Phùng Kim Yến

Nhà Báo Chánh Tâm

Hoàng Hữu Phước, MIB

25-10-2018

Nhiều bạn hữu, học trò ruột, nhân viên trung thành, người quen thân tình, và người dân hiền lương bấy lâu nay tự xưng là “fan ái mộ” của tôi hỏi phải chăng tôi rất có ác cảm đối với các nhà báo chính thống Việt Nam. Câu trả lời của tôi luôn gồm ba nội dung rằng

(a) cái gọi là báo chí cách mạng là vũ khí của Đảng Cộng Sản Việt Nam mà chỉ có bọn ngu đần học trăm biết một và bọn chống Cộng mới chống cái báo chí cách mạng ấy;

(b) tôi chỉ chống báo chí cách mạng Fake, tức báo chí cách mạng đội lốt, tức báo chí cách mạng phản Đảng, tức báo chí cách mạng biến thái, báo chí cách mạng ăn cướp; và

(c) tôi là người tuyệt đối công chính liêm minh và cái đạo đức rộng lượng hào phóng đặc biệt nơi tôi luôn được thể hiện rõ nét bất di dịch theo hai slogan tôi thường nhắc đến nơi này nơi khác trong các bài viết là “ơn có vạn kiếp vẫn đền, oán có muôn đời vẫn trả”, và “nhận một luôn đáp lại ngàn, dù cái nhận là sự giúp đỡ hay quả đấm”;

Cho nên, ác cảm nơi tôi – nếu có – tùy thuộc hoàn toàn và tuyệt đối vào mỗi cá nhân nhà báo đang đứng trong hàng ngũ báo chí cách mạng Việt Nam đang chìa ra cho tôi tình tương thân tương trợ hay quả đấm.

Giải thích rõ hơn nội dung phần (b) ở trên, tôi cần nhấn mạnh thêm rằng:

1- Báo chí xạo Fake thì chỉ có người đang dự lớp xóa mù chữ mới đọc. Báo xạo Fake Tuổi Trẻ ở Việt Nam đã từng nhét/nhấn/thồn/tọng chữ vào mồm Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước vu vạ rằng ông ta mắng dân tộc Việt Nam dân trí thấp đối với Luật Biểu Tình trong khi trong thực tế ông ta chỉ nêu lên sự thật 100% rằng trên đời dưới thế chỉ có mỗi một ông cố tổ tiên sư của báo chí xạo Tuổi Trẻ sở hữu đủ bộ Tứ Đại Ngu. Thậm chí Ông Trần Đại Quang có bao giờ bảo ông cố tổ tiên sư của báo chí xạo Tuổi Trẻ  ngu hồi nào đâu vậy mà chúng cũng nỡ lòng nào tự tung tự tác tự tiện tự nhiên tự do nhét/nhấn/thồn/tọng chữ vào mồm Ông Trần Đại Quang rằng chính ông ấy không những ủng hộ việc ra Luật Biểu Tình mà còn hứa sẽ thúc Quốc Hội cho ra cái luật ấy. Xem ra cái gọi là Luật Biểu Tình được báo xạo Tuổi Trẻ đặc biệt ưa chuộng vì xã hội phải có loạn lạc đập phá tứ tung thì từ Tổng Biên Tập đến phóng viên báo xạo Tuổi Trẻ mới không bị thất nghiệp. Những bậc đại trí luôn chống báo xạo, chà đạp báo xạo xuống bùn nhơ, và trong số những bậc đại trí quyết liệt chống báo xạo nhất thế giới có Tổng Thống Hoa Kỳ Thứ XLV Donald John TrumpNghị sĩ Việt Nam Khóa Thứ XIII Hoàng Hữu Phước.

