Đinh Thị Hồng Ánh

Hoàng Hữu Phước, MIB

24-10-2018

Thật không dễ chịu khi viết về những người thân thương của tôi dưới mái trường đại học. Đã thân thương sao lại còn “không dễ chịu”? Thật khó hiểu.

Chẳng qua cái thói của báo chí chính thống bịnh hoạn của Việt Nam là muốn bôi nhọ ai thì kiếm đại vài kẻ nào đó từng học chung hay làm việc với vị ấy để moi tin bất lợi nhất về vị này. Nhưng cái ép-phê-ngược ở đây là báo chí chính thống ấy đã không từng biết Hoàng Hữu Phước là ai, mà một khi đã không từng biết đó là đấng trong sạch thanh liêm trí dũng duy nhất ở đất nước này thì không cách chi hiểu được rằng thế gian chỉ có 4 hạng người biết về Hoàng Hữu Phước, gồm (a) những người tuyệt diệu tốt lành luôn khẳng khái ra mặt thán phục Hoàng Hữu Phước; (b) những người tuyệt diệu tốt lành thán phục Hoàng Hữu Phước nhưng không muốn công khai với bên thứ ba bất kỳ; (c) có học chung hoặc công tác chung hoặc cả hai với Hoàng Hữu Phước nhưng ganh ghét Hoàng Hữu Phước vì không sao vói lên bằng Hoàng Hữu Phước trong việc học, cứ hễ si mê nữ sinh nào là nữ sinh ấy lại quay sang yêu thương Hoàng Hữu Phước, hoặc từng bị Hoàng Hữu Phước mắng thẳng vào mặt là ngu đần, hoặc cả ba; và (d) có học chung hoặc công tác chung hoặc cả hai với Hoàng Hữu Phước và cũng chẳng ganh ghét Hoàng Hữu Phước do bản thân vừa sống triết nhân vừa có đạo đức tu hành lánh xa sắc giới hỷ nộ ái ố bi lạc dục nên chẳng biết gì về Hoàng Hữu Phước cả, trừ mỗi cái tên họ Hoàng Hữu Phước.  Mà nhà báo muốn moi tin bất lợi để sử dụng mặt trận tỷ đô đầu tư của Đảng phục vụ mưu đồ đen tối cá nhân, thì cách chi mà moi tin được từ nhóm a gồm những người chỉ biết tán dương công đức tài năng Hoàng Hữu Phước, nhóm b gồm những nhà thông tuệ muốn bảo vệ Hoàng Hữu Phước xa khỏi bọn báo chí rác rưởi, nhóm d gồm những bậc đại đạt nhân không quen méo miệng bẻ cong ngòi bút; nên chỉ có thể móc miệng lôi nước dãi từ nhóm c mà cứ đụng vô nhóm này thì bó buộc dẫn đến ba phạm trù gồm (i) buộc Hoàng Hữu Phước tung bửu bối nhận được từ thầy cô và bạn hữu mà không bất kỳ một chính khách, nhà chính trị, nhà trí thức, đảng viên cao cấp nào có thể có được tương tự; (ii) buộc Hoàng Hữu Phước tung các bí mật để khóa mồm báo chí, chẳng hạn bí mật về việc được mời vào ngành an ninh tình báo để vặn họng bọn viết láo rằng Hoàng Hữu Phước đã bị “lưu ban” vì học “dỡ òm”; và (iii) một khi Hoàng Hữu Phước đã mắng báo chí chính thống Việt Nam là Fake News thì chỉ còn một cách duy nhất để Hoàng Hữu Phước gỡ bỏ cái tên đó là báo chí phải vừa đăng sự thật về việc cả Nghị Trường Quốc Hội Khóa XIII vỗ tay vang rền ngay sau khi nghị sĩ Hoàng Hữu Phước phát biểu xong về đại cuộc ngăn chặn Luật Biểu Tình và vừa đăng xin lỗi chính thức trên báo chí rằng báo chí đã sai khi xách động ném đá nghị sĩ Hoàng Hữu Phước vì đã dám là nghị sĩ đầu tiên của Quốc Hội Việt Nam được vỗ tay tán thưởng khi chống lại một chủ trương của Đảng và Chính Phủ trong dự án Luật Biểu Tình.

Mà cũng tại bị vì bởi bọn báo chí Fake News Mỹ vừa dấu nhẹm tất cả các điều vĩ đại của Tổng Thống Donald Trump, vừa chế tạo ra tin xạo về những điều xấu xa của tổng thống ấy, khiến tổng thống ta phải luôn tự mình nhắc về những công trạng của mình.

