Hoàng Hữu Phước Và Cà Phê

Hoàng Hữu Phước, MIB

24-02-2019 

                         Mục Lục

Tôi Và Đặng Lê Nguyên Vũ (2019)

Bài 1: Cà Phê Việt Nam: Vấn Đề Thiếu Tâm và Thiếu Tầm (2011)

Bài 2: Cà Phê : Goût và Hùi Hụi (2010)

Bài 3: Cà Phê : Một Chuyện Nhỏ và Hai Chuyện Lớn (2009)

Bài 4: Cà Phê : Còn Đó Nỗi Buồn (2011)

Bài 5: Cà Phê (2008)

Bài 6: Cà Phê và … (2008)


Dẫn Nhập: Tôi Và Ông Cà Phê Trung Nguyên

Sau nhiều năm viết hàng trăm bài bằng tiếng Anh tại blog của tôi tên Aspiration trên nền Yahoo!3600  tôi bắt đầu chuyển sang viết blog tiếng Việt tại Emotino năm 2008 khi Yahoo!3600đóng cửa để thay bằng Yahoo!Mesh mà tôi viết bài chót bằng tiếng Anh mắng chủ nhân Yahoo! là đồ ngu, thấu thị luôn sự sụp đổ hoàn toàn của cái Yahoo!Mesh.

Viết tiếng Anh vì đó luôn là sở trường của bất kỳ ai đã thực sự học giỏi tiếng Anh và sau đó đã thực sự dạy giỏi tiếng Anh. Kẻ nào không thể viết blog ra hồn bằng tiếng Anh thì các bạn đừng bao giờ tin đó là người đã học giỏi tiếng Anh và đang dạy giỏi tiếng Anh bất kể y hay thị có bằng cấp Tiến Sĩ của một siêu cường, đang giảng dạy tại đại học nhớn, và có đang là hiệu trưởng cái đại học tầm cỡ nhớn nha nhớn nhác ấy.

Viết tiếng Việt vì hai lý do gồm (a) Thầy giáo Hoàng Hữu Phước là người đầu tiên và duy nhất trên Trái Đất luôn phán rằng muốn giỏi ngoại ngữ phải trước hết thật giỏi tiếng “mẹ đẻ” nên phải chứng minh bàn thân có thực sự đã giỏi tiếng Việt, và (b) hơn ai hết Thầy giáo Hoàng Hữu Phước với kinh nghiệm một nạn nhân của sự ganh tỵ đố kỵ tại những “trường học cấp cao” tại chính trên xứ sở của mình nên biết quá rõ rằng cái cách làm cho “chúng ghét” hiệu quả nhất là cứ hãy nói giỏi và viết giỏi tiếng Anh giữa cộng đồng người Việt mà độc giả báo mạng Việt toàn là người Việt – dù có khi có cả những nhân viên tình báo CIA Mỹ cũng nhận lương Nhà Nước Mỹ để làm độc giả trung thành của blog tiếng Việt từ nước Việt.

Thế thì Emotino là gì? Đó là trang mạng của giới doanh chủ Việt Nam. Doanh chủ là chủ doanh nghiệp hoặc trong ban lãnh đạo doanh nghiệp. Và các “blogger” đều là doanh chủ. Emotino không phải trang mạng dành cho giới doanh nhân không ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp; tuy nhiên điều này không cấm nhiều người Việt nào có thói quen hễ thấy lề đường có chỗ trống hoặc đường ô tô hay cao tốc ngay cả ở trên không trung hay không gian có chố trống là cứ thế mà phóng xe máy hai bánh chạy lướt phooon phoooon cùng “tham gia giao thông” cho vui theo đúng từ ngữ của chính quyền, nên có lần một cô gái (qua hình chụp tự giới thiệu dung nhan) là nhân viên kinh doanh của nhãn hàng nọ cũng nhảy vào Emotino để mở tài khoản đăng hình của và báo giá cho quần lót phái nam mà cô gọi là “nội y cao cấp cho lãnh đạo nam cấp cao” mà tôi thắc mắc không rõ phải chăng cái “nội y” ấy mặc tròng bên ngoài quần tây cho thiên hạ biết nam lãnh đạo ấy là cao cấp.

Emotino có tổ chức sinh hoạt hàng tuần bên ly cà phê sáng. Tôi không bao giờ có mặt tại các buổi “mạn đàm” (tức đàm thoại bên tách trà mạn) ấy vì tôi nghiện cà phê chứ không nghiện trà. Nhưng những hình ảnh mỗi buổi sinh hoạt trên mạng cho thấy luôn có sự tham dự của một nhân vật: đó là chủ nhân của Cà Phê Trung Nguyên.

Đoạn dẫn nhập này để khẳng định nhóm chữ “Tôi và Ông Trung Nguyên” không hề mang ý nghĩa rằng Ông Trung Nguyên đã từng có diễm phúc được gặp tôi tại các buổi họp mặt cuối tuần tại Emotino dù sau này tại Quốc Hội tôi – và chán vạn người – thường xuyên nhận được các sách báo do Ông gởi tặng với thánh ý thiện tâm sẻ chia kho tàng tri thức của Ông cùng tôi – và chán vạn người quanh tôi.

Hôm nay có nhân viên hỏi tôi về nhân vật Đỗ Cao Bảo của FPT. Khi biết cái ông Bảo ấy bảo rằng “đừng ai bình luận, phán xét, khen hay chê Đặng Lê Nguyên Vũ”  và ông Bảo cũng bảo rằng “đúng là Đặng Lê Nguyên Vũ không ở trong thế giới của chúng ta”, tôi muốn bảo ông Bảo rằng lời khẳng định trên của ông cho thấy ông “đồng bệnh tương lân” nghĩa là ông cũng ở trong cùng cái thế giới gì gì đó của ông Vũ nên ông mới biết rõ nó không là của phần còn lại của nhân loại, và tôi cũng muốn bảo ông Bảo rằng thế thì nhiều năm trước ở cái FPT của ông nếu có ai tham gia chọi đá tôi về vụ “Luật Biểu Tình thì ông Bảo có đã bảo tập thể FPT của ông rằng “đừng ai bình luận, phán xét, khen hay chê Hoàng Hữu Phước” vì “đúng là Hoàng Hữu Phước không ở trong thế giới của chúng ta” không? Nếu ông có đã nói như thế, tôi rất yên tâm bảo nhân viên tôi bảo nhân viên ông Bảo rằng tôi bảo ông Bảo là “ông Bảo”. Nếu ông đã không nói như thế, tôi hết sức yên tâm bảo nhân viên tôi bảo nhân viên ông Bảo rằng tôi bảo ông Bảo là “thằng Bảo”.

Dưới đây là vài bài viết tôi đã đăng trên Emotino để bình luận, phán xét, chê bai Đặng Lê Nguyên Vũ ngay trong thời gian Đặng Lê Nguyên Vũ sinh hoạt viết lách trên Emotino. Cần nói rõ ở đây là tôi đã chưa hề bình luận, phán xét, chê bai Đặng Lê Nguyên Vũ về khía cạnh con người ông ấy trong đời tư gia đình ông ấy, mà tôi chỉ bình luận, phán xét, chê bai tâm thế trần tục của ông ta đối với thương trường, vài sản phẩm trần tục của ông ta trên thị trường, và vài chiêu thức cạnh tranh trần tục của ông ta trên chiến trường. Tôi, người chiến sĩ hiện thân của tự do báo chí đoan chính, tự do ngôn luận đoan chính, và nhân quyền đoan chính tức quyền làm người đoan chính, chỉ muốn chứng minh rằng việc bình luận, phán xét, hay chê bai hoàn toàn không là đặc quyền của bọn sử dụng không gian mạng để tấn công Nghị sĩ Thạc sĩ Hoàng Hữu Phước như cách mà báo chí chính thống nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã từng phụ họa, sách động, kề vai sát cánh cùng bọn ấy để cùng nhau tru hú khi trăng tròn vằng vặc nhú mọc đỉnh non cao.

Bài 1: Tâm Và Tầm Của Đặng Lê Nguyên Vũ

Cà Phê Việt Nam: Vấn Đề Thiếu Tâm và Thiếu Tầm

Hoàng Hữu Phước, MIB

20-7-2011

(Bài đăng ngày 20-7-2011 tại http://www.emotino.com/bai-viet/19195/ca-phe-viet-nam-van-de-thieu-tam-va. Mạng Doanh Nhân Emotino đã ngưng hoạt động sau vụ “Luật Biểu Tình” và “Tứ Đại Ngu” 2012)

Năm 2009:

Ngày 22 Tháng 01 Năm 2009 trong bài Cà Phê – Một Chuyện Nhỏ Và Hai Chuyện Lớn đăng trên Emotino, tôi có viết về Trung Nguyên và Vinamilk:

…Thay vì tung tiền “xây” thiên đường cà phê hay “tặng” hàng triệu ly sữa từ tiền lời có được do khai thác “thời cơ” cái khổ ải nghèo bấn của nông dân, họ có thể dùng số tiền ấy biến nông dân thành “người” của họ, hàng tháng có thu nhập cố định, còn nguyên liệu “cống nạp” cho họ theo tỷ lệ và thời giá xuống hay lên, để họ chiếm “thời cơ” thành đại gia thực thụ khi là chủ nhân nguồn nguyên liệu đầy ắp kho lẫm, thống lĩnh thương trường xuất khẩu và sản xuất nội địa, điều tiết giá cả giúp chính phủ ổn định kinh tế, còn họ hưởng lợi hoàn toàn và tuyệt đối khi tung hàng ra thị trường hải ngoại. Nếu như một công ty nước ngoài nào đó đột nhiên “tin tưởng tuyệt đối” vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thì họ với tài lực ghê gớm sẽ thực hiện việc trên để nắm nguồn nguyên liệu cà phê của Việt Nam một cách quá dễ dàng, và đừng nói chi tất cả các đại gia là nhà sản xuất cà phê thành phẩm của Việt Nam mà ngay cả các nhà buôn nước ngoài khác cũng sẽ mua lại nguyên liệu cà phê Việt Nam từ công ty nước ngoài “nhìn xa trông rộng” ấy…

Năm 2011:

Tháng 6 Năm 2011 vị đại gia “xây thiên đường” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ trả lời phỏng vấn trên VTV nói đại ý rằng chính phủ phải làm gì đấy để trả lại sự công bằng cho doanh nghiệp xuất khẩu vì họ đầu tư cho nông dân vay để rồi công ty nước ngoài vào Việt Nam chẳng đầu tư gì hết mà lại tung tiền mua gom hết cà phê trực tiếp của nông dân khiến doanh nghiệp kinh doanh cà phê gặp khó khăn về nguồn hàng phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Ngày 20 Tháng 7 Năm 2011 một chức sắc ngành cà phê trả lời phỏng vấn trên đài InfoTV nói rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lỡ k‎ý hợp đồng với giá thấp (sao lại thấp? hay tại nhờ chuyên mua rẻ mạt chèn ép nông dân?) với khách hàng nước ngoài nên bây giờ để giữ uy tín phải tìm đến các công ty nước ngoài ở Việt Nam để mua lại cà phê nguyên liệu với giá cao nhằm thực hiện cho bằng được các chuyến giao hàng.

