Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt

Bài Viết Dành Cho Ngành Giáo Dục Và Giới Truyền Thông

Hoàng Hữu Phước, MIB, Nghị Sĩ Khóa XIII

15-6-2019

Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt” là một lời khuyên mang tính cảnh báo của các lãnh tụ cách mạng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, hoàn cảnh để có sự cảnh báo và khuyên bảo đó lại không ở điều kiện thuận lợi, khiến bao người lắng nghe rồi thực hiện thì hoàn toàn không đúng do không trên cơ sở vững vàng của sự nghiêm túc hàn lâm.

Việt Nam chỉ cần lựa chọn giữa hệ “mét” và hệ “độ C” so với hệ đo lường khác. Việt Nam không bày ra các hệ đo lường “thuần Việt”.

Ngôn ngữ cũng vậy. Cách phân loại từ ngữ và cách dùng xi-măng kết liên các từ ngữ ấy – tức sử dụng văn phạm – tất nhiên không thể không theo các định danh mẫu mực của các ngôn ngữ chính khác, mà sự khôn ngoan nhất là tham chiếu hệ thống Tiếng Anh Tiếng Pháp nếu muốn giúp nhân loại học tiếng Việt nhanh hơn để toàn cầu hóa ngôn ngữ Tiếng Việt. Do việc nghiên cứu ngôn ngữ học nói chung và ngôn ngữ học tiếng Việt nói riêng đã không là sự quan tâm của thiên hạ nên chưa hề được tiến hành sâu sắc nhất đầy đủ nhất, toàn chủ quan phiến diện chứ chưa hề trên cơ sở so sánh thang bậc định vị các ngôn ngữ chính toàn cầu; do chính sách ngu dân của thực dân; do chiến tranh tàn phá bạo tàn và cấm vận tàn bạo của đế quốc; và do tư tưởng vọng ngoại biệt hương của đại đa số những người ngay khi chân chỉ cần dợm bước khẻ chạm vào bậc thang na ná giông giống hàn lâm, tất cả dẫn đến sự thật là các lãnh tụ, các lãnh đạo, các quan chức, các bộ máy truyền thông, v.v., không bất kỳ ai có thầy dạy thích hợp, tài liệu nghiên cứu thích hợp, thời gian thích hợp để nắm hiểu rõ hơn về Tiếng Việt. Đã không ai rõ về Tiếng Việt thì đương nhiên không ai hiểu được sự thâm thúy của thế nào là “giữ gìn sự trong sáng” của nó, và tất cả mọi người đều lầm lạc lầm to lầm tưởng rằng “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” tức là chống lại sự ngoại lai tác động vào cái gọi là “tiếng thuần Việt” khiến tự dưng Tiếng Việt bị biến dạng thành một ngôn ngữ kỳ quặc, phản tiến hóa, phản khoa học ngôn ngữ toàn cầu. Bài viết này nhằm lập lại và nới rộng nhất biện luận nhiều chục năm nay của Hoàng Hữu Phước về nội dung “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.”  

Để hiểu Tiếng Việt gồm những gi thì đã có vô thiên lủng thứ mà các “học giả”, “nhà giáo”, “học sinh”, “sunh viên”, và tập thể “viết luận thuê trên không gian mạng” luôn nói đến và chỉ nói đến, nên ai cũng dễ dàng tìm thấy qua một cái “click” chuột máy tính.

Dưới đây là nội dung biện luận chính xác nhất về từ ngữ Tiếng Việt và “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” mang dấu ấn riêng của Hoàng Hữu Phước.

A) Kho tàng từ ngữ của một thứ tiếng luôn bao gồm ít nhất 20 loại thường thấy sau như được ghi trữ trong các quyển từ điển của mỗi thứ tiếng:

1- Từ Cổ (archaic, viết tắt A.)

2- Từ Văn Học (bookish/learned/literary/poetic, viết tắt B.)

3- Từ Văn Nói Bình Dân (colloquial, viết tắt C.)

4- Từ Trang Trọng (formal)

5- Từ Nghĩa Bóng (figurative, viết tắt fig.)

6- Từ Ẩn Dụ (contextual, viết tắt context.)

7- Từ Nói Tránh (euphemistic)

8- Từ Đã Không Còn Sử Dụng (obsolete, viết tắt obs.)

9- Từ Bớt Được Sử Dụng (obsolescent, viết tắt obsolesc.)

10- Từ Hiếm Khi Dùng (rare, viết tắt R.)

11- Từ Tu Từ (rhetorical)

12- Từ Kỹ Thuật (technical, viết tắt tech.)

13- Từ Đặc Thù  (specific, viết tắt spec.)

14- Từ Vay Mượn (loan/borrowed/borrowing)

15- Từ Lóng (slang, viết tắt S.)

