Mê Tín Dị Đoan

Những Điểm Gây Tranh Cãi

Hoàng Hữu Phước, MIB

Thứ Hai, 05-3-2018

Cách nay nhiều năm tôi có lần nhận được tin nhắn điện thoại của một bạn đọc nữ (là một phóng viên trẻ không rõ của báo nào), cho biết bài viết của tôi trên Emotino.com về “ngày tốt, ngày xấu” dịp Tết năm trước đó đã được mẹ của cô tin tưởng áp dụng theo và gặp may mắn cả năm, nên có ý chờ đợi bài viết của tôi vào năm tiếp theo, song cho đến ngày cận kề Giao Thừa năm mới rồi mà vẫn chưa thấy bài viết mới của tôi nên nhờ cô chủ động đánh tiếng giúp. Cô thậm chí nói rằng nếu tại vì bị cơ quan chức năng quản lý truyền thông nhắc nhở phê phán “dị đoan” mà tôi cụt hứng không viết nữa thì cô khẩn khoản xin tôi hãy viết gởi riêng cho mẹ cô bằng email đến cô để thỏa mong muốn của bà. Tôi xin lỗi cô vì tôi chỉ viết chơi một lần để thử áp dụng cái nghiên cứu chưa tới nơi tới chốn của mình chứ không tạo chuyên mục chuyên trang xem ngày tốt ngày xấu sao tốt sao xấu vì tôi chỉ giỏi có mỗi về xem người tốt người xấu chế độ tốt chế độ xấu chủ nghĩa tốt chủ nghĩa xấu luận án tiến sĩ tốt luận án tiến sĩ dỡ ẹc mà thôi.

Tuần này, tôi nhận được từ người quen một đường link dẫn đến bài có nhan đề “Cúng sao giải hạn chẳng khác gì vung tiền mua sự an ủi” trên baomoi.com, có chua phát biểu của một số chức sắc Phật Giáo đối với những nội dung mà các vị cho là mê tín dị đoan sai lầm.

Tất cả các ý kiến của các tu sĩ cấp cao như nêu trong bài báo nói trên đều rất yếu kém và dễ gây ra ít nhất 6 tranh cãi sau:

 

1) Điểm Tranh Cãi Thứ Nhất: Nếu nói rằng “trong kinh sách nhà Phật không nói đến nghi lễ cúng sao giải hạn cho phật tử. Đối với Phật giáo, không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như người ta lầm tưởng,” thì kinh sách nhà Phật cũng đâu có nói gì về nghi lễ cúng bái cho từng đẳng cấp Phật, cúng đầy tháng/thôi nôi, cúng giỗ tổ tiên, cúng giỗ Vua Hùng, cúng khai trương, cúng Ông Táo Bà Táo, phương pháp phẫu thuật, các công thức thảo dược, các chiến thuật nhằm làm tiêu hao tối đa sinh lực địch, các nhạc lý, những công thức ẩm thực chay, cách thả nọc heo nái, các phương cách gia tăng hạnh phúc tình dục nhằm gia tăng tình yêu của vợ chồng, v.v. và v.v. Vậy phải chăng tất cả những gì không được kinh sách Nhà Phật nói đến đều là những mê tín dị đoan? Ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt, là những thuật ngữ của một sinh hoạt thuộc lĩnh vực hoàn toàn khác, thuần dựa theo các truyền khẩu kinh nghiệm dân gian ở theo từng khu vực trên toàn thế giới từ rất lâu trước khi Linh Bạch Tượng khẻ húc vào bụng hoàng hậu Maya khiến bà thụ thai sinh hạ Siddhartha tức Tất-Đạt-Đa hay khi ân điển của Thượng Đế ban vào bụng thôn nữ Mary khiến bà thụ thai sinh hạ Jesus Christ tức Giê-Su Ki-Tô.

Nói khác đi, phải chăng chỉ có những gì được các tu sĩ Nhà Phật ủng hộ mới đương nhiên là thuận theo kinh sách Nhà Phật, từ đó suy ra: các hình phạt tru di cửu tộc của các quân vương Phật Tử trừng phạt các tội khi quân và phản loạn mà không bất kỳ sư sãi nào trong toàn bộ lịch sử tôn giáo bất kỳ dám kiến nghị đổi thay, hoặc cách các tu sĩ lợi dụng những sự việc dù hoàn toàn nằm trong tầm điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để xách động biểu tình khi mặc cà sa cầm loa công suất lớn nhảy loi choi cà tưng cà tưng trên nóc xe hơi hô hào cứu “nạn dân” ắt đều tuyệt đối đúng do đã có ghi đầy đủ rõ ràng chi tiết trong Kinh sách Nhà Phật hay sao?

Thế gian chưa hề có bất kỳ bản kinh kệ nào của tất cả các tôn giáo lớn nào do Đức Phật hay Đức Chúa (hay Đức nào khác) trực tiếp hạ bút viết nên, có ký tên, và đóng dấu. Chưa kể, Kinh Sách là để diễn giải những gì của tôn giáo mà các giáo sĩ viết nên có thể phần rất nhỏ dựa theo những gì trực tiếp chứng kiến còn phần lớn dựa vào đức tin, niềm tin, sự hiểu biết, và lòng mong muốn của cá nhân tu sĩ theo kỳ vọng của chính cá nhân tu sĩ ấy nhằm răn đe chúng sinh cho một tương lai tốt đẹp hơn mà cá nhân tu sĩ ấy kỳ vọng, mà ngay cả sự hiểu biết của tu sĩ cũng ắt dựa hẳn vào môi trường hiện có, hiện thấy, hiện ngỡ là, hiện tin sẽ là, của cái xã hội mà trong đó người viết kinh sách lúc ấy đang sống. Vì vậy Kinh Sách không thể và không bao giờ được phép luyến láy để ôm lấy cái thần thái nào đó không thuộc về nó lôi tuột vào trong nó – nghĩa là những gì có trước hoặc có sau sự xuất hiện của “Đạo” Phật (tất nhiên kể cả các “Đạo” khác) thì hoàn toàn thuộc về tài sản chiêm nghiệm và/hay tri thức khoa học/tiền khoa học/cận khoa học/hậu khoa học của những sinh vật hình thành nên các tôn giáo: đó là con người.

