Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Góp Ý Cho Dự Thảo “Luật Bảo Vệ, Chăm Sóc, Và Giáo Dục Trẻ Em (Sửa Đổi)”

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 10 năm 2015

Kính gởi: Chủ Tịch Quốc Hội

Bản sao kính gởi:

– Bộ Chính Trị

– Các Phó Chủ Tịch Quốc Hội

– Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội

– Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh

– Tổ Đại Biểu Đơn vị 1 Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

– Chủ Nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội

– Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng

– Chủ Nhiệm Ủy Ban về Các Vấn Đề Xã Hội

V/v Góp Ý Cho Dự Thảo Luật Bảo Vệ, Chăm Sóc, Và Giáo Dục Trẻ Em (Sửa Đổi)

Kính thưa Chủ Tịch:

Tôi là Hoàng Hữu Phước, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, kính có các góp ý sau cho Dự Thảo Luật Bảo Vệ, Chăm Sóc, Và Giáo Dục Trẻ Em (Sửa Đổi) dự kiến sẽ được đưa ra cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc Hội Khóa XIII.

1) Về Điều 40.4

Với nội dung “sống trung thực, khiêm tốn” ở Điều 40.4, tôi đề nghị loại bỏ từ “khiêm tốn” vì “khiêm tốn” hoàn toàn đối nghịch với “trung thực”. Ý nghĩa của “khiêm tốn” đã được tôi phân tích trong bài viết blog của tôi mà tôi xin gởi đính kèm với bức thư này, trong đó có nêu không những sự khác biệt của “khiêm tốn ngoại vi” và “khiêm tốn nội tại” trong tiếng Anh, mà còn sự sai lầm của người Việt trong tôn vinh sự “khiêm tốn”, cũng như dẫn chứng và phân tích của tôi về lý do có sự thay đổi năm 1965 trong lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” vì trong nguyên tác của Người năm 1961 chưa có từ “khiêm tốn”.

2) Về Chương II: Các Quyền Và Bổn Phận Của Trẻ Em

Tôi kính đề nghị thêm một điều khoản về Quyền Lao Động đối với trẻ em có năng khiếu bẩm sinh về khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật, thể dục thể thao, và văn nghệ. Điều này nhằm bảo đảm các em có biệt tài trong các lĩnh vực trên có quyền được lao động với đầy đủ quyền lợi như có hợp đồng lao động; có thù lao tương xứng và bình đẳng với các thành phần lao động khác trong xã hội; có quyền có thu nhập hợp lý từ tài năng của mình trên co sở được ưu tiên về thời gian hợp lý trong thực hiện hợp đồng lao động (người đại diện ký kết hợp đồng là Cha/Mẹ hoặc người Giám hộ trẻ) và điều kiện lao động; và được bảo vệ cao nhất trong lao động.

Kính mong Chủ Tịch quan tâm đến các ý kiến đóng góp trên.

Kính chào trân trọng.

