Ba Tôi

Hoàng Hữu Phước, MIB

18-6-2019

Nhập Đề

Rất rất nhiều năm trước, một cô gái xinh đẹp như tiên mắt đỏ hoe hờn dỗi trách tôi: “Trọn ngày hôm qua em chờ hoa của anh mà không có. Anh mới đáp lại tình yêu của em vậy mà anh đã không nghĩ đến em trong Ngày Lễ Tình Nhân!.

Tôi đáp: “Lát nữa sẽ có người đem đến bàn làm việc này của em một giỏ hoa hồng. Anh xem trọng em. Anh không xem trọng các bày trò của bọn Tây. Em không là tình nhân của anh. Em là người anh yêu và sẽ cưới làm vợ. Anh yêu em từng ngày một trong cả cuộc đời này. Anh xem ngày sinh nhật của em và mọi ngày trong năm đều là ngày anh yêu em. Hãy để thiên hạ tặng hoa trong Ngày Lễ Tình Nhân của họ. Anh tặng hoa cho em Ngày Lễ Tình Yêu của chúng mình một ngày sau cái ngày tầm phào đó của thiên hạ.

Tôi vừa dứt lời thì giỏ hoa được giao đến. Cô gái ấy lại rơi nước mắt, không phải vì cảm động: “Sao anh lại tặng em giỏ hồng vàng! Màu vàng là màu phản bội mà!

Tôi đáp: “Thiên hạ ở Việt Nam nói vậy chứ thiên hạ thế giới không nói vậy. Từ Điển Bách Khoa Larousse Encyclopédie et Dictionnaires của Pháp ghi rõ là hoa hồng vàng tượng trưng cho tình yêu cao thượng cao đẹp cao sang, và các loại hoa khác nếu màu vàng đều có ý nghĩa toàn trong sáng và hoàn hảo. Anh sẽ tặng em hoa hồng hồng vào ngày sinh nhật của em, kỹ niệm ngày em dám cả gan chặn anh lại để nhét vô túi anh tờ giấy chỉ có ba từ I MISS YOU ngắn ngủn không chút văn hoa, chừng nào mình cưới nhau sẽ có thêm kỹ niệm ngày cưới, v.v. Nhưng nếu em thích hoa hồng đỏ hay hoa hồng nhung thì anh sẽ nghe lời em. Còn Ngày Tình Yêu của chúng mình sẽ có hoa hồng vàng cho em.”

Nàng tiên ấy cười nói: “Vậy em sẽ giữ mãi giở hoa này, sẽ ép khô trong nhật ký nhe.” 

Và tôi không rõ có quyển nhật ký nào có ép 20 hoa hồng vàng khô ấy không nữa, đơn giản vì 30 năm qua tôi không gặp lại nàng tiên ấy từ khi cô dùng chiếc đũa thần cất cánh bay sang Mỹ với anh chồng Việt Kiều làm việc cho Cơ Quan Hàng Không &  Vũ Trụ Hoa Kỳ NASA.

Hàng năm tôi đặt một giỏ 100 hoa hồng đỏ Hàn Quốc tặng vợ tôi là Vũ Thị Liên vào đúng cái ngày Valentine Tình Nhân Tình Nhiếc của thiên hạ. Tôi không đặt hoa hồng vàng vì hoa đó tôi chỉ tặng cho nàng tiên ắt vẫn còn đang bên Mỹ ấy. Tôi không mua hoa hồng Việt Nam. Vì chỉ có hồng Hàn Quốc mới không có gai nhọn, cánh hoa cứng khỏe, thân cây to vươn thẳng cao vững chắc, lá ít và được phân bổ một cách lịch sự. Tính vợ tôi người Hà Nội, lấy tiết kiệm là gia sách, nên lần nào cũng la bài hãi khi thấy có người giao giỏ hoa hồng đỏ to đùng, và lần nào cũng nghiêm khắc bắt tôi phải chụp hình bốn cuộn Kodak bằng máy ảnh Canon (còn nay thì với điện thoại thông minh phải chụp cho đủ 200 tấm) mất nửa ngày vì người mẫu phải thay xiêm y từ Việt Nam đến Ai Cập, từ Nam Cực giá rét đến Phi Châu khố lá, đổi kiểu chải bới tóc, cũng như thay màu son phấn, ắt để tôi mõi tay ngủ gục không còn dám đặt mua tiếp vào năm sau hoặc năm sau nữa.

Ba

Bây giờ tôi nói vào thân bài chính.

