Rượu Bổ và Tarmac

Hoàng Hữu Phước, MIB, Nghị Sĩ Khóa XIII

06-6-2019

Mỗi lần Đoàn Nghị Sĩ Thành Phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội dự một kỳ họp Quốc Hội, hành lý phải đươc gởi đến Văn Phòng Đoàn tại 2bis Lê Duẩn, Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh, chậm nhất là trước khởi hành một ngày.

Đến ngày khởi hành – thường là giữa trưa – thì mỗi đại biểu đều có xe riêng của cơ quan Nhà Nước nơi họ làm lãnh đạo đưa ra Phòng Khách VIP A ở Phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi do là doanh nhân giàu hơn họ tỷ lần, nên sở hữu nhiều trăm ô-tô với nhiều trăm tài xế phục vụ, nên mỗi lần đi họp Quốc Hội, tôi ra phi trường bằng một chiếc ô-tô khác nhau do một tài xế khác nhau lái, chưa bao giờ tôi xếp lịch thiếu khoa học đến độ trùng lặp cho họ vì làm lãnh đạo phải minh bạch công tâm không thiên vị. Tôi chỉ yêu cầu tất cả họ phải thắt cra-vát màu xanh lá cây để tôi dễ nhận diện ra họ trong đám đông bát nháo mà thôi.

Trong một lần như vậy, tôi – và tất nhiên sẽ rất kỳ lạ nếu chỉ có tôi – bắt gặp cảnh tượng sau.

Trưa hôm ấy nhằm buổi đại tướng Trần Đại Quang kinh lý Thành Phố Hồ Chí Minh xong và ông cũng đáp cùng chuyến bay về Hà Nội.

Ở Phòng Khách VIP A có một sảnh lớn (là nơi tôi thay mặt Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và chính quyền Thành Phố Hồ Chí Minh thù tiếp và tiễn chân Ngài Phó Chủ Tịch Hạ Viện Thái Lan) và hai bên lối vào là hai phòng nhỏ có buông rèm dành cho lãnh đạo nào cao nhất đang có mặt trong chu vi Phòng VIP A vào đấy ngồi chờ đến chuyến bay hoặc để cách biệt bản thân với phần còn lại của thế giới thấp kém hơn mình.

Thường thì khi đến nơi, tôi vào sảnh chính – tất nhiên rồi, không phải vì tôi thù tiếp hay tiễn chân vị quốc khách nào cả mà vì đó là nơi có nhiều ghế bành nhất, và vì tất nhiên làm sao tôi lại vào phòng buông rèm dành cho vị nào vai vế cao nhất trong số đang hiện diện cơ chứ. Nhưng ngày hôm ấy, tôi đứng bên ngoài lối vào sảnh để nói chuyện phiếm với một vài nghị sĩ.

Khi đại tướng Trần Đại Quang đến, ông vào ngay phòng nhỏ buông rèm bên trái lối vào sảnh, hai cận vệ mặc thường phục sơ mi trắng bỏ ngoài theo sau. Một cận vệ xách hai túi nylon dày trắng tinh để xuống bên ngoài cửa vào phòng nhỏ đó. Khi miệng túi trể xuống, với sự tinh nhạy của người có biệt tài phân tích tin nhanh như chớp từng được mời tuyển vào ngành an ninh-tình báo, tôi nhận thấy mỗi túi có một hộp rượu rất sang trọng có kích thước 20cm x 20cm x 44cm, ngoài hộp in chữ tượng hình màu đỏ (có thể là chữ Hàn hay chữ Hán, không phải chữ Nhật) in nổi bật trên nền vàng vàng (tức vàng gold, không phải vàng chanh hay vàng đất hoặc vàng nghệ) bóng loáng điểm xuyết những hoa văn in nổi màu xanh lá cây đậm thành một kiệt tác hội họa bế hộp. Cũng hầu như ngay sau đó, một cận vệ trở ra xách hai túi ấy vào trong phòng buông rèm. Lúc đến thời điểm lên máy bay, đại tướng Trần Đại Quang và hai cận vệ là những người rời trước, sau đó mới đến đoàn nghị sĩ Thành Phố Hồ Chí Minh. Tất nhiên, đại tướng và đoàn tùy tùng ngồi khoang “business”, còn vài ghế “business” dành cho lãnh đạo Đoàn nghị sĩ (chỉ có hai lần tôi ngồi khoang “business” do VietnamAirlines in nhầm tên tôi vào vé “business” khiến một nghị sĩ chức sắc nào đó của chính quyền Thành Phố Hồ Chí Minh bị…mất ghế).

Do thời điểm đó đại tướng Trần Đại Quang là Bộ Trưởng Bộ Công An, tôi tin rằng hai chai rượu to lớn sang trọng ấy đương nhiên là “rượu bổ” và ắt do Giám Đốc Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh tức cấp dưới trực tiếp của Bộ Trưởng Đại tướng Trần Đại Quang gởi tặng.