2- Báo chí cách mạng ăn cướp là tên gọi bọn báo chí – nhất là bọn báo online và báo hình – nào đã tuyệt đối câm lặng bưng bít thông tin để ăn cướp một kỳ tích của Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước: chúng không hề đưa tin về một sự việc chưa có tiền lệ vô tiền khoáng hậu suốt chiều dài lịch sử nghị viện Việt Nam khi phát biểu dài 6 phút 59 giây của nghị sĩ Hoàng Hữu Phước tại nghị trường về Luật Biểu Tình đã được cả hội trường vỗ tay ầm vang hơn sấm.

Tương tự, báo chí cách mạng ăn cướp là tên gọi bọn báo chí – nhất là bọn báo online và báo hình – nào đã tuyệt đối câm lặng bưng bít thông tin ăn cướp một kỳ tích khác của Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước: chúng không hề nói gì về ý nghĩa vĩ đại của một sự việc chưa có tiền lệ vô tiền khoáng hậu suốt chiều dài lịch sử nghị viện Việt Nam khi phát biểu của nghị sĩ Hoàng Hữu Phước tại nghị trường về Luật Biểu Tình đã được cả hội trường vỗ tay ầm vang hơn sấm, mà các nghị sĩ ai lại không là đại biểu do dân bầu lên cơ chứ, cho nên mặc nhiên có ý nghĩa rằng Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước đã được tuyệt đại đa số nhân dân toàn quốc ủng hộ, tức được dân tộc ủng hộ.

Tương tự, báo chí cách mạng ăn cướp là tên gọi bọn báo chí – nhất là bọn báo online và báo hình – nào đã tuyệt đối câm lặng bưng bít thông tin ăn cướp một kỳ tích của Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước rằng trong một sự việc chưa có tiền lệ vô tiền khoáng hậu suốt chiều dài lịch sử nghị viện Việt Nam khi phát biểu của nghị sĩ Hoàng Hữu Phước tại nghị trường về Luật Biểu Tình đã được cả hội trường vỗ tay ầm vang hơn sấm do Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước là nghị sĩ đầu tiên suốt chiều dài lịch sử nghị viện Việt Nam đã thực thụ là nhà hùng biện với giọng phát biểu dũng mãnh, vang rền như sấm, trong khi toàn bộ các nghị sĩ của Đảng tại Quốc Hội Việt Nam từ xưa đến nay đều đọc bài phát biểu với giọng ngái ngủ chứ không với đẳng cấp Fidel Castro.

Chỉ với một nghị sĩ quèn không ô dù che đầu, không phe nhóm chống lưng, chẳng Đảng tịch lận lưng, vậy mà chỉ trong một lần phát biểu có non 7 phút thôi mà báo chí đã ăn cướp của nghị sĩ ấy những ba sự vẻ vang nêu trên, cấm triệt để nhân dân không được tiếp cận sự thật chốn nghị trường, thì cái báo chí ấy tất nhiên còn ăn cướp của “thiên hạ không quèn” (tức các chủ doanh nghiệp giàu có) nhiều đến dường nào.

Thế còn các nhà báo trung thực thì sao?

Tất nhiên, nhà báo trung thực không thể không dành thiện cảm cho nghị sĩ Hoàng Hữu Phước.

Thậm chí khi nhà báo chủ nhân Phố BolsaTV dù đã vào Việt Nam vẫn không được cho phép vào tác nghiệp tại Quốc Hội, phải nhờ tôi can thiệp giúp. Khi phone cho Bộ Ngoại Giao thấy quả bóng trách nhiệm bị chuyền sang nơi khác, tôi đã gặp trực tiếp một người có trách nhiệm về báo chí của Chính Phủ, được nghe lý do rằng vị nhà báo chủ nhân ấy do bị nhận diện rất nhiều năm trước đây đã từng hùng hổ biểu tình la hét chửi mắng phái đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đến thăm Washington. Tôi vội tìm gặp một nhân vật quan trọng khác để thuyết phục và đã thành công trong vệc cho nhà báo Việt Kiều ấy vào tác nghiệp quay phim và phỏng vấn ngay tại Quốc Hội. Hãy tôn trọng Việt Nam và đồng thời hãy tôn trọng tôi – đó là nguyên tắc tôi đưa ra cho nhà báo nào muốn được tôi tôn trọng và giúp đỡ.

