Ngày Nhà Giáo Việt Nam

Hoàng Hữu Phước, MIB, Cựu Giảng Viên Anh Văn

20-11-2018

Ngay Nha Giao

Hôm nay là Ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Tôi cho rằng có hai vấn nạn về Nhà Giáo Việt Nam, đó là đối với sự than thở công khai kèm nước mắt của rất nhiều “nhà giáo” và đối với câu bùa mê thuốc lú của “một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy”.

Vấn nạn thứ nhất đã được phân tích trong bài Lời Khuyên Dành Cho Nhà Giáo Việt Nam.

Vấn nạn thứ nhì thì cần phải biết rằng tác giả của câu “một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy” đích thị là một ông thầy đồ bất tài vô hạnh sống ký sinh nào đó thời xa xưa đã chế ra để (a) đe dọa trấn áp đè bẹp học trò và cha mẹ học trò dưới gánh nặng thọ ơn phải đền ơn, và (b) tự tôn vinh nghề nghiệp của chính mình.

Là người học trò công, chính, liêm, minh, hiếu, dũng, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, biết rõ tầm quan trọng vời vợi của Tam Cương, tôi khẳng định chỉ có “người dạy học” nào có hội đủ (a) trí tuệ uyên bác uyên thâm; (b) phong cách sống trong đời riêng và trong “dạy học” lồ lộ rạng ngời đạo đức, đạo hạnh, đạo nghĩa, trách nhiệm, lương tâm chức nghiệp; và (c) thực sự ảnh hưởng tác động nơi tôi để tôi xây dựng thành công được nơi tôi đầy đủ tất cả hai điều ab của “người dạy học” ấy cũng như giúp tôi trở nên xuất sắc tương tự hoặc xuất sắc hơn các “người dạy học” ấy đối với bộ môn họ giảng dạy, thì tôi mới xem “người dạy học” ấy là Thầy/Cô.

Và tất cả người học trò nào hội đủ tất cả hai điều ab của Thầy/Cô của mình đều luôn có thể viết về Thầy/Cô ấy với lòng chân thiết nhất, viết về những ơn sâu nghĩa nặng cụ thể nhất nào của Thầy/Cô, và viết thể hiện điển hình nhất qua chính bản thân mình trước nhân gian về những thành quả của bản thân trong phục vụ nhân gian.

Thế nhưng, ở Việt Nam có hai vấn nạn sau:

1) Biết bao người viết (hàng năm khi tới ngày Nhà Giáo Việt Nam để gởi đăng báo hay gởi báo đăng) ngợi ca “thầy/cô” nào đó của họ với lời lẽ thắm đượm bao ơn sâu nghĩa nặng dành cho “thầy/cô”, thậm chí nếu phải nêu “cụ thể” thì họ bó tay bó chân chỉ có thể nêu cái gì đó kỳ quái chẳng hạn như “thầy ấy cho ở trọ miễn phí”, hoặc “thầy ấy kiên trì một cách đầy cảm động đi vòng quanh lớp trong 30 phút kiên nhẫn một cách tận tình đáng nể chờ chúng tôi nhớ cho được chữ family có nghĩa là gia đình mới thôi”, v.v.; mà cái hiển nhiên nhất là người có bài viết được báo đăng là một nobody nghĩa là một người chẳng có điều a, không có điều b, và nào có điều c để trở nên người có ích thục tế bất kỳ gì cho cộng đồng xã hội từ hai cái thí dụ cụ thể “ở trọ” và “đi lòng vòng 30 phút dạy một chữ” của bậc “thầy/cô” ấy cả.

2) Vì đa số các “thầy/cô” không có cả hai điều ab nêu trên, học sinh không thể có điều c, nên xã hội Việt Nam ngày nay xảy ra vấn nạn bất kính “thầy/cô” khiến rộ lên bao việc đau lòng chốn học đường.

Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam, tôi khẳng định chỉ xem Cử Nhân Văn Học  Nguyễn Quang Tô,  Cử Nhân Vạn Vật Học Trần Đông Bá, và Cử Nhân Văn Học Phạm Văn Nghinh ở Trường Trung Học Nguyễn Bá Tòng Gia Định; và Tiến Sĩ Trương Tuyết Anh, Tiến Sĩ Lê Văn Diệm, Tiến Sĩ Vũ Thị Thu, Tiến Sĩ Nguyễn Thị Dần, và Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hùng ở Khoa Anh Văn Đại Học Văn Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh là “Thầy/Cô” của mình. Kỳ dư, tôi chẳng bao giờ xem bất kỳ ai khác là “Thầy/Cô” cả, nên bất kỳ ai khác khoe rằng đã là “Thầy/Cô” của Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước nhưng lại không ngợi khen ngợi ca “cậu học trò” Hoàng Hữu Phước thì đó dứt khoát là sự mạo nhận, giả trá, lưu manh mạt hạng của bọn đần độn “thấy sang băt quàng làm họ“.

Ngay cả với nội dung “một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy”, thì tôi cũng khẳng định người dạy tôi “nửa chữ” hay “một chữ” ấy được tôi xem như “Thầy/Cô” của mình chỉ khi nào người ấy có cả ba phạm trù a, b, và c ở trên, như trường hợp Tiến Sĩ Ngô Thị Phương Thiện.

Là người học trò công, chính, liêm, minh, hiếu, dũng, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, biết rõ tầm quan trọng vời vợi của Tam Cương, tôi may mắn hội đủ cả ba điều a, b, và c nhờ thọ giáo 8 bậc kỳ tài bậc nhất và đạo đức bậc nhất – nếu không nói là duy nhất của – Việt Nam, cũng như thọ giáo một vị “một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy” xuất chúng.

Là người học trò công, chính, liêm, minh, hiếu, dũng, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, biết rõ tầm quan trọng vời vợi của Tam Cương, lại hội đủ cả ba điều a, b, và c để trở thành nhà giáo công, chính, liêm, minh, hiếu, dũng, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, biết rõ tầm quan trọng vời vợi của Tam Cương, tôi đã truyền lưu hậu duệ của mình nội dung ba điều ấy nên các hậu duệ trong gia đình giòng họ tôi không bao giờ gọi những “người dạy học” không những không có 3 điều trên mà lại còn vòi vĩnh quà cáp hậu hĩ  Ngày Nhà Giáo, ngày lễ Tết, nhất là vào thời gian sắp thi tốt nghiệp đại học, là “Thầy/Cô”.

Kính đội ơn Thầy/Cô.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Cựu Giảng Viên Anh Văn tại Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh/Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội Thành Phố Hồ Chí Minh/Trường Sinh Ngữ Số 1 – Sở Giáo Dục Thành Phố Hồ Chí Minh/Trung Tâm Nghiên Cứu & Dịch Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh/Trung Tâm Điều Phối Đại Học Michigan Hoa Kỳ Thành Phố Hồ Chí Minh/Trường Ngoại Ngữ &Tin Học Khai Minh FOSCO Thành Phố Hồ Chí Minh

Tham khảo:

A) Thầy Cô Kính Yêu Của Hoàng Hữu Phước:

Thầy Nguyễn Quang Tô   25-11-2011

Cô Trương Tuyết Anh  2005

Thầy Lê Văn Diệm  2005

Cô Vũ Thị Thu  07-5-2018

Thầy Nguyễn Tiến Hùng 26-12-2015

B) Một Chữ Cũng Thầy:

Cô Ngô Thị Phương Thiện  21-5-2018

C) Trò Xuất Sắc Và Đạo Hạnh Vì Có Thầy Cô Xuất Sắc Và Đạo Hạnh:

Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước  25-11-2017

Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai  09-4-2015

Lời Khuyên Dành Cho Nhà Giáo Việt Nam  07-9-2012

Lời Khuyên Dành Cho Học Sinh Việt Nam  02-10-2014

Lời Khuyên Dành Cho Du Học Sinh Việt Nam  22-10-2015

Trách Nhiệm Đối Với Sinh Mạng Người Dân – Tầm Nhìn Và Sự Chính Trực Của Một Nhà Ái Quốc   23-9-2012

Both comments and trackbacks are currently closed.