Tương tự, Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước để chống lại Fake News Việt buộc phải luôn tự mình nhắc về những công trạng của chính mình; và vì vậy mà có cái sự ‘không dễ chút nào” mỗi khi viết về nhũng người thân quen thuộc nhóm ab kể trên,mà bài về Đinh Thị Hồng Ánh như dưới đây không phải là một ngoại lệ.

Bức ảnh dưới đây được chụp tại chân cột cờ giữa sân trường Đại Học Văn Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh (Faculty of Letters) vào thời điểm Đại Học Văn Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh sắp sáp nhập vào Đại Học Khoa Học Thành Phố Hồ Chí Minh (Faculty of Science) để hình thành Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh  (University of Hochiminh City). Bức ảnh gồm năm người bốn nam một nữ mà từ trái qua phải gồm Nguyễn Đình Tuân, NĐS, ĐXM, Đinh Thị Hồng Ánh, và Hoàng Hữu Phước – mà vì lý do riêng xin không để nguyên hình có Tuân, M và S.  NĐS, ĐXM, và Hoàng Hữu Phước thuộc Nhóm Don Juans. Đinh Thị Hồng Ánh học chung lớp với Don Juans. Như luôn được lập đi lập lại trong nhiều bài viết trước bài viết này, thời điểm của bức ảnh chụp sau khi Hoàng Hữu Phước bị Chi Bộ Đảng Ngữ Văn Việt Nam vu cáo phản động, phải bị đình chỉ học tập vào thời điểm đang thi Học Kỳ 2 Năm Thứ III, khiến khi Chi Bộ lòi đuôi khỉ đỏ đít thì Hoàng Hữu Phước phải chờ lớp của Nguyễn Đình Tuân lên năm III, học đến Học Kỳ 2, thì mới có thể bước vào thi chung. Cũng từng được nhắc lại như vậy, hai thành viên còn lại của Don Juans cũng vì đại nghĩa mà bỏ thi để cùng tụ hội với Hoàng Hữu Phước tại lớp của Nguyễn Đình Tuân. Và bức ảnh cho thấy Đinh Thị Hồng Ánh cứ mỗi lúc ra chơi đều rất hồn nhiên và minh bạch tìm đến với nhóm Don Juans tức những bạn học cũ của mình và là những vị mà mình kính trọng để trò chuyện vui vẻ ngay giữa sân trường.

DTHA

Là người lúc học lớp 12 ở Sài Gòn trước 1975, tôi có thói quen đêm đêm lén bắt đài phát thanh của “Việt Cộng” để đánh giá tình hình chung. Phải đánh giá tìm hiểu đâu là sự thật, vì tôi là học sinh duy nhất của chế độ Việt Nam Cộng Hòa biết rõ là tin tức trên báo giấy, báo hình, và báo âm thanh của Việt Nam Cộng Hòa toàn láo toét khi nói về chiến sự. Báo giấybáo âm thanh tối nào cũng ra rả đưa tin trong mấy cuộc tấn công trong ngày thì binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đánh cho “Việt Cộng” tơi bời tan nát phải tháo chạy bỏ lại chiến trường hàng trăm xác “Cộng Quân” mà nếu tin vào những lời tin xạo ấy mà Tổng Thống Donald Trump 50 năm sau này đặt tên tiếng Anh là Fake News thì chỉ cần 3 năm thôi Cộng Sản có cả triệu binh sĩ hy sinh chẳng còn đến một người lính, cách chi mà chiến tranh kéo dài đến thế. Còn báo hình thì tất nhiên do phóng viên chiến trường dày dạn quay khi xông pha lửa đạn, nhưng sao lại hoàn toàn phản khoa học, hoàn toàn ngu đần khi phóng viên chắc chắn đã chạy lên xa phía trước mặt quân Cộng Hòa, chọn chỗ thoáng đãng tốt đẹp đưa lưng mình về phía đạn AK của “Cộng Quân” tức đưa mặt mình về phía đạn M16 của Chiến Sĩ Cộng Hòa , đặt máy quay phim hướng về phía đạn M16 của Chiến Sĩ Cộng Hòa, quay cảnh xác “Cộng Quân” mặc quần tà lỏn nằm la liệt, còn các Chiến Sĩ Cộng Hòa xông lên vừa chạy vừa cười vui vẻ vừa khom mình lượm giằng tịch thu súng AK chiến lợi phẩm từ tay các xác “Cộng Quân”, cứ như thể phóng viên chiến trường có bùa Mỹ nên cứ cắm đầu chạy phía trước họng súng các tiểu đoàn quân Cộng Hòa, có quay lưng lại Cộng Hòa thì đạn Mỹ từ phía sau sẽ tự động né tránh không phập vào ót vào lưng trong khi đạn Nga Tàu từ phía trước sẽ sợ hãi Cộng Hòa mà tự động né tránh không phập vào trán vậy; và khi đã chạy quá xa lên phía trước rồi thì có đứng lại, quay lưng về phía “Cộng Quân” và đưa mặt về phía Cộng Hòa thì đạn Mỹ và đạn Nga/Tàu cũng cứ thế mà né anh phóng viên chiến trường ấy. Chính vì lén nghe tin “Việt Cộng”, tôi dần có cảm nhận rằng giọng người nữ phát thanh viên miền Bắc sao mà chua lè chua lét cay xé cay nồng rổn ra rỏn rảng đến thế, không giống giọng Bắc dễ thương của các cô gái thuộc gia đình người Bắc “di cư” ở Sài Gòn chút nào. Khi ngày 30-4-1975 đến, thời gian sau đó vẫn càng củng cố cái kinh nghiệm nơi tôi về giọng nữ Miền Bắc mà tôi đã có từ dạo lén nghe ấy.