Đã có tất cả 6 nhà báo ra mặt (tức có gặp gỡ, có họp mặt) ủng hộ tôi. Và Chị Phùng Kim Yến là một trong hai nhà báo nữ trong số 6 vị đó. Tất nhiên, còn có 8 nhà báo nam khác ủng hộ tôi bằng những lời động viên, khen ngợi, và an ủi, qua email, tin nhắn, hoặc bằng cái vỗ-vai-kèm-động-tác-đưa-ngón-tay-cái-lên ở các điểm tiếp xúc cử tri. Và tôi biết chắc chắn rằng rất nhiều người trong báo giới Việt Nam cùng cơ quan an ninh chính trị Việt Nam biết rất rõ nhà báo Phùng Kim Yến là ai.

Lần đầu tiên tôi gặp Chị Phùng Kim Yến là khi chị mời tôi cùng một nhà báo nữ và một nhà báo nam khác đến họp mặt tại một nhà hàng Nhật Bản ở Quận 1 Thành Phố Hồ Chí Minh. Nhà báo nam là người đầu tiên đã liên lạc với tôi ngay khi những người biết-tiếng-Việt-không-biết-tiếng-Anh trên toàn thế giới khởi động đại cuộc ném đá khủng bố tôi trong vụ Luật Biểu Tình, để cho tôi xem bài viết của anh ủng hộ tôi song đã bị tòa soạn của anh loại bỏ. Nhà báo nữ là người tôi chưa quen. Còn Chị Phùng Kim Yến thì tôi đã biết từ lâu trước đó qua chuyên mục Chị viết về Phật Giáo và Phật pháp trên một báo mạng của Việt Kiều Mỹ, mà trang báo online ấy thỉnh thoảng có đăng lại các bài viết của tôi trên các blog Emotino và WordPress.

Chị đã cuốn hút tình thân quen của tôi qua lời nói đầu tiên ngay sau khi chào hỏi xong rằng Chị có đọc bài  Tuyệt Thực của tôi và nhờ đó biết tôi là học trò tiếng Anh của Cô Lý Kim Hà tại USA (tức Hội Liên Trường – United Schools Association – của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước 1975, đối thủ cạnh tranh với VAA tức Hội Việt Mỹ – Vietnam-America Association), em gái dân biểu đối lập Lý Quý Chung, mà Cô Lý Kim Hà là bạn học thân tình của Chị Phùng Kim Yến. “Hà nó đúng là đẹp thiệt,” Chị nói, nhìn tôi mĩm cười ý nhị, ắt ngầm nhắc đến đoạn tôi viết rằng Cô Lý Kim Hà mãi tuyệt đẹp trong trái tim tôi, cậu học trò lớp 9.

Chị Phùng Kim Yến có khuôn trung đôn hậu, quý phái. Là nhà báo, nhưng Chị nói chuyện với phong cách một nhà trí thức hàn lâm, chỉ như tâm sự với người đối diện cùng đẳng cấp, chứ không để tìm hiểu, lấy tin. Đó là nét đặc biệt nơi Chị mà tôi rất nể trọng, chẳng qua vì tôi cũng y như vậy: không bao giờ nói chuyện với người khác để tìm hiểu (vì tôi đã hiểu hay sẽ hiểu tất sau) cũng như không bao giờ để lấy thông tin (vì tôi đã có hay sẽ có tất sau). Chị khiến tôi tin vào một điều rằng một khi Chị mời tôi đến gặp mặt, nghĩa là Chị đã biết tôi như thế nào và Chị muốn tôi cảm nhận được sự tôn trọng và trân trọng Chị dành riêng cho tôi do đã quá hiểu rõ về tôi.

