Nguyễn Đình Tuân

Hoàng Hữu Phước, MIB

12-10-2018

Vũ Thị Liên là sinh viên Ban Anh Văn tại Đại Học Văn Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh (năm 1978 sáp nhập với Đại Học Khoa Học thành Đại Học Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh) ban đầu học sau tôi một năm, rồi về sau học chung lớp với tôi vì tôi bị ông sinh viên Bí Thư Chi Bộ (cán bộ từ Miền Bắc, nhập học cùng năm 1976 với tôi, nhưng ông ta học lớp Ngữ Văn Việt Nam) vu cáo phản động phải bị đình chỉ học tập để phục vụ điều tra ngay kỳ thi Học Kỳ II năm Thứ III như đã thuật chi tiết trong một bài viết trước đây. Mặc dù phải mất một năm (tuy chỉ mất ba tuần “đình chỉ” không được thi Học kỳ II, nhưng đương nhiên phải chờ qua năm sau có lớp đàn em lên Năm III học xong Học Kỳ I rồi khi họ học gần xong Học Kỳ II thì vào nhập lớp để thi chung với họ, nên tất nhiên mất đứt một năm Dương Lịch) ngồi chơi ở quán cà phê cổng trường, và mặc cho sự thật là tôi tốt nghiệp đại học hạng trung bình (bằng cấp màu xanh) do hoàn toàn kém điểm các môn Lịch Sử Đảng, Kinh Tế Chính Trị Mác-Lênin, và Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học, tôi tự hào tự tôn tự cao tự đại có dư thừa bằng chứng không bao giờ có bất kỳ ai trên đời này có thể phản bác được rằng tôi là sinh viên kiệt xuất đầu tiên và duy nhất được Ngành An Ninh Tình Báo và trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh cùng lúc đến chen lấn tranh nhau xin tôi về. Trong khi đó, Vũ Thị Liên là sinh viên tốt nghiệp hạng giỏi (bằng cấp màu đỏ) cũng trở thành nhân vật kiệt xuất thứ nhì được Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh đến chọn lọc xin về làm cán bộ giảng dạy Anh Văn sau tôi một năm.

Tương tự, Nguyễn Đình Tuân cũng là sinh viên Ban Anh Văn tại Đại Học Văn Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh học chung niên khóa với Vũ Thị Liên, tức là học sau tôi một năm. Về sau, Tuân học chung lớp với tôi vì tôi bị vu cáo phản động phải bị đình chỉ học tập để phục vụ điều tra hết một học kỳ như đã nêu ở đoạn trên. Khi là giảng viên Anh Văn diện “biên chế” tại Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi có giới thiệu bảo lãnh Nguyễn Đình Tuân vào làm giảng viên Anh Văn diện “hợp đồng” (tức không thuộc diện “biên chế” vào thủa Việt Nam chả ai biết “hợp đồng lao động” là cái gì, vì cứ “vào biên chế” tức được Tổ Chức Chính Quyền phân công là làm việc một mạch cho tới lúc nghỉ hưu được “Nhà Nước” nuôi suốt đời) và Tuân dạy học được hai năm. Sau đó, Tuân bỏ qua công tác văn phòng tại Tổng Công Ty Thuốc Lá Vinataba Thành Phố Hồ Chí Minh trước khi cùng gia đình định cư tại Mỹ.

Nếu như Vũ Thị Liên trở thành đồng nghiệp của tôi rồi trở thành vợ của tôi khi thấy tôi bị lãnh đạo Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh trừng trị tôi do đã dám tố cáo họ gian lận thi cử tuyển sinh như đã thuật chi tiết trong một bài viết trước đây, và việc “dám làm vợ Hoàng Hữu Phước” như lời đanh thép của Vũ Thị Liên có tầm cỡ tung xích xiềng quất thẳng vào mặt “dân gian” (tức “bọn gian tà”, chứ không phải “người trên thế gian”) rằng tôi là người cao quý cao thượng cao đẹp nhất thế gian này trong lòng đấng anh thư trượng nghĩa như nàng;

Thì Nguyễn Đình Tuân cũng là tiếng vọng âm thầm của một sợi xích xiềng khác tung ra tương tự vào mặt “dân gian”.

Tuân dáng người cao gầy, nước da ngâm đen, gương mặt hốc hác, cận thị nặng như tôi – tức cỡ 7 đi-ốp.