Như vậy, nói một cách đơn giản, cúng sao giải hạn hoàn toàn không phải của Phật Giáo nên làm gì có chuyện kinh sách Nhà Phật có ghi về nội dung cúng sao giải hạn. Một Phật Tử khi lấy vợ phải tuyệt đối tuân theo các quy định bởi con người được gọi là các “đấng sinh thành” của cô dâu bất kể các đấng ấy có là Phật Tử hay không, chứ chẳng ai mở tìm trong kinh sách nhà Phật xem phải tổ chức nghi lễ hôn nhân ra sao cho đúng “phe Phật Giáo” cả. Thậm chí cái nghi lễ hôn nhân nào đó nếu có trong “phe” tôn giáo khác cũng không phải do các vị Thượng Đế của cái tôn giáo ấy đã từng phán bảo, chỉ dạy, bày ra.

Nói một cách công bằng, phổ quát, phổ biến, phổ thông và dễ hiểu, thì tu sĩ là giai tầng xã hội có nhiều thời gian cá nhân hơn các chúng sinh khác. Việc sử dụng thời gian nhàn rỗi đầy ắp ấy của một số tu sĩ cho việc nghiên cứu nghiêm túc hay học tập đàng hoàng là lẽ đương nhiên đúng đắn, đương nhiên khôn ngoan, đương nhiên hữu ích, đương nhiên đáng khích lệ và đương nhiên đáng ngưỡng mộ, nhất là sau đó đem cái sở học đàng hoàng ấy ra góp phần cứu giúp chúng sinh.

Một tu sĩ tìm học thêm về thảo dược và các phương pháp chữa bịnh trong dân gian – thậm chí cả các phương chữa “mẹo” của người thiểu số ở thâm sơn cùng cốc – vốn hoàn toàn không được ghi chép trong Kinh Sách Nhà Phật (hay Nhà Chúa), rồi đem kiến thức ấy chữa lành “thân bịnh” cho chúng sinh thì ấy là đại phúc cho tu sĩ và đại phước cho chúng sinh. Cớ gì lại có thể hê lên rằng tu sĩ chữa bịnh là lang băm trong khi lang băm là sự lừa bịp của kẻ gian chứ chả dính dáng gì đến truyền bá/đào tạo/áp dụng khoa học y học và y thuật trong cứu nhân độ thế của tu sĩ cả. Mà “khoa học y học” thì không phải chỉ là “thuốc con nhộng” và thuốc chích, mà phải gồm cả lá cỏ, đồng tiện, cẩu nhục, đánh gió, giác hơi, và massage, tức những thứ xưa kia các binh đoàn của tổ tiên người Việt đã áp dụng nhờ đó mới có sức khỏe tuyệt luân bảo đảm ngày sau hình thành nên nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện đại của ngày nay.

Một tu sĩ tìm học thêm về thiên văn, bấm độn, bói toán, và lắng nghe các kinh nghiệm truyền khẩu của dân gian – dù đó là dân gian miền sơn cước Lumbini quê hương Đức Phật bên Tây Trúc hay trên đỉnh non cao Không Lộ Thiền Sư đứng hét lên một tiếng hào sảng làm lạnh băng cả bầu trời tại Việt Nam – vốn hoàn toàn không được ghi chép trong Kinh Sách, rồi đem kiến thức ấy chữa lành “tâm bịnh” cho chúng sinh vốn kinh sợ trước các siêu lực thiên nhiên của các vì sao, thì ấy là đại phúc cho tu sĩ và đại phước cho chúng sinh. Cớ gì lại có thể hê lên rằng tu sĩ đạo ấy đạo ấy mê tín dị đoan trong khi mê tín dị đoan chả dính dáng gì đến tâm lý tâm linh kiêng dè kiêng sợ thần linh cùng quyền lực siêu nhiên trên cơ sở cực kỳ đơn giản rằng cha mẹ tổ tiên chỉ là người phàm trần mà ta còn cúng vái hành lễ thành tâm tưởng nhớ kính sợ cầu xin phù hộ thì huống chi thần thánh Phật tiên còn cao vời hơn nữa mà ta lại đứng chống nạnh cười khẩy to mồm xỉa xói mắng mỏ “ấy mê tín dị đoan!”

Thậm chí ở Việt Nam Cộng Hòa có người như Nguyễn Văn Trung thuộc “phe” Công Giáo đã trình luận án tiến sĩ triết học tại Đại Học Công Giáo Louvain (Université Catholique de Louvain, Vương Quốc Bỉ) với đề tài Phật Học tựa đề “La Conception Bouddhique du Devenir” (về biến dịch trong Phật giáo Thượng Tọa Bộ Sthaviravâda) cho thấy hành trình khám phá tri thức phải hoàn toàn vô biên giới bất biên cương phi biên…mậu (tiếc là một “giáo sư” Sài Gòn đã bỏ Công Giáo để theo Phật Giáo là Phạm Công Thiện lại viết quyển Phê Bình Luận Án Tiến Sĩ Triết Học Của Nguyễn Văn Trung để hẹp hòi hung hãn phơi bày sự cực đoan chửi bới Nguyễn Văn Trung là “lưu manh nguy hiểm” và ý thức hệ của Nguyễn Văn Trung là “quái thai tạp nhạp”,v.v., trong khi bản thân Phạm Công Thiện không đủ trình độ tư duy nghiêm túc để biết rằng nhà thiên văn học vật lý học toán học triết học Galileo Galilei cùng tác giả của Tư Bản Luận kiêm cha đẻ của Chủ Nghĩa Cộng Sản Karl Marx đều là những con chiên ngoan đạo trí tuệ cực đỉnh của Công Giáo, nên mới chống đối tín đồ Công Giáo Nguyễn Văn Trung trình luận án tiến sĩ triết học về Thượng Tọa Bộ).