Tất nhiên, một trong những chủ đề Chị nói đến – để sẻ chia sự đồng cảm – có nhắc về việc tôi tự ra ứng cử Quốc Hội mà Chị đánh giá rất cao với sự thích thú; việc tôi khẳng khái bộc trực vì an nguy của nước, của dân, mà trở thành lẻ loi đơn độc trước sự ném đá tàn nhẫn rất nhịp nhàng một cách kỳ lạ của báo chí “quốc doanh” và báo chí “lề đường” khiến Chị ngạc nhiên nể trọng tôi; cũng như việc tôi không những không từ chức mà còn viết lách mạnh mẽ hơn khiến Chị bất ngờ trước “bản lĩnh của Anh Phước.” (Chị luôn gọi tôi là “anh” một cách trọng thị, còn tôi luôn xưng “em” khi đối đáp với Chị.)

Với đẳng cấp thượng thừa của một nhà báo trí thức – như tôi đã có nêu ở trên rằng – Chị không đặt câu hỏi gì với tôi cả. Chị như đã biết tất, đã hiểu tất, và những đối thoại của Chị trở thành những sẻ chia, những lời khuyên từ thành ý, thiện chí, và thiện tâm. Chị bảo Chị biết tôi có lòng tin vào những người công chính trong nhân dân, thế nên tôi hãy vì những người dân công chính ấy bất kể họ yếu thế và ít ỏi đến đâu chăng nữa mà tiếp tục con đường không bằng phẳng tôi đã chọn. Chị khuyên tôi nếu sức khỏe còn cho phép thì nên cứ tiếp tục tự ra ứng cử thêm vài nhiệm kỳ để nghị viện Việt Nam còn có được một đại biểu thực sự vì nước vì dân.

Trong hoàn cảnh hai nhà báo một nữ một nam kia thỉnh thoảng góp vào đôi lời khen tôi cho phù hợp với các nội dung sẻ chia của Chị Phùng Kim Yến, tôi lắng nghe là chính, và thỉnh thoảng mới lí nhí “Cảm ơn Chị vì Chị đã hiểu cho em và đánh giá em cao như vậy”; “Dạ em chỉ đơn giản làm những gì bản thân em tin rằng có lợi cho đất nước mình”; “Được Chị và hai anh chị ở đây quan tâm đến em, em rất biết ơn”; “Dạ em biết sẽ luôn khó khăn, nhưng em cũng thấy được an ủi nhiều vì được Chị và hai anh chị đây hiểu và động viên”; v.v.

Như đã nêu trong một bài viết trước, tôi đã phải nằm viện một thời gian dài, không thể dự hai kỳ họp Quốc Hội, và đã phải dấu mọi người vì không muốn làm phiền mọi người. Ngoài gia đình, chỉ có Cô Lại Thu Trúc là trợ lý trung tín trung thành trung hậu của tôi, gia đình một nữ nhân viên ở cơ quan cũ, và gia đình một cô học trò cũ, là biết tình trạng sức khỏe của tôi để thường xuyên đến chăm sóc tôi tận tình bên giường bịnh. Trong thời gian này, tôi nhận nhiều cuộc gọi của anh nhà báo “cầu nối của Chị Phùng Kim Yến với tôi”, nói Chị Yến muốn mời tôi dùng bữa tối. Và tôi cứ phải nói dối rằng tôi đang ở tỉnh này, tỉnh nọ, nước đó, nước kia. Tôi không muốn những người thân quen phải bỏ công ăn việc làm tốn tiền mua sắm quà cáp hay phong bì ngân phiếu này nọ đến thăm tôi. Tôi định sau khi xuất viện và tĩnh dưỡng xong sẽ mời họ cùng dùng bữa – tất nhiên gặp riêng từng nhóm như nhóm học trò, nhóm nhân viên, và nhóm nhà báo.