Hoàng Hữu Phước

Đại biểu Quốc hội Khóa XIII

Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh

Tài liệu đính kèm: bài viết Khiêm Nhường của tác giả Hoàng Hữu Phước

Khiêm Tốn

Hoàng Hữu Phước, MIB

Tôi thụ hưởng một nền giáo dục Tây học, theo một ngành thiên hẳn về Tây học khi tài liệu tham khảo toàn học Tây, và trong những ngành nghề mà tôi làm chuyên gia lại có cả ngành thuần Tây là nhân sự. Thế nên tổi hiểu rất rất rõ một điều về đức tính trung thực của người bản lĩnh theo phong cách Tây. Từ nhỏ, qua tài liệu tiếng Anh tôi đã biết khi dự phỏng vấn tuyển dụng, ứng viên Âu Mỹ phải cho người phỏng vấn biết rõ mình có khả năng gì, có thể làm lợi nhuận của công ty gia tăng bao nhiêu phần trăm sau bao nhiêu tháng, v.v., và thậm chí các cẩm nang dạy viết tiếng Anh cũng có những mẫu thư xin việc nêu những nội dung mang tính khẳng định ấy. Điều kỳ lạ là nhiều người Việt Nam cho rằng sự khẳng định đầy chuyên nghiệp của tôi là biểu hiện của sự không khiêm tốn, trong khi tôi chào thua trước kiểu vĩ nhân cực kỳ phóng đại nổ đại bác mà nhiều người Việt sử dụng như “sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu và nhận bất cứ sự phân công nào của tổ chức.” Vài năm đầu sau giải phóng, khi tôi làm hồ sơ tốt nghiệp đại học để nhận phân công, anh lớp trưởng mà tôi đã giúp viết giùm luận án để anh ấy chính thức trở thành giảng viên đại học (tôi không là đoàn viên cộng sản nên dù thầy cô đề nghị giữ tôi lại dạy đại học, trường vẫn không chịu vì không yên tâm với một sinh viên hippie ngoài Đảng ngoài Đoàn như tôi) giật mình khi đọc giòng chữ tôi viết trong hồ sơ (rằng tôi chỉ có một khả năng hạn hẹp duy nhất là dạy Anh Văn từ hệ cao đẳng trở lên, và chỉ có thể dạy hạn hẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh) nên muốn đền ơn tôi bằng cách chạy xin bộ hồ sơ mới rồi tìm tôi năn nỉ tôi viết lại theo kiểu vĩ nhân cực kỳ phóng đại nổ đại bác để lãnh đạo trường không kiếm cớ cho tôi thất nghiệp dài dài vì cái tội học xong mà chẳng … đa tài, phụ lòng Nhà nước. Nhưng tôi nói với anh ấy là tôi không phải vĩ nhân, tôi chỉ làm được mỗi một việc cỏn con “dạy Anh văn hệ từ hệ cao đẳng trở lên” để giúp nước mà thôi, và do đó không dám bỏ đức khiêm nhường để nhận láo rằng mình có thể làm bất kỳ việc gì. Anh ấy chào thua, buồn rầu bỏ đi, và sau đó tôi được Tổ Chức Chính Quyền phân công về dạy ở…Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh do trường này làm đơn xin tôi sau khi đọc hồ sơ bảng điểm của tôi (cùng lúc đó Sở Công An cũng xin tôi về làm công tác an ninh tình báo sau khi đọc hồ sơ rất “thành thật, chân chất, và …cực kỳ khiêm tốn” của tôi). Còn anh ấy được cho đi nước ngoài học, lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ, về làm lãnh đạo khoa.

Như vậy, bạn thấy đấy, tôi là người trung thực kiểu Tây. Tôi thậm chí còn dạy con tôi rằng khiêm tốn đồng nghĩa với dối trá và tránh né gánh nặng trách nhiệm. Giỏi mà nói mình không giỏi, thế chẳng dối trá là gì, chẳng nhát gan là gì, và chẳng bị đánh rớt bởi những đại gia cỡ Donald Trump là gì. Giỏi mà không nói gì cả, chẳng xung phong nhận các việc gai góc để người khác lao lung còn mình thảnh thơi, thế chẳng né tránh trách nhiệm là gì.

Khiêm tốn đích thực không thể là vấn đề ngoại vi mà là nội tại.

Khi bạn khiêm tốn nội tại, bạn không bao giờ hài lòng với chính mình, tự thấy mình vẫn còn thua kém nên bạn cứ phải học, phải học thêm, học thêm mãi. Khi bạn khiêm tốn nội tại, mỗi khi nghe ai ngợi khen bạn, bạn sẽ chỉ cảm ơn một cách nghiêm trang với nụ cười biết ơn – theo đúng phong cách Tây – rồi nói lảng qua chuyện khác, không nói thêm điều gì có liên quan đến cái kỳ tích mà nhờ nó bạn vừa được khen ấy.

Khi bạn khiêm tốn ngoại vi, bạn chỉ đợi có người khen là bạn lập tức nói câu chót lưỡi đầu môi rằng “có gì đâu, tôi còn phải học hỏi nhiều” cùng nội dung vĩ nhân như “thì tôi chỉ biết làm tốt mọi nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo phân công mà thôi” kèm nội dung rộng-lượng-lễ-độ-kéo-dính-chùm như “cũng nhờ có lãnh đạo luôn động viên, chỉ đạo sát sao, giúp đỡ tận tình” với nụ cười mãn nguyện rồi khai thác thêm các chi tiết liên quan đến kỳ công mà nhờ nó bạn vừa được khen. Khi bạn khiêm tốn ngoại vi, bạn rất vui vẻ khi những người xuất sắc hơn bạn giở cùng chiêu thức “có gì đâu, tôi còn phải học hỏi nhiều” vì khi họ nói như thế, bạn tự nhiên có được cơ hội sánh ngang bằng với họ dưới mắt mọi người.

