Mỹ Linh

Hoàng Hữu Phước, MIB

07-6-2016

Tôi xin lập lại một khẳng định rằng tôi chỉ thích Nhạc Đồng Quê Mỹ.

Tôi xin lập lại một khẳng định rằng tôi chỉ thích nhạc của quân giải phóng.

Tôi xin lập lại một khẳng định rằng tôi không thể thưởng thức bất kỳ bản nhạc Việt Nam hiện đại nào.

Tôi xin khẳng định rằng là người nghiên cứu quốc ca (chính ra là tập trung cho “quốc thiều”) của các dân tộc từ nhỏ, tôi – và nhiều thân nhân của tôi – rất thích bản quốc ca Hoa Kỳ vì sự hùng tráng của tiết tấu mà sau này tôi phải lấy công tâm của riêng cá nhân tôi mà nói rằng bản quốc ca Việt Nam cũng hùng tráng và cùng với bản quốc ca Hoa Kỳ là hai bản quốc ca hay nhất.

Tôi xin khẳng định rằng tôi không có ác cảm gì với Mỹ Linh, đơn giản vì tôi không thể thưởng thức nhạc Việt Nam hiện đại nên chẳng nghe Mỹ Linh hát bao giờ.

Và tôi xin khẳng định rằng Mỹ Linh đã không có lỗi gì khi hát Quốc ca Việt Nam lúc chào đón Tổng thống Hoa Kỳ Obama.

Cái sai tày trời là của ban tổ chức vì tôi nghe rằng họ đã yêu cầu Mỹ Linh gởi các phiên bản hát khác nhau để họ lựa chọn, quyết định Mỹ Linh sẽ hát theo phiên bản nào.

Ban tổ chức đã chưa bao giờ biết những sự thật sau:

1) Đối với nghi lễ quốc gia, bài quốc ca phải được trỗi lên theo đúng với nội dung từ lời ca đến nốt nhạc theo ghi nhận trong Hiến Pháp.

2) Đối với trình diễn thăng hoa bản quốc ca, thì tùy vào văn hóa của mỗi quốc gia. Mỹ là nước cho phép dùng quốc kỳ may quần lót phụ nữ như thiên hạ đã từng thấy trong kỳ vận động tranh cử tổng thống của Richard Nixon, thì quốc thiều cũng được phép biến tấu tại các buổi hòa nhạc khi chẳng ai phải đứng dậy chào cờ mà chỉ thưởng thức âm nhạc, như biến tấu hard rock của Zakk Wylde.

3) Hát quốc ca tại các sự kiện lớn, hoành tráng, luôn là đơn ca và không có nhạc đệm. Ca sĩ nào nói khó ca hát nơi đông người mà không có ban nhạc, thì đó không là danh ca để được mời hát cho sự kiện.

4) Chính vì tự do thái quá và do bất cẩn, Mỹ sau đó đã phải đớn đau khi tại các buổi lễ trang trọng nơi sân vận động hoành tráng khai mạc giải bóng bầu dục hay khúc côn cầu trên băng, lịch sử Hoa Kỳ đã phải lần lượt chứng kiến những ca sĩ hát quốc ca (đơn ca, không có âm nhạc kèm theo) như các “diva” Christina Aguilera, Alexis Normand, Victoria Zarlenga, hoặc các nam danh ca như Steven Tyler, Michael Bolton, Cuba Gooding Sr., Mike Eli, Scott Stapp, và Robert Kelly đã làm nhục quốc thể, khiến các cầu thủ, khán giả, huấn luyện viên, trọng tài, và thậm chí các em bé phục vụ căng lá cờ giữa sân phải phì cười hoặc lắc đầu ngao ngán. Chưa kể danh sách những kẻ đã “làm thịt” bản quốc ca Hoa Kỳ còn có lực sĩ Carl Lewis và bà hề Roseanne Barr, những kẻ mà ban tổ chức nghĩ rằng sẽ nhờ tên tuổi của họ mà làm giải đấu thêm phần hoành tráng. Hình ảnh video của Roseanne Barr rất kinh tởm khi thấy bị cầu trường la chộ, bà hề này đã phun một bãi nước bọt đầy trịch thượng.