Than Thở Của Người Viết:

Kinh doanh cà phê mà không có tâm với cà phê, vì nếu có tâm với cà phê ắt đã không xây thiên đường cà phê hay làm cái tách cà phê khổng lồ cẩu bằng trực thăng để ghi vào Kỹ Lục Guiness rồi đổ bỏ khiến cây cỏ “phê” không thể mọc được, mà thay vào đó quan tâm đến những người trồng nên cà phê, chăm lo giúp họ làm giàu từ công sức canh tác của họ – cũng như nếu thực sự yêu một cô gái thì phải chăm sóc cha mẹ của cô gái ấy mới đúng là có cái tâm đúng của đấng nam nhi đoan chính, có tâm thiện và có giáo dục.

Kinh doanh cà phê mà không có tầm nhìn dành cho cà phê, vì nếu có tầm nhìn với cà phê ắt đã biết cà phê là thứ hàng quý hiếm để đầu tư xây dựng chuỗi silo làm kho lẫm lưu trữ cà phê trước khi cà phê rơi vào tay người khác – cũng như nếu thực sự yêu một cô gái thì phải biết cô gái ấy hấp dẫn đối với bao người để chăm sóc cô gái ấy thật nhiều để cô gái ấy không hướng về sự chăm sóc đeo bám của những chàng trai lịch lãm lịch sự khác.

Mọi sự trên đời đều đơn giản như thế, cái sự đời là thế, và chỉ cần sống theo thế là anh đại gia cà phê đã giữ được nàng cà phê đen tuyền kiều diễm mà không phải phát biểu với chính phủ kiểu em bé khóc nhè méc mẹ mách cha như thế.

Từ 01-2009 đến 7-2011 = Hai năm sáu tháng = 30 tháng.

Đó là khoảng thời gian mà tác giả bài viết này “thấu thị” những hoàn cảnh bi hài chắc chắn sẽ đến với đại gia cà phê nói riêng và ngành cà phê Việt Nam nói chung.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú bổ sung tháng 02-2019: Từ 01-2009 đến 02-2019 = 10 năm = 120 tháng: Thiên Đường Cà Phê vẫn chưa hình thành dù một tiểu đoàn kiến trúc sư da trắng đã đổ bộ vào Việt Nam để hình thành bản vẻ cái khách sạn hay cái nhà nghỉ gì đấy mang tên “Thiên Đường Cà Phê”. Hoàng Hữu Phước đã thấu thị quá đúng về số phận của cái thiên đường vớ vẩn ấy.

Bài 2: Cách Đặt Tên Sản Phẩm Và Quảng Cáo Sản Phẩm Của Trung Nguyên

Cà Phê: Goût và Hùi Hụi

Hoàng Hữu Phước, MIB

09-02-2010

(bài đăng lúc 13g54 ngày 09-02-2010 tại http://www.emotino.com/bai-viet/18417/ca-phe-got-va-hui. Emotino đã ngưng hoạt động sau vụ “Luật Biểu Tình” và “Tứ Đại Ngu”)

                   Mục Lục Bài 2

1) Dẫn Nhập Về Goût

2) Goût Giang Hồ: Goût Khống Chế và Khống Chế Goût

3) Sự Nhanh Nhạy Về Goût Của Các Nhà Sản Xuất Nội

4) Sự Nhanh Nhạy Về Goût Của Các Nhà Sản Xuất Ngoại

5) Cái Hùi Hụi Về Goût Của Một Đại Gia Nội

6) Kết Luận

1) Dẫn Nhập Về Goût

Cách nay vài tháng, khi đến thăm Tiến sĩ Trần Quí Thanh, chủ nhân của Tân Hiệp Phát, tôi được Tiến sĩ Thanh mời dùng thử một sản phẩm mới chưa được tung ra thị trường, và hỏi thăm nhận xét của tôi đối với sản phẩm mới toanh này, đó là chai cà phê nhãn hiệu VIP. Với sự thích thú, tôi nói rằng sản phẩm này sẽ đáp ứng đúng yêu cầu của người tiêu dùng chính vì nó có độ ngọt nhẹ, thích hợp với nhu cầu giải khát khi được ướp lạnh – vì sự ngọt gắt sẽ chỉ làm gia tăng cơn khát và mức đường huyết một cách không cần thiết. Sản phẩm mới này của Tân Hiệp Phát giúp gia tăng nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, từ đó phát sinh nhiều “gu” mới lạ cho những vì vua trong thế giới khách hàng VIP. Song, “gu” là gì?

Gu Là Gì?

Trong 4 bài viết về cà phê trên Emotino tôi đã tránh dùng chữ “gu” vì không muốn lập lại từ ngữ quảng cáo tầm phào của đại gia cà phê Trung Nguyên. Nhưng nay thấy chính đại gia ấy đã “ngộ” ra ‎gần đúng ý nghĩa của “gu” trong thương trường nên tôi viết thêm bài này về cà phê – vì rằng cà phê không phải là thức uống duy nhất có giá trị trên đời hay lâu dài trong đời so với nước suối và …nước đun sôi để nguội, và rằng ngay cả uống cà phê năm bảy chục ly mỗi ngày (số lượng như vậy mới đúng là nghiện cà phê, chứ hai ba ly thì nào phải tín đồ cà phê giáo) riết cũng ngán, huống gì đọc hoài mấy bài hoặc ca ngợi cà phê hoặc coi cà phê là chuyện tầm phào chẳng có gì mà ầm ỉ. Trước khi biện luận tràng giang đại hải về cái chuyện nhà sản xuất hăm hở hiếu chiến về cà phê, ôm lấy cái “gu” của mình mà áp đặt thương trường, nay đã riu ríu chấp nhận “chịu đâu vào đấy”, nhưng vẫn tiếc hùi hụi trước kiểu đại gia ấy bung ra trong lồng nhỏ, tôi xin chêm một chú thích nhỏ: chữ “gu” mà người Việt hay dùng xuẩt phát từ tiếng Tây là “goût”, một kiểu nói mà nhiều người Việt thời Pháp thuộc có thói quen dùng kèm với tiếng Việt, chẳng hạn: “để moa nói cho toa nghe chuyện này nhé: lão ấy có cái gu ăn kem dùng đũa hay nĩa chứ không dùng cùi-dìa” (tức là: để tôi nói cho anh biết chuyện này nhé: lão ấy có sở thích ăn kem dùng đũa hoặc chỉa ba chứ không dùng muỗng/thìa).

2) Hành Sử Giang Hồ: Goût Khống Chế và Khống Chế Goût

“Gu” luôn có sau hàng hóa và “gu” luôn mang đậm dấu ấn cá nhân. Phở phải có trước rồi mới có “gu” ăn phở bò, phở gà, phở lợn, phở chay, phở có đủ thứ rau, phở có đủ thứ trừ rau, phở có nước trong, và phở có nước béo – gu của tôi là ăn phở phải bỏ vào trong tô phở vài cục nước đá vì tôi ghét ăn món ăn nào nóng sốt (y học gần đây có khuyến cáo ăn đồ nhiệt độ cao hơn thân nhiệt dễ dẫn đến nguy cơ ung thư vòm họng). Cà phê phải có trước rồi mới có “gu”: người thích uống cà phê “phin”, người thích uống cà phê pha trong vợt vải, người thích uống cà phê hòa tan – còn “gu” của tôi là uống cà phê đen đá bất kỳ miễn đừng để tôi thấy bản mặt của mấy cái “phin”(tức percolator), tiệm không được để tôi phải chờ đợi lâu hơn hai phút (nếu tiệm “pha vợt” lâu thì phục vụ ngay trước cho tôi một ly cà phê loại ba-trong-một hay một lon cà phê ướp lạnh hoặc một chai cà phê trong khi chờ đợi). Khi pha vợt xong thì không cho đường, không thêm sữa, nhưng có pha chung với nước trà đậm đặc đã pha trước trong ly cối đầy nước đá bào, và khi tôi bắt đầu uống thì họ phải bắt đầu bày thêm trước mặt tôi bánh kẹo cùng một ly sô-đa chanh không đường để tôi uống tráng miệng sau khi nốc hết ly cối cà phê đậm pha trà đặc ấy; trong khi cái “gu” của con cháu tôi là … “tuyệt đối nói không với cà phê là thức uống sinh ra…mụn”. Đại gia Trung Nguyên khoe rang cà phê bằng phương pháp “bí truyền” nào đấy rồi quảng cáo là uống cà phê thế mới đúng “gu” – hóa ra khống chế mọi người, ai mà uống cà phê khác với cái ổng gọi là “gu” là sai “gu” và coi thường thiên hạ có các công thức bí truyền cấp thấp hơn sao? Đại gia cà phê còn có đội quân tiếp thị thời trung cổ nguyên sơ khi mọi rợ hiếu chiến sấn sổ nhào vô khu vực bán hàng của đối thủ cạnh tranh để mời khách hàng của người ta uống thử hàng mình rồi phỏng vấn lấy ý kiến khen hàng mình ngon hơn hẳn người ta mới chịu rút quân về viết bài khoe thành tích trên báo – hóa ra sau khi chế ra một “Goût Khống Chế” họ ra tay làm chuyện “Khống Chế Goût” hay sao? May mà ông ta dần nhận ra các chân l‎ý đơn giản mà bất kỳ doanh nhân thực thụ nào cũng nắm biết trước khi dấn thân vào thương trường là phải tạo nhiều sản phẩm tốt và hấp dẫn để người tiêu dùng sử dụng, ưa thích, hình thành nhiều…“gu”, rồi khi thấy đối thủ cạnh tranh có hàng tương tự, mình phải sản xuất nhiều sản phẩm mới khác hầu thay đổi “gu” của khách hàng. Đối với “gu”, không bao giờ có kiểu áp đặt giang hồ . “Gu” là sở thích của từng cá nhân, có thể giống nhau hoặc khác nhau; “gu” thay đổi theo cơ địa hoặc tình hình đổi thay của sức khỏe cá nhân khách hàng; và cũng y như sở thích thời trang, “gu” thay đổi theo thời gian. Người có nhiều thời gian nhàn rỗi, hay không có gì để làm, hoặc không biết phải làm gì, hoặc không thiết làm gì cả, sẽ thấy rất bình thường khi ngồi rung đùi đến hơn 15 phút nhìn từng giọt cà phê rơi lỏn tỏn từ chiếc “phin” cho đến hết tức lúc mức cà phê lên cao từ 1 cm hay 2 cm từ đáy ly tức nhấp khoảng võn vẹn ba cùi-dìa là hết sạch, có khi “phin” bị nghẽn mạch phải lấy “cùi dìa” chà…đít và có chén nước nóng hy vọng giữ ấm cho ly cà phê “phin” đã nguội ngắt sau ngần ấy thời gian đợi chờ tỏn tỏn. Người có công việc năng động thú vị, tham công tiếc việc, sống kiểu “biết nhàn là đã nhàn rồi, cớ gì phải chờ đến lúc nhàn mới là nhàn – tri nhàn, tiện nhàn; đãi nhàn, hà thời nhàn” thấy thời giờ qu‎ý hơn cả kim cương, muốn dùng thời gian có ích hơn cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng, sẽ thấy thật tuyệt vời nếu có các gói cà phê 3-trong-1 trong tầm tay, và trên cả tuyệt vời khi có sẵn các lon hay chai cà phê trong tủ lạnh ở cạnh đấy trong tầm tay.

