Đất Lành: Chim Đậu. Chim Đậu: Đất Có Còn Lành?

Hoàng Hữu Phước, MIB

06-9-2017

Đất Lành: Chim Đậu. Chim Đậu: Đất Có Còn Lành?

Hoàng Hữu Phước, MIB

30-8-2009

(bài đã đăng trên Emotino.com ngày 30-8-2009)

Trong hai ngày dự Hội Nghị Xúc Tiến Đầu Tư – Thương Mại – Du Lịch Vào Thành Phố Cần Thơ vừa qua (ngày 27/8/2009 chính quyền Cần Thơ tổ chức đưa gần 200 doanh chủ và nhà đầu tư tham quan các công trình trọng điểm của Thành phố và dự yến tiệc tại nhà hàng Hoa Sứ, còn Hội Nghị diễn ra cả ngày 28/8), cũng như những lần tham dự hội nghị tương tự nơi này nơi khác, tôi thường nghe nhắc nhiều đến cụm từ “Đất Lành Chim Đậu” đầy phấn khích tự hào; song, chắc ít ai nghĩ đến những đòi hỏi cực kỳ ghê gớm của cái sự lành và cái chuyện đậu này, cứ tự động cho rằng đất lành giống như vườn thượng uyển trống hoác nhà lâu đài hoang ai muốn đậu vào thì cứ tự nhiên mà đáp xuống vậy.

Nhiều năm qua, đàn bồ câu xinh đẹp biểu tượng của hòa bình và nhân ái đã trở thành thảm họa cho Italy (tức nước Ý hay Ý-Đại-Lợi – theo cách gọi Hán-Việt ở Miền Nam trước 1975 – mà nay dùng cách không giống ai rất vô tổ chức ở Việt Nam là I-ta-li-a hoặc Italia). Quảng Trường Thánh Mark ở trung tâm Venice (tức quảng trường Piazza San Marco) và nhiều nơi tương tự trên đất Ý đã từng là nơi đặc biệt khi du khách và chim câu là bạn thiết. Nhưng chính ngài Thị Trưởng Venice lại đã ra lệnh phạt bất kỳ ai cho bồ câu ăn (ở mức phạt từ 80 USD đến hơn 700 USD) cũng như đề ra kế hoạch bẫy lưới triệt bồ câu với hy vọng giảm thiểu số lượng nhiều chục ngàn con hàng ngày phóng uế trắng xóa trơn trợt đường phố, làm ô uế các thánh tích cung đình, vấy bẩn đầu tóc du khách, và vô tư thả vào các tách cà phê đen của khách quán vĩa hè những chất lỏng màu sữa trắng tanh hôi. Người Ý và hơn hai triệu du khách đến Quảng Trường Thánh Mark mỗi năm đã phải che dù hay mặc áo đi mưa trong tiết trời nóng bức để tránh thảm họa từ loài bồ câu mà nay họ thóa mạ gọi là chim bẩn (dirty birds). Chim khác thì không bẩn, đơn giản vì chăng có giống chim nào dám sống đàn sống lũ giữa chốn đông người như bồ câu.

Tương tự, khi nói “đất lành, chim đậu” tất phải phân định rạch ròi đó là chim gì, phượng hoàng minh vũ Nghê Thường Khúc, hay kên kên quà quạ kêu ré điếc tai; số lượng bao nhiêu; và sự tiêu hao nguồn sống sẽ như thế nào, việc vấy bẩn của thứ mà chim đậu bài tiết sẽ tính sao. Đủ thứ, và trăm công ngàn chuyện…

Nói xa nói gần, chẳng bằng nói thiệt, rằng ở Việt Nam dường như mới duy chỉ có thành phố Đà Nẵng biết rõ thế nào là “đất lành, chim đậu”, nên ở từng ngõ phố đều có treo bảng “cấm bán hàng rong”, “cấm đánh giày”, cấm nhiều thứ, và tuyệt nhiên chớ thấy cảnh bán rong hay đánh giày – nghĩa là người ở các nơi khác đừng có mà đổ xô vào Đà Nẳng “kiếm ăn” trong nhếch nhác, nghĩa là không có chuyện người nghèo khổ sống lang thang ăn xin, ngủ bờ ngủ bụi, và phóng uế bừa bải như chim bồ câu Ý.

Ấy vậy mà Đà Nẵng chỉ có thể gia giảm những tai họa xảy đến cho cái danh “đất lành” chứ không thể giữ gìn sự trinh nguyên của vùng đât tuyệt diệu, vì con người từ nơi khác đến dù là công dân tốt, dù không phạm pháp, tìm đến nơi “đất lành” sinh sống, vẫn có thể thả chó phóng uế ngoài đường chung, hút thuốc phà khói ra bầu không khí chung, và giở trò ma mảnh không-bất-hợp-pháp, vân vân và vân vân.

