Nhớ Đến Những Người Dân

Lăng Tần Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế, Nhà Lập Hiến & Lập Pháp Nước Cộng-Hòa Xã-Hội Chủ-Nghĩa Việt-Nam, Nhà Tư-Tưởng Xã-Hội Chủ-Nghĩa Thiên Khổng

24-4-2019

Khi viết về những nghị sĩ đồng liêu với tôi ở Quốc Hội Khóa XIII, tôi đã viết trước về vài ba vị, và sang năm 2019 này viết thêm về vài ba vị khác. Tuy có khoảng cách thời gian giữa những lần viết đó, cái cốt lõi của sự thật luôn là: tôi mãi nhớ những gì các vị ấy hoặc đã dành cho tôi, hoặc đã dành cho dân tộc Việt Nam, hoặc cả hai. Mà tất cả là những ký ức của sự pha trộn của lòng kính trọng, sự mến phục, và cả sự biết ơn. Đó chính là hồi ức đẹp, sự nhớ về cái đẹp của mối quan hệ cá nhân.

Tuy nhiên, trên cả những hồi ức về các nghị sĩ tốt đẹp ấy là hồi ức về những người dân tốt đẹp, vì rằng tất cả các nghị sĩ ấy toàn là những quan chức cấp cao và cao cấp mà hàng rào quy định của Đảng không cho phép họ được tự do khi phục vụ nhân dân khiến họ chỉ được phép ký chuyển đơn thư của dân, rồi bó tay nhìn sự khiếu nại trôi theo giòng năm tháng.

Tôi – và vợ tôi – luôn nhớ đến những người dân tốt đẹp, dù không phải đối với ai tôi cũng cho rằng mình nên nêu tên thật của họ ra đây vì bọn báo gian và bọn vô giáo dục rất có thể sẽ đi lượm đá long tróc ra từ những ổ khủng long trên những con đường cao tốc sang trọng hiện đại xa xỉ để ném vào những người dân tốt đẹp ấy. Dưới đây tôi ghi lại đại khái về vài người dân mà vợ tôi ắt rồi cũng sẽ giúp tôi giúp họ tiếp tục được nhớ đến dù chỉ bởi chúng tôi trong cuộc đời này. Đó chính là hồi ức đẹp, sự nhớ về cái đẹp của tình nghĩa trong phục vụ người dân yếu thế.

1) Vào một đêm không trăng sao năm 2015 khi tôi được đưa vào một bịnh viện nhỏ nọ để cấp cứu, nhân viên trực là một nam y tá trẻ, cao gầy, người dân ở một tỉnh Miền Trung. Khi đọc hồ sơ thấy tên bịnh nhân, người ấy đã hỏi vợ tôi: “Cô ơi cô, có phải đây là đại biểu Phước không?” Vợ tôi tuy nghiêm túc nghe lời dặn của tôi từ trước là đừng bao giờ tiết lộ với người không quen biết rằng tôi là ai, đã phải gật đầu. Và người y tá đó đã ngay lập tức gỡ bỏ khẩu trang, đến bên tôi mà khóc rằng: “Bác ơi, đừng có sao nhe bác. Ba của con ngoài quê rất thương bác. Bác đừng có sao nhe bác.” Đến khuya, khi tôi được đẩy nhanh ra xe cứu thương để chuyển lên “tuyến trên”, người y tá ấy vẫn vừa khóc vừa men theo vịn một bên cáng vừa nói: “Bác đừng có sao nhe bác!” Sau đó, trong ánh sáng tù mù khi cửa sau của xe đóng sập lại, tôi chỉ còn nhìn thấy vợ tôi và chỉ còn nghe tiếng còi hụ cứu thương cùng tiếng mưa lộp bộp bắt đàu rơi trên nóc xe.

Tôi không chỉ nhớ những nghị sĩ đồng liêu tốt đẹp và viết về họ, mà tôi còn nhớ đến cháu, người ý tá trực đêm phòng cấp cứu ở bịnh viện nhỏ ấy. Cảm ơn cháu, vì những giọt nước mắt và tiếng khóc của cháu là quà tặng rất lớn lao cháu dành cho tôi mà tôi sẽ mãi nhớ suốt cuộc đời này. Mến chúc cháu mãi an vui, luôn hạnh phúc.

