Đường Sắt Tốc Độ Cao

Hoàng Hữu Phước, MIB

19-11-2018

Duong Sat Cao Toc

Trong bài Truyện Cổ Tích, tôi ngoài nhạo cười nàng “Công Chúa Ngủ Trong Rừng” còn trích đăng ảnh chụp một phần của bài tôi viết năm 2010 nhằm ngăn cản việc xây dựng cái mà thủa ấy đặt tên là “Đường Sắt Cao Tốc Việt Nam”.

Tuần này sau khi đọc bài Truyện Cổ Tích ấy, phương diện quân học trò cũ của tôi thi nhau gởi viber đến tôi ảnh chụp các bài báo đang ồn ào nêu ý kiến về một cái gọi là “Đường Sắt Tốc Độ Cao” theo ngôn ngữ cập nhật hiện hành, để báo cho tôi biết rằng sau “một thập kỷ tranh cãi” người ta đang hè nhau giục đòi có “đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD”:

Duong Sat Cao Toc (16)

Tiền của ai thì người đó có quyền xài dù xài khôn hay xài ngu, tôi không có quyền ngăn cản. Song, nếu xài tiền để vừa làm sạch bách công quỹ, vừa kiếm chác tư túi, vừa ngụy biện điên đần, rồi bắt hậu duệ của Việt Nam gánh nợ sau này với quốc tế, thì tôi nhân danh sự tín thác của 18 Vua Hùng phải đập cho nát cái sự điên đần đó. Trước khi nêu cái điên đần điên độn về cái đường sắt tốc độ cao khỉ gió ấy, tôi thấy cần làm rõ ba điều sau:

1) Đã không hề có bất cứ thứ gì để gọi là “một thập kỷ tranh cãi” cả. Từ lúc bài viết của tôi xuất hiện năm 2010 đến nay là gần một thập kỷ nhưng tôi chưa hề thấy trên báo giấy, báo hình, báo tiếng, báo tường, báo đời, báo hại, báo cha, báo mẹ nào có bất kỳ lời nào – dù ỏn a ỏn ẻn yếu xìu hay hùng hổ gương nanh múa vuốt – của bất kỳ quan chức trung ương hay địa phương nào có nói về cái cái đường sắt tốc độ cao khỉ gió ấy. Lẽ nào các quan chức chính phủ chính quyền từ trung ương đến địa phương đã khiếp sợ tôi đến độ dành ra “một thập kỷ tranh cãi” trong bí mật tuyệt đối bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc bên trong các lô-cốt cách âm nơi thâm sơn cùng cốc nên đã có sự im lặng tuyệt đối đến xé tai (deafening silence) của “Giã Từ Vũ Khí”?

2) Đã không hề có bất cứ lời giải thích nào cho đồng bào hiểu lý do vì sao Đường Sắt Cao Tốc biến thành Đường Sắt Tốc Độ Cao cả. Nên phải chăng đây là cái mới, đem xập xí xập ngầu nhùng nhằng lồng ghép với cái trước đây? Hoặc phải chăng bây giờ các chuyên gia Nhà Nước mới phát hiện ra rằng tốc độ của Đường Sắt Tốc Độ Cao không cao bằng tốc độ của Đường Sắt Cao Tốc và tốc độ của Đường Sắt Cao Tốc thua xa tốc độ của Đường Sắt Siêu Tốc nên chụp ngay cái chạy ủn a ủn ỉn để ngày sau còn phân tích phân trần phân bua phân giải với người dân? Hoặc phải chăng đây là biểu hiện rõ nét của giới chức chính phủ muốn chứng minh ăn lương từ thuế của dân nên đã tích cực tranh cãi suốt một thập kỷ qua mấy nhiệm kỳ mới có được đại công đổi thay ngữ từ?

3) Kỹ thuật tiến như vũ bão như giông như gió, vậy 58 tỷ USD cần cho Đường Sắt Cao Tốc là cho loại công nghệ kỷ thuật nào của 2010, và nếu thực hiện 2019 phải chăng sẽ nhập về cái đã có 10 năm tuổi sử dụng thiết bị không-bốn-chấm, hay phải nâng lên thành 100 tỷ USD cho cái Đường Sát Tốc Độ Cao công nghệ bốn-chấm-không Mô-đen 2019?

Bài báo sau đây cho thấy 5 chuyện khủng khiếp

Duong Sat Cao Toc (12)

gồm:

1) Những quan chức muốn nói gì thì nói chứ không có tri thức, hiểu biết, trí tuệ, nghiên cứu gì về những vấn đề mà mồm đang phun châu nhả ngọc cả. Nếu đã có học hành đàng hoàng và có bằng cấp đoan chính, các quan chức “gần một thập kỷ qua” lẽ ra đã phải biết về bài tranh biện của Hoàng Hữu Phước mang tựa đề “Công Chúa Bà Cố Nội Đi Tắt Đón Đầu Đường Sắt Cao Tốc Việt Nam”, lẽ ra đã phải nương theo các luận điểm của bài ấy mà tự phản biện, lẽ ra đã phải tự dày công nghiên cứu về cái gọi là đường sắt cao tốc/đường sắt tốc độ cao để cũng cố phản biện, và lẽ ra đã phải biết các quan chức đồng cấp tiền nhiệm của mình đã từng phát biểu những gì mà bị Hoàng Hữu Phước cười nhạo là ngô nghê ngu đần để tránh né không lập lại nội dung tương tự để bị mắng mỏ tương tự.