Tôi có một biệt tài mà các sinh viên Anh Văn trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh và giảng viên Anh Văn Vũ Thị Liên đều biết rõ: dạy học không bao giờ có giáo án. Khi dạy nhiều phân môn (như Lexicology, Composition, Literature and Civilization, Grammar, Translation, v.v.) tại nhiều lớp, tôi luôn dạy cùng một bài nhưng tị mỗi lớp luôn với nội dung giảng luận khác nhau, cho các thí dụ khác nhau, bày các đáp án khác nhau, và tất nhiên tất cả đều có chất lượng tuyệt hảo y hệt nhau. Điều này khiến sinh viên chăm chỉ thường trao đổi tập ghi chép với các sinh viên lớp khác để học được nhiều hơn. Sở dĩ tôi phá cách bài bản sư phạm Việt Nam như thế vì 3 lý do gồm (a) tôi khinh bỉ cái gọi là bài bản hạ cấp đó, (b) tôi có trí thông minh thiên tạo chứ không phải trí thông minh nhân tạo nên phải luôn thi thố tài năng ở bất cứ công việc nào tôi nhận thay vì như một robot được lập trình trăm thằng như một, và (c) sức sáng tạo của tôi về ngôn ngữ và hùng biện thì vô biên. Chuyện cho ra các câu thí dụ khác nhau là chuyện nhỏ. Cái đáng khoe ra ở đây là cái kiểu một đề tài thì ứng khẩu tuôn ra những bài luận mẫu khác nhau, biến giờ luận văn kiêm luôn luyện nghe đọc chính tả; và chế ra phương pháp Substitution Translation chưa hề có trên bản đồ giáo khoa thế giới để biến giờ luyện dịch kiêm luôn văn phạm viết văn. Chưa kể, sang lớp khác thì luận mẫu và đáp án dịch mẫu thì lạ hoắc, khiến các giáo viên đăng ký dự giờ bị buộc phải ở một trong hai thái cực: hoặc vì thán phục mà yêu kính tôi cứ nhìn tôi mà không ngừng chớp chớp hàng mi cong vút đầy ngưỡng mộ, hoặc vì ganh tức trong xấu hổ mà dành dụm sắm cán chổi để hất tôi ra khỏi trường. Khi nói thành công của bên này là thất bại của bên kia, ấy là nói theo kiểu cổ lỗ sĩ chứ trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh ôm hết cả hai: khi họ thành công đẩy tôi ra khỏi ngành giáo dục, họ dẹp tiệm luôn mấy phân môn tôi phụ trách vì đám giáo viên còn lại sợ hãi các môn ấy đến mức đi dạy bằng chân trần. Đúng thành ngữ chạy mất dép ấy mà.

Ấy vậy mà tôi lại có một yếu điểm trầm trọng từ chính cái gọi là tài năng không ai giống đó : tôi chẳng thể nhớ những sáng tạo sáng tác sáng chế sáng tối của mình. Chính vì vậy mà cái thói quen viết blog ứng thủ (ứng khẩu là mở mồm nói ngay không cần đọc giấy, còn ứng thủ là cầm bút viết ngay hoặc gõ chữ ngay không cần viết nháp) làm tôi mất biết bao bài viết do không thể nào nhớ lại để viết lại. Vì vậy, mấy trăm bài hùng biện tiếng Anh viết trên blog Aspiration của tôi trên yahoo!3600 coi như chẳng còn gì khi cái thằng yahoo!3600 khỉ gió ấy ngu đột xuất đóng cửa. May mà có Cô Lại Thu Trúc, vài học trò cũ, và chục người lạ ái mộ copy lại những bài họ đánh giá cao mà sau này thấy tôi thở than trên WordPress họ thương tình lục lại gởi cho khiến tôi thở phào mừng rỡ ít ra cứu vãn được vài bài.

Tôi có viết 11 bài tiếng Anh mỗi bài dài khoảng 20 trang nếu in ra, về từng người trong gia đình 11 người của chúng tôi, với nhiều hình ảnh minh họa của mỗi người. Tiếc là không bài nào được độc giá nào copy lưu lại cả, trong khi tôi lại không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Thế nên bài tiếng Việt dưới đây không như bài ca tụng mà tôi đã viết 20 năm trước bằng tiếng Anh tiểu sử của Ba tôi. Vài ngày trước, thiên hạ Âu Mỹ có Ngày Của Cha để họ sực nhớ chạy ra bưu điện mua thiệp in sẵn gởi về cho cha của họ ở một viện dưỡng lão nào đó. Tôi – và chúng tôi – thì xem ngày giỗ của Ba là Ngày Của Cha, ngày sinh nhật của Ba là Ngày Của Cha, ngày Tết là Ngày Của Cha, và ngày sinh nhật của mỗi người trong chúng tôi cũng là Ngày Của Cha nghĩa là dịp để chúng tôi quây quần thắp nhang cho Ba trước khi ra một nhà hàng của Nhật.