Khi tôi được cho tiếp tục việc học sau khi các cáo buộc tôi “phản động chống Cộng, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh, lập kế hoạch giết hại bộ đội, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng” được chứng minh chỉ là sự phiên dịch đầy hỏng hóc của các vị Bí Thư và Đảng Viên Chi Bộ Ngữ Văn Việt Nam (lúc ấy chưa có Chi Bộ Ngữ Văn Nước Ngoài nên phải đặt Khoa Ngoại Ngữ dưới sự giáo dục quản lý của Chi Bộ Ngữ Văn Việt Nam) khi nhìn thấy các nguyên liệu lạ lùng lẽ ra đã tuyệt chủng tuyệt diệt tại Việt Nam Cộng Hòa từ lâu và hiếm khi được phát hiện ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng lại đã hình thành tập trung một cách dồi dào đầy ắp hun đúc tràn trề nên con người tôi bao gồm – và chỉ có bấy nhiêu đây thôi chứ không còn thêm gì khác – sự lương thiện, tính liêm khiết, chí kiêu hùng, lòng ái quốc vì nước vì dân của-bậc-hiền-tài (để phân biệt với ai đó có lòng ái quốc của-giới-quyền-lực-hoặc-giới-rắp-tâm-chiếm-quyền-lực), năng lực quản trị, tài hùng biện, trí tuệ bao trùm, năng lực ngất ngút đứng đầu thiên hạ, và tâm hướng thượng khi-mặt-trời-mọc-lúc-không-giông-bão (để phân biệt với ai đó có lòng hướng-thượng-giữa-ban-ngày-khi-mây-đen-đang-vần-vũ-tối-mù-tối-mịt-tối-thui-tối-mò-chớ-thấy-mặt-trời-ở-nơi-mô), thì cũng đã hết năm học nên tôi phải phí một năm rong chơi cuối trời quên lãng rồi mới vào lớp của Vũ Thị Liên và Nguyễn Đình Tuân để thi Học Kỳ 2 Năm Thứ Ba rồi học chung với họ trong lớp của họ.

(Cần lập lại chi tiết đã kể trong bài viết trước đây rằng khi tôi bị vu vạ phải bị đình chỉ học tập, có hai người bạn thuộc nhóm Don Juans của tôi cũng đã vì tôi mà tự động bỏ thi để rồi cùng vào học với tôi tại lớp đàn em tức lớp của Vũ Thị Liên – Nguyễn Đình Tuân.)

Với lợi thế là thành viên Nhóm Lục Súc, “Rùa” Vũ Thị Liên nhanh nhảu liếng thoắng bày tỏ lòng kính phục và ngưỡng mộ dành cho “thi bá” Tannhauser Beowulf Thor Hoàng Hữu Phước khi hội ngộ người anh quen thuộc thân thương này tại Phòng Giáo Viên Ban Anh Văn Trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh.

Không có lợi thế là thành viên bất cứ nhóm nào, Nguyễn Đình Tuân với tính trầm lặng trầm mặc đã bày tỏ sự thông hiểu hoàn cảnh “hiền tài gặp nạn oan” theo một cách khác ngay từ khi thấy “văn vương” Tannhauser Beowulf Thor Hoàng Hữu Phước xuống học chung lớp với mình.

Trong một tập thể lớp đàn em đầy nhóc những sinh viên mà tôi không muốn trở thành bạn học với, tôi chỉ nói chuyện vui vẻ với Nhóm Lục Súc (gồm Vũ Thị Liên tức Rùa, Mai Thị Hoài Châu tức Châu-Ngố , Nguyễn Thị Kiều Liên tức Ba-Ba, Nguyễn Thị Hồng Hoa tức Hoa-Lùn, Cao Thị Hồng Nhung tức Nhung-Già, và Lê Thị Ngọc Ánh tức Ánh-Ngố – hiện ngoài RùaChâu-Ngố thì tất cả đã định cư ở nước ngoài), lớp trưởng Nguyễn Huỳnh Đạt (cán bộ Đoàn, tức Đạt-Già vì tóc bạc phơ, rất thán phục “đàn anh” Hoàng Hữu Phước), và Nguyễn Đình Tuân.

