Nguyễn Minh Luân

Hoàng Hữu Phước, MIB

05-10-2018

Có lần khi chờ đến giờ vào hội trường tiếp xúc cử tri Quận 3, nghị sĩ Khóa XIII Trương Tấn Sang vui miệng thuật cho các ông Trần Du Lịch và Hoàng Hữu Phước cùng là bạn đồng liêu (tức là nghị sĩ đồng khóa) biết giai thoại thủa ông là cậu bé trần trụi ngâm mình dưới bùn đen tanh tưởi tanh hôi ở Quận 4 Sài Gòn để làm nhiệm vụ cảnh giới cho các lãnh đạo Đảng đang họp về các nhiệm vụ biệt động thành như phá hoại và ám sát. Trước 1975, Khu Tôn Đản Khánh Hội Quận 4 Sài Gòn là khu mà tiếng bình dân gọi là khu dao búa hay khu anh chị, khét tiếng đến độ lương dân thì khiếp sợ còn lực lượng an ninh cảnh sát mật vụ Sài Gòn thì khiếp đảm bạt vía kinh hồn. Sự thật rằng nghị sĩ Trương Tấn Sang trước 1975 có quá trình hoạt động cách mạng tại Quận 4 Sài Gòn là nội dung mà nghị sĩ Hoàng Hữu Phước sau 1975 khi phục vụ nhân dân Quận 4 Thành Phố Hồ Chí Minh muốn nhân cơ hội nói lên sự thật tốt đẹp về đời sống dữ dội Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa mà tiếc thay nay đã hóa thành dữ ác.

Và cũng nhiều lần trong thế kỷ XXI này trực tiếp chứng kiến hoặc gián tiếp nắm tin qua báo chí, tác giả bài viết này biết các hành vi chạy xe chầm chậm sớt lấy một nãi chuối từ một xe ba gác bán chuối dạo rồi chầm chậm bóc ăn và ném võ chuối xuống đường Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh) hoặc chạy xe ào vụt giật xấp vé số của một người mù ngồi trên ghế có cắm cây dù hỏng méo bạc màu ở sát đường Nguyễn Thông (Quận 3), mà trong những trường hợp như vậy thì bản thân người viết và những người đi đường không hiểu sao đều buột miệng thốt lên cùng một chữ: “Đồ lưu manh!

Nhưng khoan đã! Hey, please wait a minute! Có phải sự tốt đẹp đầy lý tưởng của một chế độ mới đã làm cho mọi thứ của chế độ trước đó bị miệt thị và nhơ bẩn hóa hay chăng, khiến ngay cả “lưu manh” cũng bị hạ đẳng hóa thành hành vi mất dạy cướp nãi chuối nhỏ của cậu bé 15 tuổi đẩy xe ba gác trưng bày có mỗi năm nãi chuối cao tí tẹo, mất dạy giật vé số của người mù 50 tuổi đang đếm đi đếm lại xấp vé số Tây Ninh bán ế, và mất dạy nhét chữ vào mồm vị nghị sĩ không Đảng tịch chẳng ô dù và hò reo ầm ỹ trên mạng xã hội chùa để ném đá trấn áp ông ta chỉ vì ông ta không do cơ quan Đảng giới thiệu ứng cử và tại ông ta trong sạch tuyệt đối ư?

Nội dung tôi muốn nêu lên ở đây là về thế giới anh chị dao búa dữ dội của Quận 4 Sài Gòn vốn đậm nét hảo hán trượng nghĩa hơn là lưu manh mạt hạng. Dân dao búa dữ dội ở Quận 4 Sài Gòn hoặc nơi này nơi khác là một thế giới rất riêng, rất kín. Dân lưu manh mạt hạng ngày nay là sự hòa trộn không sao phân biệt được vì hiện diện lồ lộ công khai từ hẻm nhỏ dẫm nát lương dân đến thênh thang chốn công quyền phục vụ nhân dân mà cả hai đều rủng rỉnh bạc tiền mất hút nghĩa dũng lòng nhân. Chính vì hảo hán trượng nghĩa mà các tay anh chị dao búa dữ dội thường ra tay vừa bảo vệ những ai có vẻ thuộc lực lượng nằm vùng/đặc công “Việt Cộng” tức lực lượng đương nhiên tốt, vừa ngăn chặn các bố ráp của an ninh cảnh sát mật vụ Sài Gòn tức lực lượng đương nhiên xấu, khiến những người gồm “sếp” của Trương Tấn Sang và lính canh gác như Trương Tấn Sang được bình an vô sự hoạt động tấn công từ sâu trong nội đô Sài Gòn làm tan nát chính quyền dẫn đến biến cố lịch sử mà Phương Tây gọi là Sài Gòn Thất Thủ (The Fall of Saigon).