2) Một tuần sau sự việc trên, lúc còn ở bịnh viện “tuyến trên”, thấy tôi vừa giật mình tỉnh giấc, vợ tôi đưa điện thoại cho tôi vì lúc ấy có cuộc gọi đến. Đó là công dân tên Hồ Thị Kim Chung ở Hà Nội mà tôi đã tích cực giúp khơi lại một vụ trọng án tôi từng nói đến trước đây. Khi mong chờ gặp tôi ở Nhà Khách Trung Ương Đảng 8 Chu Văn An và biết tin tôi không thể ra dự kỳ họp Quốc Hội do “ốm nặng”, chị đã kiên trì gọi hàng chục cuộc cho tôi mà không được. Nay chị khóc qua phone khi lần đầu tiên nghe giọng nói của tôi. (trước đó, các liên lạc toàn qua các bức thư của tôi hướng dẫn chị sửa lại đơn khiếu tố và cung cấp cho tôi các tài liệu khác mà tôi cần để giúp chị mạnh hơn). Qua ngày hôm sau, chị lại phone, nhanh nhảu hỏi địa chỉ của tôi, vì chị đã theo bài thuốc gia truyền nấu một tô thịt tim heo cho tôi, đem tô ấy vào các chùa và các đền xin các sư các thầy “làm phép”, và muốn gởi phát chuyển nhanh cho tôi. Tất nhiên, tôi từ chối, trấn an chị rằng vợ tôi sẽ theo lời chị vừa hướng dẫn mà nấu tương tự như vậy cho tôi ăn, chứ chị đừng gởi vì tốn kém và vì nhà tôi ban ngày không có ai để nhận bưu kiện, v.v. Mấy tuần sau, lúc gia đình đưa tôi vào một khu nghỉ dưỡng, tôi có nhận được phone của chị, nhưng ở đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông, rằng: “Có phải đại biểu Phước không ạ? Em là chồng của Chung. Bác đại biểu ơi, nhà em vừa mất hồi đêm! Cô ấy đã kêu em phải hỏi thăm xem bác đại biểu đã khỏe chưa và khi nào ra Hà Nội hop. Cô ấy rất biết ơn đại biểu đã lắng nghe và can thiệp vụ án giết em trai của cô ấy xảy ra mấy mươi năm trước….” Đầu năm 2016 khi chống gậy ra Hà Nội dự kỳ họp cuối cùng của Khóa XIII, tôi phone cho chồng chị Chung, xin đến thăm gia đình và thắp nhang viếng chị Chung, song không ai bắt máy. Tôi viết thư, ra trước Nhà Khách, gặp một cựu chiến binh chống Pháp và Mỹ hành nghề “xe ôm” nêu rõ sự tình, nhờ đem đến nhà chị Chung trao hộ thư, dặn nếu nhà vắng người thì xin hãy nhét thư qua khe cửa. Tôi phải thuyết phục lắm, người cựu chiến binh ấy mới chịu nhận từ tôi số tiền 100.000 đồng. Ông bảo hôm ấy ế khách quá nên định ra về, mà có đi ngang khu phố ấy nên do cảm kích “đại biểu đến tìm dân nghèo trong ngách sâu” nên nhận đi giao thư miễn phí do tiện đường, nay “nếu đại biểu bảo tiền này không phải là trả công xe ôm chuyển thư mà đó là tiền đại biểu nhờ gởi lì xì cháu nội cháu ngoại của tôi thì tôi xin vậy”.

Tôi không chỉ nhớ những nghị sĩ đồng liêu tốt đẹp và viết về họ, mà tôi còn nhớ đến chị, người phụ nữ nhiều chục năm kiên trì đeo đuổi đòi công lý cho đứa em trai đã bị giết giấu mất xác, người công dân đã có thiện tâm vì muốn tôi qua cơn bạo bệnh đã phải tìm đến các cơ sở tâm linh với một tô thịt chứ không với tô thuốc thảo dược. Cảm ơn chị, vì những giọt nước mắt và sự lo toan của chị là quà tặng rất lớn lao chị đã để lại cho tôi mà tôi sẽ mãi nhớ suốt cuộc đời này. Kính cầu mong chị yên nghĩ chốn vĩnh hằng, gặp lại người em trai chị đã bao xiết nhớ thương; và xin hãy rộng lòng tha thứ cho tôi đã đơn thương độc mã không thể giúp chị có được công lý.