Nếu như trong Nhóm Don Juans tôi là người ít nói – tôi chỉ thích nói chuyện với phái nữ và tôi rất bất công do đặc biệt thiên vị phái nữ: ở nhà thì chăm sóc các em gái từng li từng tí một, ở trường lớp hoặc cơ quan thì chăm sóc bảo vệ bạn gái/nữ nhân viên từng li từng tí một – thì mỗi khi ngồi tụ tập trước cỏng trường có sự tham gia của Nguyễn Đình Tuân, tôi nhận thấy Tuân cũng là người ít nói. Phần lớn thời gian nhâm nhi ly cà phê đắng nghét có chất lượng khả nghi, Tuân lắng nghe là chính, thỉnh thoảng đóng góp một tiếng cười ủng hộ lời tiếu lâm hào sảng của một Don Juan nào đó. Tuân không dấu diếm sự đánh giá cao trình độ tiếng Anh của tôi, cá tính hào hùng của tôi, và tình bạn đầy nghĩa dũng của hai người bạn đã vì tôi mà tình nguyện bỏ thi để cùng vào học với tôi ở lớp “đàn em”. Song, điều đặc biệt của Tuân mà tôi kính trọng Tuân nhất lại là ở chỗ chưa bao giờ Tuân cầu cứu tôi giúp Tuân về tiếng Anh, mặc cho thực tế là luôn có nhiều sinh viên lớp của Tuân không thân tình gì với tôi cả nhưng không chút ngại ngùng ngỏ lời nhờ tôi cứu nguy bài luận văn tiếng Anh. Mà tôi thì khoái trổ tài do có danh “Vua Luận”, nên có hôm thi viết một bài luận tiếng Anh tại lớp trong 3 giờ, tôi thảo nháp xong 4 bài hoàn toàn khác nhau chuyền tuần tự cho 4 người chép lại vào giấy thi của họ rồi tôi mới bắt đầu viết một bài khác cho bản thân, với điều đương nhiên là cả 5 bài đều được điểm A.

Là người cao-ngạo-kiêu-ngạo-kiêu-căng-ngạo-mạn vì biết quá rõ mình đang có gì và đã thực sự chiếm lĩnh đỉnh cao cụ thể nào, thậm chí còn dám mắng luôn các giảng viên nào trình độ đã kém mà còn bày đặt phơi bày tư cách kém, tôi không bao giờ để lộ sự quẫn bách của gia đình mình như đã nói đến trong bài Xiếu Mẫu Hồng Thị Lan. Đến trường luôn với khuôn trung tươi tỉnh, áo quần tươm tất, tác phong trưởng thượng, cốt cách quý phái, thi thố sức vóc xông xáo, tôi chỉ khi rời trường mới tất tả ngược xuôi dạy học đầu trên xóm dưới kiếm tiền để nuôi gia đình có cha thất nghiệp, mẹ cả đời nội trợ, đàn em gái còn thơ dại, trợ cấp cho em trai du học Ngôn Ngữ Học ở Liên Xô, và chu cấp cho Ông Bà Ngoại ở Trà Ôn.

Thế nhưng, một buổi tối nọ Tuân đến nhà tôi lần đầu tiên. Ngừng chiếc xe đạp ngoài cổng, Tuân vói tay đưa tôi một phong thư qua tường rào, nói: “Cho tui gởi cái này lì xì mấy đứa em của ông. Tết tới nơi rồi”. Và Tuân phóng xe bỏ đi. Đó là một xấp tiền dày cộm mà tôi chưa từng nhận được nhiều đến như thế từ các nơi dạy kèm mỗi khi nhận xong gom về đưa hết cho Má tôi. Đến tận bây giờ tôi cũng không rõ bằng cách nào Tuân biết hoàn cảnh gia đình của tôi, chắc chắn không phải một tên trong nhóm Don Juan đã lỡ lời lúc tửu hậu trà dư quây quần nào đó mà không có mặt tôi, vậy chắc Tuân hoặc tình cờ chứng kiến việc Thầy Lê Văn Diệm lén tiếp tế gạo hay bột mì cho tôi, hoặc tình cờ chứng kiến việc Hồng Thị Lan thầm lặng tiếp tế cơm cho tôi, hoặc Tuân đã đứng trong bóng tối để nhìn vào nhà tôi chăng.

Khi gặp Tuân ở trường, tôi nói hãy xem như tôi mượn Tuân số tiền lớn đó, qua Tết sẽ hoàn lại. Tuân xua tay, cho biết đó là Tuân lì xì các em tôi, chứ không phải giúp tôi hay cho tôi vay mượn gì cả, nên sẽ là quái dị nếu tôi trả lại tiền, vì trả lại nghĩa là tôi cấm các em tôi nhận lì-xì, mà cấm như thế thì tôi quá “vô duyên”, “theo Tây học nên chống đối truyền thống ông cha ta”. Thế là tôi câm hẳn, không thể nói gì. Tuân thậm chí cho biết số tiền đó chỉ là từ việc nhỏ bán một thùng nhỏ gồm chục cây kem đánh răng Colgate do chị ruột của Tuân đang tu hành ở một ngôi chùa lớn tại California từ trước 1975 gởi về tiếp tế. Mà chị ni cô ấy tiếp tế thường xuyên, tiếp tế cho từng người trong gia đình, nên Tuân chỉ xài những thùng nào thuộc phần của Tuân chứ nào có phạm đến thùng của cha mẹ hay các em, và do đó tôi hãy yên tâm rằng Tuân không có…chôm chỉa của ai cả. “Tiền trong sạch mà!” Tuân vừa nói vừa xỉa ngón tay trỏ sượt lên sống mũi nâng gọng kính.