5) Chỉ có bọn phản động, chống phá Việt Nam, và thất học mới từng đòi phải bỏ chữ Xã Hội Chủ Nghĩa trong quốc hiệu, viết lại lời quốc ca mà chúng cho rằng để “bớt sắt máu” cho phù hợp với thời đại hòa bình. Và tương tự, chỉ có những người kém hiểu biết, kém khôn ngoan mới nói rằng phải hát quốc ca Việt Nam với tiết tấu khác đi, dịu dàng hơn, cho phù hợp với cái sự “yêu hòa bình” của cái thời đại hội nhập. Nói vậy là vi hiến vì dám làm sai với nội dung của Hiến Pháp về quốc ca. Phải chăng sẽ đến lúc nào đó xuất hiện lá cờ hồng sao vàng vì lập luận rằng màu đỏ quá “sắt máu”, cần được thay thế bằng màu hồng của tình yêu?

6) Muốn có hòa bình, phải có sức mạnh răn đe cực mạnh bằng vũ khí hiện đại, tối tân. Muốn có hòa bình, phải có lời cảnh báo nghiêm khắc trong quốc ca hùng tráng rằng “cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”,  “đường vinh quang xây xác quân thù”, để ngoại bang phải chùn tay. Muốn có hòa bình, phải có giọng ca hùng tráng đúng với nội dung hùng tráng.

7) Quốc ca Hoa Kỳ được Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn y năm 1931, dựa theo bài thơ Ngọn Cờ Lấp Lánh Ánh Sao của nhà thơ chiến sĩ Francis Scott Key viết năm 1814 trong trận tử thủ Pháo đài McHenry, dựa theo hình ảnh lá cờ bị đạn bắn rách bươm nhưng vẫn ngạo nghể bay phất phới, và ánh trăng qua các lỗ đạn trông như các vì sao lấp lánh giữa đêm đen. Không bất kỳ ai ở Hoa Kỳ nói rằng Mỹ nên thay quốc ca vì xuất xứ “rách bươm” của lá cờ cả. Hồn thiêng sông núi Hoa Kỳ là ở đấy. Sự hào hùng của nhân dân Mỹ là ở đấy. Thế thì sao ở Việt Nam lại có những kẻ cho mình có quyền (và được cấp trên để yên cho) tự tung tự tác giải thích lung tung về “hòa bình” và “hội nhập” nên phải “mềm hóa” quốc ca?

Lời cảnh báo ở đây qua bài viết này là các quan chức ngành giáo dục và truyền thông phải bảo đảm rằng không ai được phép “thăng hoa” động đến bản quốc ca trong những buổi đại lễ hay quốc lễ. Đã là quốc lễ thì áo dài phải là áo dài truyền thống, cổ điển, không phải là áo dài không có lưng áo cũng như chỉ có một tay áo thậm chí khoét sâu khoe ngực. Người Mỹ đã có những trãi nghiệm xấu hổ mà chính dân chúng của họ cũng phải lên tiếng chê bai, nhạo báng, còn các danh ca lừng danh hoàn vũ của họ như các vị giám khảo American Idol Christina Aguilera và Steven Tyler phải muối mặt, bị “ném đá” trên không gian mạng.

Những người như Christina Aguilera và Steven Tyler hoàn toàn sai và phải chịu trách nhiệm cá nhân của họ trước nhân dân của họ.

Mỹ Linh không sai và không phải chịu trách nhiệm, vì Mỹ Linh hát theo phiên bản đã được “cấp trên” duyệt.

Vấn đề mãi ngân vang rằng “cấp trên” ấy là ai.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Quốc Nhục

Lưu Hữu Phước – Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa

Both comments and trackbacks are currently closed.