Hoàng Hữu Phước và Những Phụ Nữ Đẹp – Bài 1

Bài 1

Tuyệt Thế Giai Nhân Theo Hoàng Hữu Phước: Bốn Người Hai Gương Mặt

Hoàng Hữu Phước, MIB

04-01-2018

Mỹ Nhân

Theo đà tiếp tục của “Khai Thần Bút 2018” đầu năm chỉ nên viết về những điều tốt đẹp nhất, ba bài tiếp theo (tức đủ 4 bài “khai bút” cho đủ Tứ Quý) tôi sẽ lần lượt nói về ba nhóm những người phụ nữ đẹp nhất trong tôi: (a) những tuyệt thế giai nhân gồm một phụ nữ nước ngoài và ba phụ nữ Việt, (b) những phụ nữ hấp dẫn trong tâm tưởng của tôi gồm toàn người nước ngoài, và (c) những cô gái tuyệt đẹp đã hiện diện trong chính cuộc đời tôi gồm toàn người Việt.

Thiên hạ thích nói về công khai minh bạch.

Tôi cũng thích sống với lòng công khai minh bạch.

Nhưng tôi không thuộc thế giới của cái thiên-hạ-thích-công-khai-minh-bạch ấy. Sự khác biệt ở chỗ thiên hạ “công khai minh bạch” về những điều “kỳ vĩ” lúc trẻ người non dạ hoặc khi thành cáo già như: tao là Don Juan được con gái bu quá xá, chiếc mô-tô Harley Davidson tui đương chạy làm cả trường Bùi Thị Xuân lác mắt hết chơn hết chọi, tôi cho mấy đứa nhỏ đi Mỹ học trung học hết rồi nên mỗi năm phải đi Mỹ mấy chục lần để giải cứu giải vây cho tụi nó, tui lu bu quá nên chưa mua xe khác để lẹ lẹ đưa thằng út cái Mulsanne cho nó tập lái vì chiếc Aventador lì xì sinh nhật 19 của nó đang trên tàu về, tui biết con mẹ đó nhờ thằng cha đó nên mới có triệu đô đó, à cái con qua hậu (hoa hậu) đó thì nó đã qua tay tui cả trăm lần nên tui quẳng bỏ rồi, cái lô hàng của ông thì để tui phone cho thằng hải quan này  là thông quan chỉ trong một nốt nhạc, v.v. và v.v. Tất nhiên, tôi “công khai minh bạch” vì tôi công chính, liêm minh, trong sạch, muốn bày cho người Việt Nam biết hóa ra nước nhà cuối cùng cũng đã có một người đã được Thầy Nguyễn Quang Tô phán ra sao về nhân cách.

Qua rất rất nhiều những bài viết tôi đã thố lộ những sự thật về chính mình, nay do ắt có vài bạn trẻ tò mò muốn biết về đời sống tình cảm của một nhân vật “dữ dội” như tôi, tôi sẽ công khai nói thêm một cách trung thực trung ngôn về những gì thật nhất cá nhân tôi nghĩ về sắc đẹp người phụ nữ, vì tôi rất rất yêu thương phụ nữ đẹp, mà bài viết số 1 như sau:

Bài 1

Tuyệt Thế Giai Nhân Theo Hoàng Hữu Phước: Bốn Người Hai Gương Mặt

Tôi cẩn thận ghi rõ chữ “theo” chứ không dùng từ “của” để tránh bị ai đó bắt bẻ, dù từ “của” phù hợp hơn – tất nhiên là tôi biện luận theo tiếng Anh vì “của” không phải chỉ hàm ý thuộc quyền sở hữu của ai như kiểu hay “nổ” của tiếng Việt.

Cần nói rõ thêm cụm từ “mỹ nhân bậc nhất nhân loại” tức “tuyệt thế giai nhân” để ám chỉ sắc đẹp của bốn người duy nhất sau đây “tương đồng” với sắc đẹp của những trang tuyệt thế giai nhân đã (a) được phần lớn nhân loại nhìn nhận đồng tình, và (b) trọn cuộc đời này tôi vẫn chỉ thấy có mỗi họ là tuyệt thế giai nhân duy nhất – dù cả bốn chưa từng cùng tôi sánh vai trên cung đường tình ái.