Chưa kể, việc cúng sao giải hạn là việc riêng của cá nhân cần vượt qua những lo lắng không nên không có, không dính dáng đến Phật Giáo để bất kỳ ai trong các chức sắc Phật Giáo có thể xúc xiểm với ngụ ý là chúng sinh làm sai vì Kinh Sách Nhà Phật không quy định như thế.

Tương tự, việc vái lạy và “lên đèn” bàn thờ tổ tiên là việc riêng của cá nhân trong tổ chức lễ cưới vượt qua tình trạng đơn thân, không dính dáng đến Phật Giáo để bất kỳ ai trong các chức sắc Phật Giáo có thể xúc xiểm với ngụ ý là chúng sinh làm sai vì Kinh Sách Nhà Phật không quy định như thế.

Tương tự, việc đánh gió giác hơi là việc riêng của cá nhân cần vượt qua tình trạng bần thần mệt mõi như một thứ massage, không dính dáng đến Phật Giáo để bất kỳ ai trong các chức sắc Phật Giáo có thể xúc xiểm với ngụ ý là chúng sinh làm sai vì Kinh Sách Nhà Phật không quy định như thế.

Tương tự, việc bày biện hoa tulip ba màu đỏ tím vàng cùng trái cây nhập khẩu đắt tiền rồi quỳ mọp lạy nguyện cầu trước tượng Phật Bà Quan Âm rực rỡ ánh đèn led chớp nháy hiện đại tân kỳ là việc riêng của cá nhân cần vượt qua tình trạng tâm lý bất an lo cho cha già mẹ yếu, không dính dáng đến Phật Giáo để bất kỳ ai trong các chức sắc Phật Giáo có thể xúc xiểm với ngụ ý là chúng sinh làm sai vì Kinh Sách Nhà Phật hoặc không quy định như thế hoặc quy định phải là năm bông vạn thọ với sáu đèn cầy cùng bảy trái dừa xiêm loại xanh và xá lạy tám lần.

Như vậy, chính quyền và tất cả các vị chức sắc có trách nhiệm, có trí thức, và có tri thức, đều nhất thiết cần phân biệt dị đoanmê tín, chấm dứt gán ghép dính khắng bất rời cụm từ mê tín dị đoan (dù theo lý thuyết Lexicology thì có chấp nhận hiện tượng biến nghĩa và mất nghĩa theo thời gian tức các hiện tượng upgradation, degradationnew coinage), vì mê tín là xằng bậy nhất thiết phải bài trừ triệt để bằng biện pháp hành chính, còn dị đoan là cái mà việc giải quyết hạn chế nó cần thêm một ít thời gian (khoảng vài thế kỷ) thông qua đời sống cao vời vượt bậc, trí hóa vượt bậc cao vời, và giáo dục thành công trên hẳn bậc vượt vời cao, do dị đoan gắn với sự xúc xiểm những tín ngưỡng nào khác với tín ngưỡng của mình. Mê tín nếu gây hại đến sức khỏe người khác, tài sản người khác, an ninh trật tự chung, và quốc thể, thì thuộc phạm trù “vi phạm pháp luật hình sự” để pháp luật trừng trị nghiêm khắc.

Như vậy, các tu sĩ nên tuyệt đối tránh – và vất bỏ nếu có đủ bản lĩnh trưởng thành và lòng can đảm – kiểu tư duy phán xét cực đoan đối với những “dị” biệt, trong đó có dị giáo, và … dị đoan. Cần nhớ rằng cực đoan ngày nay đã biến thiên hòa trộn vào chủ nghĩa khủng bố, và những hành động cực đoan của giới tu sĩ sẽ hoặc do muốn khủng bố giáo dân hoặc do muốn khủng bố chế độ chính trị chính phủ mà cái nào cũng là hành vi hoàn toàn sai, phản quốc và phản đạo.

Ngoài ra, việc nghiên cứu sự tồn tại của các vì sao là việc làm của các nhà khoa-học-không-bằng-cấp-“tiến-sĩ”-không-có-học-vị-“giáo-sư” trên khắp các châu lục trong hàng ngàn năm, từ đó có các môn thiên văn học phương Tây và phương Đông kể cả phương lạ hoắc không dính tới bốn phương tám hướng của Đông-Tây-Nam-Bắc gì sất như phương…Ả Rập hay phương Cổ La-Hy.

Việc ghi nhớ ghi nhận bằng lời nhắc nhở con cháu hoặc bằng chữ viết truyền lưu cho hậu duệ những chiêm nghiệm về các tác động của các vì sao đối với đời sống mùa màng và đời sống cá nhân là việc làm của các nhà-có-sống nghĩa là những ai đã từng thực sự sống, nghĩa là những người thực sự đã từng có trách nhiệm làm lụng cực nhọc nuôi dưỡng hình thành xã hội loài người từ thượng cổ cho đến thời đại rô-bốt, nghĩa là không hề lười biếng buông xuôi mà ghi nhận đầy đủ nhất cử nhất động của chung quanh để truyền lưu cho con cháu với mục đích duy nhất là loài người phải tồn tại, phải tồn tại vượt qua các dọa đe của thiên nhiên, và phải tồn tại tốt nhất có thể được bất kể môi trường sống có đầy phản trắc đến đâu.