Nguyễn Minh Luân là học sinh trường Tân Việt (trước 1975 trên đường Yên Đỗ gần ngã tư Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3,Sài Gòn (nay là Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên, đường Lý Chính Thắng, Quận 3,Thành Phố Hồ Chí Minh).

Vào năm 1974, lúc tôi là trưởng lớp 12C1 (chuyên khoa Ngoại Ngữ – Triết Học) thì Luân là học sinh lớp 11A2 (chuyên khoa Sinh – Hóa).

Lớp 12C1 trường Tân Việt lừng danh vì có hoa khôi Lý Quỳnh Hoa, nữ sinh đã làm các giáo sư như Tạ Ký (Việt Văn), Nguyễn Xuân Hoàng (Phân Tâm Học), Trần Hữu Lộc (Tâm Lý Học), và một giáo sư môn Anh Văn (mà tôi quên mất tên vì ông ta không giỏi bằng tôi), mê say đắm đuối công khai bày tỏ sự đắm đuối mê say ấy ngay mỗi lần bước vào lớp bắt đầu tiết dạy, và cũng là nữ sinh danh vang quốc ngoại (nghĩa là nhan sắc của Lý Quỳnh Hoa vượt ngoài biên giới của…Tư Thục Tân Việt để chinh phục con tim khối óc nam sinh các trường công lập hàng đầu của Sài Gòn). Nhưng nếu bó buộc phải nói cho đúng sự thật nhất và khiêm nhường nhất thì Lớp 12C1 còn lừng danh vì có chàng trưởng lớp danh trấn quốc nội (nghĩa là khuôn trung ngự trị vững vàng trong lòng các nữ sinh nội địa Tân Việt đã vậy còn được hoa khôi Đinh Thị Mai Trâm của Nguyễn Bá Tòng Gia Định lân bang mỗi ngày đều đến đậu xe PC xanh đứng chờ nơi cổng trường Tân Việt để trao tay cho chàng những bức thư tình nhung nhớ. Uy thế của chàng trưởng lớp ấy lại còn được vun đắp cao hơn bằng nắm đấm của nhân vật Nguyễn Minh Luân.

Nguyễn Minh Luân tuy thấp hơn tôi (Luân cao 1m5, còn tôi 1m7) nhưng dáng người lực lưỡng, và những chiếc áo sơ mi trắng học trò chật bó làm bật thân trên của một vận động viên thể hình nghiêm túc với phần cơ bụng thuộc hình thể mà trước 1975 chúng tôi gọi bằng tiêng Anh là 6-pack (tiếng bình dân ngày nay gọi là “6 múi”). Luân có đôi mắt “tam bạch đản” khiến gương mặt nam tính khôi ngô của Luân có phần bị phá cách. Chưa kể, Luân thuộc hàng “anh chị bự” ở  trường Tân Việt, và mọi học sinh nam nữ đều cho rằng tốt hơn hết là nên né Luân từ xa để có được hai chữ bình an. Nói một cách tôn trọng sự thật thì tôi rất “ớn lạnh” mỗi khi bắt gặp Luân đang hướng ánh mắt long lên sòng sọc đến một kẻ đáng thương nào đó, còn các học sinh trong lớp của tôi thì người nào anh dũng lắm mới dám cả gan hùng hồn gọi lí nhí sau lưng Luân rằng Luân là “quân lưu manh”.

Nhưng dù Luân có “lưu manh” hay không, vẫn có một thực tế mà một nhà sử học Việt Nam Cộng Hòa duy nhất ở Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như tôi nhân đây xin nhắc lại sự thật 100% về “dân anh chị” của Sài Gòn trước 1975:

(a) đã là dân “anh chị bự” Sài Gòn thứ thiệt thì chỉ ra tay lưu manh/anh chị/côn đồ với dân lưu manh/anh chị bự/côn đồ ở nơi khác, chứ tuyệt đối không bao giờ động đến người dân ở khu dân cư nơi mình/cha mẹ anh chị em mình sinh sống/học tập/làm việc;