3) Sự Nhanh Nhạy Về Goût Của Các Nhà Sản Xuất Nội

Từ năm trước tôi đã được vài học trò cũ và vài học trò…online (có ba bạn đọc Emotino gồm hai vị đang học tiến sĩ ở Singapore và một nhà báo gởi email xin được gọi tôi là…Thầy), nhân viên cũ hay nhân viên mới, bạn cũ hay bạn mới, ở nước ngoài hay ở nước trong – và như Cô Lại Thu Trúc có khéo nêu trong bài viết gần đây của Cô (tựa đề “Thầy Nào Trò Đó”), những món quà ấy phải là sản phẩm mới, sản phẩm được tôi ưa thích, và sản phẩm ấy phải ở mức giá không trên mức tình cảm để tôi còn giữ được tiếng thanh liêm – gởi tặng trà và cà phê đa số là hàng nội địa, chỉ có rượu là…ngoại. Ngoài cà phê hút chân không Linh’s Coffee hương vị hazelnut độc đáo mà tôi hết lời ngợi khen trong một bài viết trước đây trên Emotino (Linh’s Coffee nay ghi địa chỉ ở TP Hồ Chí Minh thay vì ở Lâm Đồng), còn có các hộp cà phê hiệu Kafé-Kafé hương thơm Vanilla, Kem Ái Nhĩ Lan, Mocha, và Original tuyệt diệu, đặc biệt là phía sau hộp Kafé-Kafé có hình ảnh các cô gái xinh như mộng cười tươi nâng cốc cà phê. Trên bao bì có ghi đơn vị sản xuất là Top Choice Foods International ở Củ Chi. Nếu như Linh’s Coffee thuộc loại cà phê rang xay nhuyễn dùng pha “phin” (tôi không thích “phin” tỏn tỏn nên ở nhà tự chế ra một cái vợt vải để pha Linh’s Coffee, theo kiểu Ông Ngoại tôi, người xem thường các “phin”, xưa kia hay tự pha như thế) thì Kafé-Kafé là loại 3-trong-1 vô cùng thơm ngon.

Tôi cũng nhận được các hộp cà phê loại 2-trong-1 và 3-trong-1 hiệu Café Rock của nhà sản xuất Cao Nguyên Xanh (Green Highland International) cũng ở Củ Chi, gồm bốn loại Traditional, Instant Coffee, LatéCappuccino. Tôi chưa dùng vì nhiều quá, định để chưng Tết Canh Dần này cho hoành tráng, nhưng chắc hiệu nào cũng thơm ngon ngây ngất vì tất cả cùng chung nguồn gốc cà phê thượng hạng Việt Nam nhà.

Tất cả đã góp phần làm giàu thêm tính đa dạng của các sản phẩm nội địa trên nền nguồn nguyên liệu cà phê chất lượng của Việt Nam.

4) Sự Nhanh Nhạy Về Goût Của Các Nhà Sản Xuất Ngoại

Trong khi đó, tại những xứ miền của văn minh tiên tiến bấy lâu nay chỉ chú trọng sản xuất cà phê decaf tức cà phê uống có hậu chua chua do đã bị loại bỏ chất caffein (decafeinated) nhằm bảo vệ tim mạch của người tiêu dùng, người ta phát hiện những hậu duệ đông đúc của “họa da vàng” vốn chiếm đa số nhân loại lại sính uống cà phê pha “phin” nên cũng nhanh tay sản xuất cà-phê pha “phin”, chỉ khác một điều là họ có khoa học tiến bộ, công nghệ hiện đại, và sáng tạo thực thụ (khác với sáng tạo tửng tửng thăng hoa) nên chế luôn loại “phin” giấy cực kỳ tiện dụng, thay vì phải dùng “phin” nhôm vừa có hại cho sức khỏe, vừa bất tiện trong pha chế, vừa bất hợp pháp khi thải bỏ bã cà phê xuống ống thoát nước của bồn rửa chén. Những sản phẩm ấy được quảng cáo là cà phê rang xay 100% loại Arabica, đã decaf, và chứa trong túi giấy lọc đặc biệt, chỉ cần bỏ túi vào tách hay bình nước sôi (tùy túi nhỏ hay lớn) là có thức uống cà phê hương vị đậm đà hơn loại cà phê hòa tan. Đây là sản phẩm của các hãng cung ứng chủ lực cho các hệ thống khách sạn nhà hàng hạng sang trên thế giới.

5) Ba Cái Hùi Hụi Về Goût Của Một Đại Gia Nội

Trong các bài viết về Cà phê của tôi trên Emotino, tôi có nêu hiện tượng các nhà sản xuất cà phê hạng đại gia ở Việt Nam hoặc chạy theo khuôn cổ lổ chỉ chế cà phê rang xay đựng trong hộp lớn hay bao to để người tiêu dùng pha “phin” (thậm chí có khi kèm quà tặng là một “phin” cà phê móp méo do làm bằng một thứ hợp kim nhôm rẻ tiền mỏng dính) mà chỉ cần dùng không nhanh là cả hộp hay cả bao cà phê bị vón cục, mất hương vị, phải vứt đi; hoặc bo bo kiêu hãnh với một cái “gu” của mình với ảo tưởng toàn dân Việt Nam phải chung dùng và thế giới phải dùng chung; hoặc đầu tư vào những công trình hoang tưởng chẳng-dính-dáng-gì-đến-phát-triển-ngành-cà-phê-dù-có-hai-chữ-cà-phê. Tôi cũng đóng góp ý kiến rằng Việt Nam ta nên lấn sân sản xuất thứ cà phê decaf đáp ứng nhu cầu rất lớn của thế giới đối trọng của Phương Đông. Song, nay thì thế giới Phương Tây đã sản xuất cà phê rang xay để dùng pha “phin” bắt chước Phương Đông để phục vụ cho đa số dân Phương Đông sống tại Phương Tây, đồng thời chào sân dân Phương Tây một cách dùng cà phê mới theo cách Phương Đông để tạo nên một “gu” mới ở Phương Tây – và có khi bán ngược lại Phương Đông, trước nhất là tại các khách sạn nhà hàng sang trọng của các tập đoàn Phương Tây xây tại Phương Đông và các đại siêu thị Phương Tây xây ở Phương Đông cũng như giới giàu sang qu‎ý phái trẻ trung thời thượng ở Phương Đông. Nhưng điều đáng mừng là Việt Nam nay đã có Kafé-Kafé, Rock Café, v.v., sản xuất nhiều chủng loại cà phê hòa tan có nhiều hương vị độc đáo y như ở phương Tây; hay Linh’s Coffee sản xuất cà phê rang xay để pha “phin” nhưng với hương hazelnut sáng tạo dù vẫn còn trong bao bì lớn chưa có túi giấy lọc; tất cả đã và đang góp phần vào việc gia tăng các loại sản phẩm theo phương thức bài bản giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn ngay tại Việt Nam và hình thành các “gu” sành điệu mới như một cách “giành giật” khách hàng đầy hoa mỹ, lịch sự, đẳng cấp chuyên nghiệp cao với giá trị cộng thêm.

Song, tôi lấy làm tiếc hùi hụi khi lại là đại gia Trung Nguyên mới đây đã tổ chức buổi lễ hoành tráng với sự tham dự của các qu‎ý bà thanh lịch để ra mắt sản phẩm cà phê nhãn hiệu Passiona. Trong bài về rượu Pernod trên Emotino, tôi tuy có viết Pernod là rượu nhẹ tuyệt hảo dành cho qu‎ý bà – do trước 1975 các bà lớn ở Sàigòn hay sành điệu gọi một ly nước cam vắt pha Pernod – nhưng chưa bao giờ nhà sản xuất Pernod Ricard lại dại dột ghi trên chai dòng chữ “Rượu dành cho Qu‎ý Bà” cả. Không ai tự trói mình trong ngành thực phẩm bằng cách ghi hoặc quảng cáo giới hạn giới tính người tiêu dùng mà sản phẩm được chế tạo dành cho. Kafé-Kafé của Top Choices ở Củ Chi đã có in hình các cô gái trẻ trung xinh đẹp uống cà phê, hộp in màu tươi vui sống động, nhưng chỉ có thế. Tôi đã có “gu” mới khi uống Kafé-Kafé vì đâm ra nghiện Kafé-Kafé sau khi nghiện Linh’s Coffee; song dù tò mò, tôi cũng sẽ không bao giờ kêu người phục vụ bàn cho tôi một cốc Passiona của Trung Nguyên vì buổi đại lễ do đại gia ấy tổ chức và lời thoại quảng cáo trên tivi đã nói rành rành là dành cho Qu‎ý Bà Thanh Lịch, như một sản phẩm dành cho những phụ nữ thành đạt, làm khách hàng hiểu rằng đó là cà phê không dành cho qu‎ý ông lịch lãm, còn các nội tướng thì dẫy nẫy như bị xúc phạm vì họ theo nghề nội trợ mà Trung Nguyên chẳng thèm nhắc đến do nội trợ không thuộc đẳng cấp nữ thành đạt chăng.  

