Áo Phao

Hoàng Hữu Phước, MIB

06-6-2016

AAA (1)

Vào cuối những năm 1970 của thế kỷ trước, khi đang rảo bước trên đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, tôi bắt gặp hai người đi chân đất gồm một bà cụ đầu chít khăn mỏ quạ, gầy gò ốm yếu, dáng người đã thấp lại thêm khòm lưng ắt vì tuổi tác, răng nhuộm đen, tay dắt cháu gái cũng bé nhỏ ắt lên 6 tuổi. Bé gái đã cất tiếng thơ ngây vừa trỏ tay vào mấy dãy nhà cao tầng vừa hỏi: “ Bà ơi, nhà cao thế, sao người ta trèo lên trên ấy được?” Có lẽ hai bà cháu ở miền quê Bắc Bộ vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm đến chỗ đóng quân của mấy anh bộ đội người nhà chăng, và cả đời chưa bao giờ nhìn thấy nhà cao tầng cũng như chẳng thể tưởng tượng được cách mà những người ngụ cư bên trong ấy lên được các tầng cao để tỳ người vào lan can nhìn xuống những người dân quê đang dọc đường gió bụi.

AAA (3)

Vào đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, bất kỳ đi đâu bằng xe máy, tôi đều đội mũ bảo hiểm và trở thành hiện tượng quái lạ đến nỗi mỗi khi dừng lại ở đèn đỏ, người ở hai bên xe tôi đều hỏi câu tương tự như “Anh đội cái đó chi vậy?” hoặc “Nặng thế không mõi cổ à?” hoặc “Hầm hơi khó thở thế sao lại mang cái của nợ ấy vậy?” Có lẽ những nam thanh nữ tú ấy (a) ở các miền quê Nam Bộ mới đổ bộ vào Thành phố Hồ Chí Minh nên không biết là đối với tất cả các chàng trai thực sự có nam tính đều mê được đội các mũ bảo hiểm như các chiến sĩ cảnh sát công lộ chạy mô tô Harley của chế độ Sài Gòn, hoặc (b) ở thời hiện đại chỉ có ở Việt Nam đó là vừa thần phục Âu Mỹ hiện đại văn minh vừa chẳng biết các quy định Mỹ Âu văn minh hiện đại nghiêm ngặt ra sao đối với bất kỳ ai sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô trên đường phố.

Vào đầu những năm 2000 của thế kỷ này, mỗi khi đi đâu một mình bằng ô tô dù đó là taxi Mailinh (thanh toán bằng thẻ) hay là xe cơ quan, tôi đều ngồi băng ghế trên, bên cạnh tài xế, và đóng cửa xong là tôi lần tìm dây đai bảo hiểm để cài. Tài xế nào dù của xe taxi hay của công ty tôi cũng đều nói ngay với tôi rằng “Sếp ơi, chỉ có quy định là em lái xe thì phải cột cái của nợ này nên sếp khỏi cần đeo đai”.  Có lẽ tài xế các ô-tô hiện đại ấy cộng với quy định quái lạ ắt chỉ có ở Việt Nam nên không biết rằng tất cả mọi người đã ngồi vào trong một phương tiện gọi là xe ô tô thì đều phải thắt dây an toàn, và rằng người ta hay mơ màng được đi du học hay du lịch nước ngoài nhưng không biết một điều rằng ngay cả tại Hong Kong trong xe taxi vẫn còn dán dòng chữ tiếng Anh rằng quý vị hãy thắt dây an toàn, nếu dọc đường phát hiện quý vị cởi bỏ dây, tài xế được phép ngừng xe yêu cầu quý vị thanh toán đủ tiền rồi bỏ quý vị xuống ngay tại chỗ dừng đột ngột ấy.