Thế rồi giòng đời cứ trôi. Tuân không tiếp tục lì-xì khi đã yên tâm thấy tôi trở thành giảng viên Anh Văn danh tiếng lẫy lừng của Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, được tất cả các trung tâm ngoại ngữ săn đón. Tôi có giới thiệu Tuân vào dạy hợp đồng tại Cao Đẳng Sư Phạm trong hai năm. Khi thấy tôi lại bị hại do tính khí kiên quyết chống tiêu cực, ngày trước bị đình chỉ học tập, còn nay bị đình chỉ giảng dạy, Tuân buồn bực, nhưng nhanh chóng ngay sau đó đã mừng vui khi thấy tôi dù bỏ trường ra đi sau khi đã uy dũng mắng Hiệu Trưởng một trận, lại được Vũ Thị Liên vừa bảo vệ thanh danh của tôi vừa “bảo vệ cuộc đời đầy Tsunami” của tôi bằng một cái đám cưới. Tuân đã tham dự tiệc cưới mừng cho hai người bạn học của Tuân đã nên nghĩa vợ chồng. Tuân càng mừng hơn khi thấy sau đám cưới, vợ chồng tôi hạnh phúc cùng nhau dạy học tại các trung tâm ngoại ngữ dù chồng bỏ dạy ở Cao Đẳng Sư Phạm còn vợ cũng phải bỏ dạy ở Cao Đẳng Sư Phạm do bị Khoa Ngoại Ngữ trừng trị tội dám làm vợ Hoàng Hữu Phước, cái tên nhà giáo không ô dù không ai chống lưng lại dám cả gan tố cáo Hiệu Trưởng gian lận thi cử tuyển sinh khiến Khoa Ngoại Ngữ bị Hiệu Trưởng cho “mất điểm thi đua ABC”. Và khi tôi không còn bị ràng buộc với “phe Nhà nước”, tôi trở thành nhân vật được các văn phòng đại diện công ty nước ngoài săn đón, nhanh chóng từ nhà giáo 48 ký trừ bì trở thành VIP 84 ký kể cả bì. Lúc ấy, Tuân cũng bỏ nghề giáo để công tác tại phòng kinh doanh Vinataba.

Chúng tôi có dự lễ cưới của Tuân. Thời gian ngắn sau, Tuân và cả gia đình đi định cư theo hồ sơ bảo lãnh của người chị ni cô.

Ba mươi năm đã trôi qua, tôi không có tin tức gì từ Tuân. Đơn giản vì trước đây làm gì có internet, có fax, có điện thoại thông minh. Đã vậy, ngay cả khi internet xuất hiện, dù vợ tôi thông qua Nhóm Lục Súc trên thế giới được 30 bạn học lớp của vợ tôi từ khắp nơi liên lạc ì xèo bằng email thì vẫn có một trỡ ngại kép: tôi như đã nói ở trên không thân cận với đám đông sinh viên trong lớp “đàn em” đó nên dù họ tự động cho địa chỉ email của tôi vào group của họ, tôi vẫn trong nhiều chục năm qua xóa ngay chứ chưa hề click xem mỗi trong hàng ngàn email đó nhắn nhủ kêu gọi điều chi đến độ lắm đứa bạn của nàng gọi tôi là kiêu ngạo kiêu căng ỷ mình số một tiếng Anh, còn vợ tôi tuy cũng có địa chỉ email nhưng nàng chưa hề một lần nào tự mở máy vi tính để check mail do không hề nhớ password, không cách chi thuộc cách gõ chữ tiếng Việt (do các người bạn ấy quái gở: tốt nghiệp tiếng Anh nhưng phê phán bạn bè nào gởi email bằng tiếng Anh!), cũng như thấy không cần thiết phải đọc mail của bất kỳ tên bạn học nào ganh tỵ ghen tài với chồng mình, tức xấu xa vì đã không tôn vinh tôn sùng chồng của mình. Cũng vì vậy mà tôi không thể hỏi ai về địa chỉ email của Nguyễn Đình Tuân.