Lớp Anh Văn tại đại học của tôi năm 1976 ấy có hai nữ sinh từ Miền Bắc được cử vào học chung. Một cô cao gầy,   đằng đằng sát khí, mà tôi xin được dấu tên. Còn cô kia là Đinh Thị Hồng Ánh.

Với hiểu biết rằng trong chiến tranh, Miền Bắc áp dụng chế độ học 9 Năm (nghĩa là chỉ cần học xong lớp 9 Trung học là học sinh vào hệ Đại học) trong khi Miền Nam áp dụng chế độ học 12 năm (gồm 5 năm Tiểu Học và 7 năm Trung học, tức phải học xong lớp 12 mới thi Tú Tài rồi thi Đại Học), hầu như các sinh viên gốc Sài Gòn đều khó thấy dành cho hai cô gái ấy sự chào đón. Chưa kể, trước sự thật là đã có vài sinh viên Miền Nam thi đỗ vào khoa Việt Văn hoặc Sử nhưng do có quá trình “tham gia cách mạng” hoặc “gia đình cách mạng nằm vùng” nên bị bắt buộc phải vào học Ban Anh Văn do (a) lãnh đạo cách mạng rất duy ý chí, cho rằng khó như đánh thắng Mỹ Ngụy mà còn thắng được huống hồ thắng cái môn học tiếng Anh, và (b) nhu cầu phải có người của cách mạng theo dõi sát quản lý sát những sinh viên Sài Gòn học cái thứ tiếng của tư bản mà lãnh đạo không hiểu gì cả, nên tôi thấy đa số sinh viên có thành kiến, thường mặc định rằng hai cô gái ấy không thể giỏi hoặc không biết gì về tiếng Anh, rằng hai cô gái ấy ắt là con cháu cán bộ lãnh đạo cấp cao được cử vào học để sau này nắm quyền các cơ quan trọng yếu ở Miền Nam, và rằng hai cô gái ấy đương nhiên sẽ cậy nhờ sinh viên Sài Gòn chung lớp làm bài giúp.

Tất nhiên, tôi là ai chứ? Hoàng Hữu Phước đấy. Do đó, tôi đã là một thực thể đặc thù, đặc biệt, độc lập, tự chủ, và đầy cá tính. Những nhận xét và thiện cảm tôi dành cho Đinh Thị Hồng Ánh không như sự ban ơn từ sự hào phóng rộng lượng vốn có thiên bẩm nơi tôi, mà tất cả vì Đinh Thị Hồng Ánh tự thân xứng đáng có được như một lẽ đương nhiên.

Nếu so đo cái gọi là “hệ 9 năm” với “hệ 12 năm” thì ắt Hồng Ánh thua tôi 4 tuổi. Thế nhưng, nếu suốt từ lúc ra trường đến nay tôi luôn gọi tất cả các nữ nhân viên là “cô” và xưng “tôi” để chứng tỏ sự đoan-chính-có-hàng-rào-ngăn-cách của bản thân, thì suốt thời gian quen biết Hồng Ánh, tôi chưa từng gọi Ánh là “em”, chưa từng xưng “anh” với Ánh, mặc cho Ánh gọi tôi là “anh” và xưng “em”. Tất nhiên, tôi dùng chữ “tôi” khi nói chuyện với Ánh, và gọi Ánh bằng tên của Ánh.