Tôi dạy học trò của tôi tiếng Tây, trung thực kiểu Tây, tiếp thu mọi cái hay của Tây để làm việc cho Tây hầu kiếm thật nhiều tiền phục vụ Việt Nam và đem sự kính trọng của Tây về cho người Việt, không được xài ngôn ngữ…vĩ nhân kiểu Việt để tránh bị Tây cho rằng mình là siêu nhân superman học nhiều quá nên bị hâm hóa tửng tửng, và khiêm tốn kiểu nội tại theo định nghĩa và định hướng của tôi, nhờ vậy đa số các em đang là những công dân Việt Nam thành đạt, chân chính, không tì vết, được lãnh đạo các công ty nước ngoài nể trọng.

Tóm lại, thưa bạn, tôi không sợ bị cho là không khiêm tốn. Học trò tôi, những công dân đáng kính ấy, luôn nhớ tôi là “anh Thầy” duy nhất mỗi khi gặp câu hỏi hóc búa của sinh viên luôn trả lời (bằng tiếng Anh bình dân đơn giản) rằng “nội dung này Thầy chưa từng nghiên cứu nên mấy em cho Thầy vài ngày tìm tài liệu rồi trả lời vào tuần sau nghen”, trong khi các Thầy Cô khác thì quát lên (bằng tiếng Anh hàn lâm phức tạp) rằng “hãy ngồi xuống, xử sự cho đàng hoàng, sao lại phá phách hỏi tào lao làm mất thì giờ của lớp!”.

Chắc bạn đồng ý với tôi là một khi đã trả lời như trên với sự tôn trọng học trò và với cung cách người phải học, phải học thêm, phải học thêm mãi, tôi sao lại phải sợ bị cho là không khiêm tốn.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” như lời dạy thiếu niên Việt Nam năm 1961, thiết nghĩ các bạn cần biết một sự thật là Người đã không nêu từ “khiêm tốn” trong năm 1961 ấy mà phải đợi đến năm 1965 từ ngữ ấy mới được bổ sung vào. Nhiều vị cố gắng giải thích nào là Hồ Chủ Tịch thêm vào cho đủ 6 chữ cân đối toàn nội dung của 3 cụm (Yêu tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm), nào là Hồ Chủ Tịch thêm vào vì sợ thiếu nhi tự mãn với các kỳ tích đạt được trong thi đua yêu nước sẽ ngưng không phấn đấu nữa. Tôi nghĩ khác, rằng Hồ Chủ Tịch là bậc uyên bác ngôn ngữ tiếng Việt nên làm gì có sự e sợ tức cười như thế, mà ắt sự đắn đo suy nghĩ lâu của Người là do ái ngại ý nghĩa dễ nhầm lẫn của “khiêm tốn” vốn là từ chỉ dành riêng cho người lớn có trình độ hiểu biết cao chứ không phải của trẻ em, và sự chỏi nhau của “khiêm tốn” với “thật thà, dũng cảm”, vì rằng khiêm tốn khiến người ta không dám nói thật về cái giỏi của mình, mà như thế là nói dối tức không “thật thà”, và nhát gan tức không “dũng cảm” nhận mình giỏi; rằng khiêm tốn còn khiến người ta luôn nói mình chưa giỏi khiến toàn bộ công sức giáo dục của Đảng và Nhà nước hóa ra chỉ đào tạo ra những thế hệ công dân không bao giờ giỏi hay sao?

Thật thà khiến người ta nói sự thật rằng mình yếu kém. Thật thà khiến người ta nói sự thật rằng mình xuất sắc.

Dũng cảm khiến người ta dám nói sự thật rằng mình yếu kém. Dũng cảm khiến người ta dám nói sự thật rằng mình xuất sắc.