1) Trang tuyệt thế giai nhân đầu tiên là Nicole Kidman. Trong toàn nền điện ảnh thế giới từ xưa đến nay, từ thời phim đen trắng cà giựt của Xạc-lô đến thời phim màu của King Kong, tôi chỉ mê say và bị thu hút bởi vẻ đẹp của mỗi nữ diễn viên người Úc này. Nicole Kidman đứng đầu danh sách không vì là người đẹp nhất trong bốn người đẹp nhất “của” tôi mà chỉ theo sự khiêm cung phải nói trước về người mà thế giới biết đến trong khi ba người tiếp theo chỉ có tập thể của tôi là phải nhìn nhận tôi nói đúng – nếu họ đọc được bài viết này.

Mỹ Nhân (1)

Với tôi, người phụ nữ đẹp về ngoại hình có thể cuốn hút tôi nếu như cô ấy hay bà ấy có vẽ đẹp bừng sáng, trong sáng, dịu dàng, phúc hậu, bất kể cô ấy hay bà ấy có trong sáng, có dịu dàng, có phúc hậu trong đời sống thật hay không. Và Nicole Kidman là phụ nữ duy nhất cho tôi tất cả các cảm nhận ấy trong số những ngôi sao điện ảnh toàn thế giới từ xưa đến nay. Đó là lý do mỗi khi nói về sắc đẹp vẹn toàn, tôi chỉ có thể nêu lên một cái tên duy nhất: Nicole Kidman.

2) Tuyệt thế giai nhân thứ hai là Lý Quỳnh Hoa, học chung với tôi lớp 12C1 Ban Văn Chương trường Tân Việt năm 1974 (đường Yên Đổ, Quận 3, Sài Gòn – nay là trường Giáo Dục Thường Xuyên đường Lý Chính Thắng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Dù tôi là trưởng lớp, có bao cơ hội danh chính ngôn thuận để “nói chuyện”, thế mà chúng tôi vẫn chưa một lần “trò chuyện”. Quỳnh Hoa cao bằng tôi, và cô gái cao những 1m7 cộng với gương mặt tuyệt mỹ và dáng người mỹ tuyệt ấy đã xuất hiện quá sớm trong đời thanh niên Hoàng Hữu Phước nên từ đó đã làm chàng chẳng bao giờ chịu xem bất kỳ chương trình thi hoa hậu hay người mẫu trình diễn thời trang nào dù ở Việt Nam hay trên hoàn vũ, thế giới, toàn cầu, vì không ai có thể sánh bằng Lý Quỳnh Hoa. Mãi sau này tôi mới biết trên đời có nữ diễn viên Catherine Jeta-Jones trong phim hiệp sĩ Zorro là giống y hệt Lý Quỳnh Hoa.

Mỹ Nhân (3)

Luôn đi học với chiếc áo dài trắng, Lý Quỳnh Hoa thướt tha, khỏe mạnh, thân hình tuyệt mỹ, cuốn hút mọi người – kể cả thầy giáo như thầy giáo già Tạ Ký dạy Văn Học hôm nào bước vào lớp cũng sà vào bàn đầu nơi ngồi thường trực của Quỳnh Hoa để nói câu cố hữu “Để anh đọc tặng em bài thơ này anh viết đêm qua” một cách đáng thương hại, còn Thầy Lộc dạy Triết Học (bộ môn Tâm Lý Học) thì luôn ăn mặc tươm tất thắt cravat hoa hòe hoa sói với chiếc bụng bự đầy bia hôm nào bước vào lớp cũng cầm trên tay một đóa hoa hồng cười mũm mĩm khoe má lúm đồng tiền nghiêng người tặng dâng người ngọc dù người ngọc vẫn nghiêm nghị không đáp lại nụ cười của thầy ấy. Mái tóc suông dài đến thắt lưng chính là thứ điểm trang diễm tuyệt với Quỳnh Hoa khiến mỗi lần nàng nghiêng đầu hất tóc đài các kiêu sa là toàn bộ học sinh trong lớp ngất ngây (trong lớp chỉ có hai nữ sinh là Lý Quỳnh Hoa và Lữ Phương Anh cùng ngồi bàn đầu). Vào giờ ra chơi, trong lớp luôn chỉ còn tôi và Hoa, người bàn đầu đóa hoa sáng rực hào quang, kẻ bàn chót “bao sân” giám sát cả lớp do làm Trưởng Lớp, mạnh ai nấy giờ quyển tiểu thuyết diễm tình tiếng Anh ra đọc (tiểu thuyết loại “pocket book” tức sách nhỏ “bỏ túi”, bìa giấy), trầm ngâm, xa cách; nàng không bao giờ quay lại trong khi tôi cứ luôn mãi nhìn lên. Đọc tiểu thuyết tiếng Anh là thói quen của tôi từ năm lớp 9, còn nghiêm trang nghiêm túc trầm mặc là điểm tôn tạo nên tư cách đoan trang thùy mỵ của tất cả những người con gái gia giáo thường thấy nơi đa số các nữ sinh trung học ở Sài Gòn trước 1975.

