần phải hiệu đính hay yêu cầu hiệu đính lại trong văn bản ấy. Vì rằng, nếu có sai sót xảy ra thì Chính Phủ có thể đổ hết cho tác giả bài viết này, bắt y bồi thường, làm y thân bại danh liệt, thay vì các sai sót nghiêm trọng cứ xảy ra mà người dân chẳng thấy ai chịu trách nhiệm cụ thể cả.

Chính phủ nhất thiết phải lưu ý rằng cái chính trong thế giới toàn cầu hóa là THƯƠNG MẠI CÔNG BẰNG (Fair Trade) chứ không phải là THƯƠNG MẠI TỰ DO (Free Trade).

TPP (4)

Đơn giản vì Công Bằng là đạo đức, còn Tự Do là Cá Lớn Nuốt Cá Bé.

Đơn giản vì quan hệ chòm xóm bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải quan hệ hàng xóm luông tuồng tất cả vào nhà của nhau để ngủ một cách vô duyên vô đạo.

Đơn giản vì không được sử dụng một quan hệ kinh thương để hình thành một hàng rào chơi riêng mà mục đích nhằm phong tỏa chính trị một quốc gia khác — mà ở đây TPP thực chất nhằm phong tỏa Trung Quốc.

5) Vấn Nạn Của Quốc Hội Việt Nam

Như tác giả bài viết này đã từng nêu về chất lượng yếu kém của nghị sĩ Việt Nam, vấn đề là cứ nghĩ đến “cơ quan lập pháp” là người Việt lại nghĩ đến “luật sư” mà không chịu hiểu rằng cả hai chẳng dính dáng gì đến nhau cả vì luật sư là để bảo vệ thân chủ chứ không để tạo ra các dự án luật. Tương tự, bác sĩ chữa bịnh và bác sĩ giải phẩu chẳng dính dáng gì đến chuyên gia hay công ty chế tạo ống chích, kim tiêm, dao mổ, máy móc thiết bị y khoa hiện đại. Tương tự, giáo viên dùng wifiPowerPoint giảng dạy Văn Học không dính dáng gì đến việc giáo viên ấy phải chế ra được laptop hay overhead projector.

Quốc Hội là nơi dành cho những người được bầu vào vì (a) đã được người dân biết đến từ lâu trước đó chứ không phải trên trời bất ngờ đáp xuống, (b) đã có thời gian quản trị công việc chuyên môn ở cấp độ cao và trong môi trường bất ổn chẳng ô dù – tức khu vực tư nhân để nắm bắt đời sống thật nhất của đấu tranh sinh tồn sinh nhai sinh kế của người dân, và (c) được chứng minh rõ nét đã luôn tích cực vì nước vì dân chứ không qua lời giới thiệu láo xạo của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Đáp ứng ba điều cơ bản này mới khiến một nghị sĩ có đủ năng lực lập pháp đạt yêu cầu đưa luật vào cuộc sống.

Không hiểu được điều này failing to understand this, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã vài khóa nay giới thiệu vào Quốc Hội một tên luật sư, mà tên này ngoài những tuyên bố vung vít về sự cần thiết phải có “Luật Biểu Tình” hoặc xem luật ấy là món nợ với nhân dân, hoặc ngoài việc bảo rằng có sự cần thiết để y xách điện thoại thông minh quay phim mỗi khi có “biểu tình” ở Thành phố Hồ Chí Minh để y nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thì từ 2011 đến nay y chưa hề dám sử dụng sáng quyền lập pháp mà nhân dân đã trao vào tay y để nộp cho Quốc Hội bản thảo dự án nào cho cái luật ấy cả.

Cũng theo hướng này, nhiều chuyên viên phục vụ Quốc Hội có xuất thân luật sư; nhưng đã có quá nhiều luật không di vào cuộc sống, hoặc chưa đến ngày có hiệu lực thì đã phải tu chỉnh một cách không vinh dự vì chỉ có sự tu chỉnh khẩn cấp nâng từ cái tốt lên cái tốt hơn đáp ứng nhanh chóng flexible những phát sinh mới toanh của cuộc sống mới là đẳng cấp cao của cơ quan lập pháp, chứ tu chỉnh khẩn cấp do phát hiện sai sót sai quấy sai lầm sai bét thì chỉ là sự nhục nhã mà thôi.