(b) đã là dân “anh chị bự” Sài Gòn thứ thiệt mà giở thói lưu manh/anh chị/côn đồ với người ở khu dân cư nơi mình/cha mẹ anh chị em mình sinh sống/học tập/làm việc thì do đích thị bản thân hèn hạ, súc vật “lộn chuồng”;

(c) đã là dân “anh chị bự” Sài Gòn thứ thiệt thì luôn kính trọng và bảo vệ bằng nắm đấm những gia đình “có học thức” + “hiền lương” + “yếu thế”, và

(d) dân “anh chị bự” Sài Gòn thứ thiệt thì luôn khoái cái danh “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, gian nguy bất cứu mạc anh hùng” nên không những thường ra tay cứu độ bảo vệ người ở khu dân cư nơi mình/cha mẹ anh chị em mình sinh sống/học tập/làm việc mà còn lên tiếng chửi tục xé nát tờ báo mỗi khi đọc thấy có tin côn đồ bức hiếp lương dân hay côn đồ hiếp dâm tập thể một nữ sinh hay phụ nữ nào đó.

Cũng vì vậy mà chẳng mấy ai lấy làm lạ khi trước 1975 nhiều dân “lưu manh” tức dân “anh chị bự” tức dân “côn đồ” Sài Gòn thứ thiệt sẵn sàng vì “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, gian nguy bất cứu mạc anh hùng” mà ra tay (tức ra…chân) ngáng đường để hất ngã cảnh sát/an ninh/mật vụ Sài Gòn nhằm giải vây cho bất kỳ ai đang bị dí bắt mà họ tin đó là đặc công Việt Cộng hoặc sinh viên học sinh chống Mỹ.

Cái anh chàng Luân ấy dường như ngụ tại khu dân cư nghèo khổ Kênh Trương Minh Giảng, sau lưng nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, sau 1975 gọi là Kênh Nhiêu Lộc, ở Quận 3. Còn khi tôi làm trưởng lớp 11 ở Tân Việt thì lớp tôi có nữ sinh Thái Thị Liên Hoa tuyệt đẹp có chữ viết bảng đẹp tuyệt và cốt cách sang trọng – tất nhiên sang trọng không đồng nghĩa với giàu có – ngụ cư tại Quận 4 khét tiếng.

Là người theo trường phái quý phái quý tộc (noble) sẵn có cốt cách sang trọng tự thân, ghét bọn theo trường phái trưởng giả chảnh chọe học làm sang (snob) luôn có tác phong hạ đẳng, tôi ít nói (chỉ nói liên tu bất tận khi trần thuyết tức thuyết trình trước lớp về các đề tài phân tâm học/tâm lý học/siêu hình học/đạo đức học/luận lý học), ít giao tiếp (chỉ ngắm nhìn thầm thương trộm nhớ Lý Quỳnh Hoa), ít cười (chỉ cười khi nhìn thấy Đinh Thị Mai Trâm chờ ở cổng trường hoặc khi được Thầy Tổng Giám Thị Đỗ Văn Phương khen ngợi), tôi đã dùng quyền phủ quyết của trưởng lớp để bác bỏ tất cả các kế hoạch tổ chức ăn chơi kiểu Mỹ của bọn nam sinh nhà giàu trong lớp. Ăn chơi kiểu Mỹ trong giới học sinh nhà giàu Sài Gòn luôn gồm phì phèo thuốc lá, nốc bia, nhảy đầm, và không hề thiếu những hành vi đê tiện bẩn thỉu mạt hạng sử dụng thuốc kích dục đắt tiền hoặc thuốc ngủ rẻ tiền để phá trinh những nữ sinh thuộc các nhóm nhà nghèo học đòi ăn chơi, nhóm nhà giàu khờ khạo ngu đần, nhóm nhà giàu nết na bất cẩn. Để bảo vệ Lý Quỳnh Hoa và do bản thân khinh miệt tất cả các thứ ăn chơi kiểu Mỹ, tôi luôn bác bỏ các đề nghị tôi hãy đứng ra tổ chức các buổi tụ tập như vậy dù của riêng lớp 12C1 Tân Việt hay phối hợp với lớp 12C Petrus Trương Vĩnh Ký mỗi khi sắp có Lễ Giáng Sinh, Tết Tây, Tất Niên, Tân Niên, tức những dịp mà bọn con trai nhà lành thường lắc đầu than rằng “ôi lại sẽ có biết bao nữ sinh bị phá trinh”.