Chưa bao giờ khen tặng Ánh dù chỉ một lời, tôi lại thường trò chuyện với nhóm Don Juan cùng Nguyễn Đình Tuân về những gì tôi nhận ra nơi Hồng Ánh. Đó là một cô gái lạ thường, sinh trưởng ở Miền Bắc nhưng giọng nói nhẹ nhàng, dáng đi thướt tha yểu điệu như thục nữ quý tộc Miền Nam, chưa kể lại là hiện thân cụ thể minh họa cho một số từ ngữ tiếng Việt mà nếu không có Hồng Ánh thì tôi sẽ không rõ ý nghĩa cụ thể sẽ như thế nào, như: cười khúc khíchcười bẽn lẽn. Còn những nét đẹp khác như nghiêm trang, nghiêm túc, nghiêm nghị, thùy mỵ, đoan trang, thì Hồng Ánh sở hữu y như nhiều cô gái khuôn mẫu nữ nhi Sài Gòn trước 1975 hằng mơ ước và tự luyện rèn để có được.

Cũng cần nói rõ ở đây là dù tất nhiên Hồng Ánh không là sinh viên xuất sắc về tiếng Anh, Hồng Ánh chưa bao giờ cầu cứu hay nhờ vã tôi làm bài giúp. Chỉ khi tôi phải chịu mất một năm học và vào lớp Nguyễn Đình Tuân, Hồng Ánh mới hay đến thăm tôi khi thấy tôi ngồi chờ thời gian trôi qua ở cột cờ giữa sân trường. Lòng tốt của Hồng Ánh khi tự tin đến ngồi với tôi, ban tặng cho tôi nụ cười bẽn lẽn của Ánh và tiếng cười khúc khích của Ánh mỗi khi tôi tấu xong một câu hài chọc cười Ánh, đã cho tôi thứ cảm nhận không chỉ là thấy mình được động viên, được an ủi, mà chính là sự công nhận rằng tôi là người tốt, người giỏi, mà Ánh kính trọng hơn cả, cứ như lời tuyên chiến thách thức đám đông gian giảo đang tì người vào các lan can lầu nhìn xuống mục tiêu lồ lộ công khai hai mái tóc…dài giữa sân trường. Cần nói thêm rằng để phản kháng sự bất công của lãnh đạo khi chỉ đơn giản tuyên bố các cáo buộc tôi là vô căn cứ mà không hề trừng phạt Chi Bộ Ngữ Văn Việt Nam, tôi quyết định không hớt tóc, chẳng cạo râu, trong suốt thời gian còn lại của tôi ở Đại Học Tổng Hợp, tức kể từ lúc bước vào lớp Nguyễn Đình Tuân để thi Học Kỳ 2 Năm Thứ III cho đến khi tốt nghiệp. Chính trong thời gian tôi trở thành nam sinh viên có mái tóc dài nhất Việt Nam, tôi nhận được thật nhiều những thông cảm, ủng hộ, thiện cảm của những người thật tốt đẹp, trong đó có Đinh Thị Hồng Ánh, cô gái “Bắc Kỳ” xinh đẹp quý phái trong trắng thanh cao hơn cả thiên thần.

Viết về Đinh Thị Hồng Ánh, tôi duy trì mạch bài về những người mà tình cảm của họ tôi phải thọ ơn. Và nếu câu an ủi của Ánh khi nghe tôi ngậm ngùi tự ví von mình như hòn đá nhỏ vô dụng lăn rơi mất hút dưới vực sâu unnoticed (chẳng có ai biết đến), rằng “Anh Phước cứ nói thế! Anh đang hài phải không? Hihihi. Ngọc quý thì luôn hiếm. Ngọc mà đầy đường thì ngay cả Ánh cũng chẳng thèm nhặt. Còn ngọc như anh mà có rơi xuống vực cũng có khối người notice nhảy xuống nhặt lên ấy chứ dại gì không nhặt. Toàn là nữ đấy Hi hi hi. Và dù chẳng được ai tìm thấy thì ngọc vẫn là ngọc. Anh lì xì cho Ánh đi thì Ánh sẽ kể tên những ai trong lớp Ánh, những ai trong lớp mới của anh, và những ai trong lớp Khoa khác quý mến anh còn hơn cả ngọc đấy. Hi hi hi.” đã làm tôi trở thành một triết nhân khi tôi nhại lời của Khuất Nguyên (“Cả đời đục cả, chỉ mình ta trong sạch”) để gào lên (tất nhiên chỉ trong giấc ngủ thôi) rằng “Cả đời đục cả, chỉ mình ta mới có bao người trong sạch ở quanh mình”.