Và khi đối mặt trước những quyền lực siêu nhiên con người không bao giờ khắc chế được, người ta đã làm một điều vô cùng đúng theo chuẩn văn minh hiện đại, vô cùng lành mạnh theo chuẩn hiện đại văn minh của đại gia, và vô cùng khôn ngoan cũng theo chuẩn văn minh hiện đại, đó là dựa dẫm vào thế lực siêu nhiên nào mà chính mình đã có kiến thức của hàng ngàn năm để sùng bái các vì sao mà tổ tiên đã nhân cách hóa thành các Vị Thần. Tại sao bảo là đúng chuẩn hiện đại? Đơn giản vì những gì ngoài tầm với đều hãy tìm đến sự hỗ trợ tâm lý tâm linh thay vì tự uất ức, tự giày vò, tự than thân trách phận, tự vô siêu thị Walmart mua một khẩu AR-15 tự nhào vô trường học không phải trường tư tự xả súng vô tư. Cúng sao là một hành vi văn hóa hiện đại đặc thù để hỗ trợ tâm lý tâm linh. Chỉ có sự bày vẽ các yêu cầu món này món nọ dị hợm dị quái để mê hoặc và moi tiền người đang cần hỗ trợ mới là cái việc của bọn tà đạo nhất thiết phải lên án và trừng phạt.

Một thằng tướng Tàu họ Sầm thất trận bị quân Tây Sơn truy sát bỏ chạy đâm sầm vào núi Loa tối tăm mày mặt vướng cổ vào sợi dây thừng treo sẵn còn được Hoàng Đế Quang Trung cho xây đền thờ để Hoa kiều ngàn năm hương khói phụng thờ vái van xin phù hộ kinh doanh phát đạt thành công, thì mấy tinh tú hay chòm sao được người Tàu đặt tên và được người Việt hương khói vái van xin phù hộ cho nạn khỏi tai qua thì sao lại bị xem như dị đoan mê tín?

Cần nhớ rằng nguồn gốc của dị đoan mang nội hàm phỉ báng của kỳ thị tôn giáo. Khi một cao tăng Phật Giáo gọi cúng sao giải hạn là mê tín dị đoan thì vị ấy đã phạm cùng lúc những 3 sai lầm vô cùng sai một cách nguy hại gồm

(a) đặt cúng sao giải hạn vào vị trí một tôn giáo,

(b) biến Phật Giáo mang mặc cảm tự tôn hiếu chiến đầy sát phạt rằng Phật Giáo là thượng đẳng xem các tôn giáo khác là “dị” giáo vốn trong nội hàm khởi thủy của “dị đoan”; và

(c) gián tiếp gây rối loạn xã hội qua khẳng định không được thực hiện những gì không được ghi trong Kinh Sách Nhà Phật trong khi luật pháp quốc gia cũng không được ghi trong kinh sách ấy.

Lời khuyên của Lăng Tần: các nhà tu hành Phật Giáo đừng bao giờ vô tư vô tâm phát ngôn biện luận bằng cụm từ “không có ghi trong kinh sách Nhà Phật” vì dễ tạo điều kiện cho những xúc xiểm rằng phải chăng tại vì Phật chưa từng dạy trong kinh sách nên thiện nam tín nữ Phật Giáo và nhân dân chưa hề thấy bất kỳ nhà sư nào đăng ký hiến tạng hiến mô cứu độ chúng sinh?

 

2) Điểm Tranh Cãi Thứ Nhì: “Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu.”

Phật Giáo không bao giờ lên án như trên.

Chỉ có “giáo hội” của Phật Giáo, “chùa” này “chùa” nọ của Phật Giáo, “tu sĩ” Phật Giáo, “viện Phật học”, mới ra công văn nêu thế, phát hành bản thông báo dán bảng về thế, hoặc phát biểu cảm tưởng như thế khi bị phỏng vấn mà thôi.

Sẽ rõ ràng là môt nhiệm vụ bất khả thi nếu các “giáo hội” của Phật Giáo, “chùa” này “chùa” nọ của Phật Giáo, “tu sĩ” Phật Giáo, “viện Phật học”, trên toàn quốc Việt Nam bị thách thức hãy đưa ra được bằng chứng giấy trắng mực đen mang tính Phật Pháp và Luật Pháp ghi nhận “cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu” đích thị là “mê tín dị đoan”.

 

3) Điểm Tranh Cãi Thứ Ba: “Khi con người tin rằng trên đời có sao tốt, xấu, ngày đẹp, ngày xấu sẽ đánh mất niềm tin vào luật nhân quả và việc cúng sao giải hạn là một quan niệm sai lầm.”

Cả hai ý “tin vào sao” và “tin vào NhânQuả” không hề có mối liên quan đối chọi bất kỳ, thậm chí còn cực kỳ tương hợp với nhau.

Chỉ có người tin vào luật Nhân Quả mới biết sợ hậu quả sẽ đến do những gì sai quấy bản thân đã phạm phải. Chính sự lo sợ đó khiến người ấy tìm đến “cúng sao” khi cho rằng cái “hạn” nguy hiểm đến cận kề. Và cũng vì biết sợ, người ấy cũng đương nhiên đã tự mường tượng ra trước một hậu quả nào đó ắt sẽ đến do việc cúng sao giải hạn của mình đương nhiên chỉ là sự bám víu hy vọng đơn thuần chứ không bao giờ chắc chắn sẽ có hiệu quả như ý. Việc cúng sao giải hạn về kỳ vọng thì không khác gì sự cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, mà sự khác biệt duy nhất chỉ là: nó bị phỉ nhổ bằng tên gọi “mê tín dị đoan” vì nó là thực hành tín ngưỡng của dân gian mà đa số là người bình dân nghèo khổ yếu thế, còn cái sự cầu nguyện thì trên đời chả ai dám nói động đến vì thuộc các tôn giáo quá lớn phát triển ở các nước quá hiện đại và hùng mạnh mà thôi.  Và biện luận thêm theo kiểu điền thế tức substitution drill của học tiếng Anh thì phải chăng cúng Phật giải hạn hay cúng Phù Đổng Thiên Vương giải hạn sẽ không là mê tín dị đoan?