16- Từ Mới (newly coined)

17- Từ Báo Chí (journalism)

18- Từ Riêng Của Các Vùng Miền (dialect)

19- Từ Tục Tỉu (obscene)

20- Từ Dung Tục (vulgar)

B) Kho tàng Từ ngữ của Tiếng Việt do vậy đương nhiên cũng bao gồm tất cả các loại chung trên, cộng thêm ít nhất 5 nhóm từ sau:

21- Từ Hán-Việt

22- Từ Lóng ở số 15 ở trên được chia thành 3 tiểu nhóm gồm từ lóng đã hết sử dụng, từ lóng đang sử dụng, và từ lóng mới xuất hiện chưa qua thử thách đào thải nên chưa đưa vào danh mục Từ Lóng.

23- Từ Riêng Của Các Vùng Miền được chia thành nhiều tiểu nhóm chính gồm phương ngữ Miền Bắc, phương ngữ Miền Trung, phương ngữ Miền Nam, phương ngữ Hà Nội, phương ngữ Sài Gòn, v.v.

24- Từ Kỹ Thuật được chia thành nhiều tiểu nhóm như y học, công nghệ thông tin, kỹ nghệ ô tô, chuyên ngành kiểm toán, xây dựng, luật pháp, v.v.

25- Từ Việt Hóa Phiên Âm Tiếng Nước Ngoài.

C) Biện luận của Lăng Tần:

Như vậy, tất cả có ít nhất 25 chủng loại từ ngữ như liệt kê ở trên trong kho tàng từ ngữ của ngôn ngữ Tiếng Việt mà người Việt phải luôn giữ gìn.

“Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt” vì vậy có nghĩa rằng:

1- Phải thu thập, ghi rõ, định danh chính xác mỗi từ, rồi ghi vào từ điển, không loại bỏ bất kỳ từ nào, vì rằng ngay cả nhóm từ thuộc loại 19 và 20 vẫn luôn luôn tồn tại trong xã hội.

2- Việc sử dụng tiếng Việt phải đúng loại, đúng lĩnh vực, đúng nơi, đúng chỗ, dựa theo nội dung C.1 ở trên, nghĩa là thí dụ như không thể đem từ thuộc loại 15 và 21 vào bản tin truyền thanh truyền hình truyền thông vốn lấy loại 17 làm nền chính, hoặc vào diễn văn của lãnh đạo Nhà Nước vốn lấy loại 4 làm nền chính, v.v.

3- Không chế tạo ra các từ Hán-Việt mới.

4- Không tạo ra các từ Hán-Việt khác để thay thế các từ Hán-Việt đã tồn tại với ý nghĩa tích cực hơn, thí dụ “sử dụng công lộ” có tính khẳng định giáo dục về đường công, không phải đường tư mà muốn chạy xe ra sao thì cứ chạy; bị thay thế bằng “tham gia giao thông” có ý nghĩa phi giáo dục nên hoàn toàn kém, khó thể hướng tự động đến lịch sự giao thông và an toàn giao thông.

5- Không tạo ra các từ tiếng Việt mới để thay thế các từ Hán-Việt đã quen thuộc với người dân.

6- Không cổ súy tiếp tay sử dụng các từ lóng mới trên không gian mạng bằng cách không lập lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Nhà Nước, cứ bỏ mặc cho các từ ngữ ấy bị đào thải.

7- Soạn sách giáo khoa Tiếng Việt trên cơ sở tương quan với cách định danh của các ngôn ngữ khác, đặt trọng tâm vào “Sử Dụng Tiếng Việt Đúng Lĩnh Vực” chứ không pải theo cách hoàn toàn sai là “Sử Dụng Tiếng Thuần Việt” vốn là cách mà bản thân toát ra ý kỳ thị “racist” rất bị Âu Mỹ ghét bỏ, phản khoa học ngôn ngữ, và phi thực tế vì chẳng có ngôn ngữ nào trên đời này là “thuần” cả, do luôn chất chứa các loại từ 1 đến 20 trong đó có ngổn ngang vô số “từ vay mượn”.   

Lăng Tần Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Ghi chú:

Biệt hương: bỏ nước ra đi

Tham khảo thêm các bài viết của Hoàng Hữu Phước:

1982Cu Dơ Nhét Xốp- Vấn Nạn Việt Hóa Phiên Âm Tiếng Nước Ngoài 

2009: Vũ Khí Tối Thượng Của Tiếng Việt Cho Thời Kỹ Thuật Số: Hồi Ức Về Một Sự Thật Chẳng Còn Người Việt Nam Nào Trên Thế Giới Còn Nhớ Hay Biết Đến  

2010: Tham luận của Thạc sĩ Hoàng Hữu Phước tại Hội Thảo Khoa Học Toàn Quốc 18-6-2010: Giao Thoa Ngôn Ngữ Việt-Anh Và Thực Chất Vấn Đề Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt

2012: Thế Nào Là “ỐC ĐẢO” – Sự Cẩn Trọng Trong Sử Dụng Ngôn Từ Hán-Việt.  04-12-2012

Both comments and trackbacks are currently closed.