Cho đến khi có một tên học sinh nhà giàu lớp tôi căm giận bày tỏ thái độ với tôi, tôi mới có dịp may biết rõ hơn về Nguyễn Minh Luân.

Tên học sinh nhà giàu ấy thuộc gia đình “người Bắc di cư”, thường lảm nhảm khoe rằng ở biệt thự nhà hắn tại thư phòng riêng của hắn có tấm bảng sơn son thếp vàng ròng 24K to đùng mang dòng chữ Hữu Chí Cánh Thành bằng tiếng Hán-Việt do bố của hắn tặng ban, kỳ vọng hắn sẽ trở thành vị Tổng Thống Việt Nam Cọng Hòa (không phai Cộng Hòa) trẻ tuổi nhất và đẹp trai nhất thế giới. Hắn đi học với áo sơ mi lụa mỏng in hoa màu hồng, tóc chải dầu bóng đứng tóc (thời ấy gọi là bờ-ri-lăng-tin còn ngày nay gọi là gel) láng mướt, mang giày Tây bóng láng đế cao (vẫn chỉ đứng cao đến vai tôi).

Vào hôm “định mạng” đó, lúc chuông ra chơi, như thường lệ tôi ở lại trong lớp để đọc một quyển tiểu thuyết tiếng Anh dường như của Nan Maynard thì phải. Tuy lấy làm lạ không hiểu vì sao tất cả mọi người đồng loạt bỏ xuống lầu chứ không như mọi hôm luôn có ít nhất ba bốn học sinh – kể cả Lý Quỳnh Hoa – ở lại lớp tán gẫu, tôi nhún vai điềm nhiên không chút lắng lo.

Khi nghe tiếng giày lộp cộp đến gần, tôi ngẫng lên và thấy thằng học trò công tử nhà giàu hữu chí cánh thành đó đang tiến đến bàn của tôi. Hắn rít lên trong lúc tôi chưa kịp nhận ra tình cảnh: “Mày dám chọc gậy bánh xe hử?” Một quả đấm vung ngay vào mặt tôi. Chuyện có thực này hoàn toàn không là chuyện phim hành động Hollywood hay phim kiếm hiệp Tàu hoặc phim tình cảm Hàn. Nhưng nếu sử dụng camera điện ảnh chuyên dùng quay phim tốc độ cực nhanh để phát hình bình thường nhằm tạo hiệu ứng slo-mo cho ra cảnh quay cử động cực chậm, thì diễn biến slo-mo sẽ như sau: trước khi quả thôi sơn hữu chí cánh thành ấy kịp chạm vào giữa sống mũi tôi thì nó đã bị một bàn tay chém ngang hất ra với tiếng hét Kiai giọng miền Nam ngắn gọn đặc thù: “Đù Mẹ mầy!” Đó là tiếng gầm của Nguyễn Minh Luân.

Hóa ra tại phòng vệ sinh nam đông đúc, trơn trợt, nồng nặc mùi a-mô-ni-ắc xú uế, Luân tình cờ nghe mấy nam sinh vừa tưới nước vừa kháo với nhau rằng có phải đã được yêu cầu rời phòng học để ai đó sắp tiến hành trừng trị trưởng lớp Hoàng Hữu Phước hay không. Thế là Luân lao ra khỏi toilet chạy bay lên cầu thang cao vút (tất nhiên, đã kéo phẹc-ma-tuya, hoặc chí ít thì cũng vừa chạy vừa kéo phẹc-ma-tuya) phi thân vào lớp tôi để hét lên một tiếng Kiai hào sảng ra tay đập thằng hữu chí cánh thành một trận. Tôi phải cản ngăn Luân lại để ngoài lổ mũi sẽ không có nơi nào khác trên mặt thằng hữu chí cánh thành có thêm dịch tiết màu đỏ hồng như hình in trên áo nó. Cần nhấn mạnh rằng cho tới lức đó tôi mới lần đầu trong đời nói chuyện với Luân, dù chỉ có một hai câu ngắn gọn.

Kể từ hôm ấy, ngày nào vào lúc ra chơi, Luân cũng đều đến lớp tôi, đứng yên ngoài hành lang lườm lườm ném qua hai khung cửa sổ những cái nhìn giận dữ, sòng sọc, hù dọa, răn đe đến các nam sinh nhà giàu thuộc nhóm hữu chí cánh thành. Luân bảo làm thế để yên tâm sẽ không còn ai dám động đến tôi, “anh” Trưởng lớp 12C1 hào hoa và đào hoa. Hóa ra, dù không quen biết tôi, Luân vẫn để ý đến mọi sự việc xảy ra tại Tân Việt là “địa bàn” mà Luân hùng cứ và không cho phép xảy ra những việc chướng tai gai mắt nhất là khi đó là những hành động dám…“lưu manh côn đồ” ra tay hạ thủ với những người mà Luân ngưỡng mộ.