Quỳnh Hoa thuộc gia đình tài phiệt. Mỗi ngày có xe Jeep đưa Hoa đến trường và túc trực đón về khi tan học, bảo đảm không bất cứ chàng trai “thấp đẳng” nào có thể kịp lân la tiểu thư quyền thế ấy. Nhà Quỳnh Hoa trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, Quận 1) gần Maxxim, và khi tôi đến dự tiệc sinh nhật Quỳnh Hoa (lần đầu Hoa mời bạn học hạng “bình dân” vì ngày tàn của chế độ Cộng Hòa đã điểm và không ai có thể biết ngày mai sẽ ra sao), tôi thấy trong ngôi nhà nhiều tầng ấy (chắc khoảng 4 tầng vì tôi lên lầu 3) có thang máy (cực hiếm thời trước 1975) và các quầy “bar” tôi chỉ thấy trong phim xi-nê Mỹ là nơi để ông tài phiệt và bạn bè nhấm nháp rượu nặng (không ai dùng bia vì bia không xứng với đẳng cấp quý tộc thượng lưu). Ấy vậy mà tôi chàng lớp trưởng vẫn không mở miệng nói được một câu ra hồn để chúc mừng sinh nhật nàng, chỉ biết chìa cho nàng gói quà nhỏ xíu, nhìn nàng cười ngây ngô, lúng túng, bẽn lẽn, chỉ để nhận lại từ nàng nụ cười đầy thông cảm, có lẽ vì nàng chưa từng thấy chàng trai nào lại có thể đứng vững không chao đảo như kẻ ngố rừng trước mặt nàng. Nàng không hiểu nụ cười hiếm hoi của nàng đã làm tôi sau đó khi ra về đã đạp xe quẹo phải về hướng Sở Thú thay vì rẽ trái về xóm Bàn Cờ. Thế là để rồi cho đến nay là 04-01-2018 tôi vẫn chưa từng thực sự nói chuyện với nàng bằng ngôn ngữ lời nói dù bằng tiếng Anh hay tiếng Việt hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào mà cách diễn đạt có thể hiểu được bởi con người. Chỉ có sự đắm say chân thiết mộc mạc nín lặng trong tôi; còn trong nàng thì duy chỉ có nàng hiểu rõ.

Khi Buôn Mê Thuột sắp thất thủ, bố của Hoa đang ra thăm đồn điền ở đấy và kẹt giữa hai lằn đạn. Gia đình Hoa vội tác động và quân đội Việt Nam Cộng Hòa cho hai nhóm biệt kích đáp hai máy bay trực thăng lao ra với nhiệm vụ duy nhất: phải cứu nhà tài phiệt bằng mọi giá. Một trực thăng bị bắn rơi. Một mất liên lạc. Gia đình Hoa lập tức rời Sài Gòn sang Mỹ. Khi bố của Hoa sau đó một tuần được toán biệt kích còn sống sót tìm ra rồi đưa bằng đường bộ luồn rừng về đến Sài Gòn, ông một mình rời Việt Nam sang Mỹ. Hai mươi năm sau tức vào năm 1995, tình cờ tôi gặp Lữ Phương Anh khi đang bách bộ ở ngã tư đường Lê Lợi với Pasteur, Quận 1. Tôi vội hỏi thăm về Lý Quỳnh Hoa. Lữ Phương Anh lém lỉnh nhìn tôi, kẻ bất lịch sự đã quên chào hỏi bạn học ngày xưa trước khi hỏi han về trang tuyệt thế giai nhân ấy, rồi cho biết Lý Quỳnh Hoa ở Mỹ vẫn “rất ổn”. Người đàn ông đã có vợ con như tôi lại ngẩn ngơ một lúc với sự ùa về ào ạt ngất ngợp của ắp đầy kỹ niệm và vô số nhớ nhung, để rồi khi Lữ Phương Anh đã thoăn thoắt đi mất vào đám đông tôi mới nhớ rằng mình đã không trao danh thiếp cho Phương Anh cũng như đã không hoi xin số phone của cô ấy. Có thể Lữ Phương Anh hiện nay vẫn còn ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, và nếu có đọc bài viết này ắt Phương Anh biết tôi đã nói rất thật không chút điệu cường về Lý Quỳnh Hoa, mỹ nhân không một hoa hậu hay người mẫu nào của thế gian này có thể sánh bằng.