Cái tiếc hùi hụithứ hai là nhìn bao bì có thể hiểu sản phẩm này được sản xuất dưới hai dạng để pha “phin” và để hòa tan, tức loại thì vẫn cương quyết không màng đến việc đáp ứng nhu cầu khách hàng thế giới mà vẫn đem ấn cái “phin” nhôm Việt Nam ra giới thiệu cho bằng được với nước ngoài, loại thì ghi rõ dòng chữ “cà phê hòa tan Passiona là sản phẩm chuyên dành cho phái đẹp…đem đến cho phụ nữ sự tỉnh táo, tập trung, và một vẻ đẹp quyến rủ để sống trọn với đam mê và thành công trong cuộc sống.” Cà phê chỉ dùng cho phụ nữ, lại có tác dụng làm phụ nữ đẹp quyến rủ để họ sống trọn với đam mê, thì không rõ đã có đối thủ cạnh tranh nào của Trung Nguyên diễn giải kích bác rằng lời quảng cáo như thế chả khác nào như dành cho thuốc kích thích tình dục hay chưa.

Và cái hùi hụi tiếc cuối cùng là ở cái tên Passiona vốn là một nhãn hiệu của Schweppes dùng cho lon nước ngọt hương chanh dây loại 375ml, thậm chí khi Kirks sản xuất nước ngọt hương chanh dây tương tự trong lon 375ml cũng phải tra từ điển ngữ nguyên của passion để tìm ra từ Latinh passio, passus, pati, rồi cho ra nhãn hiệu Pasito, trong khi hãng Cottee vẫn cho ra lon nước ngọt hương chanh dây khác mẫu mã nhưng cùng nhãn hiệu Passiona đơn giản vì … Cottee cũng đã sát nhập vào Cadbury Schweppes năm 1984. Việc sử dụng một từ nhại theo tên sản phẩm đã có sẵn (giả dụ như Pepsi-Cola bị nhại thành Zen-Cola*, 7Up bị nhại thành 9Up*, hay …G-20*) đã là quá dở, huống hồ lại dùng nguyên tên như thế, vừa không phù hợp (lẫn lộn với sản phẩm nước trái chanh dây chứ không ai nghe mà nghĩ đến cà phê), vừa có nguy cơ dẫn đến các tranh chấp bản quyền (nhại tên nhãn hiệu của Schweppes và Kirks). Nếu đại gia đã cho sản phẩm “nặng chịch” là khơi dậy nguồn nào đó, và nay sản phẩm “nhẹ hều” nhằm khơi dậy … đam mê nên mới dùng chữ có lồng từ passion mang nghĩa đam mê chứ chẳng nghĩ đến chanh dây, thì vẫn có nguy cơ trầm trọng vì rằng “đam mê” hay gắn vô sản phẩm nước hoa chứ không cho cà phê, và rằng passion trong ngữ nghĩa tiếng Anh ôm hết trong nó các ý mạnh mẽ, hung hãn, vượt ngoài l‎ý trí, đậm đà nhục dục. Cà phê dành cho qu‎ý bà thanh lịch uống mà khơi nguồn passion kiểu này e thiên hạ đại loạn, khó thể phù hợp.

6) Kết Luận

Kinh doanh hàng hóa – nhất là hàng hóa hữu hình – nhất thiết cần có sự bình tỉnh tự xét mình ở đẳng cấp nào, muốn vươn lên đẳng cấp nào và hướng đến phục vụ đẳng cấp nào, trong một không gian văn hóa nào. “Gu” khác với thời trang vì không một đua đòi nào được gọi là “gu”; thậm chí “gu” đối với thực phẩm mang đậm tính cách cá nhân, trong khi “gu” thời trang có khi có từ sự bắt chước trong một nhóm hay một cộng đồng nhỏ lẻ. Trong hiểu biết tường tận về văn hóa cà phê – hay văn hóa ẩm thực nói chung – sẽ không có cửa cho một phân biệt giới tính rạch ròi. Diet Coke hay Pepsi Light là sản phẩm bình thường thích hợp cho bất kỳ ai muốn ăn kiêng theo phương pháp dưỡng sinh kiểu nhà giàu – tức ăn uống có chế độ cân bằng năng lượng nạp vào cơ thể. CocaColaPepsiCola không bao giờ ghi rằng thức uống “diet” hay “light” của họ dành cho bịnh nhân tiểu đường. Nếu Chivas Regal, Glenfiddich, hay Dalmore không quảng cáo “rượu mạnh dành cho qu‎ý ông”, Pernod hay Galliano không quảng cáo “rượu nhẹ dành cho qu‎ý bà”, thì sản phẩm cà phê quảng cáo tập trung cho qu‎ý bà thanh lịch khó thể là một phát kiến mới của nghệ thuật quảng cáo tiếp thị một sản phẩm mới. Bài Luận Về Sự Thăng Thiên Trong Quảng Cáo Giới Thiệu Sản Phẩm của Hoàng Hữu Phước đăng trên Emotino có gợi ý rằng một sản phẩm có thể do tập thể phòng R&D của nội bộ thiết kế, song tên gọi tiếng Anh và nội dung quảng cáo tiếng Anh nhất thiết phải cần đến các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp. Cà phê Passiona chứng tỏ đại gia cà phê Trung Nguyên đã đi theo con đường đúng: chấm dứt ôm khư khư cái “gu” cực đoan để tạo ra thật nhiều sản phẩm không khác với (tức tương tự các hương vị và các chủng loại của) rừng sản phẩm cà phê của thế giới để tạo ra nhiều “gu” mới cho người tiêu dùng Việt Nam. Hai điều còn tồn tại của Trung Nguyên là chưa sản xuất cà phê rang trong “phin” giấy từng gói lẻ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài, và chưa có sự tư vấn thích hợp khi đặt tên tiếng Anh cho sản phẩm.

Người tiêu dùng sành điệu Hà Nội ngày nào cũng chen chật ních tại Café Mai, số 96 Lê Văn Hưu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, của chủ nhân Phạm Duy Anh, để chờ mua các chai nhựa cà phê đậm đà đậm đặc pha sẵn mới ra lò (ra lò liên tục), có dán nhãn hiệu và ghi hạn sử dụng. Theo dòng chữ ghi trên chai, cà phê Mai được rang xay với phương pháp kỹ thuật chế biến gia truyền nổi tiếng Hà Thành từ năm 1936. Café Mai đã phát triển ra các quán cà phê riêng tại 79 Lê Văn Hưu, 52 Nguyễn Du, và 75 Trần Nhân Tông, cùng ở Quận Hai Bà Trưng, và khách hàng đông đảo của họ gồm khách du lịch nhàn du như tôi lần nào ra Hà Nội cũng gọi taxi tìm đến, và đủ mọi thành phần, từ sinh viên nam nữ đến công chức nhân viên, trên các phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô, từ tờ mờ sáng đến tờ mờ sáng (from sun to sun). Đó là “gu” độc đáo: cà phê pha sẵn có hạn dùng một hay hai ngày gì đấy, như bánh mì “tươi”, độc đáo còn hơn cả cà phê chai và lon sản xuất công nghiệp, nhưng nói lên một điều rõ ràng, khúc chiết rằng cái “phin” pha cà phê đang dần biến mất khỏi đời sống cá nhân của người tiêu dùng thanh lịch, rằng cà phê đậm đà không chỉ được pha từ cái “phin” nhôm rẻ tiền, thứ kim loại bị cho là đã đặt dấu chấm hết cho sự bành trướng lãnh thổ của A Lịch Sơn Đại Đế (Alexander the Great) cũng như làm tan rã cả đế chế La Mã**. Café Mai đã hiểu “gu” của đa số, và Café Mai cứ thế làm giàu theo cách riêng.       

Mong sao sẽ không xuất hiện các sáng tạo nhãn hiệu cà phê Jackfruita***, Duriana***, hay kiểu cà phê dành cho tuổi teenfifty plus**** sáng tạo của…thăng thiên.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú:

* Tên đặt theo tưởng tượng

** Khoa học (và Bộ Y Tế các nước, từ Canada đến Quatar, Sri Lanka, v.v. cũng như các nghiên cứu khoa học của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, v.v.) )khuyến cáo hạn chế sử dụng đồ dùng làm bằng nhôm đựng thức ăn vì có thể gây ung thư họng, bụng, ruột, thận, da, v.v., nhất là khi các đồ dùng ấy làm bằng nhôm rẻ tiền, dùng lâu ngày, và có các vết trầy xướt. “phin” cà phê người Việt đang dùng được chế tạo từ những cơ sở thủ công nhỏ, tất nhiên bằng nhôm thứ phẩm, và được dùng lâu năm ở các tiệm cà phê nên thường ở dạng móp méo, có nhiều vết trầy xướt bên trong là nơi tiếp xúc với cà phê. Vì vậy, cần loại bỏ việc sản xuất và sử dụng các “phin” nhôm này. Thay vào đó, người tiêu dùng cà phê rang xay nên sử dụng “phin” vải truyền thống Việt Nam, hoặc máy pha cà phê loại gia dụng (hàng nhập khẩu từ Âu Mỹ) hoặc loại lớn dùng cho các nhà hàng, các quán cà phê.

***Jackfruita và Duriana do Hoàng Hữu Phước đặt theo tưởng tượng, nhại theo kiểu Passiona (hương trái chanh dây): jackfruita (hương trái mít), và duriana (hương sầu riêng)

**** fifty plus: dành cho lứa tuổi trên 50

Bài 3:

Cà Phê – Một Chuyện Nhỏ và Hai Chuyện Lớn

Hoàng Hữu Phước, MIB

23-01-2009

(bài đăng lúc 0g54 ngày 23-11-2009 tại http://www.emotino.com/bai-viet/17393/ca-phe-mot-chuyen-nho-va-hai-lon. Emotino đã ngưng hoạt động sau vụ “Luật Biểu Tình” và “Tứ Đại Ngu”)

Cà phê và…” là tựa đề một bài viết trên Emotino, như một khúc dạo đầu đầy phấn khích cho phần chính của vấn đề mang tính “thời cơ”, vốn là từ ngữ luôn gắn liền cùng lúc hai đối tượng “winner” và “loser”, tức người thắng kẻ thua, hoàn toàn đứng ngoài vùng cát cứ của lý thuyết chung chung “win-win” của “đôi bên đều thắng” vốn không bao giờ đúng cho tất cả mọi chuyện và mọi việc, kể cả trong kinh doanh.