Bài này không kể về tiểu sử của Ba tôi như nội dung bài tiếng Anh thủa xưa.

Tôi có một niềm tin vững chắc từ kinh nghiệm thực tế bản thân (tiếng Anh gọi là first-hand knowledge để phân biệt với kinh nghiệm học từ sách vở hay người khác mà tiếng Anh gọi là second-hand knowledge) là thay vì nói hoài câu rẻ tiền chán ngắt của Âu Mỹ rằng “hãy cho tôi biết bạn kết bạn với ai, tôi sẽ cho biết bạn là con người như thế nào”, thì hãy dùng câu của Hoàng Hữu Phước của Việt Nam rằng “cứ nhìn cách bạn thể hiện là tôi biết Ba của bạn là con người như thế nào.

Cứ nhìn một tên quan tham nhũng cho đẩy va-li chèn cứng tiền vào nhà cha mẹ hắn gởi cất, tôi biết ngay cha mẹ hắn không bao giờ dạy con từ cuộc sống nghiêm khắc của bản thân và từ huấn lệnh gia nghiêm để nó biết thế nào là liêm khiết, trong sạch, danh dự tổ tiên giòng họ.

Cứ nhìn một tên quan tham nhũng cho xây biệt thự cho cha mẹ hắn mà cha mẹ hắn hoan hỷ mừng vui hưởng thụ, tôi biết ngay cha mẹ hắn không những không bao giờ dạy con từ cuộc sống nghiêm khắc của bản thân và từ huấn lệnh gia nghiêm để nó biết thế nào là liêm khiết, trong sạch, danh dự tổ tiên giòng họ; mà còn thơ ngây đến độ không hề biết rằng đồng lương “Nhà Nước” không bao giờ dồi dào hào phóng ngập ngụa đến độ ấy.

Tất cả những ai từng làm việc chung với tôi – trong đó có hai người tôi thường nhắc đến nhất trên blog này là vợ tôi (Vũ Thị Liên) và cô Lại Thu Trúc – đều ắt nhớ điểm nổi bật của tôi là tính thanh liêm.

Lúc ở Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi chấp nhận bỏ việc chứ không ăn của đút để gian lận thi cử tuyển sinh.

Lúc ở CIMMCO, tôi chấp nhận một xấp vải quần quà tặng của Tỉnh Đồng Tháp chứ không chịu ăn của đút nhiều chục ngàn USD, chỉ để bảo đảm thực hiện chuyến xuất khẩu gạo đầu tiên có giá trị thương mại của Việt Nam phải đạt yêu cầu cao nhất về chất lượng.

Lúc ở CIMMCO, tôi chấp nhận lao đao lận đận chứ không để nông dân Tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước) bị phá sản vì trò các công ty nước ngoài vu vạ chất lượng hạt điều xuất khẩu không đạt yêu cầu để hủy bỏ toàn bộ các hợp đồng đã ký.

Lúc ở CIMMCO, tôi chấp nhận mất việc chứ không chấp nhận việc hai tàu bột mì bị hỏng vón cục cập bến Nhà Rồng gây hại cho các công ty Việt Nam.

Lúc ở FOSCO, tôi chấp nhận mất việc chứ không chấp nhận để toàn bộ tài sản FOSCO bị tung hứng cho cái dự án điên rồ FOSCO Clinic (bịnh viện cho người nước ngoài).

Lúc ở Manulife, tôi chấp nhận mất việc chứ không để tình trạng tham nhũng lại quả mà từ lãnh đạo người nước ngoài đến những chức sắc người nước trong xà xẻo đục khoét dự án xây dựng tòa nhà Manulife ở Phú Mỹ Hưng.

Những “không chấp nhận” ấy của tôi sở dĩ giúp tôi “chiến thắng” – dù phải bỏ việc – là nhờ có các tố giác, các cung cấp tài liệu tối mật, của nhân viên dưới quyền tôi, nhân viên dưới quyền các lãnh đạo khác, sinh viên của tôi làm việc tại các công ty nước ngoài, cung cấp.