Là trưởng lớp, tôi có lưu giữ toàn bộ hồ sơ thi tú tài của lớp vì cuộc giải phóng 1975 đã biến các hồ sơ ấy thành không được sử dụng, và tôi có ảnh của Lý Quỳnh Hoa để nhớ về Hoa. Bức ảnh không ghi được tất cả những nét đẹp trên gương mặt Lý Quỳnh Hoa nên ắt nàng sẽ chỉ có thể là “Hoa Hậu Hoàn Vũ” chứ không thể là “Hoa Hậu Ảnh” vì ảnh không đẹp bằng người thật. Và khi lập gia đình, tôi đã đốt quyển nhật ký trong đó có hình ảnh những người đã cùng tôi có tình yêu đẹp như trong mơ trước đó (trừ một ảnh còn sót lại của Đinh Thị Mai Trâm trong một chiếc ví cũ mà tôi đã đăng ảnh ấy trong một bài viết trước đây), còn hình của Lý Quỳnh Hoa không trong nhật ký vì Quỳnh Hoa không là người yêu của nhau và Hoa thuộc một khung cảnh khác quá kỳ lạ: người con gái đã chưa từng cùng tôi nói chuyện đến một lời nhưng lại là người tôi vẫn còn nhìn thấy nàng trong nhiều giấc ngủ với những giấc mơ thật kỳ lạ, trong giấc mơ gần đây nhất vào Tết 2018 này tôi một bô lão 60 tuổi vẫn còn nói chuyện và nắm tay người con gái 17 tuổi tên Lý Quỳnh Hoa tuyệt đẹp của thủa nào.

3) Tuyệt thế giai nhân thứ ba là Nguyễn Thị Trân Châu. Trân Châu là học trò của tôi tại một trung tâm ngoại ngữ ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, lúc tôi làm việc cho CIMMCO International (vì cả nể nên nhận lời mời của nhiều trung tâm để dạy các lớp tiếng Anh buổi tối). Nhà Trân Châu ở Quận Gò Vấp. Khi dạy học, tôi rất tếu lâm (còn ở ngoài lớp học thì tôi là người khó tính, nghiêm khắc, không thích nói chuyện phiếm với bất kỳ ai, vào phòng giáo viên thì chỉ mở miệng khi có ai đó đến quấy rầy hỏi han tôi này nọ) và thường giả vờ quýnh quáng quiu lưỡi gọi Trân Châu là Chân Trâu để rồi giả vờ hốt hoảng rối rít xin lỗi nàng khiến cả lớp cười ầm. Trân Châu là cô gái giống như Quỳnh Hoa đã làm tôi không bao giờ còn có thể thích thú xem các chương trình hoa hậu, người mẫu của Việt Nam hay của thế giới.

Sau khi Trân Châu đi Mỹ, tôi tình cờ xem phim Hiệp Sĩ Zorro và bồi hồi nhớ về Trân Châu và Quỳnh Hoa khi nhìn thấy Catherine Jeta-Jones vì Catherine giống hệt Trân Châu và Quỳnh Hoa, dù Catherine Jeta-Jones hoàn toàn thua xa Nguyễn Thị Trân Châu và Lý Quỳnh Hoa vì ngoài nét đẹp ngất ngây của Catherine Jeta-Jones, Trân Châu còn sở hữu ánh mắt tinh anh và nụ cười quá tươi tắn một cách ngây thơ cứ như có thể làm bừng sáng không gian quanh mình nhất là vào thời điểm thành phố hay cúp điện (trong khi Quỳnh Hoa sở hữu nét nhân hậu, nghiêm trang, thùy mỵ, trí thức, dù thuộc gia đình tầng lớp tài phiệt đại phú gia mà chế độ Sài Gòn chỉ có dăm ba nhà như thế). Nếu Lý Quỳnh Hoa là một Thần Vệ Nữ cai quản ban phát sắc đẹp cho nữ nhi toàn nhân loại thì Nguyễn Thị Trân Châu là phiên bản hồng trần của vị nữ thần ấy. Hồng trần vì Trân Châu chỉ cao đến vai của tôi. Hồng trần vì Trân Châu vui tươi, nhí nhảnh, ngây thơ, và vô tư. Thần thánh vì Quỳnh Hoa uy nghi, suy tư, trí tuệ. Không như với Lý Quỳnh Hoa, tôi và Trân Châu chuyện trò thường xuyên (vì tôi nhận lời dạy kèm cấp tốc về nói tiếng Anh các ngày cuối tuần cho Trân Châu trước khi Châu đi Mỹ và bạn của Châu là một nữ tiếp viên hàng không đang muốn lấn sang phục vụ các tuyến hải ngoại đến Dubai) cũng như gặp gỡ nhiều lần khi cùng đi ăn tối sau tan học.