Một chuyện nhỏ ở đây là tôi mới được một vị giám đốc trẻ tên N. thỉnh thoảng có bài viết trên Emotino tặng cho tôi với lòng tín thác bản photocopy một thư tay viết bằng tiếng Anh, mô tả chi tiết một công thức chế biến cà-phê bí truyền, mà nội dung cho biết đã một thời rất lừng danh tại xứ sở của gia đình người viết. Vị giám đốc cho biết đã có tài liệu ấy hơn mười năm nay từ một người bạn nước ngoài, là hậu duệ duy nhất của dòng họ, gởi tặng qua email chỉ vài tuần trước khi người ấy tử nạn. Anh in ra rồi đem cất như một kỷ vật cho đến khi biết tôi qua Emotino. Chất lượng mực in cách nay hơn mười năm đã làm những trang in hai mặt khổ A4 dính vào nhau, khiến khi anh cố gắng tách rời từng tờ một để gởi tôi đã gây ra những mảng rách, nhòe, chập chữ không sao tránh khỏi (trong khi bức email gốc đã bị mất từ lâu do một lần quên mật mã của tài khoản Yahoo! anh phải tạo tài khoản mới). Dù vị giám đốc trẻ tuổi đáng kính đó không đặt bất kỳ điều kiện nào, tôi cũng viết đôi dòng cảm ơn anh về sự tín thác, đồng thời khẳng định với anh rằng tôi sẽ cố gắng tối đa đọc tập tài liệu ấy, giải mã những phần chập hay thiếu chữ, để trong thời gian sớm nhất có thể được, có bản tiếng Anh hoàn chỉnh để gởi ngược lại cho anh, với khẳng định sẽ đầu tư tiến hành thực hiện mua nguyên liệu, hóa chất theo đúng công thức, cùng các dụng cụ cần thiết y như bản vẽ có đính kèm trong tài liệu viết tay ấy. Nếu chế biến thành công cho ra thức uống cà phê đặc sắc và độc đáo, công thức đó sẽ mang tên người bạn nước ngoài quá cố của anh đồng thời trở thành tài sản chung của con cái của tôi và con cái của vị giám đốc trẻ ấy, còn việc kinh doanh thì để con cái chúng tôi sau này quyết định (vì con tôi vẫn chưa đến gần lắm đường chinh phục học vị thạc sĩ kinh doanh quốc tế còn con vị giám đốc ấy đang được cha bồng bế cho bú sữa bình mỗi ngày) do tôi và giám đốc N. đang bù đầu bù cổ cho hàng núi công việc mỗi ngày, thậm chí có những … “nhượng quyền” kinh doanh mà giám đốc N. có nhã ý muốn đối tác nước ngoài trao cho tôi mà tôi buộc phải lờ đi, nói chi tới việc mở …chuỗi cửa hàng cà phê “nhượng quyền” khắp nước được. Thật lạ lùng khi những con người trong cuộc sống ắt có bao bạn hữu, người thân, nhưng chỉ khi đọc bài của nhau trên một khung Emotino không thể sờ chạm vào được lại nhớ đến “báu vật” đang cất giữ dưới lớp bụi mờ của thời gian và hư mất để lấy ra trao tặng đúng người mình tôn kính mến phục mà không thốt lên một lời gợi ý bất kỳ về tỷ lệ ăn chia hay bản quyền khai thác. Một cung cách kiểu “tôi-làm-không-đựơc-thì-đây-nè-anh-làm-đi” như gameshow “Đối Mặt”, chứ không phải kiểu “ta-ăn-không-được-thì-để-ôi-để-thiu-chớ-đừng-hòng-ai-ăn-được”.

Còn hai chuyện lớn tiếp theo liên quan đến cà phê là (a) thời cơ thực tế thực sự của cà phê, và (b) cà phê với khoa học sức khỏe của cộng đồng.

Thời cơ thực tế thực sự của cà phê chính là lúc này, khi kinh tế toàn cầu chao đảo, kinh tế nước nhà bị ảnh hưởng tác động phần nào. Đã không ngoa khi nói nền kinh tế thị trường nội địa cực kỳ thông thoáng đã tạo ra bao đại gia, những người đã biết tối đa hóa lợi nhuận trên cơ sở kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và trung hạn để tạo ra tài sản kếch sù cho bản thân và doanh nghiệp của riêng mình, nhưng đã chưa tạo ra hàng ngũ những đại gia lãnh đạo thương trường, khiến manh mún là tính từ tiêu cực vẫn sẽ còn gắn vào doanh giới Việt Nam. Hết Cà phê Trung Nguyên đến Sữa Vinamilk biến thành đích ngắm công kích trên báo chí, bên thì bị nông dân than thở cho rằng chỉ biết lo xây thiên đường trong khi nông dân trồng cà phê sống dở chết dở vì giá nguyên liệu tuột dốc phải chịu nợ nần và chặt đốn bỏ cà phê, phía bị dè bỉu cho rằng đã tạo nên quảng cáo vĩ đại tặng hàng triệu ly sữa cho trẻ em nhưng nông dân nuôi bò sữa phải đổ bỏ sữa trắng ngập cả cánh đồng vì sửa bị ôi thiu sau thời gian nông dân dài cổ vô vọng chờ đơn vị tới thu mua. Thay vì tung tiền “xây” thiên đường hay “tặng” hàng triệu ly sữa từ tiền lời có được do khai thác “thời cơ” cái khổ ải nghèo bấn của nông dân, họ có thể dùng số tiền ấy biến nông dân thành “người” của họ, hàng tháng có thu nhập cố định, còn nguyên liệu “cống nạp” cho họ theo tỷ lệ và thời giá xuống hay lên, để họ chiếm “thời cơ” thành đại gia thực thụ khi là chủ nhân nguồn nguyên liệu đầy ắp kho lẫm, thống lĩnh thương trường xuất khẩu và sản xuất nội địa, điều tiết giá cả giúp chính phủ ổn định kinh tế, còn họ hưởng lợi hoàn toàn và tuyệt đối khi tung hàng ra thị trường hải ngoại. Giả như một công ty nước ngoài nào đó đột nhiên “tin tưởng tuyệt đối” vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, thì với tài lực của họ, thử tưởng tượng xem họ thực hiện việc trên để nắm nguồn nguyên liệu cà phê của Việt Nam dễ dàng như thế nào, và đừng nói chi tất cả các đại gia là nhà sản xuất cà phê thành phẩm của Việt Nam mà đến các nhà buôn nước ngoài cũng sẽ mua lại nguyên liệu cà phê Việt Nam từ công ty nước ngoài “nhìn xa trông rộng” ấy.

Về vấn đề khoa học sức khỏe cộng đồng có liên quan đến cà-phê thì không ai không công nhận cà phê gây tác hại như thế nào với hệ tim mạch của con người. Khi xã hội càng văn minh, con người càng hiểu biết nhiều hơn và giàu có hơn, người ta sẽ muốn có cuộc sống khỏe hơn, thọ hơn, và do đó sự lựa chọn đồ ăn thức uống sẽ khắt khe hơn. Sô-cô-la là sự lựa chọn thay thế tuyệt hảo vì chocolate có lợi cho sức khỏe và hương vị có thể chấp nhận được như một thay thế cho cà phê khi cơn nghiện cà-phê ập đến. Đây cũng là một lý do Mac đã có thêm Mac Chocolate ngoài Mac Coffee trên các kệ hàng ở siêu thị. Sự cười nhạo thuốc lá đầu lọc đã dấy lên khi Bastos ở miền Nam và Điện Biên ở miền Bắc thống trị thị trường tiêu thụ thuốc lá điếu không đầu lọc; song, chỉ một thời gian ngắn sau, điếu thuốc lá có đầu lọc (filter rod) và giấy quấn đầu lọc màu vàng đất hay màu trắng (cork-tipping paper) trở thành loại lịch lãm sang trọng mà điển hình là 555, Dunhill, và More, v.v.. Ấy vậy mà sau này để tăng “giá trị khoa học và trách nhiệm” của thuốc lá điếu sang trọng, nhà sản xuất vẫn phải có dòng chữ cảnh báo in trên bao thuốc lá rằng hút thuốc có hại cho sức khỏe. Tương tự, thế giới đã dùng cà phê loại decaffeinated  tức đã loại bỏ chất kích thích caffeine từ hơn nửa thế kỷ nay, vậy mà các đại gia ở Việt Nam vẫn làm PR và tốn bạc tỷ cho quảng cáo cà phê theo “gu” người Việt, tức là mặc nhiên thừa nhận tôi-sản-xuất-cho-dân-Việt-chúng-tôi, chẳng-phải-để-xuất-khẩu-đi-đâu-hết như một kiểu “áp đặt” rằng dân Việt buộc phải uống theo “gu” Việt do ai đó đang giữ bí quyết, và ai vào Việt Nam buộc phải uống cà-phê theo “gu” kiểu Việt Nam. Thậm chí có đại gia lại quá đà phấn khích, nghe theo lời tư vấn không thích hợp để rồi có hành vi bất lịch sự trong kinh doanh như thời hồng hoang Thủy Hử khi vừa cho thuộc hạ xồng xộc xông vào lãnh địa của đối thủ cạnh tranh mời khách hàng của đối thủ cạnh tranh dùng thử sản phẩm của mình rồi khoe là những khách hàng này ai cũng cho là ngon hơn, vừa cho rằng quyết không để đối thủ nước ngoài này “áp đặt” cái “gu” của họ lên đầu người Việt. Không rõ đã có sự cố gì trong sử dụng ngôn từ, vì rằng người bán MercedesBenz không có nghĩa là đang “áp đặt” cái “gu” xe cộ của con cháu Hitler lên đầu khách hàng Việt Nam. Trong thời đại văn minh, chính cái an toàn cho sức khỏe hơn mới là tiêu chuẩn cao nhất và ưu tiên của người tiêu dùng, còn bao bì được ghi rõ là từ nguồn nguyên liệu tái chế thân thiện với môi trường là tiêu chuẩn thứ hai, chứ không phải hiệu nào ngon nhiều và hiệu nào ngon nhiều hơn một tị là điều người mua ở phương Tây quan tâm. Lời khuyên nghiêm túc nhất dành cho các đại gia sản xuất cà phê ở Việt Nam là nên cùng nhau gắng sức thuyết phục người Việt thay đổi và dần dần chuyển sang dùng decaffeinated coffee, để bảo vệ sức khỏe và vì an nguy của giống nòi; đó là chưa kể sản phẩm decaffeinated coffee của Việt Nam vừa phục vụ người Việt thời đại mới vừa có thể có được thị phần mới ở nước ngoài, nơi người tiêu dùng chỉ dùng decaffeinated coffee và chỉ nhập nguyên liệu thô của Việt Nam về chế biến decaffeinated coffee. Phải chăng vì không thể xuất khẩu cà phê thành phẩm nên trên bao bì sản phẩm của một đại gia tiêu biểu của ngành cà-phê đã không còn in các hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh? Khi lời khuyên đầy ắp trên báo chí rằng chỉ nên uống mỗi ngày một ly cà phê, số lượng cà-phê nguyên chất thành phẩm bán ra sẽ đối mặt với sự giảm sút và sự cạnh tranh khỏe khoắn vô tư chắc chắn chiến thắng của thức uống cacao hay sô-cô-la. Sự thay đổi theo “gu” nước ngoài sẽ đồng nghĩa với sự khôn ngoan chiếm thời cơ, sử dụng nội lực sản xuất decaffeinated coffee lấn chiếm thị trường hải ngoại và tiếp tục đạt mức tiêu thụ cao trong nước vì với decaffeinated coffee tức cà-phê đã loại bỏ chất cà-phê-in, người tiêu dùng có thể uống nhiều ly cà-phê mỗi ngày. Cái “gu” ăn phở hay ăn thịt quay đầy mỡ hay ăn thịt chó của người Việt chỉ có thể đưa đến tai họa (bánh phở có pha thuốc ướp xác chết, hay hàn the làm dai sợi phở, hoặc mỡ gây gan nhiễm mỡ, và thịt chó quá giàu đạm gây nguy cơ bịnh “gút”, v.v.) nên cái “gu” ấy chẳng hay ho gì mà quảng bá cho thêm tội với đời sau.