Đầu năm nay, trong lúc chọn bôi đen để xóa một lúc mấy trăm email không phải của thân nhân hay học trò ruột, tôi tình cờ thấy dòng Subject của một email mang dòng chữ tiếng Việt “Xin Chia Buồn Cùng Bạn Nguyễn Đình Tuân”. May mà tôi ngưng xóa kịp, và click đọc email ấy, hóa ra đó là của một người thuộc lớp “đàn em” gởi đúng là đến Nguyễn Đình Tuân có c/c cho toàn nhóm mà trong nhóm của họ đã có sẵn địa chỉ của tôi mấy chục năm nay. Khi biết Ba của Tuân vừa qua đời, tôi gởi ngay một bức thư dài cho Tuân theo địa chỉ email mà tôi vừa tình cờ có được ấy.

NDT

Đọc bức thư dài tôi nhắc lại những chuyện ngày xưa, Tuân trả lời ngay rằng (a) Tuân rất vui khi nhận email của tôi; rằng (b) ủa vậy mà Tuân không nhớ đã đến đưa tiền cho tôi lì xì các em tôi mà lại không phải đưa một lần; rằng (c) mấy năm trước xem các video clip trên Phố Bolsa TV phỏng vấn tôi thì Tuân có kêu vợ Tuân ra cùng xem, vợ của Tuân bảo tôi sao trông vẫn vậy còn Tuân già hơn và tôi ăn nói hay quá. Tuân bảo đã giải thích với vợ rằng tôi trông trẻ hơn Tuân tại làm nghị sĩ Việt Nam lương cao khủng như bên Mỹ nên sướng quá mà, còn ăn nói hay thì chắc tại làm nghị sĩ nên nói chính trị tiếng Việt trơn tru chớ hồi ở Đại Học Tổng Hợp chỉ nghe “ảnh” nói tiếng Anh giỏi chớ còn nói tiếng Việt chỉ để dụ kiến trong hang xếp hàng thứ tự bò ra thôi chớ chả hay ho gì về chính chị chính em cả.

Nguyễn Đình Tuân là như vậy đấy: chân chất, sâu sắc, hào sảng, nghĩa khí.

Bạn đã đến làm bạn với tôi như một cách tung xiềng vào mặt dân gian rằng bạn quý  trọng tôi vì tôi là người tốt.

Bạn đã khéo léo giúp tôi nên bạn đã làm tôi hiểu bạn sâu sắc y như Thầy Lê Văn Diệm của chúng ta, Hồng Thị Lan ở lớp cũ của tôi, và Vũ Thị Liên ở lớp của bạn.

Bạn đã khéo léo giúp tôi trong bí mật, thậm chí chẳng cần nhớ đến những nghĩa cử bạn đã thực hiện vì tôi, nhưng tôi luôn nhớ và không thể không nhắc đến trong email đầu tiên tôi vừa gởi bạn trong năm 2018 này.

Nguyễn Đình Tuân ơi, như một số người tốt và học trò tốt cùng nhân viên tốt khác đã đến bên cuộc đời tôi, bạn và Vũ Thị Liên đã giúp tôi tự tin rằng tôi đã không sai khi đã chọn đi theo con đường trở thành người tốt, mặc cho sự thật là nẻo đường ấy lắm gian nan, hiếm có phần tưởng thưởng, còn sự động viên khích lệ đa số đãi bôi, và cách chi thấy được cộng đồng ngày càng đông đúc hơn của những con người chân chất, sâu sắc, hào sảng, và nghĩa khí như bạn – như nhóm bạn ít ỏi của chúng ta.

Cảm ơn bạn Nguyễn Đình Tuân. Chúc bạn và gia đình luôn được an vui, hạnh phúc.

Thân mến.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Chính-trị Cộng-sản Chủ-nghĩa

Tham khảo:

Hoàng Hữu Phước Được Ngành An Ninh Tình Báo Mời Gia Nhập

Thầy Lê Văn Diệm

Hồng Thị Lan

Nhật Ký Tình Yêu Của Cô Giáo Vũ Thị Liên

Nguyễn Đình Tuân Trong Danh Sách Khách Mời Dự Tiệc Cưới Phước-Liên

Vũ Thị Liên Và Lục Súc

Đám Cưới Hoàng Hữu Phước Vũ Thị Liên

Trách Nhiệm Đối Với Sinh Mạng Người Dân – Tầm Nhìn Và Sự Chính Trực Của Một Nhà Ái Quốc

Ông Bà Ngoại Của Hoàng Hữu Phước

Phố Bolsa TV Phỏng Vấn Hoàng Hữu Phước (xem tại phần cuối mục “Tham Khảo”

Both comments and trackbacks are currently closed.