Lúc làm giảng viên Anh Văn tại Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, tôi không bao giờ gởi tặng quà cho các tổ trưởng (tổ Dịch, tổ Văn Minh Văn Học Anh, tổ tùm lum tùm la vì tôi dạy quá nhiều môn), ban trưởng ban phó (tức trưởng ban  phó ban Anh Văn), khoa trưởng khoa phó (Khoa Ngoại Ngữ), phòng trưởng (tức trưởng phòng tổ chức cán bộ), trường trưởng trường phó (tức hiệu trưởng hiệu phó); tôi chỉ gởi tặng quà cho hai vợ chồng giữ xe quét rác sân trường có đứa con trai tên Tiến Sĩ (họ gì tôi quên mất, trước đây nhà ở khu tập thể giáo viên Khoa Nga Văn gần cột đèn giao thông góc Nguyễn Thị Minh Khai-Cao Thắng) cũng là sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh.

Lúc làm giám đốc FOSCO Khai Minh, tôi không bao giờ gởi tặng quà cho bất kỳ ai trong ban Tổng Giám Đốc, mà chỉ tặng quà cho tất cả các cấp dưới của tôi.

Lúc làm giám đốc ở Manulife, tôi không bao giờ gởi tặng quà cho bất kỳ ai trong ban Tổng Giám Đốc; nhưng luôn đem theo quà mỹ nghệ Việt Nam mỗi khi đi nước ngoài để tặng các lãnh đạo Manulife (vì bảo đảm 100% họ sẽ tặng tôi biết bao quà cáp do tôi là lãnh đạo được họ yêu mến hơn các lãnh đạo đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines, v.v., nên tôi phải đáp lại ngay) tôi sẽ gặp mặt (dựa theo chương trình làm việc thật chi tiết tôi đã nhận từ trước), và lần nào cũng mua hàng trăm cra-vát và hàng trăm khăn lụa phu-la quàng cổ để khi trở về tặng lực lượng nhân sự dưới quyền tại tất cả các chi nhánh (thật ra tôi chỉ cần mua 100 chiếc mỗi thứ nhưng biến thành 200 mỗi thứ vì bảo đảm khi về đến nhà lại thấy đẹp quá nên lần nào cũng giữ lại ít nhất thêm 100 cra-vát cho tôi dù đã tự chọn mua cho riêng mình 50 cra-vát rồi, và giữ lại 100 khăn phu-la tặng các nữ nhân trong đại gia đình nội ngoại gần xa và các người quen nữ).

Tóm lại, tôi (a) không bao giờ tặng quà cho cấp trên trực tiếp của tôi vì tôi không nịnh bợ bất kỳ ai, (b) không bao giờ tặng quà cho cấp trên trực tiếp của tôi vì đã là “cấp trên” thì thu nhập cao hơn cấp dưới và thu nhận biết bao quà cáp từ người khác nên hà cớ gì tôi phải nhọc công quan tâm đến cấp trên, (c) không bao giờ tặng quà cho cấp trên trực tiếp của tôi vì tôi muốn tất cả các nhân viên thuộc quyền nhìn thấy hiện tượng như thế từ đó được giáo dục để tự có bản chất tránh quà cáp cho tôi là cấp trên của họ, (d) không bao giờ tặng quà cho cấp trên trực tiếp của tôi vì họ cần tôi chứ tôi không cần họ thì sao lại phải lễ độ khúm núm giả lả quà cáp cho họ làm chi cho tốn tiền từ thiện, và (e) luôn quan tâm tặng quà cho cấp dưới để động viên họ.

Chính vì vậy, lời khuyên của tôi cho tất cả các Bộ Trưởng và các lãnh đạo cơ quan Đảng và Chính Quyền là: đừng bao giờ để cấp dưới có cơ hội tặng quà cáp cho mình. Lý do ư? Vì rằng:

1) Cấp của quý vị càng cao, giá trị của món quà càng gây nhiều tốn kém. Nếu kiểm toán chi phí của Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh rất có thể sẽ biết được họ đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua hai chai rượu khổng lồ đó tặng đại tướng Trần Đại Quang của họ. Số tiền ấy lẽ ra đã có thể giúp đỡ bao dân nghèo và bao gia đình của các chiến sĩ công an – thậm chí của các “anh hùng đường phố” – đã hy sinh khi trừ gian diệt bạo, thay vì chỉ làm giàu cho giới buôn rượu ngoại và có khi gây hại cho sức khỏe và thanh danh của chính quý vị. Đây là yêu cầu đại nghĩa.

2) Phim xã hội bộ Hàn Quốc luôn có cảnh các thùng táo quà tặng chỉ chất đầy tiền mặt để hối lộ các quan chức chứ chẳng có quả táo nào. Vì thế, đừng để bọn chống Việt cho rằng ở Việt Nam các thùng đựng chai rượu biết đâu chỉ chất đầy vàng bên trong chứ chẳng có chai rượu nào. Đây là yêu cầu đại trí trong tự vệ phòng thủ.