Ngay cả khi một người con gái nết na đức hạnh trong sạch khiết thuần thuộc gia đình đạo hạnh lại bị mang oan án giết chồng, bị lăng mạ tà dâm hại đời dân nữ, bị đánh phạt đòn roi thân thể nát tan, bị xua đuổi khỏi chùa lết lê bẩn bụi hồng trần, bị ô uế thân danh cho đến lúc lìa đời trở thành Phật Bà Quan Âm, thì liệu đã có ai trong nhân loại kể cả các tu sĩ dám lộng ngôn bảo đó là Nhân-Quả, chẳng khác nào sở dĩ Thị Kính chịu oan khiên đến thế la tại cha mẹ Thị Kính bất nhân bất mục bất hiếu còn tổ tiên Thị Kính thất đức tàn ác loạn luân?

Đối với người thông tuệ trí hóa cao, Nhân-Quả thuộc phạm trù đa số chứ không thuộc phạm trù tuyệt đối. Trong đa số các trường hợp thuần lý thuyết thì gieo hạt gì sẽ gặt được quả đó. Song, trong tất cả các trường hợp thực tế của thiên tai thì tất cả các hạt giống cực tốt được gieo cho vụ mùa mới cũng sẽ bị cuốn/cháy/hư sạch không thể cho một quả bất kỳ. Thị Kính đã chịu truân chuyên trong đớn nhục ê chề không vì các nhân độc ác bất kỳ mà người đời xảo biện cho là Bà đã gieo trong hiện kiếp hay tiền kiếp. Thị Kính chỉ đơn giản là khối ngọc quý báu mà tảng đá bao bọc lấy khối ngọc ấy buộc phải kinh qua sự đục đẽo cắt cưa bào mài mới lộ ra được hào quang Phật hạnh chói lọi từ Bà, chứ Bà không hề thuộc phạm trù chi phối của Luật Nhân Quả. Do đó, khi nói về Nhân-Quả thì có khi gieo vô số “nhân” tốt nhiều kiếp vẫn không gặt được “quả” tốt nào, vì những gì bản thân làm được gọi là “biệt nghiệp”, trong khi còn có cả “cộng nghiệp”, nghĩa là vào Ngày Tận Thế thì tất cả người ác gian và người hiền đức đều bị tiêu diệt chung trong cùng cơn kinh hoàng của cùng thảm họa.

Vì vậy, hãy tin vào Nhân-Quả vì đó vừa là phạm trù khoa học, vừa là phạm trù tâm linh, để hỗ trợ thêm niềm tin và ổn định tâm lý; còn hãy luôn làm điều thiện vì đó là cách sống duy nhất đúng, vì bản thân luôn toát ra hương thơm của đạo hạnh, vì tâm hồn luôn trong sạch tự thân, muốn trao tặng và đem đến thật nhiều sự tốt lành cho tha nhân, chứ không vì mục đích gặt hái gom hốt về mình thật nhiều sự tốt lành hoặc vì “sợ” một cái “quả” kém chất lượng.

Dùng “Nhân-Quả” để hù dọa thiện nam tín nữ thì nào có khác gì kẻ tà đạo dùng cái sự “cúng sao” để hù dọa cơ chứ!

 

4) Điểm Tranh Cãi Thứ Bốn: Tôi cho rằng đến một thời điểm nào đó cũng cần có một công văn giống như việc cấm đốt vàng mã trong chùa của Giáo hội Phật giáo vừa đề xuất”.

Việc cấm đốt vàng mã trong chùa là việc của các chùa. Giáo Hội Phật Giáo có quyền cấm, sao lại chỉ dám “đề xuất”? Không lẽ đẩy qua cho Nhà Nước để có cớ bảo rằng Nhà Nước động đến tín ngưỡng người dân, tạo điều kiện cho đám nhân viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có việc làm mỗi năm với báo cáo về cái gọi là “nhân quyền”?

Vậy thì, thay vì phát biểu với phóng viên, tốt nhất hãy trực tiếp bàn riêng một cách trưởng thành với Giáo Hội Phật Giáo để chọn cái thời điểm nào đó để ra cái công văn cấm các chùa không được thỏa mãn yêu cầu của thiện nam tín nữ nào van xin nhà chùa nhà sư làm phước giúp đỡ họ cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu, dù cho trên thực tế các nhà sư đã dày công nghiên cứu thành công nhiều chục năm từ kho tàng kiến thức của cổ nhân mà ngay cả người Mỹ cũng phải tôn trọng dày công dịch thuật từ tiếng Hán sang tiếng Anh để nghiên cứu – và kinh doanh – từ rất lâu. Chỉ cần đừng dán hai chữ “đề xuất” vào công văn vì nhà nước và chính phủ không can dự vào niềm tin cá nhân đối với việc cúng sao giải hạn của dân, can dự vào nghiên cứu khoa học thuật bói toán chiêm tinh của các sư và của mọi công dân, hoặc can dự vào việc nghiên cứu về nghiên cứu của cổ nhân đối với ngày tốt ngày xấu của các sư và của mọi công dân đối với tất cả những gì mà luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không cấm.