Thời điểm ngày 30-4-1975, các giáo sư biến mất, các lãnh đạo và chủ nhân trường biến mất, các học sinh biến mất, Lý Quỳnh Hoa biến mất. Khi trở lại trường Tân Việt vài ngày sau đó, tôi gặp Anh Ba Châu (Nguyễn Minh Châu) là cán bộ cách mạng tiếp quản Quận 3. Nhanh chóng đánh giá con người qua “khuôn trung” chứ không qua cái gọi là “bản lý lịch” (vì lức ấy làm gì có “chính quyền” để chứng “lý lịch”), Anh Ba Châu ngỏ lời nhờ tôi giúp quản lý trường Tân Việt để giữ chân những học sinh nào còn trở lại trường, chờ Ủy Ban Quân Quản cử cán bộ quản lý giáo dục thích hợp. Toàn bộ 30 học sinh lớp 12C1 của tôi – trừ tôi – đã rời khỏi Việt Nam. Tôi chỉ tụ tập được 4 học sinh lớp khác nhưng ngang với tôi tức đã học xong lớp 12 để hình thành đội giảng viên để dạy các lớp 10 và 11 nào đã có học sinh trở lại. Tất nhiên chỉ có tôi phụ trách dạy môn Anh Văn, còn môn thứ nhì cũng là môn cuối cùng là…ca hát nhạc cách mạng thì do bốn vị học-sinh-làm-thầy-giáo kia gồm ba nam một nữ phụ trách mà tôi chỉ còn nhớ tên của Lâm Lễ Trí (luôn xách cây đàn guitar) và Hà Thị Kim Ngân (tập ca hát) hình như là học sinh lớp 12A1 tức chuyên khoa Sinh Hóa mà tôi nghe đồn rằng họ sẽ nên nghĩa vợ chồng sau khi thi đỗ Tú Tài và bước chân vào đại học. Tất nhiên 5 người chúng tôi dạy học không lương, không hưởng bất kỳ quyền lợi vật chất nào. Thứ duy nhất chúng tôi nhận được là cơ hội trở thành … lãnh đạo trẻ tuổi nhất dù của một ngôi trường nhỏ xíu xìu xiu.

Khi thấy Luân đến trình diện, tôi trổ tài tuyên giáo, đề nghị Luân ở hẳn trong khuôn viên trường để bảo vệ tài sản chờ bàn giao cho Ủy Ban Quân Quản. Thế là Luân quy tụ về dưới trướng của Luân bốn “học sinh” khác (dù tôi không chắc họ đã là “học sinh” của trường) hình thành đội bảo vệ. Tôi đến gặp Anh Ba Châu báo cáo tình hình, và xin Anh cấp cho đội bảo vệ tiêu chuẩn lương thực. Anh bảo nếu những học sinh “trông mặt mũi dữ dằn” đó được tôi tin cậy thì anh sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của tôi và chấp nhận giao cơ sở vật chất trường cho Luân và nhóm của Luân bảo vệ đêm ngày. Nhiều hôm, tôi đến trường vào buổi tối, thấy Luân chỉ đạo “quân sĩ” lấy sách báo thu được (từ những chuyến “Bài Trừ Văn Hóa Phẩm Đồi Trụy Phản Động” quanh trường kể cả khu vực Chùa Miên gần Cầu Trương Minh Giảng và quanh Chợ Trương Minh Giảng) để nhóm lửa nấu cơm. Tôi phải “làm việc” với Luân, giải thích với Luân rằng ắt do thành phần trí thức trong chính quyền quân quản thiếu trầm trọng nên ủy ban mới vì không hiểu biết mà yêu cầu thu gom tịch thu tất tần tật các sách vở có tiếng nước ngoài (kể cả từ điển và bách khoa toàn thư) hoặc tiếng Việt vì…do Việt Nam Cộng Hòa xuất bản (kể cả bản dịch tiếng Việt các tác phẩm vĩ đại như …Chiến Tranh Và Hòa Bình), nên hãy giúp tôi bảo quản các núi văn hóa phẩm quý giá tài sản nhân loại ấy, còn muốn có nhiên liệu nấu ăn thì cứ lấy báo chítạp chí ở truồng khiêu dâm như Playboy Soho mà đốt thoải mái. Luân nói Soho thì đốt được, nhưng Playboy thì khó nhóm lửa quá do bằng giấy láng khó bắt lửa và nếu bén chút lửa thì lại tạo ra khói xám bốc mùi hôi sặc sụa. Tôi bảo Luân xé vụn các quyển Playboy cho vào bao tải. Luân có tự ý cất giấu vài quyển tự điển Tiếng Anh bọc da to đùng nặng chình chịch – chắc tịch thu từ Thư Viện Anh tức The British Council Library cũng trên đường Yên Đỗ cách Tân Việt 6 căn biệt thự – và sau đó ngỏ ý muốn giao lại cho tôi vì tôi là người duy nhất gọi sách là kho tàng và là bậc …“thầy” tiếng Anh (đang dạy tiếng Anh tại Tân Việt mà!). Đến giờ tôi vẫn tiếc vì đã từ chối ý tốt của Luân, bảo Luân rằng đó là tài sản của cách mạng, hãy giữ để sau này giao cho cách mạng thành lập thư viện. Vài tháng sau, tôi vào đại học, Luân ở lại học lên lớp 12, và tôi không còn gặp lại Luân. Nhưng tôi biết cả núi sách chất đầy 57 chuyến xe ba gác đã biến mất vì các vị ban giám hiệu quản lý trường Tân Việt năm học đầu tiên của cách mạng (1976-1977) từ chối trả lời câu hỏi của tôi về số phận của kho tàng ấy, khiến tôi không thể biết chúng đã tất thành than hay thành nguồn thu cho trường từ việc bán cho vựa giấy vụn ve chai.