Sử dụng đường hàng không suốt từ những năm 1990 của thế kỷ XX đến nay đã qua hơn nửa của một phần tư thế kỷ XXI, tôi sau khi ngồi vào ghế, thắt dây đai an toàn xong là tắt luôn hai điện thoại di động của mình. Máy bay nào cũng phát yêu cầu bằng tiếng Việt và tiếng Anh có nói về nội dung sử dụng điện thoại di động, giữa lúc hành khách vẫn đang lục đục kiếm tìm chỗ ngồi ồn ào chẳng ai nghe nội dung phát thanh là gì và có nghe cũng chẳng để ý làm gì. Và trong tất cả các chuyến bay tôi đều thấy những người bất ổn thần kinh sử dụng điện thoại di động để chơi game, xem hình, hoặc bấm bấm liên tục – biểu hiện của bịnh nhân chứng nghiện di động mắt luôn chằm chằm nhìn vào màn hình ngón tay luôn bấm bấm quẹt quẹt, vì rằng đối với người thần kinh khỏe mạnh thì luôn tận dụng thời gian trên máy bay để hoặc nghỉ ngơi, hoặc mơ về những hoa mộng của cuộc đời. Mà tất cả những “chơi” này đều được tất cả các tiếp viên hàng không nam nữ từ bi nhân hậu không bao giờ yêu cầu hành khách ngưng ngay các hành động nguy hiểm đến an toàn bay như vậy, bất kể phone của họ có hiện đại đến đâu chăng nữa, như có phần tắt các gây nhiễu khi sử dụng phi cơ chẳng hạn. Thậm chí máy bay vừa đáp xuống xong và đang tiến dần dần vào nơi đỗ quy định thì toàn máy bay đã nghe tiếng bật phone vang lên kèm những câu nói như máy bay vừa đáp xuống xong, chịu khó chờ anh (hay chờ em) tí nhé, v.v. và v.v. Nghĩa là họ chưa bao giờ nghĩ rằng họ có thể là kẻ bất nhân vì rằng tuy máy bay đã hạ cánh an toàn nhưng việc bật phone khi chưa ra khỏi máy bay có thể gây nhiễu thiết bị điều khiển bay khiến chuyến bay sau với nhiều trăm hành khách mới sẽ có nguy cơ gặp nạn cao.

Và khi có mặt trong đoàn nghị sĩ Việt Nam sang Campuchia, tôi là người duy nhất mặc áo phao khi trên chiếc tàu máy lênh đênh trên Biển Hồ giữa trời nắng nóng như thiêu đốt. Không bất kỳ ai, dù đó là Đại sứ Việt Nam ở Campuchia, các nghị sĩ Việt Nam, các nghị sĩ Campuchia, các cận vệ, các lái tàu, lại mặc áo phao. Tuy áo phao chật cứng tôi không thể nào cài dây thắt được, tôi vẫn cố vật lộn với nó để mặc cho bằng được, kể cả khi rời tàu trèo lên thăm một “trường học nổi” neo cạnh bờ. Có vị đã hỏi tôi “Mặc làm gì, nóng nực lắm.” Có vị hỏi “Ông không biết bơi à?” Có vị hỏi “Ông sợ ư?”

AAA (2)

Chẳng ai biết tôi (a) đội mũ bảo hiểm nhiều chục năm trước khi Việt Nam có quy định phải đội như thế khi đi xe máy; (b) thắt dây đai an toàn nhiều chục năm trước khi Việt Nam có quy định tài xế phải thắt dây đai, rồi cách nay vài năm lại quy định tiếp rằng người ngồi kế bên tài xế phải thắt dây (ắt sau vài năm nữa sẽ quy định tiếp rằng ai ngồi băng ghế sau sẽ phải thắt dây an toàn, và vào thế kỷ sau sẽ quy định bất kỳ ai ngồi trên xe dù 4 chỗ hay 50 chỗ đều phải thắt dây an toàn); và (c) mặc áo phao khi sử dụng đường thủy dù đi ngắm cảnh hay ngồi…ăn tiệc cưới trên tàu lênh đênh trên sông; đơn giản chỉ vì tôi vì quốc thể, khi luôn muốn chứng minh rằng những quy định an toàn trong sử dụng phương tiện giao thông của thế giới hiện đại văn minh đều được tôi, một công dân đất nước Việt Nam văn minh hiện đại, tuân thủ.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Both comments and trackbacks are currently closed.