 

5) Điểm Tranh Cãi Thứ Năm: Để vượt qua các nỗi sợ hãi, con người phải tăng cường sự hiểu biết về chân lý, khoa học hiện đại. Càng hiểu biết thì các niềm tin mang tính hù dọa sẽ không đủ sức gây ra nỗi ám ảnh đối với họ.”

Nếu người phát biểu câu trên có học kha khá tiếng Anh ắt nên đọc bài viết nhan đề Những Lợi Ích Của Sự Sợ Hãi (The Benefits of Fear hoặc The Beneficial Roles of Fear) để thấy cuộc sống đời người và cuộc sống kinh doanh luôn cần đến những động năng tích cực và ưu việt có được từ các nỗi sợ hãi.

Vượt qua các nỗi sợ hãi ư? Thế nếu thiên hạ không sợ Địa Ngục, không sợ Nhân-Quả, không sợ Luật Trời, không sợ Luật Pháp, không sợ phạm tội ác thì liệu có cần đến sự tồn tại của tôn giáo không, và phải chăng các chính phủ sẽ mãi đối phó với tội phạm tràn lan tràn ngập?

Chân lý nằm trong tay ai? Và chỉ nội việc trả lời cho câu hỏi này thôi cũng đủ dẫn đến Đệ Tam Thế Chiến.

Còn khoa học hiện đại là gì khi đã gần cột mốc một phần hai của nửa thế kỷ XXI rồi mà Việt Nam vẫn chỉ mới hồ hởi phấn khởi hò reo về việc mở công ty sản xuất xe hơi hiện đại mà không ai biết xe có sẽ có trang bị túi khí hay không, nếu có thì của ai sản xuất vì cái công ty khổng lồ cung cấp túi khí cho công nghiệp xe hơi toàn cầu là Takata thì đã nộp đơn xin phá sản tháng 6 năm 2017 do đã làm nhiều chục triệu xe bị thu hồi do tai nạn do khuyết điểm của túi khí gây ra, mà chỉ trong năm 1995 riêng tại Mỹ đã có tới 8 triệu rưỡi xe bị thu hồi do lỗi của một sản phẩm khác cũng của Takata là dây đai an toàn.

Nếu xe hơi Việt Nam chưa biết sẽ sử dụng đai thắt và túi khí của Delphi, TRW, Daicel, KSS, hay Autoliv trước sự sụp đổ của Takata, thì ai mà biết máy lạnh, lốp xe, dây điện, bình ắc quy, v.v., của xe hơi made-in-Vietnam ấy sẽ được nhập khẩu từ đâu, có phải hạng rẻ tiền từ Trung Quốc không; và cách chi mà có thể nói về cái khoa học hiện đại của hàng tỷ tỷ bộ phận khác của hàng tỷ thứ liên quan đến nền kinh tế quốc dân và nhu cầu đời sống an sinh của quốc dân, để sau cùng thì khi đã hiểu biết tất về khoa học hiện đại ấy, quốc dân sẽ vượt qua các nỗi sợ hãi?  Chưa kể, các khoa học hiện đại là do ai truyền bá giảng dạy? Các đấng tiến sĩ được phong “giáo sư” một cách hài hước ở Việt Nam ư?

Tóm lại, không có sự sợ hãi các dọa đe của xui rủi, các cầu thủ bóng đá quốc tế lừng danh đã không bao giờ thèm khom mình chạm tay xuống đất một cách đầy…mê tín nhằm cầu xin sự phù hộ an bình khi chạy vào sân thay thế đồng đội, Rafael Nadal không sắp xếp ba chai nước đúng vị trí ngay chân nơi chỗ ngồi một cách đầy…mê tín, và các nhà khoa học không gian NASA đã không cần bổ sung quyển Kinh Thánh cũng như dự kiến hết các phương cách để các phi hành gia tương lai tồn tại được trên địa ngục Hỏa Tinh đầy bất trắc.

Cúng Phật vì tỏ lòng kính Phật và ngỏ lời sám hối trước Phật cho những kém tốt lành của bản thân, chứ không do bị các nhà sư hù dọa rằng Phật sẽ quẳng người không sám hối xuống Chín Tầng Địa Ngục nếm vạc dầu.

Cúng sao vì tỏ lòng tôn trọng cổ nhân và tiền nhân đã dày công nghiên cứu cho ra những khuyên bảo từ kinh nghiệm bao đời của họ; hoặc vì sự bó tay của cái gọi là khoa học hiện đại trong lĩnh vực y học (đối với bịnh nan y); hoặc vì sự bó tay của cái gọi là khoa học hiện đại trong lĩnh vực tự nhiên (tình trạng tuổi già sức yếu gần đất xa trời của mẹ cha); hoặc vì sự bó tay của bản thân (trước án oan, trước cường hào ác bá cường quyền, trước bất công của xã hội, trước chiến tranh, trước nghèo khó cùng cực); hoặc chỉ vì bản thân hiếu thảo muốn làm cha mẹ vui lòng dù bản thân mình không hề tin tưởng nhưng cha mẹ cả đời lao nhọc luôn duy trì cúng sao và do cha mẹ già yếu đang nằm dưỡng bịnh không thể tự thực hiện được việc đốt nhang lễ bái. Cúng sao mang ý nghĩa vì hiếu đạo và triết lý nhân sinh (biết rõ về các giới hạn của con người) cao vời như thế mà bị cho là xuất phát từ sự sợ hãi hay sao?

Sợ, lo sợ, e sợ không là tội lỗi, không là vi phạm pháp luật, và không đồng nghĩa với sợ hãi dù bản thân sự sợ hãi cũng không bao giờ là thứ tình cảm loại “yếu bóng vía” để bị thiên hạ vô pháp vô thiên có quyền lôi ra nhạo chế, bỉ khinh, xiểm xúc.