2) “Lãnh đạo 20 địa phương có tuyến đường sắt đi qua” cho rằng: “nếu không có đường sắt tốc độ cao, địa phương Miền Trung như chúng tôi rất khó phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư.” Vậy

– 20 địa phương nghèo khó đó có tên là gì? Được lãnh đạo bởi nhũng ai mà từ 1975 đến 2018 là đã gần nửa thế kỷ vẫn còn rất khó phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư; đã vậy lại tham quyền cố vị, không chịu từ chức giao quyền lãnh đạo lại cho những bậc nhân tài để nhanh chóng phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư ?

– 20 địa phương đó có là 20 tỉnh đã xin Chính phủ – và đã có – xây dựng xong sân bay hàng không “quốc tế” để phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư chưa?

– 20 địa phương đó có các tuyến đường bộ cao tốc chạy qua để phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư chưa?

– 20 địa phương đó có là 20 tỉnh đã xin Chính phủ – và đã có – xây dựng xong cảng biển nước sâu để phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư chưa?

– 20 địa phương đó có hàng năm tổ chức các sự kiện vô cùng hoành tráng báo cáo kết quả xây dựng phát triển tỉnh nhà vào các dịp lễ lớn của quốc gia?

– 20 địa phương đó có danh mục các khu công nghiệp, các doanh nghiệp FDI, các khu du lịch, các dự-án-hấp-dẫn-đầu-tư-đã-hấp-dẫn-đầu-tư?

– Nếu 20 địa phương đó xin gì được nấy nên đã có các hạ tầng đầy đủ, trụ sở các cơ quan Đảng và Chính quyền đồ sộ nguy nga, phát triển đủ đầy để khoe thành tích tại các sự kiện hàng năm ấy, lên tiếng cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng đã giúp phát triển kinh tế tỉnh nhà, vậy sao vẫn bảo không thể phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư nếu đường sắt tốc độ cao khỉ gió ấy không chịu chạy băng băng qua tỉnh nhà?

3) Đảng đã giáo dục đảng viên chức sắc như thế nào mà họ lại mặc định rằng tất cả những gì “thế giới” có thì đương nhiên tốt, đương nhiên hay tuyệt, đương nhiên là chuẩn mực so sánh, mà Việt Nam đương nhiên nhất thiết phải noi theo tất tần tật, qua lời rằng: “đầu tư đường sắt tốc độ cao thời điểm này đã là chậm nhiều so với thế giới”? Họ không biết rằng trên toàn “thế giới” chỉ có 16 quốc gia có đường sắt tốc độ cao với Trung Quốc khoe rằng họ có hệ thống 27.000 km đường sắt tốc độ cao, trong khi Pháp/Đức/Nhật/Tây Ban Nha mỗi nước chỉ có khoảng 1.000 km đường sắt tốc độ cao. Vậy cái “thế giới” của các đảng viên chức sắc này là “thế giới” nào, và họ có  từng yêu cầu đội ngũ chuyên gia trí thức của Đảng cung cấp danh mục các cường quốc kinh tế trên “thế giới” không hề đoái hoài gì đến đường sắt tốc độ cao để phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư?

4) Đảng đã giáo dục đảng viên chức sắc như thế nào mà (a) họ lại hàm ý chê bai Đảng, (b) họ không biết rằng Đảng luôn có chiến lược thần sầu quỷ khốc chính xác thời cơ thời điểm thời gian “đưa pháo vào rút pháo ra” lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, (c) họ mắng mỏ Đảng đã xây dựng kế sách kinh tế không giống ai qua bằng chứng chính Đảng bây giờ mà vẫn còn không cho đầu tư đường sắt tốc độ cao khiến Việt Nam lẹt đẹt bò sau lưng thế giới, và (d) họ cho là Đảng thiếu ánh sáng trí tuệ nên đã bỏ tiền xây cho họ sân bay quốc tế/cảng biển nước sâu/đường bộ cao tốc trong khi họ chỉ cần đường sắt tốc độ cao chạy qua thôi là đủ để phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư cho 20 tỉnh của họ rồi?

5) Phải chăng Đảng chỉ có những đảng viên chức sắc bất tài vô dụng chứ không có những đảng viên chức sắc có tâm vì nước vì Đảng vì dân vì nếu họ có tâm vì nước vì Đảng vì dân thì lẽ ra ngay khi thấy bản thân không thể phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư cho tỉnh nhà thì họ đã treo ấn từ quan trao chiếc ghế Bí Thư Tỉnh Ủy cho…Hoàng Hữu Phước từ lâu rồi.

Thông Tin Có Thật Sao Không Ai Biết?

1) Con người:

Con người luôn phải là vấn đề hàng đầu của mọi quốc sách, dự án, công trình. Con người mà có vấn đề thì quốc sách, công trình, dự án tất thành than tức đầu hàng.

Chính vì Đảng hoàn toàn thiếu nhân tài quản lý quốc sách/dự án/công trình mà Thạc Sĩ Hoàng Hữu Phước đã chống lại dự án Đặc Khu Kinh Tế, đã phá “Tự Chủ Tài Chính” ở Thành Phố Hồ Chí Minh, nhạo báng đại siêu dự án Thành Phố Đông/Thành Phố Tây/Thành Phố Nam/Thành Phố Bắc/Thành Phố Trung Tâm bên trong Thành Phố Hồ Chí Minh, chống đối dự án Nhà Hát Thủ Thiêm ở Thành Phố Hồ Chí Minh, v.v.

