Hoàng Hữu Phước và Cô Ngô Thị Phương Thiện

Hoàng Hữu Phước, MIB

21-5 2015

Wordpress Ngô Thị Phương Thiện

Trong nhiều trang blog khác nhau của rất rất nhiều năm qua, tôi có các bài viết về  các thầy cô của tôi như Thầy Nguyễn Quang Tô, Cô Trương Tuyết Anh, Thầy Lê Văn Diệm, và  Cô Vũ Thị Thu, đồng thời có nhắc đến Cô Nguyễn Thị Dần và Thầy Nguyễn Tiến Hùng như những bậc thầy cô tài cao đức trọng mà nhờ ơn sâu nghĩa nặng của các thầy cô này mà tôi có thể không những đạt được trình độ chuyên môn cao nhất mà không bất kỳ người học trò nào có thể sánh được, mà lại còn hình thành nhân cách, phong cách, tư cách học được từ những thầy cô tài cao đức trọng ấy, khiến luôn thể hiện công khai cụ thể nhất quán  nơi chính tôi đồng thời của cả năng lực vượt trội trong tác nghiệp chuyên nghiệp và nhân cách, phong cách, tư cách trong đời sống cùng bất kỳ góc cạnh nào của đời sống ấy.

Đồng thời, qua các bài viết khác, độc giả cũng đọc thấy sự miệt thị nguyền rủa của tôi dành cho những thầy cô khác như Thầy Nguyễn Văn Xiêm và Cô Phạm Thị Ngọc Hoa cũng của Khoa Anh Văn Đại Học Văn Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh.

Tất cả chỉ để khẳng định một điều: tôi không mù quáng cực đoan xằng bậy kiểu Việt của “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”, vì rằng

(a) tất cả các nghề nghiệp đều có giá trị nhất định đối với đời sống xã hội và do đó nhất thiết phải cùng được tôn trọng ngang nhau, rằng

(b) tôi thể hiện nghiêm túc nhất thái độ khinh miệt đối với đám người hoặc chễm chệ ngôi cao hoặc được thiên hạ xúm lại tôn vinh theo xã quy tức quy định của xã hội nhưng không có cái chuẫn mực “tài đức vẹn toàn” của bậc kỳ tài mà người ta hay gọi là nhân tài vốn đầy nhóc đến độ thất nghiệp hà rầm ở Việt Nam như lá mùa Thu, và rằng

(c) chính sự khinh miệt thóa mạ tôi dành cho đám lá răn reo tàn úa mùa Thu chất đống hơn núi rác ấy là hành động đoan chính nhất để bày tỏ sự tôn kính cao vời nhất dành cho những bậc thầy cô “tài đức vẹn toàn” xưa nay hiếm như bảo ngọc bảo bối của quốc gia.

Thế nên, tôi dẫn giải dài dòng ở trên để muốn khẳng định rằng những gì tôi viết về Cô Ngô Thị Phương Thiện như dưới đây là từ đạo lý “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy” có chọn lọc cực cao bất di bất dịch và hiệu quả cao cụ thể trọn đời của Hoàng Hữu Phước chứ không bao giờ là cái “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy” quái gở cực đoan xằng bậy chót lưỡi đầu môi của thiên hạ nhưng chẳng dính dáng gì đến bất kỳ ai trong chính cái thiên hạ ấy dù chỉ một giây trong cuộc đời họ.

Cô Ngô Thị Phương Thiện là ái nữ của nhân vật lừng danh thế giới thời đại đấu tranh dân chủ căng thẳng của Việt Nam Cộng Hòa: Bà Luật Sư Ngô Bá Thành.