Cúng sao bị xem là mê tín dị đoan, vậy mặc nhiên trực tiếp khẳng định rằng không cúng sao là có hiểu biết về chân lý, về khoa học hiện đại, đã vượt qua các nỗi sợ hãi và các nỗi ám ảnh; đồng thời gián tiếp mặc nhiên khẳng định rằng việc New Zealand luôn luôn mời các thầy cúng người thổ dân Maori nhảy múa làm phép cúng trấn yểm bình an cho tất cả các tòa nhà Đại Sứ Quán New Zealand ở nước ngoài và cho tất cả các đội tuyển thể thao quốc gia là mê tín dị đoan, không có hiểu biết về chân lý, không có hiểu biết về khoa học hiện đại, không vượt qua các nỗi sợ hãi và các nỗi ám ảnh; và đồng thời khẳng khái dũng cảm nhìn nhận rằng hóa ra bấy lâu nay toàn bộ các chùa và các sư đã mê tín dị đoan và theo tà đạo do không có hiểu biết về chân lý, khoa học hiện đại, nên mới thường xuyên ngang nhiên tổ chức lập danh sách, vô tư thu tiền bá tánh để thực hiện các buổi cúng sao giải hạncúng Tam Tai tự biên tự diễn chứ hoàn toàn không có in trong kinh kệ kinh sách Nhà Phật hay sao?

Xin các nhà sư đừng bày tỏ sự yếu bóng vía trước các phóng viên qua việc cứ mỗi khi phát biểu trả lời phỏng vấn đều cố sức ra vẽ tích cực chống mê tín dị đoan cho đúng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà Nước, trong khi lại chẳng hiểu cái gì và thế nào mới là mê tín dị đoan để công kích cho đúng.

 

6) Điểm Tranh Cãi Thứ Sáu: Cúng sao giải hạn chẳng khác gì vung tiền mua sự an ủi”, “họ đang bỏ tiền ra mua sự trấn an tâm lý”, và “người nào làm việc tốt, đạo đức tốt thì không bao giờ sợ hãi”.

Tư vấn tâm lý rất quan trọng ở tất cả các cường quốc kinh tế và cường quốc học thuật tri thức. Cơ quan, công ty, trường học, v.v., đều có sự có mặt của các chuyên gia tư vấn tâm lý. Mỗi khi Manulife muốn sa thải một VIP, tác giả bài viết này với cương vị Giám Đốc Nhân Sự bắt đầu tiến trình tiếp cận chuyện trò ở những bữa ăn trưa thân mật tại các khách sạn năm sao trên đường Tôn Đức Thắng hoặc Đồng Khởi, cẩn trọng làm công tác tư tưởng chuẩn bị tâm lý cho đối tượng trước khi để đối tượng nhận biết tình hình nào đang chờ đón mình, rồi bị choáng ngợp trước những khoản tiền bồi thường thật hậu hĩ, sự hỗ trợ tìm việc mới nơi khác cũng ở cấp lãnh đạo, sự gia hạn thêm một tháng sự cư ngụ tại khách sạn năm sao ở Thành Phố Hồ Chí Minh, sự đài thọ chi phí đóng container đồ đạc cá nhân chuyển đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, và tất nhiên có cả sự thường xuyên đến thăm hỏi trò chuyện thân hữu thân tình thật rôm rả đầy động viên tích cực của đích thân Giám Đốc Nhân Sự, mà tất cả dường như chỉ để vị VIP ấy đừng đứng trên lầu nhảy xuống ngay hoặc nhảy xuống sau khi xả súng như ở Mỹ.

Việt Nam chưa hề quan tâm đến lĩnh vực hỗ trợ giảm stress như vậy. Tuy nhiên, có thể nói người Việt có thần kinh vững hơn các đồng nghiệp Âu Mỹ, nhờ những hoạt động tương tự như cúng sao giải hạn của họ. Vì tin vào các hạn, họ cúng sao. Để rồi sau thời gian một năm nếu bình an vô sự, họ thở phào nhẹ nhõm, nói rằng cái thành tâm khấn nguyện của họ đã động đến Đấng Thiêng Liêng khiến họ được thứ tha, dẫn đến các hành vi sẽ cố gắng tốt hơn, đàng hoàng hơn, làm việc thiện nhiều hơn, để kỳ sau không phải lo sợ nhiều như lần này. Hoặc nếu như vẫn phải hứng chịu những xui xẻo nào đó, họ cũng tự an ủi là bản thân nhờ có cúng sao nên mới chỉ bị xui như thế như thế chứ nếu không cúng chắc bản thân đã “lên bàn thờ” rồi. Cái thái độ đó, cái tâm thế đó, cho thấy xuất phát từ tâm lý tự tìm lấy cách giải tỏa những bất an căng thẳng một cách rất chủ động, và quả tổ tiên người Việt đã là những bậc thầy về tâm lý thay vì dạy bảo bằng những lời khuyên chẳng hạn như: “chúng mày nên giữ tâm lý cân bằng, tự tin, đừng để stress vì stress nguy hiểm lắm”, mà con cháu chưa chắc chủ động tích cực nhớ gì, họ đã đơn giản lồng ghép các thành quả nghiên cứu của các bậc kỳ tài trong thiên hạ về vị trí các vì sao trên trời vào những sinh hoạt tín ngưỡng vì không gì mạnh mẽ bằng một tâm lý biết kinh sợ trước các nội dung siêu nhiên mãi mãi sẽ không ai có thể giải thích được bằng khoa học ngay của muôn đời sau, và để cái kinh sợ ấy thành chất xúc tác và động năng cho một tích cực tu thân. Cúng sao giải hạn đã trở thành hoạt động phổ biến của đa số người dân Việt đạo đức, đạo hạnh, hiếu hạnh, hiếu thảo, tốt lành, tốt đẹp, chân thật, chân tình. Bảo cúng sao giải hạn là việc làm của kẻ xấu là một phát ngôn hoàn toàn láo xược xúc xiểm đến những cổ nhân Việt nhân hậu tốt lành nhìn xa trông rộng.