Không nói gì đến những thảm họa đường sắt tốc độ cao ở Nhật Bản như vụ tại Matsuoka, vụ tại Shigaraki (làm chết 42 hành khách và làm bị thương hơn 600 người), vụ tại Amagasaki (làm chết 57 hành khách và làm bị thương hơn 440 người), v.v. dù tai nạn đường sắt rất hiếm khi xảy ra ở Nhật, do người Việt không sánh được với người Nhật về trình độ/tác phong/tay nghề/ý thức nghề nghiệp;

Duong Sat Cao Toc (6)

mà cũng không cần liên hệ đến những thảm họa đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc, Đài Loan, v.v., do con người tại mấy quốc gia đó thấp kém hơn người Việt; mà chỉ cần nhắc sơ đến hai tai nạn sau tại Tây Ban Nha là một nước ngang bằng với Việt Nam do cùng là đế quốc mở rộng bờ cõi biên cương và cùng có quá khứ chinh chiến lẫy lừng dù Việt Nam trên bộ và Tây Ban Nha trên biển, đủ để làm thí dụ rõ hơn cho các phần tiếp theo:

– Vụ xảy ra gần Santiago de Compostela (làm 80 hành khách chết và 144 hành khách bị thương)

Duong Sat Cao Toc (5)

– Vụ đoàn sinh viên tham gia lễ hội băng ngang qua đường sắt tốc độ cao gần Barcelona và bị xe lửa tốc độ cao vụt qua giết chết 13 người và làm bị thương 14 người.

Tất cả các tai nạn trên đều do con người gây ra, từ trưởng tàu sắt tốc độ cao đến tài xế xe tải và từ nhân viên kiểm soát sắt lưu (đồng nghiệp với nhân viên kiểm soát không lưu) đến người đi bộ tửng tửng đần đần mà ở Việt Nam báo chí chỉ giỏi hùng hổ hung hăng ném đá Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước chứ cà ỏn cà ẻn cà ểnh cà ểnh gọi thứ tửng tửng đần đần đó là “một bộ phận người dân thiếu ý thức”.

Liệu đường sắt tốc độ cao Việt Nam có sẽ gây ra những tai nạn trên cả thảm khốc kinh hoàng không, khi mà người Việt Nam nào đảm trách công nghệ cao hay có vấn đề về thần kinh mà bằng chứng rõ nét nhất là vụ các nhân viên kiểm soát không lưu ở Phi trường Tân Sơn Nhất Thành Phố Hồ Chí Minh (lại Thành Phố Hồ Chí Minh khét tiếng!) tửng tửng đần đần bỏ đi ngủ hay đi làm việc riêng khiến mấy chiếc máy bay quốc tế đêm khuya không thể hạ cánh phải bay vòng vòng quanh Thành Phố Hồ Chí Minh suốt nửa giờ đồng hồ cho hết xăng nhớt chờ các nhân viên không lưu hoặc vừa xong giấc hòe/giấc điệp/giấc Nam Kha/giấc mộng Vu Sơn, hoặc vừa giải quyết xong việc riêng trở lại làm việc?

Liệu đường sắt tốc độ cao Việt Nam có sẽ gây ra những tai nạn trên cả thảm khốc kinh hoàng không, khi mà người Việt Nam đầy sáng tạo sẽ chế ra biết bao đường tắt dân sinh băng ngang đường sắt tốc độ cao để xe công-nông, xe máy cày, xe tải, ô tô, xe máy thi gan cùng xe lửa tốc độ cao?

Liệu đường sắt tốc độ cao Việt Nam có sẽ gây ra những tai nạn trên cả thảm khốc kinh hoàng không, khi mà người Việt Nam sẵn sàng tháo trộm đinh ốc thanh ray vì chúng đương nhiên được làm bằng hợp kim quý giá đắt tiền?

Liệu đường sắt tốc độ cao Việt Nam có sẽ gây ra những tai nạn trên cả thảm khốc kinh hoàng không, khi mà người Việt Nam sẵn sàng phá banh rào lưới chắn hai bên đường để đi vào đi ra, chạy vào chạy ra, dắt trâu bò vào dắt dê cừu ra, thả đàn vịt đàn gà vào ra ăn dặm, thậm chí làm chòi canh bên trong rào lưới để ngủ canh chừng các luống khoai các luống rau tăng gia sản xuất, có khi xây hẳn nhà tường gạch để nếu bị giải tỏa thì đòi tiền đền bù cùng một suất tái định cư?

Liệu đường sắt tốc độ cao Việt Nam có sẽ gây ra những tai nạn trên cả thảm khốc kinh hoàng không, khi mà Tây Ban Nha có sinh viên còn Việt Nam chỉ có học sinh lớp 13, học sinh lớp 14, học sinh lớp 15, học sinh lớp 16 nên số lượng đeo tai nghe nhạc đi bộ nhún nhảy băng ngang qua đường sắt tốc độ cao sẽ nhiều hơn?