Năm 1976 có hai đợt thi tuyển vào Đại Học Văn Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh (năm 1978 sáp nhập với Đại Học Khoa Học Thành Phố Hồ Chí Minh thành Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh) và tôi đỗ vào Khoa Anh Văn đợt thi thứ nhì. Dù chỉ học trong hai hoặc ba tháng, lớp năm thứ nhất của đợt thi đầu lập tức được nâng lên thành năm thứ nhì ngay khi tân sinh viên thi đỗ đợt thứ nhì nhập học nhận cái danh xưng năm thứ nhất do năm thứ nhất kia để lại. Đây là lý do dù có những nữ sinh viên tốt nghiệp Anh Văn và Pháp Văn của Đại Học Văn Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh nhận phân công về dạy tại Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh trước tôi một năm học, tôi cũng không vì họ bằng tuổi với tôi mà không kính cẩn gọi họ là “Chị” khi trò chuyện bằng tiếng Việt để tỏ sự kính trọng của tôi theo đạo lý tôn ti trật tự trước-sau ở Đại Học Văn Khoa dù họ học “trước” tôi chỉ có hai tháng. Ngay cả vợ của tôi cũng đồng ý với tôi là các “chị” này rất đẹp, đặc biệt đẹp một cách quý phái sang trọng chẳng hạn như “chị” Cao Tuyết Khanh của Khoa Anh và “chị” Nguyễn Thị Lan Hương của Khoa Pháp, và cũng đặc biệt lạ lùng ở chỗ các “chị” người đẹp mặt hoa da phấn này đều là gốc Bắc “di cư”, đều là dân Công Giáo, và đều rất trẻ trung, chân chất, thậm chí ánh mắt các “chị” rất ư là ngây thơ trong sáng tựa thiên thần như toát ra từ bản chất và con tim thánh thiện. Tuy nhiên, điều quái lạ là tại Đại Học Văn Khoa tôi chưa từng biết đến các “chị” trước khi tôi về dạy ở Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh cùng các “chị”. Có lẽ vì tôi luôn lọt thỏm giữa hai đám đông đặc nghẹt bát nháo của các “fan” nữ hâm mộ và các “anti-fan” nam hăm đục nên chẳng thể nhìn thấy bầu trời xanh cao đẹp đầy những thiên thần chăng.

Thế nhưng, tôi lại biết “Cô” Ngô Thị Phương Thiện ngay từ khi còn dưới mái trường Đại Học Văn Khoa/Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh. Không biết Cô sao được khi

a) “Cô” Ngô Thị Phương Thiện xuất thân quá nổi bật nên nhiều sinh viên thường to nhỏ về “cô” mà tôi thì thị lực yếu chứ thính lực rất xuất sắc nên không thể không nghe các thì thầm thì thào ấy;

b) “Cô” Ngô Thị Phương Thiện nổi bật – được tôi ví như “Thần Vệ Nữ” – vì “cô” xinh đẹp với dáng người đầy đặn khỏe mạnh như người Âu Tây, đi đứng nhanh nhẹn bất kể khi “cô” tung tăng trong sân trường với quần jean bạc màu hay áo đầm dài sậm màu, khuôn trung tươi tỉnh, mắt sáng, gần gũi, thân tình, với tốc độ âm thanh nhanh hơn tốc độ ánh sáng – vì tiếng cười trong trẻo và giọng nói tíu ta tíu tít liếng thoắng của “cô” luôn được nghe thấy trước khi bóng dáng “cô” xuất hiện;

c) “Cô” Ngô Thị Phương Thiện thường vào lớp tôi dự giờ Văn Chương Anh và Văn Minh Anh của Cô Trương Tuyết Anh – mà sau này chúng tôi mói biết “cô” là sinh viên xuất sắc lớp “trên”, truyền nhân của Cô Trương Tuyết Anh về Văn Chương & Văn Minh Anh, như tôi là truyền nhân của Thầy Lê Văn Diệm về Văn Chương Mỹ & Luận Văn vậy – và tương lai của “cô” sẽ là: được giữ lại trường để phụ trách bộ môn mà tôi giỏi nhất là Văn Chương Anh và Văn Minh Anh, mà trong lớp thì tôi ngồi bàn áp chót – dành cho lãnh đạo lớp – còn bàn chót luôn dành cho sinh viên đi trễ hoặc người vào dự giờ.