Học chữ bậc trung học không phải là chuyện giỡn chơi như thời 2018. Ắt Luân khó học xong lớp 12. Và bọn Tàu và bọn Kampuchea tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược ở toàn tuyến biên giới phía Bắc và toàn tuyến biên giới phía Tây Nam, khiến bao đấng hùng anh và trang hảo hán Việt Nam phải hy sinh trên chiến trường vệ quốc. Tôi không rõ hảo hán Nguyễn Minh Luân đã ra sao.

Minh Luân thân mến, tôi tự hào đã được một trang hảo hán Sài Gòn trượng nghĩa – người mà thế giới bình dân thành thị gọi là dân “anh chị bự” Sài Gòn – như Luân bảo vệ, được Luân nghe theo lời khuyên để ra sức giữ gìn tài sản cho cách mạng trong những tháng đầu giải phóng.

Tôi không rõ Minh Luân nếu sống còn qua cuộc chiến tranh tàn khốc chống bọn giặc Tàu chó đẻ và bọn giặc Kampuchea chó ghẻ, đã có cuộc sinh nhai sinh tồn ra sao tại Thành Phố Hồ Chí Minh hay ở miền quê nào đó.

Anh mong sao những khó khăn – nếu có – trong cuộc sống của em đã không khuất phục được em trong thủa hòa bình này, dù chính thời bình đầy ngán ngẩm lắm vô duyên này không ủ ấp trong nó mầm xanh tươi tỏa lan hy vọng và sự cao thượng như từng hun đúc từ tàn phá hủy diệt của chiến tranh.

Nếu em còn sống trên đời – và anh cầu mong như vậy – hãy bảo con cháu của em viết cho anh vài chữ, Luân nhé.

Nếu em đã hy sinh hoặc quy tiên, bài viết này sẽ như nén hương thô dâng tặng em  với lòng tưởng nhớ chân thiết về em và những điều trượng nghĩa em đã làm để bảo vệ anh, người yếu thế, tay hàn sĩ trói gà không chặt.

Cuộc đời anh ắt đã không phải gặp quá nhiều những điều bĩ cực, nếu như anh đã được bảo vệ bởi nhiều hơn những người dân “nghèo, dữ dội, và trượng nghĩa” Sài Gòn thứ thiệt như em, Nguyễn Minh Luân ạ.

Cảm ơn em, trang hảo hán Sài Thành.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Chính-trị Cộng-sản Chủ-nghĩa

Tham khảo:

Lý Quỳnh Hoa  04-01-2018

Đinh Thị Mai Trâm  21-01-2018

Both comments and trackbacks are currently closed.