2) Kỹ Thuật:

a– Cái đường sắt tốc độ cao (high-speed railway) mà các vị chức sắc ở 20 tỉnh đang nhắm tới là loại xe lửa mang hình “viên đạn” hay loại xe lửa đệm từ? Chắc chắn 1.000% là không ai trong các vị ấy từng nghĩ đến đường sắt tốc độ cao để tìm hiểu về nó. Đó là loại “bullet train” tức “shinkansen” và loại “Maglev train”; loại trước có tốc độ lên tới 210km/giờ còn loại sau có tốc độ lên đến 603km/giờ; và tất nhiên loại sau chỉ mới có dăm ba quốc gia sở hữu vì vốn đầu tư cực kỳ cao.

b–  Các đảng viên chức sắc cấp cao ở 20 tỉnh “khó khăn” có cho rằng 58 tỷ USD là cái giá của đường sắt tốc độ cao gồm một đường sắt có một xe lửa tốc độ cao chạy từ một điểm đầu xuất phát phía Bắc vào đến tận cùng là một điểm đến phía Nam, hay 58 tỷ USD là cái giá của toàn hệ thống đường sắt tốc độ cao mà “thế giới” luôn đầu tư cho hệ thống chứ không cho tuyến? Nếu 58 tỷ USD không phải cho một hệ thống, vậy thì chi phí cho cái hệ thống đường sắt tốc độ cao dành cho xe lửa mang hình viên đạn tức bullet train như vầy sẽ là bao nhiêu vậy chớ hả:

Duong Sat Cao Toc (3)

c–  Các đảng viên chức sắc cấp cao ở 20 tỉnh “khó khăn” nếu không mơ ngủ ắt phải biết rằng đường bộ cao tốc từ Thành Phố Hồ Chí Minh về Miền Tây vừa xây xong đã bị dân chúng hai bên đường ngang nhiên phá banh lưới rào an toàn để chạy xe máy vào ra cho thuận tiện khỏi phải đi xa đến cầu vượt/hầm vượt chi cho tốn xăng. Vậy các vị có kế hoạch gì với kinh phí bao nhiêu tỷ để chi cho việc giáo dục tuyên truyền lạy lục người dân xin đừng phá banh lưới rào an toàn đường sắt tốc độ cao?

3) Sự thật:

a–  Các đảng viên chức sắc cấp cao ở 20 tỉnh “khó khăn” có biết rằng nước Việt Nam có địa hình ốm nhom ốm nhách ở ngay khu vực Miền Trung, mà lượng đất đai phải giải tỏa cho kiến tạo đường sắt tốc độ cao dứt khoát phải rất lớn, khiến gia tăng độ chênh về phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư giữa 20 tỉnh này với các tỉnh khác, do 20 tỉnh sẽ mất rất nhiều đất trong khi chỉ có người khờ mới cho rằng đường sắt tốc độ cao giúp địa phương phát triển kinh tế, du lịch, và thu hút đầu tư, chứ người khôn luôn nhận ra vấn đề cốt lõi rằng đường sắt tốc độ cao trên thế giới giúp người dân đi lại thuận tiện để có thể làm việc nơi tỉnh xa rồi về nhà trong ngày với chi phí rẻ hơn mà thôi, vì chung quy thì đường sắt tốc độ cao cũng chỉ là một phương tiện đi lại công cộng phục vụ dân sinh mà đa số là dân thu nhập trung bình chứ làm gì có chuyện đường sắt tốc độ cao là thứ sang cả dành cho dân sang trọng mà các vị lại nói gì đó mơ mơ màng màng say xỉn về “doanh thu”?

Duong Sat Cao Toc (2)

b– Với bài học “tiền lệ” quái đản về vụ Vinasun kiện Grab đang diễn ra ở Thành Phố Hồ Chí Minh, liệu các vị đảng viên chức sắc cấp cao lãnh đạo 20 tỉnh Miền Trung có sợ hãi viễn cảnh Hãng Hàng Không Việt Nam, Hãng Hàng Không VietJetAir, Hãng Hàng Không Bamboo, cùng các hãng hàng không khác trong và ngoài nước hoạt động tại Việt Nam, các hãng Grab/Vinasun/Mai Linh/Phương Trang/Thành Bưởi và vô số các hãng vận chuyển hành khách khác, các hãng vận chuyển đường sông đường biển, dưới sự cầm đầu của Đường Sắt “Truyền Thống” sẽ kiện Đường Sắt Tốc Độ Cao ra tòa vì đã cướp hết khách hàng làm các hãng trên giảm sút thu nhập không?

Các biện luận của Hoàng Hữu Phước cách nay 8 năm chống lại dự án Đường Sắt Cao Tốc Việt Nam, xin vui lòng đọc thêm qua nguyên văn bài “Công Chúa Bà Cố Nội Đi Tắt Đón Đầu Đường Sắt Cao Tốc Việt Nam” dưới đây:

*********

Nguyên văn bài

Công Chúa Bà Cố Nội Đi Tắt Đón Đầu Đường Sắt Cao Tốc Việt Nam

Chuyện Cổ Tích

A) Dẫn Nhập: Cưỡi Ngựa Xem Hoa

Cả tháng nay báo chí hôm nào cũng đưa tin về công trình thế kỷ mang tên Dự Án Tuyến Đường Sắt Cao Tốc Việt Nam (dưới đây xin viết tắt là TĐSCTVN), mà theo các phản ảnh “pros and cons” – nghĩa là ủng hộ và phản bác – thì bên pros cho ra lắm chi tiết hùng hồn thuyết phục, còn bên cons chỉ dám đề xuất một sự suy tính lại cho một thời gian thực hiện sau này, hoặc thực hiện thử cho một tuyến ngắn hơn. Bài viết này vừa nêu ý kiến cảnh tỉnh của một chuyên gia kinh tế đầy uy tín của Việt Nam, vừa nói về thỉnh nguyện của một tiến sĩ diễn giả kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đồng thời nêu nhận định của người viết về những khía cạnh khác của vấn đề có liên quan đến dân, trí, dân trí, sự không bao giờ cần thiết của một TĐSCTVN, và nội dung an ninh quốc phòng, vốn là những điều đã chưa từng được nói đến trong các tranh luận tại Quốc Hội cũng như trên báo chí.