Mỹ Nhân (2)

Là ngôi sao quá rực rở về nhan sắc, Nguyễn Thị Trân Châu đã gây khó khăn cho tôi vì toàn bộ học viên nam lúc nào cũng lơ là học tập để quay lại nhìn nàng do nàng chọn ngồi bàn cuối (mà sau này nàng cho biết vì sợ tôi bắt nàng trả lời các câu hỏi, còn tôi sau này cho nàng biết ngay cả khi nàng ngồi bàn đầu tôi cũng không dám gọi nàng đứng lên trả lời câu hỏi nào cả), còn các học viên nữ thì không lo học hành mà chỉ chăm chăm trừng mắt nhìn tôi dò xét xem ánh mắt tôi có lần nào nhìn về hướng Trân Châu khi mồm miệng tôi đang xổ tiếng Anh giảng giải cái gì đó mà họ không còn quan tâm lắng nghe. Tất cả ắt chỉ vì có ai đó đã phát hiện “chúng tôi” sánh vai bước vào…quán mì vịt tiềm trên đường Trần Cao Vân gần đấy mà chỉ tại chưa có “di động” và chưa có “FaceBook” nên chưa thể có việc tung cờ-líp lên mạng tố cáo trước toàn dân để rủ rê ném đá, cho dù chưa hề có cái gọi là quán mì vịt tiềm ôm!

Nguyễn Thị Trân Châu chưa hề biết rằng cái ông thầy Hoàng Hữu Phước đã nhận lời nài nỉ của nàng để dạy nàng và cô bạn của nàng một khóa cấp tốc mà dứt khoát không chịu nhận tiền học phí thù lao ấy đã luôn sống với hoài niệm về gương mặt tuyệt mỹ, tiếng cười trong trẻo, nụ cười bừng sáng của nàng, về sự bẻn lẻn khúc khích của nàng khi vụng về sử dụng dao và nĩa (khi tôi đáp lễ những tô mì vịt tiềm bằng lời mời dùng bữa tối tại nhà hàng Maxxim trên đường Đồng Khởi gần nhà Quỳnh Hoa xưa kia), và mỗi khi dừng nghỉ sau cuộc đấu tranh sinh tồn mõi mệt với những thử thách quá khắc nghiệt trong đời, ông thầy ấy đã luôn thầm nói lập đi lập lại mỗi một lời duy nhất: “Cảm ơn em, Nguyễn Thị Trân Châu, cảm ơn nụ cười của em đã luôn theo suốt cuộc đời Thầy để Thầy lại có thể cười vui với ký ức về em và với cuộc đời này.

4) Trang tuyệt thế giai nhân cuối cùng của toàn nhân loại – theo tôi – là một nữ sinh mà tôi đã không thể nhớ tên.

Lúc được tổ chức chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phân công về giảng dạy tại Cao Đẳng Sư Phạm, tôi có gặp Phạm Anh Kim. Anh chàng này là Bí Thư Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh của Khoa Ngoại Ngữ, nhà ở Chung Cư Ấn Quang. Anh là sinh viên của Cao Đẳng Sư Phạm và được giữ lại trường để giảng dạy tiếng Anh mà thực chất là để có người lãnh đạo Chi Đoàn Giáo Viên và Liên Chi Đoàn Giáo Sinh (tức sinh viên) – giống như người kém hơn tôi thì được giữ lại giảng dạy ở Đại Học Tổng Hợp để có người lãnh đạo tư tưởng chính trị của sinh viên, còn tôi đương nhiên phải xuất ngoại (tức đi ra khỏi trường) dù được các thầy cô đề nghị giữ tôi lại giảng dạy. Vào thời điểm Việt Nam chưa có cái gì gọi là “tư nhân”, Phạm Anh Kim với quyền lực chính trị tinh hoa đã có thể đứng ra mở một trung tâm ngoại ngữ trên đường Ba Tháng Hai (trước 1975 là Trần Quốc Toản) tại Quận 10. Một hôm Kim nói với tôi về trung tâm của Kim, và do có thêm học viên phải mở thêm lớp mà Kim và các cộng sự lại đang dạy cho các lớp đã mở trước đó, còn các học viên đang học thì không đồng ý đổi giáo viên nên buộc lòng Kim phải nhờ tôi dạy dùm một lớp mới. Kim nói “tiếc lắm nhưng phải nhờ anh coi dùm lớp mới này”. Khi đến dạy buổi tối đầu tiên, tôi mới hiểu vì sao Kim “tiếc”.