Chỉ có người trưởng thành có học thức mới phân biệt được rằng “khiêm tốn” là nhận thức ngầm tự thân để bản thân luôn không ngừng phấn đấu hoàn thiện hơn, còn “thật thà, dũng cảm” là sự thể hiện ra bên ngoài, vì thế “khiêm tốn” là cái không thể nghe được, và ai phát âm ra những lời nói khiêm tốn nghĩa là đang hiểu sai về khiêm tốn.

Không ngừng học tập nâng cao tri thức và học hỏi từ người khác ngay cả khi đó là học trò hay nhân viên dưới quyền hoặc người dân nghèo ít học, đó là tư cách người có tâm khiêm tốn và tầm cao khiêm tốn của bậc đạt nhân quân tử đại trượng phu. Khi nhận mình yếu kém hay giỏi giang, đó là thể hiện lòng tự trọng, tính chân thật, và sự dũng cảm của người đoan chính.

Tôi tin chắc rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có liên hệ đến tiếng Anh và tiếng Pháp nên có sự đắn đo suốt 5 năm trước khi quyết định dùng từ khiêm tốn làm lời khuyên bổ sung vào vế chót, ắt với sự tin tưởng rằng những nhà giáo, những đoàn viên thanh niên sẽ biết cách giải thích cặn kẽ cho thiếu nhi và thiếu niên để rèn khiêm tốn nội tại sớm hơn trẻ em nước ngoài. Phân tích thêm trong tiếng Anh bạn sẽ thấy người phương Tây hiểu rất rõ về xảo ngôn và trung ngôn nên tạo ra hai từ modestyhumility khác nhau, trong khi tiếng Việt chỉ có mỗi một từ khiêm tốn (tức khiêm nhường). Modesty là sự thể hiện ra bên ngoài, giả vờ không biết mình giỏi hoặc cố tình nói thấp bản thân mình xuống nhằm mục đích hấp dẫn người khác ngợi khen mình thêm nhiều hơn, và trong nhiều trường hợp là để không trung thực với người khác, nên modesty dính với cách ăn nói, cách ăn mặc và cách ứng xử. Modesty là cái để xã hội nhìn thấy, qua đó đánh giá mỗi một con người, trong khi humility là nhận thức tự thân và có khi rất khắc nghiệt với bản thân, ép bản thân phải lao tâm khổ tứ tìm học cái hay của người khác (y hệt như câu nói của Lenin), vì kính trọng và tôn trọng người khác. Tuy hiện nay ngay cả người Âu Mỹ vẫn chưa phân định rõ ràng sự khác biệt giữa khiêm tốn modestykhiêm tốn humility, nhiều nhân vật tên tuổi như C.S. Lewis vẫn khuyên hãy khiêm tốn humility vì nết này đánh bật khiêm tốn modesty. Ý lớn gặp nhau: tôi nhiều chục năm nay đã nói với học trò và con cháu về khiêm tốn nội tạikhiêm tốn ngoại vi là những từ do tôi chế ra, nay nếu gán khiêm tốn nội tại cho humilitykhiêm tốn ngoại vi cho modesty ắt là cách dịch không phải là không thích hợp.

Nhờ khiêm tốn, tôi đã ép mình không ngừng học tập để thật thàdũng cảm nói rằng các nhà biện thuyết giáo sư nước ngoài vào Việt Nam thuyết trình đã nói sai ra sao.

Nếu bạn gặp người nào khiêm tốn ăn nói kiểu nội tại tôi vừa nêu trên, bạn hãy hỏi thăm vì ắt họ hoặc là học trò ruột của tôi hoặc là học trò ruột của học trò ruột của tôi hoặc là học trò ruột của học trò ruột của học trò ruột của tôi, vì thầy nào trò nấy.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú: Bài viết của Hoàng Hữu Phước năm 2011 về Khiêm Tốn đăng lần đầu trên mạng Emotino.com ngày 10-10-2011 (http://www.emotino.com/bai-viet/19329/khiem-ton-tra-loi-cau-hoi-nhay-cam-cua-doc-gia-emotino), đăng lại trên blog Hoàng Hữu Phước Và Thầy Cô ngày 12-3-2013 (http://hoanghuuphuocteachers.blog.com/2013/03/12/khiem-t%e1%bb%91n/), và gần đây nhất là đăng lại ngày 22-02-2015 trên wordpress.com (https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/02/22/khiem-ton/

Both comments and trackbacks are currently closed.