Có lẽ như một lẽ thường tình của tình cảm con người khi những người tốt thường  có khuynh hướng dành sự mến thương cho những em bé ngoan hiền học giỏi xinh xắn và lễ độ, trong khi những em bé ấy dù như thiên thần vẫn bị những kẻ ác tâm nguyền rủa, gây hại, xâm hại, thậm chí ra tay sát hại vùi thây. “Cô” Ngô Thị Phương Thiện đã dành cho tôi sự quan tâm rất bất ngờ – cứ như thể tôi chính là em bé thiên thần ngoan hiền học giỏi xinh xắn và lễ độ cần được bảo vệ ấy – khi một hôm “cô” gặp riêng tôi và đề nghị tôi hãy cùng “cô” rèn luyện nâng cao năng lực khẩu ngữ tiếng Anh. Tất nhiên, “cô” nói tiếng Anh, và tôi cũng đáp lại bằng tiếng Anh, nên cho đến ngày nay “cô” chưa bao giờ nghe tôi dù chỉ một lần gọi “cô” là “Cô” hay là “Chị” và tự xưng hô ra sao với “cô” bằng tiếng Việt – tức bằng đại từ ngôi thứ nhất “tôi” hay “em” – cả. Dĩ nhiên, như đã nêu ở trên về sự việc “một năm 1976 có tới hai kỳ tuyển sinh Khoa Anh Văn”, tôi không rõ có bằng tuổi với “Cô” Ngô Thị Phương Thiện hay không. Nhưng từ đó tôi luôn nghĩ bằng tiếng Việt rằng “cô” là “Cô” vì nhờ “Cô” mà tôi đã được luyện rèn sắc bén hơn về hùng biện tiếng Anh với một nhân vật tài năng kiệt xuất “con nhà nòi” Âu Mỹ.

Thế là mỗi buổi chiều tà khi sân trường hoàn toàn vắng lặng, “cô” và tôi đến “giảng đường mới” (thủa ấy còn được gọi là “hội trường mới”) đem hai chiếc ghế ra hành lang trước cửa hội trường rồi ngồi trò chuyện tranh luận bằng tiếng Anh theo một đề tài do “cô” tự đề ra kiểu ứng khẩu (hoặc bất ngờ nhưng về để tài văn học trong chương trình mà Cô Trương Tuyết Anh đã hay sắp giảng) để tôi không thể chuẩn bị trước được gì cả vì như thế mới đúng yêu cầu cao nhất của hùng biện. Thỉnh thoảng nhân viên bảo vệ đi qua đi lại với ánh nhìn đầy xét nét nhưng riết rồi họ cũng quen với cảnh hai sinh viên ngày nào cũng “học nhóm” trong tiếng muỗi vo ve và dưới vằng vặc ánh trăng sao. “Cô” Ngô Thị Phương Thiện nói tiếng Anh líu lo lưu loát rất điệu đàng luyến láy như đang nói tiếng Pháp giọng Pháp, trong khi tôi thì nói tiếng Anh trầm ấm trọn vành rõ chữ như đang nói tiếng…Anh giọng Anh; và mỗi ngày “đấu khẩu” như thế thường trong hai giờ đồng hồ từ 17g30 cho đến 19g30 đã cho chúng tôi sự hứng thú vui vẻ và hiệu quả trong phát triển khẩu ngữ hùng biện cho các đề tài hàn lâm.

Khi những người bạn tốt của tôi nghe chuyện, họ tất nhiên cho tôi hay về những đàm tiếu này nọ xung quanh sự việc “đôi nam nữ” sinh viên nổi bật nhất trường chiều tối nào cũng công khai nói chuyện riêng thật bí mật vì không nói bằng tiếng Việt mà cũng chẳng có ai ở quanh đó để biết đôi nam nữ ấy nói tiếng Anh về những gì, có sai phạm “tư tưởng chính trị” không, có “lãng mạn tiểu tư sản” không.

Là một cô gái theo Tây học ở trời Âu, thuộc một gia đình danh tiếng về chính trị, “Cô” Ngô Thị Phương Thiện cực kỳ tự tin, chẳng màng đến các đàm tiếu này nọ có thể vì (a) “cô” không màng đến rác rưởi, (b) “cô” tập trung vào mục đích phải đạt được trong nâng cao và hoàn thiện khẩu ngữ tiếng Anh của “cô” trong một môi trường mà sinh viên có-thể-giỏi thì ngậm chặt miệng không nói gì cả do sợ ăn nói lỡ trật đường lối sẽ bị tống cổ ra khỏi trường còn sinh viên rõ-ràng-kém-cỏi nhưng nói láp giáp lung tung thì chỉ có ngu khùng mới trò chuyện với họ vì cách chi mà học luyện được gì với họ, và trong hoàn cảnh như thế thì tôi ắt là một lựa chọn khả dĩ không-đến-nỗi-nào tức “not so bad” đối với  “cô”, (c) “cô” tự tin tuyệt đối vào sự đoan chính của chính “cô”, và tất nhiên (d) “cô” không thể không tin tưởng cao vào sự đoan chính tương tự từ cái cậu sinh viên tên Phước mà “cô” lựa chọn ắt trên cơ sở cậu ta có năng lực đặc biệt đã khiến tất cả những kẻ ác tâm xấu xa đê tiện đều tự nhiên rớt mặt nạ chất đống khắp sân trường hơn cả lá mùa Thu.