Chỉ trong phút chốc, tôi đã bắt gặp ánh mắt của cô gái ngồi giữa dãy bàn thứ ba. Nếu như khi gặp Nguyễn Thị Trân Châu tôi đã có gia đình và có việc làm lương bổng rất cao sau khi bị Cao Đẳng Sư Phạm đẩy ra khỏi ngành giáo dục, thì trước đó tôi gặp Lý Quỳnh Hoa khi cả hai cùng 17 tuổi, còn khi nhận lớp của Phạm Anh Kim thì tôi giảng dạy ở Cao Đẳng Sư Phạm mới được một năm, vẫn chưa lập gia đình, và cô gái xinh đẹp tuyệt trần mới gặp lần này lên 17 tuổi và cực kỳ giống — thậm chí xinh đẹp hơn — Nicole Kidman trong bức ảnh này:

Mỹ Nhân (4)

Với người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn với trọn thời thơ ấu, tuổi thiếu niên, và phần lớn thời gian đầu lứa tuổi thanh niên như tôi, các tác nhân văn hóa trở thành sâu đậm, duy nhất, bất di bất dịch, chẳng hạn mặc định đến suốt đời rằng phụ nữ tuyệt đep luôn không thiếu các thành tố không thể tách rời khỏi nhan sắc quý phái sang cả thượng lưu như vẽ nghiêm trang,sự  nghiêm túc, nết thùy mỵ, dáng đoan trang, tính chừng mực, và chí chăm chỉ học hành. Người nữ sinh ấy đã làm tôi ngây ngất vì nàng tuyệt đẹp với sắc đẹp mà sau này tôi bắt gặp nơi Nicole Kidman, kèm đầy đủ các thành tố nêu trên. Có lẽ trong ba trang quốc sắc thiên hương người Việt “của” tôi trong bài viết này, nàng là người có chiều cao khiêm tốn hơn cả (Quỳnh Hoa 1m7, Trân Châu 1m6), và có thời gian gần tôi ít hơn cả (Quỳnh Hoa 1 năm, Trân Châu 3 năm).

Là người bảo thủ, tôi sống nghiêm khắc và không để mình bị cuốn theo sự cuốn hút của nhan sắc người con gái, chỉ để bảo toàn danh dự bản thân nhất là khi quyết tâm sẽ theo đuổi sự nghiệp một nhà giáo. Đó là lý do từ năm lớp 9 tình yêu đầu đời của tôi là Đinh Thị Mai Trâm đã viết trong một bài thơ tặng tôi Đêm Noel gọi tôi là “linh hồn tượng đá”, còn các cô gái sau này bảo tôi rằng tôi “đẹp như cha xứ” dù tôi chưa từng thấy “cha xứ” nào đẹp để biết cái đẹp của “cha” thì có gì đặc biệt khác thường không.

Sau một tuần giảng dạy, tôi nhận thấy nàng học hành chăm chỉ, và khi tôi đặt câu hỏi tiếng Anh, tôi mới biết nàng sở hữu một giọng nói rất thanh rất trong trẻo (tôi không ưa các cô ca sĩ Việt Nam vì họ cố luyện giọng khàn mà tôi mỉa mai là “ồ ề” “vẩn đục”), đặc biệt nàng có giọng nói Sài Gòn nhưng rất nhẹ nhàng chừng mực, không tự do nhảy bay phóng khoáng. Như đã nói, tôi tập trung làm việc vì trách nhiệm phải nuôi các em ăn học nên người trước, và sẽ chỉ nghĩ đến chuyện tình cảm gái trai xây dựng gia đình sau rốt, nên chẳng bao giờ tôi chủ động tiến đến bất kỳ ai dù có tơ tưởng đến những đóa hồng. Tôi đã im lặng ngắm nhìn chiêm ngưỡng nàng và ước ao về nàng. Nhưng chỉ có thế.