3) Một công dân khác ở đường Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, là một lão ông tên Lý Vĩnh Bá trên 90 tuổi mà tôi có nhiều lần nhắc đến trước đây. Vụ khiếu kiện của Bác là do khi con trai bác là một nhà kinh doanh có nhiều công ty và tài sản qua đời, con dâu bác chấm dứt chu cấp cho cha mẹ chồng. Bác kiện ra Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh để yêu cầu tiếp tục hàng tháng được nhận chu cấp như lúc con bác còn sống. Tòa không xử với lý do toàn bộ giấy tờ tài sản đất đai nhà cửa và cổ phiếu của con trai bác đã được con dâu bác gởi hết cho con gái (cháu nội của bác) đang học tập bên Mỹ và cô bé không có ý định trở về Việt Nam nên “không có cơ sở” nghiên cứu xét xử “chia gia tài”. Thế là trong hàng chục năm khiếu tố của ông cụ, thấy ông cụ không chịu cưỡi hạc quy tiên mà kiên trì quấy rầy tòa án, Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh đã phải gởi thư mời cụ nhiều lần đến tòa, rồi bày trò bảo cụ cung cấp địa chỉ các căn biệt thự mà cụ cho là của cải của con trai để tòa đến điều tra. Nhưng lần như vậy, cụ ông đứng ngoài nắng từ sáng đến quá trưa, gọi điện cho “thư ký tòa án” thì không ai trả lời, gọi xe đến Tòa gặp “thư ký tòa án” thì đấng ấy bảo: “Bận quá. Về đi, hôm khác sẽ mời lại”. Lần cuối cụ ông đến tòa là gặp viên thư ký ấy. Theo lời uất ức cụ kể lại cho tôi thì: “Nó quăng ra bức thư can thiệp của đại biểu. Nó nói đụ mẹ mầy! Mầy tưởng thằng chó Phước này dụng được tới bọn tao hả?” Cụ bức xúc vì cụ đáng tuổi ông nội tên thư ký tòa án ấy vậy mà bị hắn chửi “đụ mẹ mầy”. Tôi đã lập tức gởi thư cho Phó Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh Nghị Sĩ Khóa XIII Huỳnh Ngọc Ánh kể lể sự tình, với các phó bản gởi Văn Phòng Đoàn Đại Biểu Thành Phố Hồ Chí Minh cho Nghị sĩ Trưởng Đoàn Khóa XIII Tiến Sĩ Huỳnh Thành Lập. Tất cả đã im lặng cho đến ngày nay. Cụ Lý Vĩnh Bá đã gởi tặng tôi một hộp bánh Trung Thu, bảo rằng cụ không tưởng tượng có vị đại biểu nào lại lăng xăng đến nhà dân giúp dân sửa lại nội dung đơn khiếu tố, để rồi đưa đầu ra chịu bị nhục mạ lây, như vậy. Tôi thường xuyên gọi phone cho cháu ngoại của cụ, chỉ để nhận câu “Tụi nó ăn tiền hết rồi đại biểu ơi”. Và nghĩ đến cụ lúc ấy trên 90 tuổi mà nay đã qua hơn nửa thập niên, tôi không dám gọi điện đến gia đình cụ nữa. Chỉ cầu mong nếu cụ có sống lâu trăm tuổi hay không thì xin cụ hãy tha lỗi cho tôi vì tôi đơn thương độc mã không quyền lực không thể làm gì hơn được.

Tôi không chỉ nhớ những nghị sĩ đồng liêu tốt đẹp và viết về họ, mà tôi còn nhớ đến cụ, người nhiều chục năm kiên trì đeo đuổi đòi công lý cho sự hiếu đạo phụng dưỡng cha mẹ chồng. Cảm ơn cụ vì đã không trách tôi bất tài vô dụng không thể đòi công lý cho cụ và cụ bà được chu cấp trong những năm còn lại của cuộc đời, mà thay vào đó là sự cảm thông áy náy của cụ khi tận tai tận mắt chứng kiến việc “thư ký tòa án” thóa mạ tôi vì đã dám đơn thương độc mã chống lại “công lý mafia”.Tôi sẽ mãi nhớ đến cụ suốt cuộc đời này.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Tham khảo:

A) Vụ khiếu tố của công dân Hồ Thị Kim Chung ở Hà Nội năm 2014: Công Dân Hồ Thị Kim Chung

B) Vụ khiếu tố của công dân Lý Vĩnh Bá được nhắc đến trong 6 bài viết trước đây có liên hệ đến Nghị Sĩ Khóa XIII Phó Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh Huỳnh Ngọc Ánh, điển hình qua và tại:

1– Thư ngày 18-7-2013 gởi ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh, Đoàn ĐBQH TP HCM, với nội dung về “Vụ án Số 470/2010 TLST-ST ngày 01-11-2010 của Tòa Án Nhân Dân Thành phố liên quan đến nguyên đơn Lý Vĩnh Bá”

2– Bài Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước Báo Cáo Với Nhân Dân Công Tác Nửa Đầu Nhiệm Kỳ 2011-2016, 29-4-2014

3– Bài Hậu Sự Cố Luật Hình Sự 2015 – 9 Yếu Kém Trong Làm Luật Của Quốc Hội Việt Nam 03-7-2016

cũng như qua vài trong nhiều bằng chứng sau:

Both comments and trackbacks are currently closed.