B) Cảnh Tỉnh Từ Chuyên Gia Kinh Tế Phạm Chi Lan

 Duong Sat Cao Toc (15)

Trước dẫn chứng của các đại biểu quốc hội về những con số đầy thuyết phục của các công trình tương tự tại một vài quốc gia, Bà Phạm Chi Lan đã nêu lên một sự thật rằng tuyến đường sắt cao tốc ở Hàn Quốc và Đài Loan chưa quá 10% GDP trong khi ở Việt Nam chiếm đến 50% GDP theo số liệu kinh tế 2009; rằng Trung Quốc tuy xây dựng tuyến đường sắt cao tốc lúc thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình song họ có thặng dư ngoại tệ cực cao và không cần vay nợ bất kỳ ai; rằng sự khủng hoảng tồi tệ của Hy Lạp trong nợ công vừa qua là sự cảnh báo đối với các đầu tư không đúng thời điểm; rằng trình độ người Việt trong quản lý công nghệ-kỹ thuật cao vẫn còn là nỗi lo lắng ngay cả đối với Đại Sứ Nhật Bản tại Việt Nam; rằng các cơ hội vẫn còn đó cho thời gian nhiều năm sau đó; và rằng các đầu tư nhất thiết phải trên cơ sở thứ tự ưu tiên trong bối cảnh đất nước còn rất nhiều những việc quan trọng cấp bách hơn phải làm.

C) Thỉnh Nguyện Của Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh

 Duong Sat Cao Toc (14)

Trong khi Bà Phạm Chi Lan gióng hồi chuông cảnh tỉnh trước sự mơ hồ hoặc thiếu sót trong các luận điểm ủng hộ đầu tư cho dự án TĐSCTVN, và dừng lại ở kiến nghị một giải pháp chờ đợi đến thời điểm thu nhập bình quân đầu người Viêt Nam đạt USD3000/năm, thì tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề nghị một mốc thời gian đình lại là 10 năm khi thiết tha đề nghị Quốc Hội chưa thông qua dự án này. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong tình hình nợ quốc gia của Việt Nam lên đến hơn 47,5% thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế theo công bố của World Bank, khoản vay gần 60 tỷ USD cho dự án sẽ khiến nợ quốc gia tăng lên khoảng 110% GDP của năm 2010. Việt Nam cần quan tâm trước hết đến các cơ sở hạ tầng khác như bịnh viện, cải tạo và nâng cấp các tuyến giao thông khác như đường sắt và đường bộ. Tiến sĩ cũng không cho rằng việc đưa các số liệu của Trung Quốc hay Đài Loan ra so sánh cho tính khả thi của dự án là hợp l‎ý vì các nước này có tiềm lực tài chính trỗi vượt, trong khi đó sự đầu tư của Đức cho hệ thống hỏa xa của họ rất hữu hiệu và hiệu quả kinh tế cao mà không cần có tuyến đường sắt cao tốc nào cả.

D) Nói Thật Của Thạc Sĩ Hoàng Hữu Phước

Duong Sat Cao Toc (1)

1- Công Chúa Bà Cố Nội Đi Tắt Đón Đầu: Vấn Nạn Ví Von Đẳng Cấp Thấp

Do bộ môn ngôn ngữ học Tiếng Việt chủ yếu dựa trên các đề mục quen thuộc (như danh từ, tính từ, v.v.) và cao cấp nhưng cực kỳ dễ dàng (như từ vựng học, từ vựng ngữ nghĩa học) của hệ thống văn phạm tiếng nước ngoài, trong khi tránh né sự phân định rạch ròi giữa ngôn ngữ trang nhã học thuật formal và bình dân informal nên yếu điểm thường gặp của rất nhiều người Việt là sử dụng ngôn từ không phù hợp trong văn bản chính quy, phát biểu chính thức, và không còn khả năng phân biệt formalinformal trong sử dụng các ví von khiến các ví dụ không tương thích, bất tương hợp, chẳng ai còn quan tâm đến ngữ cảnh, ngữ nghĩa, đẳng cấp và chất lượng ngôn từ.

Để ủng hộ dự án TĐSCTVN có Đại Biểu Quốc Hội ví von rằng đường sắt cao tốc chạy xuyên suốt các tỉnh nhất là Miền Trung nghèo khó sẽ đánh thức các nàng công chúa còn say ngủ, giúp vực dậy nền kinh tế các địa phương này – một kiểu ví von dân dã, non nớt, đầy khinh xuất, có thể dễ dàng dẫn đến các phản bác sau:

– Theo các báo cáo tổng kết hàng năm, tỉnh thành nào cũng có các thành tựu kinh tế, có các thị trấn và các tòa nhà hành chính công quyền nguy nga, được các lãnh đạo Đảng và Chính Phủ đến thăm và chỉ đạo thực hiện các kế sách phát triển kinh tế trong suốt 35 năm qua. Vậy “tiềm lực” nào là nàng công chúa vẫn còn “say ngủ” để được đánh thức? Bộ óc lãnh đạo các địa phương phải chăng vẫn còn bó tay không biết tiềm lực đó là gì, không biết phải làm sao để đánh thức tiềm lực đó, đến độ phải nhờ tiếng động ồn ào của xe lửa cao tốc chạy ào qua địa phương mình để đánh thức các ả công chúa đang sống đời thực vật đó hay sao?