Rồi một hôm, khi tan học lúc 9 giờ tối, nàng dắt xe đạp chờ tôi ở xa. Lúc tôi chạy xe đến gần, nàng phóng ra đi cạnh tôi và ngỏ lời muốn đến nhà tôi. Thế là hai mái đầu xanh đã sánh đôi đến trước nhà ba má tôi tại Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3. Nàng xin phép ra về sau khi đã nhìn vào trong nhà. Tôi nhìn theo bóng dáng người con gái ấy, và lòng vui mừng vì trang tuyệt sắc giai nhân ấy đã chủ động đến với tôi.

Sau hai buổi tối đi cùng nhau như thế từ trung tâm đến nhà tôi rồi chia tay mà không chịu để tôi đưa nàng về nhà, nàng bảo cần gặp tôi để nói chuyện riêng, và chúng tôi đã đi uống nước ven đường (thủa ấy chưa có quán cà phê).

Câu chuyện ấy đã làm tôi quyết định chấm dứt với nàng, đặt dấu chấm hết cho sự mơ tưởng về nàng sau mới có vài tuần quen biết, đầy ắp những vui sướng mộng mơ.

Nàng bảo rằng thấy nhà tôi có thờ tượng Phật và thờ ông bà tổ tiên. Nàng bảo rất yêu tôi và vì yêu nên muốn tôi không đi sai đường, vì thờ Phật và thờ tổ tiên là sai đường, vì tất cả đều dưới vị thượng đế duy nhất là Đức Chúa Trời, nên chỉ thờ Đức Chúa Trời chứ không thờ những gì do Đức Chúa Trời tạo ra. Nàng mong muốn được đưa tôi đến một nhà thờ Tin Lành để vào đạo, để nàng được ở cạnh tôi cùng nhau thờ Chúa và hưởng hạnh phúc mà Chúa đã ban tặng cho hai người. Nàng nói nàng ngay từ cái nhìn đầu đã có một thứ tình cảm rất lạ với tôi, thứ tình cảm trai gái nàng chưa bao giờ dám nghĩ đến thế mà nay gặp tôi nàng lại thấy rạo rực xuyến xao. Đó là lý do nàng không thể để tôi tiếp tục lạc lối rời xa Thượng Đế. Nàng sẽ nhanh chóng nói chuyện với mục sư và nhờ các tín đồ trong giáo hội hẹn ngày vầy đoàn cùng đến gặp ba má của tôi để giảng đạo và thuyết phục nhanh chóng chấm dứt tội lỗi của cả gia đình bằng cách dẹp bỏ ngay các bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật. Nàng nói nhiều lắm về cảm tinh quý trọng mến thương dành cho tôi, một người thầy trẻ tuổi quá nghiêm túc trong khi các thầy khác thì dù trẻ hay không còn trẻ dù có dạy lớp nàng hay không cũng cứ “nháy mắt”, “rủ rê”, “tán tỉnh” nàng mỗi tối.

Đối với tôi, đó là một buổi tối kinh hoàng. Ly cà phê đá của tôi đã thành ly chứa hỗn hợp chất lỏng màu đen bên dưới mà trên đó là lớp chất lỏng trắng trong từ sự tan chảy của nước đá. Là người theo Tây học, tôi từ năm lớp 9 đã kết bạn tâm thư quốc tế (PenPal) và có quen với một thanh niên Mỹ để viết thư từ qua lại để luyện viết tiếng Anh. Anh chàng Mỹ này lúc ấy học đại học ở tiểu bang lạ hoắc là Utah. Có lần anh viết rằng anh rất thương một cô sinh viên học chung lớp. Cô ấy diện dân nhập cư từ Ấn Độ. Về sau anh mời tôi qua Mỹ dự đám cưới của anh với cô Ấn đó. Và trước khi “Sài Gòn Thất Thủ” (theo kiểu gọi của Mỹ “The Fall of Saigon”), tôi nhận lá thư cuối cùng của anh (đơn giản vì ngay sau giải phóng thì chuyện thư từ gởi sang Mỹ là điều không nên và chuyện chi phí cao là điều không khuyến khích), kể chuyện anh ta vẫn sống hạnh phúc, Chủ Nhật chở vợ đi nhà thờ Tin Lành với mình rồi lái xe đến nhà thờ Ấn Giáo Hindu để vợ cúng lạy vái van các thần tiên dưới dạng các thú vật như khỉ hay voi. Đó là sự tôn trọng người phối ngẫu một cách sâu sắc, đầy văn hóa, cực kỳ văn minh. Và tôi đã biết tôi sẽ làm gì tương tự sau này khi lập gia đình: phải hết lòng tôn trọng tôn giáo và tín ngưỡng bên nhà vợ trong khi vẫn theo tín ngưỡng của riêng mình.