Tuy cà phê có chứa vài chất chống oxy hóa, có thể hạn chế sự phát triển ung thư họng hoặc ung thư gan, nó lại không an toàn cho người bị tim mạch. Ngay cả trong các loại decaffeinated coffee cũng chỉ có thương hiệu Folgers Coffee Crystals là triệt tiêu hoàn toàn chất caffeine, kỳ dư đều chứa một phân lượng nhất định, chẳng hạn một tách decaffeinated coffee do Starbucks phục vụ khách hàng thì có chứa 1mg caffeine trong mỗi ounce (28 gr) trọng lượng, so với các hãng khác mỗi tách decaffeinated coffee chứa 32 mg (mỗi tách cà phê nguyên chất có từ 85mg đến 100 mg caffeine). Suy ra, sản xuất decaffeinated coffee vẫn có thể làm hợp “gu” người Việt – nếu thực sự có cái gọi là “gu” ấy trên đời – qua việc sản xuất có lưu lại một hàm lượng caffeine an toàn, vừa duy trì mức độ “phê” vừa phải của cà-phê, vừa theo đúng tiêu chuẩn nước ngoài, giúp sản phẩm cà-phê Việt Nam được chấp nhận mọi nơi mà không phải ghi bất kỳ khuyến cáo nào trên sản phẩm.

Khi khai trương rầm rộ các tiệm bán cà phê ở nước ngoài, các doanh chủ nên treo bảng khuyến cáo ghi rõ:

 “Cà phê hảo hạng Việt Nam chứa đầy đủ lượng caffeine thiên nhiên nên có thể sẽ không thích hợp với khách hàng nào có tiền sử hoặc đang có vấn đề về tim mạch; quý khách do đó phải tự quyết định và chịu mọi trách nhiệm khi vào gọi uống. Bổn quán xin kính báo.”

Có như vậy mới triệt tiêu tất cả các rủi ro với pháp đình nước sở tại nếu có sự cố xảy ra cho người tiêu dùng nước ngoài, đồng thời đi trước một bước về CSR tức trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội khi tiên phong in dòng chữ ngoài bao bì “Uống cà-phê nguyên chất chưa loại bỏ hay gia giảm caffeine thích hợp có thể có hại cho sức khỏe tim mạch” mà chắc chắn trong vài năm nửa sẽ trở thành tiêu chuẩn phải theo đối với cà-phê thành phẩm Việt Nam đậm đặc caffeine trên thị trường quốc tế – nếu thực sự có nhu cầu từ nước ngoài đối với loại hàng hóa kém an toàn này.

Hoàng Hữu Phước, MIB

Bài 4:

Cà Phê – Còn Đó Nỗi Buồn

Hoàng Hữu Phước, MIB

17-3-2011

(bài đăng lúc 15g49 ngày 17-3-2011 tại http://www.emotino.com/bai-viet/19048/ca-phe-con-do-noi-buon. Emotino đã ngưng hoạt động sau vụ “Luật Biểu Tình” và “Tứ Đại Ngu”)                                                                   

                          

Phóng viên báo Tuổi Trẻ khi phỏng vấn tôi về k‎ý ức của tôi đối với cà phê thời Sài Gòn xưa cũ cho số báo ra ngày 13-3-2011 vừa qua, đã khơi dậy trong tôi những xúc cảm, những hoài niệm của một thời thương động, để làm tôi như chợt khám phá mới mẻ một điều dù đã luôn tồn tại, dù đã luôn rõ nét mồn một, dù đã luôn đầy ắp tháng ngày, dù đã luôn cục cựa vươn vai thức thức ngủ ngủ, đó là: cà phê, giọt đắng vẫn còn đó nỗi buồn.

Cà phê Sài Gòn thật lịch lãm vì không hề có sự phân chia giai cấp hay đẳng cấp nơi người thưởng thức cà phê, vì chỉ có cà phê mới là đẳng cấp còn mọi người tìm đến cà phê như thần tử kiến long nhan, chỉ có cà phê và tín đồ cà-phê giáo. Thời còn mặc áo sơ mi trắng bỏ trong quần ka-ki xanh dương đậm bờ-lơ-ma-rin dài hai ống, đi giày vải Bata, tôi còn cùng vài bạn học đến uống cà phê “sân vườn” tại quán trong hẻm nhỏ đối diện Chùa Kỳ Viên Tự, giữa một tiệm vàng và một trường dạy sữa ô-tô đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3), quanh chúng tôi là những viên chức cổ cồn trắng vận giày tây bóng loáng, vài phu xích lô đạp ăn vận chỉnh tề vác theo ống điếu cày, và có cả các nhà văn, nhà thơ; và chúng tôi có nhiều dịp trò chuyện cùng nhà thơ Bùi Giáng cũng tại nơi ấy, bật cười hào sảng khoái hoạt cùng ông khi nghe ông giải thích ý nghĩa tên bài thơ Lá Hoa Cồn khi nói lái cụm từ này, hay lúc ông nhoài người ra với tư thế một Don Juan mỉm cười hóm hỉnh đưa tình đến sau lưng một phụ nữ vừa bước thoáng qua mà ta chỉ nhận biết qua hương nước hoa luyến lưu gió thoảng. Hầu như tất cả những con người lịch lãm ấy, dù là tôi chàng thư sinh hippy tóc dài hay ông xích lô đạp sạch sẽ tinh tươm, đều có thế giới rất bao la riêng của mình trong khung cảnh rất nhỏ rất riêng và rất chung ấy. Không ai trộn lẫn, nhưng không ai lạc lõng. Một sự tinh tế tuyệt diệu chỉ có ở vương quốc cà phê thủa xa xưa ấy.

Dù lúc thưởng thức cà phê xưa ở Sài Gòn có khi là gặm nhấm nỗi buồn của mình với một người khác phái đã trở thành thiên cổ, nhưng đó là nỗi buồn rất thơ, như một viên ngọc bích trong kho tàng tâm khảm một con người với bao bảo thạch khác, từ hồng ngọc, hoàng ngọc, đến lam ngọc, trân châu. Nỗi buồn chất chứa cho lòng người cao thượng, cho tim người thổn thức để giá trị nâng cao.

Song, nỗi buồn cà phê ngày nay lại khác, do con-người-ngoại-đạo-cà-phê-bán-cà-phê gây ra nơi tín đồ cà-phê giáo. Người ta loại bỏ vị trí cao trọng của cà phê bằng cách phân loại người uống cà phê, phân loại nơi chốn uống cà phê, lấn lướt bằng cơ bắp cho thứ “gu cà phê” áp đặt, và xây dựng thiên đường bê tông cho cà phê “gu” ấy, xóa sổ vương quốc cà phê của cà phê. Quán cà phê trở thành nơi rất chung và cho những người rất chung. Khi vào quán cà phê của “giai cấp” sang trọng, ai cũng làm cùng động tác thật nhuần nhuyễn mang tên “phong thái cạch cạch”: để ngay đùi trên (laptop) hàng hiệu lên bàn đánh cạch, để ngay một hay hai quả dâu đen (Blackberry) lên bàn đánh cạch, và đặt vài phụ kiện khác cũng lên bàn đánh cạch. Và dù bật đùi trên, bấm dâu đen liên hồi, người ta vẫn nói liếng thoắng và rất to, không vì không làm chủ được tốc độ, trường độ, và cường độ âm thanh, mà chỉ vì nơi ấy ai cũng nói liếng thoắng và rất to, mà chỉ vì âm nhạc phát quá to, mà chỉ vì âm thanh đinh tai nhức óc từ các phương tiện tham gia giao thông đang cùng tham gia tấu khúc giao hưởng hoành tráng mang tên Cộng Hưởng Âm Thanh Và Cuồng Nộ, tác phẩm chưa bao giờ được công bố của Ludwig van Beethoven và William Faulkner, người trước hơn người sau chỉ có 127 tuổi. Mọi thứ đều trộn chung, từ tiếng cạch cạch đến tiếng cười, giọng nói. Không ranh giới. Một tuyệt diệu đại đồng. Nhưng sẽ là cực hình cho những ai quá giàu tình cảm, quá sâu lắng nội tâm, quá phong phú tâm hồn của nhiều cõi đi về, vì khi đến quán cà phê cho những riêng tư dồi dào phong phú ấy, người ta có thể bị tập thể – chẳng phải ai cũng bảo đa số thắng thiểu số đó sao – nơi ấy cho là … đồ dở hơi, quân nghèo khổ, hoặc kẻ thất thời/thất chí/thất tình/thất bát, mà nói chung là thất bại, sắp tự tử hay thành khủng bố, cướp nhà băng. Tự dưng vị khách lịch lãm chỉ còn hai sự lựa chọn: hoặc sắm đùi trêndâu đen, hoặc mua cà phê về nhà tự pha uống, tự ngắm mình trong gương – nếu có gương, hoặc dí mắt vào tường – nếu không có gương, hoặc nhìn vào khoảng trống trước nhà – nếu nơi ấy vừa được giải tỏa để làm sân golf.