3) Việc đem các bình chất lỏng – nếu quả thực đó là chất lỏng –  lên máy bay đương nhiên là vi phạm quy định an toàn bay. Đã là chức sắc càng phải làm gương trong tuân thủ các quy định. VietnamAirlines đã vi phạm quy định an toàn bay khi đã không dám ngăn cấm các cận vệ của đại tướng Trần Đại Quang xách hai hộp chai rượu khổng lồ đó lên máy bay thay vì phải ký gửi trong khoang hành lý. Phải chăng sẽ lại có bão báo tấn công Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước nếu Nghị sĩ Hoàng Hữu Phước lúc ấy thực thi quyền nghiêm khắc cảnh báo với an ninh sân bay và kiên quyết yêu cầu VietnamAirlines phải bố trí chuyến bay khác liền kề với một ghế “nâng cấp” ở khoang “business” cho nghị sĩ Hoàng Hữu Phước để đền bù cho việc nghị sĩ này bị trễ chuyến do sai phạm của VietnamAirlines? Đây là yêu cầu văn minh hiện đại ở khắp nơi trên toàn thế giới.

4) Làm lãnh đạo của Nhà Nước nhất thiết phải sống như dân (nghĩa là sống như một người dân và như một công dân trong tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định, và đáp ứng các khuyến cáo mang tên “phòng chống” này “phòng chống” nọ), bỏ hẵn kiểu sống thì hoang phí xa hoa như vua, nhưng lại hay đến thăm dân nghèo để truyền thông có phim ảnh để tuyên truyền và thông tin. Đây là yêu cầu thượng tôn luật pháp.

5) Làm lãnh đạo của Nhà Nước nhất thiết phải ở đẳng cấp đã tu xong thân, đã tề xong gia. Tề Gia nghĩa là phải giáo huấn vợ con thân thích, không để con quan này vi phạm luật giao thông mắng công an và gọi phone ơi ới cho công an “sếp” đe nẹt công an tép riu nào đã dám phạm thượng tuýt còi, còn vợ quan nọ ra thần uy sấm sét bảo hầu cận cho xe Bộ chạy bon bon vào đường băng tarmac đón ngay chân cầu thang máy bay (trong khi nếu mệt mõi lết không được thì chỉ có thể nhờ xe cứu thương Bịnh Viện Bạch Mai vào tarmac khiêng chở đón về mà thôi) dễ tạo ra thuyết âm mưu (rằng bà vợ biết đâu buôn lậu chuyển hàng quốc cấm gì đó hoặc nhận va-li tiền vàng hối lộ gì đó nên mới núp bóng xe Bộ để công an sân bay không khám được hàng của còn công an ngoài đường thì đố dám chặn xe ) khiến bản thân lãnh đạo bị vấy bẩn, bị hồ nghi, thân danh bại liệt, không còn chút uy tín cỏn con nào với nhân dân và với Đảng. Đây là yêu cầu để không bị dân mắng là ngu phu xuẩn phụ.

Rượu bổ sẽ không còn bổ nếu là quà tặng trên mức tình cảm được mua từ tiền thuế của dân và được ngang nhiên xách lên máy bay khi máy bay đó loại thương mại chứ hoàn toàn không phải là “chuyên cơ” hoặc máy bay riêng của vị lãnh đạo đó để mà có quyền đưa đồ vật riêng, con vật riêng, hay con người riêng lên trên đó.

Đón tại tarmac sẽ chẳng là điều vinh dự gì khi máy bay đó loại thương mại mà tất cả các hành khách ngồi ghế hạng nào thì bỏ tiền ra mua đúng hạng ghế đó và được hưởng quyền lợi như nhau, chứ hoàn toàn không phải là “chuyên cơ” hoặc máy bay riêng của vị lãnh đạo đó để mà có chỗ đậu riêng và được đón riêng.

Rượu bổtarmac chỉ là chuyện nhỏ như cọng cỏ, lổ nhỏ nơi đáy thuyền. Chúng chưa chắc làm hại sức khỏe nhưng chắc chắn sẽ làm hại thanh danh. Cọng cỏ có thể lan ra đến độ thuốc diệt cỏ của Mông Săn To (Monsanto USA) cũng chào thua. Lổ nhỏ vẫn sẽ làm đắm thuyền. Và nếu không quên đất nước này trong quốc hiệu có chữ “xã hội chủ nghĩa” thì lẽ ra không được quên rằng kẻ thù đang rình rập khắp nơi để đập nát “chủ nghĩa xã hội” mà hành động vô tư vô tâm của giới lãnh đạo Nhà Nước lại như với rượu bổtarmac sẽ là cung kính dâng tặng cho kẻ thù chiếc cọ cán nạm ngọc lông ướt sũng dầu hắc hảo hạng quét lên khối chữ VIỆT NAM được xây bằng gạch khổng lồ vốn khởi thủy còn mang màu trắng khiết thanh.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nghị-sĩ Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam Khóa XIII

Both comments and trackbacks are currently closed.