Tôi đã tránh xa nàng, kiếm cớ từ chối lời mời dạy tiếp của Phạm Anh Kim khi kết thúc khóa. Ngay sau đó Bí Thư Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh Phạm Anh Kim vượt biên bất thành, bị bắt giam, bị sa thải khỏi Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, bị đóng cửa trung tâm. Nàng không thể cậy nhờ Phạm Anh Kim chuyển thư cho tôi. Nàng không dám bước vào Cao Đẳng Sư Phạm đi lang thang tìm tôi. Nàng cũng không biết là khi nàng mấp mé chờ đợi tôi ở cổng trường Cao Đẳng Sư Phạm trên đường An Dương Vương thì tôi đã lẻn ra về bằng cổng đường Nguyễn Trải hoặc ngược lại.

Tôi không gần nàng đủ lâu để kịp nhớ tên nàng. Tôi tin rằng nàng hiện nay ắt đang sống đời đạo đức với đức hạnh và đức tin của nàng. Tôi chỉ tiếc nếu như cô bé 15 tuổi xinh đẹp hoa khôi Đinh Thị Mai Trâm đã viết thư tỏ tình với tôi trước chỉ nêu những thổn thức nhớ nhung của Mai Trâm đối với tôi, thì nàng là người con gái tuyệt thế giai nhân 17 tuổi đã tự tin tỏ tình trực tiếp trước bằng lời nói với nội dung toàn những xưng tụng con người tôi tức những lời quá tốt đẹp tôi lần đầu tiên nhận được trong đời, nhưng đồng thời lại là cô gái đặt niềm tin tôn giáo của mình lên trên hết, trong khi chính sự cực đoan như hiển hiện đầy dẫy trong Thánh Kinh Cựu Ước và Thánh Kinh Tân Ước đã khiến tôi quyết không vào Đạo Chúa như đã nêu trong bài Hoàng Hữu Phước Và Tôn Giáo nên không thể chấp nhận tình-yêu-kiểu-thứ-yếu đó của nàng. Đất nước và gia đình luôn phải được xếp trên tôn giáo vì đó mới chính là đạo lý của đời người đoan chính và trí hóa cao trong đời sống thực. Chưa kể, tôn giáo hoàn toàn không bao giờ được đơn giản hóa thành cái tập thể của giáo hội + giáo sĩ + giáo dân. (Tôi có thiên hướng tư duy theo ảnh hưởng Phật Giáo nhưng không bao giờ tự động đi chùa chỉ vì đó là nơi có nhiều tượng Phật to lớn, chẳng bao giờ tự động kính tăng chỉ vì đó là vị tăng già, chưa bao giờ tự động trọng thiện nam tín nữ nói chung chỉ vì đó là một tín đồ Phật giáo).

Tết 2018 này, tôi lại tiếp tục cầu mong nàng nhận được mọi điều tốt đẹp trong đời, cũng như mong được nàng tình cờ đọc bài viết này để biết một điều rất có thể nàng vẫn chưa từng được nghe ai nói đến: Đức Chúa Trời đã ban cho nàng sự kiều diễm tột cùng làm tôi xao xuyến, mong chờ, nhung nhớ, không thể nhận thêm bất kỳ sự xuyến xao trước nhan sắc của bất kỳ ai khác của thời nay.

“Cảm ơn em đã là trang tuyệt thế giai nhân duy nhất tỏ tình với Thầy dù Thầy đã nhanh chóng phụ em, lẩn trốn em suốt thời gian dài sau đó, và chắc đã làm em rơi nước mắt vốn là điều tối kỵ Thầy không bao giờ muốn gây ra cho người mình yêu thương dù chỉ là thương thầm và nhớ trộm. Nhắc đến em khi khai bút đầu năm chính là để thêm một lần tỏ lòng quý trọng em như lời biết ơn gởi đến em vì đã từng ban cho Thầy diễm phúc được ngắm nhìn em một thiên thần của Đức Chúa.”

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Thầy Nguyễn Quang Tô  25-11-2011

Đám Cưới  09-12-2015

Đồng Phục Học Sinh  30-01-2016

Tình Yêu  20-01-2016

Hoàng Hữu Phước Và Tôn Giáo  24-10-2017

Both comments and trackbacks are currently closed.