Họ cung cấp cho tôi vì họ biết tôi là người liêm khiết. Tiếc là tất cả các quan chức Việt Nam qua các thời kỳ từ 30-4-1975 đến nay đều giả tảng không hay biết gì, dẫn đến bao việc tầy huầy nhục quốc thể như hiện nay; và tất cả các đơn tố giác của tôi gởi các lãnh đạo Nhà Nước đều không có bất kỳ hồi âm nào cho tôi cả.

Tôi liêm khiết vì Ba tôi liêm khiết.

Tôi cũng thế này thế nọ vì Ba tôi thế này thế nọ.

Ba tôi chưa bao giờ dạy tôi phải tôn trọng luật đi đường khi sử dụng công lộ. Mỗi lần Ba chở tôi đi học bằng chiếc Mobylette nam màu vàng ngừng ở ngã tư, thấy ai vượt đèn đỏ, Ba làu bàu “Đồ Mọi Rợ!” Tôi cứ thế mà không thành “thằng mọi rợ”.

Ba tôi chưa bao giờ dạy tôi nên liêm khiết. Mỗi lần có vị mập thù lù đến nhà tìm Ba tôi lúc trời tối để to nhỏ nhờ Ba giúp sửa sổ sách kế toán nhằm trốn thuế. Ba lịch sự than thở bằng tiếng Pháp rằng dạo này sức khỏe suy quá không thức đêm được để từ chối. Khi mấy ông mậpđó ra về, Ba làu bàu “Đất nước này sẽ mất vào tay cộng sản vì mấy thằng dơ bẩn đê tiện này!” Tôi cứ thế mà không thành “thằng dơ bẩn đê tiện

Ba tôi chưa bao giờ dạy tôi nên ăn mặc tươm tất. Mỗi lần đi làm, Ba luôn thắt cra-vát, đi giày tây bóng loáng, chải đầu với bờ-ri-lăng-tin tóc láng mướt vào khuôn phép, dắt xe ra và đạp nổ máy, vui vẻ hân hoan như thể công việc Ba đang có cực kỳ quý giá vì nhờ nó Ba có tiền nuôi vợ và bảy đứa con. Tôi cứ thế mà hân hoan vui vẻ mối khi lên đường đi làm để không thành “thằng vừa không yêu nghề vừa không tươm tất..

Ba tôi chưa bao giờ dạy tôi nên tôn trọng phụ nữ, nên tôn trọng nữ quyền, nên bình đẳng giới. Ba tôi chăm sóc Má tôi rất kỹ lưỡng. Ba tôi chăm sóc các đứa con gái rất kỹ lưỡng. Ba tôi chăm lo cho bố mẹ vợ rất kỹ lưỡng. Ba tôi có ước nguyện khi trăm tuổi được nằm cạnh bố mẹ vợ. Tôi cứ thế mà chăm sóc từng li từng tí mấy đứa em gái, ở cơ quan thì bày ra các phúc lợi dồi dào cho nữ nhân viên thậm chí nếu thiên hạ ca ngợi gã nước ngoài nào đó tặng ổ bánh sinh nhật là cô tạp vụ khóc cảm động thì tôi bật cười vì tôi tổ chức tiệc sinh nhật đường hoàng hẳn hoi cho các nhân viên tạp vụ của tôi có sự tham dự của cả phòng ban để nhân viên tạp vụ ấy nhận nhiều quà hơn và thấy được tôn trọng hơ do chức sắc nào cũng thốt lên nhiều lời chúc tụng, có đi du lịch với moi người trong công ty thì lăng xăng xách giúp đồ cho nữ nhân viên nào yếu đuối; còn khi lấy vợ thì dành cho con bú (bình sữa), dỗ con ban đêm, tắm gội cho con, để vợ được ngủ yên giấc; v.v. và v.v. Rồi chúng tôi cứ thế mà không đưa Ba về quê Nội ở Cần Thơ mà về quê Ngoại ở Trà Ôn (Vĩnh Long) xin phép các cậu các dì cho phép để Ba yên nghỉ cạnh hai ngôi mộ của Ông Bà Ngoại.  