Cà phê hỡi, hạ thần một tấm lòng trung trinh son sắt, nay luôn đem Bệ Hạ trong bình thủy i-nốc-xi-đáp không han gỉ trong ba-lô để luôn có Đức Kim Thượng bên mình trên khắp nẻo đường thiên lý.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Bài 5:

Cà-phê

Hoàng Hữu Phước, MIB

07-9-2008

(bài đăng lúc 23g54 ngày 07-9-2008 tại http://www.emotino.com/bai-viet/16976/ca-phe. Emotino đã ngưng hoạt động sau vụ “Luật Biểu Tình” và “Tứ Đại Ngu”)

Chắc chắn không một ai ở Việt Nam nghiện cà-phê theo style của tôi. Khi tập trung cho việc học năm 1974 để lấy cho được mảnh bằng tú tài toàn phần, tôi đã từ thích cà-phê thành nghiện cà-phê, người bạn thân thương đã luôn nâng đỡ hai mi mắt cứ chực sụp xuống của tôi, đã cùng tôi vượt qua ít nhất vài trăm đêm trắng của năm học lớp 12. Thủa ấy làm gì có cà-phê thương hiệu hay chuỗi quán nhượng quyền. Má tôi mỗi tuần đi chợ Bàn Cờ mua một ký cà phê hột rang sẵn và tùy theo nhu cầu của tôi mà đem một lượng vừa phải ra chợ mướn xay. Cứ thế, tôi có sẵn nguyên liệu là cà-phê xay, và vật liệu là chiếc vợt – tôi có quá đủ kiên nhẫn suốt nhiều tuần không ngủ để viết xong một tập thơ tiếng Anh tặng người yêu là cô nữ sinh tóc dài Đinh Thị Mai Trâm, hoặc mày mò cho được cách giảng môn tóan cho em trai của tôi, song không thể nào đủ kiên nhẫn ngồi nhìn từng giọt cà-phê rơi tỏn tỏn nhẩn nha nhẩn nhít từ một cái percolator (“phin” pha cà-phê) được làm từ thứ kim loại đã dẫn đến sự diệt vong của các binh đoàn La Mã kéo theo sự sụp đổ của toàn đế chế – để tự pha cho mình những vại cà-phê hấp dẫn – tôi uống cà-phê khối lượng lớn như uống bia (nhưng không thích uống bia). Những đêm làm biếng không nấu thêm nước sôi, đã vậy lại hết sạch cà-phê xay, tôi thịnh trọng bày lên bàn học hũ đường cát, lon ghi-gô (lon sữa bột hiệu Guigoz của Pháp) đựng cà-phê hột rang, và một chiếc muỗng, rồi cứ thế mà xúc hạt cà-phê rang cho vào miệng nhai chung với một muỗng đường cát, nuốt hết thứ hợp chất đắng ngọt và lợn cợn tuyệt diệu ấy. Và khi hết đường, tôi nhai hột cà-phê không, để rồi dần trở thành nghiện cà-phê theo cách riêng: nhai cà phê hột, uống cà phê không đường, và sau này nếu không phải là bột cà-phê hòa tan thì cứ cho bột cà-phê rang vào ly nước sôi mà khuấy rồi uống nuốt luôn bã. Không thế thì không cảm nhận được tất cả tinh túy của cà-phê cũng như nồng độ khó tả đến tuyệt diệu của nó – phần xác lẫn phần hồn.

25 năm sau, lúc làm Giám Đốc Điều Hành ABC của Hoa Kỳ tại Tp Hồ Chí Minh, tôi sáng nào cũng ghé Cà phê Trung Nguyên trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gần quán Nam Sơn, để làm một cử cà-phê sáng. Thủa ấy chỉ có vài ba quán cà-phê Trung Nguyên và sự giản dị, trang trí vừa phải, trang bị giới hạn, cùng những hũ cà-phê hột rang sẵn kiểu giới thiệu sản phẩm bán lẻ cho khách qua đường, làm tôi rất thích thú. Chỗ ngồi quen thuộc của tôi là trên gác, và các cô phục vụ không bao giờ hỏi xem tôi cần gì: họ đã quá quen với những gì Anh Phước cần, đó là một ly cà-phê đá không đường pha sẵn trong bếp từ 4 “cái” cà-phê “phin” (tôi đã cho các cô biết tôi chúa ghét thấy “bản mặt” cái “phin” và không ưa số giọt cà-phê quá ít ỏi dưới đáy ly đá, uống không “đã”) và một dĩa 4 chiếc bánh “su”. (Tôi còn gây sự chú ý cho các cô khi bảo pha luôn cho tôi một ấm trà thật đậm để tôi rót thêm vào ly cà-phê loại bốn-“phin”-trong-một-ly ấy thành một hỗn hợp cà-phê trà uống theo trường phái Phuocism). Không đọc báo, không hút thuốc, không trò chuyện với ai, tôi dùng bánh ngọt, uống một ly cà-phê gồm 4 ly “phin” ấy, rồi đến văn phòng, sau khi trả tiền 4 ly cà-phê, 4 chiếc bánh, và tiền “bo” hậu hĩ vì ấm trà đậm ngon miễn phí. Ủng hộ cà-phê Trung Nguyên, tôi còn mời bạn bè, khách hàng đến với  các quán Trung Nguyên, và chẳng cần biết thế nào là chồn là sói, cứ danh mục nào đắt nhất thì gọi uống.

Thế rồi vật đổi sao dời. Cái từ nhượng quyềnđại gia xuất hiện ngày càng nhiều, và cà-phê Trung Nguyên cũng theo cái dòng thác ấy. Tôi đến nhiều … Trung Nguyên. Cà-phê vẫn mang nhãn hiệu Trung Nguyên. Chiếc ly, miếng lót, v.v., đều in nhãn hiệu Trung Nguyên. Nhưng không khí không còn là của riêng Trung Nguyên. Nó thuộc chủ nhân đứng ra kinh doanh làm chủ mặt bằng sử dụng nhượng quyền của Trung Nguyên. Vách tường. Sự ẩm ướt. Ánh đèn. Khách hàng. Phong thái khách hàng. Phục vụ viên. Phong thái phục vụ viên. Mỗi nơi mỗi khác.  KFC nhượng quyền hay McDonald nhượng quyền có điều khác cơ bản là “hàng hóa” của họ chỉ có tại nơi “nhượng quyền”, trong khi cà-phê Trung Nguyên đóng gói trong bao bì công nghiệp hiện đại lại có sẵn trên các kệ hàng ở tất cả các siêu thị và nhiều quán chợ. Tất nhiên có những cái gọi là bí quyết pha chế bí truyền hoặc gia truyền; song, đó là cho riêng lĩnh vực của các quán kinh doanh cà-phê thành phẩm uống chứ không của các nhà sản xuất cà-phê nguyên liệu chưa pha. Nếu Trung Nguyên nói chỉ uống Trung Nguyên tại quán nhượng quyền của Trung Nguyên mới ngon, còn mua gói hay hộp Trung Nguyên về nhà tự pha uống thì không ngon, lại là sự hạ thấp giá trị hàng hóa chủ lực của chính Trung Nguyên. Còn nếu nói pha cà phê hiệu Trung Nguyên để uống tại nhà hay uống cà phê Trung Nguyên tại quán nhượng quyền Trung Nguyên vẫn thơm ngon chất lượng như nhau, thì lại ảnh hưởng không như ý đối với những nơi gọi là quán nhượng quyền.

Tôi nghiện cà-phê, như nghiện một thứ báu vật trời cho, nên dù có đang lang thang trên phố thị bất cứ quốc gia nào, tôi cũng hài lòng thỏa thích và thỏa mãn uống những tách cà-phê bản xứ. Cà-phê nào ở bất kỳ đâu cũng tuyệt diệu, kể cả khi đó là cà-phê chua loét do đã bị decaffeinated tức đã loại bỏ chất cafein gây nghiện. Ở Việt Nam, tôi nghiện cà-phê sinh ra từ đất đai màu mỡ Việt Nam. Và từ thời không nhãn hiệu đến thời quá nhiều thương hiệu và nhãn hiệu, tôi yêu hết tất cả những sản phẩm cà-phê, dù dó là cà-phê của những thương hiệu vùng Bảo Lộc như Lâm Kim Hoa trước 1975, hay Trung Nguyên, Vinacafe, vân vân và vân vân, của ngày nay, tôi luôn trân trọng những gói cà-phê do sinh viên, học viên, nhân viên, thường hay gởi tặng, bất kể hiệu gì, thậm chí “cây nhà lá vườn” không nhãn hiệu, thơm lừng trong túi nylon. Tôi chỉ lập lại việc đến một quán cà-phê vì những nét khác biệt chứ không vì chất lượng cà-phê. Đã là cà-phê thì phải thơm phưng phức chứ!

Là người Việt, xem cơm là lương thực chính, tôi ăn cơm quanh năm suốt tháng. Ai đó nếu nói ăn cơm nấu từ gạo Nàng Thơm quanh năm suốt tháng và cả đời chứ không nuốt cơm nấu từ gạo khác, ắt là người đó bất bình thường. Là người thích cà-phê, khi cà-phê không hại ai và không bị ai lên án như thuốc lá, tôi uống cà-phê quanh năm, không màng đến nhãn hiệu hay thương hiệu, vì tất cả các tên tuổi lớn của ngành cà-phê đều đã nằm đầy ắp trên các kệ hàng hóa tạo ra nhiều sự lựa chọn thú vị giữa những hàng hóa chất lượng cao y như nhau. Sự khác biệt để người ta mua tại siêu thị, có lẽ là về giá tiền, hay chiếc tách khuyến mại tặng kèm, hay thẻ cào trúng thưởng. Sự khác biệt để người ta uống tại quán có lẽ là về sự khác biệt. Cái khác biệt dễ nhận thấy của các quán nhượng quyền Trung Nguyên là có sự khác biệt nơi từng quán một. Cái khác biệt dễ nhận thấy của các quán Highlands là khó thấy sự khác biệt nơi cách bày trí lịch lãm quý phái (tức sang trọng một cách nhẹ nhàng), nơi đồng phục gọn gàng, và nơi các loại bánh ngọt chất lượng cao. 