Những người bạn tốt của tôi cũng ngỏ lời muốn tôi hãy thỏ thẻ cùng “cô” xin “cô” cho họ gia nhập “nhóm” nhưng “cô” chỉ muốn cùng tôi tập trung luyện phát triển khẩu ngữ cho cô và tôi mà thôi chứ “cô” không phải là “giáo viên dạy kèm”. Và thế là “cô” và tôi vẫn duy trì sự đối đầu đấu khẩu trực diện dưới trăng sao, và thỉnh thoảng cùng chia nhau ổ bánh mì ngọt “sừng bò” tức croissant trước khi lâm trận Long Phụng Tranh Châu mà tôi chưa bao giờ giành phần thắng trước “cô” dù chỉ một lần trong đời.

Khi Cô Trương Tuyết Anh biến mất khỏi Việt Nam, “Cô” Ngô Thị Phương Thiện không còn vào lớp của tôi để dự giờ nữa, còn “nhóm học” ở hành lang cũng không duy trì quá lâu do những chương trình thực tập của lớp tôi, của lớp “cô”, và những vấn nạn tôi gặp phải từ chủ nhân các chiếc mặt nạ vất chất đống khắp sân trường như đã thuật chi tiết trong rất rất nhiều bài trước.

Khi được một cô gái tài năng, xinh đẹp, đạo đức, thuộc dòng dõi gia đình tinh hoa trí thức danh lừng bốn bể năm châu như “Cô” Ngô Thị Phương Thiện quan tâm giúp đỡ, trong khi bao kẻ hoặc công khai hoặc bí mật bôi nhọ tôi, vu khống tôi, vu cáo tôi với bao tội tày đình, tôi như được chính sự quan tâm ấy của “cô” ban cho một khẳng định về tư cách đạo đức của tôi, một cậu sinh viên mà “Cô” Ngô Thị Phương Thiện hoặc đích thân lựa chọn theo chuẩn mực vàng nào đó của riêng “cô” hoặc biết đâu có khi vì “cô” thực hiện lời dặn dò gởi gắm nào đó của Cô Trương Tuyết Anh trước lúc vượt biên. Mỗi khi tôi noi gương Không Lộ Thiền Sư ngữa mặt hào sảng hét lên một tiếng làm lạnh cả bầu trời uất hận, những người bạn tốt của tôi luôn lập đi lập lại mỗi một câu hý hước rằng vì trời đất biết tôi là “number one” nên mới “biệt phái” họ là các thiên sứ số dzách xuống làm bạn với tôi. Thật tình thì chính những lúc xúc động nhất về những chân tình quý báu tôi nhận được như từ “Cô” Ngô Thị Phương Thiện chẳng hạn, tôi lại một cách nghiêm túc mượn ý hài hước của đám bạn địa sứ hay quỷ sứ ấy để cảm nhận sự biết ơn của bản thân mình sâu đậm đến dường nào: “Cô” Ngô Thị Phương Thiện và những người tốt đẹp như “cô” chính là lời an ủi động viên tôi vang xuống từ Trời cao.

Với công sức của “Cô” Ngô Thị Phương Thiện đã dành ra trong thời gian dài công khai tập trung rèn luyện phát triển khẩu ngữ hùng biện của tôi; và với sự thật là “cô” đã cùng với các thầy cô khác, các bạn hữu tốt của tôi, và cô sinh viên Vũ Thị Liên sau này trở thành vợ tôi trở thành những thế lực giúp khẳng định sự đoan chính và tư cách đạo đức của tôi, tôi đã tôn kính gọi “cô” là “Cô” Ngô Thị Phương Thiện, như một bậc thầy thật sự tài đức mà tôi đã thực sự thọ ơn.