Bao người trong sạch ấy đã cho tôi diễm phúc được họ trực tiếp hay gián tiếp công nhận sự trong sạch và năng lực của tôi từ lúc bước chân vào Đại Học Văn Khoa cho đến ngày nay, như các thầy/cô Lê Văn Diệm, Vũ Thị Thu, Trương Tuyết Anh, Nguyễn Tiến Hùng; các bạn “lớp Ánh” như Hồng Thị Lan, Đinh Thị Hồng Ánh, v.v.; các bạn “lớp mới” như Nguyễn Đình Tuân, Vũ Thị Liên; các bạn “lớp Khoa khác” như Lâm Mỵ Tiên, Ngô Thị Phương Thiện, v.v.; kể cả các người lạ như Trưởng Phòng Tổ Chức Cán Bộ Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh Lê Văn Toan (vì đã cố chiêu mộ sinh viên tóc dài khủng khiếp vào ngành An Ninh Tình Báo bất kể quá khứ anh ta từng bị Chi Bộ Đảng vu cho tội phản động phải bị đình chỉ học tập hết một học kỳ) và một người phái nữ ẩn danh của Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh đã kiên trì xin đến ba lần cho bằng được mỗi một Hoàng Hữu Phước về giảng dạy cho trường, v.v.

Đinh Thị Hồng Ánh thân mến:

Bài viết này dành cảm ơn Hồng Ánh thật nhiều. Mong sao được bạn đọc đến để biết tôi đã quý bạn biết bao và biết ơn bạn đến dường nào trong cuộc đời này. Viết về bạn, tôi nghĩ ít ra có thể đem lại cho bạn dịp để bạn vừa đọc vừa cười khúc khích và bẽn lẽn để các con và các cháu của bạn được thực tế nhận ra từ ngữ tiếng Việt của ta đẹp biết bao với nét chấm phá mỹ từ của tượng thanh, tượng hình qua nụ cười hihihi của bạn.

Mến chúc bạn và gia đình luôn được an vui, hạnh phúc, Hồng Ánh nhé.

Luôn biết ơn bạn với lòng trân trọng,

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế.

Giải Thích:

Từ “Cộng Quân” và “Việt Cộng” hoàn toàn là từ lóng mang ý miệt thị do Việt Nam Cộng Hòa chế ra để gọi các chiến sĩ giải phóng quân bất kể từ quân đội chính quy từ Miền Bắc thâm nhập vào Miền Nam hay lực lượng du kích ở Miền Nam. Vì vậy, tác giả bài viết này phải dùng các từ trên giữa hai dấu ngoặc kép. (Tương tự, “Cờ Hoa” là tiếng lóng miệt thị Hoa Kỳ do các nhà báo thân Cộng và đối lập với Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chế ra. Hoàng Hữu Phước đã luôn khẳng định rằng việc báo chí giấy/hình/tiếng/mạng dùng “Cờ Hoa” trong “xứ sở Cờ Hoa” là hoàn toàn sai, hoàn toàn kệch cỡm, hoàn toàn thiếu giáo dục khi công khai sử dụng tiếng lóng slang để thành một từ chính thức gọi một quốc gia.

Tham khảo:

Những Người Khẳng Khái Tuyệt Diệu Tốt Lành

Bôi Nhọ

Thế Nào Là University

Nguyễn Đình Tuân

Thầy Lê Văn Diệm

Cô Trương Tuyết Anh

Cô Vũ Thị Thu

Thầy Nguyễn Tiến Hùng

Xiếu Mẫu Hồng Thị Lan

Vũ Thị Liên

Lâm Mỵ Tiên

Cô Ngô Thị Phương Thiện

Lê Văn Toan

Cụm bài về Biểu Tình:

Phát biểu ứng khẩu của Hoàng Hữu Phước, Đại biểu TP Hồ Chí Minh, về Luật Biểu Tình  05-6-2013

Biểu Tình và Ô Danh  20-5-2014

Luật Biểu Tình 26-5-2014

Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về “Luật Biểu Tình”  Bài 1: Vấn Đề Ngữ Nguyên.  02-4-2015

Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Nói Về “Luật Biểu Tình”  Bài 2: Vấn Đề Pháp Luật.  14-4-2015

Phải Có Luật Biểu Tình  18-8-2016

Nghị Sĩ Hoàng Hữu Phước Đã Ngăn Chặn Thành Công Một Cuộc “Biểu Tình” Ngay Từ Trong Trứng Nước  10-3-2018

Both comments and trackbacks are currently closed.