–  Nếu công chúa đang ngủ say đó tên là Du Lịch, e rằng đó là ý kiến quá đỗi thơ ngây và bình dân, chưa kể nó không những xúc phạm đến các đại công ty du lịch từ trung ương đến địa phương – vì lẽ nào 35 năm qua họ vẫn còn bỏ sót, chưa khai thác hết cái đẹp của non sông gấm vóc để đưa lên bản đồ du lịch thế giới – mà lại còn đụng chạm đến những khách hàng tương lai của Dự Án TĐSCTVN, những người bỏ tiền nhiều ra không phải để tàu cao tốc lâu lâu lại dừng ở mỗi địa phương nó “vù” qua, để dân địa phương ào lên, đu theo bán nước suối ướp lạnh, bắp luộc, bánh tráng phơi sương, kẹo chewinggum, v.v., đó là chưa kể tuyến cao tốc này phải ở cung đường riêng biệt, không bao giờ “ào ạt” chạy xuyên qua nội đô các tỉnh thành để “phát triển kinh tế địa phương”.

– Nơi nào còn có các công chúa đang ngủ say, nơi đó nên lấy đó làm mừng, vì phát triển du lịch vươn đến đâu, sự tàn tạ thiên nhiên đổ ập đến đó. Hãy để các nàng công chúa mang các tên Việt Nam như Nguyễn Thị Du Lịch, Trần Thị Khoáng Sản, hay Lý Thị Lâm Viên được an giấc ngàn thu để con cháu Việt Nam mai sau không mất trắng cảnh quang thiên cổ, đồng thời tránh xa các công chúa lai (vợ của các Hoàng Tử Lai kiểu Harry Potter) như Hoang Thi Golf  và  Le Thi Casino để con cháu Việt Nam hiện nay không bị tước bỏ đất sống, còn tinh thần thì băng hoại.

– Điều cuối cùng song không kém phần quan trọng là ngay cả trong truyện cổ tích, nàng công chúa ngủ giấc vài trăm năm, khi được tên hoàng tử đáng tuổi thằng cháu chắt chít chụt chịt hôn chùn chụt để sống lại, liệu cuộc hôn nhân giữa hai người có tuổi tác cách những ngàn thu ấy có phù hợp chăng, liệu nàng công chúa ấy có thích nghi trước cái mới đầy xa lạ và quái gở đối với nàng không (theo tài liệu về giới qu‎ý tộc Phương Tây thời Trung Cổ thì họ rất ít khi tắm gội, xem “ghét” ở các kẽ tay chân là dấu hiệu có phân bón cho cơ thể khỏe mạnh, công chúa mặc áo nhiều lớp, cột dây chằng chéo phức tạp, muốn “động phòng” phải có cả tá cung nữ giúp cởi bỏ xiêm ý trong những vài chục phút), liệu hơi thở của nàng do nhiều trăm năm không đánh răng có gây ô nhiễm cho cư dân hiện đại không, và nhất là nàng có thực sự muốn bị đánh thức không? Cần lưu ý rằng trong Thánh Kinh Cựu Ước (Genesis 19) có ghi các thiên thần bay vào thị trấn Sodom và Gomorrah giết sạch nam phụ lão ấu, vậy ai chắc rằng nàng công chúa lạ hoắc đang ngủ mê man trong rừng ấy không là ác phụ, và nếu mụ ác tiên của vài thế kỷ trước đã để lại bùa chú cùng phép thuật lại cho nàng, thì khi bị đánh thức, nàng ý có sẽ như Medusa của thần thoại Cổ La-Hy hay như nhân vật trong phim Xác Ướp Ai Cập giết chóc tưng bừng, gây họa cho nhân dân?

Đánh thức Công Chúa Bà Cố Nội đang yên giấc ngàn thu, lột trần cởi truồng Công Chúa Bà Cố Nội cho lõa lồ – mà tiếng Việt cớt nhã không nghiêm túc gọi là “nuy” – dưới tên gọi khai thác tiềm năng là điều báng bổ thiên nhiên, lại còn lạm dụng ý nghĩa của đi tắt đón đầu, e rằng ý tứ dù cho có thật sự vì nước vì dân và xứng tầm quốc sách vĩ đại cũng bị làm hoen ố bởi kiểu cách phát biểu ví von không nghiêm túc.

2- Chính Danh Hai Tiếng Nhu Cầu

Một l‎ý do viện dẫn khác để ủng hộ đầu tư vào Dự Án TĐSCTVN là nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế, v.v. và v.v. Song, không phải cứ đó là nhu cầu là phải “vì dân” mà đáp ứng, thậm chí 90 triệu người dân Việt có biểu quyết phải xây cho bằng được TĐSCTVN cũng không có nghĩa là Chính Phủ phải răm rắp tuân theo. Ở một đất nước đất hẹp, dân đông, việc phí phạm đất đai để dành riêng cho TĐSCTVN là điều khó thể gọi là chính đáng. Ngoài các nhu cầu vật chất như điện-đầy-đủ, nước-sạch-lành, đường-thông-thoáng, gường-bệnh-dư, thuốc-men-tốt, v.v., còn có các nhu cầu phi-vật-chất như luật-nghiêm-minh, công-chức-hầu-dân, v.v., mà tất cả đều vẫn còn là những nhu cầu trong mơ, thì việc làm ngơ không tập trung đáp ứng các nguyện vọng chính đáng hiện có này của dân, trong khi tập trung lo cho 5 hay 10 năm nữa con cháu Việt Nam có TĐSCTVN để – như lời một đại biểu quốc hội đã mạnh mồm phát biểu – “sáng ăn cơm Hà Nội, chiều ăn cơm Sài Gòn” là việc thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm, đáng thương hại, và thiếu cả văn hóa văn minh.