Bị gạt ra khỏi danh sách giữ lại giảng dạy Khoa Anh Văn trường Đại Học Tổng Hợp, tôi rốt cuộc cũng trở thành giảng viên Văn Chương Anh và Văn Minh Anh tại Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, nghĩa là giảng dạy các bộ môn mà Cô Ngô Thị Phương Thiện phụ trách ở Đại Học “Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh”.

nhà giáo không bao giờ có ai giống, tôi cũng là người học trò không bao giờ có ai giống. Tôi tôn thờ trong tâm khảm kính yêu các thầy cô tài đức vẹn toàn, và thể hiện tuyệt đối sự tôn thờ ấy qua việc luôn luôn vừa dạy thật xuất sắc các phân môn của các thầy cô ấy, vừa kể về các thầy cô ấy cho các lớp sinh viên của tôi. Cũng vì vậy, hàng ngàn học trò của tôi biết về Thầy Nguyễn Quang Tô, Cô Trương Tuyết Anh, Thầy Lê Văn Diệm, Cô Vũ Thị Thu, Cô Nguyễn Thị Dần, Thầy Nguyễn Tiến Hùng, và “Cô” Ngô Thị Phương Thiện.

Tôi chỉ nói về các Thầy Cô trên không gian mạng sau khi bị báo chí chính thống Việt Nam và báo chí không-thể-thống hải ngoại bôi nhọ rằng tôi đã là một sinh viên không ra chi ở đại học sau khi tôi tuyên bố chống Luật Biểu Tình tại Quốc Hội Việt Nam (chứ không tại Quốc Hội Mỹ và Nghị Viện Châu Âu), thi thố tài hùng biện mà “Cô” Ngô Thị Phương Thiện giúp trui rèn để ủng hộ chế độ cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản Việt Nam (thay vì oằn oại “lương tâm, dân chủ, đa đảng, nhân quyền”), đồng thời vất sọt rác mấy thằng “ăn cháo đái bát” mà “hải ngoại chống Việt” ủng hộ (thay vì vầy đoàn nhậu nhẹt với chúng tại Hà Nội).

Và một khi đã nói về các Thầy Cô, tôi không thể không nói về “Cô” Ngô Thị Phương Thiện, người tôi xưng tụng là “thầy” vì chính là người tôi mang ơn và yêu kính đến trọn đời.

“Cô giáo” Phương Thiện ơi, lần đầu tiên dùng tiếng Việt với Cô, em xin cảm ơn Cô thật nhiều và mong Cô biết rằng em luôn nhớ đến Cô cùng công ơn của Cô. Ngày xưa rất có thể Cô đã giang tay ra vì muốn bảo vệ em, một cậu sinh viên yếu thế, còn ngày nay em đã và đang làm mọi việc để bảo vệ những người dân yếu thế và bảo vệ đất nước có quá nhiều thế yếu này, Cô ạ. Kính chúc Cô luôn an vui, khỏe mạnh, hạnh phúc. “Học trò hành lang” của Cô. Hoàng Hữu Phước.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Twitter: @HoangHuuPhuoc, @realHoangHPhuoc

LinkedIn: Phuoc Huu Hoang: https://vn.linkedin.com/in/hoanghuuphuoc

WordPress: hoanghuuphuocvietnam

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước Và Thầy Nguyễn Quang Tô  22-02-2015

Hoàng Hữu Phước Và Cô Trương Tuyết Anh  22-02-2015

Hoàng Hữu Phước Và Thầy Lê Văn Diệm  22-02-2015

Hoàng Hữu Phước Và Cô Vũ Thị Thu  07-5-2018

Hoàng Hữu Phước Và Thầy Nguyễn Tiến Hùng  26-12-2015

Hoàng Hữu Phước Và Cô Vũ Thị Liên  26-01-2018

Hoàng Hữu Phước Và Bạn Hữu  05-5-2018

Thầy Hoàng Hữu Phước   02-10-2014

Cô Vũ Thị Liên  09-12-2015

Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai  07-9-2012

Both comments and trackbacks are currently closed.