Trong lúc xã tắc đang như nghìn cân treo sợi tóc, trong lúc đốt đuốc giữa ban ngày kiếm tìm các đấng nhân tài do Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam giới thiệu về giúp Quốc Hội, mỗi khi có nhu cầu phải phê chuẩn một hiệp định song phương hoặc đa phương do Chính Phủ đệ trình, để tránh bị Chính Phủ lén lút qua mặt che dấu, Quốc Hội có thể nhờ tác giả bài viết này – vốn là nghị sĩ Khóa XIII – làm công việc (a) thuyết trình bằng tiếng Việt các phản biện độc lập, và (b) đọc qua bản thảo, cho nhận xét về những điểm mà đất nước nên cần trọng, những bẫy rập nào Chính Phủ chưa nhận ra, và những từ ngữ nào cần phải hiệu đính hay yêu cầu hiệu đính lại trong văn bản ấy. Vì rằng, nếu có sai sót xảy ra thì Quốc Hội có thể đổ hết cho tác giả bài viết này, bắt y bồi thường, làm y thân bại danh liệt, thay vì các sai sót nghiêm trọng cứ xảy ra về mặt lập pháp mà người dân chẳng thấy ai trong Quốc Hội đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể cả.

C) Phản Quốc

Nếu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thực sự chủ tâm dối trá Chính Phủ, che đậy Quốc Hội đối với các nội dung nhạy cảm của TPP, phải chăng nhất thiết phải tiến hành điều tra cho rõ trắng đen để quy tội hoặc không quy tội phản quốc cho ông ấy?

*********

Trên bình diện quốc gia, tôi đề nghị Quốc Hội Việt nam Khóa XIV không chuẩn y TPP.

Trên phương diện cá nhân, tôi tuyên bố: Đả Đảo TPP!

TPP (5)

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Nghị Sĩ Khóa XIII

Ghi chú về “Hợp Đồng Kinh Tế Ngoại Thương:

Do tác giả bài viết này là giảng viên Anh Văn duy nhất về Business Contract (Hợp Đồng Xuất Nhập Khẩu – vào thủa “hồng hoang cấm vận” ở Việt Nam khi xã hội chưa có các hình thức hợp đồng “kinh doanh” nào khác hoặc chưa có hợp đồng “kinh doanh” nào phải có bản tiếng Anh, tất cả đều phải – và chỉ – là công ty nhà nước, nên “business” thuở ấy đương nhiên phải hiểu chỉ có thể là “xuất nhập khẩu” dù là cho hàng hóa hay công trình nhà máy công nghiệp theo các dự án kiểu độc nhất toàn “chìa khóa trao tay”) có thực tế kinh qua công tác đàm phán xuất nhập khẩu/đầu tư/chuyển giao công nghệ, đã có phát hiện những điều khoản bằng tiếng Anh hoặc quái gở hoặc bất lợi cho Việt Nam hoặc bủa giăng bẫy rập lọc lừa của bất kỳ hợp đồng “kinh tế” nào (chẳng hạn như trường hợp “chứng thư hài lòng của bên mua/người mua của bên mua” và cảnh báo với các tổng công ty xuất khẩu hạt điều (nhưng chỉ nhận được lời khuyên rằng “em không hiểu gì cả, Việt Nam mình từ giải phóng đến giờ ký với Ấn Độ toàn có chứng thư đó theo yêu cầu của nó mà có sao đâu”, để rồi sau đó tác giả phải đích thân giúp Nhà Nước Việt Nam đấu khẩu với các công ty Ấn và Đại Sứ Ấn Độ khi thương nhân Ấn vì điều rớt giá đã không cấp “chứng thư hài lòng” dù toàn sản lượng lô điều của khu vực phía Nam đã có chứng thư chất lượng của công ty giám định  quốc tế của Thụy Sĩ SGS Société Générale de Surveillance theo đúng yêu cầu của Ấn Độ – chi tiết của vụ đấu tranh bảo vệ nông dân thành công này có đăng trên báo Tuổi Trẻ thời ấy).

Tham khảo

Trách Nhiệm Đối Với Sinh Mạng Người Dân – Tầm Nhìn Và Sự Chính Trực Của Một Nhà Ái Quốc  05-5-2017

Chất Lượng Nghị Sĩ Việt Nam  18-01-2017

Bọn Con Nít Làm Chính Trị  06-3-2017

Trình Độ Thạc Sĩ – Tiến Sĩ Việt Nam  30-12-2015

Thư Gởi Bộ trưởng Bộ Công Thương  21-01-2015

Để Việt Nam Trở Thành Cường Quốc: Hão Huyền Singapore  23-02-2016

Phải Có Luật Biểu Tình 18-8-2016

Lại Thu Trúc  22-12-2015

Chống Cộng  21-10-2015

Both comments and trackbacks are currently closed.