Lần sau cùng, anh nhà báo “cầu nối” phone cho biết Chị Yến không được khỏe nhưng hỏi thăm tôi hoài và rất muốn gặp tôi, thậm chí nếu tôi không đến nhà hàng ăn tối với Chị được thì Chị xin được đến nhà tôi để gặp tôi. Rất tiếc là lần ấy tôi bận thực sự sau khi xuất viện, sau khi chống gậy ra Hà Nội dự kỳ họp chót của Quốc Hội Khóa XIII đầu năm 2016 để bầu Tân Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, và sau khi giải quyết nhiều việc quan trọng khác trong năm 2017. Tôi đã nói với anh nhà báo ấy rằng tôi sẽ cố gắng thu xếp và khi xong sẽ liên lạc với anh để cùng gặp Chị Yến.

Đến khi anh nhà báo và chị nhà báo ngỏ ý muốn đến thăm tôi vì đã rất lâu rồi tôi cứ bận bịu công việc mãi, tôi phải nhận lời. Và hai anh chị nhà báo tôi đã gặp trước đây ấy dẫn theo một nhà báo trẻ đến gặp tôi. Hai anh chị cho tôi biết Chị Phùng Kim Yến đã qua đời do bịnh nan y kéo dài nhiều năm. Hai anh chị tiếc là tôi đã không thể đáp ứng mong muốn của Chị Yến được trò chuyện lần cuối với tôi, người mà Chị Yến cảm mến, muốn căn dặn gởi gắm điều gì đó.

Tôi  đã buồn xiết bao khi biết hung tin về Chị. Bị vùi dập gần như suốt cuộc đời, tôi đã cảm động vô cùng mỗi khi nhận được những lời thông hiểu, động viên, tình cảm, cậy tin, kỳ vọng, mến yêu của từng người từng người nhân hậu tôi may mắn được gặp trên đường đời. Và Chị Phùng Kim Yến là một trong số những người ấy, những người đã cho tôi sự an ủi lớn lao như một nhắc nhở nghiêm túc rằng tôi cứ hãy bước đi trên con đường mình đã chọn nhưng hãy với nhận biết rằng hành trang của mình chất chứa bao tình thương và kỳ vọng của họ đặt vào.

Cứ mỗi lần gặp mặt bên ly cà phê với hai anh chị nhà báo kia – có khi có cả sự tham gia của anh bạn nhà báo trẻ nọ – chúng tôi đều nhắc về Chị Phùng Kim Yến với sự trầm mặc. Khi tôi bảo tôi đã bị bọn phá hoại loại tên ngay từ đầu nên không thể tiếp tục hiện diện ở Quốc Hội Khóa XIV, hai anh chị nhà báo ấy cau mày lắc đầu nín thinh theo phong cách của Chị Phùng Kim Yến, còn bạn nhà báo trẻ nhanh nhảu hỏi – trong tư thế nắm bắt thông tin – rằng thế tôi có định sẽ tiếp tục ra ứng cử Khóa XV hay không.

Chị Phùng Kim Yến ơi, em xin lỗi đã không xem việc ăn tối cùng Chị đủ quan trọng để dẹp bỏ các buổi họp khác, khiến đã để Chị chờ trông, còn em thì lỡ cơ hội được gặp Chị lần cuối, dù em đã một lần lỡ cơ hội như vậy với một người bạn Đức nhiều năm trước.

Em kính cầu chúc Chị hưởng những an nhàn tốt đẹp nơi cõi Phật như những chân thiện mỹ Chị hằng nói đến trong những bài viết về Phật giáo và Phật pháp của Chị.

Kính đến Chị lòng biết ơn sâu sắc em gìn giữ mãi trong trái tim em trong suốt cuộc đời này

Em của Chị,.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Báo Blog

Tham khảo:

Báo xạo Fake

Tổng Thống Hoa Kỳ Thứ XLV Donald John Trump

Nghị sĩ Việt Nam Khóa Thứ XIII Hoàng Hữu Phước

Tuyệt Thực

Cô Lý Kim Hà

Cô Lại Thu Trúc

Bọn Phá Hoại Loại Tên Ngay Từ Đầu

Lỡ Cơ Hội Như Vậy Với Một Người Bạn Đức

Both comments and trackbacks are currently closed.