Ba tôi chưa bao giờ dạy tôi phải bảo vệ người yếu thế bất chấp cường quyền. Ba tôi chở tôi đi học và tôi cứ đến trường muộn chỉ vì Ba hay ngừng xe ngay để cứu người gặp nạn đã bị kẻ gây tai nạn bỏ chạy mất, hoặc Ba lủi xe vào quát mắng ầm ỹ đuổi xua bọn lưu manh đang bao vây túm xé áo dài một cô bé nữ sinh. Ba làu bàu khi chúng bỏ chạy: “Đồ mất dạy!”. Tôi cứ thế mà bảo vệ người dân yếu thế, bất chấp cường quyền, để không là “thằng mất dạy”.

Lời Ngỏ Cùng Ba

Ba ơi, trong cái Ngày Của Cha, toàn thiên hạ từ con gái của tên Barack Obama cho đến người nào đó ở Việt Nam nói toàn lời cảm ơn dành cho cha của họ, mà con thấy sao mà xã hội cứ toàn nhiễu nhương, đầy xấu xa, lắm xấu hổ thế kia? Hay là những người “cha” đó chỉ dạy đàn con của họ phải “khôn ngoan” để tồn tại, để biết làm ít hưởng nhiều, để không phải lao lung, để sung sướng bằng mọi giá?

Giá như những người “cha” đó được như Ba: chỉ làm gương hay chứ không nói giỏi.

Đó là lý do con luôn không kềm được sự phá ra cười mỗi khi nghe ai đó nói trong chương trình hành động lúc ứng cử của họ rằng họ sẽ “lời nói đi đôi với việc làm” nghĩa là nếu họ chẳng nói gì ghê gớm thì sẽ chả làm gì gớm ghê vì nước vì dân cả, trừ mỗi việc “lắng nghe ý kiến của dân” để làm cái việc “chuyển tải ý kiến của dân ra nghị trường” thay cho anh bưu tá. Ngay cả con cũng suýt cười trên tivi khi đọc chương trình hành động của con khi ứng cử Quốc Hội Khóa XIII vì buộc phải lập lại cái câu ấy, tuy con đã chế biến thành “Lời nói luôn đi đôi với việc làm, và việc làm luôn tốt hơn lời nói. Phải làm được nhiều hơn mới đáp ứng được các yêu cầu cấp bách của đất nước và dân tộc”.

Còn nội dung khác biệt con luôn muốn dõng dạc tuyên bố – nhưng chả dám nói vì sợ chúng ghét – sẽ chỉ là: “Tôi nói vì đã thực sự làm trong nhiều chục năm qua, đang thực sự làm, và sẽ tiếp tục làm, vì nước vì dân.

Lời nói đi đôi với việc làm” không tỏ rõ người phát biểu có thực tài chính trị để làm được hay không.

Tôi nói vì đã thực sự làm trong nhiều chục năm qua, đang thực sự làm, và sẽ tiếp tục làm, vì nước vì dân” tỏ rõ qua sự thật dễ dàng kiểm chứng rằng người phát biểu thực sự có hiểu biết chính trị sâu sắc, tư duy chính trị vì nước vì dân, nghiên cứu đủ đầy về chính trị thế giới, và thành quả cụ thể qua chất lượng các việc đã làm công khai.

Phong cách sống và làm việc trưởng thượng cao thượng của Ba là gương sáng cho phong cách sống của con.

Hoàng Hữu Phước, đứa con của Ba

Tham khảo:

Ngày Tình Yêu: Tình Yêu: 12 Loại Tình Yêu Trong Tiếng Anh  10-01-2016

Ngày Tình Nhân: Valentine  15-02-2018

Vợ Tôi: Hoàng Hữu Phước và Những Phụ Nữ Đẹp – Bài 3  21-01-2018

Lại Thu Trúc: Lại Thu Trúc  22-12-2015

Xấp Vải Quần Quà Tặng Của Tỉnh Đồng Tháp: 15.000 Tấn Gạo = 1 Xấp Vải Quần  09-01-2015

Vừa Không Yêu Nghề Vừa Không Tươm Tất: Cựu Nhà Giáo Hoàng Hữu Phước Viết Bức Tâm Thư Gởi Nhà Giáo Hiện Tại Và Tương Lai  09-4-2015

Chăm Sóc Những Đứa Em Gái: Hoàng Hữu Phước và Những Đứa Em Gái  06-02-2018

Phúc Lợi Cho Nữ Nhân Viên: Dưỡng Liêm và Nịnh Bợ  21-5-2019

Lấy Vợ: Đám Cưới  09-12-2015

Để Vợ Được Ngủ Ngon Giấc: Tôi Dạy Vợ  18-12-2015ư

Both comments and trackbacks are currently closed.