Đầu tháng 8 này (2009), tôi đi công tác tại Đà Nẵng, và đã gặp những con chim làm vấy bẩn Đà Nẵng một cách hợp pháp: một phụ nữ nói giọng Bắc chèo kéo tôi trong siêu thị Big C luôn mồm nói nhận ra tôi là người quen xưa cũ ở …Huế hồi thế kỷ trước sao nay lại nỡ hững hờ, rồi xin tôi ít tiền tức năm trăm ngàn đồng mua vé tàu lửa về đất Thần Kinh; và khi tôi đi bộ nhanh như đô lực sĩ (mà thực chất là bỏ chạy ra khỏi Big C trốn tránh một phụ nữ chim bồ câu thần kinh từ đâu đáp xuống xứ sở Sông Hàn) và chui vào một chiếc taxi trước Big C để rồi chạm trán một anh tài xế bản xứ đã ô nhiễm do sống theo chim bồ câu nhập cư (khi xe vừa chuyển bánh, nghe tổng đài nói có khách ở một khu phố có nhu cầu, anh vội chộp lấy máy và nói như hét rằng anh ta sẽ đến đón khách ấy ngay lập tức, trong khi hotel Bamboo tôi ở bên bờ Sông Hàn gần đó mà anh tưởng tôi không biết đường nên giở mánh chạy lòng vòng hết hơn 15 phút, vừa chạy vừa trả lời bộ đàm khi tổng đài nói khách chờ sốt ruột rằng anh “sắp đến” rồi). Anh tài xế nói giọng người Đà Nẵng, và anh ta đã phải chụp giựt như thế, rất có thể vì những đàn bồ câu từ nơi khác đã bu đến giở các chiêu trò tiểu xảo giựt giành miếng cơm manh áo của anh. Tôi nín thinh, trả tiền, lòng buồn khôn tả.

Nghe nói dân Hà Thành (Hà Nội) thanh lịch. Với tư cách người được sinh ra tại Bảo Sanh Viện Từ Dũ của đất Sài Gòn và sống ở Sài Gòn hơn 50 năm qua, tôi khẳng định dân Sài Thành (Saigon) trước đây cũng rất thanh lịch (ngay cả sĩ quan quân đội Cộng Hòa đóng quân ở Quận 3 khu nhà tôi lúc nào cũng nghiêm chỉnh, tóc húi cua thật cao, quân phục cực kỳ tề chỉnh, chứ không phải như trong phim truyện luôn tạo hình ảnh sai bét cho diễn viên để tóc dài và ria mép, đi đứng cà khệnh cà khạng, quân phục cà xộc cà xệch  – chúng ta chiến thắng vì chúng ta kiệt xuất, mạnh hơn kẻ thù, chứ không phải vì kẻ thù chỉ biết để tóc dài, nhậu nhẹt ở quán bar với đĩ điếm, đánh bài, chửi tục). Nay thì tôi nghĩ dân Hà Thành ắt vẫn còn thanh lịch, chứ ở đất Sài Côn này (tức Sài Gòn) khó thấy người thanh lịch.

Chim đã đậu quá nhiều lên vùng đất lành, khiến đất chẳng còn lành. Trong khi đó, những vùng nguyên sơ bảo tồn sinh quyển nhờ không có chuyện chim bầy đàn đậu kiếm ăn nên vẫn chưa có diễm phúc được gọi là đất lành; song, ấy lại là cái phước của giống nòi Vạn Xuân này vậy.

Khi có một đứa con gái xinh đẹp, người ta thường không lo che chắn, bảo bọc, bảo vệ, nên ít thấy ai trời cho nhan sắc xinh đẹp mỹ miều hoa khôi hoa hậu mà lại có học lực tri thức hơn người cả. Dưỡng Nam Bất Giáo Như Dưỡng Lư, Dưỡng Nữ Bất Giáo Như Dưỡng Trư (có con trai mà không lo tập trung dạy dỗ thì chẳng khác nào nuôi chú lừa, còn có con gái mà không lo tập trung dạy dỗ thì chẳng khác nào nuôi một ả lợn) – thánh nhân đã phán như thế trong Minh Tâm Bảo Giám – Gương Báu Soi Sáng Tấm Lòng.

Có vùng đất lành, nên tập trung bảo vệ cực kỳ, che chắn kín kẽ, đầu tư chính đáng, chọn lọc kỹ càng, luật lệ nghiêm khắc đủ đầy, quyết tâm ngăn chặn chim muốn đậu đâu thì cứ đậu, thì sự lành của đất may ra sẽ được dài lâu hơn.

Hãy chọn lọc chim.

Hoàng Hữu Phước, Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế

Ghi chú thêm vào ngày 06-9-2017:  Hoàng Hữu Phước vào tháng 8-2009 đã nói về “đất lành, chim đậu” như trên, báo đài Việt Nam vào tháng 8-2017 đã nói về ô nhiễm và nhiều thứ lung tung ở Đà Nẵng, và Tổng Thống Mỹ Donald Trump vào tháng 9-2017 đã rất thông tuệ ra  quyết định hủy cái gọi là DACA do Barack Obama ban hành. Khi nói Obama ban hành, nghĩa là DACA chưa hề được các tổng thống Mỹ tiền nhiệm chấp nhận, và Donald Trump chỉ đơn giản bãi bỏ cái DACA xằng bậy mà Obama đã thực hiện khi mở tung cửa cho chim chóc tự do ùa vào đậu đầy nhóc đất lành.

Đất Lành Chim ĐậuĐất Lành Chim Đậu (2)Đất Lành Chim Đậu (3)Đất Lành Chim Đậu (4)Đất Lành Chim Đậu (5)

Vì vậy, lời khuyên của tác giả bài viết trên là: Hãy luôn cẩn trọng khi vận dụng các tục ngữ/thành ngữ/cách ngôn/châm ngôn vì một khi đã là “văn chương bình dân” thì hoàn toàn thiếu hùng biện, kém thuyết phục, khá lạc hậu, thường không còn thích hợp; cụ thể hãy ngừng sử dụng “đất lành, chim đậu” cũng như các câu khác liệt kê trong bài Lời Khuyên Dành Cho Các Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh Và Lê Quý Vương trên blog này.

Tham khảo:

Lời Khuyên Dành Cho Các Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh Và Lê Quý Vương.  https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2016/11/18/loi-khuyen-danh-cho-cac-thuo%CC%A3ng-tuong-nguye%CC%83n-chi-vi%CC%A3nh-va-le-quy-vuong/ 18-11-2016

Người Đà Nẵng  05-01-2009

Both comments and trackbacks are currently closed.