Không bao giờ có thể tưởng tượng trên đời lại có kẻ dám dạy rằng “người nào làm việc tốt, đạo đức tốt thì không bao giờ sợ hãi” vì rất ngây thơ và dại dột. Dù là chùa hay nhà thì vẫn luôn phải có các ổ khóa thượng hạng, phải luôn có sự đề cao cảnh giác. Má tôi là một phụ nữ nhân đức, chuyên bỏ việc nhà chạy đi cưu mang cứu giúp các sản phụ trong xóm. Nhưng Bà dạy đi dạy lại ngay từ khi chúng tôi còn nhỏ rằng: “Mấy đứa nhớ nhe:sau này đứa nào lấy vợ thì tuyệt đối không bao giờ cho bạn trai của mình vô ở trong nhà mình vì bảo đảm sẽ mất vợ, còn đứa nào lấy chồng thì tuyệt đối không bao giờ cho bạn gái của mình vô ở trong nhà mình vì chắc chắn sẽ mất chồng. Nếu mấy đứa bạn đó là bạn rất thân, vì gặp tai nạn nên đến gõ cửa xin ở trú qua cơn mưa bão thì đưa tiền cho nó ra khách sạn chứ dứt khoát không để nó vô ngủ trong nhà. Thà mất bạn thân và bạn tốt chứ không để mất vợ, mất chồng, mất con gái, mất mạng mình, mất mạng cả nhà”. Bà dạy thế vì ba lẽ cực kỳ đơn giản gồm (a) Ông Bà Ngoại đã dạy thế, (b) Bà đã thực sự chứng kiến những hậu quả xảy ra y hệt như vậy nơi những người hàng xóm và các bà bạn của Bà, và (c) Bà phải bảo vệ những đứa con quý báu của Bà. Chính vì bản thân tốt, người ta mới ra sức tự bảo vệ mình và sợ hãi các bất trắc có thể xảy đến cho mình và cho những người mình thương yêu hơn cả mạng sống của mình. Chỉ có xem bản thân là thứ vất đi, người ta mới buông xuôi, không biết sợ hãi là gì. Chỉ có thực sự yêu nước, nhà lãnh đạo quốc gia mới tăng cường an ninh biên giới bằng những vũ khí tối tân và các binh đoàn thiện chiến tức thiện nghệ trong tàn sát quân xâm lược. Chỉ có quân mãi quốc cầu vinh mới không dồn phần lớn nhất của ngân sách quốc gia cho an ninh quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang sao cho hùng mạnh nhất tức có năng lực giết giặc cao nhất và khủng khiếp nhất.

Cuối cùng, dịch vụ nào không phải trả tiền?

Ở Mỹ, học phí có luôn khoản để trả cho chuyên viên phụ trách tư vấn tâm lý ngay cả khi người ấy ngồi chơi xơi nước. Mời linh mục tới nhà làm phép trừ tà exorcism (vì thật sự sợ hãi, và cũng vì ma có thật) cũng phải trả tiền, dù theo phim ảnh thì linh mục nào đến giơ thánh giá ra đọc pháp chú trừ tà bằng tiếng La-Tinh cũng đều bị tà trừ. Mời sư đọc kinh đám tang cũng phải trả tiền. Chỉ có các sư ăn mặc giống trang phục sang trọng của diễn viên Đài Loan đóng vai Đường Tam Tạng chứ làm gì có nhà sư đạo hạnh “tụng kinh miễn phí” y như Trần Huyền Trang trong đời sống tín ngưỡng Phật Giáo ở Việt Nam! Và dịch vụ xoa dịu tâm lý miễn phí ngoài đường phố Mỹ thì cũng ở dạng…cho ôm một cái hugging, hoặc bỏ một USD vào thùng rồi ôm ngậm mút môi cô gái xinh đẹp mặc đồ cheerleader đứng sau thùng ấy. Thế nên chân lý luôn là: bỏ tiền mua lấy một tâm lý yên tâm cho một khoảnh khắc, một thời gian, là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên, và chuyện lành mạnh. Suy ra, bỏ tiền cúng sao giải hạn (tương đương cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi) là một điều tuyệt đối chẳng nên chẳng làm, vì việc bỏ tiền như vậy rất tự nhiên, rất lành mạnh, rất đúng trên phạm vi toàn cầu vì toàn cầu còn khuya mới có Trần Huyền Trang tái thế đầu thai xuống Việt Nam, vừa giúp giải tỏa stress, vừa nhắc nhở con người nhớ đến những tập quán tốt của mẹ cha, mà chỉ có các sư tà tâm mới làm nó dung tục qua việc bày vẽ đòi hỏi đồ cúng ngập đầy kèm tiền cúng từ thiện nam tín nữ nào muốn cúng sao giải hạn bất kể đó là cúng cho mẹ cha già yếu hay cho bản thân sao cứ miệt mài gieo Nhân cực tốt mà chuyên gặt toàn Quả đắng.

 

Nam-mô A-Di-Đà Phật.

Lăng-Tần Hoàng-Hữu-Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Cúng sao giải hạn chẳng khác gì vung tiền mua sự an ủi. 24-02-2018. https://baomoi.com/cung-sao-giai-han-chang-khac-gi-vung-tien-mua-su-an-ui/c/25040036.epi

Hoàng Hữu Phước Và Tôn Giáo  24-10-2017

Thư Gửi Đức Giáo Hoàng Francis 01-8-2017

Letter to His Holiness Pope Francis 01-8-2017

Both comments and trackbacks are currently closed.