Ở thành phố Hồ Chí Minh, khi được mời đi uống cà-phê và được hỏi ý kiến chọn lựa quán, tôi đơn giản trả lời: “Đâu cũng được.” Ở Hà Nội, khi được mời đi uống cà-phê và được hỏi ý kiến chọn lựa quán, tôi đơn giản trả lời: “Mình ra Highlands bờ hồ nhé”.

Đơn giản chỉ vì ở siêu thị nào tôi cũng mua được cà-phê Trung Nguyên giống nhau. Đơn giản chỉ vì ở một vài siêu thị tôi có thể mua được cà-phê Highlands giống nhau. Đơn giản vì tôi thấy khó có được cái không khí giống nhau bản sắc ở các quán nhượng quyền của Trung Nguyên. Đơn giản vì tôi thấy có được cái không khí giống nhau bản sắc ở các quán của Highlands, nơi có những loại bánh ngọt riêng của Highlands, kể cả bánh Trung Thu mới lạ mang nhãn hiệu Highlands tôi vừa nếm qua cách nay ba tuần ở Highlands bờ hồ, Hà Nội.

Đã đúng nửa đêm, và như thường lệ, tôi sẽ đi pha cho mình một tách cà-phê. Không uống cà-phê, tôi không tài nào ngủ được.

Cà-phê nào cũng được. Tôi với tay chọn hũ cà-phê của Ý-Đại-Lợi mà một thương nhân Singapore gởi tặng. Cà-phê ở dạng phiến nhỏ màu vàng mật ong. Sao ở Việt Nam cà-phê chỉ có dạng bột nhuyễn vậy nhỉ?

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Bài 6:

Cà Phê và …

Hoàng Hữu Phước, MIB

10-12-2008

(Bài đăng ngày 10-12-2008 tại http://www.emotino.com/bai-viet/17261/ca-phe-va. Emotino đã ngưng hoạt động sau vụ “Luật Biểu Tình” và “Tứ Đại Ngu”)

Tôi thích có một khoảng trời riêng biệt của chính mình, để có thể gọi một lúc nhiều thức uống đặt trước mặt mình mà không khơi dậy sự hiếu kỳ của người lạ, để khỏi bị coi như là một thành viên của Nam Hải Dị Nhân, chẳng hạn một ly cà phê đá không đường có dung lượng ba hay bốn “phin” (perculator) đã pha sẵn từ bếp (nói mấy “phin” thì trả tiền mấy “phin” chứ có Trời mới biết nhà bếp đã thực sự làm mấy “phin”), một bình trà Tàu (tức là trà Việt Nam ở Bảo Lộc) pha đậm đặc (hơn nồng độ trà của bất kỳ ông cụ nào ở Miền Bắc hay ở xứ Thần Kinh) đã nguội để tôi rót thêm vào ly cà-phê đá cho đầy tràn trước khi uống, một ly soda chanh không đường (hoặc một lon Tonic, nếu quán có) để uống xen kẽ với những lần “ực” cà phê, và một dĩa bánh ngọt bất kỳ mà quán có thể có hoặc có thể sai người hỏa tốc chạy đi mua về được. Chẳng bao giờ tôi “làm một ngụm” cà phê. Mỗi lần đưa ly lên môi, tôi luôn “ực” trọn hết một lần cái ly gồm 4 “phin” ấy để còn kêu người phục vụ đem ra một ly “4 phin” khác. Nghiện cà phê mà!

Song, sự đời không phải cứ mãi giản đơn như thế, một phần vì tôi thích những mới lạ của ẩm thực cũ – nghĩa là trà mới, cà-phê mới, bánh mới, nước ngọt có gas mới, v.v. chứ không bao giờ là động vật muông thú mới của những món ăn mới kiểu phạm vào Sách Đỏ của thế giới văn minh của con người hiện đại – một phần vì các sinh viên học trò của tôi biết tính thầy mình chuộng sự mới lạ giản đơn nên dù đi đâu trên trái đất này cũng mua tặng tôi những báu vật kỳ thú, trong đó, cà phê Linh’s Coffee đã biến tôi thành con nghiện ngay từ khi hít lấy hương thơm tuyệt diệu tỏa ra từ tách cà-phê đặc biệt ấy. Ngoài bao bì của Linh’s Coffee có ghi dòng chữ Hazelnut Supreme, trang web tại linhteacoffee.com và địa chỉ ở Thôn 4, Lộc Quảng, Bảo Lâm, Lâm Đồng. Khi chưa thể “định vị” được nơi bán loại cà phê này ở Tp HCM, tôi đành phải cực kỳ “dè xẻn”, chưa dám pha uống kiểu “hũ chìm”. Cũng không dám phone hỏi học trò, sợ bị hiểu lầm là “nhắc khéo” muốn học trò tặng thêm, làm hỏng uy thế liêm chính một đời.

Đã giới thiệu “ăn”, xin nói thêm về “mặc”. Cách đây vài năm, được một cô học trò đem từ Anh Quốc về tặng tôi một xấp vải may veston, tôi đến một nhà may có tiếng ở đường Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, Tp Hồ Chí Minh. Khi thấy tôi chăm chú nhìn những kiểu veston trong quyển catalogue, gã chủ tiệm có dáng “ăn chơi thời thượng” nhanh nhảu giằng lấy, vừa lật nhanh sang các trang model mới (với tai hay ve áo nhỏ, cài nút lên rất cao, mặc vào không thể thấy áo sơ-mi hay gi-lê, và cravat chỉ còn trình diện chỏm nút thắt trên cùng), vừa nói: “Mấy kiểu đó cũ, quê lắm. Anh xem mấy kiểu này nè. Model mới đó. Xịn hết sảy luôn!” Bực mình nhìn quanh, thấy nơi để khách vào mặc thử quần hay áo có dán đầy những ảnh chụp toàn phụ nữ lõa lồ phô trương…hoành tráng trong đói nghèo thiếu thốn, tôi mĩm cười khinh miệt nói để về nhà đem vải đến may (thật ra đang cất trong cặp) rồi bảo tài xế chạy thẳng một mạch từ Ngã Tư Phú Nhuận trực chỉ Chợ Tân Định, đầu đường Hai Bà Trưng, ghé đại vào một nhà may “hoành tráng” bên trái mang biển hiệu Sơn, có nội thất được bày trí trang trọng, nghiêm túc, treo vài hình ảnh phụ nữ trang phục cực kỳ dư thừa sung túc. Ông chủ tiệm mập mạp nói tiếng miền Nam, nhanh nhảu mở catalogue giới thiệu những model mới của veston, tức loại cổ tai áo nhỏ và cao y như ở tiệm kia, tức xấu xí na ná quân phục sĩ quan Việt Nam, và khi tôi nói rõ ý muốn của mình, ông lại tươm tướp nói: “Ồ! Hay thiệt! Đúng anh là người lịch lãm! Chỉ có giới quý tộc thượng lưu mới biết veston cổ điển là kiệt tác có giá trị mọi thời. Thiệt may là tui gặp được người như anh có cái gu cổ điển quý tộc!”. Để “tưởng thưởng” cho ông chủ tiệm béo tròn có mồm miệng rất giỏi “sale” và … “đắc nhân tâm” này, tôi chọn thêm ba loại vải màu đen tuyền có sẵn ở đấy (giá cả không trên mặt đất) và đặt may một lúc bốn bộ veston có luôn gi-lê – ngoài xấp vải xanh đen quà tặng của học trò. Nhiều năm nay, mỗi khi có bạn hữu trong hay ngoài nước hỏi thăm tìm nơi may veston đẹp nhất thành phố, tôi đều giới thiệu họ đến Sơn, dù tôi rất đoảng chẳng nhớ rõ số nhà. Sơn nếu có đắt khách, cũng không biết có tôi là người … tiếp thị thương hiệu không công, cần mẫn vẽ bản đồ chỉ đường giao cho tài xế hay nữ thư ký diễm kiều của các VIP nước ngoài. 

Gần đây, tuân theo chỉ thị của vợ tôi, một hiền thê rất cẩn trọng trong chi tiêu (đối nghịch với tôi, người chồng chi xài hào phóng giúp đỡ mọi người), tôi đến nhà may Trung, số 41 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 15, Quận Phú Nhuận, Tp HCM, để may một bộ veston mới cho Tết 2009 này. Đó là tiệm may nhỏ, chật hẹp, công may rẻ (lý do lựa chọn của vợ tôi!). Nhưng thật không ngờ khi chất lượng thành phẩm rất cao, và tôi hài lòng về bộ veston đến độ nếu không có cái nhìn nghiêm khắc của vợ tôi thì tôi ắt hẵn đã… “tưởng thưởng” cho anh chủ tiệm bằng cách mua ba xấp vải của anh để may luôn cho đủ bốn bộ mặc thay đổi trong bốn ngày nghĩ Tết theo luật định (từ dạo vác về nhà bốn bộ veston may ở Sơn, tôi luôn bị vợ hiền giám sát chặt chẽ thói quen miệt mài mua nhiều trăm cravat và may quá nhiều veston cổ điển, khiến chiếc tủ thứ ba tôi mua đã không thể giống như hai chiếc tủ veston chật cứng liền kề).

Xin cảm ơn các em học trò dù đầu đã hai ba bốn năm thứ tóc vẫn luôn nhớ đến người thầy của hai mươi năm trước (nay tóc Thầy vẫn còn đen đẹp tự nhiên). Cảm ơn những nhà sản xuất như Linh’s Coffee, nhà may Sơn, nhà may Trung, những con người kinh doanh với cái tâm chăm chút cho từng sản phẩm của mình. Chúc các bạn sớm thành công, và sự phát đạt của các bạn luôn là lòng ngóng trông chờ đợi chứng kiến của tôi, người biết ơn bình thường, đặc biệt, lăng xăng, điềm tỉnh, ồn ào, thầm lặng.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Both comments and trackbacks are currently closed.