3- Chính Danh Hai Từ Góp Ý

Cái chứng bệnh “Thiếu Formal” (người viết bài này xin tạm sáng tạo ra từ “y học” là …Hypoformalremia tức … Crucial Formal-Lingual Deficiancy Syndrome, hay… Hội Chứng Khiếm Khuyết Nghiêm Trọng Ngôn Ngữ Formal) không những được thể hiện nơi cách dùng từ và kiểu ví von của vài đại biểu quốc hội mà còn nhan nhản ở các mục “góp ý” trên diễn đàn online, nơi có những kẻ chưa bao giờ nhìn thấy bậc thềm của cung điện hàn lâm lại gọi Bà Phạm Chi Lan là “bà già” nên “rụt rè”, không dám ủng hộ dự án TĐSCTVN. Góp ý hô hào ủng hộ việc vung tay vay mượn gánh nặng nợ nần cho một công trình đang không thiết thực khi Việt Nam đang chưa giàu, vẫn sẽ không thiết thực khi Việt Nam đã giàu, thậm chí không bao giờ thiết thực ngay cả lúc Việt Nam nằm trong danh sách đại siêu cường quốc, trong khi bản thân người góp ý chưa chắc đã thuộc hàng ngũ những người dân có đóng thuế thu nhập cá nhân, chỉ cho thấy một dự án lớn đang có nguy cơ chỉ được ủng hộ bởi một số rất ít những người có đầy đủ trình độ tư duy đúng đắn có tầm nhìn đúng, đủ, đầy, và đạt.

4- Quốc Nạn Dân Trí: Mất Độc Lập, Mất Tự Do, Mất Dân Chủ

Từ cách viện dẫn những con số có được từ các nước khác để minh chứng hùng hồn cho sự thành công sau này của Dự Án TĐSCTVN, chúng ta thấy trí hóa của những người đại diện cho cử tri đã không có sự độc lập, tự do, và dân chủ. Những con số của các nước sở dĩ có được nhờ nhiều yếu tố của Thiên, Địa và Nhân. Họ có bị thù trong, giặc ngoài bủa vây tứ phía như Việt Nam không? Người dân của họ tận tụy, lao động hiệu quả, trình độ chuyên môn đúng yêu cầu, tuân thủ luật pháp, có cách hành sử thích hợp văn minh nơi công cộng, và thậm chí như người Nhật một lòng một dạ thắt lưng buộc bụng răm rắp tuân theo yêu cầu của Chính phủ ngay cả khi Chính phủ không đúng. Người Việt Nam có được tất cả những đức tính cùng các điều kiện cần và đủ tương thích cho một môi trường văn minh, hiện đại, kỹ thuật cao chưa – đó là câu hỏi mà câu trả lời sẽ không bao giờ được nghe thấy do tính tế nhị và lịch sự của vấn đề. Một dự án cỏn con như tuyến cao tốc Trung Lương hay Cầu Cần Thơ còn bị nơi thì dân vô tư gở bỏ rào sắt chắn hai bên, nơi tự do xả rác vấy bẩn ngay từ ngày đầu khánh thành, thì liệu TĐSCTVN xuyên suốt Việt Nam ấy có sẽ bị những người dân có trí hóa chưa cao gở bỏ các thanh ray đinh ốc mà họ tin là được làm bằng kim loại quý hiếm rồi gây ra thảm họa tồi tệ nhất hành tinh hay không? Một dự án lớn như TĐSCTVN khó thể được xây dựng như một ưu tiên đặt trên cả việc đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất khác và nhất là xây dựng con người Việt Nam phù hợp. Sử dụng quyền dân chủ để tự do nêu các ý kiến chưa chắc của đa số cử tri lại dựa dẫm hoàn toàn vào số liệu vô hồn của nước ngoài thay vì nghiên cứu dày công trong nhiều ngày tháng với kết quả cụ thể được in ấn chỉnh chu thay vì cầm đôi ba tờ giấy đọc thì sao mà độc lập, khi dự án là gánh nặng thực sự của hiện tại và tương lai, có hiệu quả kinh tế mơ hồ trong tương lai, chỉ có hiệu quả thỏa mãn tâm l‎ý trong hiện tại, và không có trách nhiệm cả cá nhân và tập thể rõ nét với tương lai, e rằng đang hủy phá ý nghĩa cao vời của độc lập, tự do, và dân chủ trong tư duy nghiêm túc.

E) Kết Luận: Vì Dân & Vì Trí

Trong khái niệm vì dân, việc đầu tư cho TĐSCTVN là hoàn toàn đúng đắn; song, chỉ khi người dân Việt còn tồn tại thì việc đầu tư ấy mới có ý nghĩa. Và để bảo vệ hậu duệ Việt Nam được tồn tại, mọi sự đầu tư nên ưu tiên dồn cho an ninh quốc phòng, hiện đại hóa quân đội và xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh. Các khoản vay lớn mà người dân Việt có thể nhất trí cho con cháu ngày sau gánh nợ nên là các khoản vay dành cho hiện đại hóa quân đội, thậm chí ngay cả khi các khoản ấy từ Hoa Kỳ hay bất kỳ cường quốc nào – trừ Trung Quốc – và cho việc mua sắm khí tài quân sự của Hoa Kỳ hay bất kỳ cường quốc nào – trừ Trung Quốc. Đó mới chính là vì dân.

Còn khi trí được đưa ra làm nền tảng cho mọi kế sách, tất cả các tuyến cao tốc đều nên được loại trừ vĩnh viễn khỏi tất cả các kế sách quốc gia của Việt Nam, vì rằng đối với một đất nước triền miên đối phó với nguy cơ gây hấn từ một Trung Quốc bá quyền, việc thiết lập các tuyến cao tốc – kể cả đường bộ – đều cực kỳ nguy hiểm trường hợp có xảy ra xung đột vũ trang, như trường hợp Quốc Xã Hitler đã xua quân thần tốc chiếm các nước Châu Âu nhờ có các tuyến giao thông huyết mạch cao tốc đầy khoa học và thuận tiện của các quốc gia giàu có này. Chưa kể một khi vẫn chưa có “dân trí cao” và chưa có luật lệ hà khắc đối với vệ sinh dịch tể, an toàn y tế, thì TĐSCTVN sẽ chính là phương tiện giúp lây lan dịch bệnh trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong vòng võn vẹn vài tiếng đồng hồ. Sự đe dọa an ninh còn phải tính trong cả trường hợp hành khách đi xe lửa của TĐSCTVN không bị kiểm tra khám xét gắt gao về giấy tờ và hành lý như đối với hàng không nên không loại trừ sự tận dụng của bọn phá hoại hay bọn khủng bố. Chỉ cần trí để nhìn vấn đề thật toàn cục, người ta dễ dàng nhận ra rằng cái Việt Nam cần để có TĐSCTVN không phải là tiền mà là dân trí. Chưa có dân trí, chưa thể động đến những vấn đề kỹ thuật cao nào có tính xuyên suốt lãnh thổ quốc gia một cách vật chất cụ thể được (materially materialized throughout the country). Luôn định vị được quốc gia đang ở đâu trên bản đồ an toàn an ninh quốc phòng, không pha loãng với hoặc lẫn lộn với an toàn an ninh chính trị cùng an ninh kinh tế, chúng ta mới nhận ra được con đường đúng nhất phục vụ cho an ninh kinh tế trên nền an ninh chính trị, vốn thuộc các phạm trù hoàn toàn khác với an ninh quốc phòng.

Suy cho cùng, phân tích đúng đắn của Bà Phạm Chi Lan không chỉ đặt ra những khuyến cáo cho dự án TĐSCTVN mà còn vạch ra một chuẩn mực, theo đó từ nay tất cả các tranh luận góp ý công khai từ bất kỳ đại biểu quốc hội nào cũng nên được đặt trên nền tham khảo đúng, đủ, và đạt, để những người dân Việt không phải luôn có tâm trạng khắc khoải như của Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh trước những vấn đề mà lẽ ra đã có thể không cần thiết được đưa vào các chương trình nghị sự cấp quốc gia như của dự án TĐSCTVN.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Danh Mục Tham Khảo:

Bách Hợp, 2010. Mười Năm Nữa Hãy Bàn Tới Đường Sắt Cao Tốc. VNExpress: http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/06/3BA1C989/

Bách Hợp, 2010. Thiết Tha Mong Quốc Hội Chưa Thông Qua Dự Án Tàu Cao Tốc . VNExpress: http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/06/3BA1CB56/

Hoàng Hữu Phước, 2009. Đi Tắt Đón Đầu – Định Nghĩa Đầu Tiên. Emotino: http://www.emotino.com/m.php?p=17539

Hoàng Hữu Phước, 2010. Giao Thoa Ngôn Ngữ Việt-Anh Và Thực Chất Vấn Đề Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt.  Tham luận tại Hội Thảo Khoa Học Toàn Quốc “Phát Triển Và Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt Trong Thời Kỳ Hội Nhập Quốc Tế Hiện Nay”.

Hoàng Hữu Phước, 2010. Nền Cũ Lâu Đài Bóng Tịch Dương – Luận Về Bảo Tồn & Bảo Tàng. Emotino:  http://www.emotino.com/m.php?p=18604

Hoàng Hữu Phước, 2010. Sự Thật Về Sức Mạnh Kinh Tế Thần Kỳ Của Nhật Bản & Chân Giá Trị Của Sức Mạnh Kinh Tế Thần Kỳ Của Việt Nam. Emotino:  http://www.emotino.com/m.php?p=18358

Phùng Kha – Thế Huỳnh. Làm Càng Sớm, Rủi Ro Càng Cao. Báo Người Lao Động số 5069 ngày 06/6/2010, trang 3.

*********

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

Truyện Cổ Tích  09-11-2018

Nhân Tài Ư? Thật Hỡi Ơi!  20-4-2014

Tất Thành Than  14-5-2018

Đặc Khu Kinh Tế  01-10-2018

Nhà Hát Thủ Thiêm    30-10-2018

Grab  16-11-2018

Grab Taxi  13-4-2018

Both comments and trackbacks are currently closed.